/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

Về thơ văn TNT

“CÔNG CHỨNG THỜI GIAN”-NHỮNG THI KHÚC TÂM TÌNH CỦA TÔ NGỌC THẠCH

Phải chăng anh muốn nói hay muốn nhớ đến một câu nói để đời của ai đó có nhắc rằng: “Thời gian là thước đo công bằng nhất”...

CÔNG CHỨNG THỜI GIAN”-

NHỮNG THI  KHÚC TÂM TÌNH CỦA TÔ NGỌC THẠCH

                                                                                Nhà văn Vũ Quốc Văn

      Sau các tập thơ: “Gọi đò”, “ Giọt  nhớ”, “Bước nắng”,” “Biên bản thời gian” đứng tên riêng, là tập “ Những dòng sông cùng chảy” in chung cùng  bốn nhà thơ khác. Quý 4 năm 2013, Tô Ngọc Thạch lại trình làng tập thơ: “Công chứng thời gian”, vậy là gia tài thơ anh đã có đến sáu tập chưa kể tập thơ dịch song ngữ Nga Việt “Nắng Bạch dương” và tập văn xuôi “Trôi dạt cõi người” ghi lại những trải nghiệm trong nhiều tháng năm cuộc đời rong ruổi khắp góc bể chân trời.

         Cầm trên tay tập thơ song ngữ Việt- Anh với tựa đề không hề vương một điệu ngữ, thanh âm du dương trầm bổng, mà hình như còn mang tính minh luận triết thuyết gì đó, xem ra có bề to tát làm người đọc tôi vơi đi phần nào. Hào hứng lật tiếp thêm vào phần ruột sách, ngõ hầu thấu hiểu, chia sẻ với người đã nặng lòng lao tâm khổ trí gửi hồn mình qua từng con chữ, câu thơ đang điệp trùng hiện hữu ở phía sau kia.
.


.
          Nhưng rồi chẳng thể đặng đừng bỏ qua cái ấn phẩm tinh khôi, vừa đẹp vừa lạ của người làm thơ “có số xuất ngoại”, viết khỏe, “ đẻ mắn” họ Tô vốn nết vui lành và yêu quý bạn bè chân thành. Và, tôi liền đọc tập sách đang có trong tay. Đọc một mạch đến dòng cuối cùng là bài thơ văn xuôi “Mưa biển”, cũng là thi phẩm kết trong tập “Công chứng thời gian” của Tô Ngọc Thạch.

          Đọc hết bài “Mưa biển”, gấp sách lại tôi thấy hiển hiện sự dụng công, chủ ý mang chở cái tâm tình, cảm biết, nhận thức và cả sự cả nghĩ nghiệm sinh về cuộc đời, về thế thái nhân tình của nhà thơ muốn gửi gắm, giãi tỏ trong từng trang sách. Chẳng biết khi tựa vịn vào những con chữ để chuyển tải cảm xúc cùng ý tưởng Tô Ngọc Thạch có nghĩ nhiều đến thế hay không, nhưng rõ rằng hiệu ứng tạo ra của những dòng thơ ấy đủ lay thức người đọc. Dù có lúc dường như anh phải ghi cấp tốc vì sợ rằng những gì đang đến đang thôi thúc lòng mình, hồn mình rồi sẽ mau khuất lấp mờ nhòe vuột mất trong khắc giây du khảo tất bật hối hả đường trường. Tôi đồ rằng Tô Ngọc Thạch dù có khả năng hay muốn tinh lọc đến mấy cũng không đủ thời gian để mài chuốt chữ nghĩa trước những thâu nhận đang ùa đến bộn bề, choáng ngợp. Anh không có và cũng không còn cơ hội chờ cho sự tĩnh tâm lắng lại rồi mới viết. Và, hình như chính điều không đủ, không thể này đã giúp anh tức thời “ tốc ký” đã tạo ra những dòng cảm xúc đậm màu du ký thêm hữu lý, tươi mưởi kỳ thú của đời sống của vũ trụ siêu nhiên bất biến không thể khác.

       “Mỗi trận mưa như trời tra hạt. Ủ ngày xanh mở mắt, bật mầm. Từng giọt xuân trong veo được chắt ra từ lớp lớp tâm hồn. Mưa bịn rịn hòa vào lòng biển cả. Mùa nối mùa giọt giọt nhớ thương cứ duềnh lên mới lạ. Đêm giao thừa, tôi ướp nỗi niềm của biển vào cành lộc biếc đầu năm”.

          Tôi muốn trích đoạn cuối của bài thơ “Mưa biển” cũng là khúc du ca khép lại của thi phẩm “Công chứng thời gian”, với câu kết “Đêm giao thừa, tôi ướp nỗi niềm của biển vào cành lộc biếc đầu năm”. Tác giả viết câu thơ này như gợi cho người đọc hãy nghĩ tiếp tới sự bắt đầu. Sự bắt đầu tồn sinh của cuộc đời, của con người và vạn vật quanh ta.

          Lần ngược về đầu sách để dõi theo cung bậc cảm xúc của Tô Ngọc Thạch, tôi mới tỏ ra cái lý cố xếp đặt trình bày dâng tặng bạn đọc của anh. “Công chứng thời gian” được tác giả phân định làm hai phần. Phần đầu có tựa đề “Dấu ấn xứ người”, gồm những bài thơ viết trong các chuyến đi  nước ngoài của Tô Ngọc Thạch. Đến nơi nào anh cũng có thơ. Anh viết ở Las Vegas, ở New York(Hoa Kỳ). Anh viết ở Bắc Kinh, Thượng Hải (Trung Quốc). Anh viết ở Paris- Luân Đôn. Anh viết ở Nam Phi. Và, tôi thực sự ấn tượng với bài “Giấc mơ tái sinh” có đề từ “Gửi về Chi Lê”. Bài thơ ca ngợi tình người, tình đồng loại của người đứng đầu Nhà nước cùng nhân dân Chi Lê đã cầu nguyện, rồi hành động suốt 69 ngày đêm và giải cứu thành công cho 33 thợ mỏ bị mắc kẹt trong hầm lò ở độ sâu 700 mét trở về với cuộc sống gia đình. Tô Ngọc Thạch động lòng trắc ẩn mà thốt lên: “Câu chuyện đời thường thành pho cổ tích/ Chi chi chi, Lê lê lê…/ Huyền thoại tìm về/ Ba mươi ba giấc mơ hồi sinh không chỉ từ lòng đất/ Từ tình người chân thật Chi Lê!”

          Trong những bài thơ viết về những xứ sở vùng đất anh đã từng qua từng sống, có lẽ Tô Ngọc Thạch dành nhiều tình cảm cho nước Nga nhất. Ở tập “Công chứng thời gian” anh chỉ trích Khúc III Trường ca “Tổ khúc Xibia” nhưng không giấu được nỗi lòng say đắm thao thiết nhớ miền tuyết trắng đã hằn khắc nhiều kỷ niệm nơi trái tim mình: “Xibia/ Xibia!/ Nơi đón ta về, nơi tiễn ta đi/ Tuyết sáng quá/ Ta và tuyết giật mình: Sáng quá!/ Mỗi bước bộ hành hằn trong vạt nhớ/ Mỗi nụ cười giòn phản quang ánh tuyết mênh mông/ Mỗi ước mơ ngọt ngào vùi trong tuyết mùa đông/ Mỗi ánh mắt ngác ngơ ven hồ Trelek/ Mỗi câu thơ thả xuống nơi đây dày thêm trầm tích/ Nghe tiếng sóng xô ngỡ biển quê nhà…”

          Phần hai “ Công chứng thời gian” có tên “ Hồn chữ”! Hồn chữ cũng là bài thơ gần cận như là một sự lập ngôn, hay là niềm ước vọng dặn lòng của người nguyện theo nghiệp chữ nghiệp thơ.

          Tô Ngọc Thạch thành thật trước cái tâm nguyện của người nhập thế tự biết rằng: “Đời người thơ/ mong vài chữ từ hồn hình sang làm tổ trong lòng người đọc/ Vòm trời liếc ngang/ trang giấy toát mồ hôi/ Con chữ sâu xa tìm góc khuất ngủ vùi/ Con chữ dễ dàng hàng hàng ngang dọc/ Nhạt nhèo ngờ nghệch/ Con chữ nhờn mòn nằm vạ giữa câu thơ/ Con chữ hóa trang kỹ trị, vô cơ/ Con chữ bong ra như tế bào chết…”.

          Tô Ngọc Thạch là người tự biết. Hồn chữ là đấng thiêng liêng cao cả quý hiếm còn khó hơn cả việc ngậm ngải tìm trầm nên anh đã hơn một lần thốt gọi với niềm ao ước ngưỡng vọng: “Hồn chữ!/ Hồn chữ ơi/ Hãy về trong bóng mẹ/ Đấy là địa chỉ tâm linh lòng ta vẫn đi về/ Mở mắt nói mê: “Đại mộng thì đại giác”/ Mà ta còn đang là kẻ đứng ngoài”.

          Tự biết cái nghiệp nhọc nhằn của người làm thơ, nói như nhà thơ Lê Đạt của người “Phu chữ”, chỉ riêng một điều tự biết, tự nhận nghiêm cẩn  thành tâm cũng là ý niệm tôn thờ với lao động nhà văn ấy của Tô Ngọc Thạch, người đọc cũng đủ niềm tin đón đợi và đón đọc những tác phẩm mới của anh.

          Nhắc lại cái danh xưng “Công chứng thời gian” tôi nghĩ đến một cách đặt tên cho tập thơ của Tô Ngọc Thạch. Phải chăng anh muốn nói hay muốn nhớ đến một câu nói để đời của ai đó có nhắc rằng: “Thời gian là thước đo công bằng nhất” làm lời răn cho riêng mình./.

                                                                                        V.Q.V

                                              Kiến An, Ngày Ông Táo về giời năm Qúy Tỵ