/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

THƠ VĂN BẠN BÈ

Nước xối trắng trời

Mọi người trong làng đã khóc, như mưa. Nước lại xối trắng trời Chiêu Liêu…

Nước xối trắng trời

Truyện ngắn

Thùy là người duy nhất ở xóm Chiêu Liêu này không kêu Bình là cùi. Và cũng là người duy nhất trong xóm chơi với Bình vì Thùy biết vi khuẩn không lây lan. Nhưng ngặt nỗi, những lần chơi chung với Bình, Thùy đều phải trốn mạ. Mạ Thùy cấm tiệt không cho con gái giao du với thứ "bệnh dịch của làng"...

Ngoài trời, mưa mỗi lúc một nặng hạt, Bình ngồi thu lu trên giường dõi mắt qua khe cửa nhìn ra ngoài. Mạ ngồi ở phía sau, ngao ngán dựa lưng vào tường và nén thả vào không gian tiếng thở dài não nuột. Bình quay lại nhìn mạ, không nói gì.

Loa ngoài đầu xóm lại oang oang thông báo bão vẫn còn đang loằng ngoằng ngoài biển. Tâm bão còn cách đất liền gần ba trăm cây số nữa. Dự tính trong hai mươi giờ tới, bão sẽ đổ bộ vào bờ. Bình bồn chồn đứng dậy đi lại mở cửa nhìn ra ngoài. Màn mưa giăng kín mắt. Gió vần vũ trên những ngọn cây. Hơi nước tạt vào mặt, lạnh lạnh. Bình đóng cửa rồi quay lại ngồi bên mép giường. Lại một tiếng thở dài nữa, nhưng lần này là của Bình, kèm sau đó là những lời ca thán:

- Cái xứ ni, răng mà năm mô cũng mưa bão? Quanh năm làm khó nhọc chẳng đủ cho hắn phá. Mạ - Bình quay về phía mạ - Sau trận bão ni, mạ con mình đi vô Sài Gòn tìm kế sinh nhai. Ở đây, bão với lụt mãi ri. Đã rứa lại còn bị người ta khinh là cùi, là cốc, mần răng mà sống cho hết kiếp, mạ hè?

Lại ý định bỏ xứ. Từ khi biết nhận thức được miệng lưỡi người đời đến nay đã hai mươi ba tuổi, Bình rất nhiều lần mang ý nghĩ đó. Nhưng lần nào cũng bị mạ cản lại:

- Ở mô mà chẳng có miệng đời đay nghiến, chẳng có thiên nhiên khắc nghiệt? Chấp nhận và sống chung, chạy hoài rứa răng được con. Sống rứa mần răng mà hết được kiếp con hè? Còn tổ tiên, ông bà mạ đây nữa, bỏ đi răng mà được.

Bình đã quá quen với cách giải thích kiểu đó. Sau mỗi lần nghe, Bình lại cố gắng vì mạ mà sống tiếp ở cái đất này. Nhà chỉ có hai người, mạ lại hay đau ốm liên miên. Mạ mà không đi, Bình cũng không nỡ bỏ mạ ở lại mà một mình đi xứ khác.

Bình khẽ ngả người rồi nằm gối đầu lên đùi mạ. Mấy chục năm nay, mỗi khi buồn hay ngao ngán chuyện gì, Bình lại gục đầu lên vai hoặc lên đùi mạ để tìm cảm giác bình yên. Mạ lại run run đưa mấy ngón tay hiếm hoi còn sót lại bên bàn tay trái mân mê khuôn mặt vuông vắn của Bình.

Bình cảm nhận một hơi ấm đang ran ran trong dạ. Những ngón tay mạ đã bị vi khuẩn ăn tới từng đốt. Hai bàn tay, giờ chỉ còn lại hai ngón. Bình đã rất nhiều lần lặng lẽ khóc một mình vì thương những ngón tay chai sần ấy. Nhiều lúc trong giấc mơ chập chờn, Bình lại thấy những con vi khuẩn đang cựa quậy cắn rứt từng thớ thịt của mạ. Bình choàng tỉnh dậy, mồ hôi ướt đẫm lưng áo. Quay sang lần tìm ngón tay mạ áp lên má, vẫn hơi ấm dịu dàng, Bình yên lòng ngủ tiếp.

Bình nhớ ngày đầu tiên vào lớp một, một đứa trong lớp nhìn tay Bình rồi hỏi một câu xanh rờn:

- Ê thằng cùi, răng mà tay mi không bị mất ngón mô như mạ mi rứa? Hay hè.

Bình tức lên tận cổ nhưng vì ở nhà mạ đã dặn mặc kệ ai nói gì thì nói, không được đánh đấm lại, bị đuổi học, mạ buồn. Nuốt cục tức vào bụng, Bình trả lời lại:

- Mai mốt, tay mạ tau sẽ mọc dài ra. Mi không được nói tau như rứa.

Thằng kia cười khành khạch. Bình còn quá ngây thơ để hiểu, ngón tay mọc dài ra chỉ là trí tưởng tượng trong câu chuyện cổ tích mà mạ vẫn hay kể cho nó nghe. Nhìn điệu cười nham nhở, Bình không chịu được nên lao vào cắn tay đến khi thằng kia khóc thét lên, máu rươm rướm chảy, Bình mới dừng lại.

Rồi cũng từ đó, bạn bè trong lớp gọi Bình là thằng cùi. Một vài lần tức quá, Bình đã nhào lại đánh tới tấp bọn chúng. Những lần đó, Bình lại bị gọi lên phòng hiệu trưởng viết bản kiểm điểm, nguy cơ bị đuổi học vì tái phạm nhiều lần. Mạ lại sướt mướt khóc xin thầy hiệu trưởng cho con học tiếp.

Cả xóm Chiêu Liêu này, ai cũng sợ bị vi khuẩn ăn mất ngón tay như mạ Bình nên không một ai dám tới gần hai mạ con. Ba Bình cũng vì sợ nên đã nghe theo lời xúi của gia đình nội ruồng rẫy và đuổi mạ con Bình ra khỏi nhà. Mạ cay đắng nhưng không thể níu kéo khi người ta đã dứt tình, cạn nghĩa. Mạ cũng hiểu, người ta cần một người phụ nữ có đầy đủ mười ngón tay để vòng ôm được trọn vẹn. Mạ không thể có nên mạ đã khăn gói ra đi.

Khi đó, Bình mới lên bốn tuổi. Bà ngoại chỉ có mình mạ là con, giờ lại ở một mình nên hai mạ con đã về đó sống. Thời trẻ, bà ngoại cũng bị vi khuẩn ăn hết mười ngón chân. Nhưng vì ở chân, nên bà giấu không ai biết được. Còn mạ thì bị ở tay, ai nhìn vào là thấy ngay nên họ sợ. Bà ngoại vì buồn phiền chuyện đó nên sinh bệnh và mất sau đó một năm.

Mấy năm nay, mạ cực khổ một mình, chịu bao lời gièm pha, đay nghiến của người làng để nuôi Bình khôn lớn. Bình cũng đơn độc bao năm trong cái thế giới tuổi thơ của riêng mình. Bình không bị mất ngón tay giống mạ. Ai cũng nghĩ sớm muộn gì thì Bình cũng bị nên hầu như không có đứa bạn nào dám tới gần. Thậm chí có phụ huynh còn phản đối giáo viên khi cho Bình học cùng lớp.

Cho dù giải thích về sự không lây lan của vi khuẩn tới đâu thì cũng không ai tin, không ai hiểu. Bởi thế mà Bình chỉ lặng lẽ trên con đường tới lớp, lặng lẽ một bàn và âm thầm đứng nhìn những trò chơi của tụi bạn. Bình từng ước, giá như thế giới chỉ là bóng đêm. Đêm sẽ làm cho con người ta hạnh phúc. Sẽ không ai thấy ai, không ai biết ai thiếu sót gì và sẽ không ai sợ hãi hay ngại ngần cái gì hết. Sinh ra từ yêu thương, tất thảy sẽ nhận được thương yêu từ cuộc sống.

Khi học hết lớp chín, Bình nghỉ học ở nhà. Trường cấp ba ở trên huyện, Bình muốn học phải lên tận trên đó. Mạ khóc hết nước mắt khuyên Bình đi học tiếp. Có học mới mong thoát được cái nghèo, tương lai sau này mới xán lạn. "Cực khổ tới mô, mạ cũng ráng được". Nhưng Bình vẫn một hai không đi. Mạ sức khỏe ngày càng yếu, làm nặng một chút là mạ lăn đùng ra bất tỉnh. Giá như có bà con lối xóm quan tâm thì đỡ. Đằng này có hai mạ con với nhau. Bình mà đi xa, lỡ mạ ở nhà có chuyện gì xảy ra, ai biết mà cứu.

Bình sợ cái giây phút nếu lỡ đó. Bình không muốn mất mạ. Bình muốn nghỉ ở nhà đi làm kiếm tiền nuôi mạ, kiếm tiền mua thuốc chữa bệnh cho mạ. Bình không muốn mạ mất luôn hai ngón tay còn lại. Không học tiếp, Bình biết là mạ rất đau. Nỗi đau không đến từ đôi bàn tay mà đến từ lồng ngực của mạ. Nhưng mạ có hiểu được nỗi đau của Bình khi đi xa?

*

Bản tin báo bão ngoài loa truyền thanh vọng vào cắt ngang dòng suy nghĩ của Bình. Như cái lò xo, Bình ngồi bật dậy rồi truồi chân xuống đất. Mạ ngơ ngác:

- Ngoài trời đang mưa to, con đi mô rứa?

- Thông báo gió giật lớn rứa, con qua nhà con Thùy coi răng. Nhà có hai người phụ nữ, gió giật tốc mái, họ biết ở mô?

- Họ hàng bên nớ thiếu chi người, mi qua cho mạ hắn chặt chân mi răng?

Thùy là người duy nhất ở xóm Chiêu Liêu này không kêu Bình là cùi. Và cũng là người duy nhất trong xóm chơi với Bình vì Thùy biết vi khuẩn không lây lan. Nhưng ngặt nỗi, những lần chơi chung với Bình, Thùy đều phải trốn mạ. Mạ Thùy cấm tiệt không cho con gái giao du với thứ "bệnh dịch của làng".

Mạ Thùy vẫn gọi hai mạ con Bình bằng cái tên cay nghiệt như thế. Bình biết và nhiều lần đã trốn tránh không muốn gặp Thùy. Bình không muốn sau đó, Thùy bị mạ réo rắt rồi quay về phía nhà Bình chửi đổng, dọa chặt tay, chặt chân. Không phải Bình sợ những lời hăm dọa đó mà Bình không muốn Thùy bị mạ nhéo móc, đay nghiến. Thùy là cô gái vô tư, có tội tình gì mà phải hứng chịu.

Lúc nhỏ, Bình chỉ coi Thùy là bạn bè bình thường, lớn thêm một chút thì thân thân. Rồi khi hai mươi tuổi, Bình thấy yêu Thùy tha thiết. Yêu cái hồn nhiên, lương thiện trong tâm hồn của Thùy. Chính Thùy đã dạy cho Bình biết phải gạt bỏ ngoài tai những lời lẽ cay độc mà sống tốt. Sống cho mạ.

Bỗng nhiên Bình thấy chơi vơi trong khái niệm tình yêu mà lâu nay mình dành cho Thùy. Yêu mà con đường phía trước mờ mịt quá. Yêu mà cứ mang ý nghĩ bỏ xứ ra đi. Yêu mà bão gió muốn qua giúp nhưng lại bị cấm ngăn. Bước chân đi mà nặng trịch như gánh nặng cả bầu trời đang vần vũ trong bão. Là vì mạ mình không có ngón tay, hay vì những lời lẽ chói tai của mạ Thùy hay là vì tình yêu Bình dành cho Thùy chưa đủ mạnh để vượt qua tất cả.

 

Minh họa: Lê Tâm.

Mạ nói Bình rất khó mà lấy được vợ ở cái làng Chiêu Liêu này. Dù người con gái đó có yêu mình tới đâu đi nữa, nhưng trước vách ngăn của gia đình, liệu người ta có bước qua nổi. Trừ khi Bình đi thật xa, lấy một người con gái không biết gia cảnh của mình, rồi dẫn biệt đi đâu đó mà sống, không bao giờ về làng này nữa. Chứ về làng, vợ nghe người ta róc ráy, không chịu nổi rồi cũng sớm muộn bỏ đi.

Bão từ biển chưa chính thức đổ về nhưng bão từ lòng Bình đã ập đến. Bình nghe tim mình tái tê buốt.

*

Đêm, gió gầm rú trên những ngọn cây. Mưa cũng ào ạt dội xuống mái tôn trên nóc nhà. Mạ không ngủ nên ngồi dựa lưng vào tường vẩn vơ nghĩ. Bình cũng thức nhưng nằm co ro bên mé giường. Lòng bồn chồn như lửa đốt khi nghĩ đến hai mạ con Thùy. Họ hàng bên đó nhiều nhưng nhà nào cũng cách gần cả trăm mét, lại thêm mưa bão, ai cũng phải lo chống bão nhà mình trước đã. Phải chi lúc chiều, Bình cứ đánh bạo chạy qua. Day dứt một hồi, Bình lại tự trấn an: "Biết mô lại như mạ nói, có người giúp rồi thì răng"? Bình lại bắt đầu luẩn quẩn trong suy nghĩ của chính mình. Cố xua ra khỏi đầu cái điều giá như, phải chi nhưng Bình lại càng làm cho mình thêm rối trí.

Trằn trọc không thể ngủ, Bình bò dậy ngồi bó gối nhìn vào khoảng không trước mặt. Xen trong màn đêm đen kịt là ánh chớp nhập nhoàng bên ngoài lọt qua khe cửa. Những âm thanh cộng hưởng của gió, mưa vọng vào nghe chát chúa, não nề. Tấm tôn đập như trống trận, gió rít liên hồi như ma hú. Ngọn tre bị gió víu xuống mái tôn nghe sàn sạt như có móng tay ai cào ràn rạt. Liên tiếp sau đó là tiếng gẫy soạp của những cây chuối ngoài vườn cùng tiếng nổ đôm đốp của mấy cây tre bị gió vặn. Thanh xà gồ trên mái cũng cót két kêu, tưởng như chỉ cần một trận gió mạnh cũng đủ nhấc bổng văng mái đi nơi khác.

Hai mạ con hồi hộp nín thở chờ đợi. Tiếng mạ lầm bầm càng khiến cho mưa như thêm nặng hạt:

- Van vái cho ông mưa bớt lại. Làng ni đã xơ xác lắm rồi, mưa như rứa, sau bão lấy chi mà sống. Khi nắng thì chói chang, bỏng rát. Đất đai bạc phếch mấy tháng trời. Cây cối cằn khô, chết héo. Khi mưa thì liên miên, sầm sập như thác xối. Mai nước sông lại vượt qua đê. Cả làng lại bị cô lập như mọi năm bão lụt tới.

Làng Chiêu Liêu này đâu có mấy hộ xây nhà kiên cố. Lũ chảy xiết tràn qua làng, nóc lại lềnh bềnh theo dòng trôi đi nơi khác. Khi lũ đi qua, chỉ còn trơ lại nền lùng bùng những bùn và đất. Cứ mỗi mùa bão lũ về, cảnh xác xơ hoang tàn lại ngập tràn khắp xóm. Trời hết mưa nước mắt người lại nhỏ. Quanh năm, người dân chỉ loay hoay trong việc chống đỡ và gây dựng. Miết cũng nản nên nhiều người đã bỏ xứ đi về thành phố làm ăn. Bỏ xứ, phải chi mạ cũng chịu ra đi…

Sáng sớm, Bình ngồi dậy, thẫn thờ đưa mắt nhìn lên mái. Một đêm giông bão đã qua, mái vẫn bình yên trong gió.

Bên ngoài, trời nhờ nhờ sáng. Mưa vẫn lộp bộp trên mái tôn và gió vẫn rít mạnh liên hồi. Bản tin lại báo bão chưa vào tới, còn cách đất liền hơn 120km nữa. Cuối bản tin lại thêm phần lưu ý: "Đường đi của bão đang diễn ra hết sức phức tạp. Các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Nam cần hết sức đề phòng".

Vừa dứt tiếng thông báo, Bình vội truồi ra khỏi giường, mặc áo mưa và đội mũ bảo hiểm đi qua nhà Thùy. Bình không còn đủ kiên nhẫn để đợi nữa. Mạ cũng biết Bình đi đâu nhưng không cản mà chỉ nhắc Bình đi cẩn thận.

Mưa ngược chiều gió, táp vào mặt Bình rát rạt. Gió cũng như muốn nhấc bổng Bình tung lên cao. Phải oằn mình gần như sát đất, Bình mới sang được đến nhà Thùy. Tôn mái trước đã tốc hết, gió chực chờ tốc nốt mái sau.

Mạ con Thùy như chết điếng đang ngồi run cầm cập dưới gầm giường. Mạ Thùy đưa mắt nhìn Bình, ánh mắt không còn hoang dại như muốn ăn tươi nuốt sống Bình như trước đây mà có gì đó như van lơn, thống thiết. Bình nhanh chóng đỡ tay mạ Thùy kéo ra. Cái nắm tay run bần bật trong gió. "Bà run vì lạnh hay vì nỗi sợ hãi lây vi khuẩn từ tay mình"? Ý nghĩ như một tia chớp xẹt ngang trong suy nghĩ của Bình. Nhưng mặc kệ bà ta run vì cái gì, miễn sao đưa được hai mạ con thùy tới nơi trú ẩn an toàn trước rồi tính. Bình xốc nách người đàn bà ấy đi về nhà bác ruột Thùy. Thùy cũng bấu víu vào lưng Bình khó nhọc bước đi từng bước.

Cả ba đang đi được nửa đường thì có tiếng ông trưởng thôn nói như thét phía sau:

- Chạy lên đồi đi, lũ đang đổ về.

Không kịp quay lại nhìn, Bình đã thấy bóng loằm khoằm của ông lao vào trong nhà dân đập cửa. Bình hoảng hốt quay sang hối Thùy:

- Đi lẹ thôi.

Dứt câu, Bình lại hối hả những bước chân dồn dìu mạ con Bình về phía đồi cao. Nghĩ đến mạ đang ở nhà một mình, Bình không thôi lo lắng, liệu có ai chạy vào đưa mạ đi tránh lũ? Mấy lần Bình định chạy ngược về nhà, để mặc hai mạ con Thùy tự xoay xở đi, nhưng không đành lòng, Bình lại cắn răng gắng sức bước cho thật nhanh.

Đường lên đồi, từng người đang bấu víu vào nhau, gồng mình dấn từng bước đi trong gió. Mưa quất vào như có ai tạt thẳng xô nước lên mặt. Mắt cay xè. Ai cũng bươn bả dò từng bước chân. "Thời tiết năm ni chi mà lạ rứa, bão chưa qua thì lụt đã dồn về, chết thôi chớ mần răng mà sống được" - Những tiếng ca thán dội lại tai, Bình càng thêm sốt ruột.

Đưa được mạ con Thùy lên đồi an toàn, Bình vội lao xuống nước, chạy giật ngược về nhà. Những guồng xoáy dưới chân như muốn cản bước Bình lại. Ngã dúi xuống nước, Bình lại lao người đứng dậy và chạy tiếp.

- Anh Bình, ba em đang bệnh nằm trên giường. Ông nhất định không chịu đi. Anh phụ giúp cõng ba em đi với.

Tiếng của thằng Ría bạt đi trong tiếng mưa. Bình đứng lặng người nhìn lại, ánh mắt nó như cầu khẩn tha thiết. Bình đưa mắt nhìn về nhà, chừng hơn cây số nữa mới về tới. Đoạn đường từ nhà Ría lại quả đồi chưa đầy năm trăm mét, nếu nhanh chân cõng ba nó chạy lên rồi chạy về đưa mạ đi vẫn còn kịp.

Bây giờ, nước chưa tới đầu gối, ở nhà lại có chiếc thuyền nhỏ, nếu không kịp hai mạ con sẽ dùng thuyền đó bơi đi. Yên tâm với phương án đó, sau giây phút suy nghĩ, Bình vội lao vào nhà thằng Ría, nói vào tai ba hắn như ra lệnh. Nhưng ông cứ nằm lì, không chịu đi. Ông nói: "Đằng mô tau cũng chết. Mi cứ để tau chết ở đây, đi mần chi. Chết trên nớ lạnh lẽo".

Vật lộn thêm một hồi, Bình dựng ông dậy rồi xốc lên lưng. Ría đỡ ba ở phía sau. Nước lũ đã lên đến đầu gối, nặng trịch từng bước đi, Bình căng từng cơ để nhấc chân lên bước. Mưa gió vẫn không ngừng trút giận xuống những tấm thân gầy bé nhỏ.

Ría là thằng ngỗ ngược và hỗn với Bình nhất xóm. Hắn ít hơn Bình bốn tuổi. Nhưng chưa khi nào hắn gọi Bình là anh, chỉ cộc lốc là thằng. Khi nào tử tế thì hắn kêu thêm tên ở đằng sau nhưng lại là thằng "Cùi". Chính hắn cũng hay róc rỉa mạ Bình sao không chết quách đi, sống làm gì để lây bệnh cho thiên hạ. Ai nói Bình thế nào cũng được, nhưng động tới mạ là Bình tức lên và không giữ được bình tĩnh. Bình đã hơn một lần thẳng tay tung cú đấm trời giáng vào mặt thằng Ría vì cái tội dám động chạm đến mạ bình. Thế mà lần này, Ría lại gọi Bình là anh.

Không chỉ riêng Ría, những người khác cũng thi nhau hối chú Bình, anh Bình, Bình… "Khi người ta cần, người ta luôn ngon ngọt. Khi đạt được rồi, người ta có bỏ mặc và phũ phàng quay lưng lại như trước không?". Bình vẩn vơ nghĩ. Nhưng dù gì thì Bình cũng thấy lòng ấm áp lạ. Biết đâu lại như Thùy nói: "Cứ sống tốt và làm mọi việc có ích rồi mọi người sẽ dang rộng vòng tay đón nhận".

11h, bão chính thức ập về. Mưa trút như thác. Gió vít những ngọn cây bạch đàn nằm sát sạt trên mặt nước. Nhiều đợt gió còn cuốn cả đám lục bình cuộn vào trong vòng nước xoáy. Bình cũng mấy lần bị nuốt vào trong vòng xoáy đó. Nhưng vì mạ, Bình gắng thoát ra, trồi lên chạy bươn về nhà. Tới ngõ, Bình chết trân khi thấy nóc nhà đã bị tốc hết hai mái. Bình gào lên gọi mạ rồi chạy bổ vào trong. Bình lặng người khi thấy mạ đang ngồi trên thuyền nhưng hai cánh tay vẫn ôm chặt cây kèo trên mái.

- Mạ, răng mạ không chèo thuyền đi rứa?

- Mạ đợi con.

Bình ôm chầm lấy mạ rồi nức nở khóc. Mạ buông hai cánh tay đang víu cây kèo ra, ôm lấy Bình vỗ vỗ lên vai:

- Đừng khóc con, con về là mạ yên tâm rồi.

Rưng rưng mỉm cười nhìn mạ, Bình quay người bám lấy mạn thuyền rồi đẩy ra khỏi cửa. Mạ ngồi bên trên, Bình ngâm mình ở dưới gồng bàn chân bám vào mặt đường đẩy thuyền đi. Mưa vẫn ầm ầm, gió vẫn giật mạnh. Trên biển nước mênh mông, chỉ có hai mạ con Bình xoay xở. Bình lả người đi trong những đợt gió táp như muốn thổi thuyền trôi ngược lại.

Trong khi đó ở trên đồi, tiếng khóc, tiếng la ó của bọn trẻ con như điên loạn. Nhưng tất cả đều bạt đi trong tiếng mưa gầm, gió rú. Ai cũng bám chặt vào nhau, người ướt nhẹp và run lên vì lạnh. Thùy ôm mạ ngồi dựa vào sát gốc cây, mắt cô vẫn hướng xuống biển nước dưới chân đồi tìm kiếm.

- Răng mà giờ ni, mạ con thằng Bình cũng chưa tới rứa mi? - Tiếng của mạ thều thào hỏi Thùy.

Thùy bồn chồn trả lời:

- Con cũng không biết nữa mạ ơi!

Bỗng có tiếng la thất thanh của ông trưởng thôn:

- Mạ con thằng Bình tề bà con.

Mọi người chồm lên nhìn xuống dưới. Thuyền của Bình còn cách chân đồi khoảng trăm mét, nó vẫn đang chòng chành theo từng đợt sóng cuộn. Nước đã ngập lên đến cổ nhưng Bình vẫn cổ rướn đẩy thuyền đi. Thấy rứa, Thùy vội chạy bổ xuống dưới chân đồi, ông trưởng thôn cùng một vài người lao xuống theo.

Nước bên dưới đang dâng lên cuồn cuộn, đục ngầu. Trên đồi, nước theo dòng cũng đang tràn xiết xuống. Thùy cùng mọi người đưa tay lên miệng làm loa hò hét gọi Bình hướng thuyền lại. Bình rưng rưng ngước mắt lên nhìn, chân lại cố guồng để đưa thuyền nhanh tới. Bỗng Bình hẫng chân đi vào vũng nước sâu, một vòng nước xoáy cũng vừa cuộn tới, gió trên cao cũng rịt lại, muốn hất con thuyền lộn ngược qua một bên. Bình chồm lên, cố giữ thăng bằng kéo thuyền ra khỏi vòng xoáy của con nước.

Thấy bất ổn, Ría cùng một vài thanh niên lao xuống rồi bơi nhanh ra. Nhưng tất cả đã quá muộn, Bình đã đuối sức không giữ nổi thăng bằng. Con thuyền lộn nhào, mạ Bình theo đó cũng bị lật úp theo. Bình chới với cố đưa tay ra kéo tay mạ nhưng xoáy nước chảy xiết đã nhấn chìm cả hai xuống dưới.

Trên đồi, mọi người dồn chạy xuống. Tiếng của Thùy khản đặc gào khóc gọi. Mưa vẫn trút như thác đổ. Gió vẫn rú lên từng hồi, man rợ.

*

Sáng hôm sau, mưa tạnh, gió cũng đã ngừng. Cả làng Chiêu Liêu như lả đi trên đồi cao. Ai cũng rệu rã, bơ phờ, mệt mỏi và run vì lạnh. Những đứa trẻ nhỏ khóc rí rách vì đói. Tiếng ầu ơ cùng bầu vú dai nhách cạn sữa không đủ làm chúng ấm lòng.

Bên sườn đồi, nước vẫn chảy xiết. Nhà cửa, làng mạc đã chìm trong biển nước mênh mông. Chỉ sau một đêm mà mọi dấu tích chỉ còn là những ngọn cây, những chóp bu nóc nhà phất phơ và lềnh bềnh trên mặt nước. Cuộc sống sau tâm bão quét lại chênh chao và hắt heo xơ xác.

Một vài người men ra rìa đồi như cố tìm kiếm mạ con Bình có chơi vơi nơi mô đó. Nhưng chỉ có mênh mông những dòng nước đục ngầu, chảy cuộn.

Ba ngày sau, người làng Chiêu Liêu mới tìm thấy xác của hai mạ con Bình ngoài cửa biển. Bàn tay chỉ có hai ngón của mạ vẫn đang cố nắm chặt lấy cánh tay của Bình. Mọi người trong làng đã khóc, như mưa.

Nước lại xối trắng trời Chiêu Liêu… 
Truyện ngắn của Phạm Tử Văn
Theo cand