/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

THƠ VĂN BẠN BÈ

KHẮC KHOẢI MỘT CÁI TÊN LÀNG

Cho đến bây giờ tên làng vốn mang cả hồn làng, ăn sâu vào tâm khảm biết bao thế hệ con dân vẫn bị gọi sai,

KHẮC KHOẢI MỘT CÁI TÊN LÀNG

 

       Làng tôi là một làng nhỏ ở đầu huyện Vĩnh Bảo, ba mặt sông bao bọc, nằm giữa ngã ba sông Luộc và sông Hóa, giáp hai tỉnh là Hải Dương và Thái Bình, nơi người ta thường nói là một con gà gáy người ba tỉnh cùng nghe thấy. Đó là làng mà lâu nay mọi người quen gọi là làng Chanh với bến đò Chanh trên đường 37 đi từ Ninh Giang xuống huyện lỵ Vĩnh Bảo, tên đơn vị hành chính là thôn Chanh Chử xã Thắng Thủy mà lẽ ra phải gọi là Tranh Chử mới đúng, chuyện ấy dưới đây sẽ nói. Ngay từ hồi còn bé tí, tôi đã nghe người lớn hát câu hát không biết có tự bao giờ:

  Hỡi cô thắt giải lưng xanh

  Có về Chanh (Tranh) Chử với anh thì về

  (Tranh) Chử có cây bồ đề

  Có sông tắm mát có nghề ăn chơi...

   Cây bồ đề thì ở ngay trước đền Mẫu Thượng phía Nam làng, ven đê sông Hóa. Không biết cây mọc từ đời nào mà cành lá sum sê, gốc xù xì thành hang thành hốc. Đến nay cây bồ đề ấy không còn nữa, không biết cây đổ từ năm nào, nhưng hiện tại lại có nhiều cây bồ đề khác mọc quanh đấy và trong khu vực đền đôi chỗ thấy có cây bồ đề nhỏ, có khi cây mọc cả ở khe gạch. Mới hay sức sống của một loài cây, thời gian có làm lu mờ mọi thứ, nhưng với nó thì không. Chính nó là một phần vật thể để người ta nớ rằng xưa ở đây có một ngôi đền. Tương truyền ở gốc bồ đề ngày xưa đêm đêm có rắn thần từ đó bò ra qua các dược mạ mới trang gần đó, để lại vết như người ta kéo cây chuối đi qua.

   Sông tắm mát thì đấy, bến đò là nơi giao nhau giữa sông Hóa và sông Luộc, muốn tắm sông nào chả được, mà nước sông pha phù sa tắm quả thật là mát lạnh người. Còn nghề ăn chơi (ăn nên hiểu theo nghĩa ẩm thực, chơi theo nghĩa những thú vui tao nhã) so với các làng lân cận, kẻ hèn này dám chắc rằng cả hai khoản này, làng tôi đích thực là “danh bất hư truyền”. Nhưng sẽ nói sâu vào dịp khác kẻo nữa lạc đề.

    Làng tôi có tự bao giờ? Xin  hãy ngược dòng lịch sử để từ đó thấy sự ra đời của những tên đất tên làng. Ta hãy nghe chuyện từ xa xưa kể về lịch sử một dòng sông với những làng mạc hai bên bờ.

   Theo “Tổng tập Ngàn năm văn hiến Thăng Long” trích dẫn “Dư địa chí” của Phan Huy Chú: “Một dải Hồng Giang phát nguyên từ xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm…chảy từ phía Bắc sang phía Đông, đi ngoằn ngoèo qua 3 huyện của phủ Thượng Hồng, lại chảy xuống Hạ Hồng (tức là huyện Ninh Giang tỉnh Hải Dương ngày nay – nv ) đến một cửa ở huyện Vĩnh Lại (tức là Vĩnh Bảo ngày nay - nv) rồi ra biển.”. Cũng theo tài liệu này, thì trước thời Trần, sông Luộc ngày nay xưa gọi là Lục Giang (陸江) Lục sau gọi trệch đi là Luộc , còn sông Hóa gọi là Tranh Giang (峥江- sông Tranh). Làng mạc dọc ven sông vì thế tên gọi đều có chữ “Tranh” (峥) trong đó thời ấy trang Tranh Xuyên ở phía Tây, thôn Do Tranh, xã Tranh Chu trong câu chuyện nhắc đến dưới đây đều ở  bờ sông Tranh nên mới mang tên như thế.

  Cũng tài liệu trên cho biết, ngay từ khi Trần Hưng Đạo đánh quân Nguyên - Mông lần thứ 2, đóng quân dọc sông Tranh, thấy thuyền lương từ sông Tranh, sông Luộc cứ phải qua sông Hóa – Tranh giang – vòng  ra gần biển mới nối được vào hệ sông Thái Bình, thật quá xa xôi diệu vợi và bất tiện nên đã cho đào một nhánh từ sông Tranh  gọi là sông Do Tranh  qua làng Tranh Chu huyện Vĩnh Lại, qua xã Hà Hải huyện Tứ Kỳ và các xã  Hữu Chung, Quý Cao, An Bồ…ra cửa sông Thái Bình. Tư liệu có đoạn ghi:“ Đoạn sông mới này đi qua địa phận thôn Do Tranh của xã Tranh Chu (thuộc huyện Vĩnh Lại) cho nên đặt tên là sông Do Tranh và xã Tranh Chu bị chia làm đôi, nửa phía Đông vẫn giữ tên Tranh Chu, sau đổi thành Tranh Chử, còn nửa phía Tây thì đặt tên là Tranh Xuyên” Đoạn sông này đến thời nhà Mạc, khi chiến thuyền chạy qua đây để ra lập Trai Kinh chỉ một đêm đi đến đâu đào mở rộng sông đến đấy ra tận An Bồ.Theo các cụ bậc cao niên làng Tranh Chử kể lại và chính tai tôi cũng nghe bác tôi kể lại rằng ngày ấy do đào sông vội, chiều hôm trước còn chưa thấy gì mà sáng hôm sau đã đào xong một dòng sông rộng thuyền chiến cũng qua được. Cũng do đào vội ban đêm nên đất vứt lên bờ có hòn còn dính cả ngón tay ngón chân người đào sông bị đứt ra, hôm sau người đi qua còn nhìn thấy.

   Đến triều Nguyễn, sông lại được nắn thẳng mở rộng thêm như ngày nay...

   Như vậy, làng tôi có từ trước đó và nếu kể là được ghi chép lại trong sử sách thì ít nhất là cũng có từ những ngày ấy với tên làng là “Tranh Chu sau đổi là Tranh Chử”(theo nghĩa chữ Hán,  Tranh (崢) là chỗ đất cao, Chử (渚) là vùng bãi trũng, cũng như là Tranh Xuyên thì chữ Xuyên (川) nghĩa là sông ngòi – vùng đất cao ở bên sông).

   Tên làng tôi còn được ghi trong Thần phả làng, do Đệ tam giáp tiến sĩ, thượng thư bộ Lễ giữ việc hàn lâm viện là Nguyễn Thái vâng mệnh soạn ra từ “Ngày tốt tháng giêng năm Hồng Đức thứ ba (1473 – thời vua Lê Thánh Tông)”, văn bản bằng chữ Hán hiện còn lưu tại đình làng, trong đó có đoạn viết : “Ngay hôm đó, hai ông (tức anh em Quý Minh và Cao Sơn được kể ở phần trên của Thần phả này - nv) đem 2000 quân, chia cho ông Quý Minh đi tuần phòng đạo Kinh Bắc (xưa gọi là quận Vũ Ninh, tức là tỉnh Bắc Ninh ngày nay), ông Cao Sơn tiến quân tuần phòng đạo Hải Dương (xưa gọi là Hồng Châu, tục gọi là Doanh Dậu). Hai ông vào chào lạy từ biệt nhà vua rồi hùng dũng tiến quân. Trên đường tiến quân, quân của ông Cao Sơn đi trăm dặm cờ bay trong gió, đầu thuyền chiêng trống vang dậy đầu non, thủy bộ cùng tiến, năm ngày thì đến đạo Hải Dương, thủy binh cập bến Hồng Giang, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng. Xế chiều hôm sau, ông hội quân với quân đồn trú từ trước ở trang Tranh Xuyên. Ngày hôm sau nữa, do quan sát thấy địa thế trại Tranh Chử sông ngòi uốn lượn như rồng ôm, gò không cao mà nước cũng không sâu, hai bên có thể qua lại dễ dàng thuận lợi, ông Cao Sơn liền lệnh cho quân sĩ và dân làng lập ngay một đồn canh để sau này phòng chống quân Thục (Thục Phán - nv). Lúc bấy giờ, các bô lão và dân chúng thảy đều nể sợ, quỳ lạy xin cho con em được làm gia thần hầu hạ ông. Ông bằng lòng, cho tuyển chọn trong dân bản trại được 18 người khỏe mạnh lấy làm gia đinh. Ngay hôm đó ông truyền cho mở tiệc, mổ trâu bò lợn, tế cáo với trời đất cùng bách thần núi sông, khao thưởng binh sĩ. Ông còn cho vời dân chúng và các bô lão trang Tranh Xuyên và các trại ấp, các gia thần, gia đinh của mình tới dự tiệc. Ngày hôm sau, bỗng có sứ giả mang chiếu thư của triều đình đến triệu ông về kinh đô để anh em ông cùng Sơn Thánh (Tản Viên – nv) bàn bạc việc quân. Phụ lão và dân chúng bản trại thấy vậy tâu xin rằng: “Nơi này nay đã lập đồn, mai sau xin được làm nơi thờ phụng Người” (làm Thành hoàng làng - nv). Ông tỏ ý bằng lòng. Ngay hôm đó, ông Cao Sơn đã kéo quân về đô thành hội quân cùng các tướng lĩnh”...

    Ngoài ra, trong đình làng Tranh Chử hiện nay còn lưu giữ sáu đạo sắc phong thần của các triều vua, trong đó, một đạo ban vào năm “Đồng Khánh nhị niên tức là năm Đinh Hợi 1887” cũng còn ghi rõ “Hải Dương tỉnh, Vĩnh Lại huyện, Tranh Chử  xã”.

    May mắn hơn nữa là trong tộc phả họ Nguyễn Trọng làng Tranh Xuyên xã Đồng Tâm huyện Ninh Giang tỉnh Hải Dương và nhất là tộc phả họ Nguyễn Bá làng Tranh Chử (bằng chữ Hán lập từ năm thứ 3 niên hiệu Đoan Khánh thời Lê Uy Mục – tức là năm 1507) hiện còn lưu giữ đến ngày nay tại nhà thờ họ có đoạn kể rằng: “...Sau 43 năm kể từ khi tham gia nghĩa quân của Bình Định Vương Lê Lợi ở Lam Sơn Thanh Hóa để đánh quân Minh và phục vụ trong quân đội cho nhà Lê, một phần thấy triều chính suy đồi, các thế lực tìm diệt lẫn nhau, muốn tìm phương lánh nạn, một phần vì tuổi đã già muốn lui về vui thú điền viên, nên hai anh em (cụ tổ họ Nguyễn Bá là anh, cụ tổ họ Nguyễn Trọng là em) từ Thanh Hóa lưu lạc ra Bắc và dừng lại ở trang Tranh Xuyên phủ Hạ Hồng” - tức là thôn Tranh Xuyên xã Đồng Tâm huyện Ninh Giang bây giờ..

    “Vào năm Thứ 2 niên hiệu Đoan Khánh (tức là năm Bính Dần 1506), Cụ anh là Nguyễn Bá Nghi bàn với em là Nguyễn Trọng Chính, để em ở lại Tranh Xuyên, một mình Cụ cùng 41 gia nhân trong đó có cả người các họ khác qua sông đào sang bãi lầy lập trại khai hoang cày cấy mở mang thêm làng Tranh Chử. Con sông đào mỗi ngày một lớn, chia cắt hẳn làng Tranh Xuyên và làng Tranh Chử, dân hai làng muốn qua lại phải qua đò Tranh (cuối làng Tranh Xuyên, đầu làng Tranh Chử và đò Hới làng Hà Hải huyện Tứ Kỳ)”.

   Nói dài dòng như thế để thấy cả trong tài liệu lịch sử lẫn thần phả của làng và tộc phả các dòng họ còn ghi bằng giấy trắng mực đen đều nói lên tên làng tôi là làng Tranh Chử.

 Vùng đất xưa kia có tên là huyện Vĩnh Lại có một số phận khá long đong, theo tài liệu lịch sử thì năm Minh Mạng thứ 3 (1822) phủ Hạ Hồng đổi tên thành phủ Ninh Giang. Lúc ấy phủ Ninh Giang quản 4 huyện là Gia Lộc, Thanh Miện, Tứ Kỳ và Vĩnh Lại. Đến năm 1838 huyện Vĩnh Bảo mới được thành lập trên cơ sở tách một số tổng như Thượng Am, Ngãi Am của huyện Vĩnh Lại sáp nhập với 5 tổng của huyện  Tứ Kỳ như  Đông Tạ, Bắc Tạ v.v…nhưng vẫn thuộc phủ Ninh Giang tỉnh Hải Dương. Thậm chí thời kỳ chiến tranh chống Pháp, chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim còn lập ra một đặc khu hành chính gồm 2 huyện Vĩnh Bảo và Ninh Giang, gọi là khu Vĩnh Ninh...làng tôi cũng chịu chung số phận ấy. Nhưng tên làng Tranh Chử thì trước sau xưa nay vẫn thế. Cho đến đầu thập kỷ 50 của thế kỷ trước, khi còn đi học tiểu học thì tôi còn nhớ giấy khai sinh của tôi do chính quyền “thực dân phong kiến” cấp cho vẫn còn ghi nơi sinh là “xã Tranh Chử, tổng Oai Nỗ, huyện Vĩnh Bảo, tỉnh Hải Dương...”

   Chỉ từ sau Cách mạng Tháng 8 một thời gian, huyện Vĩnh Bảo mới cắt hẳn sang thành phố Hải  Phòng. Thôi thì việc thay đổi rồi sáp nhập mấy lần như thế là do Nhà nước và chính quyền địa phương thấy tình hình mọi mặt cần thiết phải làm như thế để có lợi cho quản lý, cho quốc kế dân sinh, là một người dân và tôi tin rằng mọi người dân làng tôi chẳng ai có ý phàn nàn. Chỉ có điều cái tên làng tôi thì không hiểu tại sao và  tự bao giờ, trong văn bản hành chính bỗng biến thành thôn “Chanh Chử”. Có người bảo hay là tại âm “tr”trong chữ Tranh chử thuộc vần trắc nên khẩu ngữ dân giã mới quen đi nói trệch thành “ch”, là “làng Chanh”, “đò Chanh”... Khẩu ngữ thì từ xưa đến nay người ta vẫn nói thế, nhưng tại sao thời “thực dân phong kiến” thì văn bản hành chính vẫn viết là làng “Tranh Chử” như trên đã nói mà đến gần đây thì cái tên ấy tự nhiên biến mất, thay bằng cái tên là Chanh Chử. Chữ “chanh” trong tên làng Chanh Chử chẳng có nghĩa gì cả. Trong tiếng Việt, chữ “chanh” chỉ có mỗi nghĩa là quả chanh. Nếu như ở tỉnh Thái Bình, làng Tò có tên như vậy vì có giống gà đặc sản là gà Tò, làng Tó có tên như thế vì có giống mía Tó nổi tiếng chứ làng tôi đâu có giống chanh nào nổi tiếng mà mang tên như thế ? Vì làng đã là làng Chanh nên bến đò cũng gọi là đò Chanh, con sông do tổng đốc Đào Trọng Kỳ cho đào cũng mang tên Chanh Dương, đến cây cầu lịch sử mới bắc ở đầu làng bây giờ cũng mang tên “Cầu Chanh”, trong khi cách đó chưa đến một cây số, tên đền Tranh, Quán Tranh gắn với làng Tranh Xuyên thì vẫn gọi như nó vốn có. Biết hỏi ai và trách ai được bây giờ?

   Liên tưởng đến chuyện thiên hạ, tên làng tên phố bị người ta làm thiên thẹo đi từ trước đến nay nhiều chuyện cười ra nước mắt. Nguyên nhân cũng đủ kiểu, có trường hợp thì do ấu trĩ , nông nổi, lạc quan tếu, có trường hợp là do duy ý chí, có trường hợp lại do vô tình, do thiếu hiểu biết gây nên... bảo là  muôn hình vạn trạng cũng không ngoa.

   Trước hết là những năm ta mới cướp chính quyền ở nhiều nơi trong cái không khí lâng lâng sung sướng ấy hình như người ta thấy tên làng tên xã ngày xưa nó quê mùa xấu xí hay sao đó mà có một dạo lấy cớ tách ra, nhập vào lập đơn vị hành chính mới, người ta đặt những cái tên thật kêu như Vinh Quang, Thắng Lợi, Chiến Thắng v.v... thay cho tên làng cũ. Cứ tưởng làm như thế để quê hương mình được vinh quang, thắng lợi như mình mong muốn, báo hại cho những người ở xa muốn hỏi thăm đến những làng theo tên cũ nôm na mà thiếu rạc chân mới tìm đến được vì làng đã đổi tên. Khổ nỗi mong muốn là thế nhưng bao nhiêu năm qua đi, vinh quang đâu chả thấy, chỉ có ông chủ nhiệm Hợp tác xã là xây được nhà, còn số lớn dân làng vẫn nhà tranh vách đất, thế thì vinh quang cái nỗi gì?  Rồi mấy chục năm trời hết vụ nọ đến vụ kia mỗi ngày công lao động của nông dân chưa nổi ba lạng thóc thì thắng lợi ở đâu hay là chỉ thêm tủi với tên làng tên xã. Ôi! Mang tài mang sức ra một lòng một dạ lao tâm khổ tứ cho quê hương giàu mạnh còn chả ăn ai chứ đã không có tài cán gì, không tìm cách làm cho dân giàu nước mạnh lại chỉ trông chờ ở việc đổi cái tên làng để mang chút hư danh thì khá làm sao được!

   Bà Triệu là nữ anh hùng dân tộc trong lịch sử sau Trưng Trắc, Trưng Nhị cất tiếng chào đời ở mảnh đất thiêng kề ngã ba Bông, nơi hợp lưu của hai dòng sông nổi tiếng là sông Chu và sông Mã tựa vào dãy núi Quan Yên nên có tên làng là Quan Yên (có sách ghi là Quân Yên). Trên dãy núi đó từ hàng trăm năm trước nhân dân đã lập đền thờ để ghi nhớ công ơn Bà. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ và xây dựng Hợp tác xã nông nghiệp bậc cao, Hợp tác xã Định Công trong đó có thôn Quan Yên nổi lên là một điển hình với nhiều cái nổi tiếng kể cả câu chuyện như tiếu lâm kể rằng  khách tham quan đơn vị “lá cờ đầu của ngành nông nghiệp” vào nhà xã viên nào cũng choáng mắt khi thấy chủ nhà tiếp khách toàn bằng phích nước Trung Quốc hoặc Rạng Đông với ấm chén sử Hải Dương bóng lộn mà thời ấy được tôn sùng là của quý hiếm. Ai cũng ngỡ ngàng nức nở khen vì thời buổi ấy mà xã viên ở đây có đời sống cao như thế. Khách có biết đâu là chủ nhà thì thấp thỏm chỉ mong sao chóng xong việc để mang những của nợ này lên trả cho cửa hàng Bách Hóa kẻo con cháu họ mà làm vỡ thì không biết lấy gì mà đền. Rồi khi các nhà báo được dẫn đi xem chuồng trại tập thể, thấy lợn thì nhiều thật nhưng sao chúng lại cứ cắn nhau chí chóe, hỏi thì được giải thích là có thể chúng sợ ánh đèn phờ lát (flash) khi các nhà báo chụp ảnh. Khách có biết đâu rằng Hợp tác xã đã “mượn” lợn của các gia đình xã viên nhốt vào với nhau cho đông đàn để ra vẻ “làm ăn tập thể”. Một điều nổi tiếng nữa ở đây mà nổi tiếng thật, là Hợp tác xã này đã làm theo câu hát và cũng đã thành khẩu hiệu hành động lúc đó là “làng ta di động thêm có đất minh cày”(1). Họ đã di dời toàn bộ nhà cửa và mồ mả ông cha lên hết núi Quan Yên để lấy thêm đất bằng canh tác rồi đổi tên làng thành Phú Sơn. Đền thờ Bà Triệu tồn tại hàng mấy trăm năm trên núi này cũng bị đám thanh niên xung kích tiện thể “bài trừ mê tín dị đoan” phá sạch.

   Bao nhiêu năm trời qua đi, làng mới tuy đổi tên là Phú Sơn hẳn hoi nhưng cũng cứ ì ạch chẳng thấy giàu lên tí nào mà bà con xã viên ở đây thường bảo không có khoán 10 hồi đầu những năm 80 có khi bây giờ vẫn còn phải ăn cơm độn rau má cũng nên chứ nói chi giàu. Đáng buồn nữa là khách thập phương có người còn nhớ đến đền Bà Triệu trên núi Quan Yên tìm về đây giờ chỉ còn trơ cái nền cũ và rải rác mấy cụ rùa đội bia nằm chỏng chơ dưới chân mấy cây đa cổ thụ đầy u mấu. Hỏi đến đền xưa thì lớp trẻ bây giờ trợn tròn mắt ngạc nhiên: “Đền Bà Triệu ở bên Hậu Lộc chứ!”. Trời đất ơi! Đền ấy là di chỉ nơi Bà tuẫn tiết chứ đâu phải nơi Bà được sinh ra? Thì ra tên làng bị đổi đi, di tích bị san bằng nên lớp trẻ ngày nay không biết mình đang ở đâu, quê hương mình có những gì là phải thôi.

   Nhà thơ nổi tiếng Gamzatop ở nước Cộng hòa  Dagestan, Liên Xô cũ từng nói một câu rất chí lý: “Kẻ nào bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ nã vào họ bằng đại bác”. Năm 1990, nhà báo được tham quan chuồng lợn mượn ngày nào trở lại Định Công khi qua đò sông Mã đã gặp một trong những người lãnh đạo Xã lúc đó là nguyên bí thư đảng ủy lúc này đã về hưu làm lái đò. Gợi lại chuyện cũ, ông cười hề hề rất hồn nhiên bảo rằng ờ thì ngày đó ông chả có quyền hành gì, lệnh trên thì phải làm thôi. Sao ông lại đổ lỗi lên trên, nào có ai bảo ông không tốt đâu, không tốt sao được trên khen là lá cờ đầu. Cũng vì ông tốt nên mới đổi tên làng mong được giàu lên đấy chứ! Như để tự an ủi mình, ông còn nói ngày ấy còn muốn chèo chống đưa Hợp tác xã lên chủ nghĩa xã hội nữa cơ. Dưng mà…thôi thì bây chừ chèo chống cho bà con qua sông cho thiết thực hơn chú hề. Thế âu cũng là một cách ông tránh “đại bác” của tương lai đang nã vào mình chăng. Ông còn kể những năm tháng ấy, vì cương vị của mình nên tuần rằm ông vẫn lên “đền” Bà Triệu trên núi Quan Yên do các cụ trong làng dựng lại bằng tranh tre để lễ “vụng”đấy chứ. Gần đây mới lại có người đề xuất xây dựng lại đền để lập hồ sơ xin Nhà nước làm thủ tục liệt hạng cho di tích. Nhưng giờ này, cả vật thể lẫn phi vật thể đều chỉ còn là phế tích thì làm làm sao? Không lẽ con cháu bao nhiêu đời bây giờ lại đi làm cái việc khai sinh lại cho Bà Triệu? Thật nghĩ mà xót xa!

   Thế còn do thiếu hiểu biết mà làm sai tên làng tên phố thì nhiều vô kể. Chẳng hạn như ở huyện Gò vấp thành phố Hồ Chí Minh có mấy làng đều tên là Hanh Thông — Tên rất hay, theo chữ Hán hanh thông là suôn sẻ, là thông đồng bén giọt — ấy vậy mà bỗng tự nhiên không hiểu tự bao giờ trong văn bản giấy tờ người ta lại gọi trệch đi, bây giờ thành tên mới là Hạnh Thông Tây, Hạnh Thông Đông... chẳng có nghĩa gì.

    Ông kỹ sư nông học Lương Định Của mới những năm chống Mỹ cách nay không xa ngày nào cũng xắn quần lội ruộng với bà con nông dân Hải Hưng nghiên cứu tìm giống lúa mới gạo ngon hơn năng suất cao hơn, khi ông mất đi, Nhà nước ghi công, cho một con phố ở Hà Nội được mang tên ông. Ấy thế mà khi biển tên phố trưng lên lại là phố Lương Đình Của.

   Một đường phố ở quận 5 khu Chợ Lớn thành phố Hồ Chí Minh gắn biển mang tên Lương Nhữ Học chắc là để tôn vinh  một vị danh tướng thời hậu Lê, khốn nỗi tên ông là Lương Như Hộc kia mà, gọi thế kia thì thật chẳng biết là định tôn vinh ai, lịch sử nước ta chẳng có ai tên như thế cả.

   Trần Khát Chân là vị danh tướng nhà Trần, sử sách còn ghi ông thuộc dòng dõi Bảo nghĩa vương Trần Bình Trọng, vì có công với nhà Trần, với đất nước nên từ lâu ở Hà Nội có đền thờ ông tại phường Tương Mai và một đường phố được mang tên ông. Ấy thế mà trong thành phố Hồ Chí Minh đường phố mang tên ông lại đặt sai đi là Trần Khắc Chân. Cái sai ấy chưa kịp sửa thì năm 2003 mới đây thành phố Buôn Ma Thuột lại có thêm một đường phố mang tên Trần Khắc Chân. Cuộc tranh cãi đúng sai giữa tên gọi Trần Khắc chân và Trần Khát Chân diễn ra ngay tại hội nghị của Hội Đồng nhân dân khóa VIII tỉnh Đăk Lăk, người thì nói đặt tên thế là không đúng, người thì cãi là tên ông Trần Khát Chân còn gọi là Trần Khắc Chân, chẳng ai chịu ai cuối cùng ông Niê Thuật - Bí thư Tỉnh ủyChủ tịch HĐND tỉnh Đắk Lắk với tinh thần thực sự cầu thị đã đề nghị sở Văn hóa – Thông tin – Du lịch hãy thừa nhận tên hiện gọi là sai và tiến hành các thủ tục đổi lại tên đường theo đúng là Trần Khát Chân.

   Ở Hà Nội, một số tên đường đặt sai trong đó có phố Lương Định Của cũng đã được sửa lại với cách nhìn nhận như thế.

   Vấn đề sửa lại sự sai lạc tên gọi đơn vị hành chính là phải có người thực sự quan tâm cả về khía cạnh hành chính lẫn khía cạnh sâu sắc hơn là bản chất văn hóa, là phải có người  “kêu”, con không khóc thì mẹ đâu biết mà cho bú? Nhà nước không bao giờ hẹp hòi và xao nhãng những việc như thế. Bằng chứng là chỉ có chữ “Quy” trong tên thành phố Quy Nhơn viết là “Qui” (i ngắn) hay “Quy” (y dài), Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định đã đề nghị Bộ Nội vụ, Bộ Công an, Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Tư pháp xem xét trình thủ tướng Chính phủ điều chỉnh lạ tên thành phố “để đảm bảo sự thống nhất trong các tài liệu pháp lý về quản lý nhà nước cũng như trong giao dịch nói chung” Báo Tuổi trẻ 28-8-2020). Ngay việc xác định tên một số đơn vị hành chính, ngày 8-7-2004 Thủ tướng chính phủ đã ký quyết định số 124/2004 về việc ban hành Bảng danh mục và mã số các đơn vị hành chính Việt Nam.

   Trở lại với tên làng Tranh Chử, bị gọi thành Chanh Chử không biết từ bao giờ và vì lý do gì trong những lý do mà tôi vừa nói ở trên là điều mà từ lâu rồi luôn khắc khoải trong tôi và tin răng trong tâm khảm nhiều người dân yêu quê hương của làng tôi.

   Khi xem qua bản lần đầu của bài viết này, đã có người bảo tôi hay là đưa câu chuyện này lên các cơ quan hữu quan để “đòi lại tên cho em” hay nói đúng hơn là xin hãy trả lại cái tên làng, tôi đã phải thầm kêu lên “Trời đất ơi! Thường dân ở nơi nọ nơi kia oan khuất rề rề ra, ôm cả đống đơn đi kêu xin hàng năm trời còn chả ăn thua vì “không đúng quy trình” huống chi như tôi là hạng thảo dân, là cái thứ rơm cỏ, thấp bé nhẹ cân còn dưới cả phó thường dân — những người có xoàng cũng còn có chức “phó”— thì liệu có ai nghe mà kêu?”.

   Nhưng mơ ước thì chắc là được, vì chế độ ta có cấm ai không được mơ ước bao giờ đâu. Vậy thì tôi ước, tôi mơ một ngày kia nhân Hội đình làng, đại diện các cơ quan hữu quan đã long trọng tuyên bố rằng học tập tinh thần thực sự cầu thị của ông Niê Thuật - Bí thư Tỉnh ủyChủ tịch HĐND tỉnh Đắk Lắk – về việc đề nghị Sở VH-TT-DL tiến hành các thủ tục đổi lại tên đường Trần Khắc Chân của thành phố Buôn Ma Thuột theo đúng tên nhân vật lịch sử là Trần Khát Chân cũng như một số địa phương trong cả nước đã đổi những địa danh gọi sai thành tên đúng của nó, hôm nay cơ quan Văn hóa và các cơ quan hữu quan của thành phố chính thức công bố đổi tên làng Chanh Chử gọi sai thành làng Tranh Chử đúng như tên gọi ngày xưa. Tiếng vỗ tay vang dội của dân làng kéo tôi ra khỏi giấc mơ khiến tôi ngẩn ngơ tiếc mãi một hồi lâu rồi lại mong sao mơ ước đó được trở thành sự thực.

   Nhưng than ôi! Cho đến bây giờ tên làng vốn mang cả hồn làng, ăn sâu vào tâm khảm biết bao thế hệ con dân vẫn bị gọi sai, để như người làng tôi bây giờ, những ai đã biết ngọn ngành, mỗi khi nghĩ tới tên làng lại không khỏi ngậm ngùi băn khoăn khắc khoải trong lòng.

 

                                                            Nguyễn Bá Thính. Tháng 12 – 2014

   Ngày Xá tội vong nhân năm Canh Tý và Quốc Khánh lần thứ 75 nước CHXHCNVN 2-9-2020