VIDEO
Tin nóng
QUẢNG CÁO
LỊCH
LIÊN KẾT
THƠ VĂN BẠN BÈ
Truyện ngắn: "Ngày giáp tết"
Những đứa trẻ bị bệnh đao thường ngớ ngẩn. Có ngớ ngẩn mới gọi là đao. Nhưng Đao con chị Thực...Truyện ngắn: "Ngày giáp tết"
- Phạm Xuân Hiếu
Những đứa trẻ bị bệnh đao thường ngớ ngẩn. Có ngớ ngẩn mới gọi là đao. Nhưng Đao con chị Thực không giống như người ta nói. Lúc dại lúc khôn như đứa trẻ khỏe mạnh. Nhà Đao có hai mẹ con sống trong xóm Núi Đơn Côi có mươi nóc nhà, toàn đàn bà làm chủ hộ. Những đứa trẻ ở đây đều mang họ mẹ. Đao cũng mang họ mẹ. Ngôi nhà của mẹ con Đao trông thấy gió chỉ thích tung tẩy bay lên trời như cánh diều rách. Hàng ngày, Đao nhăn nhở chui ra, chui vào qua lỗ cửa như con tò vò ra vào tổ.
Quanh năm, mẹ con Đao bám mảnh đất khai hoá khô cằn sỏi đá. Trồng lúa, lúa thất thu. Trồng rau, sâu ăn lá. Trồng cây, cây thui chột, ít ra hoa kết trái. Nhưng mẹ con Đao biết đi đâu, làm việc gì ngoài bám lấy túp lều ở xóm chân núi ven sông. Nuôi con gà, con vịt cọc còi, kiếm con tôm, con tép dưới dòng sông quanh năm nước trong xanh phẳng lặng.
*
Năm nay, thời tiết khắc nghiệt hơn mọi năm. Mưa phùn gió bấc sớm tràn về xóm Núi, rít trên ngọn thông, lách qua khe liếp, lùa giá lạnh quẩn quanh trong những ngôi nhà không cánh trơ vơ. Mưa. Mưa bụi bay bay buốt thấu da, tím thịt. Gà vịt chết. Rau củ sâu ăn vàng lá. Mẹ ốm, Đao loay hoay với bao công việc thay mẹ trong những ngày cuối năm, giáp Tết.
Trong nhà, người đàn bà tóc rối bung, gầy, đen, dáng đàn ông nằm rên trên phản là Thực. Mẹ Đao. Đao đã đắp tất cả chăn, chiếu, quần áo rách cũ mà mẹ vẫn rên. Tiếng rên ừ… ừ... không thành tiếng điệp khúc trong cổ họng, quẩn quanh cùng gió rít qua khe liếp. Và những cơn sốt rét, co giật triền miên vật vã người đàn bà cố nghiến răng chịu đựng trong căn nhà lụp xụp che cánh liếp xộc xệch mốc đen.
Đao đẩy mấy thanh củi vào bếp. Ngọn lửa bùng lên, ánh lửa đỏ hồng, hơi nóng xua giá rét. Gió. Gió từ tứ diện đồng tứ chui qua các khe vách thi nhau quấn vào người đàn bà trên giường đang quờ tay, rụt cổ, co chân kéo nửa chiếc chăn Chiên cũ rách đắp lên mình. Đến bên mẹ, Đao đưa bàn tay thiếu ngón mơn man khuôn mặt gầy khô, lấm tấm bã trầu, hằn sâu những đường nhăn đan chéo nhau ngoằn ngèo trên làn da dạn dày mưa, nắng. Cơn đau dịu đi, dịu đi về phần xác. Nhưng không dịu được phần hồn. Mẹ Thực nghiêng đầu đờ đẫn nhìn đứa con lớn mà không khôn lăng xăng chạy ra, chạy vào, loanh quanh bên đống lửa, nâng lên hạ xuống bát cháo nóng. Bàn tay cong vênh quệt những hạt mồ hôi lấm chấm trên trán mẹ, chùi lên vạt áo bên cao, bên thấp nhom nhem trên ngực Đao. Những đường nhăn, cau có trên khuôn mặt ngưòi mẹ giãn dần, giãn dần. Thực thiếp đi trong ký ức một thời lênh đênh trên sông Cả cùng cha. Sớm ở đầu sông, tối ở cuối sông. Thuyền là nhà, tôm cá là nguồn sống, cha con nuôi nhau. Thực không được đến trường. Mỗi lần đi chợ mua bán, Thực đều nhẩm tính trên đầu ngón tay.
Ngày tình nguyện đi thanh niên xung phong, các bạn xếp hàng ký tên, riêng Thực đưa tay điểm chỉ. Trúng tuyển, Thực cười, nói chạy lăng xăng ôm người này, bắt tay người kia sung sướng như đánh bắt được con cá lớn. Hôm lên đường nhập ngũ, người cha mếu máo đứng lặng lau nước mắt, vẫy con xa dần, xa dần trong đoàn quân ra tiền tuyến. Hình ảnh chia tay lần cuối cùng ấy, Thực làm sao quên được cha, quên được bến nước, dòng sông, con thuyền dập dềnh trên sóng.
Năm tháng trôi đi, Thực cùng chị em phá núi mở đường, để lại tuổi xuân thì trong dãy Trường Sơn. Hết chiến tranh, Thực trở về bến sông, tuổi đã sấp xỉ tứ tuần: nhan sắc, sức khoẻ phai tàn. Cha mất. Chiếc thuyền đi theo cha chữa bệnh. Hồ sơ lý lịch của Thực lênh đênh như chiếc thuyền nan trên sông không có bến bờ. Thực bơ vơ không biết nhập hộ khẩu vào đâu và không đâu nhận nhập hộ khẩu cho Thực. Đường cùng, Thực theo bạn ra tỉnh làm phụ hồ, đào móng đóng cọc. Tối tối theo bạn về xóm không chồng, sống chung với những người đàn bà quá lứa lỡ thì, vui cùng nhóm trẻ không cha thơ thẩn, lang thang ngoài chân núi.
Ngày nhập làng, Thực tính ở tạm một thời gian rồi đi xin việc trong cơ quan. Nhưng không đâu nhận người không hộ khẩu, không bằng cấp, không tay nghề. Xin mãi, nhờ mãi không ai giúp ngoài chị em xóm không chồng cùng cảnh ngộ đùm bọc dắt nhau đi làm lao động phổ thông. Các chị khuyên Thực kiếm một người chồng làm chỗ dựa. Thực nghe theo, nhưng tìm mãi, tìm mãi không được ai. Mà thực tình không ai thích Thực, kể cả những người già, chân què, tay cụt, sứt sẹo cũng không muốn lấy Thực làm vợ. Họ chê gì Thực. Thực không biết. Thực không chê ai. Thực chỉ cần có người ở chung, ăn chung cho đỡ buồn, đơn giản vậy. Nhưng không ai đến với Thực, không ai đến với người đàn bà gầy yếu, vêu vao như cây thiếu đất, như cá thiếu nước tù túng trong ao.
Giá còn trẻ, còn chút nhan sắc, Thực sẽ liều bảo: em thích anh, em yêu anh, em cần anh. Nhưng Thực bây giờ không đủ can đảm và bản lĩnh nói những lời hay, ý đẹp để cánh đàn ông thích mình. Những hồi ức, luyến tiếc thời con gái ở Trường Sơn chỉ còn trong mộng. Đẹp làm sao khi khoả thân ngắm mình trong dòng suối trong. Hồi hộp làm sao mỗi lần gặp anh bộ đội: mặt lại nóng bừng, rạo rực, thẹn thùng, nhớ nhung chờ đợi. Giá như! Giá như… ngày ấy… ngày ấy… Ngày ấy qua rồi Thực ơi.
Một ngày. Thực sững sờ thấy người gầy yếu xanh xao, bầu ngực xập xệ, lép kẹp trong chiếc quang treo rỗng tuếch. Ngẩn ngơ. Mắt nở hoa, chếnh choáng. Thực ngồi xuống rồi đứng lên đi lang thang quanh những túp nhà lụp xụp xoay ngang, xoay dọc. Vài ba đứa trẻ nhảy dây, đánh bi, lẽo đẽo kéo áo mẹ bi bô. Ôm một đứa vào lòng, Thực âu yếm. Niềm vui được làm mẹ hạnh phúc biết nhường nào.
*
Người Thực chọn trong đám thợ là Lân, anh phụ nề to béo cùng đào móng, đóng cọc trong công trình xây dựng. Lân là bộ đội giải ngũ, hiền như cục đất, hỏi thì nói, gọi thì thưa. Hơn Thực chục tuổi, có vợ ở quê, hàng năm không về thăm nhà. Thỉnh thoảng Lân lăn đùng ra đất, sùi bọt mép, nói lảm nhảm rồi lại đứng lên đánh vữa, xách xô hồ. Thực hoảng hốt chạy loanh quanh, tìm dầu đánh gió, hỏi thăm. Lân lắc đầu: “Bệnh mãn tính”. Nghiện thuốc, nhiều lần Thực dấm dúi đưa những điếu thuốc gói trong khăn tay cho Lân. Mỗi khi châm lửa hút, Lân ho sặc sụa: “Thuốc mất hơi, chớm mốc”. Ngày nghỉ, Thực thường rủ Lân về nhà nhờ đan cho nan liếp, buộc cho em giàn mướp trước nhà. Đợi em đi nấu cơm. Tất cả chỉ là cái cớ, giữ Lân ở lại. Làm xong, không rửa tay, không lời chào, Lân vội vã ra về, cơm không ăn, rượu không uống. Từ trong bếp chui ra Thực đứng tần ngần vò đầu, bứt tai, giậm chân như kiến bò khắp người nhìn theo bóng người đàn ông bước thấp, bước cao thất thểu đi trên bờ đê.
*
Mấy năm tìm kiếm khó khăn, Thực sinh được Đao, những tưởng Đao sẽ là chỗ dựa cho tương lai. Nhưng số phận không chiều theo ý người đàn bà quá lứa lỡ thì. Đao chào đời, hai tay thiếu ngón, da trắng bệch, mặt vênh vênh, càng lớn, càng ngây ngô, khờ dại. Thực không buồn, con nào cũng đều là cục máu khúc ruột trong lòng, biết trách ai, chỉ trách mình không biết đẻ. Chứ đâu có biết cơ thể bị nhiễm chất độc màu da cam. Thứ chất diệt cỏ được máy bay Mỹ rải xuống núi rừng Trường Sơn làm hoa cỏ héo, cây rụng lá trơ cành, ngấm vào đất, thấm vào Thực. Riêng Thực vẫn chưa biết thứ chất độc ấy đã làm mình thân tàn, sức kiệt. Chỉ biết than thân, trách phận, tần tảo nuôi Đao khôn lớn trưởng thành.
Thật tội nghiệp Đao, đã gần hai mươi tuổi mà trông vẫn như trẻ con. Cái đầu nghiêng một bên nên lúc nào khuôn mặt cũng nghênh nghênh về một phía. Mái tóc loang lổ trắng, vàng tự nhiên, giống mấy thanh niên ăn chơi kiểu hip hop.
Đao ngây ngô, nhưng hay bắt chước, hay làm. Đó là bản tính của Đao, bản tính của người thiếu trí tuệ. Được việc này, hỏng việc kia. Đao không thể đến trường theo học nhưng biết giúp mẹ nhiều việc. Có con, mẹ có người trò chuyện vơi đi nỗi đau sâu thẳm trong lòng. Nhất là những ngày giáp Tết, túng thiếu không biết trông cậy vào ai. Bây giờ một đồng, một hào đều là liều thuốc giúp Thực có sức khoẻ. Nghĩ vậy, Thực lê đi trong nhà, lần sờ quần áo, lộn các túi tìm những đồng tiền còn sót. Làm gì có, làm gì còn, chỉ thấy những đoạn tăm tre dùng đi, dùng lại gẫy vụn đâm vào tay. Thực gượng bò lên phản, nằm thở hổn hển, vắt tay ngang trán. Điểm lại tài sản: ổ gà đang ấp, buồng chuối non, rau bí, rau lang mới bò lan, tất cả những gì bán được, đã bán hết cả. Gượng ngồi dậy, Thực vẫy Đao lại nói trong hơi thở nghẹn ngào: “Tết năm nay mẹ ốm nặng, không có tiền lo được mâm cơm, ngũ quả, cúng Tổ Tiên, ông Công, ông Táo, không mua được manh áo mới cho con. Mẹ có lỗi với các cụ, có lỗi với con”.
Ngố nhìn mẹ, vung hai tay như múa, miệng láu táu: “Đao kiếm tiền. Kiếm tiền”. Người mẹ sửng sốt nhìn con, nước mắt loang trên gối. Giọng nghẹn ngào: “Kiếm ở đâu? ở đâu Đao ơi?”. Đao lặng thinh vò hai tay lên mái tóc đen vàng loang lổ, gồ ghề những bướu gục vào lòng mẹ. Hơi ấm từ cái đầu ngố sưởi ấm trái tim lạnh giá trong vòng tay mẹ.
Ngoài kia, trời đổi mùa thu sang đông. Gió bấc rít từng cơn. Giá rét, hanh hao tràn qua những cánh đồng thiếu nước khô cằn. Đất trắng cong vênh rắn như đá. Cỏ cây trơ cành rụng lá. Gió lạnh luồn lách, thấm vào da thịt nứt nẻ, rớm máu.
Thời tiết luân phiên: đông qua, xuân về. Cây cối đâm chồi nảy lộc mang sức sống cho cỏ cây, hoa lá sau những mùa khô hanh khắc nghiệt. Mùa xuân, chim về tổ. Người tìm về quê. Nhà nhà chuẩn bị sắm Tết, đón thời khắc giao thừa. Năm có một lần nhưng mẹ con Đao không được hưởng niềm vui ấy, quanh năm chỉ có một mùa túng quẫn, khó khăn. Tết có ý nghĩa gì với kẻ không tiền, túng bấn.
Tối nay, mẹ Đao nước mắt lưng tròng. Còn Đao ngồi nhìn xa xăm qua khe cửa, không nói cười như mọi ngày. Hai tay ôm đầu. Cái đầu của Đao, đào ra cách gì lấy tiền. Mẹ nhìn con, con nhìn mẹ trong ánh đèn dầu le lói đặt trên tường. Ngoài trời tối đen những con đom đóm lập loè xanh đỏ. Gió rít từng cơn qua khe liếp. Thực run bần bật. Còn Đao, đang nhớ lại phiên chợ Tết năm xưa, những đứa trẻ bán đào… Đao cũng có cành đào, cũng bán như chúng nó!
*
Sớm bình minh hôm sau. Đao vùng dậy, xách con dao chạy lên vách núi sau nhà. Trời bừng sáng. Gió đổi chiều. Nắng giao mùa Đông – Xuân nồng ấm chan hoà xóm núi Đơn Côi. Đao đứng tần ngần nhìn cành đào nụ hoa chi chít, vung dao lên, chém dao xuống. Những hạt sương long lanh rơi như mưa. Chặt xong, Đao kéo đào về sân, loay hoay đặt trên chiếc xe cải tiến cà tàng chỉ còn bộ khung, mẹ vẫn kéo đá, chở rau đi chợ.
Chị Thương đi lên nương dỡ sắn, thấy Đao đang lúng túng buộc cành đào cồng kềnh vào xe cải tiến vội đặt đôi quang đến bên: “Cháu chặt đào mang đi đâu sớm thế? Để bác giúp một tay “Đao lặng thinh. Chị vồn vã: “Mang đi chợ hả? Cành đào dáng đẹp, nhiều nụ, nhiều hoa, chắc nhiều người thích, đừng bán rẻ cháu nhé”. Vừa động viên, chị vừa giúp buộc cành đào. Đao hỉ hả chùi hai tay vào vạt áo. Vênh mặt nhìn người trưởng xóm thường sang chơi với mẹ, nhoẻn miệng cười. Nụ cười ngây ngô, dễ nhớ. Chị Thương nhấc đòn gánh lên vai, bước được vài bước liền quay lại, ngó vào nhà Đao hỏi thăm: “Cô Thực ốm lâu thế? Có phải đi viện không? Chiều tôi đưa đi”. Thực thều thào: “Em chỉ mệt thôi, vài hôm rồi sẽ khỏi. Cảm ơn chị nhiều”.
Trước khi dắt xe đi chợ, Đao nhặt nhánh đào nụ hoa chi chít rơi trên sân chạy vào nhà, đặt bên đầu mẹ thì thầm: “Con đem đào ra chợ cho người ta, lấy tiền cho mẹ tiêu Tết. Thực cười, gượng ngồi dậy, kéo chiếc áo bông đắp trên người gọi với theo Đao đang vội vã bước ra khỏi nhà: “Mặc thêm vào cho ấm. Ngoài ấy... giá... rét... lắm”.
Không có tiếng trả lời. Không thấy Đao, Thực nghiến răng, lê ra cửa. Nắng le lói. Gió hất mái tóc trắng, lưa thưa, loã xoã. Mắt Thực hoa lên, đầu choáng váng. Giọng u ơ trong cổ họng. Chiếc áo rung rung trên tay vẫy theo bóng Đao liêu xiêu kéo chiếc xe cải tiến lộc cộc. Trên buộc cành đào rực rỡ nụ hoa nhỏ dần, nhỏ dần, rẽ vào phiên chợ Tết nhộn nhịp, ồn ào dưới nắng sớm ban mai.
(Nguồn: Văn nghệ số 4/2013)