/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

Về thơ văn TNT

Biên bản thời gian"- Tập thơ mang nhiều suy ngẫm.

Nhà thơ Tô Ngọc Thạch vừa ra mắt tập thơ thứ tư của anh Biên bản thời gian (Nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành cuối năm 2007),
                                  Biên bản thời gian"- Tập thơ mang nhiều suy ngẫm.
 
CAO NĂM
 
 
          Nhà thơ Tô Ngọc Thạch vừa ra mắt tập thơ thứ tư của anh "Biên bản thời gian" (Nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành cuối năm 2007), tập hợp 39 bài thơ anh viết từ năm 2005. Điều đầu tiên có thể thấy trong "Biên bản thời gian" là sự vượt lên chính mình của anh, cả trong phương pháp tư duy thơ lẫn cách biểu cảm. Thơ không còn dừng lại ở sự xúc động bất chợt hay ký ức hiện về, dẫu mang đầy kỷ niệm vẫn có cái gì còn bàng bạc như ta thấy trong "Gọi đò""Giọt nhớ", hai tập thơ đầu của anh. Dường như ở tập thơ mới này, nhà thơ Tô Ngọc Thạch đã rút ra được những gì mà mấy tập trước gặp phải, cố gắng bứt lên theo cái hướng chính anh vạch ra, trong bài "Tự bạch" in ở đầu tập: "Người làm thơ như người thợ đúc chuông/ Luôn tìm cho mình chất liệu, đường nét riêng".
Theo hướng ấy, người đọc gặp Tô Ngọc Thạch ở nhiều bài thơ trong tập "Biên bản thời gian" một cách cảm quan nghệ thuật giàu hình tượng, gợi suy ngẫm, bằng cách sử dụng những từ đa thanh, đa nghĩa, gợi nhiều hơn tả: "Bao lo toan nâng mình lên đỉnh cao bối rối/ Vòng xanh luân hồi/ Chiêm bao lạc lối/ Tê tái quạnh hiu nắng xía gió xiên/ Nỗi buồn thơm như nhang chân lạc bước bên hiên/ Khoác vai tôi thủ thỉ thù thì những lời cù mì lọt vào da thịt/ Cõi lòng dịu êm/ Ánh trăng trong vắt/ Tôi rửa nỗi buồn mà sạch đơn côi". Nguời ta hay nói quên nỗi buồn, đừng buồn nữa, buồn làm chi em ơi, có lẽ nhiều và nhàm rồi, giờ nghe Tô Ngọc Thạch "rửa nỗi buồn", mà hơn thế nữa, còn rửa "sạch đơn côi" thì không những lạ, mà còn thấy dứt khoát, ấm áp hơn nhiều cách nói trực diện kia. Cũng viết về tháng Năm trên thành phố Cảng, nhưng khác nhiều người làm thơ thiên về tả cái bên ngoài, với những màu phượng đỏ chói chang, sắc nắng vàng như mật, Tô Ngọc Thạch lặn vào bên trong để lột tả đến tận cùng sự vật lộn, đi lên: "Màu thời gian như trái chín ngọt dần/ Bờ tâm tưởng mở mang dòng sông Cấm/ Nhận thức ánh lên vầng trán ai sáng láng/ Con sóng say mèm lay nắng giữa vòm xanh". Cũng với cách nói lặn vào bên trong ấy, anh có bài "Thăng Long", từng đoạt giải cuộc thi thơ và truyện ngắn của báo Người Hà Nội, với những câu đọc rất gợi: "Muôn giọt máu hồng trái tim đất nước/ Lời hát ru sinh nở khúc sông chờ/ Nhịp trống địa linh nhân kiệt dựng Kinh đô/ Đường văn hiến dọc dài vùng châu thổ". Tạo ra cách nói giàu âm thanh, gợi suy ngẫm cũng là một bước tiến đáng kể trong "Biên bản thời gian", so với mấy tập thơ trước của anh. Tô Ngọc Thạch không ngần ngại bứt ra khỏi cách nói thông thường, để tạo một cách nói nhiều khi không hẳn là dễ hiểu, nhưng lại có sức gợi, sức lay khá mạnh: "Chợ Gừng bán giấc mơ hồng/ Ngật ngà câu hát lạc trong vơi đầy/ Chợ Gừng mua ngọt bán cay/ Để tôi đắm đuối dứt day muộn phiền/ Nghe tin chợ sắp đổi phiên/ Mình tôi ngụp giữa một miền nắng mưa". Cũng là nỗi nhớ của hai người xa nhau, nhưng đằm sâu, xa sót đến thế này quả là ít thấy: "Tờ lịch rơi nhẵn thín thời gian/ Bến hò hẹn vẹt bao hoài niệm".
Trong tập "Biên bản thời gian", Tô Ngọc Thạch dường như muốn thể nghiệm lối thơ mang dáng dấp văn xuôi, kiểu "văn xuôi về một vùng thơ" với một chùm bốn bài. Nhìn chung, cả bốn bài đều khá nhuyễn về ý tưởng và cách chọn chữ, gieo vần, tránh được gò ép vần điệu đến mức làm cho câu thơ lê thê, như hay thấy ở một số tác giả làm thơ "văn xuôi".  Trong bài "Làng Vẻn", Tô Ngọc Thạch có những câu thơ khoẻ và gợi, lột tả được hình tuợng nữ tướng Lê Chân, người có công lập lên vùng đất An Biên trang (Hải Phòng ngày nay): "Cả cuộc đời Bà sàng đêm lọc những ước mơ/ Gieo nụ cười vào bến ưu tư/ Vượt lên đỉnh chờ mong hái chùm mây ngũ sắc/ Cấy tuổi xuân vào cánh đồng lộc biếc". Còn ở bài "Rỗng đêm" anh lại nghiêng về lối viết ảo, giữa mơ và thực, lột tả tận cùng ý nghĩ, tưởng như rất thực, nhưng vẫn chỉ là mơ: "Góc vườn khuya, vỉa nhớ đứng chơi vơi/ Khói thui thủi vương đôi bờ ảo vọng/...Khật khưỡng đêm rồng rắn đi ra từ đôi mắt đỏ/ Giật thót mình hưng hửng bình minh". Cái cần ở thơ "văn xuôi" là sự nhuyễn và gợi. Có ý tưởng, có hình ảnh, nhưng không nhuyễn thì đọc thấy trúc trắc thế nào ấy; còn nhuyễn mà không gợi được sự liên tưởng cho người đọc thì cũng như kiểu thơ có vần vèo mà thôi. Thế nên, làm được thơ "văn xuôi" hay là khó, đi vào lòng người lại càng khó hơn, nhất là hiện nay số người đọc thích thơ "văn xuôi" còn ít. Vì vậy thêm yêu quý, trân trọng những nhà thơ mạnh dạn đi vào thể thơ này, tạo sự đa dạng không chỉ trong sáng tác của nhà thơ, mà còn cả trong thưởng thích của người yêu thơ./
 
Đã đăng Báo ANHP 2008