/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

Về thơ văn TNT

BÀI THƠ "CHIÊM BAO" CỦA TÔ NGỌC THẠCH QUA LỜI BÌNH CỦA VŨ BÌNH LỤC

Quả là một tứ thơ hay, hiện đại, cấu tứ chặt chẽ. Bài thơ câu chữ dứt rồi, mà tình thơ chưa dứt. Thi sĩ đã điêu luyện trong nghề mới có thể đạt được tới chỗ tinh tế của hồn thơ vậy!

 BÀI THƠ "CHIÊM BAO" CỦA TÔ NGỌC THẠCH

 

Đêm độc thân mộng du trong khoảnh khắc thiêng liêng

Chiêm bao trôi về miền Xibia băng giá

Tuyết phập phồng trú trong nỗi nhớ

Từ sâu xa ký ức bá vai giấc ngủ quay về

Tôi gặp tôi trong lòng Xibia

Gặp tuyết ấm trong tầng tầng tuyết trắng

Kỷ niệm năm nao

         ngác ngơ trong căn phòng yên ắng

Ngọn gió bơ phờ

         sau mỗi lần bỏ nhà đi hoang nằm ngủ co ro

Bao vui buồn chồng đống xác cơn mơ

Nụ cười rêu phong ngợp vùi trong tuyết

Tiếng kêu bi thương của lũ quạ hoang (*) bện vào nhau

                                      chằng buộc lấy cánh rừng heo hút

Gặp hơi thở mình bên dòng Ôbi(**) giá băng

Phía cuối mông lung

ánh mắt  nâu huyền sắc như thủy tinh

Cắt vụn cơn mê

         thành trăm ngàn mảnh vỡ

Tan vào đêm Xibia cũ kỹ

Chiêm bao

        chạm nắng

                    vỡ òa.

          Xuân Mậu Tý 2008

(*): Xibia—Vương quốc của các loài quạ

(**): Ô bi-Sông lớn thứ 4 của Nga, dài 3650 km, nằm ở Tây Xibia

 

                                            LỜI BÌNH CỦA VŨ BÌNH LỤC

       Tô Ngọc Thạch có nhiều năm tu nghiệp ở Liên Xô (cũ), rồi cũng có nhiều lần trở lại xứ sở Bạch Dương xa xôi ấy, khi anh đã trở về sống và làm việc ở Việt Nam. Nước Nga và đặc biệt là mảnh đất Xibia có lẽ đã để lại trong lòng thi nhân nhiều tình cảm đằm sâu nhất, ấn tượng nhất. Vậy nên, mặc dù đã về Việt Nam sinh sống, nhưng Xibia vẫn thường hiện lên khắc khoải trong lòng người thơ, cả trong những giấc ngủ đêm đêm...

Đêm độc thân mộng du trong khoảnh khắc thiêng liêng

Chiêm bao trôi về miền Xibia băng giá

Tuyết phập phồng trú trong nỗi nhớ

Từ sâu xa ký ức bá vai giấc ngủ quay về

Lý do là thế. Những đêm cô đơn, “đêm độc thân” không ngủ dược, bao ký ức cuồn cuộn đổ về “trong khoảnh khắc thiêng liêng”, khiến thi nhân mơ màng trong giấc “chiêm bao trôi về miền Xibia băng giá”. Nơi ấy có tuyết, rất nhiều tuyết trắng dường như đang “phập phồng trú trong nỗi nhớ”, rồi từ trong thẳm sâu bao “ký ức bá vai giấc ngủ quay về”. Đấy mới là kể chuyện thôi. Nhưng câu chuyện về cái miền Xibia hoang dã và ngập tràn những tuyết là tuyết ấy, còn được Tô Ngọc Thạch miêu tả thêm, như chính tác giả là nhân vật trữ tình chủ thể.

Tôi gặp tôi trong lòng Xibia

Gặp tuyết ấm trong tầng tầng tuyết trắng

Xibia có gì mà để nhớ để thương da diết đến vậy? Giữa cái giá băng lạnh lẽo của mênh mông ngồn ngộn tuyết trắng, lại vẫn còn có cả “tuyết ấm” nữa sao? Người chưa từng sống ở miền Xibia lạnh giá ấy, làm sao mà có được cái cảm giác như thế!  Hoặc giả là có cả tuyết ấm nằm ngủ dưới lớp tuyết lạnh giá kia chăng? Hay “tuyết ấm” chỉ là một cảm giác ấm áp của tình yêu nửa hư nửa thực? Dẫu sao thì đó cũng là một cảm giác thơ rất riêng, bất chợt ấm lên trong lòng thi nhân. Rồi biết “bao vui buồn chồng đống xác cơn mơ”, với cả “nụ cười rêu phong ngợp vùi  trong tuyết”. Lại còn thêm cả những tiếng quạ bi thương miền hoang dã kêu rạc cả cánh rừng, như bện vào nhau, chằng buộc lấy cánh rừng hoang lạnh và dòng sông Ôbi giá băng. Cảnh vật ở đây chỉ gợi những kỷ niệm chẳng lấy gì làm thú vị cho lắm. Nhưng miền Xibia của nước Nga rộng lớn ấy cùng với những ký ức vui buồn đã gắn bó cùng người thơ biết bao năm tháng, giờ đây lại cồn lên long lanh muôn lớp trong lòng thi nhân.

          Nhưng Xibia không phải chỉ có những kỷ niệm vui buồn hoang lạnh. Còn có một Xibia rất khác, như một điểm nhấn chủ đạo trong bức tranh thiên nhiên huyễn hoặc. Đây:

Phía cuối mông lung ánh mắt  nâu huyền sắc như thủy tinh

Cắt vụn cơn mê thành trăm ngàn mảnh vỡ

Tan vào đêm Xibia cũ kỹ

Chiêm bao

chạm nắng

vỡ òa.

“Ánh mắt nâu huyền sắc như thủy tinh” của cô gái Nga như thể làm sáng lên, làm ấm lại khoảng trời Xibia hoang lạnh giá băng buồn bã. Đôi mắt được nhà thơ đặc tả, như một vẻ đẹp không sao cưỡng lại được, làm tan cả đêm Xibia cũ kỹ, rồi “chạm nắng vỡ òa” trong giấc chiêm bao...

          Quả là một tứ thơ hay, hiện đại, cấu tứ chặt chẽ. Bài thơ câu chữ dứt rồi, mà tình thơ chưa dứt. Thi sĩ đã điêu luyện trong nghề mới có thể đạt được tới chỗ tinh tế của hồn thơ vậy!

         

VBL