/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

THƠ VĂN BẠN BÈ

PHÍA BÊN KIA NỬA ĐÊM

Gương mặt GS.Võ Thuận rạng rỡ: “- Đúng là Tin Mừng”. Nhà báo Thiên Địa vỗ vào vai GS.Võ Thuận: “- Trời đã hửng sáng!”. Từ vụ Tê Tê Ích lần ngược đường dây suy thoái đạo đức đã lên tới tận Bộ.

PHÍA BÊN KIA NỬA ĐÊM

Truyện ngắn của  KHIẾU QUANG BẢO

 

      Hôm qua là một ngày đẹp trời. Đúng thời tiết thu, nắng vàng ươm và gió hây hây thổi qua hàng cây xà cừ con phố nhỏ có căn hộ GS.Võ Thuận đang ở. Mười giờ sáng GS.Võ Thuận tham dự một lễ tang của cụ bà hàng xóm đại thọ 97 tuổi tại Nhà Thờ Lớn. Trong Thánh lễ An táng ấy người linh mục có bài thuyết giảng trước sự có mặt của trên trăm người con-cháu-chắt cùng người thân quen hàng phố, rằng: Trong cuộc sống trần gian cụ bà Anna Hà đã để lại hình ảnh đẹp cho con cháu, giáo dân và dân phố tấm gương về niềm tin vào Thiên Chúa của mình, vào tấm lòng hảo tâm để giúp đỡ cho công việc xây dựng nhà Chúa cùng những người nghèo đang cần sự hỗ tương. Anna Hà là một người mẹ hiền Việt Nam, trong sự hiền thục yêu thương và giáo dục con cái trở thành những người có ích cho xã hội trong các lĩnh vực chính trị, công quyền, khoa học, nghệ thuật. Là một tín hữu hiền lành như Chúa dạy trong Tám Mối Phúc Thật: “Phúc cho những ai hiền lành,...”. Anna Hà như một trái cây đã đến độ chín vàng. Nhưng, với tính cách là một con người chân chỉ, nhất là Anna Hà lại gần gũi thân thiết với chúng ta, cho nên chúng ta không khỏi có sự thương tiếc, buồn đau vì sự ra đi của Anna Hà. Một tấm gương, một con người tràn đầy cảm thương tha thứ đã rời khỏi cuộc sống của chúng ta, thì bảo sao chúng ta không luyến tiếc. Người linh mục gọi đây là “Lời phân ưu”.

      Buổi chiều, GS.Võ Thuận lại ra Nhà Thờ Lớn dự một Thánh Lễ Cưới, của đôi trai gái Tomas Thanh và Maria Ngọc. Cả hai du học ở Australia và cùng nhau trở về phục vụ đất nước. Thánh đường cũng chật người tham dự. Gương mặt nào cũng tươi vui ngời sáng mừng cho đôi trẻ. Trong bài thuyết giảng của mình, linh mục gọi đây là “Tin Mừng”. Người linh mục hỏi: “- Tomas Thanh có bằng lòng lấy Maria Ngọc làm vợ không?” “- Thưa cha có ạ!”. “- Còn Maria Ngọc có bằng lòng lấy Tomas Thanh làm chồng không?”. “- Con bằng lòng thưa cha!”. Đôi vợ chồng trẻ tra nhẫn vào ngón tay nhau. Rồi người linh mục vẩy nước Thánh, xức khói trầm hương lên hai bàn tay đôi trẻ úp chồng lên nhau ấy, căn dặn: “- Chúa đã tác hợp cho hai con nên vợ chồng. Các con phải thương yêu nhau, giúp đỡ nhau cùng sống hạnh phúc, sinh con và nuôi dạy con cái nên người, kính hiếu mẹ cha, cùng nhau phụng sự công việc chung. Không có một sức mạnh nào trên thế gian này có thể ly gián các con!”. Qúa trình ấy được diễn ra trên nền bài Thánh ca du dương âm thanh những phím đàn óoc-gan.

     Một ngày đi qua với hai sự kiện, một Phân ưu, và một Tin mừng cùng tốt đẹp với mỗi đời người trên thế gian này. Nhưng sang hôm nay trời bỗng chuyển đầy mây xám. Hình như tối hôm qua con gái nhắc đài báo có áp thấp nhiệt đới tràn về, bố nhớ uống thuốc Coversyl và Betaloc Zok đấy. Canh chừng huyết áp. Bỗng một trận mưa lạ đổ xuống như cơn nổi giận của Trời.

       Ngồi trước màn hình ti-vi GS.Thuận bỗng giật mình, Bản tin Truyền hình trưa đưa tin: Đoàn công tác của UBKTTƯ làm việc với Tỉnh ủy Song Hau để triển khai Quyết định của Ban Bí thư về việc thi hành kỷ luật khai trừ Tê Tê Ích ra khỏi Đảng, vì những vi phạm của Tê Tê Ích là nghiêm trọng không còn đủ tư cách đảng viên. Trời ơi! Một tỉnh ủy viên, đương kim Phó Chủ tịch tỉnh Song Hau mà bị kỷ luật buộc ra khỏi đảng? Cuộc hành trình của một chính khách mà  ví như một cuộc leo đốc cao thì hơi thô thiển, nhưng sự thực thì vất vả lắm, lên từng bậc thang danh vọng có thể chậm và cũng có thể nhanh nhưng vẫn là phải leo từng nấc một, tứa mồ hôi hột. Đã lên tới nấc thang ấy rồi lại tuột tay xảy chân ngã xuống chân thang trở về “mo” thì hoài công quá. Thế rồi buổi tối tin tức lại đưa tiếp: Khởi tố bị can Tê Tê Ích, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Cổ phần  PVC về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, dùng tiền dự án cho vay cá nhân, quản lý đầu tư lỏng lẻo, thua lỗ hơn 3.200 tỷ đồng trong thời gian Tê Tê Ích làm Chủ tịch HĐQT. Đến nỗi trong một Hội nghị của UBTV Quốc hội khi bàn về giảm và miễn thuế nông nghiệp mỗi năm 3,2 tỷ đồng, một đại biểu đã đau xót nói: “Số tiền thua lỗ thất thoát của PVC tương đương tiền miễn thuế cho nông nghiệp 100 năm!”. Và Tê Tê Ích chịu lệnh truy nã toàn quốc và quốc tế, bởi Tê Tê Ích đã “hô biến”, cao chạy xa bay tới phương trời nào không rõ. Vậy là hắn biết trước hậu quả những gì sai trái mà hắn đã làm. Hoặc có “nội gián” chưa phát hiện ra mật báo. Thì ra Tê Tê Ích hư đốn thoái hóa từ trước rồi, ở PVC, nay tiếp tục hư đốn thoái hóa khi lên nấc thang cao hơn. Cái đau là hắn ngã thang kéo theo một loạt cán bộ đồng bọn ngã thang theo. Mà không phải hắn kéo, là cả bọn câu kết nhau để cùng hư đốn. Các cụ ngày xưa gọi là “mèo mả gà đồng” một duộc. Như vậy là trong vụ án thất thoát hàng ngàn tỷ đồng này có bắt cả nguyên Tổng Giám đốc PVC tên Vê Đê Tê cùng tội danh trên. Chắc chăn sẽ lộ diện kẻ đã “nâng đỡ” hắn, bọn hắn. Ba câu chuyện xảy ra trong hai ngày liền kề làm GS.Vũ Thuận mất ngủ, trằn chọc nghĩ, đau - bực - buồn, để phải dùng tới sự trợ giúp của một viên seduxen.

      GS.Võ Thuận là nhà Xã hội học, nhưng ông cũng lưu tâm nghiên cứu về Thần học. Bởi thế tục và tâm linh liên hệ chặt chẽ với nhau. Có nhiều công trình nghiên cứu của ông được các nhà khoa học xã hội đánh giá cao bởi tính thực tế và chuẩn xác, nhưng cũng gây nhiều tranh cãi bởi sự thật làm người ta đau lòng.

                                                      *

      Ba con phố nhỏ giao nhau chạy qua sân tháp Nhà Thờ Lớn là nơi giáo sư hay dạo bộ chiều chiều. Lý do lãng xẹt, là vào lúc ấy, những gì nằm ở phía Tây con phố đều đổ bóng xuống nền đường nhất là bóng ngọn tháp Nhà Thờ Lớn, bóng đổ có chiều dài dài nhất trước hoàng hôn màu vàng cam, nó gây cho con người suy tưởng nhạy cảm hơn vào lúc xế chiều. Có lẽ vị giáo sư già nhận ra không ngày nào trôi qua mà không có chuyện “cướp – giết – hiếp” trên các phương tiện truyền thông. Chuyện người tốt việc tốt thực sự đang hiếm dần, tính ích kỷ chỉ thấy mình là nhất mặc kệ thiên hạ, rồi vô cảm lây lan truyền nhiễm ...như một lời cảnh báo nghiêm khắc về một xã hội tuy chưa hẳn là u ám, giảm niềm tin, bởi nếu mất niềm tin thì lấy động lực nào để sống.

     Mỗi bước chân đi mỗi chuyện đã qua lại xóay vào tâm can vị giáo sư già không ngừng nghỉ. Mới đây thôi, phát súng tội ác và tham sân si, vụ việc đầy bi kịch ở Bai Yen không chỉ gây sốc cho người dân cả nước ở hành vi tội ác, mà ở góc độ nhân tâm, nó còn là cách hành xử giữa đồng chí với nhau rất không đẹp, rất đáng sợ. Rồi các viên chức công quyền không hoàn thành nhiệm vụ, tham nhũng tới mức kinh khủng khiếp, lại nấp sau bức tường dày “quy trình” để trốn trách nhiệm, chỉ dẫn cho thấy chính họ không đủ bản lĩnh và tinh thần trách nhiệm để nhận lấy trách nhiệm về mình. Nói theo cách nói của người Hà Nội một thời là không còn biết xấu hổ. Nặng lời hơn là vô liêm sỉ.

     Bỗng có tiếng nói to của một chàng trai trông bặm trợn để xe máy ngáng ngang vỉa hè đang cự anh công an làm biên bản vi phạm. Chàng trai không ký biên bản mà cãi cự lại anh công an, rằng làm không đúng quy trình, thiếu động tác đứng nghiêm giơ tay chào người vi phạm đã. GS.Võ Thuận bật cười. Quy trình là gì? Là một chuỗi các việc cần tiến hành nhằm tạo ra giá trị cho một mục đích đã xác định. Ví như quy trình chọn đề bạt cán bộ. Các chuỗi công việc cần tiến hành đầy đủ cả, nhưng thiên vị vì lợi ích riêng, hoặc nể nang nên cán bộ hư vẫn được chọn. Xem ra luật pháp thời pháp quyền bất cập. Có những vụ án tranh tụng tại toà kéo dài gần tháng trời mà vẫn không ra được phán quyết vì không đủ bằng chứng pháp lý. Thời đại ta đang sống là thời của pháp quyền. Các nghị sỹ hưởng lương chuyên nghiệp soạn thảo luật. Từ thực tế cuộc sống và sự phát triển đa dạng của xã hội mà các đạo luật chuyên đề được soạn thảo xây dựng liên tục mỗi năm, hoặc sửa đổi, hoặc tu chính cái đã có cho phù hợp hơn. Luật thời bây giờ nhiều khoản, nhiều điều, nhiều mục, chi tiết hoá cặn kẽ từng hành vi và tình huống phạm tội. Hành lang pháp lý rộng dài thế mà tội phạm lại ngày một nhiều. Vậy là tội phạm lách luật, lách luật khôn ngoan và tài tình, có bài có bản.

      Cứ thẩn tha bước và nghĩ ngợi, đến vườn hoa Hàng Trống bất giác giáo sư rẽ vào nhà một nhà báo trẻ hơn giáo sư một giáp sau cú phôn từ máy di động thăm hỏi được trả lời “có nhà”. Bút danh của anh ta là Thiên Địa. Họ thân thiết nhau như cùng trang lứa nhờ những cuộc tao đàm thế sự xã hội. Nhà báo kiêm nhà văn này hay viết phiếm đàm cho tờ báo điện tử “Thế giới không phẳng”. Tài năng chính của Thiên Địa là viết văn. Hà Nội là mảnh đất anh khai thác, cày sâu cuốc bẫm. Được giới phê bình gọi là “Nhà văn Hà Thành”. Nhiều cuốn tiểu thuyết, truyện ngắn của anh xuất bản bán rất chạy. Có lẽ nó sống động cuộc sống Hà Nội hiện tại và hiện đại. Văn chương anh viết tưng tửng hấp dẫn người đọc nhất là giới trẻ. Gần đây anh lại lao vào viết tản văn. Cứ săn tỉa chuyện xã hội ra mà viết. Đọc, cuốn hút từng trang. Hỏi ra mới biết. Vài tờ báo đặt hàng chuyên mục. Ví dụ “Mắt nhắm mắt mở”, “Nói nhỏ thỏ thẻ”. Nó được in trong các ấn phẩm phụ bản hằng tuần nên nhuận bút cao hơn in ở chính bản. Anh cười nói “lấy nghề báo nuôi nghiệp văn” ấy mà. Sau đó tập hợp ra sách. Nhuận bút sách trả 10% gía bìa. Viết khỏe mỗi năm ra một cuốn. In 1.000 cuốn, trả nhuận bút bằng sách được 100 cuốn. Chấm hết. Phải mua thêm 100 cuốn mới đủ tặng bạn bè. Vậy là âm 6 triệu 500 ngàn đồng nếu giá bìa ghi 65.000 đồng. Sống bằng gì để viết văn chuyên nghiệp? Sống vợ nuôi thì vợ khinh. Hễ gặp chuyện gì không ưng ngoài đường phố là về nhà xù lông nhím dằn hắt chồng “Ông cứ như người hành tinh khác rơi vào cái nhà này, viết lách vớ va vớ vẩn. Uống nước lã mà viết nhé!”. Chỉ được vợ người khác thích đọc.  Bởi họ được đọc mà không phải chịu đựng cái tính dở hơi của tác giả.

      Vắng vợ. Nhà báo đang gõ tác phẩm gì đó bên máy tính.

      - Giáo sư đến nên em có cớ để xả strees.

      - Mình e rằng sẽ làm cậu stress thêm.

      Sau tuần trà nhúng, giáo sư không giấu nổi cảm xúc về ba bốn sự kiện xảy ra hôm qua và hôm kia. Nhà báo Thiên Địa thở dài thú thật nhiều khi cầm bút mà không tránh khỏi lúng túng. Ví như bài báo anh đang viết “Tùy tiện đi vào luật pháp” từ sự kiện “Bộ luật Hình sự 2015” lẽ ra có hiệu lực vào tháng 7 năm 2016 phải hoãn thi hành. Khi Bộ luật Hình sự không thi hành được vì còn quá nhiều lỗi, trong đó có hơn 90 lỗi nghiêm trọng đến mức nếu không sửa thì không thi hành được. Giả dụ chúng ta không sớm phát hiện ra, biết đâu sau này có biết bao trường hợp bị hàm oan, hoặc người phạm tội có thể tăng nặng cũng như giảm nhẹ một cách vô lý đều đáng tiếc. Việc Quốc hội Khóa XIII thông qua Bộ luật Hình sự (sửa đổi) mà còn để sót tới hơn 90 lỗi quả là sự cố hy hữu. Có thể coi đây như sự cố nghiêm trọng trong khâu làm luật. UBTVQH ngày 26-6-2016 đã phải triệu tập cuộc họp gấp với các Trưởng đoàn Đại biểu các tỉnh thành để bàn cách hoãn thi hành.

      Vậy sự “lơ đễnh” của cơ quan soạn thảo, thẩm định, hàng ngàn đại biểu từng tham gia các cuộc họp đóng góp ý kiến ở các hội đoàn, địa phương, rồi đi qua sự “lơ đễnh” của gần 500 Đại biểu Quốc hội khi bấm nút thông qua, chứng tỏ sự tùy tiện đi vào luật. Viết rồi mà vẫn băn khoăn liệu viết như thế có được coi là có tính xây dựng không? Người viết có cái khó của người viết, bởi các thế lực thù địch có thể lợi dụng bóp méo tính trung thực của nhà báo. Em cứ băn khoăn mãi với hai từ “lơ đễnh”.

      Ngừng. Một nhấp chè. Lấy hơi. Thiên Địa bày tỏ suy nghĩ của mình với GS.Võ Thuận về uy lực tối thượng: Pháp quyền là bắt buộc. Thần quyền là tự giác. Thế nhưng ngày nay ngay cả những tín hữu cũng bắt chước tội phạm xã hội chối tội chạy tội trước cả Chúa Trời. “Thày à. Em quen với một linh mục, nhưng là một linh mục thời @ ở xứ đạo quê em. Về đề tài lách luật, linh mục đau xót phàn nàn: Điều răn thứ tư của đạo Chúa là thảo kính cha mẹ. Có cặp vợ chồng đưa cha mẹ mình đến trại dưỡng lão vì sống chung các cụ già khó tính khó nết. Họ nói chúng tôi phụng dưỡng cha mẹ gần chục triệu mỗi tháng là thảo kính đấy chứ. Điều răn thứ bảy chớ lấy của người. Họ nói không lấy của người mà lấy của Chùa. Điều răn thứ  tám chớ làm chứng dối.  Họ không làm chứng dối mà làm sai lệch hồ sơ và thủ tiêu chứng cứ. Điều răn thứ chín chớ muốn vợ chồng người. Họ nói muốn ca-ve chẳng của ai cả. Điều răn thứ mười chớ tham của người . Họ nói họ tham của Nhà nước. Đại loại thế”.

      Vừa khi ấy vợ nhà báo Thiên Địa về. Bà vận bộ đồ áo lễ màu ghi tín đồ của Đạo tràng Pháp hoa, gương mặt tươi vui như trong lòng bà thanh thản không vướng bận bụi trần. Bà chào vị giáo sư, đặt lộc chùa lên bàn, gồm mấy quả oản bọc giấy bóng kính tím đỏ, vài phong chè sen, hai lon bia Heineken, ba gói bánh quy Hải Châu, và hai cốc mỳ ăn liền Hảo Hảo cùng một chùm cau mấy lá trầu không, nhẹ nhàng đưa ra lời khuyên: “- Hai người lại chuyện thế sự bất tận. Phí công. Coi chừng tẩu hỏa nhập ma đấy! Sống thanh thản đi!”.

      Những lời khuyên ấy là chân thành. Không bắn ra lông nhím nhọn sắc. Nên cả giáo sư và Thiên Địa cùng cười tuế tóa. Quanh khu Nhà thờ Lớn đã có một Chủng viện nữ tu Dòng Mến, hai ngôi chùa Bà Đá và Lý Quốc Sư, cùng ngôi đền Ủng thờ Phạm Ngũ Lão, và cư dân sống quanh đã trộn đều Phật tử cùng chiên Chúa, lại thêm các giáo hữu khắp thành phố đổ về nên tôn giáo nơi đây đã đa sắc màu, và niềm tin nhiều khi như đa thần giáo. Tựa như có bệnh thì vái tứ phương.

      GS. Võ Thuận từng viết chuyên luận về tôn giáo khá sâu sắc. Nhà báo Thiên Địa rất thích cách triết luận của ông. Ông viết: Thiên Đường chỉ có một. Nhưng có nhiều lối lên cùng nhiều cách đi, để cho những ai muốn lên Thiên Đường có nhiều sự lựa chọn. Và điều ấy nảy sinh nhiều học thuyết tôn giáo diễn giải cho mỗi giáo phái của riêng mình. Cuộc hành trình lên được Thiên Đường là quãng đường lâu dài có thể thẳng băng và cũng có thể gập gềnh nhiều vấp ngã thậm chí gặp hiểm nguy. Và hệ lụy khôn lường. Nhưng niềm tin và ý chí cõi tâm linh cho con người sức mạnh và lòng dũng cảm để vượt qua tất thảy. Có thể lên tới nơi hoặc chết gục dòng đường nhưng chưa có kiểm chứng, rằng có ai đó đã lên được tới Thiên Đường. Nhưng hàng nghìn năm nay con người vẫn tin có thể.

      Thay bộ đồ trong nhà, bà vợ nhà báo Thiên Địa bê ra phòng khách khay chè sen. Có kèm một khay đá. Bà ngồi đối diện với GS.Võ Thuận. Bà là giáo học đã nghỉ hưu. Ở con phố Nhà Chung trước đây phần lớn là trí thức cư trú. Bà gắp đá thả vào mỗi bát chè sen, mời mọi người cùng dùng cho giảm stress. Bà nói đã tới đây rồi xin hầu chuyện giáo sư. GS.Võ Thuận cười hơ hơ: “- Qúy hóa quá”. Còn nhà báo Thiên Địa thì thấy lạ, hiếm khi vợ mình có “đặc ân” này với khách của ông. Bà sinh hoạt Đạo tràng Pháp hoa, đi suốt, phần ông phải ăn cơm quán. Bà ăn chay trường, bỏ ngoài tai chuyện  thế sự. Bà thưa với giáo sư, rằng phàm trong việc đạo người chưa thông chân lý hoặc chưa tìm ra chân lý luận biện tất mắc sai lầm. Thành ra chân lý chỉ có một song mỗi người do kiến thức mình mà giải đạo lý khác nhau. Ví dụ như bốn ngọn đèn cùng thắp một thứ dầu cùng phát chung một ánh sáng nhưng lại dọi ra chỗ tỏ chỗ mờ chỗ xanh chỗ đỏ, cũng bởi ngọn đèn này chụp bóng trong, ngọn kia chụp bóng đục, ngọn đèn nọ chụp bóng xanh, ngọn nữa chụp bóng đỏ. Tỏ hay mờ, xanh hay đỏ chỉ có cặp mắt tinh đời của cao nhân mới nhận thấu. Sự mầu nhiệm sinh ra vạn vật, vạn loài nhất là nhân loại. Và cũng nhờ cơ màu nhiệm ấy mà trở về chỗ căn bản, là cơ màu nhiệm siêu phàm nhập thánh vậy.

      GS.Võ Thuận bỗng cười toáng lên: “- Vậy nên khi nãy bà khuyên anh em tôi thanh thản đi?”. Bà đáp vội“- Bởi vì giáo sư kích hoạt tâm can tôi!”

      Kích hoạt ư? Ra thế. Tâm can. Có thể bà vợ nhà báo Thiên Địa nói đúng. Giáo sư nói với bà: “- Kinh dịch có câu “Lập đạo Trời là Âm-Dương. Lập đạo Đất là Cương-Nhu. Lập đạo Người là Nhân-Nghĩa”. Đạo Trời là Thiên đạo. Đạo Đất là Thế đạo. Đạo Người là Nhân đạo. Làm người ở đời cần giữ tròn ba đạo ấy mới với tới toàn nhân cách. Đạo tuy vô hình song phải mượn chỗ hữu hình mà thể hiện đạo. Bởi phải có cái hữu hình mới rõ được cái vô hình. Ví dụ như một người kia muốn tỏ bầy ý kiến tư tưởng mình cho một người khác ở xa thì phải viết chữ ra trên giấy mà gửi cho người ấy xem. Văn tự là vật hữu hình dùng để bày tỏ cái ý kiến tư tưởng vô hình vậy”.

      Bà vợ nhà báo Thiên Địa vỗ tay: “- Tuyệt! Hai thày trò há chẳng viết sách đấy thôi?”. Câu kết luận đột ngột ấy làm giáo sư và nhà báo chồng bà giật mình.

      Bà mời hai người vừa ăn chè vừa chuyện. Giọng bà đã hạ tông, không rao giảng, mà trầm ấm thủ thỉ. “Tôn gíao ư? Các Giáo như Đạo Phật, Đạo Tiên, Đạo Thánh, Đạo Do Thái, Đạo Hồi… đều chia giáo lý ra làm hai phân khúc. Một phân khúc hữu hình minh minh, bạch bạch để dạy bậc hạ thừa. Một phân khúc vô hình huyền huyền, bí bí để mật truyền cho bậc thượng thừa. Vì nhiều kẻ vô đạo không thể nào thấu hiểu chỗ huyền bí ấy nên hễ thấy ai nhiễm thâm mùi đạo mà phế hết việc đời thì chê là người mê tín. Nếu như những kẻ ấy ra công tìm kiếm đạo lý sâu xa mà học hỏi thì ắt hiểu rằng các tôn giáo đều một gốc mà ra, đều tôn trọng một chân lý, đều giống nhau ở chỗ vô hình, chỉ khác nhau ở chố hữu hình mà thôi. Cái hữu hình ấy sở dĩ khác nhau là vì các tôn giáo phải tùy theo phong hóa và phương sinh hoạt của người nước họ. Chứ tựu trung cùng đồng mức chủ nghĩa cao thượng bao dung là lành mạnh, là làm lành, lãnh giữ hàm dưỡng tinh thần để cầu cho linh hồn siêu việt. Đạo là vô vi. Đời là hữu hình. Vô vi và hữu hình buộc phải hiệp nhau làm một mới được. Người ta làm cái cửa chứ không làm cái khoảng trống ấy tức là vô vi. Mà hễ làm cái cửa thì cái khoảng trống ấy tự nhiên phải có. Phải chăng các vị giáo chủ bất kể là của đạo nào hết thảy đều lãnh một thiên chức giáo hóa nhân sinh từ đời tối cổ đến bây giờ. Song các giáo lý của các ngài thuyết minh ra cần phải tùy thời mà truyền bá. Gặp thời ly loạn cần phải dạy dân cho biết đạo nhân hòa. Gặp buổi nghịch luân phải dạy cho biết “tam cương ngũ thường”. Đến nay là đời khoa học lại cần phải theo dõi khoa học thực nghiệm mà thuyết minh đạo lý”.

      GS.Võ Thuận nói như giảng hòa: “- Hóa ra bà vẫn quan tâm tới thế sự. Chỉ có điều bà nhấn chìm nó thôi để sống yên hòa, cho tâm thanh thản”. Rồi giáo sư kể bà nghe chuyện “Người Cá”. Có một nhà bác học thấy thế sự đầy nhiễu nhương, đã cấy cho con trai mình một bộ phận thở bằng mang để sống dưới đáy hồ cho yên ổn. Nhưng thi thoảng vẫn lên bờ thở bằng phổi để còn thăm bố. Rồi một ngày lên bờ gặp một cô gái xinh đã đem lòng yêu. Vậy là chàng trai liên tục lên bờ hẹn hò. Nhưng chỉ được 30 phút lại phải xuống nước. Đau nhất lại là bị bọn con trai trên phố đánh ghen vì chàng đã chiếm mất trái tim người đẹp. Thậm chí đánh người cá bị trọng thương. Nhà bác học khi ấy mới hiểu ra một điều, rằng đã là con người thì luôn phải gắn liền với xã hội, sống chung với cộng đồng người mà không thể chối từ. Và nhà bác học đã tháo mang cá cho con trai mình. Thiên Địa phu nhân cũng sẽ thế thôi”.

      Cả nhà được một trận cười sảng khoái. Thế cũng là refresh.

      Tao đàm cao siêu thế rồi cũng bí rì rì. Hoàng hôn lặn sâu phía Tây thành phố. Bóng chiều không còn. Họ chia tay nhau. Đêm ấy GS.Võ Thuận lại mất ngủ. Phải viện cầu một viên seduxen. Cơn ngủ thiếp đã dẫn giáo sư vào một giấc mộng. Giấc mộng hơi bị kinh. Bởi nó giống khoa học viễn tưởng. Ngay sáng hôm sau a-lô cho nhà báo Thiên Địa. Giáo sư mời nhà báo đến nhà ông ngay có công chuyện để bàn. Ông nhấn mạnh “chuyện quan trọng đấy!”.

      Sau tuần chè, vị giáo sư già nói:

      - Tối hôm qua tớ có giấc mơ về cậu.

      Nhà báo Thiên Địa trố mắt:

      - Không phải là chuyện em được lên Thiên Đàng nửa chừng lại quay xuống lấy thêm phấn ghi tội vào bậc thang đấy chứ?

      Vị giáo sư cười rất hào sảng:

      - Tớ mơ cậu xuống Địa Ngục cơ, nhưng là để tác nghiệp báo chí! Cậu có thể dùng viết nó cho “Mắt nhắm mắt mở” đấy.

      - Trời ơi! Sao giáo sư nỡ có giấc mơ ác thế?

      Thường hai người viết gì cũng dùng thời gian nửa đêm về sáng. Có thể là yên tĩnh. Có vẳng vào tai cũng chỉ là vài tiếng thưa thớt của người rao “Xôi nóng nào”, “Bánh bao đây”, “Bánh khúc ơ” của người bán rong dạo. Cũng có thể là ngày nghĩ “cái vô hình” đã chín, tư duy liền mạch khi ấy dùng “cái hữu hình” văn tự tuôn ra trôi chảy. Và nếu ngủ có chiêm bao, thì hoặc là giấc mơ đẹp, hoặc là ác mộng. GS. Võ Thuận gọi đó là diễn tiến phía bên kia của nửa đêm. Và ông đã mộng mị giấc mơ ấy. Không đẹp mà cũng chẳng phải ác mộng. Nhưng lại day dứt tâm can.

      Một tuần chè nữa, rồi giáo sư mới kể với nhà báo Thiên Địa:

      - Tội phạm bây giờ như nhờn luật pháp. Hình phạt cao nhất là tử hình. Đoàng một cái chết ngay, chưa kịp đau đớn. Đau đớn nhất có khi lại là ngồi tù. Địa Ngục ư? Vạc dầu sôi và kìm kẹp sắt nung đỏ cũng chẳng doạ dẫm được ai. Giấc mơ của mình là thôi miên cho cậu có một giấc ngủ sâu linh hồn thoát xác xuống Địa Ngục một chuyến xem Địa Ngục thời công nghệ số có gì mới? Cậu đã xuống và thấy địa ngục nay kinh khủng hơn truyền thuyết nhiều. Mỗi con người khi sinh ra ở trên đời đã bị Quỷ Sa-tăng tàng hình qua động tác cắt rốn của bác sỹ đặt vào đó một con vi-chíp. Con vi-chíp này có khả năng thu nhận tất cả thông tin hành vi của con người và phát sóng qua vệ tinh định vị toàn cầu truyền về Trung tâm theo dõi dưới Địa Ngục. Trung tâm này là một trung tâm tin học công nghệ cao nhận và lưu giữ theo từng “file” cá nhân với một phần mềm chương trình được lập trình sẵn. Nhân viên làm việc ở trung tâm theo dõi là những rô-bốt cũng được lập trình sẵn trong những phần mềm quản lý từng con người ở Trần Gian. Chỉ bằng vài động tác gõ phím và nhấn chuột, tội lỗi của con người được ký tự đủ đầy trên màn hình 100 inch Full HD. Đừng hòng lách luật và chối tội. Lấy tiền chùa ư? - Chùa nào - lúc nào - bao nhiêu - ở hòm công đức hay trên bàn thờ, - tự phát hay có tổ chức, - nếu có tổ chức thì gồm những ai …?

      Thiên Địa rất đỗi ngạc nhiên về ý tưởng của giáo sư. “- Rồi sao nữa?”.

      GS.Võ Thuận nhấp tiếp một chút chè:

      - Phương pháp lấy cung cũng tuyệt hảo luôn. Các miếng dẻo của máy kiểm tra nói dối được gắn vào các huyệt đạo tội phạm, làm cho não bộ tội phạm chìm vào cõi u mê vô thức và cứ thế vanh vách kể lại toàn bộ sự thật của tội lỗi, kiểu như “không khảo mà xưng”.

      - Vậy hình phạt thì sao? -Thiên Địa hỏi.

      - Chứng cứ tội lỗi như vậy rất dễ lượng hình, tuỳ theo phạm tội cố ý, phạm tội có tổ chức, phạm tội thụ động. Nghĩa là tình huống phạm tội được biểu thị đầy đủ với các tình tiết giảm nhẹ hoặc tăng hình phạt theo ba-rem. Các luật sư chẳng thể cãi trắng cho thân chủ của mình như ở trên Trần Gian. Các cỗ máy hành xác tội phạm công nghệ cao được lập trình sẵn không biết xúc động là gì. Nói gọn lại là kinh khủng luôn.

      - Rồi sao nữa?

      - Cậu sẽ phải viết một phóng sự điều tra “Địa ngục nay có gì mới”, để loài người trên thế gian này đừng có mà phạm tội rồi chạy tội trốn tội. Điều đó là không thể.

      Thiên Địa cười toáng lên nói với GS.Võ Thuận:

      - Thưa thày. Em e loài người chẳng tin những gì em viết. Trên hai nghìn năm nay Địa Ngục chưa ai qua mà Thiên Đường cũng chưa ai tới. Loài người sẽ khép tội em buôn thần bán thánh. Khung hình phạt từ 2 đến 5 năm tù ngồi đấy!

      Vị giáo sư già lắc đầu ngao ngán:

      - Chẳng lẽ hết cách sao? Rồi ông thở dài - Hay ta… thử nói chuyện với Cõi-tâm-linh? Cõi-tâm-linh là gì thì GS.Võ Thuận cũng chưa hình dung ra.

                                                      *

      Đêm ấy, GS.Võ Thuận lại rơi vào một giấc chiêm bao ở phía bên kia nửa đêm. Ông gặp một vị cao sang như bậc Thánh hiền. Vị Thánh hiền ấy tự xưng là Cõi-tâm-linh. Đúng rồi. Vị Thánh hiền ấy cho giáo sư biết: “- Cõi-tâm-linh là Đấng chí tôn - chí kính, vừa xa lắc vừa gần gặn. Rộng bao la nhưng cũng gọn nhỏ như trái tim mình. Nghiêm khắc đấy mà cũng yêu thương đấy. Mười điều răn đạo Thiên Chúa chỉ với lời khuyên là “Chớ”, và 14 lời khuyên của đạo Phật chỉ mở đầu với từ “Nên”, ấy thế mà phát động được cõi-tâm-linh của tín hữu và phật tử hướng thiện với một sức mạnh vô hình”. Giáo sư đáp lại: “- Đúng rồi. Tôi đã về các xứ đạo toàn tòng, các vùng quê nhiều phật tử sinh sống, đêm mùa hè mở toang cửa không sợ trộm. Tệ nạn xã hội không nhen nhóm nổi”. Rồi vị giáo sư hỏi bậc Thánh hiền:

      - Cõi-tâm-linh ơi, Người có thể cho loài người cái gì?

      - Ta cho loài người “tư duy tích cực”!

      - Tư duy tích cực là thế nào vậy?

      - Mỗi suy nghĩ của chúng ta là một hạt giống sản sinh từ tâm hồn. Tâm hồn không là đối tượng của sự thay đổi như đối với thể xác. Tâm hồn vốn không thuộc về thế giới vật chất nhưng lại là nền móng của ý thức. Tâm hồn là sự sống là cội rễ của nhân cách, suy nghĩ, khát vọng và cảm xúc của con người. Sâu thẳm trong hạt giống đã chứa đựng hình hài của cây. Trong điều kiện thuận lợi thích hợp cây sẽ nẩy mầm vươn mình ra cuộc sống bao la. Cũng như thế tâm hồn nắm giữ nền tảng nhân cách riêng và nhân cách cũng được biểu lộ qua hành động. Trên con đường tìm kiếm cuộc sống, hãy cố tìm đến phần bất tử trong nhân cách, bản chất cơ bản của thanh cao.

      - Ôi! Cõi-tâm-linh có lẽ là đây. Tư duy tích cực sẽ cho con người hành xử thiện căn như “nhân chi sơ - tính bản thiện”. Đúng là thế. Chỉ bằng “sợi chỉ buộc cổ tay” mỏng manh mà người xưa giữ lời hẹn ước son sắt bền lâu. Nhà văn Nam Cao đã đem lại cho dân làng Vũ Đại cách tư duy tích cực, coi lời chửi đổng của Chí Phèo là chửi ai đó mà chừa mình ra. Và một nhà xã hội học ví dụ một cốc nước đựng nước ở mức lưng chừng, người tư duy tích cực thì nói “cốc nước đầy lưng”, người tư duy tiêu cực lại nói “nước vơi nửa cốc”. Tư duy tích cực - Bạn chính là những gì bạn nghĩ. Phải không Cõi-tâm-linh?

      Chiều hôm ấy, lại một mình với một mình thôi bước dạo, lặng lẽ. để ngắm bóng chiều của chính mình đổ dài ngoẵng trên nền sân tháp Nhà Thờ Lớn. Cái bóng chiều ấy cứ đổ dài ám ảnh trước bước chân GS.Võ Thuận cho tới khi hoàng hôn lặn sâu phía Tây thành phố.

      Định quay về nhà, thì GS.Võ Thuận nghe tiếng gọi giật. Là nhà báo Thiên Địa. Anh trao cho ông tờ báo “để về nhà đọc kỹ”. Anh lấy Smartphone mở trang báo điện tử VnExpress “có tin nóng đây”: Ban Bí thư thống nhất 100% quyết định kỷ luật cảnh cáo Ban cán sự đảng Bộ Xê Tê trong thời gian 2011 - 2016. Kỷ luật cách chức Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Xê Tê trong thời gian 2011 - 2016 đối với Vê Hát Hát nguyên Bộ trưởng Xê Tê với các khuyết điểm: Buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu trách nhiệm, vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước về công tác cán bộ và vi phạm quy chế làm việc của Ban cán sự đảng Bộ Xê Tê. Những vi phạm, khuyết điểm nêu trên đã gây hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước, gây bức xúc trong xã hội. Ban Bí thư đề nghị Ban cán sự đảng Chính phủ phối hợp với Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo thực hiện quy trình xử lý kỷ luật về hành chính đối với Vê Hát Hát kịp thời với kỷ luật đảng theo quy định.

      Gương mặt GS.Võ Thuận rạng rỡ: “- Đúng là Tin Mừng”. Nhà báo Thiên Địa vỗ vào vai GS.Võ Thuận: “- Trời đã hửng sáng!”. Từ vụ Tê Tê Ích lần  ngược đường dây suy thoái đạo đức đã lên tới tận Bộ. Thiên Địa chợt nghĩ về một câu viết của một nhà báo có tên tuổi: “Bệnh phải mổ thì đừng xoa dầu!”. Đúng lúc ấy thành phố lên đèn. Những ngọn đèn cao áp dọc ba con phố sáng trưng soi tỏ mặt người mặt phố. GS.Võ Thuận ngước mắt nhìn lên chiếc đồng hồ gắn trên mặt tháp chuông Nhà Thờ Lớn, ông nói với Thiên Địa: “- Chậm 7 phút so với giờ quy định!”