/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

Về thơ văn TNT

THƠ VỚT RA TỪ CHIẾC GẦU MÚC NƯỚC QUA LỜI BÌNH CỦA VŨ BÌNH LỤC

Cái hay của bài THƠ VỚT RA TỪ CHIẾC GẦU MÚC NƯỚC không phải là ở chỗ tác giả đã chọn được chất liệu để vẽ nên bức tranh, mà bức tranh hiện thực chỉ được sử dụng như một phương tiện để biểu hiện tư tưởng và tình cảm của tác giả.

TÔ NGỌC THẠCH

 

THƠ VỚT RA TỪ CHIẾC GẦU MÚC NƯỚC

                      Trân trọng tặng phụ nữ quê tôi

 

 

Trời nhả lửa vào miền quê êm ả

Đàn ông làng thời mở cửa phiêu dạt khắp đó đây

Lo toan trĩu nặng vai gầy

Gió quăng quật vào căn nhà trống vắng...

Người đàn bà với chiếc gầu sòng thầm lặng

Vắt đất khơi dòng

Mỗi nhịp tay đưa không va vào máng mà rợn cả hàm răng

Chị gạn nụ cười rời rạc của mình tưới lên cánh đồng thời gian

Làm mát mảnh hồn làng đang hanh hao nứt rạn

Hạt thóc hoài thai cùng những gian lao

mong xa đợi gần tảo tần khô cạn

Mặn chát mồ hôi thấm đẫm ruộng cày

Tiếng thì thòm loang ướt trời mây

Người đàn bà vấn lại giấc mơ gồng mình vét từng giọt nước

Chị múc mặt trời hòa với mặt trăng

chắt bòn từ phong ba bão táp

Múc cả bóng mình hiu hắt

 tưới cho cánh đồng xanh lại quê hương

 

Tô Ngọc Thạch là nhà thơ xuất thân nơi đồng quê bể cạn sông cùng, đấy là vùng nông thôn huyện Vĩnh Bảo, nằm kề bên sông Hóa, một ranh giới giữa Hải Phòng và Thái bình. Có một lần, thi sĩ họ Tô này tâm sự với tôi rằng, tổ tiên anh vốn bên Thái Bình! Thế thì phải chăng Tô Ngọc Thạch chính là hậu duệ của cụ Tô Trung Từ, đại công thần khai quốc, đồng thời cũng là bên ngoại của họ Trần, phát tích và khởi nghiệp từ làng Lưu xá huyện Hưng Hà, Thái Bình ngày nay?

          Nói loanh quanh như thế, cốt chỉ để một lần nữa khẳng định thêm rằng thi sĩ Tô Ngọc Thạch vốn dĩ là một anh chàng xuất thân từ nhà quê, trước sau vẫn là một anh chàng nhà quê đích thực, cả trong phong cách, trong tiềm thức, trong cảm hứng thẩm mĩ, lẫn tình cảm với quê, mặc dù Tô Ngọc Thạch đã có nhiều năm tu nghiệp, rồi làm luận án tiến sĩ ở Liên Xô. Phải là người mang trong mình “dòng máu” nhà quê, mới hiểu kỹ, hiểu sâu cuộc sống của người nông dân chân lấm tay bùn đến thế!...

          Chỉ mới đọc qua cái nhan đề bài “THƠ VỚT RA TỪ CHIẾC GẦU MÚC NƯỚC” và câu đề từ “Trân trọng tặng phụ nữ quê tôi”, đã thấy hiển hiện một cách trực tiếp cái chân tình nồng ấm chân quê của tác giả.

Trời nhả lửa vào miền quê yên ả

Đàn ông làng thời mở cửa phiêu dạt khắp đó đây

Đấy! Mới chỉ hai câu thơ mở đầu, đã thấy rõ cái nét chung nhất, còn có thể nói thêm là tiêu biểu nhất của nông thôn đồng bằng Bắc bộ hiện nay. Thời tiết nắng nóng đã lâu ngày, cánh đồng quê đã khô hạn nứt nẻ lắm rồi, vậy mà ông trời vẫn cứ làm ngơ, vẫn cứ liên tục “nhả lửa” vào cái miền quê tưởng chừng như rất yên ả này. Mùa màng thất bát, ruộng đất đã bị phong trào “đô thị hóa” gặm nhấm, teo tóp dần đi mất rồi, diện tích chả còn được bao nhiêu nữa. Lại thêm thời tiết cứ dở chứng dở nết thế này, làm sao mà có của ăn của để, làm sao mà nuôi con ăn học nên người bây giờ? Tình thế buộc người nông dân phải tự cứu lấy mình. Một số con gái thì bỏ chồng bỏ con đi làm osin cho thiên hạ, ở các đô thị trong nước và ở cả xứ người xa tít mù khơi. Đàn ông thì cũng bỏ quê đi làm thuê làm mướn khắp nơi, cho nên, nhà thơ mới viết: “Đàn ông làng thời mở cửa phiêu dạt khắp đó đây”, chả phải là một hiện thực nhãn tiền, đau lòng lắm hay sao?

          Tuy nhiên, vẫn còn có những người phụ nữ chưa đi, hoặc không thể đi đâu, nên mới ở lại bám vào luống cày, vùi mặt vào gầu nước cứu cây lúa trong khi đại hạn, lo chuyện ruộng đồng, tiếp nối cái nghề căn bản của cha ông từ ngàn xưa để lại. Trăm ngàn khó nhọc, muôn nỗi gian lao dồn nén, đến nỗi:

Lo toan trĩu nặng vai gầy

Gió quăng quật vào ngôi nhà trống vắng

Nhà vắng hơi ấm đàn ông, cho nên mọi công việc lớn nhỏ đều đổ dồn vào tấm thân xác xơ gầy guộc của người đàn bà ở lại. Chẳng những thiếu thốn tình cảm chồng vợ, lại còn phải gồng mình lên chống đỡ những cơn gió lớn “quăng”, “quật” vào, xô nghiêng cả mái nhà nhỏ nhoi đơn chiếc. Những cơn gió ngoài trời dữ dằn đã đành một nhẽ, lại còn cả những cơn bão lòng ác độc rất đáng sợ nữa kia, ai mà cảm thấu cho hết? Tác giả đã dựng lên hai hình ảnh đối lập trong vài câu thơ, mà đã có thể khái quát được cái thế chênh vênh, cái thế chơi vơi rất đáng thương của người phụ nữ giữa thanh thiên bạch nhật thời nay. Thật là thấm thía và cảm động vô cùng. Còn nhớ, thời kháng chiến chống Pháp, những người trai làng phải từ biệt tổ ấm gia đình đi kháng chiến, nhà thơ Chinh Hữu đã viết những câu thơ hiện thực như thế này: “Ruộng nương anh gửi bạn thân cày / Gian nhà tranh mặc kệ gió lung lay”... Bây giờ chả phải chiến tranh, nhưng cái cảnh chẳng lấy gì làm vui vẻ trong thơ Tô Ngọc Thạch, cũng khiến lòng ta xao xuyến xót xa.

Còn đây thì đang là thời điểm nắng hạn ráo riết, ruộng đồng được chia chác từng mảnh nhỏ lẻ, nên muốn cứu lấy cây lúa thì phải ra công tát nước bằng chính cái phương tiện cổ xưa nhất, ấy là bằng chiếc gầu sòng. Ở đây, việc múc nước chỉ có một người cần mẫn cùi cũi vét từng gầu mà hắt lên ruộng lúa, chứ không phải là chiếc gầu giai có đôi chồng vợ kéo dây, với thì thòm tiếng khoan tiếng nhặt, rồi đối diện mắt liếc môi cười như ngày xửa ngày xưa tát nước đêm trăng mà cùng nhau “múc ánh trăng vàng đổ đi” rất thơ và rất mộng. Sao vậy? Đơn giản chỉ là vì người đàn ông trong nhà đã đi làm ăn xa, nên chị mới phải một mình “vắt đất khơi dòng. Mỗi nhịp tay đưa không va vào máng mà rợn cả hàm răng”. Như thế đủ thấy cái còm cõi cô đơn trống vắng đã đến mức nào rồi.

Chị gạn nụ cười rời rạc của mình tưới lên cánh đồng thời gian

Làm mát mảnh hồn làng đang hanh hao nứt rạn

Hạt thóc hoài thai cùng những mong xa đợi gần tảo tần khô cạn

Mặn chát mồ hôi thấm đẫm ruộng cày

Tiếng thì thòm loang ướt trời mây...

Bạn đọc có thể thấy hình ảnh người phụ nữ nông thôn với cảnh tát nước gầu sòng được Tô Ngọc Thạch vẽ lên như một bức tranh sơn dầu có những nét chấm phá ở chi tiết và mảng màu được phóng chiếu đậm đặc. Một bức tranh hiện thực được thi vị hóa, được nâng cấp lên thành một nhận thức thẩm mĩ hướng thiện. Câu “Tiếng thì thòm loang ướt trời mây” là câu thơ có sức khái quát và gợi cảm lớn. Đó là một câu thơ tài hoa, làm ánh lên hình ảnh người phụ nữ nông dân trong bối cảnh cuộc đời lao động dường như vẫn còn dẫm chân ở thời kỳ cổ đại, khiến chúng ta không thể cầm lòng được.

          Đoạn cuối của bài thơ, Tô Ngọc Thạch còn muốn tô đậm hơn nữa hình ảnh người phụ nữ nông thôn tát nước một mình. Chị “vấn lại giấc mơ  gồng mình vét từng giọt nước”, rồi thì “múc mặt trời hòa với mặt trăng chắt bòn từ phong ba bão táp” và hơn nữa, chị còn  “múc cả bóng mình hiu hắt, tưới cho cánh đồng xanh lại quê hương”...

          Đến đây thì hình ảnh người đàn bà nông dân tát nước gầu sòng đã được nâng lên ở tầm biểu tượng. Có sự đối lập giữa thiên nhiên rộng lớn, dữ dằn khắc nghiệt với thân phận nhỏ bé đáng thương của người phụ nữ trên cánh đồng khô hạn. Bản thân sự đối lập nghiệt ngã này, tự nó đã khơi lên chiều sâu của tư tưởng, xoáy sâu vào tư duy và tình cảm của người đọc. Cái hay của bài THƠ VỚT RA TỪ CHIẾC GẦU MÚC NƯỚC không phải là ở chỗ tác giả đã chọn được chất liệu để vẽ nên bức tranh, mà bức tranh hiện thực chỉ được sử dụng như một phương tiện để biểu hiện tư tưởng và tình cảm của tác giả. Đó là một bài thơ mang hơi thở chính luận vậy !...

 

VBL bình