/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

THƠ VĂN BẠN BÈ

RỦ NHAU ĐI UỐNG BIA HƠI

Và hãy nhớ lời người xưa đã dạy: “... ... HOẠ CŨNG TỪ KHẨU MÀ RA. ”

RỦ NHAU ĐI UỐNG BIA HƠI

                                          VŨ QUANG TẦN

       Bia là thứ đồ uống giải khát có chứa cồn, được sản xuất trong quá trình lên men thu được từ nguồn ngũ cốc...Quá trình sản xuất gọi là “nấu bia” các thành phần chủ yếu: Nước, Mạch nha, Hoa bia, Men bia, các Chất làm trong, theo quy trình: Ngâm ủ, rảy nước, luộc, lên men, và đóng chai.

       Bia đã được sản xuất ra hoàn chỉnh, có thương hiệu. Được đóng thành, chai, lon, can, keg (bom)...cùng với các hướng dẫn, bảo quản sử dụng phục vụ nhu cầu tiêu dùng. Kết quả cuối cùng là nghệ thuật thưởng thức bia, sự cảm nhận hương vị của bia. Việc rót bia, dụng cụ đựng bia, cách uống bia. Có người uống trực tiếp từ chai hay lon, thì nhiều người lại thích rót ra cốc. Nhưng nhiều người có kinh nghiệm uống bia đều cho rằng, cách rót bia ra cốc ra vại là ngon hơn cả, vì nó có điều kiện để cảm nhận hết được hương vị toả ra từ bia. Các nhà sản xuất đã nghĩ đến việc làm ra những cốc, những vại, có hình dáng riêng có ảnh hưởng đến sự cảm nhận hương vị cho loại bia của mình. Bia có từ thiên niên kỉ thứ 5 (Trước Công nguyên), nó đã trở thành thiết yếu với con người, với tất cả các nền văn minh thế giới. Năm 1765, công nghiệp sản xuất bia đã hoàn thiện, và đến thế kỉ 19 cho phép các nhà sản xuất bia, tăng hiệu quả và kiểm soát được độ cồn trong bia. Bia đã có mặt trên khắp thế giới, nhiều hãng bia nổi tiếng như: Tiger, Heineken, Carlsberg, Sanmiguel, Foster...Hầu như, hội mặt đủ năm Châu: Bia Mỹ, Bia Brasil, Bia Nam Phi, bia Úc, Bia Tiệp, Bia Đức, Bia Hà Lan, Bia Ấn độ... Hàng năm nhiều nước tổ chức “Ngày Hội Bia” rất lớn như ở Đức, Anh...mỗi tiểu bang (địa phương) mỗi nước lại có loại bia đặc biệt riêng - Nếu đến Bremen của nước Đức bạn sẽ thưởng thức bia “BECK” thôi!

       Việt Nam có hai trung tâm sản xuất bia lớn nhất: Bia Hà Nội và Bia Sài Gòn. Ngoài ra, các Địa phương đều có nhà máy sản xuất bia như: Hải Phòng, Nam định, Thanh Hoá, Vinh, Quảng Bình, Huế...Hầu như tỉnh nào cũng có Bia. Theo thống kê mới nhất, năm 2009 Việt nam đạt kỷ lục sản xuất một tỷ lít bia. Người Việt nam uống bia chiếm tỷ lệ khá cao, không phân biệt thành phần mà hội đủ mọi lứa tuổi, tầng lớp, già, trẻ, đàn ông, đàn bà “Mợ nó đêm đã khuya còn đi bia bò tùng xẻo”, thậm chí cả học sinh, sinh viên. Phần đông là lứa tuổi nam từ 18 đến 55, những đối tượng đã có công việc làm. Hễ chỗ nào địa điểm thuận lợi: Cửa hàng rộng, bãi trống, đất công trình chưa sử dụng, vỉa hè...thuận tiện đi lại, có chỗ đỗ xe...là có quán bia mọc lên. Có những cửa hàng trang trí rất sang trọng, kiến trúc hiện đại, điều hoà không khí, tiếp viên hấp dẫn. Có chỗ chỉ cần đầu tư vừa vừa, nền phẳng, mái che, hoặc vườn cây, thảm cỏ, bàn ghế bằng nhựa. Có nơi chỉ là vỉa hè, dăm bảy cái bàn, vài chục lượt người...Cũng không cứ nhà hàng sang trọng mà vẫn không đông khách. Nơi thuận tiện chỗ gửi xe, đi lại thoải mái, không gian thoáng đãng, dân giã...mà đặc biệt quan trọng là Bia phải ngon và vui vẻ, thì khách đến rất đông! Có cửa hàng bia, có đến hàng nghìn lượt người uống bia, hàng trăm nhân viên phục vụ, tiêu thụ trên hàng trăm “bom” bia mỗi ngày. Trong mùa hè, có những ngày nóng, nhiệt độ lên trên ba bảy, ba tám độ xê, là “hiếm bia” và số lượng người uống bia tăng vọt. Thế là đầu cơ bia xuất hiện! Không khí uống bia thật náo nhiệt, ồn ào, người xe tấp nập. Sau ngày làm việc mệt mỏi, nóng bức, được giải khát, tiêu khiển, được gặp gỡ giao lưu; còn là nơi hẹn hò, trao đổi, giải quyết công việc, mối mánh làm ăn, kể cả các hợp đồng, thương vụ...Người đi một mình, nhâm nhi cốc bia sủi bọt, thưởng thức hương vị của bia, suy ngẫm theo đuổi điều gì; người đi theo tốp, theo nhóm dăm ba, có thể chục hơn, chục kém, thậm chí dăm bảy chục đến hàng trăm người, xô bồ nói cười, hò, hát, chúc tụng một sự kiện, một công việc nào đó vừa xong. Trên bàn la liệt những cốc bia đầy, trên tay những cốc bia sủi tăm mát thơm, miệng zô, zô, zô vang cả nhà hàng. Nhiều người đến quán bia chỉ để thưởng thức bia là chính. Tìm nơi có bia ngon, chọn nơi yên tĩnh, tâm tình, trao đổi thế sự, nhân đời, câu thơ, trang viết...để tri ân, làm quen, thêm bạn... Nhưng cũng nhiều người đến quán bia để nhắm nhậu. Món nhậu rất đa dạng: Giản dị là lạc rang, lạc luộc, đậu phụ mắm tôm, với rau kinh giới, cho đến cánh, chân gà nướng , bê thui, bò xẻo quay trên giá, chó các món mang theo thương hiệu vùng miền, ốc, ếch, rắn, lươn; các món nhạy cảm như: Đuôi bò, ngẩu pín, nầm dê, ngọc kê. Các món hải sản cua gạch, cá chình, tôm hùm, ba ba, hàu vắt chanh, sá sùng, đỉa biển...Và: Cầy hương, chồn, hoẵng, chân gấu, tê tê, óc khỉ...là những món ăn đặc sản quý hiếm, của thú rừng...được luật pháp nghiêm cấm, vẫn tha hồ phục vụ, thoả mãn các hạng “cao thượng sẵn tiền” mặt đỏ phừng phừng bản tính “con” trong họ choán phủ hết tổng thể “con người”, mà họ cho rằng, chỉ có họ mới được tận hưởng cái dân giã, cái man giã của các “thượng đế” lắm tiền.... Ngoài ra, còn các hình thức uống bia khác với dịch vụ tươi mát: Uống với ôm, với karaoke, với gội đầu, với mát sa theo quy trình khép kín từ A đến Z...Thời gian uống bia đâu có hạn định. Sáng ra, đã có bia uống. Trưa, lại cũng uống. Buổi chiều, lai rai từ 14h đến 23h, vẫn uống, nhiều nơi còn “vượt rào, phá đám” quá khuya. Có người, ngày này qua ngày kia, tháng này đến tháng nọ đều có mặt ở nhà hàng quán bia, quên cả cơm nhà, cơm vợ. Có “sếp” được “quân nuôi” tiền lương hàng tháng khá cao, không phải tiêu một “cắc” nào, đem về “nộp” cho vợ. Cầm khoản tiền lớn hàng tháng, trên tay, nét mặt vui tươi, nụ cười rạng rỡ. Song, không thoát khỏi bộ mặt hằm hè, giằn dữ: “Đừng tưởng tôi bỏ qua cho ông cái “tội” - bỏ “cơm nhà” mà đi nghiện “phở”” đâu nhé! Có một Việt kiều ở Thuỵ Sỹ, nói với bạn: “Về Việt Nam mà xem họ ngủ ngày và xem họ uống bia, suốt ngày lẫn đêm”!..
Không chỉ có thiết bị công nghệ tiên tiến, mạch nha tốt, hoa bia ngoại, nguồn nước cũng quyết định chất lượng của bia. Hà Nội còn có nhà máy bia Đông Nam Á - Haliđa, sản xuất công nghệ hiện đại, còn có các lò sản xuất bia gia công, bia cỏ, bia Ba Đình...tràn ngập bia ngoại như: Heinken, Tiger, Carlsberg, Sanmiguel, Foster...nhưng bia Hà Nội vẫn được yêu chuộng bậc nhất. Hễ ra ngoại thành không nên uống bia hơi, ra ngoại tỉnh tìm bia chai Hà Nội mà uống. Người ta bảo bí quyết bia Hà Nội là do nguồn nước. Sự thực thế nào chả biết. Có người bảo, Pháp đã xây dựng nhà máy bia ở vị trí và sử dụng nguồn nước, nấu ra bia chất lượng tốt! Năm 1890, nhà máy bia Hommel tại Hà Nội, ở phố Hoàng Hoa Thám, do người Pháp xây dựng, chỉ sản xuất 150 lít một ngày, phục vụ số ít công chức khi ấy. Năm 1954, được cải tạo đổi tên thành Nhà máy bia Hà Nội. Năm 1958 sản xuất ra bia Trúc Bạch, sau ra bia Hữu nghị, bia Hồng Hà, rồi bia Hà Nội, với công xuất 15 triệu lít một năm (1960), nay công suất được nâng lên từ 100 đến 200 triệu lít một năm. Bia hơi Hà Nội trở thành nhãn hiệu quen thuộc của mọi tầng lớp người dân Hà Nội, không những thế mà còn khắp nơi trong nước có điều kiện, vận chuyển chuyên dùng và kỹ thuật ủ giữ độ lạnh cho bia. Bia hơi Hà Nội được sản xuất theo Công nghệ hiện đại của Cộng hoà liên bang Đức, và theo tiêu chuẩn chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm: 1453/2003/YTHN-NCTC ngày 2.10.2006. Sản phẩm được chiết đóng trong keg (bom) inox có dung tích 50 lít (Trọng lượng cả bì từ 63 – 65kg). Gần đây còn được chiết trong keg loại nhỏ phù hợp với người tiêu dùng loại 2lít và 5lít, do những thiết bị tự động, bảo đảm chất lượng, phục vụ bán lẻ. Mạng lưới bán bia Hà Nội không theo “quy hoạch” mà hoàn toàn tự phát, hễ có địa điểm thuận lợi, có bia ngon và có “không khí”, khách “không quản xa xôi”, trong khi đó có đến hàng trăm cửa hàng bán bia hơi ở khắp Hà Nội. Nhưng khách sành cũng tập trung vào các điểm “thuỷ chung” Như Hải Xồm (Nguyễn Đình Chiểu; Giảng Võ; Tăng Bạt Hổ), Lan Chín (Tràng Tiền; Láng Hạ, Ngọc Khánh), Các điểm ở phố Nguyễn Trãi, Hoàng Quốc Việt, và đường Lê Văn Lương...Bia hơi Hà Nội được đông đảo khách hàng tham gia. Trong khi đó Habeco - Trading (Công ty cổ phần thương mại Bia Hà Nội) muốn quản lý chặt chẽ thị trường bia hơi Hà Nội, chống cạnh tranh, chống pha trộn lậu, đảm bảo an toàn, trật tự, an ninh trong lĩnh vực bia...Vì rằng có đến 80 đến 90% thị phần khách hàng tham gia. Vì thế người ta đã lập ra Hội Bia hơi Hà Nội. Hội có điều lệ, tổ chức hoạt động, như nội quy, quy chế riêng, có Ban Chấp hành Hội được tập thể bầu ra, với đại diện là các khách hàng có lượng sản phẩm lớn nhất, là khách hàng chung thuỷ, gắn bó lâu năm. Hội Bia hơi Hà Nội được thành lập, và hoạt động từ tháng 5 năm 2008. Hiện đã có thêm Hội Bia hơi Hà Nội tại Bắc Ninh.
Việc duy trì chất lượng bia là bài toán không đơn giản : Nhiều “Nhân vật thượng hạng, sành nghiền bia hơi Hà Nội” cho biết: Không ít cửa hàng bia hơi, lúc khai trương chất lượng bia rất tốt, là muốn câu khách phải có bia ngon, điều này cũng được các “đầu nậu’ cung cấp bia hợp sức. Sau chất lượng bia giảm dần dần, rồi giảm thực sự, và mất khách! Có nhiều lý do, nhưng cuối cùng là lợi nhuận. Đó cũng là thách thức với những cửa hàng Bia chân chất. Bỗng dưng gì có những khẩu hiệu: “BIA HƠI HÀ NỘI 100%”(!) Cũng là bia hơi Hà Nội nhưng chất lượng mỗi nơi mỗi khác? Những người sành bia cho rằng: Hàm lượng pha trộn, các loại bia khác vào bia hơi Hà Nội để kiếm nhiều lời, và cách bảo quản bia trong hầm lạnh của mỗi cửa hàng. Và theo họ, chất lượng bia ngon phải là số một, sau mới nói đến đồ ăn. Họ cũng khuyến cáo nên đến các cửa hàng bia có tiếng như: Bia Cột cờ, Bắc Sơn, Hàng Hương, Hải Xồm, Lan Chín, Cường Nga, Nga Vinh, Bầu Bạn...Những nơi này, đã nhiều năm, các chủ quán bia đa phần phục vụ các thượng đế sành bia có “thương hiệu”. Nhưng, cũng theo họ: Hà Nội rất khó để tìm được bia hơi Hà Nội xịn 100%.!...Bia hơi Hà Nội, là nhu cầu giải khát hàng ngày của người dân, đã nâng lên nét văn hoá uống bia hơi Hà Nội. Ngày Hội bia lớn nhất của Việt nam đã diễn ra ngày 7/12/2008, tại trung tâm triển lãm quốc gia, do Hội bia hơi Hà Nội và các địa chỉ vàng tổ chức, còn là dịp kỷ niệm truyền thống 118 năm của nhà máy Bia Hà Nội, làm cho bia hơi Hà Nội thêm phong phú, hương vị bia hơi Hà Nội thêm đậm đà. Không chỉ của những người yêu Bia hơi Hà Nội mà còn thu hút nhiều khách nước ngoài. Phóng viên người Anh, Andrew Buncombe của tờ báo Independent ra số cuối tuần ngáy 7/2/2009 tại Luân Đôn, (người “mê” bia hơi Hà Nội), đã viết bài ca ngợi hết lời về uống bia hơi Hà Nội: Là nét văn hoá đặc biệt, là giải khát, là gặp gỡ giao lưu, tri ân, kết bạn...kể cả những người không quen biết. Đặc biệt là giá bia rất rẻ, chỉ 4000 đến 6000đ một cốc, khoảng 18 xu tiền Anh thôi!
       Giữa cái nét độc đáo văn hoá bia hơi, với những hậu quả do vi phạm về vệ sinh môi trường đến vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh, trật tự xã hội, tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội, và tội phạm...cũng chỉ là ranh giới mỏng manh. “Nạp” rồi thì phải “xả”! Đó là quy luật. Kể cũng lạ. Uống cốc nước nguội, thì bụng căng lên rất khó chịu, nhưng với bia, hàng hai, năm, bảy cốc, đến hàng chục vại, thậm chí ngồi cả buổi vẫn không sao. Khi “căng” thì, “tè” cái là xong, lại tỉnh như hến, lại dô, lại dốc, lại ba hoa xít tốc. Cửa hàng nào quan tâm đến “địa chỉ” này chu đáo, chứ có nơi tạm bợ, thì khốn khổ, nào gốc cây, bụi cỏ, góc tường...bất kể đàn ông, đàn bà, khi mà “đến độ” thì chỉ cần ngoảnh mặt không biết ai, “ù” cái là xong, mà chẳng ai trách phạt, lại cảm thông chia sẻ...Cộng với khu chế biến, nấu nướng, khói bụi, hôi tanh, nơi rửa bát, đĩa, cốc, chén, gom đồ thừa, lầy lụa, nồng nặc...chỉ khổ những người dân sống gần thôi. Khi bia nhập, men nâng nâng, tây tây, mọi hoạt động trở nên khó quản lý, từ tranh luận vui vẻ đến chèn pha câu chuyện, những va chạm vô cớ bùng phát, dẫn đến xung đột phá vỡ không khí, thành những hậu quả tai hại, cũng đã có đó đây. Những vụ tai nạn giao thông xảy ra, đến nghiêm trọng, thảm khốc cũng một phần do sau bia rượu của những người tham gia giao thông. Ở nước ngoài, khi đã uống rượu bia (chất có cồn) dứt khoát không được lái xe. Đi thăm bạn bè, ngày lễ tết...khi về thì các bà vợ phải lái xe, ông xã ngồi ôm con, còn không phải ngủ lại, nhà chủ mời bao giờ cũng phải chuẩn bị phòng để tiếp khách. Không có chuyện, uống một ít không ai biết, đi một đoạn đã sao...Một người Việt ở Thuỵ Sỹ, dừng xe vào quán uống bia, uống xong, ngồi lên xe lái, lập tức công an mở cửa thu bằng và giữ xe. Sáu tháng sau phải học thi lấy bằng lại, nhưng phải kiểm tra dư lượng cồn có trong máu, nếu còn tỷ lệ khống chế sẽ bị không trả xe và không cấp bằng. Tất nhiên phải nộp 2000 UR tiền phạt. Ở ta, có đến 99% người tham gia giao thông sau uống bia, không lái xe thì ai đưa về? Một ông bạn khi tàn cuộc bia, ngây ngất say, đêm quá khuya, ngồi lái xe máy, phố lờ mờ, ngõ cũng lờ mờ, lờ mờ nhận ra nhà mình, kịp mở cửa, lao xe vào, để cả quần áo, giày tất ngủ mê mệt cả ngày hôm sau, vẫn khoe thành tích đêm qua tuyệt vời! Ngày nay đã ít, lái xe được ngồi nhậu với sếp. Nhưng vẫn còn sự “bình đẳng” sếp- tài cùng dô dô chạm cốc, cùng tiêu giao tình cảm đậm đà, và “bàn tay lụa” đưa sếp về sau cuộc nhậu...Có lúc lái xe đưa sếp về quê, là điều ân huệ lắm, cả nhà, cả họ, cả làng quý trọng chuốc rượu vô tư, lái xe từ chối, xem như coi thường dân quê, tiếp khách không tốt. Bia là ẩm thực. Uống bia là thưởng thức và bồi bổ sức khoẻ, nếu bị lạm dụng quá đà, xô bồ nó tác hại ngược lại. Có ai biết, 100% bia kia còn được bao nhiêu % bia xịn. Ai biết được những mớ rau kia mới phun thuốc sâu, chưa rửa sạch. Làm sao biết nguồn gốc, những thực phẩm kia còn nhiều hoá chất ướp tẩm bảo quản?...vv... Người “khôn”nên có điều độ, biết dừng . Và hãy nhớ lời người xưa đã dạy: “... ... HOẠ CŨNG TỪ KHẨU MÀ RA. ”