/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

Văn xuôi

SẮC PHONG THẦN THỜI PHONG KIẾN VIỆT NAM 

Phần lớn các triều đại phong kiến Việt Nam, đặc biệt từ thời Hậu Lê đến hết năm Khải Định 9 (1924) đều có phong sắc và các sắc phong này phản ánh quyền uy tối thượng của nhà vua,

SẮC PHONG THẦN THỜI PHONG KIẾN VIỆT NAM       

.

       Qua quá trình tìm hiểu và đọc các sắc phong, chúng tôi chỉ gặp các sắc phong thần thời Lê trung hưng (1533 – 1788), thời Tây Sơn (1778 – 1802) và thời nhà Nguyễn (1802 – 1924). Ba triều đại trên đều có phong sắc và các sắc phong này phản ánh quyền uy tối thượng của nhà vua, nó còn thể hiện “con Trời” xuống dân gian để cai quản thần dân, nên không chỉ trị vì muôn dân trong thế giới trần tục mà còn cai quản cả thế giới thần linh. Đây là loại hình di sản tư liệu đặc thù, tước hiệu cao quý mà nhà vua ban tặng, xưa nay được xem như báu vật của các làng xã. Các đoạn cuối sắc phong bao giờ cũng nhắc lại lời vua gửi tới thần phải “bảo ngã lê dân” (bảo vệ, che chở cho dân) và ra lệnh “khâm tai” (hãy tuân thủ theo sắc lệnh này) để nhắc nhở thần và muôn dân phải thực hiện nghiêm minh.

       Sắc phong thần còn là cơ sở xác nhận danh chức, danh tước, công trạng của các danh nhân lịch sử được làng xã tôn thờ. Các Thành hoàng là những nhân vật lịch sử có công với nước, thường gọi là nhân thần (Phúc thần) hay các đấng thần linh trong tín ngưỡng dân gian như nhân vật huyền thoại, vật linh, các hiện tượng thiên nhiên... Đối tượng được phong thần trên sắc phong cũng có thể là dân thường, nhưng có công khai hoang lập làng, truyền dạy nghề thủ công hoặc có công đức lớn với cộng đồng… gắn liền với truyền thống lịch sử làng xã. Với các bề tôi có công với nước thì triều đình phong sắc thăng thưởng chức tước, quan lộc, cấp đất... Với các vị thần được địa phương tôn thờ ở đình, đền, miếu, phủ,… thì triều đình ban sắc phong mỹ tự tôn thần.

       Các văn bản này, với tính độc đáo, độc bản, đặc trưng và quý hiếm, thể hiện truyền thống đáng tự hào của làng xã, gia tộc ở mỗi địa phương nên được xem là nguồn văn bản quan trọng, có giá trị và ý nghĩa to lớn trong việc nghiên cứu về nhiều phương diện liên quan đến lịch sử văn hóa nước nhà, cũng như các yếu tố chuyên môn trên nhiều lĩnh vực khoa học xã hội.

Quy trình phong sắc được tổ chức rất nghiêm ngặt và chính xác. Thành hoàng làng từ năm Tự Đức thứ 3 (1850) đến hết năm kết thúc phong thần (Khải Định thứ 9 - 1924) được chia làm ba hạng như sau: Tôn thần (Hạ đẳng thần), Trung Đẳng thần và Thượng Đẳng thần.

-  Tôn Thần là do làng xã thờ phụng, nhiều khi không rõ thần tích, nhưng cũng thuộc về bậc chính thần.

- Trung Đẳng thần là những vị thần làng xã thờ đã lâu, có họ tên mà không rõ công trạng hoặc là có quan tước mà không rõ họ tên, hoặc là những thần có chút linh vị, tới khi nhà vua cầu đảo mà có ứng nghiệm thì triều đình cũng liệt vào tự điển, mà phong làm Trung Đẳng thần.

Thượng Đẳng thần là những thần danh sơn Đại Xuyên và các bậc thiên thần như Tản Viên Sơn Thánh, Cao Sơn, Quý Minh Đổng Thiên Vương, Sóc Thiên Vương, Chử Đồng Tử, Liễu Hạnh Công chúa... Các vị ấy có sự tích linh dị, mà không rõ tung tích ẩn hiện thế nào, cho nên gọi là Thiên thần. Thứ nữa là các vị nhân thần có đại công lao với dân, với nước. Lúc mất đi, hoặc bởi nhà vua biểu dương công trạng mà lập đền thờ hoặc bởi lòng dân nhớ công đức mà thờ. Các bậc ấy đều có sự tích công trạng hiển hách và họ tên rõ ràng, lịch triều có mỹ tự bao phong làm Thượng Đẳng thần. Cũng có vị là nhân thần nhưng lại không được nhắc tới nhiều trong chính sử mà được nhắc tới nhiều trong dã sử và truyền thuyết như Đức Thánh Tam Giang...

.

Sắc phong cho Diệu Ứng Mỹ Âm tôn thần tại làng Nghĩa Lý - h. Vĩnh Bảo

       Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi thấy có hai loại sắc phong hiện nay còn đang tồn tại, đó là sắc phong bản gốc và sắc phong chép lại. Thông thường những sắc phong chép lại là do việc phân chia địa giới hành chính, hoặc nhóm người của địa phương đó di chuyển tới nơi khác sinh sống và có một điều chắc chắn là các địa phương ấy cùng chung một nội dung sắc phong và đều có liên quan gốc rễ với nhau.

       Ví như khi về xã Xuân Trì huyện Vĩnh Lại, nay là thôn Xuân Trì, xã Tân Quang, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương xem lại các sắc phong, chúng tôi tình cờ phát hiện ra một sắc phong cho Hưng Đạo đại vương ghi ở phần cuối: “Chuẩn cho xã Lạc Sơn, huyện Chí Linh và xã Vạn An, huyện Phượng Nhãn được thờ phụng như trước”, nhưng câu cuối ghi: “Xã Xuân Trì thừa hành phụng sự”. Cũng tương tự như sắc phong trên, tại làng Kênh Hữu, xã An Hòa, huyện Vĩnh Bảo. Hay thôn Kênh Trang, xã Tân Hưng, huyện Vĩnh Bảo và thôn Tăng Thịnh xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo…cũng vậy. Và một số sắc phong nữa khi chia tách làng xã thì thông thường giáp (xóm) chính sẽ được giữ bản gốc, còn giáp thứ sẽ giữ bản chép lại.

       Còn bước sang thời cơ chế thị trường, đặc biệt là từ khi có Thông tư quy định về nội dung hồ sơ khoa học để xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh, thì có khá nhiều sắc phong được làm lại, mà những người môi giới đều nói là lấy từ Viện nghiên cứu Hán Nôm hoặc từ Trung tâm Bảo tồn khu di tích cố đô Huế.v.v. Thực chất sắc phong chỉ có một, khi phát cho các địa phương rồi thì không có cái thứ hai. Hiện nay ngoài thị trường có rao bán các loại giấy làm sắc phong, hay sắc phong “dởm” cũng có dấu đỏ hẳn hoi. Người bình thường không thể phát hiện được, nhưng những người có chuyên môn nhìn qua là biết ngay.

       Chưa cần xem xét chất liệu giấy, văn hoa và dấu son trên sắc phong ta có thể phát hiện ra những lỗi thông thường ở sắc phong “dởm” như sau:

  1. Tên xã, tổng, huyện, phủ, tỉnh phải phù hợp với thời gian được cấp

sắc phong. Ví như có sắc phong tại một số làng xã tại huyện Vĩnh Bảo ghi tên huyện này đã có từ thời Lê trung hưng (1533 – 1788), trong khi đó huyện Vĩnh Bảo được thành lập từ năm Tự Đức thứ 19 (1838). Hay các sắc cho các xã thuộc 3 tổng Kê Sơn, An Lạc và Hạ Am năm Minh Mạng thứ 20 (1839) đến năm  thời Thành Thái tới năm Thành Thái thứ 2 (1890) lại ghi huyện Vĩnh Bảo… vì ba tổng này gia nhập vào ngôi nhà chung Vĩnh Bảo từ sau năm 1890…

        Hay một số sắc phong có từ thời Thành Thái (1889 – 1907) tới thời Duy Tân (1907 – 1916) của một số địa danh ở các quận, huyện tại Hải Phòng mà lại ghi tỉnh Hải Dương. Trong khi đó từ tháng 09 năm 1887 tỉnh Hải Phòng đã được thành lập. Hay một số địa danh tại nội đô Hải Phòng trong sắc phong được cấp từ sau tháng 08 năm 1902, nhưng vẫn ghi tỉnh Hải Phòng. Trong khi đó từ năm 1898 thì tỉnh Hải Phòng được tách ra thành hai địa danh là thành phố Hải Phòng (phần nội thành) và phần còn lại gồm các huyện Thủy Nguyên, An Dương, Nghi Dương (sau là phủ Kiến Thụy) An Lão và Tiên Lãng, được mang tên tỉnh Phù Liễn, rồi từ tháng 02 năm 1906 thì tỉnh này đổi tên thành Kiến An…

  1. Tên thần ở các sắc phong phải hoàn toàn thống nhất, chứ không

phải sắc thứ nhất tên Phu nhân A, còn các sắc sau là Công chúa A chẳng hạn. Nếu có khác nhau thì được gia tặng thêm mỹ tự mà thôi và tên thần không giống tên húy (tên khai sinh). Nhiều khi cùng một tên thần, nhưng là nhiều thần khác nhau. Từ đầu thời Nguyễn trở về trước, tên thần rất dài, nên khó bị trùng lặp. Nhưng từ thời Tự Đức trở về sau thì một số vị thần được gọi tắt cho dễ nhớ. Từ đó nảy sinh ra dễ nhầm lẫn. Ví dụ như: Thần Nam Hải đại vương tại Hải Phòng, chúng tôi chỉ nêu qua những cái tên có liên quan tới thần Nam Hải:

  • Nam Hải tôn thần (không rõ sự tích) được thờ ở các thôn xã (thuộc

thành phố Hải Phòng): Áng Sơn, Du Viên, Đồng Tử, Giang Khẩu, Giáp Động, Kiều Trung, Minh Kha, Minh Trai, Phù Liễn, Trang Quán, Việt Khê, An Mỗ, Cựu Viên, Để Xuyên, Lật Dương, Liễu Kinh, Lương Câu, Sinh Đan, Thọ Linh, Tiên Cựu, Tỉnh Dũng, Trạm Bạc

  • Nam Hải, Nam Hải tôn thần, được thờ ở xã Hợp Lễ (Kiến Thụy)
  • Nam Hải tôn thần (tên húy là Hương), sinh 04/02, hóa ngày 16/08,

không rõ sự tích, được thờ ở thôn Chính Nghị (Tiên Lãng).

  •  Nam Hải tôn thần (tên húy là Phán) được thờ ở xã Khúc Giản (An

Lão)

  •  Nam Hải Cuối Ngòi đại vương tôn thần (không rõ sự tích), được thờ

ở xã Xuân Đài (An Lão)

  • Nam Hải Đại Chúa đại vương tôn thần, được thờ ở xã Phủ Niệm (An

Lão)

  •  Nam Hải đại vương tôn thần, không rõ sự tích được thờ ở xã An Lạc

(Vĩnh Bảo)

  •  Nam Hải đại vương tôn thần, tức Tô Hiến Thành, được thờ ở các

thôn xã: Cổ Am, Lao Chử, Phù Lưu, Xuân La.

  •  Nam Hải đại vương tôn thần, được thờ ở các xã: Lão Phong (Kiến

Thụy), Xuân Đài (An Lão)

  • Nam Hải đại vương tôn thần, tên húy là Phạm Hải, được thờ ở xã

Tiểu Trà (Dương Kinh).

  • Nam Hải đại vương tôn thần, tên húy là Hải, được thờ ở xã Nhuệ

Đông (Tiên Lãng).

  • Nam Hải Hộ Quốc đại vương tôn thần, không rõ sự tích, được thờ ở

xã Châm Khê.

  • Nam Hải Khoái Nỗi đại vương tôn thần, không rõ sự tích, được thờ ở

xã Đồng Xuân (An Lão).

  • Nam Hải Minh Diệu đại vương tôn thần, không rõ sự tích, được thờ

ở xã Bảo Hà (Vĩnh Bảo).

  • Nam Hải Quảng Tế đại vương tôn thần, không rõ sự tích, được thờ

ở xã Tú Đôi (Kiến Thụy).

  • Nam Hải Tô Thái Úy đại vương tôn thần, tên húy là Tô hiến Thành

được thờ ở xã Viên Lang (Vĩnh Bảo).

  • Nam Hải tôn thần, không rõ sự tích, được thờ ở thôn xã: Cẩm La, xã

Thanh Sơn, Cao Bộ, Đại Trà, Đức Phong, Kỳ Sơn, Thâm Động, Phù Long

  • Nam Hải Tứ Vị Thánh Nương tôn thần, không rõ sự tích, được thờ

ở xã Cao Bộ (Kiến Thụy).

  • Trấn An Nam Hải Tản Khâu Chi thần, không rõ sự tích, được thờ

ở xã Linh Đông (Vĩnh Bảo).

  • Hùng Liệt Nam Hải Đàm Môm Chi thần, sinh ngày 02/12, không rõ

sự tích, được thờ ở xã Linh Đông (Vĩnh Bảo).

  •  Trinh Từ Hiển Huệ Nam Hải tôn thần, không rõ sự tích, được thờ

ở xã Phúc Hải (Kiến Thụy).

  •  Vua Bà Nam Hải tôn thần, không rõ sự tích, được thờ ở các xã Lê

Xá, Tú Sơn (Kiến Thụy).

  •  Nam Hải tôn thần, không rõ sự tích, được thờ ở xã Liễu Kinh (Vĩnh

Bảo), Cẩm La (Kiến Thụy).

  •  Đại Càn Quốc gia Nam Hải Đặng Cẩm Nhạc, tên húy là Hồng, Cúc,

Quế, Lý, không rõ sự tích, được thờ ở các thôn xã: Cổ Trai (Kiến Thụy) và Cẩm Khê (Kiến Thụy), Xuân Đám (Cát Hải), .

  • Đại Càn Quốc gia Nam Hải Tứ vị Thượng đẳng thần, không rõ sự

tích, được thờ ở các thôn xã: Gia Lộc (Cát Hải), Ngãi Am (Vĩnh Bảo), Gia Luận (Cát Hải), Phú Kê (Tiên Lãng).

  • Đại Càn Quốc gia Nam Hải Tứ Vị Tôn thần (tức Càn Nương, Đức

Thánh Cờn), không rõ sự tích, được thờ tại xã Hòa Hy (Cát Hải).

  • Đại Càn Quốc gia Nam Hải tức Tống Thái Hậu và Tứ Vị Hồng

Nương tại xã Cổ trai (Kiến Thụy).

  • Nam Hải Uy Linh Công chúa Thánh Chân tôn thần, húy là Lê Chân,

được thờ ở xã An Biên, tổng Đông Khê, huyện An Dương

  • Nam Hải tướng quân tôn thần, húy là Lương Toàn, được thờ ở đền

Lác, xã Quý Xuyên, tổng An Bồ (nay thuộc Vĩnh Bảo)

  • Nhuận Trạch Long Triêm Bác Lợi Uông Nhuận Dực Bảo Trung

Hưng Nam Hải Trung đẳng thần (theo sắc phong năm Khải Định thứ 9 (1924). Theo Thần tích của làng, thì vị thần Nam Hải này là Phạm Tử Nghi, được thờ ở đền thôn Cái Tắt, xã An Lạc, huyện An Dương. Nhưng qua sắc phong thần, ta thấy đây là một vị Thủy thần.

  •  Quảng đại Nam Hải chi thần (theo sắc phong năm Thiệu Trị thứ 6).

Theo Thần tích của làng viết năm 1938, thì vị thần Nam Hải này là Tứ Dương hầu Phạm Tử Nghi, được thờ ở ở các xã Niệm Nghĩa, Đôn Nghĩa và Vĩnh Niệm (quận Lê Chân). Nhưng chúng tôi xem thấy được gia tặng với mỹ tự Quảng đại Hoằng thâm chi thần (Âm thần).

  •  Nguy Tuấn Huyền Thông Tĩnh An Quảng Lợi Uông Nhuận Dực Bảo Trung Hưng Nam Hải Trung đẳng thần (theo sắc phong năm Khải Định 9 cho làng Nghĩa Lý, Vĩnh Bảo) được gia tặng Hoành Trị Thượng đẳng thần (Âm thần). Trang 596 “Từ điển Bách khoa Địa danh Hải Phòng” ghi thần Nam Hải đại vương này, tên húy là Phạm Tử Nghi.
  • Nam Hải đại vương tôn thần hay Nam Hải tôn thần… húy là Phạm

Tử Nghi, được thờ ở rất nhiều thôn xã thuộc các quận huyện, thành phố Hải Phòng. 

       Chúng tôi thống kê sơ qua như vậy để độc giả hiểu thêm về sự đa dạng của các tên thần và dễ gây nhầm lẫn cho mọi người. Trong khi đó tại Hải Phòng có rất nhiều thần tích của các làng xã ghi thần Nam Hải đại vương, thì đừng cho ngay là của Tứ Dương hầu Phạm Tử Nghi, vì chưa có căn cứ.

       Hay thần Đông Hải đại vương cũng có ít nhất hai vị là Tướng quân thời cuối Hậu Lý - Đoàn Thượng, hay Tướng quân – Hoàng giáp thời Lê sơ Nguyễn Phục… Hay thần Cao Sơn hoặc Cao Sơn đại vương là tên gọi của nhiều vị thần trong truyền thuyết Việt Nam. Có ít nhất 5 vị Cao Sơn đều được thờ phổ biến ở các di tích tại Việt Nam như: Thần Cao Sơn thời Hùng Vương thứ nhất; Thần Cao Sơn thời Hùng Vương thứ 18; Tướng Cao Sơn thời nhà Đinh; Tướng Cao Sơn người Trung Quốc sang Việt Nam thời nhà Hồ và thần Cao Sơn là thày thuốc ở Chí Linh Hải Dương.v.v.

  1. Sắc được phong lần đầu trong một triều vua thường có cụm từ “

未有預封 (hướng lai vị hữu dự phong), hoặc với cụm từ “向來未蒙頒給敕封” (hướng lai vị mông ban cấp sắc phong), nghĩa là chưa được ban cấp sắc phong. Còn cụm từ “節經蒙頒給敕封(tiết kinh ban cấp sắc phong) có nghĩa là đã được triều đình trước ban cấp sắc phong (trước đó đã được cấp từ hai sắc phong trở lên) và cụm từ “節蒙頒給敕封” (tiết mông ban cấp sắc phong) nghĩa là đã được triều đình ngay trước đó ban cấp sắc phong (tức trước đó có một sắc phong, nay là sắc phong thứ hai).

  1. Tên mỹ tự trong các sắc phong của cùng một vị thần đều phải

thống nhất. Ví dụ nguyên tặng Đoan Túc (端肅) Dực Bảo Trung Hưng (Dương thần) vị thần A nào đó. Nay lại gia tặng Uông Nhuận (汪潤) Trung đẳng thần (Thủy thần) là chưa đúng, vì hai mỹ tự đầu xác nhận vị thần trên là Dương thần, thì hai mỹ tự sau lại công nhận vị thần này là Thủy thần.v.v.

  1. Các triều đại phong kiến đối nghịch nhau thì triều đại sau không

phong thần cho vua quan thời đại trước làm Thành hoàng làng. Ví dụ như: Triều đình nhà Nguyễn không bao giờ phong cho đại quan hay hoàng thân quốc thích nhà Tây Sơn, hay triều đình nhà Lê trung hưng không bao giờ phong cho đại quan hay hoàng thân quốc thích nhà Mạc (trừ trường hợp rất đặc biệt), nên công chúa Ngọc Hân (vợ Quang Trung) không thể là Thành hoàng làng Nội Tạ (huyện Vĩnh Bảo). Hay Hoàng thân Phụ chính Ứng vương Mạc Đôn Nhượng, hay Hoàng Thánh mẫu (một Hoàng hậu nhà Mạc) hay Mạc Mậu Hợp.v.v. không thể là Thành hoàng làng ở huyện Nghi Dương được. Vì nhà Lê Trung hưng là đối nghịch của nhà Mạc, còn nhà Nguyễn sau này coi nhà Mạc là “ngụy triều”. Và một điều nữa là “con Trời”, tức nhà vua không thể làm Thành hoàng làng được, vì vua là người cai quản thế giới thần linh. Nên một số làng xã từ thời nhà Nguyễn tới nay công nhận Nam Hải đại vương là An Dương Vương là chưa chính xác, vì những lý do như nêu trên và khi xem sắc phong được gia tặng với mỹ tự là Hoằng Hợp Thượng đẳng thần, tức đây là vị Thủy thần.

  1. Các đợt ban cấp sắc phong thường xảy ra vào năm đầu khi nhà vua

nhậm chức và những năm chẵn mừng sinh nhật nhà vua (quốc khánh) hay Thái Thượng hoàng, trừ những trường hợp đặc biệt khác.

  1. Chữ viết cũng như cách hành văn của mỗi triều vua, cũng như từng

triều đại đều khác nhau…

          Và còn rất nhiều lý do khác nữa để xác định được những sắc phong còn lưu giữ tại các khu di tích, đình chùa, miếu mạo, từ đường dòng họ… hiện nay là nguyên bản (thật) hay mới làm lại (dởm) sau này.   

       Một số địa phương hay dòng họ “háo danh”, đã bỏ ra số tiền lớn làm “Di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh, thành phố hay quốc gia”, rồi treo những sắc phong “dởm” ở từ đường hay đền, miếu, đình… chẳng hay ho gì, mà chỉ có tác dụng ngược lại. Còn các sắc phong đã mất, thất lạc hay hỏng hóc,... có thể được thể hiện nội dung lại trên vật liệu gỗ, trên bia đá… bằng chữ Nho, có phiên âm và dịch nghĩa là phương án tốt nhất.

       Quá trình xem các sắc phong được dịch ra tiếng Việt, có địa phương nhờ những người biết chữ Nho ở quận, huyện dịch, có những địa phương mời các “cao thủ” ở tỉnh, thành phố về dịch, nhưng rất nhiều bản dịch chưa thật chuẩn xác. Chúng tôi cung cấp một số tư liệu để độc giả hiểu biết thêm về các sắc phong từ năm Tự Đức thứ 3 (1850) đến hết năm Khải Định thứ 9 (1924) quy định về hệ thống phẩm trật như sau:

           Phân cấp

 

Tính chất

Thượng đẳng thần (上等神)

Trung đẳng thần

(中等神)

Tôn thần

(尊神)

Dương thần

Trác Vỹ

(卓偉)

Quang Ý

(光懿)

Đoan Túc

(端肅)

Thiên thần

Túy mục

(粹穆)

Linh thúy

(靈邃)

Thuần chính

(純正)

Thổ thần

Hàm Quang

(涵光)

Tĩnh Hậu

(静厚)

Đôn Ngưng

(敦凝)

Sơn thần

 

Tuấn Tĩnh

(靜峻)

Củng Bạt

(鞏拔)

Tứ Ngục

(儩獄)

Thủy thần

 

Hoành Trị (Hợp)

(宏治)

Uông (Nông) Nhuận (汪潤)

Trừng Trạm

(澄湛)

Âm thần

 

Trang Huy

(奘徽)

Trai Thục

(齋淑)

Nhan (Trinh) Uyển (顏婉)

 

       Nhìn qua sơ đồ trên ta thấy: Các từ chỉ phẩm trật thường đi kèm với các mỹ tự. Nếu sắc phong nào không chỉ rõ là Thượng đẳng thần, Trung đẳng thần hay Tôn thần (Hạ đẳng thần) thì qua biểu đồ trên, ta có thể nhận biết ngay vị thần đó được xếp vào hạng nào.

       Vị thần mỗi lần được phong là ghép thêm một mỹ tự (từ ghép Hán Việt), nêu bật phẩm chất, tính cách quy định theo chủng loại Dương thần, Thiên thần, Thổ thần, Thủy thần, Sơn thần hay Âm thần. Như vậy càng nhiều lần được phong, thần càng có nhiều mỹ tự. Cấp bậc ngạch trật từ thấp đến cao gồm: Chi thần, Tôn thần (Hạ đẳng thần), Trung đẳng thần, Thượng đẳng thần, Thượng Thượng đẳng thần, Thượng Thượng Thượng đẳng thần.

      Còn một điều quan trọng nữa là Nhân thần rất hiếm khi được phong đến Thượng đẳng thần, trừ khi họ phải là những người có công lớn đối với quốc gia, có tầm ảnh hưởng và uy tín rất lớn đối với xã hội như Phụ chính nhà Lý - Tước vương - Thái phó Tô Hiến Thành, hay vị tướng tài cuối nhà Lý Đông Hải đại vương Đoàn Thượng, hay Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, được người đời sau tôn vinh là Đức Thánh Trần.

      Còn ngay cả Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, người phục vụ cho cả 4 triều đại là nhà Mạc, nhà Lê - Trịnh, nhà Nguyễn. Và, duy nhất trong lịch sử Việt Nam được công nhận là vị Thánh của một tôn giáo chính thức (ông được đạo Cao Đài suy tôn là Thanh Sơn Đạo sỹ hay Thanh Sơn Chân nhân), mà cũng chỉ được phong thần theo bản Thần tích  Thần sắc của làng Trung Am viết năm 1938 với mỹ tự là Quang Ý Trung đẳng thần vào năm Khải Định thứ 9 (1924)…

      Chúng tôi đưa ra một vài dẫn chứng để độc giả hiểu thêm về các mỹ tự của các sắc phong thời Nguyễn (1850 – 1924). Khi nhìn thấy các mỹ tự viết nghiêng thì độc giả đã hiểu được vị thần đó thuộc thần gì và cấp bậc nào:

  •  Công chúa Thánh Chân (Lê Chân) của nguyên xã (làng) An Biên,

nội đô Hải Phòng được phong thần năm Thành Thái thứ 14 (1902) hay vào các năm Duy Tân thứ 3 (1909), Duy Tân thứ 5 (1911) với mỹ tự là Trai Thục (齋淑) Trung đẳng thần (Âm thần) và vào năm Khải Định thứ 9 với mỹ tự Trang Huy (奘徽) Thượng đẳng thần (Âm thần).

- Cũng giống như mỹ tự Trang Huy (奘徽) Thượng đẳng thần được gia tặng gồm có các Âm thần sau: Đại Càn Quốc Gia Nam Hải Tứ Vị Thánh Lương được thờ phụng ở xã Gia Lộc, hay ở xã Gia Luận, hay ở xã Hòa Hy (huyện Cát Hải), hay ở xã Ngải Am (huyện Vĩnh Bảo), hay ở xã Cổ Trai (huyện Nghi Dương), hay ở xã Phú Kê (huyện Tiên Lãng)... Hay Nữ thần của người Chăm, có tên là Yang Pô Inư Nagara (tức Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi), được người Việt và người Chăm thờ phụng ở nhiều nơi vùng Duyên hải Trung Bộ.

- Gia tặng cho Hưng Đạo Đại Vương tôn thần với mỹ tự Trác Vỹ (卓偉) Thượng đẳng thần (Dương thần) tại xã (làng) Vạn An (huyện Phượng Nhãn), xã Lạc Sơn (huyện Chí Linh) và xã Kinh Hữu (Vĩnh Bảo) thừa hành phụng sự

- Gia tặng cho thần Thiện Thông Hưng Sỹ là Đoan Túc (端肅) tôn thần tại đình xã Nội Tạ, huyện Vĩnh Bảo (Dương thần). Hay gia phong cho Công chúa Ngọc Ngân với mỹ tự: Trinh Uyển (貞婉) tôn thần tại xã Nội Tạ, huyện Vĩnh Bảo (Âm thần). Hay gia tặng Linh Phù Mỹ Âm tôn thần với mỹ tự Thuần Chính (純正) tôn thần (Thiên thần) tại xã Trung Tạ, huyện Vĩnh Bảo.

- Gia tặng Nam Hải tướng quân hùng uy hiển hiệu tôn thần với mỹ tự Uông Nhuận (汪潤) Trung đẳng thần (Thủy thần) tại thôn Nội, xã Quý Xuyên, huyện Vĩnh Bảo. Hay gia tặng Duy Thành tôn thần với mỹ tự Đoan Túc (端肅) tôn thần (Dương thần) tại xã Từ Lâm, huyện Vĩnh Bảo. Hay gia tặng cho Dũng Công tôn thần với mỹ tự là Đoan Túc (端肅) tôn thần (Dương thần) tại xã Cự Lai, huyện Vĩnh Bảo. Hay gia tặng cho An Trấn đại vương tôn thần với mỹ tự Quang Ý (光懿) Trung đẳng thần (Dương thần) tại xã Cựu Điện, huyện Vĩnh Bảo.

- Gia phong cho Anh Linh Thổ Kỳ tôn thần với mỹ tự là Đôn Ngưng (敦凝) Dực Bảo Trung Hưng tôn thần (Thổ thần). Hay gia ân vẫn phong cho thần Diệu Ứng Mỹ Âm tôn thần với mỹ tự Túy Mục (粹穆) Dực Bảo Trung Hưng Thượng Đẳng thần (Thiên thần) tại xã Nghĩa Lý, huyện Vĩnh Bảo. Hay gia tặng cho Mậu Huân Long Trạch Hoằng Hy Tuỵ Linh Hạo Sảng tôn thần với mỹ tự Tuấn Tĩnh Dực Bảo Trung Hưng Cao Sơn đại vương  (tên huý Sùng) Thượng đẳng thần (Sơn thần) tại xã Kệ Sơn, châu Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình.v.v.

 

NGỌC TÔ

 

 

@