VIDEO
Tin nóng
QUẢNG CÁO
LỊCH
LIÊN KẾT
TÔ NGỌC THẠCH
BÀI VĂN CỦA NGUYỄN BỈNH KHIÊM GHI Ở BIA QUÁN TRUNG TÂN (中津館碑記)
廣和三年孟春乙未科進士及第吏部左侍郎兼東閤大學士阮秉謙撰...BÀI VĂN CỦA NGUYỄN BỈNH KHIÊM GHI Ở BIA QUÁN TRUNG TÂN (中津館碑記 )
Sau này một số tác giả chép lại, nhưng bị “Tam sao thất bản” vì không thấy bản gốc. Chúng tôi đã tìm tới một số cơ quan như Trung tâm Thông tin Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện nghiên cứu Hán Nôm, Thư viện Quốc gia, Thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Bảo tồn cố đô Huế, Thư viện tỉnh Hải Dương, Thư viện Khoa học Tổng hợp Hải Phòng,… Và theo điều tra điền dã của nhóm chúng tôi nữa, nhưng cuối cùng cũng chỉ tìm được bản Hán tự chép tay.
Hay một số sách đã xuất bản từ đầu thế kỷ XX trở lại đây của các tác giả như: Chu Thiên, Giáo sư Bùi Văn Nguyên, Nguyễn Quân..., hay “Thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm tổng tập” do Nhà xuất bản Văn học năm 2014,… hay “bài Văn khắc ở bia đá quán Trung Tân” do Tổng cục Du lịch Việt Nam cung tiến năm 2000, nhưng tất cả các nội dung bài văn cũng chưa được hoàn chỉnh. Nay chúng tôi xin tổng hợp lại nội dung “Trung Tân quán bi ký” như sau:
中津館碑記
夫人性本善, 自枸於氣稟, 蔽於物欲而本然之性, 或不全于厥初. 驕吝邪僻,無不為已. 在朝則爭名, 在市則爭利, 侈其貴則涼臺燠館, 華其富則舞榭歌樓,見塗殍而, 吝一金之捐, 視露宿而無把茆之蓋. 善之不修者久矣. 然本天理在人心, 未嘗泯滅善乎, 故於吾鄉諸耆相勸以善, 橋梁寺館在在修治, 予亦有樂善之心, 每稱道者
壬寅秋, 予釋官歸田里, 召諸耆遊於中津, 東望東海, 西眄西溼, 南引朓于濂溪,則中庵, 碧洞, 甲乙周接, 北俯挹于雪江, 則寒市月渡, 左右築帶, 一絛大路橫亘其中, 輪蹄輻輘, 不知其幾千里矣. 因予顧謂諸耆曰: 諸公前所,修構如迎風, 長春, 等橋華則華矣. 然未有如斯之勝地也. 又無一庇以休憩行人乎哉. 諸鄉耆, 皆樂從余, 即捐家財以為之基. 命張時舉,阮敏, 丁清廟, 武文驛, 黎宗福, 等督其事. 以入月初三日興工, 至二十九日館成. 余題 額曰: 中津館, 有叩余問曰: 館名中津取何義也?
余語之曰: 中者中也,全其善為中, 不全其善則非中也, 津者津也,知所止為要津, 不知所止為迷津矣, 館之名義蓋取斯焉. 如忠於君, 孝於親, 友於兄, 第, 和於夫婦, 信於朋友, 中也. 臨財而不貧, 見利而不爭, 樂善而容人, 推寬而待物,此中也. 中之所在即至善之所在, 果能以此為津, 知所要歸則事事, 物物, 舉而措之. 莫不盡善,其功德之盛豈.
可量那,諸鄉耆皆樂, 余言之善請記于石以垂世云.
廣和三年孟春乙未科進士及第吏部左侍郎兼東閤大學士阮秉謙撰
PHIÊN ÂM (Hoàng Vũ):
Phù nhân tính bản thiện tự câu ư khí bẩm, tế ư vật dục, nhi bản nhiên, chi tính, hoặc bất toàn vu quyết sơ, kiêu lận, tà tịch, vô bất vi dĩ. Tại triều tắc tranh danh, tại thị tắc tranh lợi, xỉ kỳ quý tắc lương đài úc quán, hoa kỳ phú tắc vũ tạ ca lâu. Kiến đồ biễu nhi lận nhất kim chi quyên, thị lộ túc nhi vô bả mao chi cái. Thiện chi bất tu giả, cửu hĩ. Nhiên bản thiên lý tại nhân tâm, vị thường dẫn diệt thiện hồ, cố ư ngô hương, chư kỳ tương khuyến dĩ thiện, kiều lương tự quán, tại tại tu trị, dư diệc hữu lạc thiện chi tâm, mỗi xưng đạo giả.
Nhâm dần thu, dư thích quan quy điền lý, chiêu chư kỳ du ư Trung Tân. Đông vọng Đông Hải, Tây miện Tây kinh. Nam dẫn thiếu vu Liêm Khê tắc Trung Am, Bích Động giáp ất chu tiếp, Bắc phủ bão vu Tuyết Giang, tắc Hàn thị, Nguyệt độ. Tả hữu trúc đới. Nhất điều đại lộ, hoành cắng kỳ trung, luân đề bức lăng. Bất tri kỷ cơ thiên lý hỹ. Nhân dư cố vị chư kỳ viết: Chư công tiền sở tu cấu như Nghênh Phong, Trường Xuân đẳng kiều, hoa tắc hoa hỹ. Nhiên vị hữu như tư chi thắng địa dã, hựu vô nhất tý dĩ hưu khế hành nhân hồ tai.
Chư hương kỳ giai lạc tòng, dư tức quyên gia tài dĩ vi chi cơ. Mệnh Trương Thì Cử, Nguyễn Mẫn, Đinh Thanh Miếu, Vũ Văn Dịch, Lê Tông Phúc đẳng đốc kỳ sự.
Dĩ nhập nguyệt sơ tam nhật hưng công, chí nhị thập cửu nhật quán thành dư đề ngạch viết, Trung Tân quán. Hữu khấu Dư vấn viết: “Quán danh Trung Tân, thủ hà nghĩa dã?”.
Dư ngữ chi viết: “Trung giả trung dã, toàn kỳ thiện vi trung, bất toàn kỳ thiện tắc phi trung dã. Tân giả Tân dã, tri sở chỉ vi yếu Tân, bất tri sở chỉ vi mê Tân hỹ. Quán chi danh nghĩa cái thủ tư yên. Như Trung ư quân, hiếu ư thân, hữu ư huynh đệ, hòa ư phu phụ, tín ư bằng hữu trung dã. Lâm tài nhi bất bần, kiến lợi nhi bất tranh, lạc thiện nhi dung nhân, thôi khoan nhi đãi vật, thứ trung dã. Trung chi sở tại tức chí thiện chi sở tại. Quả năng dĩ thử vi Tân, như sở yếu quy tắc sự sự, vật vật, cử nhi cấu chi, mạc bất tận thiện kỳ công đức chi thịnh khởi khả lượng na.
Chư hương kỳ giai lạc dư ngôn chi thiện, thỉnh ký vu thạch dĩ thùy thế vân.
Quảng Hòa tam niên, mạnh xuân Ất Mùi khoa, Tiến sĩ cập đệ Lại bộ Tả thị lang kiêm Đông các đại học sĩ Nguyễn Bỉnh Khiêm soạn.
Dịch nghĩa (Hoàng Vũ): Bài văn ghi ở bia quán Trung Tân(1)
Người ta tính vốn thiện, nhưng do bị khí bẩm ràng buộc, bị vật dục che lấp, nên tính Thiện vốn có nay chẳng giữ được như trước nữa, rồi đâm ra kiêu căng, biển lận, sai lệch… không điều gì xấu xa là không làm. Ở triều đình thì tranh cái danh, ở thương trường thì tranh cái lợi. Sang thì khoe có biệt phủ mùa hè, mùa đông. Giàu thì khoe có lầu son gác tía, làm nơi hưởng thụ ca múa vui chơi. Ấy thế, thấy người sắp chết đói bên đường thì không dám bỏ ra một đồng cứu giúp, thấy kẻ nằm ngoài sương lạnh thì chẳng bố thí một manh chiếu đắp. Cái Thiện đã tắt nghịm trong lòng người ta từ lâu.
Cũng may, lẽ phải vẫn còn giữ được chưa bị tiêu tan, vì vậy các bậc cao niên ở làng ta vẫn thường lấy điều Thiện để động viên nhau, nào chùa, nào cầu, nào quán khắp nơi đều được sửa sang. Ta cũng có lòng ham làm điều Thiện, nên vẫn thường khuyến khích.
Mùa thu năm Nhâm Dần(2), tôi từ quan về làng nghỉ ngơi, mời các kỳ lão(3) ra chơi bến Trung. Tại đây, phía Đông trông ra biển Đông, phía Tây liếc thấy kênh Tây(4). Phía Nam nhìn ra thấy làng Liêm Khê, gần thì Trung Am, xa hơn là Bích Động trước sau liên tiếp. Phía Bắc cúi xuống thấy dòng Tuyết Giang, xuôi xuống là chợ Hàn, bến Nguyệt, phải trái bao quanh. Con đường cái quan chạy ngang ở giữa, ngựa xe qua lại tấp nập theo nhau không biết mấy ngàn dặm.
Nhân đây, tôi thưa với các bậc kỳ lão:
- Các cụ trước kia đã làm cầu Trường Xuân, Nghinh Phong đẹp thì có đẹp, nhưng địa thế không bằng nơi này. Há gì không dựng ở đây chiếc quán để hành nhân có chỗ nghỉ chân, chẳng tốt lắm sao?
Các vị kỳ lão đều vui lòng nghe theo, tôi liền bỏ tiền nhà ra làm nền, đoạn sai bọn học trò là Trương Thì Cử, Nguyễn Mẫn, Đinh Thanh Miếu, Vũ Văn Dịch, Lê Tông Phúc đôn đốc, trông coi. Nhằm ngày mồng ba tháng tám khởi công, đến ngày hai mươi chín cuối tháng thì hoàn thành. Tôi đề ở cái biển treo trước quán với ba chữ: “Quán Trung Tân”. Có người chào đón hỏi tôi:
- Tên quán Trung Tân vốn nghĩa là gì?
Tôi trả lời rằng:
- Trung là ngay giữa không thiên lệch bên nào, do vậy giữ được toàn vẹn điều thiện là Trung, trái lại thì không phải là Trung nữa. Còn Tân là cái bến, nếu biết dùng đúng chỗ là bến ngay, nếu không biết dùng đúng chỗ là lạc vào bến mê rồi.
Tên gọi quán Trung Tân vốn theo nghĩa vậy. Cho nên, trung với vua, hiếu với cha mẹ, thương yêu anh em, hòa thuận vợ chồng, tín nghĩa bè bạn, đó chính là Trung. Thấy lợi không tranh, lấy vui làm việc thiện mà bao dung được người, lấy lòng tình thực mà ứng đãi với người, với vật ấy cũng là đạo Trung vậy. Trung ở chỗ nào thì sự chí thiện ở chỗ ấy, nếu biết lấy những điều đó dùng đúng chỗ, làm điều cốt yếu để quy tụ thì sự sự vật vật không thể sai sót, không thể không đến chỗ tận thiện, công đức sẽ lớn vô cùng.
Các cụ đều tán thưởng nghe tôi nói về chữ Thiện, cùng xin ghi vào bia đá để lưu lại cho mai sau.
Tháng giêng năm Quảng Hòa thứ 3 (1543) Tiến sỹ cập đệ khoa Ất Mùi (1535), Tả thị lang bộ Lại kiêm Đông Các đại học sỹ Nguyễn Bỉnh Khiêm soạn.
__________
(1) Trung Tân (中津): Bến Trung. Chữ Tân (津) có nghĩa là bến, nhiều người hiểu sai sang chữ Tân khác (新) là mới.
(2) Tức năm 1542
(3) Kỳ lão: Thành viên Hội đồng Kỳ mục của làng
(4) Kênh (Kinh) Tây: Con kênh lớn chạy theo hướng Bắc Nam là biên giới giữa huyện Vĩnh Lại và Tứ Kỳ cổ (nay thuộc xã Liên Am và Tam Đa, huyện Vĩnh Bảo) nối từ sông Thái Bình, rồi vòng qua một số làng tổng khác ra sông Hóa, sau đó được mở mang thành sông và mang tên Bạch Đà, nằm ở phía Tây quán Trung Tân. Nhiều người dịch là kinh đô Thăng Long hay Tây Kinh (Trung Quốc) thực sự chưa sát ý. Trong bài thơ “Trung Tân ngụ hứng” Nguyễn Bỉnh Khiêm viết: “Nhân thôn quán Tây Nam. Giang thuỷ quán Tây Bắc. Trung hữu bán mẫu viên. Viên tại Vân Am trắc” càng thể hiện phía Tây Bắc quán Trung Tân là sông ngòi.
NGỌC TÔ
Các tin khác
-
THƠ "QUA MIẾU TRÌNH TUYỀN" CỦA LA SƠN PHU TỬ
-
ЗИМНЯЯ ДОРОГА. (CON ĐƯỜNG MÙA ĐÔNG)
-
CHẲNG CÒN LỜI ĐÁP TRÁI TIM
-
TÔI NGỒI ĐẾM LẠI MÙA XUÂN QUA LỜI BÌNH CỦA NGỌC TÔ
-
ГЛУХОЙ ГЛУХОГО ЗВАЛ/CHÀNG ĐIẾC NỌ MỜI RA TÒA CHÀNG ĐIẾC
-
Если жизнь тебя обманет/ CUỘC ĐỜI NẾU DỐI LỪA EM
-
НИКОГДА Я НЕ БЫЛ НА БОСФОРЕ/ANH CHƯA TỪNG TỚI EO BIỂN BOSPHO
-
“ВОРОН К ВОРОНУ ЛЕТИТ”- “QUẠ BAY ĐẾN BÊN NHAU”
-
ЖУРАВЛИ / ĐÀN SẾU
-
ЕСЛИ В МИРЕ ТЫСЯЧА МУЖЧИН - NẾU TRÊN THẾ GIAN...