/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

THƠ VĂN BẠN BÈ

NHÀ VĂN LÊ LỰU: HOÀI VỌNG VÀ CÔ ĐƠN

Tất cả phá lên cười. Lê Lựu vừa nhai củ sả như nhai trầu, cười tít mắt bảo: “Bố láo nào”!

NHÀ VĂN LÊ LỰU: HOÀI VỌNG VÀ CÔ ĐƠN

PHÙNG VĂN KHAI

       -Sự cô đơn của Lê Lựu không bao giờ là một sự cô đơn thuần tuý về gia đình, bè bạn, về cơ quan đoàn thể, hiệp hội nghề nghiệp, về quá khứ hay là về tương lai. Cô đơn của ông là sự cô đơn tiền kiếp, chung đúc, bản năng, lạc loài, đơn kép, là một sự cô đơn bản thể, sự cô đơn vĩnh viễn của con người.

                                                          Nhà văn Lê Lựu

 

       Lắm lúc, tôi thấy Lê Lựu ngồi một mình ưu tư nhìn về đâu đó, nhìn về một cõi sâu, cõi đẫm tình người vừa mới đây thôi nhưng bây giờ bỗng thưa vắng và thiểu số? Hẳn ông đã từng biết, từng chứng kiến và phải chịu đựng những trò lố lăng, lừa lọc của con người. Ông đã thấy sự thoái hóa, biến chất, mục ruỗng, thớ lợ, rỗng tuếch, đạo đức giả. Cứ nhìn vào tác phẩm của Lê Lựu mà xem, nhìn vào ứng xử của ông mà xem!

       Đặc biệt là những lúc ông ngồi một mình, im lặng rõi vào cái vô cùng. Lúc đó, bỗng đâu những khổ đau của kiếp người như hiện rõ lắm trong khuôn mặt gồ ghề, râu ria, hoang hóa đến rờn rợn ấy. Chao ôi, cái khổ cái nhục của anh nhà văn thì người đời mấy ai biết đến. Nếu có nhớ, có biết đến chỉ là nhớ những khiếm khuyết của anh này, bê tha của anh kia, sự mất lập trường, ăn mặc kỳ dị, những phát ngôn, không tham gia đoàn thể, nói thẳng nói thật không đúng lúc đúng chỗ của các nhà văn mà thôi. Nên những lúc như thế, dường như tôi đã đọc được sự lo lắng, nhẫn nhục, bất lực và cả sự căm giận của nhà văn Lê Lựu. Ông căm giận và bất lực trước những sự thật thối tha hoặc đang công nhiên diễn ra trắng trợn, hoặc được che đậy, tô vẽ, ẩn nấp dưới vỏ đạo đức, nghiệp vụ, thời thế. Điều đó đã bật mầm trong những suy nghĩ của tôi, của kiếp người về nỗi cô đơn của nhà văn, nỗi cô đơn Lê Lựu.
 

 


Lắm lúc tôi nghĩ, sự cô đơn của Lê Lựu còn là sự cô đơn vĩnh cửu của tài năng chăng? Có thể nói, sự cô đơn của Lê Lựu là sự cô đơn cộng sinh của bao nhiêu kiếp người lương thiện. Càng tài năng, càng lương thiện, anh – chị càng phải gắng sức mà gánh nó qua thời gian sống ở dương gian này!

       Nhà văn Lê Lựu rất nặng lòng với quê hương. Ông có đi chân trời góc bể, trời Âu trời Phi gì nữa thì lâu lâu cũng phải tìm về nơi phủ Khoái. Tìm về nơi cách đây ngót trăm năm đê vỡ liên tục, đất đai, nhà cửa, mồ mả ngập chìm trong nước, dân tình ngoi ngóp, liu điu. Có lẽ cái cám cảnh thê lương đó đã khiến nhà văn luôn nặng lòng ám ảnh. Và tất nhiên, với tư chất của một nhà văn vốn thường hằng đa mang những cung bậc sầu - cảm thì Lê Lựu khó tránh khỏi sự mông mênh, đi xa đó nhưng vẫn hoài vọng và cô đơn lắm lắm!
Lê Lựu phải đi, nhưng rồi quê hương vẫn là một góc gì đó thiêng liêng ám ảnh ông suốt cuộc đời này. Cho đến giờ, dù ở đâu đó có những biến chuyển như vũ bão thì ở quê, nơi thôn dã, vẫn là Lê Lựu ấy với dáng đi lủi thủi cố hữu, vẫn chung thủy bên gốc cau gốc trầu. Vẫn tháng 6, cánh đồng đay, đồng cói nở hoa trắng xóa, và Lê Lựu vẫn thường ngồi một mình thơ thẩn, miệng nhai trầu bỏm bẻm, mắt đủng đỉnh nhìn thấp thoáng dưới con đê. Nơi đó, những con trâu đang thảnh thơi đầm mình giữa dòng sông hiền hòa của buổi trưa hè thôn dã, miệng chúng cũng đang đung đưa nhai lại cỏ.
 
       Tôi nhớ một lần, Lê Lựu còn đang công tác tại Tạp chí Văn nghệ quân đội, ông nhận trọng trách thực hiện những cuộc đối thoại hằng tháng của Tạp chí - chuyên mục đối thoại do nhà thơ Trần Đăng Khoa khai khẩn. Nhà thơ cho rằng, thể loại đối thoại là một thể loại mới, nội dung là hai hoặc nhiều người cùng nhìn về một vấn đề, có cái thuận nhau đã đành, còn có không ít điều chưa gặp nhau cũng chẳng sao, đừng vội vàng quy chụp, đừng hô hào hay e ngại gì. Trong một cuộc đối thoại, ai ngờ lại nhằm vào một vấn đề “nhạy cảm” - vấn đề đất ở nông thôn. Đất ở nông thôn thời này được chuyển đổi cơ cấu, tế nhị thì gọi là chuyển giao, là cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước thuê. Thời bấy giờ, vấn đề này rất hay, rất lớn và thiết thực. Đối thoại ngay lập tức đặt ra được rất nhiều câu hỏi, toàn là bức xúc và sát sườn với lợi ích của nhân dân.

       Cuộc ấy, có nhà văn Lê Lựu, nhà văn Trung Trung Đỉnh, nhà văn Sương Nguyệt Minh, vị Chủ tịch thị trấn nọ cùng vài cán bộ khác và tôi. Hôm đó mưa dầm, bong bóng mưa giương mắt nhìn giời như báo hiệu sẽ mưa liên miên. Nếu là anh phóng viên truyền hình, hoàn toàn có thể dựa vào lý do thời tiết mà bỏ cuộc. Vậy mà...

       Vị Chủ tịch thị trấn mà chúng tôi đối thoại là một cựu chiến binh. Ông từng đi đánh trận, từng bị đấu đá và thị phi, từng qua thời kỳ bao cấp và bị oan, bị ức hiếp. Hôm ấy, ông đội mưa đội gió đến trụ sở uỷ ban từ rất sớm, bảo: “Lê Lựu bảo đến là đến đấy, các đồng chí có liên quan cứ chuẩn bị, sau đó thì đi ăn thịt chó ở ngoài quán. Tôi biết anh Lựu từ thuở đi dọc Trường Sơn...”.

Tất cả mấy anh em, thầy trò chúng tôi ai chả con nhà nông, khi ngã xuống lại về với đất. Cho nên bàn luận, ngẫm ngợi, suy diễn, phát biểu rất sôi nổi, hào khí. Đương nhiên có cả sự thái quá bồng bột cố hữu của anh em văn nghệ sĩ khi xuất ngôn rồi. Có khi thoạt nghe đã thấy gờn gợn. 

       Cuộc ấy, rất nhiều người đưa ra câu hỏi sắc sảo, phân tích, dẫn chứng xa gần, chiến lược với phúc lợi, nhân cách đạo đức và có cả sự viễn tưởng của nhà văn. Người trả lời cũng tài năng không kém, toàn những ông từng ở chiến trường ra, đánh nhau liên miên để giành đất, giữ đất. Cầm trên tay nắm đất, thấy mồ hôi, xương máu của mình, của đồng đội phập phồng trong đấy làm sao không cẩn trọng cho được. Nghĩa là hoàn toàn có thể đường đường chính chính trả lời tay bo với mấy “bố” nhà văn, nói thẳng với mấy “bố” rằng: “Bố ạ, chính các bố mới là mây khói, là lý thuyết giời ạ. Chứ còn bọn tôi đâu vào đấy rồi, đất vào tay doanh nghiệp nào y như là cơ ngơi doanh nghiệp ấy mọc lên, con em mình vừa có việc làm vừa có thu nhập tiền triệu cả đấy. Các bố nhà văn đừng có lo hão lo huyền. Thấp thoáng trong số 55 nghìn công nhân làm việc trong 43 doanh nghiệp nhà em, có nhiều đồng chí công nhân mình cứ hao hao các bác nhà văn đấy ạ”.

       Người ta đã nói như thế, mình cũng đã thực mục sở thị như thế rồi còn đâu. Trước đó đi thực tế các doanh nghiệp, đến đâu cũng thấy tiếng cười, thấy sự hớn hở của anh chị em công nhân như được dặn trước là phải cười, phải tươi. Cứ như thế muôn mặt hiện lên, cùng ồ đến níu cái ông nhà văn để phản ánh, để thực chứng và dường như còn có ý đe ông nhà văn chớ có cảnh giác thái quá, thận trọng thái quá mà làm chậm cái tiến trình phát triển của chúng em đi. Nếu cứ đà ấy, lại chẳng may gặp một ông nhà văn yếu bóng vía sẽ dễ bị những sự việc đang diễn ra kia đè bẹp, dễ bị những cái trước mắt làm lóa, có khi ông còn lu loa lên, đòi hỏi những thứ khác cao xa hơn nữa.

       Lần đó, tôi thấy Lê Lựu ngồi lặng lẽ, trầm mặc nhìn ra ngoài trời mưa gió. Nhà văn Trung Trung Đỉnh chừng như cũng tỏ ra quan hoài, im lặng, vân vi khi chưa thấy ông anh nói gì. Tôi và nhà văn Sương Nguyệt Minh cứ thao thao với đồng chí Chủ tịch, với các đồng chí phụ trách các mảng kinh tế - xã hội khác nhau.

Mãi gần trưa, Lê Lựu mới lên tiếng, vẻ mặt rất là nghiêm chỉnh: “Tôi xin hỏi thực các anh thế này, bây giờ miếng ăn của nhân dân, của con em mình từ các doanh nghiệp nó có lấm láp lắm không?”. Tất cả lắng đi, Lê Lựu hỏi thế tức là ông đã có nhiều thông tin từ những bất cập nảy sinh trong thời gian gần đây của thị trấn: Nào là chuyện công nhân hùa nhau đình công đốt phá công ty, chuyện các doanh nghiệp bắt phạt vô cớ, xúc phạm công nhân, đánh đập thương tật, rồi tai nạn lao động gây chết người bị ỉm đi; kể cả chuyện một số doanh nghiệp ma về với dự án ma để chiếm đất, rồi kiện cáo, vu cáo; rồi nào nghiện hút, mại dâm và rất nhiều vấn đề tệ nạn xã hội khác; văn hoá bị phá hoại, xây dựng tuỳ tiện các công trình dân sinh; ngay cả các đồng chí lãnh đạo thị trấn, lãnh đạo huyện đứng chân trên địa bàn và cả lãnh đạo tỉnh cũng có đơn thư của nhân dân tố cáo, thậm chí có cả tờ rơi, hò vè… “Dân đã phẫn nộ là có vấn đề đấy! Vấn đề nan giải rồi vì lòng dân vốn đã bao dung bấy lâu, giờ quá lắm nên mới làm vậy...”.

Nghe Lê Lựu nói, mấy đồng chí trong thị trấn cứ nhìn ông đăm đăm. Một nhà văn tưởng như đi mây về gió, nếu quan tâm là quan tâm chuyện bên Mỹ bên Pháp hoặc là ở trung ương cao kia chứ biết đến sự vụ tạp nhạp ở cái thị trấn này làm gì mà nói “ghê thế”!.

       Buổi trưa hôm ấy trời vẫn mưa không ngớt. Trong một quán lá ở bìa sông Lăng, sáu bảy ông cán bộ cùng ba bốn ông nhà văn khề khà bên chén rượu với mâm thịt chó. Họ cứ tiếp tục bàn đủ thứ chuyện trên trời, dưới bể. Sau hồi hăng hái, Lê Lựu lặng lẽ nhấm nháp nhìn mưa bong bóng rơi. Nhà văn Trung Trung Đỉnh mơ mơ màng màng phán ngay một câu: “Ơ, bác Lựu nhà mình hóa ra hiểu đất đai doanh nghiệp ra phết. Cơ mà giao đất cho bố thì rất nguy, bởi bố thì làm gì biết tổ chức sản xuất, có khi hứng lên lại cho béng ai đó thì tình hình sẽ ra làm sao nhỉ?”. Tất cả phá lên cười. Lê Lựu vừa nhai củ sả như nhai trầu, cười tít mắt bảo: “Bố láo nào”!  
 

Nguồn: Văn nghệ Quân đội