/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

THƠ VĂN BẠN BÈ

NHỮNG GIAI THOẠI VỀ DANH NHÂN TÔ HIẾN THÀNH

Thái hậu buộc phải tặng ông một lời khen là “Trung”, nhưng rồi bà ta không theo lời tiến cử của ông.

NHỮNG GIAI THOẠI VỀ DANH NHÂN TÔ HIẾN THÀNH
.
       T
ô Hiến Thành, người làng Hạ Mỗ (đất Ô Diên cũ) huyện Đan Phượng (Hà Đông). Ông là hiền thần dưới triều vua Lí Anh Tông, có công đánh dẹp giặc Ai Lao, Chân Lạp và loạn lạc trong nước. Ông làm đến chức thái phó bình chương quân quốc trọng sự (như tể tướng) và làm quan phụ chính phù ấu chúa Lí Cao Tông.

       Người đời sau so sánh Tô Hiến Thành với Gia Cát lượng (180 – 234) thời Tam Quốc ở Trung Quốc. Đánh giá về Tô Hiến Thành, nhà sử học Ngô Sỹ Liên đã ghi trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư như sau: “Tô Hiến Thành nhận việc ký thác con côi, hết lòng trung thành, khéo léo xử lý khi có biến cố, tuy bị gió lay sóng dập, mà vẫn đứng vững như đá giữa dòng, khiến trên yêu, dưới thuận, không thẹn với phong độ của đại thần ngày xưa. Huống chi đến lúc sắp chết còn vì nước tiến cử người hiền, không hề vì ơn riêng, Thái hậu không dùng lời nói này của Tô Hiến Thành là việc không may cho nhà Lý vậy”.

 

1- NẮM LẼ PHẢI, ĐỐI MẶT VỚI THẦN

       Lúc mới làm một chức quan nhỏ, Tô Hiến Thành thường vẫn về ở trong làng mình. Làng có miếu thờ thần, có tiếng là thiêng. Tô Hiến Thành mục kích chuyện một người hàng xóm phơi áo ngoài bờ rào bị mất đã sắp lễ đến kêu cầu thần miếu mấy ngày trời để nhờ thần tìm ra thủ phạm, lấy lại của. Tô Hiến Thành biết rõ kẻ trộm là ai song vẫn lặng lẽ chờ xem thần giáng oai linh xét xử như thế nào. Nhưng chờ mãi cũng không thấy thần động tĩnh gì, ông bất bình, coi thần chỉ là hư vị, không ích gì cho dân, bèn ra lệnh cho dân làng dẹp bỏ ban thờ và đóng cửa miếu không cho thờ cúng gì nữa.

       Ngay đêm ấy, thần báo mộng cho bà vợ Tô Hiến Thành rằng: chồng bà phải mở cửa miếu cho dân thờ cúng, nếu không thần sẽ vật chết đứa con gái đầu lòng của ông ta. Bà vợ sợ hãi báo lại với chồng, nhưng ông gạt đi. Quả nhiên đứa con gái đầu lòng ốm rồi chết. Ai nấy kinh hãi oai thần. Chỉ có Tô Hiến Thành vẫn trơ trơ sắt đá, không tin rằng thần lại vật chết con gái mình. Một hôm khác, thần lại báo mộng cho con trai ông rằng: nếu miếu thần không được sửa sang lại cho dân thờ cúng như xưa thì đứa em gái của anh ta sẽ tiếp tục bị vật chết theo chị nó. Song Tô Hiến Thành nhất định cho rằng đó là một sự phi lí, bèn gác ngoài tai. Nhưng mấy ngày sau, quả nhiên cô con gái thứ hai ngã bệnh và chết thật. Mọi người lúc ấy xúm lại trách cứ ông, van vỉ ông hãy nhượng bộ thần mà mở cửa miếu. Tô Hiến Thành bèn sẵng giọng thách thức với thần:

– Ta dẹp bỏ ban thờ vì ngươi vô tài bất lực, mang tiếng là thần thánh mà một vụ trộm cỏn con không xét xử cho đến nơi đến chốn. Thần có giỏi thì cứ vật chết ngay ta đây này, sao lại bắt nạt mấy đứa trẻ nhỏ như vậy? Dứt khoát không cúng kiếng gì hết! Ta sẽ cho phá tan cái miếu này cho thần trả thù một thể!

       Chắc thần cũng phải phát hoảng khi nghe thấy lời đe doạ ấy của một con người gang thép. Nếu ông ta phá miếu thực thì từ nay biết ở vào đâu? Không biết chừng ta lại rơi vào cái cảnh “lang thang như thành hoàng làng khó” như lời giễu cợt của dân gian? Cuối cùng chính thần phải “xuống thang” đến báo mộng cho Tô Hiến Thành rằng:

– Xin ông hãy hiểu cho: thần tôi không phải kẻ giết hai đứa con gái của ông. Số chúng nó phải chết, tôi chẳng qua biết được điều ấy nên dùng nó để doạ ông mà thôi. Ông là một người chính trực, chỉ phục theo lẽ phải, không sợ bất kì một sự đe doạ nào, xin ông rộng lượng đừng nên phá miếu, để tôi còn có chốn nương thân. Còn việc cái áo bị mất, tôi biết kẻ nào lấy cắp nhưng cho đó là việc nhỏ nhặt nên không ra tay, mong ông bỏ qua cho...

       Tô Hiến Thành thấy lời nói của thần cũng... lọt tai, nên nguôi giận, lại ra lệnh mở cửa miếu cho dân làng đến khói hương như cũ...

@

2- KHÔNG THAM VÀNG BỎ NGHĨA

       Năm 1175, vua Lí Anh Tông vì ốm yếu nên tính đến việc lập thái tử kế vị. Long Xưởng, con cả của vua đã được nhắm làm người kế vị song vì phạm tội thông dâm với cung phi nên bị phế làm thứ nhân và bị bắt giam, lẽ ra phải bắt tội chết. Vua đang băn khoăn định chọn người con thứ là Long Trát mới có ba tuổi lên kế vị. Giữa lúc đó, có nội nhân ẵm Long Trát ra. Cậu bé thấy vua đội chiếc mũ đẹp thì thích, khóc đòi đội. Vua chưa kịp tháo mũ thì cậu ta càng khóc tợn hơn. Vua lấy làm lạ, trong bụng có ý lập Long Trát. Hoàng hậu xin vua cứ nhường ngôi cho Long Xưởng. Vua đáp:

– Làm con bất hiếu còn trị dân làm sao được?

Ít lâu sau vua băng, để lại di chiếu cho Long Trát lên ngôi vua và Tô Hiến Thành là người phò tá ấu chúa.

Nhưng bà Đỗ thái hậu vẫn muốn phế Long Trát mà đưa Long Xưởng lớn tuổi hơn lên ngôi vua. Bà ta bèn tìm cách mang vàng nhờ vợ Tô Hiến Thành là bà Lữ thị đút lót cho ông để ông nghe theo ý của mình. Nhưng Tô Hiến Thành bảo vợ:

– Ta là đại thần nhận mệnh tiên đế dặn lại giúp vầy vua bé, nay lấy của đút mà làm việc phế lập thì còn mặt mũi nào trông thấy tiên đế ở suối vàng?

Thấy đút lót cũng không xuôi, Đỗ thái hậu trực tiếp đến gặp và dỗ dành Tô Hiến Thành bằng trăm phương ngàn kế. Nhưng ông khảng khái trả lời:

– Làm việc bất nghĩa mà được giàu sang, kẻ trung thần nghĩa sĩ đâu có vui làm, huống chi lời của tiên đế còn ở bên tai, điện hạ lại không nghe việc của Y Doãn, Hoắc Quang1 hay sao?

Việc phế lập của thái hậu không thành, nhưng bà ta vẫn chưa bỏ ý đồ của mình. Năm 1178, hết quốc tang, Chiêu Linh hoàng thái hậu (Đỗ tháihậu) lại ban yến cho các quan ở biệt điện của mình và dụ rằng:

– Hiện nay tiên đế đã chầu trời, vua nối còn thơ ấu, nước Chiêm Thành thất lễ, người phương bắc cướp biên. Các khanh chịu ơn nặng của triều đình, nên lo việc của nước nhà. Kế sách ngày nay không gì bằng lập lại thái tử, để vận nước được lâu, lòng dân được yên.

Nhưng các quan đều chắp tay tâu:

– Thái phó nhận mệnh lệnh rõ ràng của thiên tử, bệ hạ cũng đã nhiều lần dỗ bảo rồi, bọn thần không dám trái lệnh.

Tô Hiến Thành lúc ấy lãnh cấm binh, nghiêm hiệu lệnh, thưởng phạt công bằng, các quan và người trong nước đều quy phục.

Phẩm cách cao quý của ông sau này được vua Trần Nghệ Tông khen ngợi:

Bách đoan lợi dụng, tịch như vô.

(Trăm lời dụ dỗ, lặng như không).

@

3- NGHIÊM TÚC ĐÁNH GIÁ NGƯỜI

       Thái uý Tô Hiến Thành ốm nặng. Tham tri chính sự Vũ Tán Đường vốn là người trong bè cánh của thái hậu được cử đến ngày đêm chăm sóc thuốc thang cho ông rất là chu đáo. Trong lúc đó, gián nghị đại phu Trần Trung Tá vì quá bận việc triều chính, không lúc nào rảnh rỗi đến thăm hỏi ông được.

Lúc Tô Hiến Thành đã lâm bệnh nặng, thái hậu thân đến thăm và nhân hỏi ông:

– Nếu thái uý có mệnh hệ nào thì ai là người có thể thay ông?

Tô Hiến Thành đáp:

– Trung Tá có thể thay được!

Thái hậu tỏ vẻ thắc mắc hỏi để nhắc:

– Thế Tán Đường hàng ngày hầu thuốc thang, sao không thấy ông nhắc đến?

Tô Hiến Thành đáp:

– Vì bệ hạ hỏi người nào thay thần nên thần mới nói đến Trung Tá, còn như hỏi người hầu dưỡng thì phi Tán Đường còn ai nữa?

Thái hậu buộc phải tặng ông một lời khen là “Trung”, nhưng rồi bà ta không theo lời tiến cử của ông.

Theo kieuvan