/Rượu suông đắng nỗi nhớ nhà. Ta ngồi uống với mình ta hững hờ/ Thơ QUANG HUY

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

Về thơ văn TNT

TÔ NGỌC THẠCH “BIÊN BẢN THỜI GIAN” VỀ CHÂN DUNG - MỘT “NHÀ VĂN QUÊ TRẠNG”

Anh coi trọng cái tình. Anh thường xuyên thăm hỏi người ốm, kẻ đau, giúp đỡ anh em khó khăn, vất vả…

Nhà thơ Kim Chuông

 

TÔ NGỌC THẠCH

“BIÊN BẢN THỜI GIAN”* VỀ CHÂN DUNG

MỘT “NHÀ VĂN QUÊ TRẠNG”

                                           

       Trên quê hương Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, đất Vĩnh Bảo, Hải Phòng, trong hơn chục Nhà văn đồng hương được coi như “một lứa bên trời”, tôi và Tô Ngọc Thạch có riêng “kênh” gắn kết.

       Tô Ngọc Thạch, chàng trai quê làng Nội Tạ, An Hoà, Vĩnh Bảo có gương mặt sáng đẹp. Một nước da trắng hồng, giọng sôi nổi, cởi mở. Đôi mắt nhìn như có lửa và sắc. Mới gặp, ai đó đồ rằng, “thần thái” này, anh là người của cơ quan hành pháp. Nhưng, ở khoảnh khắc đối thoại vẻ dè chừng thật chóng vánh kia, nhà khoa học này lại mang “máu thi sĩ” ấy dễ làm cho người xung quanh cảm được cái gần, cái chân thành bởi nét miệng cười hồn nhiên, tươi tắn. Nó lung linh, tự làm ảo và xoá đi cái ranh giới mong manh như thế.

Tô Ngọc Thạch tuổi Canh Dần. Anh sinh vào những năm đất nước đang đói nghèo, giặc giã. Làng Nội Tạ, An Hoà quê anh nằm bên bờ Bắc sông Hoá. Nhà đông người. Ông nội và Bố là “Người lái đò trên sông chữ”. Khi Ông nội mất thì Tô Ngọc Thạch mới đang tập đánh vần với từng trang sách. Bố luôn xa nhà, còn “Mẹ lui cui gieo ước mơ hai vụ mùa chiêm”. Tuổi nhỏ của cậu bé họ Tô đã sớm phải “kéo cày” vì miếng cơm, manh áo. Nhiều năm trời, sau buổi học về, hay những ngày nghỉ, Tô Ngọc Thạch phải lần mò khắp bờ sông, bãi sú, rồi tối tối, gánh lỉnh kỉnh trên vai những “rọ”, những “lờ” đi đơm tôm, bắt cá để tìm “Miếng cơm manh áo tướp nhàu thời gian”

        Có những đêm vào kỳ nghỉ hè, từ Vĩnh Bảo, Hải Phòng quê anh, Tô Ngọc Thạch qua sông Hóa. Bên kia là Phụ Dực, Thái Bình. Thông thường, đặt lờ xong, Thạch phải tìm vào ngôi chùa nào đó hay cửa điếm canh đê ngủ tạm. Tờ mờ sáng hôm sau, khi chợt nghe canh gà bất chợt vẳng lên, anh lại vội choàng dậy, bước thấp bước cao đi thu “gánh rọ.” Chút cá mú bắt được, anh kịp mang về cho mẹ đem ra chợ bán, thêm cặp vào “gia cảnh” từng mớ rau, bơ gạo hằng ngày.

Là trai lớn trong nhà, sau Thạch còn khá đông em nhỏ. Bởi vậy, cậu không còn diện “ưu tiên,” chiều chuộng của mẹ. Thừa hưởng gien di truyền của bố là giảng viên văn học, Thạch lại được bà nội giành cho sự yêu thương đặc biệt và anh “Theo Bà nội sàng nỗi buồn trong đất. Nhặt câu đồng dao làm gối ngủ cho mình” (Tổ khúc Xibia).. Trong vô thức, giống như hạt phù sa lặng thầm tìm về bến bãi, bà nội Thạch tự lúc nào đã vun trồng, cấy gieo và kết tụ nên giọt nhỏ lung linh nơi tâm hồn trong xanh, thơ trẻ của Thạch.

 Được hưởng nền giáo dục của một gia đình “gia phong”, Nho giáo, bà nội Thạch ham đọc sách, yêu văn thơ. Bà thuộc làu truyện Kiều, truyện Hoàng Trừu, Tống Trân Cúc Hoa, Chinh phụ ngâm và rất nhiều chuyện cổ tích, điển tích khác. Cho đến bây giờ, trong xa lắc, Tô Ngọc Thạch còn ngỡ như mình đang nghe rất gần đâu đó, giọng bà thật ấm áp mà da diết trong lời ru, câu hát, trong vần thơ đằm say đưa vào giấc ngủ ấu thơ.

Thạch làm thơ từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Những câu thơ ban đầu là tâm tình đơn giản, bộc bạch. Chữ Thạch viết khá đẹp. Anh có riêng một tập thơ chép tay, thơ của các nhà thơ Đông Tây, kim cổ mà anh mê say như đắm đuối “một người tình”. Thạch tự trình bày, minh hoạ rồi mang nó theo suốt những năm chiến trường, trận mạc, coi như một “cẩm nang” quý hiếm.

       Hồn thơ Tô Ngọc Thạch được nhóm nhen, khơi mở từ bàn tay bà nội. Thạch thầm lặng viết, cất giấu tâm tình tràn đầy “niềm yêu” của những ngày thơ trẻ. Có thể, Tô Ngọc Thạch chưa dừng lại nghĩ nhiều, nhưng anh biết, thơ với anh là phút lung linh, ăn khớp được hiện hình từ tim anh “xao động”. Từ cuộc sống thật giàu có tâm tình và thi vị của cái làng Nội Tạ, nơi tháng ngày anh đang đi cùng nắng mưa, khổ nghèo với bao nhiêu người anh em, bà con, họ hàng thân thích.

Thơ sớm có nơi góc lòng là vậy. Nhưng ở trường, Tô Ngọc Thạch lại là cậu học sinh giỏi khá toàn diện, đặc biệt là những môn khoa học tự nhiên. Từ năm học cấp Hai trở đi, mấy xã mới có một trường, Thạch phải dậy sớm cuốc bộ từ khá sớm với quãng đường xa vài cây số và khi học đến cuối cấp Ba thì còn phải đi xa hơn, phải qua đò, vượt sông. Có những sáng nhịn đói, có ngày còn vét vội được bát cơm nguội “cầm lòng” rồi vội vã ra đi. Những hôm mưa bão, nhỡ đò… anh phải trút quần áo, sách vở đội lên đầu mà bơi qua sông để kịp giờ đến lớp.

Năm tháng. Quê hương. Đời mình. Rồi “cái nghèo, cái khó” là thế! Đấy là lời “tự thán” đã găm sâu và sớm vang lên trong lòng Tô Ngọc Thạch, cậu học trò mới mười mấy tuổi đầu. Một vật cản, nhưng chính nó lại làm nên động lực bắt buộc Thạch “phải tự cứu lấy mình”.

Với bằng tốt nghiệp cấp ba xuất sắc, Tô Ngọc Thạch trúng truyển vào đại học, nhưng “Đất nước cam go nhói buốt chiến tranh. Lớp lớp lên đường vượt Trường Sơn đi vào tuyến lửa” (Tổ khúc Xibia), nên anh đã quyết định “Gác giấc mơ xanh đi gìn giữ quê nhà” (Tổ khúc Xibia). Chàng sinh viên từ giã mái trường Đại học và khoác lên mình “Màu áo xanh quân phục” trở thành pháo thủ số một pháo mặt đất của một đơn vị đang huấn luyện cấp tốc để kịp bổ sung cho chiến trường vào Nam đánh giặc.

Bây giờ với Thạch, tất cả chỉ còn là phía trước. Đêm ngày hành quân và luyện tập. Đồng bằng, rừng núi và tất cả địa hình. Nòng pháo đè trên vai trên ba mươi cân. Thạch cao trên mét sáu, nặng trên bốn mươi cân. Đường tiến công đã đưa Thạch từ mái trường đại học nhập vào đội quân trùng điệp, vượt qua những trận đánh dọc đường. Những đợt bom ngút trời trước mặt. Thạch trực tiếp tham gia chiến đấu, góp niềm tự hào cùng đồng đội vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước…

Nối vào đời lính, sau đấy, Tô Ngọc Thạch có dịp trở lại trang sách, say mê nơi “cửa Khổng, sân Trình”. Có tới hơn chục năm trời dài dặc, trên nước Nga - Xô viết, Tô Ngọc Thạch có niềm vui, niềm vinh dự được gửi gắm, gắn bó như đất mẹ, như quê hương thân thiết của mình. Khi là nghiên cứu sinh ngành chế tạo máy. Rồi trở thành một nhà khoa học vốn đã được đào tạo và trải nghiệm qua thực tiễn nhiều năm. Khi đằm mình suốt tháng ngày với tuyết trắng vùng Xibia lạnh giá. Khi rong ruổi đến cạn mòn những mùa thu vàng ở xứ sở Bạch Dương…

Bây giờ, dấu chân Tô Ngọc Thạch đã trải dài có tới năm châu, bốn biển. Ý thức cho lối mở “đường đời” hay mỗi con người đi trên “cõi thế” này cũng có tuần, có vận? Ai biết, một thời trẻ, đánh giặc xong rồi, Tô Ngọc Thạch vẫn bám chặt cái nghĩ: “Mình nghèo”. Anh quan tâm đến bước chân thứ nhất. Anh gắng sức xây dựng cho mình nhất định phải có được cái gốc, cái nền của “đời sống kinh tế” nào đó, đặng làm cơ sở, đòn bẩy cho những gì là “thăng hoa” được cất cánh bay lên. Bởi vậy, một thời Tô Ngọc Thạch đã nổi tiếng với bạn bè trong và ngoài nước niềm say mê tìm kiếm, chế tạo các loại thiết bị, máy nhằm phục vụ ngành công nghiệp cũng như đời sống xã hội.

Có được bước song hành đều đặn, nhiều bạn bè quý yêu và “phục” Tiến sỹ, Nhà thơ, Dịch giả Tô Ngọc Thạch ở hai “cuộc chiến” đều cần tới sức bật quyết liệt, chứ không thể “nước chảy bèo trôi” hay kiểu “mờ mờ nhân ảnh” ở “hai mảnh tâm hồn” nằm trong một “sức lực gánh vác”;.

Bao năm rồi, Tô Ngọc Thạch vẫn lo chế tạo máy, sáng tác thơ văn. Rồi, dịch những áng văn học Nga nữa. Nhưng, mãi năm 1998, lần đầu tiên, Tô Ngọc Thạch mới tập hợp cho in tập thơ “Gọi đò” ở Nhà Xuất bản Lao động. Mặc dù, trước đó, Tô Ngọc Thạch đã “ứng thí” và “đoạt” giải Nhì Cuộc thi Sáng tác Văn học do Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô (trước đây) và Hội Nhà Văn Việt Nam tổ chức.

Cái duyên văn chương hay con đường văn nghiệp có quy luật riêng của nó. Khó có thể đổ lỗi cho tháng năm, cho những khi “người đóng vai trò chủ thể” đang mải mê, bận hoặc say đắm “ngả nào”. Nhiều lúc “đầy” thời gian, lại nhàn tản thế kia, có khi vò nát óc lại chẳng có một chữ. Người sáng tác văn học chẳng khác gì người săn tìm, khai thác quặng. Cuốc mãi. Đào mãi. Khi nhát cuốc chạm vào đúng vỉa. Lại đúng “thời” của nhịp dạt dào, phát sáng của đất trời, của hồn người, của thánh thần “nhập vào” và xui khiến…Lúc ấy, nó cứ tuôn, cứ chảy. Cản ngăn ư, đâu phải chuyện dễ nào. Văn chương, “nó” tự nguyện, tự thân và có quy luật riêng, là thế.

Nhưng thôi. Văn chương đâu kể gì sớm muộn. Chỉ biết, Tô Ngọc Thạch đã “ủ ngọn lửa văn chương” trong con tim say đắm của mình tới mấy chục năm ròng, để rồi, khi dòng chảy đã dồn vào “mắt bão” thì “một chàng tiến sĩ”, hay “một chàng thi sĩ họ Tô”, quê Trạng Trình đất Vĩnh Bảo, Hải Phòng này đã có hai cánh bay vi vút.

Bây giờ, Tô Ngọc Thạch được đi nhiều, hiểu nhiều. Anh có một chặng đường thơ nghiêng về ôm trùm “cái Ta”. Thơ “nhật trình”. Thơ hướng ngoại.

Với Tô Ngọc Thạch, sáng tác thơ được khởi sắc và nhìn rõ từ tập thơ mang tên “Bước nắng”. Từ bài thơ hay viết về “Sông Hóa”. Đây là ý thức “mở” trong cánh cửa thơ anh.

Từ ký ức t­ươi non, trong trẻo nhất của đời ngư­ời cầm bút, Tô Ngọc Thạch đã tạo được cái đồng vọng trong câu thơ viết về “Sông Hóa”:

Vịn giấc mơ, lần bờ thời gian tìm về sông Hóa

Câu đồng dao chằng tôi vào quá khứ

Phù sa nồng thơm tuổi học trò.

Mang vía hồn của con tim thi sỹ, Tô Ngọc Thạch hăm hở bước giữa cuộc đời, thơ anh tự hát lên tiếng hát, đôi khi cầu kỳ mà điệu đàng nữa. Chúng ta hãy nghe nhà thơ bộc bạch:

 Tôi dắt gió hoang m­ưa dại

 Lênh đênh trên con tàu ký ức

 Vượt trùng d­ương về phía bến Mơ

               (Bến Mơ)

Rồi:

Phím thời gian

Khoác tấm áo phong phanh

Gõ vào câu ca đồng nội   

                (Phím thời gian)

Lấy cái duyên từ nghệ thuật ứng xử ngôn từ, Tô Ngọc Thạch ngắm nhìn thế sự, sẻ chia buồn vui với năm tháng, cuộc đời. Thơ anh ngổn ngang như­ những trang ký sự. Đây là những đối diện, những thấu hiểu nỗi nhọc nhằn của những cuộc mưu sinh nhân thế:

Đời doanh nghiệp thuyền lênh đênh trên biển

N­ước xanh ngằn ngặt một màu

Bụi thời gian bạc trắng lo âu

               (Gió thị trư­ờng)

Hoặc:

Có kẻ cược cả hệ mặt trời

Để kiếm tìm cuộc sống xa hoa

Có kẻ c­ược dải Ngân Hà

Cược trái đất vào ván bài đang khát

        (Casino)

Ở dạng thơ này, Tô Ngọc Thạch có hàng loạt bài: “Gió thị trư­ờng, Góc Sở Khanh, Bản nháp Quảng Châu, Sô diễn ở Pattaya, V­ườn đêm, Lời ru xa xứ, Tổ khúc Xibia...” thật ngồn ngộn thi liệu. Thơ ở đây biểu lộ sự giàu có của hồn anh với khả năng khám phá chính mình ở cảm xúc, ở liên t­ưởng và hình ảnh hình tượng:

Ví như:

Khoảng trời em m­ưa

Làm anh ư­ớt áo

Từ thuở xa x­ưa

Đến giờ chư­a ráo

      (Khoảng trời)

Hoặc nhà thơ chính là “Mảnh trăng gầy”, là kẻ đa tình này trên dòng sông cuộc đời - Khát vọng.

Em thả bùa mê dọc triền ph­ương Bắc

Bên bờ Nam lấp loáng mảnh trăng gầy

Anh quăng l­ưới vớt mảnh tình trong vắt

Đến mỏi mòn tình vẫn trắng tay

                  (Đôi bờ sông Cấm)

Bên cạnh sự bộc lộ khả năng một thế mạnh của cảm xúc, ở những bài “Nhịp trống hội làng, Casino và tiêu biểu là Tổ khúc Xibia”… Tô Ngọc Thạch còn đ­ưa thơ hư­ớng về văn xuôi để mạch thơ mở, có sức chứa và vang. Thơ không những là hoa, quyến rũ ở dáng ngọt mềm, nó còn là thứ hoa “Rắn” trong mảnh v­ườn đa sắc.

Nhìn chung, thơ Tô Ngọc Thạch luôn phóng túng, có cường độ chuyển tải những sự kiện xô bồ của đời sống thực tại. Tô Ngọc Thạch th­ường dùng lối bỏ lửng, lối kết cấu đậm mờ ở chi tiết thơ, ở tứ thơ, ở hai chiều âm dương, tối sáng…       

Dễ nhận thấy, từ trạng thái có khi thật chông chênh của khoảnh khắc nào đó, Tô Ngọc Thạch đã tựa nhờ vào nó mà có được những câu thơ hay.

Ví như:

Chiều cạn dần, mình đi ra khỏi mình về phía hoàng hôn

Thân xác trong áo quần, cũ dần cùng năm tháng

Ngụm nước nhạt trong miệng mình mê sảng

Trôi xuống ruột gan tìm chỗ vắng tâm tư

                           (Bóng cô đơn)

Hoặc, đây là cái “vụt loé” khi vạn vật quanh mình tưởng như đã tách bóc khỏi mình để chỉ còn lại một dòng trôi tâm tưởng:

Chợ Gừng bán những bồi hồi

Lỡ phiên, tôi dắt bóng tôi vào chiều.  

                     (Chợ Gừng)

Hoặc, vẫn là mạch đi ấy ở cái kết của một bài thơ khác:

Cái hôm em về nhà người

Lửa nung bốn phía tôi ngồi hoá vôi

                      (Em về nhà người)

Hoặc, qua những mảnh nhỏ lấp lánh được liên hoàn, kết dính. Khi:

Tôi chèo thuyền vớt bóng mình hẫng hụt

Nâng nỗi buồn bợt bạt canh khuya

(Rỗng đêm)

Để rồi:

Bỗng nhân lên tháng năm sinh nở...

(Rỗng đêm)

Hoặc, có lúc, thơ Tô Ngọc Thạch như cộm lên ở nét vẽ thế này:

Buồn xưa kéo lệch thời gian

Cô đơn rưng rưng

Giấc ngủ mỏng tang

Chiêm bao mảnh khảnh

Ta tha nhân hà hơi bàn tay lạnh

                    (Bóng cô đơn)

Hoặc:

Bạn dệt những câu thơ thành tấm áo làng chèo

Khâu tứ thơ vào đường viền lóng lánh

Xâu con chữ theo đường kim dọc dài năm tháng

Lợp mây nhạt ban chiều vào căn nhà ký ức phôi phai

                                (Vườn địa đàng)

Với Tô Ngọc Thạch. Với thơ. Điều đáng quý ở một phía cái nhìn, nơi “mạch cưa” của hai chiều tiếp nối được mở ra “cái file”: “Là anh!” Nó không lẫn trong sắc màu của “cánh đồng thơ” mênh mông lắm hình thù, dáng vẻ.

Thơ Tô Ngọc Thạch không dữ dằn, xa lạ. Cái riêng chăng ở anh là giọng thơ, mạch thơ. Là ngôn từ đứng bên nhau tạo nên giọng điệu riêng của người viết.

Tô Ngọc Thạch từng công phu tạo chữ (chữ là tự). Thơ cần những “nhãn tự”. “Nhãn tự” được bộc lộ ở ý, ở hình, ở tình và ở cái nền, cái gốc rất lớn là Tâm. “Tự” mang hình cho người ta thấy, mang ý cho người ta nghĩ, mang tình cho người ta cảm. Khi người viết tránh được sự thiếu hụt của một trong những yếu tố hệ trọng này, thơ sẽ trở thành “nhãn tự.” Và, ở bài “Thơ vớt ra từ chiếc gầu tát nước” nhà thơ đã chăm chút tỉa tót thế chăng?:

Người đàn bà vấn lại giấc mơ

gồng mình vét từng giọt nước

Chị múc mặt trời hoà với mặt trăng

chắt bòn từ phong ba bão táp

Múc cả bóng mình hiu hắt

tưới cho cánh đồng xanh lại quê hương.

Hoặc, ở câu thơ lục bát trong bài “Mình tôi”:

Gọi bốn phương, gọi ngày xưa

Ai vâng trong dạ, lạ chưa… là mình.

Là một nhà khoa học, đi nhiều, lại đằm mình trong lao động để có những sản phẩm hữu ích cho ngành công nghiệp của miền đất quê hương. Trong cái khó của nghệ thuật tôi rèn để có được giây phút kết tinh. Tô Ngọc Thạch có những vần thơ hay trong suốt hành trình luôn hướng về phía chân trời khát vọng.

Đấy là thơ. Với văn xuôi, Tô Ngọc Thạch cũng đã cho in hai tập Bút ký mang tên: “Trôi dạt cõi người.

Trên 700 trang viết, ở đây lần nữa, khẳng định thành tựu của Tô Ngọc Thạch ở những chuyến rong ruổi của người hành trình khắp các quốc gia, châu lục. Người đi nhiều, gặp nhiều, biết nhiều. Người không phải “đem hồn mình ra thay thế cho một thế giới, mà chính cái thế giới rộng lớn ngoài kia đã ùa vào, đã tràn đầy cõi hồn người viết…”

Để rồi, lượng thông tin đã làm nên năng lượng chuyển vận mạnh mẽ cho cảm xúc, của mạch tự sự ở từng trang mô tả.

Giá trị phản ánh là điểm sáng trước hết và trội vượt. Bởi, văn xuôi của Tô Ngọc Thạch là những trang bút ký về hiện thực bề bộn của thế giới thứ nhất. Về “Đất nước - Con người - Sự kiện.” Về nước Nga - Xô viết, về nước Mỹ, nước Pháp và các nước châu Á, châu Phi…   

Với nước Nga, đây là nơi được coi là “quê hương thứ hai” của nhà văn, bởi có tới một phần đời, thời trẻ trung, Tô Ngọc Thạch từng sống, chứng kiến và trải nghiệm với rất nhiều kỷ niệm. Những trang viết về xứ sở này, cán cân văn chương nghiêng về nội lực, nghiêng về mạch đằm sâu, tươi rói của ký ức. Ngoài những bút ký với Xibia, Tô Ngọc Thạch còn có cả một Trường ca đã được đăng tải qua nhiều chương, nhiều trầm tích được khai quật.

Là nhà văn, nhà khoa học, Tô Ngọc Thạch có dịp đến với các nước ở những chuyến công tác, chuyến tu nghiệp, tham quan, hoặc mở rộng hợp tác với các quốc gia... Tô Ngọc Thạch đã ý thức khai thác khá điển hình, hấp dẫn những đặc điểm, những kỳ quan, cảnh vật của mỗi vùng đất. Từ địa chính trị, tới kinh tế, văn hóa, quân sự… Những con người, sự kiện cùng những tinh hoa, truyền thuyết với nhiều mặt mang đặc điểm, đặc thù riêng của nhiều mảnh đất, nhiều xứ sở đem lại nguồn thông tin quý báu cho người đọc.

Là Nhà thơ, Văn xuôi cuả Tô Ngọc Thạch giàu đượm chất Văn, ngôn ngữ lôi cuốn, tránh được dạng khô cứng, khi kể việc, kể người. Người viết có được những bình phẩm, kiến giải, không chỉ đem lại cái giá trị phản ánh qua hai tầng, một hiện thực, với một phía năng lực của nhà văn.   

Ở một phía khác, trong cuộc sống đời thường, Tô Ngọc Thạch được bạn bầu quý yêu ở cái thẳng, cái bộc trực. Tô Ngọc Thạch bang giao, lại tận tình chu đáo. Ở cửa ngõ của một vùng đất Cảng, nhiều nhà văn, bầu bạn thường lui đến thăm anh. Nhà thơ Quang Chuyền trong một chuyến từ Sài gòn ra Bắc, còn cảm động, nhắc mãi. Dù mới quen, Thạch vẫn hết lòng vì bạn. Anh không quản đường xa, mưa tối, đưa Quang Chuyền về tận Hòn Gai tìm gặp bạn thân là nhà văn Triệu Nguyễn. Với Trọng Khánh, Hà Cừ, những bạn trai, kẻ Thái Bình, người Hải Dương… Thi thoảng nhớ nhau, anh lại “ới bạn bè” cùng lận lội tìm thăm.

Tô Ngọc Thạch luôn coi trọng chữ “Tín”. Tôi nhớ. Cái năm, trời đang mưa bão. Việc hẹn chẳng hệ trọng đến nỗi “nguy hiểm, chết người” gì. Vậy mà, không muốn để “thất tín”, Tô Ngọc Thạch một mực đốc tôi đội bão ra đi. Giữa đường, xe bị trôi giữa mênh mông nước. Tôi và Tô Ngọc Thạch ướt sũng cùng nhau lội bộ, đẩy xe tìm lên một dốc cao. Thạch tháo nước đầy ngợp trong xe rồi hì hục lau chùi, sửa chữa, rồi sau đó tìm đường khác mới về nhà được.

      Là nhà khoa học trước tập thể lớn, Tô Ngọc Thạch thường gương mẫu trong đời sống hằng ngày. Anh giữ gìn, chừng mực. Anh chịu khó tập luyện để sống khoẻ, làm việc và dâng hiến. Anh chăm lo đến việc hiếu, việc nghĩa. Anh coi trọng cái tình. Anh thường xuyên thăm hỏi người ốm, kẻ đau, giúp đỡ anh em khó khăn, vất vả…

       Kỷ niệm tình bạn, tình đồng hương, đồng nghiệp. Tôi viết bài thơ “Bạn quê”, yêu quý gửi tặng anh.

 

BẠN QUÊ

 

Ta quê đất Trạng, Thạch à!

Ở bên cổ thụ nhìn ra là trời

Chúng mình là cái “đinh” thôi  

Câu thơ hạt lép lọt nơi giần sàng

Bạn người trai đất làng An

Ta mê bạn cái dáng chàng thư sinh

Câu thơ nửa tỉnh, nửa tình

Với cơ man nửa vô hình buộc nhau

Hai ta hai nửa, hai đầu

Thương nhau bởi trái tim giàu, thế thôi.

Bao mùa thu lá vàng rơi

Bạn ta đi khắp đất trời nước Nga

Cái này bạn sướng hơn ta

Làm trai làm chín vạn ba bão bùng

Đừng nghe ai dại, xui “Đừng”

Ao thu, xanh đến lạ lùng vẫn ao

Bạn ta thơm thảo ngọt ngào

Vẫn như hạt thóc đồng cao mùa cày

Bạn là công chức gì đây

Là thi nhân thế hệ này với ta

Ta quê đất Trạng, Thạch à!

Ở bên cổ thụ mình là bóng cây.

Mùa xuân Canh Dần

__________

*Tên tập thơ của Tô Ngọc Thạch.