/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

Về thơ văn TNT

Sông Hoá

Nước ta có nhiều dòng sông nổi tiếng. Nổi tiếng về chiều dài, độ lớn. Nổi tiếng về sự hung dữ. Nổi tiếng về những chiến công lịch sử.

Sông Hoá

Vịn giấc mơ
          lần bờ thời gian tìm về sông Hoá*
Câu đồng dao chằng tôi vào qúa khứ
Phù sa nồng thơm tuổi học trò
Cánh đồng Chiều goá bụa cơn mơ
Bao giấc ngủ ướt lướt
Đỏ rần con mắt
Những cơn nắng đành hanh
Những ngọn đèn dầu nhỏ nhẻ thay trăng
Những cơn rét chiều tía ha tía hất
Những buổi đong đêm bằng gầu tát nước
Mảnh buồm nâu gấp mép bầu trời
Dòng sông này
Chảy suốt đời tôi
Dọc triền đê
Hoa cỏ may găm đầy ký ức
Cơn gió hồng hoang
          ném nỗi niềm vào hoàng hôn xa lắc...
 
Cơn mưa lênh loang
Ngực bến trễ tràng
Vỗ về dòng sông thiêm thiếp đêm trở dạ
Tôi lang thang theo con đò quê mẹ
Tìm được chìa khoá vàng mãi tận đáy đêm
Ban mai chín ửng
Một ngày hừng xanh.
 
___________
* Sông ranh giới giữa Hải Phòng và Thái Bình
 
                                     
                             Tô Ngọc Thạch (Văn nghệ số 29 ngày 19/07/2008)
 
 
 
 
 
 
 
Lời bình của PHẠM THUẬN THÀNH
 
           Nước ta có nhiều dòng sông nổi tiếng. Nổi tiếng về chiều dài, độ lớn. Nổi tiếng về sự hung dữ. Nổi tiếng về những chiến công lịch sử. Và còn rất nhiều dòng sông nhỏ của từng vùng từng miền. Như con sông Hóa trong thơ Tô Ngọc Thạch chẳng hạn. Con sông ranh giới giữa Hải Phòng và Thái Bình, người nơi khác không biết có nó. Thì bây giờ tôi, anh, mọi người biết có nó, biết thêm một con sông mới, sông Hóa. Sông có thật, nhưng cũng là sông của kỷ niệm, của thi ca.
          Hẳn tác giả đã xa quê xa sông lâu rồi nên trở về dòng sông tuổi thơ bằng những kỷ niệm. Kỷ niệm về thời gian, kỷ niệm về không gian, kỷ niệm về đồng áng, kỷ niệm về tình yêu, về ước vọng. Nhưng điều đáng nói hơn cả là kỷ niệm của tác giả quá đằm, quá da diết đến mức bật ra thành thơ. Mỗi câu mỗi dòng đều đạt tới thơ. /Vịn giấc mơ, lần bờ thời gian tìm về sông Hóa/. Đi theo bờ thời gian chứ không theo bờ sông, bởi bờ sông thì hữu hạn, còn bờ thời gian thì trải dài được mấy chục năm, trải rộng hết không gian quê hương, không gian của dòng sông. Thì đây, tuổi thơ là kỷ niệm kèm hát đồng dao nên /câu đồng dao chằng tôi vào quá khứ/. Lớn hơn là những buổi tắm sông, đùa nghịch ở sông nên /phù sa nồng thơm tuổi học trò/. Phải tắm nhiều đến mức nào đó thì tuổi học trò mới có thể ngấm vào nước sông đến mức làm cho phù sa cũng nồng thơm lên. Lớn chút nữa đã phải lao động đồng áng. Nào giăng đèn bắt bớm khắp đồng /những ngọn đèn dầu nhỏ nhẻ thay trăng/. Nào tát nước chống hạn thâu đêm /những buổi đong đêm bằng gầu tát nước/. Câu thơ phảng phất ý ca dao đèn và trăng và tát nước đêm trăng. Ca dao nói: múc ánh trăng vàng đổ đi vừa đẹp, vừa tài, còn Tô Ngọc Thạch viết mới hoàn toàn /đong đêm bằng gầu tát nước/ vừa tài vừa không bị trùng lặp ca dao lại khái quát được sự vất vả của việc chống hạn. Đến hình ảnh /Mảnh buồm nâu gấp mép bầu trời/ ta thấy cái giới hạn của không gian, đồng thời cũng là cái giới hạn của thời gian, mảnh buồm dường như gói lại tuổi vị thành niên để người ta bước sang tuổi yêu đương mơ mộng. Thì đấy, phải có những buổi hẹn hò, những lần ngồi bên nhau thì /dọc triền hoa cỏ may mới găm đầy ký ức/ chứ. Nhưng có lẽ đó chưa phải là yêu mà chỉ là sự rung động xao xuyến con tim của kẻ mới lớn nên cảm giác ấy đã bị /cơn gió hồng hoang ném nõi niềm vào hoàng hôn xa lắc/. Chỉ đến khi thật sự trưởng thành, thấy được /ngực bến trễ tràng vỗ về dòng sông thiêm thiếp đêm trở dạ/ thì tình yêu mới có thực sự. Đó là khi /Tôi lang thang theo con đò quê mẹ/ Tìm được chìa khóa vàng mãi tận đáy đêm/, đáy của cuộc đời. Chính cái kết quả của tình yêu này mới là kỷ niệm sâu đậm nhất, đáng ghi nhớ nhất.Vì thế tác giả hạ bút /Dòng sông này chảy suốt đời tôi/ là tâm trạng rất thật, thật đến mức ta cảm thấy tôi là tác giả mà cũng là của cả người đọc. Và chúng ta lại có thêm một con sông mới của riêng mình: sông Hóa
 
                                                                                P.T.T