/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

THƠ VĂN BẠN BÈ

ĐÔI MẮT CỦA THIÊN SỨ

Sẽ cho cuộc đời này thêm một Thiên Sứ - một Tấm Lòng Lành!”.

ĐÔI MẮT CỦA THIÊN SỨ

Truyện ngắn của KHIẾU QUANG BẢO
.

      Người ta thường có cảm xúc với những gì nhìn thấy hơn là những gì cảm thấy. Nhưng đời sống nghệ thuật lắm khi những gì cảm thấy lại gây xúc động mạnh mẽ hơn những gì nhìn thấy. Cuộc triển lãm tranh sơn dầu của nữ họa sỹ Thiết Linh ở Linhs’Gallery nằm trong một con phố nhỏ có căn nhà cô ở rất đông người xem. Chỉ trưng bày vỏn vẹn có chín bức họa cỡ trung mang tên “Mù Màu” mà gây ngạc nhiên giới mỹ thuật và xúc động lòng người xem. Giới mỹ thuật ngạc nhiên vì phong cách thể hiện lạ lùng từ ý tưởng đến đường nét màu sắc như có cảm xúc từ ảo giác, buộc người xem phải vận hành trí lực để nhận thức những gì tác giả gửi vào tác phẩm. Rất rối, cần bình tĩnh rút dần từng sợi từng sợi trong mớ rối ấy thì hình như người ta bỗng có cảm tưởng hiểu, cả cái rõ ràng cũng như còn khuất lấp mơ hồ. Một nhà thơ Pháp có một triết luận về nghệ thuật thơ, rằng ngũ giác có thể thay thế cảm xúc cho nhau, mà nhà thơ Trần Đăng Khoa khi còn nhỏ tuổi đã viết câu thơ nổi tiếng “Ngoài thềm rơi chiếc lá đa / Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng”.

      Bức họa treo ở trung tâm phòng trưng bày lớn nhất có nền sẫm đen. Thực ra nó là tổng hợp tất cả những màu tối trộn lại, ở giữa là một chiếc mặt nạ phỏng theo hình chú Tễu mặt mũi hớn hở cười nhăn răng mép hếch tận mang tai, bên cạnh chiếc quạt hình trái tim đan bằng lá nón ta thường gặp các ông Tiên trong truyện cổ tích hay dùng phe phẩy. Bức họa chú giải “Kiểm phổ”. Phải tinh ý xem thì thấy sau cái mặt nạ ấy là những con người diễn hình không rõ ràng, không mạch lạc, dáng hình xộc xệch khó đoán định loại người nào, giới nào, tầng lớp nào của chúng sinh. Hay tác phẩm thứ hai một chiếc bút bi ruột trắng đặt trên tờ giấy than lột hờ một góc để lộ nền giấy trắng có dòng chữ viết dở dang “Tôi là...” với chú thích “Bút bi hết mực”... Hình như Thiết Linh muốn nói “xã hội không ai sống bằng mặt thật” ở tranh trên, Và “Chiếc bút bi hết mực” có thể viết được nhưng phải tì trên giấy than. Cũng vẫn là đoán thôi.

      Mất ba năm Thiết Linh vẽ tranh bằng cảm giác từ bóng tối, hậu quả một tai nạn giao thông khiến đôi mắt cô mất thị lực. Nhưng theo các bác sỹ thì một cuộc phẫu thuật ghép giác mạc sẽ cho cô khả năng nhìn trở lại. Cơ hội ấy chỉ còn chờ người hiến giác mạc, mà Thái Phiên đã đăng ký đặt hàng Bệnh viện FV, nơi thành công rất nhiều ca ghép giác mạc. 

      Và cơ hội ấy đã đến, Thiết Linh được ghép giác mạc tại Bệnh viện FC. Trong phòng hậu phẫu Thái Phiên đang ngồi chờ cho giã thuốc gây mê. Thiết Linh bị tai nạn giao thông lại chính là xe Thái Phiên gây ra. Nói chính xác là chiếc xe máy của Thiết Linh do bất cẩn đã vượt quẹo lao vào mũi xe Thái Phiên  lái, may mà phanh kịp đã không gây tử vong. Lại cũng may là tai nạn xảy ra gần bệnh viện nên Thái Phiên đã kịp bế cô vào cấp cứu. Hình như số phận được lập trình từ một đấng siêu nhiên nào đó ở một nơi nào đó đã tạo nên sự cố này để Thái Phiên gặp Thiết Linh, rồi bỗng dưng gắn chặt anh với cô họa sỹ trẻ, không đơn thuần là trách nhiệm, trong đó có bao nhiêu phần là tình yêu đồng điệu thì không xác định, chỉ biết kéo dài cho đến hôm nay, ba năm. Thái Phiên nhớ lại ba năm trước trong khi chờ các bác sỹ cấp cứu, ngoài hành lang anh dò số máy người quen trên danh bạ điện thoại của cô. Đến số máy thứ mười lăm mới gọi tới người nhà cô. Đó là cha cô. Có ba người tới. Cha, mẹ và em gái Thiết Linh. Thái Phiên cúi đầu  chào họ, trước nhất là xin lỗi gia đình, sau đó là xin được chịu trách nhiệm hoàn toàn về tai nạn này. Phiên không viện dẫn lý do nào cả. Và vắn tắt kể lại diễn biến tai nạn. Họ nhìn anh. Có lẽ họ cảm nhận anh thành thật. Và thực tế trông dáng vẻ anh, giọng nói anh cũng thể hiện là người đúng mực. Họ tin là anh được giáo dục chu đáo. Anh tự giới thiệu là kiến trúc sư của một văn phòng tư vấn kiến trúc do anh quản trị. Anh đưa danh thiếp và xin được ở bên Thiết Linh lo liệu mọi việc có thể bệnh viện sẽ yêu cầu. Còn Thái Phiên cũng nhận ra ông bà rất phúc hậu, tư chất trí thức. Cô em gái cũng điềm đạm. Họ không nói lời trách móc, mà hướng tới tìm cách giải quyết tốt nhất sức khỏe cho Thiết Linh. Và giờ đây anh đang ngồi bên cạnh Thiết Linh sau ca ghép giác mạc. Anh nắm bàn tay cô trong lòng đôi bàn tay mình xoa vuốt dịu nhẹ. Thiết Linh là cô gái xinh nhưng có phần sắc xảo. Sắc xảo ở khía cạnh nhìn nhận xét đoán chính xác sự vật bằng nghe âm thanh và cảm xúc từ đôi bàn tay. Những khi như thế đôi mắt cô ngước hướng về một thế giới xa xăm nào đó của cảm nhận. Hình như tạo hóa rất công bằng, cho mất một giác quan này thì cho trội các giác quan khác, triết học nhân sinh gọi là bù trừ. Chính vì thế mà ba năm qua Thiết Linh vẽ bằng cảm giác, cảm giác từ bóng tối để vọi lên những vật thể sáng để cô đưa lên tranh. Đôi khi những lúc chỉ có hai người ở nhà, Thiết Linh đưa đôi tay mỏng mềm lên gương mặt Thái Phiên, áp vào hai má anh, sờ nắn từ vầng trán đến mu mắt, rồi qua mắt xuống sống mũi, đôi môi và tới cằm, bỗng hỏi “- Anh cạo sạch râu à?”. Thái Phiên khẽ gật. Rồi cô khen một câu xanh rờn “- Bằng đôi bàn tay em nhận ra anh thuộc típ người lương thiện!” Thái Phiên muốn hôn Thiết Linh mà không dám. Chỉ nói “- Khi nào em nhìn được sẽ thấy anh lương thiện hơn em cảm nhận”. Và anh đã bằng mọi cách để tìm giác mạc được hiến để Thiết Linh sớm nhìn thấy anh. Rồi mong ước ấy đã diễn ra, hôm nay đây. Thiết Linh đã rất sung sướng đón nhận cuộc g phẫu thuật, và GS.Donal Tan khi rời phòng mổ bước ra ngoài hành lang đã thông tin ngay cho Thái Phiên, rằng “Tốt”. Bây giờ chỉ còn chờ giã thuốc gây mê. Giữa không gian trắng xóa của ga vải trải quanh Thiết Linh tựa như một thiên thần nằm ngủ.

      Cuộc đợi chờ ghép giác mạc cho Thiết Linh với Thái Phiên thôi thúc lòng anh hơn tất thảy. Anh lặng thầm nhờ người bạn học thời phổ thông trung học đang là bác sỹ nhãn khoa làm việc tại Bệnh viện FV giúp anh tìm nguồn giác mạc. Nhưng số lượng ca ghép không nhiều, lý do chính là nguồn giác mạc hiến rất hạn chế, người Việt nói chung không muốn hiến tạng vì tâm lý thân thể phải nguyên vẹn sau khi qua đời.

      Thế rồi. Vào một ngày, người bạn bác sỹ của Thái Phiên ở Bệnh viện FV gọi điện báo cho anh tin mừng, đã có nguồn giác mạc hiến tặng, lại của một cô gái trẻ, lại là người Việt Nam. Niềm vui vỡ òa. Thái Phiên không gọi điện mà phi ngay đến nhà Thiết Linh báo tin mừng. Thiết Linh đang vẽ. Cô quay phắt lại bất ngờ bạt chiếc bút vẽ bản to đầy màu vào má Thái Phiên. Chẳng nghiêm trọng gì. Thái Phiên báo tin mừng “Đã có giác mạc”, bất giác anh quên cả lễ tiết ôm ngang lưng Thiết Linh bế bổng lên quay tròn, cả hai cùng rú lên cười. Từ trên gác bố mẹ Thiết Linh vội chạy xuống, hay chuyện, ông bà ôm cả hai đứa mừng vui khôn siết.

      Bác sỹ bạn của Thái Phiên đã xếp lịch một ca mổ phiên, mời Giáo sư Donald Tan từ Singapore bay sang thực hiện phẫu thuật.

                                                        *

      Phiên mổ diễn ra suôn sẻ. Sau bốn giờ tiên lượng, Giáo sư Đonald Tan cùng bác sỹ phụ tá bạn Thái Phiên vào bệnh phòng. Giáo sư cho kiểm tra lại thân nhiệt: Bình thường. Hỏi trạng thái tinh thần: vui, thoải mái. Hỏi vết mổ: hơi đau. Giáo sư nhẹ tay từ từ lật tấm băng mắt nhưng yêu cầu chưa được mở mắt. Thiết Linh y lệnh. Không có hiện tượng tấy đỏ. Thiết Linh nói với giáo sư có cảm giác sáng mờ. Gương mặt cô ửng hồng. Đôi môi cũng ửng hồng. Giáo sư đậy lại băng mắt. Một câu ngắn gọn: “- Rất tốt”. Người bác sỹ phụ tá hội ý với giáo sư đôi điều, rồi chỉ định lại: “- Có hai khả năng. Một, nằm lại bệnh viện nội trú ba ngày theo dõi tiếp. Hai, chiều nay có thể xuất viện về nhà, nhưng hằng ngày tới bệnh viện tái khám vào lúc 10.30 giờ. Cả hai đồng thanh “- Về nhà thưa giáo sư”. Giáo sư Donald Tan mỉm cười: “- Tôi biết trước là sẽ có câu trả lời như thế!”. Rồi ông chúc tốt lành và rời bệnh phòng.

     Đợi chờ. Rồi ngày thứ ba cũng đến. Lại đo thân nhiệt. Lại hỏi trạng thái tinh thần. Hỏi thêm về cảm giác sinh học với đôi mắt mới. Tất cả đều ổn. Giáo sư Donald Tan nhẹ nhàng tháo băng mắt cho Thiết Linh. Không tấy đỏ, bình thường như đôi mắt bình thường. Rồi giáo sư bảo Thiết Linh từ từ mở mắt. Nhớ là từ từ, để không bị sốc ánh sáng. Thiết Linh làm như lời dặn. Cảm nhận như khi cô đang vê chỉnh tiêu cự ống kính máy ảnh, từ nhòe mờ mất nét tiến dần đến nét, rồi nét đanh. Thiết Linh bỗng rú lên : “- Nhìn thấy rồi. Nhưng sao mọi người đẹp lung linh thế?” Ba gương mặt đang dõi gương mặt cô. Một giáo sư Donald Tan. Một Thái Phiên. Một nữa bác sỹ bạn anh. Cả ba cùng nhận thấy gương mặt cô cũng xinh lên khác thường. Phơn phớt hồng như trứng gà bóc. Đôi mắt đen huyền thánh thiện, cái chớp chớp mi cũng dịu dàng. Giáo sư Donald Tan mỉm cười nói với Thái Phiên: “- Chúc mừng. Đôi mắt ấy là đôi mắt của Thiên Sứ!”.

                                                       *

      Khỏi cần nói cả nhà cùng vui với đôi mắt của Thiết Linh đã trở lại nhìn được. Bạn bè trong giới mỹ thuật xui cô làm tác phẩm khởi đầu “Ánh sáng trở lại”. Nhưng trong nhà ai cũng ngạc nhiên nhận ra sự khác lạ của Thiết Linh. Về ngoại hình cô trẻ ra tới gần chục tuổi. Mái tóc phớt hung nay đen nhánh sóng  mượt. Gương mặt hồn nhiên thánh thiện không gợn chút ưu tư phiền muộn. Giọng nói thỏ thẻ dịu êm. Người nhận ra sự khác lạ của Thiết Linh rõ nhất là mẹ cô và em gái. Như những cái dụi đầu vào ngực mẹ như hồi cô còn ở tuổi vị thành niên. Như cô chải tóc và kéo chăn phủ ấm cho em gái mỗi đêm se lạnh. Còn với Thái Phiên, cô hay đòi hỏi anh như một đứa em gái được cưng chiều. Thiết Linh thường muốn anh đưa đi dạo dọc phố ra quảng trường Nhà thờ Lớn, rồi dạo quanh trong khu khôn viên Nhà Chung, vào quầy sách ở đó mua những cuốn sách có nội dung viết về Thiên Chúa giáo, như Phúc âm, Tân ước, Cựu ước. Đáng chú ý Thiết Linh thích ra vườn hoa Hàng Trống, cùng Thái Phiên ngồi trên ghế đá nhìn ngắm qua đường phía bên kia có Viện nữ tu Dòng Mến Thánh Gía. Ở đó thi thoảng ra vào có các nữ tu tha thướt trong bộ áo dài đen chùm khăn đen lấp ló trên vầng trán một viền khăn trắng, điệu đà nhưng thanh khiết. Có một lần Thiết Linh rủ  Thái Phiên cùng vào trong, ở đó có các lớp mẫu giáo do nữ tu giảng dạy. Có xưởng may thêu do các nữ tu làm. Có phòng điều trị y học dân tộc. Ngoài vườn là những luống rau xanh mướt do các nữ tu trồng cấy. Có cả vườn thuốc nam. Thiết Linh tỏ ra rất thích thú không gian này. Một không gian êm đềm khác hẳn phía bên ngoài kia.

    Thiết Linh bắt đầu vẽ lại. Cô tự găng toan và chuẩn bị họa phẩm. Cũng là một sự lạ, đề tài của Thiết Linh giờ toàn là hoa và tĩnh vật. Màu sắc trên tranh tươi tắn mặc dù bút pháp và tư duy nghệ thuật không đổi, đó là nghệ thuật biểu cảm tượng trưng, sắc màu đối lập, hình họa phóng khoáng chuyển đổi đột ngột. Rồi một hôm Thái Phiên thấy cô phác thảo mẫu thời trang áo dài. Loại áo dài chỉ dài đến quá đầu gối, có thể mặc kết hợp với váy hoặc quần chẽn quần loe. Vào mùa lạnh có thể khoác ngoài áo ấm gì cũng hài hòa. Khá đẹp và hợp lý. Anh không nghĩ là Thiết Linh lại quan tâm đến cả thời trang, mà lại chỉ có áo dài Việt. Chất liệu là lụa tơ tằm Vạn Phúc, Đà Lạt, Tân Châu.  Áo dài có tay áo cũng dài lửng, xẻ tà hơi cao một chút. Là áo cộc tay thì cao đến bả vai. Cô giữ nguyên kiểu cổ áo dài truyền thống cao nhưng phải là cổ cồn. Tất cả dùng khuy vải. Thiết Linh đến cửa hàng thủ công đầu phố đặt làm khuy vải theo mẫu do mình thiết kế. Hôm Thiết Linh mặc thử bộ áo dài đen váy đen có thắt ru-băng trên mái tóc, xoay xoay vài lần qua phải sang trái tạo dáng trước Thái Phiên để anh ngắm thử, đã khiến anh trố mắt sững sờ vì vẻ đẹp trẻ trung lung linh của cô như một người mẫu. Bạn bè gái củ Thiết Linh đã đến đặt may đo nơi cô và một lần cả tám cô đã chụp một bức ảnh chung với các mẫu áo dài được gọi là “Linh’s NewFashion”. Họ chia sẻ trên facebook. Thế là loạn cả lên. Những thay đổi ấy bỗng dưng làm cho Thái Phiên ngờ ngợ một suy nghĩ, phải chăng giác mạc của cô gái kia đã ảnh hưởng sâu sắc tới tính cách thậm chí cấu trúc sinh học của Thiết Linh?

      Thái Phiên tìm đến người bạn bác sỹ của anh ở Bệnh viện FV. Thái Phiên khéo léo đặt vấn đề: “- Mình biết đang làm khó cậu bởi quy định nghiêm ngặt trong y học. Thế nhưng không cưỡng lại được. Hãy vì mình. Mình cầu xin đấy. Mình muốn biết người đã hiến giác mạc cho Thiết Linh. Bởi Thiết Linh giờ lạ lắm. Không giống Thiết Linh trước đó tuy tất cả thay đổi đều là tích cực. Có thể nói là tốt đẹp”. Phải mất ba cuộc gặp nhau thuyết phục bác sỹ bạn anh mới ngã lòng. Đó là cô gái 17 tuổi. Tên là Kiều Thị Trinh. Bị một tai nạn giao thông gần thành phố Nam Định. Người gây ra tai nạn đã trực tiếp đưa cô gái tới bệnh viện cấp cứu. Khi biết tiên lượng xấu, cô gái yêu cầu được hiến tạng, đôi mắt và trái tim. Hai thứ thôi. Bệnh viện FV có mối liên hệ hợp tác về nguồn tạng với các bệnh viện khu vực phía Bắc. Khi nhận được tin này chính mình trực tiếp xuống làm phẫu thuật. Đó là một cô gái xinh, dịu dàng rất đáng mến đáng yêu. Mình cũng thấy áy náy cho cô ấy. Nhưng điều kỳ lạ nhất, sửng sốt nhất là bố mẹ cô, một mực từ chối điều tra hình sự và sẵn lòng tha thứ cho người gây ra tai nạn, thậm chí từ chối không nhận tiền bồi thường, với một lý do không một ai nghĩ tới, rằng “đó chỉ là sự chẳng may, người đó không cố ý làm hại con gái tôi. Hãy tha thứ cho họ”. Khi mình hỏi ông bà về việc con gái tình nguyện hiến tạng, người cha cho số máy và bảo mình hãy gọi điện cho con trai ông, là anh trai của cô gái, đang là chủng sinh ở Chủng viện Boston Hoa Kỳ. Mình báo cho anh tin buồn, và nói nguyện vọng của em gái anh xin được  hiến tạng. Người anh trai ấy lặng đi. Ba mươi giây sau, nói: “- Bác sỹ. Hãy làm theo ý em nó. Đó là việc làm phúc đức mà. Còn chờ gì nữa!” Rồi anh ấy cúp máy. Dọc đường trở lại Hà Nội tớ không sao nguôi ngoai nghĩ về những con người thánh thiện mà trong cuộc đời này ta hiếm gặp. Về báo cáo lại Giám đốc Bệnh viện FV. Ông ấy rươm rướm nước mắt, làm dấu Thánh. Thái Phiên ôm người bạn bác sỹ, một dòng nước mắt trào ra. Và nói với bạn: “- Chúng mình sẽ có một chuyến đi về vùng quê đó. Chắc chắn cậu phải đi cùng rồi!”

                                                      *

      Làng quê ấy cách Hà Nội có 90 ki-lô-mét. Là Giáo xứ toàn tòng. Từ tỉnh lộ đi vào là đường bê tông, không rộng nhưng đủ để đi, một làng quê nông thôn mới, bởi thuộc thị trấn nên làng ấy đã lên phường. Đường làng ngõ xóm phong quang sạch đẹp. Hai bên đường là những cây long não mới trồng. Còn trên đồng, rau mướt non xanh trên những luống đất mà những thửa ruộng đã được dồn điền thành cánh đồng mẫu lớn đều tăm tắp, được căng ni-lông trắng trên dàn khung uốn cong che sương muối. Bác sỹ bạn Thái Phiên đã về đây hai lần lo hậu sự. Anh đã gọi dây nói thưa chuyện với bố mẹ Kiều Thị Trinh về chuyến viếng thăm ông bà, và dặn ông bà ra quãng đường gần nghĩa trang nằm ngay bên đường đi. Anh có ý tưởng tất cả sẽ tới nghĩa trang mà nơi đây dân làng gọi là Vườn Thánh, công việc đầu tiên là cần đặt hoa thắp hương trên mộ phần Kiều Thị Trinh, để Thiết Linh viếng tạ cô gái đã cho cô ánh sáng. Thiết Linh vận y phục áo dài đen với chiếc quần chẽn đen. Cổ vắt hờ một khăn voan cũng màu đen. Trông như một nữ tu. Lý do Thiết Linh mang bộ đồ này có phần khác thường nhưng không ai hỏi. Như có thần giao cách cảm, một cử chỉ rất lạ, bà mẹ Kiều Thị Trinh tiến lại gần Thiết Linh khi cô đang cúi đầu thi lễ bà, bà nâng Thiết Linh lên, hai tay đặt lên má cô, ngắm đăm đăm vào đôi mắt cô, bỗng òa lên nhưng không phải là khóc, mà là sung sướng “- Ôi đôi mắt con gái của mẹ đây!” Rồi bà ghì Thiết Linh vào sát thân mình, cứ như họ thân quen từ trước. Mộ phần của Kiều Thị Trinh thon nhỏ ốp đá đen vuông vức không cầu kỳ. Mộ chí mang dòng chữ “Teresa Kiều Thị Trinh”. Thiết Linh đặt trên mộ một bó hoa hồng 100 bông thắt nơ đỏ, bỗng cô úp mặt trên phiến đá khóc nấc lên mà không nói một lời. Bó hương trầm Thái Phiên châm lửa sẵn, anh giúp Thiết Linh cắm vào bình hương trước mộ chí, bỗng bùng lên cháy thành ngọn lửa. Người bạn bác sỹ nói đủ to cho mọi người cùng nghe “- Một sự thông công!”.

      Bố của Kiều Thị Trinh là Chánh trương nhà xứ. Nên người dân trong xứ thường gọi là ông Trương Học. Tên ông là Học. Và cũng gọi vợ ông là bà Trương. Nhà ông bà Trương ngói hóa khang trang, ba gian hai trái, có nhà bếp và công trình vệ sinh riêng biệt tiện nghi đầy đủ. Một không gian mà người thành phố về có thể yên tâm về sinh hoạt và môi trường sống. Ông Trương Học cho mọi người hay. Ông bà có ba người con, một trai hai gái. Con trai lớn được cấp học bổng đang theo học ở Chủng viện Boston Hoa Kỳ. Con gái thứ hai lấy chồng người trong làng. Con gái út học ở Tu viện Dòng Mến Thánh Gía địa phận Hà Nội. Ông chỉ ra đầu hồi phía trái: “- Kia là ảnh của Kiều Thị Trinh!”. Chi tiết Kiều Thị Trinh là nữ tu người bác sỹ ngoại khoa Bệnh viên FV giờ cũng mới biết, mặc dù anh thụ lý vụ hiến giác mạc. Thiết Linh cũng bất ngờ khi xem bức ảnh to treo tường đầu hồi lại là Kiều Thị Trinh, một nữ tu ở Chủng viện Dòng Mến Thánh Gía đối diện với vườn hoa Hàng Trống mà cô và Thái Phiên từng ngồi ngắm, thậm chí vào tham quan trong đó. Cô đứng áp sát bên bức ảnh để Thái Phiên chụp một bức ảnh. Lại một cảm nhận ngạc nhiên dội lên trong lòng Thái Phiên: Sao họ lại có thể giống nhau đến thế! Đôi mắt - gương mặt - nụ cười, cho đến cả y phục. Đúng như nhận xét của Giáo sư Donald Tan: “Thiên Sứ”.

      Thiết Linh thưa chuyện với ông bà Trương Học, rằng con rất biết ơn ông bà. Con xin được gọi ông bà là bố là mẹ, được không ạ? Bà Trương Học cười rạng:   “- Gia đình rất vui khi gặp con. Được chứ sao lại không. Thực tình có gì đó rất lạ, là con rất giống em Kiều Thị Trinh”. Rồi ông bà Trương Học cho hay, tháng giêng tới đây, Kiều Tụ, anh trai của Kiều Thị Trinh sẽ về nước để chịu phép Bí tích Đại lễ truyền chức linh mục tại Nhà thờ Chính tòa Hà Nội từ Đức Hồng y Tổng Giáo phận. Và bây giờ thì Thái Phiên đã hiểu. Hiểu tất thảy những gì đã tác động làm thay đổi con người Thiết Linh.

      Một ngày tháng sau Tết, ngày Thiết Linh ngóng đợi. Ngày mà người anh Kiều Thị Trinh được truyền chức linh mục. Giáo đường Nhà thờ Lớn trang nghiêm tràn ngập sắc vàng của trần thiết vòm mang hoa văn mạ vàng, cùng những bức tranh tường mô tả các Thánh và Thiên thần, Đức Mẹ đồng trinh với Chúa hài đồng, cùng những bức tranh mô tả mười bốn nơi thương khó mà Đức Chúa con đã trải qua để chuộc tội lỗi cho loài người nơi thế gian này.

      Thiết Linh đã được nghe ông Trương Học nói về “Linh mục và sứ mệnh cuộc đời”. Năm 1977 người bác trong họ của Kiều Văn Tụ - Franxico Kiều Văn Viên, đã  được truyền chức Linh mục cũng tại Nhà thờ Lớn này. Và hôm nay, tức 39 năm sau, cũng tại Nhà thờ Lớn, người cháu - Giuses Kiều Văn Tụ, cũng được truyền chức Linh mục cùng năm đồng môn. Trong không khí linh thiêng và trang nghiêm, Đức Hồng y Nguyễn Văn Nhơn chủ lễ nói: “- Linh mục chỉ cần làm 3 điều đơn giản: 1.Giảng-huấn (giảng &dạy).2.Thánh hóa (làm cho tâm thánh thiện). 3.Mục sứ (vai trò hướng đạo). Giuses Tụ về xứ Trại Mới hành lễ đầu tay tại quê hương vào ngày hôm sau. Bậc cha Franxico Viên về dự nói: “- Linh mục là gì? Xuất thân từ một gia đình nhưng lại thuộc về đại gia đình cộng đồng chiên Chúa. Là người bình thường nhưng sứ mệnh lại thuộc về nhân loại. Tận hiến suốt đời làm tấm gương trong nhân hậu-thứ tha cho người ta soi”. Một linh mục tiền nhiệm ở xứ đạo này nói: “- Đã là giáo hữu của Thiên Chúa, chớ bao giờ nguyền mong kẻ thủ ác phải chết. Mà nguyện cầu để kẻ đó sám hối!”

                                                          *

      Vào một ngày không xa. Thái Phiên và Thiết Linh cùng ngồi ở một ghế đá vườn hoa Hàng Trống. Anh nắm tay Thiết Linh, dự định sẽ nói một câu, câu ấy sẽ quyết định cuộc sống suốt đời anh. Thiết Linh để nguyên bàn tay ấy trên tay cô. Cảm nhận ấm nồng run rẩy. Cô nhìn Tu viện Dòng Mến Thánh Gía với đôi mắt đắm đuối. Một chút đắn đo, rồi cô nói với Thái Phiên: “- Anh à. Có lẽ Tu viện Dòng Mến Thánh Gía sẽ là nơi em sống! Được không anh?” . Cảm giác như vòi sen xối vào thân thể nước lạnh giữa mùa đông băng giá. Thái Phiên kéo sát Thiết Linh vào thân mình. Thiết Linh nhìn trực diện gương mặt anh đợi câu trả lời. Anh nhìn đôi mắt thánh thiện cô ngập tràn yêu thương: “- Đó cũng là một ý tưởng hay. Nhưng đâu phải duy nhất hay. Em hãy ngóng nghe cảm nhận của bố, của mẹ, của em gái, và của anh nữa chứ? Hãy tạm gác lại một bên và bàn sau được không em?”. “- Vâng. Em cũng không biết nữa!”.

      Thái Phiên âu yếm siết lưng cô thêm một lần. Cô ngả vào bờ vai anh. Một câu hỏi dội lên trong Thái Phiên: “- Còn một trái tim Kiều Thị Trinh. Sẽ phúc đức cho cô gái nào được tiếp nhận ghép trái tim ấy! Sẽ cho cuộc đời này thêm một Thiên Sứ - một Tấm Lòng Lành!”.

Khiếu Quang Bảo