/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

Về thơ văn TNT

CÙNG TÔ NGỌC THẠCH "TRÔI DẠT CÕI NGƯỜI"

...rung động cùng tác giả ở những tầng sâu và chiều rộng ẩn sau câu chữ mang một phong cách riêng không thể trộn lẫn.

CÙNG TÔ NGỌC THẠCH "TRÔI DẠT CÕI NGƯỜI"

 

      Sau “Trôi dạt cõi người” tập I xuất bản quý I năm 2012, nhà văn Tô Ngọc Thạch tiếp tục cho ra mắt bạn đọc tập bút ký “Trôi dạt cõi người” tập II, NXB Hội Nhà văn tháng 6. 2015. Nói là “Trôi dạt cõi người” nhưng thực ra là sự trải nghiệm qua những vùng đất, vùng người. Tác giả đã đến tham quan hoặc công tác để rồi bằng sự nhận thức sâu sắc bản thể của sự vật, thêm yêu quí cõi mình. Tập ký như một bức tranh sinh động, được thể hiện tinh tế và sâu sắc qua sự sáng tạo và đậm chất thi ca của một nhà văn mang tâm hồn thi sĩ.

     Nhà văn Tô Ngọc Thạch có lợi thế được đi nhiều vùng đất trong và ngoài nước. Dưới ngòi bút tài hoa có phần lãng tử, người đọc thích thú bắt gặp một “Làng Đồ Sơn cổ ở bên kia biên giới". Hay "Huyền ảo đêm Quế Lâm". "Phú Sĩ - Một thắng cảnh không thể bỏ qua", "Huyền bí cổ thành Osaka", "Thành phố ma quỷ Pattaya". Hay "Quốc gia đạo Hồi với nhiều công trình nổi tiếng thế giới". Hoặc "Viễn du bờ Tây Hoa Kỳ", "Matxcơva - Cuộc hội ngộ toàn cầu", v.v.

      Ở "Mảnh đất đầu sóng ngọn gió vùng Đông Bắc" ta bắt gặp "thành phố vùng biên" như một bức tranh đa sắc màu với "Muôn đọt nắng chói chang vỡ òa trên những nhành phượng vĩ", cái tấp nập và sầm uất của thành phố Móng Cái không trộn lẫn với bất kỳ nơi nào. Chỉ riêng cảnh mua bán cũng đã góp phần làm nên bản sắc của con người nơi đây: "Thái độ phục vụ của những người bán hàng rất nền nã, khéo léo, không nặng lời với ai bao giờ. Có thể thoải mái mặc cả, còn nếu khách hàng không mua họ cũng vui vẻ". Ngòi bút của nhà văn Tô Ngọc Thạch thật tinh tế và khéo léo, chỉ mấy dòng thôi mà khái quát được đặc điểm rất riêng của nơi đây. Người đọc còn chưa hết cảm giác choáng ngợp trước sự phát triển nhanh chóng của thành phố Móng Cái, thì nhà văn đã đưa người đọc chu du tới Trà Cổ "Làng đảo đầu tiên nơi địa đầu Tổ Quốc" với "bãi biển Trà Cổ được xếp vào bãi tắm trữ tình nhất và dài nhất Việt Nam". Thật thú vị khi ta bắt gặp “Làng Đồ Sơn cổ ở bên kia biên giới" với những kiến giải đầy sức thuyết phục, để rồi người đọc được chia sẻ cùng tác giả: "Trong tôi đầy ắp những ký ức đẹp về làng "Đồ Sơn cổ" bởi việc bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc của người Việt ở Tam Đảo thật đáng trân trọng". Cái tôi được hòa trong cái ta một cách thật tinh tế nhưng cũng thật sâu sắc, bản chất của người Việt kiên định bất chấp mọi hoàn cảnh được khẳng định.
.

                             Bìa sách 


       "Chưa đi chưa biết Nam Ninh"
Nhà văn Tô Ngọc Thạch không làm người đọc choáng ngợp trước sự phồn hoa và ngăn nắp của bạn, mà mở ra một hướng suy tư đầy ý thức công dân: "Nam Ninh không phải là siêu đô thị, đây chỉ là một thành phố của một tỉnh vùng biên, nhưng có nhiều điểm sáng để chúng ta xem lại chính mình". Với "Quế Lâm vịnh Hạ Long trên cạn" người đọc không chỉ "Ngỡ ngàng một kỳ quan" làm cho ngòi bút của tác giả cũng chợt mềm mại bay bướm như nét vẽ khi miêu tả: "Những bước chân tản bộ trên các con đường giữa những ngọn núi thanh tú, khu rừng đá, thung lũng bình yên, hệ thực vật đa dạng và thỏa thích phóng hết tầm mắt chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc cũ kỹ, khô khan bỗng trở nên lộng lẫy bởi tấm áo đa sắc màu mà mùa thu mang tới". Rồi: "Huyền ảo đêm Quế Lâm" khi "Thành phố về đêm "như một nàng công chúa". Tác giả như được chắp cánh, thỏa sức bay bổng nhưng không vì thế mà thiếu sự đúc rút của trải nghiệm sau những chuyến đi tới nhiều thành phố trên thế giới: "…nhưng khi đến với sông Ly, tôi có một cảm xúc hoàn toàn mới lạ. Không sôi động hào nhoáng, nhưng Ly Giang mặn mà, chất chứa bên trong sự mềm mại, trầm lắng lạ thường".

      Nhà văn Tô Ngọc Thạch đặc biệt thành công khi tả cảnh, tả tình. Trong "Xứ sở Phù Tang - "Xuân bốn mùa huyền hoặc đảo xanh" như một bức tranh đa sắc màu. Đây "Tokyo một trong ba thành phố quan trọng nhất thế giới", với sự vâm váp đầy nội lực như lặn vào bên trong mỗi công trình, cổ kính và hiện đại đan xen, quá khứ như được tái tạo làm nền móng cho sự phát triển nhanh chóng vào bậc nhất thế giới. Và, tiết thu ở Nhật sao nên thơ đến thế, tuy mang bản sắc riêng nhưng thân thuộc đến nao lòng: "Tiết thu ở Nhật thật dễ chịu chẳng khác nào cuối thu ở Hà Nội… Mặt đất dát một màu vàng au quyến rũ của muà lá rụng." Và trước Phú Sĩ, "vùng núi thiêng" của nước Nhật tác giả thấy "hồn vía của Phú Sĩ đang được thăng hoa" và đọng mãi trong lòng.

     Ở "Thái Lan - Vương quốc của người tự do" lại đầy sự thân thiên với nụ cười trên môi mỗi người cùng muôn hoa khoe sắc. "Điều cảm nhận ở Vương quốc của người tự do" ai ai cũng thấy là sự nồng hậu, thân thiện… Rồi tình yêu, sự tôn kính tuyệt đối của người dân đối với nhà Vua và Hoàng tộc". Không hề có sự so sánh nhưng người đọc tự nhiên "trông người lại ngẫm đến ta"…

     Còn ở: "Quốc gia đạo Hồi với nhiều công trình nổi tiếng thế giới" tác giả không chỉ cho người đọc chiêm ngưỡng những cảnh đẹp, sự tiến bộ vượt bậc của bạn mà còn khiến người đọc thích thú trước những trường đoạn giàu sức biểu cảm và đa nghĩa: "Thời gian dần trôi mau, cái nắng vùng nhiệt đới đang dội xuống mảnh đất này cũng phải nể nang trước những tán rừng cọ để nhường cho con người những khoảng khắc tươi tắn, dịu êm. Nhưng càng gần đến Kualar Lumpur thì khí hậu càng mát mẻ,  yên bình, ta có cảm giác mùa khô ở đây như một thứ men ngọt ngào cho ta nhấp từng giọt, từng giọt để rồi say mê lúc nào không biết"…

    Bút ký "Viễn du bờ tây Hoa Kỳ", tác giả đưa người đọc thăm: "Las Vegas - Thủ đô giải trí của thế giới" với "Tiết thu ở Los Angeles thật hanh hao diệu vợi, lòng người thổn thức xốn xang, nắng thu ngọt ngào cứ quyện lấy từng ngọn gió, rồi len lỏi vào từng ngọc ngách tâm hồn…". Thơ đấy chăng? Chỉ biết cảm xúc của nhà văn gợi lên những rung động khó tả trong lòng người đọc. Và Las Vegas không chỉ là nơi phồn hoa, thơ mộng mà còn là "hình ảnh của thế giới cờ bạc, các chương trình giải trí hoàng tráng, nơi cuộc sống xa hoa trụy lạc…". Tác giả còn đưa người đọc tới: "Kỳ vỹ San Francisco", nơi con người ngỡ như thực, như mơ khiến tác giả phải thốt lên: "Mùa thu ở đây thật tuyệt: Men thu sâu lắng, hương thu nồng nàn". Rồi những chuyện ly kỳ về trường đại học Tổng hợp StanFord, như một minh chứng cho sự đầu tư và phát triển mạnh mẽ của Hoa Kỳ…
.

Tô Ngọc Thạch tại quảng trường Hồ Chí Minh - Matxcơva  thu 2007
 

     Ở: "Matxcơva - Cuộc hội ngộ toàn cầu"  như một dòng hồi ức với biết bao kỷ niệm vui buồn với "quê hương thứ hai của mình", "nước Nga đã găm vào ký ức tôi những gì đẹp nhất, yêu quí nhất trong đời". Nói là "của mình" nhưng thực ra nước Nga là quê hương của cả một thế hệ người Việt với niềm tin yêu trong sáng.

      Đi nhiều, biết nhiều, hiểu sâu rộng nhiều lĩnh vực, nhà văn Tô Ngọc Thạch làm thỏa mãn người đọc bởi những cảnh đẹp, ý chí vươn lên cùng sự phát triển cùng chất lượng sống của những vùng đất mà tác giả được đặt chân đến chứng kiến và trải nghiệm. Tác giả  kết hợp linh hoạt, hài hòa các phương thức nghị luận, tự sự, trữ tình khắc sâu những vấn đề cần chuyển tải, cả những góc khuất của cuộc sống, không sa đà, dàn trải. Nhiều trường đoạn như thơ làm giàu thêm sức biểu cảm. Tác giả đã hóa thân như một nhân vật trữ tình để thu về những ấn tượng mạnh mẽ của cuộc đời và phát biểu ra những cảm xúc, suy nghĩ. Qua mỗi trang văn bạn đọc như được du lịch, khám phá cái mới lạ cùng tác giả và trong mỗi người sáng lên một tình yêu quê hương, đất nước, người đọc trở thành người trong cuộc cùng tác giả, rung động cùng tác giả ở những tầng sâu và chiều rộng ẩn sau câu chữ mang một phong cách riêng không thể trộn lẫn.

Hà Nội 8. 2015
TVH