VIDEO
Tin nóng
QUẢNG CÁO
LỊCH
LIÊN KẾT
TÔ NGỌC THẠCH
TÔI NGỒI ĐẾM LẠI MÙA XUÂN QUA LỜI BÌNH CỦA NGỌC TÔ
Triệu Nguyễn tiếp lối truyền thống về thể thơ lục bát đã tạo ra một giọng điệu riêng, chinh phục được bạn đọcTÔI NGỒI ĐẾM LẠI MÙA XUÂN QUA LỜI BÌNH CỦA NGỌC TÔ
Tôi ngồi đếm lại mùa xuân
Biết bao gương mặt người thân úa tàn
Và bao vành trắng khăn tang
Có ai ở lại cồn hoang với mình
Tôi ngồi đếm giấy trắng tinh
Những con quái chữ hiện hình vô tư
Những lời giả thực giả hư
Giữa đêm lục bát giã từ nguyên trinh
Tôi ngồi đếm quả rung rinh
Khế chua rụng ngọt sân đình òa mưa
Có người bưng rổ khế chua
Dửng dưng rao bán cửa chùa trêu ngươi
Tôi ngồi đếm tóc tôi rơi
Sự xanh sự bạc sự người sự ta
Mặt nhàu thêm mấy nếp da
Tiếng chuông tỉnh ngộ vỡ òa thinh không...
10 – 2005
Triệu Nguyễn
LỜI BÌNH
Đối với Triệu Nguyễn, “Tôi ngồi đếm lại mùa xuân” chưa phải là bài thơ tiêu biểu của anh, nhưng nó lại ló rạng một cảm xúc cô đọng, súc tích, ngôn ngữ giản dị và khá giàu hình ảnh phát triển theo một lộ trình thời gian. Ở trong đó, có khá nhiều vấn đề đồng điệu mà tôi có thể sẻ chia về những hoài niệm trong tầng sâu ký ức được trải qua năm tháng của đời người cầm bút. Bài lục bát gồm 4 khổ thơ, như bức tranh phong cảnh tứ quý khá sống động và gợi cảm. Ở khổ đầu tác giả đã tĩnh lại ở tuổi “Ngũ thập nhi tri thiên mệnh”, muôn ám ảnh day trở về số phận con người được Triệu Nguyễn quan tâm, nhìn đời bằng những câu lục bát thuần thục. Phần lớn những người gần gũi thân quen với mình đều “Một nắng hai sương” vì cuộc sống mưu sinh mà “Biết bao gương mặt người thân úa tàn”, trong đó có người đã ra đi vĩnh viễn với “...Bao vành trắng khăn tang”. Bây giờ, khi quay ngược đồng hồ thời gian, đếm lại những thân phận cùng trên một hành trình với mình thì nhiều khuôn mặt đã vơi dần theo năm tháng. Với một giọng điệu táo bạo, một cảm xúc dồn nén đã đẩy câu bát “Có ai ở lại cồn hoang với mình” cất cánh, gây đột biến cho phần mở đầu bài thơ.
Sang khổ thứ hai, cũng mạch thơ ấy với những ẩn dụ khá bất ngờ và hồn chữ được tái hiện. Trước “Lênh đênh trên biển chữ” thì “Tôi ngồi đếm giấy trắng tinh”, cũng như nhà thơ Nguyễn Xuân Hải dùng câu lục bát làm đề tựa lời tự bạch cho mình: “Đâu ngờ chữ trải thành sông. Trước trang viết vẫn cánh đồng trắng phau”, ta càng thấy sự lao động của những người cầm bút lại càng khốn khó và đa đoan đến thế. Triệu Nguyễn không bằng lòng với “Những lời giả thực giả hư” hay“Thơ bày trong quán sách. Bạn đọc nhìn...quay đi!”. Chỉ còn những gì ấn tượng nhất như “Chợt vẩy vàng hiện ra” (Vảy vàng) mới tồn tại với thời gian mà thôi. Anh đã khéo léo dựng một hình ảnh mà trong đó chứa đựng nhiều ý tưởng nhân văn cao cả. Câu bát “Những con quái chữ hiện hình vô tư” khá phóng túng tạo bước đột phá đầy cá tính, nó cứu rỗi cho cả khổ thơ. Qua đây ta càng nhận thấy Triệu Nguyễn đánh giá cao về giá trị văn chương đích thực.
Sang khổ thứ ba là sự tiếp nối logic khá mềm mại uyển chuyển, tác giả đã điểm lại những thành quả lao động của mình được trải dài trên một chặng đường với bao gian truân vất vả phải trả bằng mồ hôi và nước mắt. Ở đây Triệu Nguyễn đã dùng lối so sánh “Khế chua” thì lại “rụng ngọt”, giàu thi liệu, một cách ví von khá sành điệu. Câu thơ ẩn chứa nhiều hàm ý để người đọc tự mình phải suy ngẫm. Và, tác giả đã tạo nên những hình ảnh bằng tất cả dấu ấn đời mình ở những năm tháng đã qua. Sự so sánh ở đây không phải là khập khiễng, nhưng ai trót “Đã mang cái nghiệp vào thân” (Truyện Kiều) thì cũng đừng “Dửng dưng rao bán cửa chùa trêu ngươi”. Cách lập tứ khá chắc và cách biến hóa bất chợt làm người đọc sáng dậy những liên tưởng tới không gian tươi rói của thơ.
Sang khổ thơ thứ tư, bao vui buồn lẫn lộn, anh lặng lẽ nhìn lại đời mình bằng những hình ảnh “Đếm tóc” rơi trên con đường thời gian dần ngắn thêm. Có lẽ Triệu Nguyễn tiếc nuối năm tháng trôi khá nhanh, đến giờ nhìn lại thì “Mặt nhàu thêm mấy nếp da”. Bằng những cảm xúc sâu lắng, sự đổi thay của lẽ đời “Sự xanh” hay “Sự bạc”, sự bộn bề hơi thở của cuộc sống thường nhật làm câu kết đột ngột chuyển hướng “Tiếng chuông tỉnh ngộ vỡ òa thinh không...” nhuần thấm trong lòng người đọc, mà anh đã tìm thấy sự rung cảm từ phía hồn mình.
Một đặc điểm nổi bật của bài thơ là giàu sức liên tưởng, vận dụng một cách nhuần nhuyễn thời gian và không gian. Cũng từ đó mà biên độ thơ được biến thiên rộng hơn trong cái vô hạn của sự sáng tạo. Âm hưởng thơ dứt khoát, khỏe khoắn nhưng dư vang với sự vận động khá linh diệu ở cách chuyển vần, chuyển ý. Tính hòa hợp về ngữ âm ẩn chứa bên trong 16 câu lục bát ngọt ngào, khiêm nhường mà đằm thắm. Triệu Nguyễn tiếp lối truyền thống về thể thơ lục bát đã tạo ra một giọng điệu riêng, chinh phục được bạn đọc.
TNT
Các tin khác
-
BÀI VĂN CỦA NGUYỄN BỈNH KHIÊM GHI Ở BIA QUÁN TRUNG TÂN (中津館碑記)
-
THƠ "QUA MIẾU TRÌNH TUYỀN" CỦA LA SƠN PHU TỬ
-
ЗИМНЯЯ ДОРОГА. (CON ĐƯỜNG MÙA ĐÔNG)
-
CHẲNG CÒN LỜI ĐÁP TRÁI TIM
-
ГЛУХОЙ ГЛУХОГО ЗВАЛ/CHÀNG ĐIẾC NỌ MỜI RA TÒA CHÀNG ĐIẾC
-
Если жизнь тебя обманет/ CUỘC ĐỜI NẾU DỐI LỪA EM
-
НИКОГДА Я НЕ БЫЛ НА БОСФОРЕ/ANH CHƯA TỪNG TỚI EO BIỂN BOSPHO
-
“ВОРОН К ВОРОНУ ЛЕТИТ”- “QUẠ BAY ĐẾN BÊN NHAU”
-
ЖУРАВЛИ / ĐÀN SẾU
-
ЕСЛИ В МИРЕ ТЫСЯЧА МУЖЧИН - NẾU TRÊN THẾ GIAN...