/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

THƠ VĂN BẠN BÈ

KỶ NIỆM VỚI THẦY

Vài dòng tạ tội thay nén hương lòng gởi về thầy, nơi mãi mãi rưng rưng niềm kính trọng!

Nguyễn Nghiêm

 

KỶ NIỆM VỚI THẦY

 
        Bẵng đi có tới gần năm chục năm, tôi mới được đọc lại bài thơ “TÁM ĐÊ ƠI” của thầy chủ nhiệm dạy văn ngày ấy. Bao nhiêu kỷ niệm lại ùa về, vẫn rười rượi xanh như lúa đồng quê trên đường tới lớp thuở nào. Thật cảm động trước những trăn trở yêu thương, những trông mong, thổn thức trong tâm hồn thi sỹ của thầy tôi: Nhà thơ Phạm Thìn kính mến! Người đã để lại cho lớp thế hệ học trò Trường cấp 3 Ngô Quyền chúng tôi sự kính trọng và những kỷ niệm không bao giờ phai nhạt.

        Thơ thầy giản dị mà sâu sắc như chính con người thầy vậy. Có bạn nào đấy là học trò cũ đã ví thầy như một ông đồ, trầm suy, đĩnh đạc mà nhạy cảm, cả những khi quạnh quẽ, ưu buồn... Không bao giờ quên những giờ lên lớp của thầy, đặc biệt khi giảng về Truyện Kiều với sự đớn đau như chính thầy là người trong cuộc. Trái tim còn non nớt thuở ấy đã rung lên, đâu đấy trong lớp có bạn đã bật khóc.Và tôi đã viết một mạch kín cả bốn tờ vê đúp bài phân tích với giá trị nội dung và nghệ thuật của Truyện Kiều trong một kỳ thi cuối học kỳ năm lớp tám ấy. Thầy khen và xem như bài mẫu để các bạn trong trường tham khảo. Và hình như chính thầy cũng đã rưng rưng khi vỗ vai tôi, thầy hiểu em đã xa xót thế nào...

        Từ đấy, thầy yêu quý tôi nhiều hơn. Thầy đặc biệt thích tôi ký tên Sóng Xanh dưới những bài thơ viết ở tuổi học trò. Nhưng mãi đến cuối năm khi chúng tôi sắp bước vào kỳ thi tốt nghiệp cấp ba thầy mới đọc tặng tôi bài thầy nghĩ về cậu học trò Sóng Xanh của mình. Và mãi mãi tôi xem bài thơ thầy tặng như là sự động viên sâu sắc để tôi vượt qua giông bão của số phận...
SÓNG XANH

             Tặng Nghiêm 
Nó là ngọn Sóng Xanh
Lau chùi cho biển đẹp 
Ngày tháng trải thênh thênh
Băng bãi bờ chật hẹp...
         PT - hè 1969
        Thầy còn khuyên tôi nên theo nghiệp viết để có thể hiểu nhiều hơn nữa về nỗi đau thế sự và nỗi đau của chính bản thân tôi. Tốt nghiệp cấp ba cũng là lúc tất cả các cổng trường đại học đều đóng chặt với riêng tôi do bị phân biệt lý lịch... Những ngày hè sau đấy tôi vẫn đến với thầy, năm đó thầy mới xây dựng gia đình? Dù biết trước, nhưng thầy vẫn không khỏi xót xa cho con sóng chưa kịp xanh thì đã bị xô vào bãi đá.. Và tôi đã hơn một lần lại thấy mắt thầy tôi ngân ngấn buổi chia xa. Thầy khuyên: “Ngọc có vết ngọc phải lăn em ạ... thầy tin em”.

      Thưa thầy: Gần nửa thế kỷ qua cả trên những nẻo đường vô định thuở chập chững vào đời, những năm mịt mờ bom đạn hành quân làm người lính trận, rồi đến cả khi được đổ những giọt mồ hôi của kẻ làm thầy trên bục giảng... Em luôn nghĩ về thầy, chỉ tiếc em đã không chọn nghề viết để lập thân như thầy từng muốn. Và thưa thầy, vâng lời thầy suốt những năm ấy em đã cố lăn. Nhưng thầy ạ, tiếc là cuộc đời không phải ai cố lăn cũng hết được những vết xước định mệnh. Gần tuổi thất thập rồi mà em vẫn chưa hết đa đoan. Con sóng nhỏ của thầy năm nào ấy vẫn chưa thôi chìm nổi lau chùi nỗi đau đời. 
      Giỗ thầy lần thứ ba mươi chín này em vẫn chưa về được, em biết mình có lỗi với thầy, với các bạn. Vài dòng tạ tội thay nén hương lòng gởi về thầy, nơi mãi mãi rưng rưng niềm kính trọng!


                              Sài Gòn, ngày cuối năm Bính Thân (06/1/2017)
                                                             N.N