/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

THƠ VĂN BẠN BÈ

MỘT MIỀN KHẮC KHOẢI

Câu truyện này xin bắt đầu từ một đêm trăng. Trăng lên. Cả nhà tôi ngồi quanh đống lúa chọn giống cho mùa sau.

Trần Văn Thước

MỘT MIỀN KHẮC KHOẢI

 

Câu truyện này xin bắt đầu từ một đêm trăng. Trăng lên. Cả nhà tôi ngồi quanh đống lúa chọn giống cho mùa sau. Bà tôi cầm len nẹn lúa, quay qua thầy tôi:

- Thầy u con Na này. Mai cho tao ra đồng cắm cái niềm, ăn bữa cơm đầu bờ lần nữa. Chứ tao nghe ra khó được trông thấy mùa sau.

- U…chỉ nói gở - Thầy tôi gạt đi.

            U tôi nhẹ nhàng:

- Chúng con xin khất u buổi khác. Chứ mai gặt chân trũng, lúa đổ mệt lắm.

 U tôi nói rối nhưng biết làm sao khác. Vì lòng thương, lòng kính trọng người già. Tôi vào hùa với u:

  Cánh vục Ấu lầy lụt, lắm đỉa lắm. Để hôm nào gặt đồng cao bà nấu cơm gánh ra đồng như mùa trước ấy.

 Cha tổ cháu bà – Bà chửi yêu, cầm lên nẹn lúa thích lại với chị em tôi thủng thẳng:

- Tháng trước lên đền Mẫu Lễ khai hạ, bà nhờ cụ từ đảo xem bát hương bản mệnh các cụ bốc cho thời con gái. Đồng trinh thất bảo xỉn mục. Lại mấy hôm bà mơ thấy cụ Tú Trâm. Cụ về nói chuyện ngày xưa rồi bảo;“có việc cần làm sao chưa làm? Làm đi rồi ta cho đi hội đền Cha”. Bà gặng hỏi việc gì. Cụ lắc đâu chỉ tay ra phía bờ sông. Nhờ lời cụ đêm qua, tháng Tuất này bà đi hầu các cụ.

 Chị em tôi cười khúc khích. Tháng Tuất là tháng sau. Bà đã ngoài tám mươi nhưng còn mau lẹ đủ việc, lời bà đích thị là thoáng lẩm cẩm của tuổi già. Vĩ nhân về già lắm khi còn quá lẩm cẩm nói chi người thường. Tôi buột miệng:

- Mộng mị buồn cười lắm. Bà tin làm gì cho thêm mệt.

Bà tôi như không nghe thấy.

- Đêm nay thế nào cụ cũng về. Bà sẽ giữ cụ hỏi bằng được xem việc ấy là việc gì. U tôi bật cười. Thì ra u chỉ dành nửa tâm cho cuộc thì thầm với thầy tôi.

Hôm sau, hôm sau nữa… cho đến buổi gặt cuối cùng vẫn không thấy bà nhắc đến việc đi gặt. Mới hay người già mau nhớ mau quên. Hôm rửa liềm cất mùa sau, cậu út huơ cái liềm xén trêu bà:

- Bà ơi, mai bà cháu mình đi gặt đồng cao bà nhá.

- Cha tổ mày chứ - Bà mắng yêu út, xách xô ra vườn tưới rau.

Không ngờ giấc mơ linh nghiệm. Sau lễ xá tội vong nhân bà tôi ngã bệnh. Triệu chứng ban đầu là cơn chóng mặt, sốt nhẹ. Cậu ruột tôi bác sĩ chuyên khoa nổi tiếng, khám bệnh cho bà xong kéo thầy tôi ra ngoài.

- Không nên đưa bà đi bệnh viện.Vừa tốn kém lại không giải quyết được gì.Tốt nhất bà thích ăn gì thì mua .

Chiều muộn, cụ lang Mạc sang thăm bệnh cho bà, cụ xem mạch, thở dài lo âu hằn rõ trên gương mặt người bạn già của bà.

Không khí trong nhà tôi trầm hẳn xuống. Mỗi người già lên mấy tuổi. Bữa cơm nào cũng thừa.

Tháng Tuất đang ở những ngày cuối. Bà tôi như cành núc nắc mùa đong rơi xuống đống chăn dầy. Thuốc thang bao nhiêu cũng không đủ sứcđẩy lui con bệnh tuổi già. Duy thần sắc, giọng nói của bà vẫn như thường. Tàn lực vị thần. Đấy là niềm hi vọng của gia đình xóm láng.

Một buổi sáng, tôi ngồi bóp chân cho bà.Hai chân bà ấm,nhẹ nhõm hơn mọi ngày.

- Bà thấy dễ chịu rồi. Bà tôi nói, co co hai chân.

- Ngồi lên bà bảo cái này.

Tôi kê lại bao trấu bà dựa lưng, dỗ dành:

- Cháu lấy cháo bà ăn cho nóng bà nhé.

Để lát nữa, bà tôi nhìn lên trần màn, bâng khuâng – Đêm qua cụ Tú Trâm về chơi. Cụ nói bà mới nhớ ra. Còn sống đến giờ thì cái Tâm nhà ông Chí, cô Nở bằng tuổi bà. Tuổi Tuất, Bính Tuất.

Trời đất, nếu bà không đang ốm tôi sẽ ôm bà cười ra nước mắt. Ai lại đem mình ra vận vào hai kẻ ấy.Tự dưng tôi gợn một thoáng trách bà đã khiến tôi phải nhớ cái chuyện không muốn nhớ.

Làng tôi, đích danh làng Vũ Đại. Chí Phèo, Thị Nở là người hàng xóm tôi. Chuyện cũ đã có người người chép thời mới, tên làng, dù đã có hàng chồng đơn xin đổi, trên không duyệt, đành chịu. Dân làng tôi bằng đủ mọi cách triệt nọc “di tích” mà cụ Nam Cao đem vào văn học hiện đại nước nhà. Khu nhà cha con Bá Kiến được cải tạo thành trụ sở Đảng bộ. Vạt vườn chuối có túp lều cô cháu Thị Nở, giữa những năm sáu mươi được san ủi xây ngôi nhà trẻ mẫu. Cũng những năm ấy khu lò gạch cũ được đoàn thanh nieencair tạo thành vườn ươm tặng hội phụ lão. Đến thế mà vẫn không thoát tiếng tăm. Hồi còn trường cấp hai liên xã trò Vũ Đại khổ sở vì các làng “Ê, dân Vũ Đại kia kìa…”, “Này! Bác Chí nhà đằng ấy độ này còn bợm chứ!”, “A lúi! Thị Nở có họ với hắn à?”… Đại để thế.

Cuối cùng tôi cũng gạt đi được những điều không muốn nhớ! Tôi cầm tay bà lắc nhẹ:

- Cháu hâm nóng cháo bà ăn nhé.

- Bà không thấy đói – Bà tôi lắc đầu, mắt không rời ô cửa sổ hé mở. Hình như bà chờ đợi cái gì đó ngoài kia. Một lát bà thở ra nhẹ nhõm – Làng này khối người biết, nhớ chuyện ấy. Nhưng chả ai muốn nhớ. Bố thế, mẹ thế nhưng trời thương phật độ cho đứa con kháu khỉnh đáo để. Trời bỏ sống thì năm nay trạc tuổi u cháu.

Gắng lắm mới kìm được tiếng thốt kinh ngạc. Chí Phèo, Thị Nở có con. Bà tôi đãng trí đến nỗi này ư. Tôi đã lầm. Bà vẫn nhớ nhiều chuyện thời còn là cô Tảo nết na xinh đẹp có tiếng của làng Vũ Đại. Nhưng mãi đến năm tám mươi bảy tuổi bà mới đủ sức gồng lên vượt qua nhiều ngáng trở để thổ lộ nỗ day dứt nhất đời với đứa cháu bà tin yêu.

Để khỏi mất thì giờ tôi xin tóm lược chuyện của bà thời là cô Tảo chưa chồng.

“…Sáng ấy, trời xui đất khiến thế nào cô Tảo lần ra khu lò gạch hoang cắt cỏ. Quang gánh đến khóm ruối thì cô hết hồn vì tiếng rên rỉ từ trong lò gạch.Hồi lâu trấn tĩnh cô vén lau lách nhìn vào. Thì ra Thị Nở. Thị trần truồng quằn quại trong vòm cửa lò gạch. Chốc chốc Thị quằn sấp, lật ngửa, đập tay lên bụng. Không đành bỏ đi cô Tảo vào với Thị. Cô rùng mình lóa mồ hôi hột. Thị Nở như tắm trong vũng nước ối. Cái đầu đen nhu nhú đang chờ bàn tay đón. Cô Tảo vội xắn tay áo. Chiếc khăn vuông làm tã. Lưỡi liềm cắt rốn.Bé gái bụ bẫm choài choài trên vạt cỏ, khóc toang toáng. Thị Nở lịm đi, mãn nguyện. Cô Tảo úp nón che mặt cho Thị, bế đứa trẻ về vườn chuối trao cho bà cô Thị. Cô tắt đòng trở ra lò gạch. Thị Nở ngủ say như chết. Bị đánh thức, Thị chồm dậy cười hô hố. Thị bước thình thịch như không hề vừa qua cơn vượt cạn.

Làng Vũ Đại xôn xao. Thị Nở đẻ ra con gái đứa bé không giống cha cũng chẳng giống mẹ. Bé gái ăm ắp lời năng là cô gái đẹp. Nó ra đời đúng hôm cúng bách nhật lão Chí. Người dang tay đón, rửa liềm cắt cuống, chôn nhau là cô gái từng phát lời thề thà chết chứ không cam làm dâu con nhà Bá Kiến.

Đúng ba tháng sau. Tinh mơ đi chợ bán rau, đến cuối xóm cô Tảo gặp cụ Tú. Hình như cụ Tú vừa mãn đêm cô đầu xóm bãi. Cô hạ gánh chào cụ. Cụ gật đầu: “Ta đoán không sai’. Cô Tảo nghĩ cụ đón đường nói chuyện mối manh. Nhưng cô nhầm, cụ Tú ngậm ngùi.

- Đã thương thì thương cho trót. Thế mới phải đạo làm người. Cháu không ngại bẩn thỉu, dang tay đón nó ra đời. Cớ chi không đặt cho nó cái tên. Sơ sinh sắp đầy cữ mà chưa có tên là có tội với trời đất. Mà nó tội tình gì!

Cô Tảo cúi mặt. Cụ Tú nhìn trước nhìn sau, vén áo the lấy lấy ra năm đồng bạc dúi vào tay cô.

- Đưa cho mẹ con nó. Bảo đặt tên là Tâm. Người ấy phải xứng với tên ấy. Ta bấm ngày giờ sinh, xem tử vi, biết hài nhi phải một thời phiêu bạt quê hương. Nhưng có phúc, có phần. Con bé rồi là người quyền quý, sang trọng và đức độ lắm. Chuyện này chớ lộ với ai. Cháu đi đi. Các cụ sắp hết chầu hát sáng rồi.

Cô Tảo run bắn cả người. Phần ngạc nhiên trước thái độ của bậc nho sinh tiên chỉ làng. Phần nữa tiếng là con nhà khá giả nhưng chưa bao giờ cô cầm trong tay món tiền to đến thế. Năm đồng bạc là ngót mẫu ruộng, là hai suất sưu. Cô run rẩy nhấc gánh. Cụ Tú phải giục hai, ba lần cô mới cất bước nổi.

Cô Tảo gánh cả gánh rau vào vườn chuối. Trong túp nều vườn vóng tiếng vóng rống tiếng khóc Thị Nở. Cũng may túp nều khuất nẻo chứ xom riềng khổ sở vì cô cháu Thị. Tối nay Thị với bà cô dở người s hết cãi chửi nhau quay ra khóc than. Cô chửi cháu khóc. Cháu cãi cô khóc. Cứ thế!

Cô Tảo vén mành chiếu che cửa. Thị Nở vật vã giữa nều. Thị ở trần, hai vành vú căng rức, sữa chảy ròng ròng. Ổ lá góc lều có lưng thúng gạo, nắm tiền lẻ. Nhận ra cô Tảo thị chồm lên. Thị gào. Thị đấm hai giành vú. Sữa bắn đầy mặt cô Tảo. Cô níu Thị ngồi xuống dỗ hỏi. thụ chỉ thúng gạo, chỉ mớ tiền. Cô Tảo bàng hoàng. Ai bảo bà cô Thị dở người! Độ gà gáy canh ba mụ dẫn về tốp người buôn chuyến miền ngược. Mụ bán đứa trẻ giá nửa thúng gạo, đồng hai bạc. Mụ bán mình, đi theo tốp buôn người với giá hai cóc rượu ty. Cô Tảo dỗ dành thị và đi hái lá thuốc nhức sữa. Gánh rau muống bị nắng héo quắt đành đổ xuống sông. Trước lúc về cô Tảo đưa cho thị món tiền của cụ Tú. Thị đờ người ra. Thị nức nở.

- Ơn cụ. Ơn cô. Con đứt ruột còn chả giữ được cầm tiền mua gỗ chôn à.

 Cô Tảo gạt nước mắt về. Ai bảo Thị dở hơi. Cô thuật lại sự việc sự tình với cụ Tú Trâm , cụ Tú thở dài, bấm đốt ngón tay, lắc đầu.

Phiền cháu giữ giúp ta món tiền ấy. Qua mùa gặt, ắt có việc dùng. Chớ lộ với ai.

Mùa gặt qua đi. Một buổi sáng, người mõ thấy xác Thị Nở nổi bềnh giữa giếng Tiên trước cửa đình. Lý trưởng lệnh cho đám tuần đinh vớt xác buông sông. Cụ phó hội bàn thêm- Phải thay nước riếng thiêng. Cụ Tú Trâm cất lời thu xếp. Thị Nở cởi áo quan, vải liệm và nắm đất góc nghĩa địa làng.

 Đang dịp đói kém nhưng đám tang Thị Nở khá đông. Người đưa đám lỉnh kỉnh bị gậy. Mãn họ tản tác đi kiếm ăn. Dân làng Vũ Đại có dăm ba người nhớ, bấm đôt ngón tay tính ra ngày Thị Nở chết đúng hôm giỗ đầu lão Chí.

“- Sau đó đến nay có tin tức gì về cô Tâm ấy không bà”. – Đó là câu hỏi vội vàng và dầy phất phỏng của tôi ngay khi bà ngừng kể.

 Bà tôi lắc đầu:

- Tịnh không ai biết mảy may. Ngay cả đường nét mặt giờ gặp bà cũng không nhận ra nổi. Bà chỉ nhớ nét mặt nó đẹp lắm. Bà bế ẵm bao nhiêu đứa nhưng không có đứa nào được như nó. Đẻ ra có tràng hoa cuốn cổ. Có vết chàm đỏ ở lòng bàn tay và nốt ruồi đôi ở của mình. Các cụ bảo đấy là tướng cao sang…

 Tôi đứng lên đỡ bao chấu bị nghiêng bởi cơn ho. Mấy hôm nay bà ho nhiều hơn. Dứt cơn bà nhìn tôi khẽ khàng:

- Bình sinh cụ Tú có dặn người con cả, vào các năm Ngọ, năm Mùi tìm cách tìm kiếm con bé về biết quê hương bản quán. “ Thìn, Tị ly thân thích; Ngọ Mùi quy cố hương”. Nhưng anh con cụ gạt đi. Phần anh ta là cán bộ to. Phần không muốn dây vào chuyện không hay, người xấu. Bà cả đời chả được ra khỏi cổng làng, lo nuôi chồng con , quán xuyến việc nhà. Có muốn cất công tìm kiếm cũng không được. Mà cũng không dám nhờ vả ai. Có lần nói với thầy cháu việc này, thầy cháu gạt đi: “việc gì đến u. Bao nhiêu công của vẫn chưa xóa hết tiếng sấu. Tìm rước của ấy về nó chửa cả làng à…”

 Tôi đỡ bà nằm xuống và đi hâm cháo. Bưng cháo lên, đã thấy bà ngồi dậy nhìn trần qua ô cửa hé mở. Bà ăn cháo cho nóng – Tôi đặt bát cháo vào tay bà. Được vài thìa bà đặt bát cháo xuống, thở dài: - Bao nhiêu năm cứ nghĩ đến chuyện ấy bà nuốt không xuôi, ăn gì cũng thấy đắng ngắt. Đêm rồi gặp cụ tú, bà ngẫm lời cụ thật chí lý chí tình. Nay mai về đưới ấy biết đâu chả hỏi han về con bé. Thì bà biết ăn nói sao. Thà rằng chẳng biết cho xong.

 Bà cầm bát cháo lên, xúc vài thìa lại đặt xuống. Muống bà ngon miệng tôi nói:

- Bà cứ yên tâm. Nay mai cháu nhờ đài nhắn tin. Còn sống thể nào cô Tâm ấy chả về thăm quê, thăm bà cháu mình. Việc ấy khó gì ạ.

Đôi mắt mờ của bà tôi sáng lên, tin cậy. Bà bưng bát cháo ăn ngon lành.

Năm ngày sau. Tinh mơ tôi đã ra đồng làm cỏ. Quãng nửa buổi sáng, Đứa em hàng xóm chạy ra đứng đầu bờ, cuống cuồng “Về… chị về…, bà mệt lắm…”. Tôi nhào lên, ngã sấp giữa ruộng. Đường về tôi bám vai đứa em, gắng lắm mới khỏi gục ngã.

Trong nhà tôi khá đông người. Tôi nhào vào giường bà. Tôi lay. Tôi gọi hồi lâu  bà tôi khẽ hé mắt. Anhs mawys chiếu vào tôi. Bà gật đầu. Chỉ mình tôi hiểu ánh mắt ngắn ngủi, cái gật đầu yếu ớt của bà. “… Việc ấy đến đâu rồi?…”. Cũng chỉ mình tôi hiểu việc ấy là việc gì! Hỡi ôi! Để bà ăn ngon miệng tôi hứa làm việc nhắn tìm và không chỉ một lần tôi hứa. Và hơn một lần tôi nghĩ đấy chỉ là chuyện bà kể lại cho mà biết. Nào ngờ cả khi sự sống chỉ còn giây phút bà vẫn hi vong, chờ đợi sự giải thoát một niềm khắc khoải. Bà cần một sự thật mang sang thế giới bên kia an ủi hai con người khốn khổ nhất lịch sử làng Vũ Đại. Thế mà tôi. Nước mắt tôi ứa ra. Tôi lao ra nhà ngoài.

Tôi giật bung cánh tủ lấy ra chiếc đài cát sét ấn nút ghi. Tôi ghé sát cửa máy, cố đánh lạc giọng mình. Tiếng băng chạy rè rè.

- Bà sắp mất… mà mày làm trò gì thế Na? Ai đó quát.

Tôi làm như không nghe thấy. Tôi ấn sẵn nút phát, xách cát sét vào trong buồng. Tôi để máy trên đầu giường, lay gọi bà. Bà hé mắt nhìn tôi. Tôi mở máy. Tiếng băng rè rè. Tiếng người vọng ra:

“Cháu là Tâm… cháu đã nhận được tin nhắn tìm của bà… xin bà yên lòng. Cháu và gia đình đang thu xếp để về với bà, với làng…”

Máy tự động tắt. Đôi mắt bà tắt dần ánh nhìn. Môi bà tắt dần mấp máy. Hỡi ôi. Vào tích tắc cuối đời bà mới được nhẹ nhõm nỗi khắc khoải bám riết cuộc đời từ thời con gái bằng trò giả mạo của đứa cháu bà tin yêu nhất. Biết làm sao được!

Có ai nghe thấy không? Ngày… tháng… năm trong mục nhắn tin của đài phát thanh có lời nhắn: “Cháu gái Tâm, có đặc điểm… Xa quê trong hoàn cảnh… Bây giờ ở đâu? Báo tin cho bà… địa chỉ làng Vũ Đại…”. Hôm ấy là lần phát thứ năm, trùng với bách nhật của bà tôi. Trước đó tôi đã nhờ người bạn làm báo giúp việc nhắn tìm trên mặt báo.

Nếu câu chuyện trên may mắn đến được với các bạn thì đó là niềm an ủi tuyệt vời cho người con gái nhà quê. Xin coi đó là chi tiết sơ cư cho lời nhắn tìm: “Cô Tâm có đặc điểm vết chàm đỏ… nốt ruồi đôi… bị bán cho… Ở đâu xin báo tin cho… địa chỉ làng Vũ Đại…”.

Nguon theo vanvn.net