/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

THƠ VĂN BẠN BÈ

HOÀNG CẦN là nhân vật lịch sử hay nhân vật truyền thuyết?

Ông là người dân tộc thiểu số, còn người Sán Dìu hay người Tày không quan trọng. Tôi cho rằng điều ấy rất quan trọng để xác quyết một nhân vật lịch sử, nhưng quả thực là nó không quan trọng, vì Hoàng Cần là một nhân vật truyền thuyết.

NHÀ VĂN VÀ ĐỜI SỐNG

HOÀNG CẦN

là nhân vật lịch sử hay nhân vật truyền thuyết?

 

                                             TRẦN NHUẬN MINH

         Miếu thờ Hoàng Cần ở Cửa Ông, Cẩm Phả, Quảng Ninh có từ cuối thời Lê, đến thời Nguyễn đã thành một phế tích. Ông là một hình tượng quan trọng trong văn hóa văn học dân gian, không chỉ ở Quảng Ninh. Năm 1910, bà vợ ông chủ mỏ Pháp ở Cẩm Phả cho phá cái miếu cũ thờ Hoàng Cần  ở dưới thấp, cạnh bờ biển, đưa lên đồi cao ở vị trí bây giờ, xây thành đền mới, nhưng sau đó ( năm 1916) không thờ Hoàng Cần mà lại thờ Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng, con trai thứ 3 của Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, người có công đánh giặc Nguyên ở vùng Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang hiện nay, để bảo vệ kinh thành Thăng Long ở thời Trần, sau khi anh cả của Trần Quốc Tảng là Hưng Vũ vương Trần Quốc Nghiễn, từng đóng quân ở Bắc Ninh xưa, được đoàn thuyền buôn Bắc Ninh – Móng Cái do ông Trần Đức Thuật, người Bắc Ninh làm chủ hội thuyền, đưa Trần Quốc Nghiễn vào thờ ở chân núi Bài Thơ năm 1913, khi ấy núi Bài Thơ còn ở giữa biển, giữa“ trời nước hoang vu ” ( chữ trong bia đá khắc năm 1913, hiện còn trước cửa đền Bến Đoan thờ Trần Quốc Nghiễn). Như vậy thần chủ đền đã đổi khác. Trong Đại Nam nhất thống chí, của thời Nguyễn, ở Quảng Ninh hiện nay, chỉ có một miếu duy nhất có tên là miếu Cửa Suốt ( tên Cửa Suốt có từ thời Nguyễn) và chỉ thờ một thần chủ duy nhất là Hoàng Cần.

       Tôi đã có khoảng 30 năm, nêu vấn đề thần chủ đền Cửa Ông là Hoàng Cần, và kiên trì biện luận, thuyết phục, chắc đã góp công nhất định vào việc khôi phục lại việc thờ Hoàng Cần ở Cửa Ông, từ năm 2016, tròn 100 năm Hoàng Cần hoàn toàn bị vắng bóng, bị chính thức quên lãng, đến mức nhiều người chỉ biết Hoàng Cần được thờ ở huyện biên giới Bình Liêu – và cho rằng: ông có quê hương ở Bình Liêu, và ngạc nhiên khi tôi cho biết Hoàng Cần đã từng là thần chủ duy nhất được thờ ở miếu / đền Cửa Ồng Cẩm Phả trước đây.

      Gần đây, tại Quảng Ninh có một cuộc hội thảo quan trọng về Hoàng Cần, và một vấn đề trung tâm được đặt ra: ông là nhân vật lịch sử hay nhân vật truyền thuyết ?Và công đức của ông là như thế nào?

           Tư liệu về Hoàng Cần mà chúng ta có, rất mỏng, chỉ vẻn vẹn có một số dòng từ  2 tập sách là Đại Nam nhất thống chí ( ĐNNTC) 1883, Đồng Khánh dư địa chí ( ĐKDĐC) 1897 và bia  đá Miếu Cửa Suốt, 1853, đại loại 3 nguồn tư liệu này đều ghi giống nhau.

      Điều đáng chú ý là, cả 3 tư liệu này, đều ghi “ Tương truyền  thời Trần… ”…  Nghĩa là theo truyền thuyết còn lưu lại. Ngoài 3 văn bản được coi là văn bản gốc này, mà nội dung tương tự như nhau, hiện chưa tìm thấy bất cứ một tư liệu nào khác. Nếu chỉ căn cứ vào đó, mà khẳng định Hoàng Cần là một nhân vật lịch sử, nghĩa là người có thật, là không đủ căn cứ khoa học.

      Các tài liệu khoa học lịch sử, tin cậy nhất như bộ Đại Việt sử kí toàn thư  (ĐVSKTT) của thời Lê,  bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục  ( KĐVSTGCM ) của thời Nguyễn, ghi tất cả các sự kiện diễn ra trong xã hội,  các nhân vật, các sự kiện từ kinh thành Thăng Long tới các địa phương, các trận đánh ( kể cả đánh giặc trong và giặc ngoài), rồi mưa đá, lụt lội, đói kém, trộm cắp… vân vân, từ thượng cổ đến thời Lê, đều không  có  bất cứ một chữ nào về Hoàng Cần và những gì liên quan đến ông ở lộ An Bang hay ở bất cứ đâu.Vì thế, tôi có cơ sở để nghĩ: Hoàng Cần là một nhân vật truyền thuyết, thì đúng hơn. Phó GSTS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam,  trong thư gửi cho tôi, ông có một câu rất tâm huyết mà tôi rất trân trọng: “ Tôi cũng không có đủ tư liệu để xác quyết việc này ( việc Hoàng Cần là một nhân vật lịch sử).  Đến đây, lại phải khẳng định, kẻo dễ bị hiểu lầm: Việc xác nhận chủ thần là nhân vật truyền thuyết hay nhân vật lịch sử, và nhân vật đó tác động vào đời sống văn hóa hay văn học, giá trị của di tích và vị  trí của chủ thần trong tâm thức của người chiêm bái ( và người đọc) là như nhau. Không phải như thế là đề cao người này, hay hạ thấp người kia, như có người đã lầm tưởng. Nước ta từng có một số nhân vật truyền thuyết đã được nhân dân phong THÁNH, hơn cả nhân vật lịch sử, như  Thánh Gióng, ở làng Phù Đổng trấn Kinh Bắc, như Thánh Tản Viên nay thuộc Hà Nội… hay Thánh Cao Sơn Đại vương mà theo Lê Quí Đôn thì là người làng xã tôi (?) … vân vân(*)

      Hoàng Cần  đánh bọn cướp biển ở trong nước hay đánh giặc nước ngoài xâm lược, hay lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống lại chế độ cai trị tàn bạo của phong kiến phương Bắc thời nhà Nguyên ? Đã có vài tham luận đặt ra vấn đề này (?). Theo tư liệu hiện có từ 3 bản gốc nói trên, không có tư liệu nào nói Hoàng Cần đánh quân xâm lược phương Bắc ở thời Trần, cũng không có tư liệu nào ghi, ông tổ chức  khởi nghĩa của nhân dân các dân tộc thiểu số  vùng Đông Bắc, chống lại “ách thống trị tàn bạo của bọn phong kiến xâm lược phương Bắc”, vì bọn chúng đều thua trận, phải rút ngay về nước, thì làm sao mà lập được “ách thống trị” để mà “khởi nghĩa chống lại”? Vì điều đó chưa từng có, nên tôi đề nghị các nhà khoa học xem lại, còn tôi thì không bàn  thêm.

          Vậy Hoàng Cần đánh ai?  Cả 3 tư liệu đã nêu trên, đều ghi rõ là đánh bọn “ răng trắng môi vàng”,“ quấy nhiễu cướp bóc dân châu”. Thế thôi. Vậy thì rõ là ông đánh giặc cướp ở địa phương, để bảo vệ dân chúng, không phải đáng giặc ngoại xâm.

         Trong hội thảo, có một GSTS nêu ra ý kiến rằng, vua Trần Nhân Tông  đã đến sông Tam Trĩ ở Ba Chẽ, chính là để gặp Hoàng Cần, chỉ đạo ông đánh giặc Nguyên. Tôi xin thưa với GSTS rằng, ông đã đọc  ĐVSKTT chưa kĩ. Tại trang 58 -59,  tập II ( sách trên) Nxb Khoa học xã hội in năm 1971, về việc mà GSTS đã nêu trên, ĐVSKTT ghi nguyên văn rõ ràng như sau ( bản dịch): “ Thế quân giặc bức bách, hai vua ngầm đi chiếc thuyền nhỏ, đến nguồn Tam Trĩ, sai người chở thuyền ngự ra Ngọc Sơn ( tức là Móng Cái  - TNM chua thêm) để đánh lừa quân giặc. Lúc ấy xa giá nhà vua xiêu giạt, mà Quốc Tuấn vốn tự phụ kì tài, lại có mối hiềm cũ của An Sinh vương, mọi người có ý ngờ vực…” Việc ghi vào quốc sử ấy, xảy ra vào tháng 2 năm Ất Dậu, 1285,  tình hình rất ngặt nghèo  – trong cuộc chống quân Nguyên xâm lược lần thứ 2.  Như vậy chuyến đi ra Tam Trĩ này,  “nhà vua xiêu giạt”, hai vua tránh giặc truy đuổi rất “ bức bách”  nên cho thuyền ra Tam Trĩ ( Ba Chẽ ),  rồi đưa thuyền  ngự của nhà vua ra mãi Móng Cái để “đánh lừa quân giặc”, để giặc tưởng là vua đã ra  Móng Cái . Đây là việc đại sự quốc gia, “ ngầm đi chiếc thuyền nhỏ”, tuyết đối bí mật. Làm sao lại có chuyện vua đi tìm gặp Hoàng Cần mà chỉ đạo Hoàng Cần đánh giặc trong tình huống ấy được ( ? ! ). Sau đó hai vua đi bộ ( ngựa ) về vùng   Kiến An – Thái Bình, rồi lại đi thuyền ra biển, tránh giặc … Tất cả chỉ có như vậy thôi, thưa GSTS. Việc vua Trần ra Ba Chẽ để chỉ đạo Hoàng Cần đánh quân Nguyên, chỉ là do GSTS  tưởng tượng ra mà thôi.

        Vậy Hoàng Cần được phong Khâm sai Đông đạo tiết chế ở thời nào? Ông có chỉ huy quân đội của cả vùng Đông Bắc của nước ta không? Lại có vài tham luận và phát biểu đưa ra. Từ trước đến nay, nhiều người đều nói và viết Hoàng Cần được phong chức đó từ thời Trần, do vua Trần phong.  Đó là sai. Ở thời Trần, đơn vị hành chính cấp tỉnh gọi là “lộ”, chữ “tỉnh” ta dùng hiện nay, bắt đầu có ở thời Nguyễn. Chỉ có thời Lê mới gọi tỉnh là “đạo”. Đông đạo là tỉnh Đông ở thời Lê, bao gồm vùng đất từ Hải Dương đến Hải Phòng, Quảng Ninh  hiện nay. Vậy chức đó, là ở thời Lê, do vua Lê truy phong cho Hoàng Cần, năm nào chưa rõ, nhưng dĩ nhiên là phải trước năm 1789. Tại đền Cửa Ông, hiện còn 5 đạo sắc triều Nguyễn phong cho Hoàng Cần, các năm 1853, 1880, 1887, 1909, 1917 ( trong đó 2 đạo sắc  năm 1853 và 1909 ghi là chi thần – nhân vật lịch sử, còn 3 đọa sắc còn lại ghi là tôn thần – tức nhân vật truyền thuyết. Sau này tôi mới biết như thế là có chủ định – hư là 3, thực là 2 (?) ). PGS-TS Đặng Văn Bài khi tổng kết hội thảo, có nói rằng, nhìn vào màu sắc, nhận ra ngay là sắc giả, và trực tiếp hỏi nhà Hán Nôm học Hoàng Giáp, vì ông là người thực hiện việc này,  được ông Giáp trả lời ngay, đó là các bản phục chế, không có bản gốc (sắc thật – thực ra là làm mới mô phỏng sắc thật cùng thời ở nơi khác). Như vậy, độ tin cậy cũng chỉ có tính mức độ. Với chức đó, có phải Hoàng Cần đã chỉ huy quân đội của cả vùng Đông Bắc như một số ý kiến đã nêu ra trong hội thảo này không? Đây lại là một sai lầm nữa. Vùng Đông Bắc được xác định từ Hà Nội, bao gồm 10 tỉnh là Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Phú Thọ,  Vĩnh Phúc, Bắc Giang và Quảng Ninh, Quảng Ninh là tỉnh ở cực Đông Bắc của vùng Đông Bắc. Do nhầm lẫn Quảng Ninh là vùng Đông Bắc, nên nhiều việc diễn ra trong lịch sử tại Bắc Giang và Lạng Sơn, như chiến công của Trần Quốc Nghiễn,  đuổi quân Nguyên ở thời Trần, được kéo về Quảng Ninh và ghi luôn vào bia đá ( vào cả sách giáo khoa) là việc đó đã diễn ra ở  phường Hồng Gai,  TP Hạ Long bây giờ. Cũng tương tự như thế, trong diễu hành rước Trần Quốc Tảng ở hội đền Cửa Ông, được truyền hình trực tiếp qua sóng Đài THVN và Đài THQN, trong ngày ngôi đền đón Bằng Di tích Quốc gia Đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ,  loa phóng thanh phát ra, ca ngợi chiến công của Trần Quốc Tảng đã đánh chìm đoàn thuyền lương Trương Văn Hổ tại biển Vân Đồn. Ai cũng biết đó là chiến công của Trần Khánh Dư, không liên can gì đến Trần Quốc Tảng. Để chuẩn bị dư luận đưa tượng Trần Quốc Tảng từ dưới thấp lên đồi cao, chỉ tay ra biển Vân Đồn, có cần phải “sáng tạo, đột phá” ra điều đó không, thưa các nhà khoa học  và các vị quản lí nhà nước về văn hóa ?

     Chức Tiết chế trong quân đội thời trước, nay là chức Tư lệnh, chỉ huy trưởng các binh chủng và các địa phương. Hoàng Cần là Tiết chế Đông đạo, chỉ huy trưởng tỉnh Đông, có phải đương thời đã chỉ huy quân sự của cả tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương và Hải Phòng hiện nay không?  Xin thưa là không.  PGS-TS Đặng Văn Bài và nhà Hán Nôm học kì cựu Hoàng Giáp, đều ghi rất chính xác, ông là tù trưởng, tức là cấp trưởng về lực lượng võ trang của một địa phương miền núi, ở đây là một xã, như ĐNNTC và Đồng Khánh dư địa chí ( ĐKDĐC) thời Nguyễn đã ghi, xã Hải Lãng, châu Tiên Yên. Quân lính của ông là ai? là “gia binh” và “ hương binh ”, nghĩa là lính của nhà mình, của thôn xã mình. Điều đó rất có ý nghĩa, đây là cuộc đánh giặc do ông tổ chức và hoàn toàn tự nguyện, không phải nhận lệnh của cấp trên nào. Đó cũng là đặc trưng ở thời Trần, các vương hầu, các tù trưởng (ở miền núi), đều có quyền có quân đội riêng, có công an riêng.  Khi có giặc, lực lượng của giặc, chắc cũng không lớn lắm, ông đã tự mang quân đi đánh dẹp, đã đánh tan giặc, bảo vệ dân. Chính nghĩa cử can trường và tự nguyện vì dân đó,  mà ông được nhân dân kính ngưỡng, phụng thờ. PGS-TS Đặng Văn Bài có ghi 1 câu rất cần được lưu ý: “ĐKDĐC cho biết: Hoàng Cần đã được triều đình nhà Lê cấp sắc ban tặng mỹ tự: Khâm sai Thái Bảo Xuyên Quốc công”. Ban tặng mỹ tự là ban cho  tên thụy để thờ cúng, để từ đó mà có các chế tài tiếp theo, như ta nói bây giờ, là đền thờ được phép xây rộng lớn đến mức nào, được cấp bao nhiêu ruộng làm hương hỏa, không phải đóng thuế,  lễ hội được tổ chức mấy ngày, nhà nước chu cấp theo quy định là bao nhiêu tiền, lễ vật cúng giỗ được giết đến gà lợn hay trâu bò… Như vậy, chức đó chỉ để thờ phụng, không phải là chức để cầm quân, nhất là sau khi ông đã mất được khoảng 500 năm.

         Điều cuối cùng là vấn đề dân tộc. Ba tư liệu khoa học gốc của thời Nguyễn, đều ghi Hoàng Cần là người xã Hải Lãng, châu ( huyện) Tiên Yên. Đã có lần, tôi nói chuyện về Hoàng Cần một buổi sáng với cán bộ và nhân dân Hải Lãng. Người Hải Lãng nói ông là người Sán Dìu, vì từ thời xưa đến năm 1945, đây là xã độc cư của người Sán Dìu. Theo ThS Trương Quốc Hùng, Ủy ban Dân tộc Chính phủ, phát biểu trong hội thảo, thì người Sán Dìu vào Việt Nammới khoảng 300 năm nay. Thời Trần khoảng 600 - 700 năm trước, Việt Namkhông có người Sán Dìu. Người Bình Liêu thờ Hoàng Cần và nhất quyết ông là người Tày, quê ở huyện Bình Liêu. PGS-TS Đặng Văn Bài kết luận: Ông là người dân tộc thiểu số, còn người Sán Dìu hay người Tày không quan trọng. Tôi cho rằng điều ấy rất quan trọng để xác quyết một nhân vật lịch sử, nhưng quả thực là nó không quan trọng, vì Hoàng Cần là một nhân vật truyền thuyết.

------------------------------------------

(*) Kiến văn tiểu lục, Lê Quí Đôn, Nxb KHXH, 1977, tr. 445 - 446