/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

THƠ VĂN BẠN BÈ

Đêm ở thung lũng Đắk Ho

Cô gái ngước cặp mắt đen láy và đôi má ửng hồng nhìn tôi. Tôi chưa kịp trả lời thì đồng chí chủ nhiệm hợp tác xã Đăk Hoa đỡ lời
Đêm ở thung lũng Đắk Ho
 
 
- Chị về ở nhà mình hai ngày, ba ngày?
Cô gái ngước cặp mắt đen láy và đôi má ửng hồng nhìn tôi. Tôi chưa kịp trả lời thì  đồng chí chủ nhiệm hợp tác xã Đăk Hoa đỡ lời:
- Bộ đội Liên về tìm gặp ông ngoại Hơ Lơ đó, bao giờ có lời nói hay lọt  lỗ tai boók, có trại ong cho hợp tác mình thì nó về.
- ơ, ông mình mới về.
Nghe Hơ Lơ nói ông ngoại mới về, tôi mừng lắm. Nhiệm vụ của tôi được sư đoàn giao là về giúp hợp tác xã kết nghĩa thành lập trại ong. Theo đồng chí chủ nhiệm thì boók Phới - Ông ngoại Hơ Lơ, là người có nhiều kinh nghiệm nuôi ong nhất ở đây. Ngày còn đánh Mỹ, boók từng đóng góp cho cách mạng mỗi năm hàng trăm ống mật. Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, theo quy hoạch sản xuất lớn của huyện, nhân dân vùng căn cứ dời xuống thung lũng Đắk Hoa định canh, định cư, xây dựng cánh đồng thí điểm. Bụng nhiều người không ưng, nhất là các người già. Họ cho rằng lúa của người Ba Na quen sống trên rẫy cao, không ở dưới nước được. Bàn tay của người Kinh khác, bàn tay của người Thượng khác. Bỏ núi, bỏ rừng, bỏ phong tục đằng sau cái ruộng, con ma giận không cho ăn, ở trên núi cao vẫn làm đủ lúa đóng góp xây dựng chung đất nước. ở núi cao, đi săn, đi bắn được nhiều, làm mật con ong được nhiều…
Nhưng mọi chuyện đều đã qua. Xã được huyện cho máy cày, máy ủi về san chỗ cao, chỗ thấp thành bằng. Xã được tỉnh cho bộ đội vễ xây đập Đắk Kơ Tung, đào con mương nhỏ, mương to, nước mùa khô nhiều như mùa mưa, có hồ nuôi cá. Xã còn được Trung ương cho gạch ngói, xi măng xây hội trường, nhà kho, sân phơi, giếng nước, bệnh xá, trường học… Cả nước lo cho xã, xã không lo cho nhà nước à? Hết thằng giặc Mỹ- Thiệu rồi, người Kinh, người Thượng đoàn kết, chỉ bảo cho nhau cùng làm. Một con trăng, hai con trăng người Ba Na biết cho con trâu, con bò cày bừa. Ba con trăng lũ con gái Ba Na cấy nhanh, chín mười con trăng, hai mùa cây lúa có bông, tay quen gặt đập. Bây giờ đã được rồi. Chỉ còn boók Phới ở miết trên núi cao với ba chục bọng ong, không chịu xuống. “Bỏ mật con ong à? Không phải con ong làm mật cho con gấu ăn đâu. Ai đi cứ đi, ai làm gì cứ làm. Mình không có bụng đi ngược đường cách mạng. Con ong không đi xa được rừng núi. Mình ở với núi rừng, với con ong. Không phải được mật mình ăn một mình đâu”.
Đồng bào hai mươi bốn xã Đắk Hoa ai cũng biết boók Phới là người như thế nào rồi nên không có lời xì xào to nhỏ. Một vài người thấy boók Phới ở trên núi được cũng bỏ làng xã chạy lên vài ngày, sau cũng phải quay về vì lời này tiếng nọ. Lâu rồi, một, hai năm trôi qua. Làng xã Đắk Hoa có vui nhiều hơn là buồn. Thanh niên, du kích có học tập, họp hành của thanh niên, du kích. Lũ phụ nữ có học tập, họp hành của phụ nữ. ông bà già có học tập, họp hành của người già. Lũ con nít được đi học cô giáo người Kinh, người Thượng… Boók Phới biết cả mọi chuyện vì thỉnh thoảng có về thăm con cháu cho đỡ nhớ, ít thì một đêm, nhiều thì ba đêm, Hơ Lơ giữ chân ông bằng lời nói không được thì khóc. “Nước mắt mày dài hơn người rồi đó”. Ông nói thế, ông đi. Hơ Lơ biết làm thế nào? Hơ Lơ mới ở bộ đội văn công về, là người Đảng viên, nhưng chưa chính thức. Cán bộ xã giao cho phụ trách tổ thông tin tuyên truyền. Tuyên truyền cái miệng không thôi à? Phải biết lo gần nghĩ xa. Tay chân làm tốt rồi mới nói cái miệng chớ. Ông mình không nghe miệng minh nói thì mình còn nói ai nghe? Lời nói của mình bay qua tai hết. Ngày Hơ Lơ đi bộ đội, chưa phải đã lớn đâu, còn bé lắm…
- Ông mình mới thắc mắc mình!
Đôi mắt Hơ Lơ cụp xuống, cánh mũi thon nhỏ khẽ động đậy, cái trán hơi dô có những sợi tóc loăn xoăn trông rất dễ thương. Đúng là con gái văn công, tôi nghĩ thế và thực sự tỏ ra lo lắng, ái ngại. Hi vọng tối nay được gặp boók Phới vừa loé lên đã bị dập tắt. Nhiệm vụ của tôi có hoàn thành đúng vụ hoa tới không? Thật là xúi quẩy.
- Lại nói ông lạc hậu- đồng chí chủ nhiệm nhìn thẳng vào mắt Hơ Lơ, giọng trách móc- nói ông không có thương làng, thương xã, thương cháu… Thê..ê ế mà.
- Lần này thì mình không nói gì- Hơ Lơ nói- Ông về, mình thương ông, mình khóc. Ông cũng khóc, mình sợ ông khóc…
- Chô cha, ớn - Đồng chí chủ nhiệm đứng dậy. Anh kéo tay tôi ra hiên nói nhỏ, vẻ quan trọng: - Chị về giúp nó – Anh bật từng ngón tay – một, nó người bộ đội, đảng viên mới. Hai, nó là con liệt sỹ. Ba, nó cũng là cán bộ chớ. Thế…ê ế mà.
- Đồng chí có tới gặp boók Phới không? – Tôi hỏi.
- Rồi, mình mới gặp trên núi hôm qua – Anh hạ thấp giọng. – Không phải nhớ làng, nhớ xã đâu. Chô cha, tội lă…ăm… ắm.
Anh quay vào nhà thì thầm với Hơ Lơ điều gì đó bằng tiếng Ba Na. Lúc sau, tiếng anh vọng ra:
- Chị về với nó đi, tối rồi, mình lên phòng nông nghiệp.
Hơ Lơ giành mang ba lô cho tôi. Tôi muốn để tự nhiên nên không đòi lại. có lẽ đường từ đây về nhà Hơ Lơ chả xa xôi gì, mà ba lô của tôi thì nhẹ.
Hơ Lơ lặng lẽ bước phía trước, dáng cao và chắc lẳn. Chiếc áo ló* bó sát người gọn và khoẻ. Tôi chia tay đồng chí chủ nhiệm rồi theo sau, muốn tới sát Hơ Lơ hỏi chuyện, nhưng thấy Hơ Lơ có vẻ buồn nên tôi đi chậm lại.
Mới tối mà trăng ở đây đã sáng lạ. Dường như trăng cố tập trung hết sức sáng rọi xuống vùng Đắk Hoa  trù phú. Cánh đồng mở ra trước mắt tôi lấp loáng. Gió từ phía mặt trăng, nơi có những ngọn núi cao chót vót đứng uy nghi thổi lại liu riu. Cũng từ phía ấy phát ra tiếng chinh chiêng, tiếng hát trầm hùng dội lại. Tôi đã được đi nhiều nơi, kể cả những đêm trăng trên thảo nguyên nước bạn. Nhưng chưa gặp ở đâu có khung cảnh vừa thơ mộng, vừa tươi vui, vừa phóng khoáng như ở đây. Chúng tôi tới con mương chính chạy từ chân  núi xuống. Bước lên chiếc cầu tre nhỏ, dòng nước loang loáng chảy hư hư thực thực cứ quyến rũ tôi. Tôi muốn ngồi ở giữa cầu, khoả chân xuống dòng nước chở đầy ánh trăng.
- Đẹp không chị? – Hơ Lơ đứng bên cây bạch đàn non xoè tay đón tôi.
- Đẹp quá Hơ Lơ ạ - Tôi thốt lên.
- Chưa đẹp bằng bờ vùng, bờ thửa hợp tác cao cấp ngoài Bắc đâu - Hơ Lơ nói.
Tôi lại bước qua cầu, muốn nói với Hơ Lơ một điều gì đó thật chính xác, nhưng không nói được, đành đứng ngơ ngẩn. Hơ Lơ thấy tôi có vẻ say mê cảnh vật quê mình nên lại bước nhanh lên trước.
Đi trên bờ mương giữa cánh đồng rộng lớn sắp  tới vụ cấy, mùi ruộng nồng nồng bốc lên đối với tôi lúc này sao mà gợi nhớ. Những ai ra đi từ một làng quê, đã từng cùng người yêu sánh vai dưới ánh trăng, những ai từng chia tay nhau trên chiếc cầu tre nhỏ, cùng khoả chân xuống dòng nước bạc đùa giỡn để rồi ngày mai ra đi, biết trước là ác liệt gian khổ, nhưng không ai nói là sẽ vĩnh biệt.  Điều ấy chỉ thoáng đến rồi lại nhoà ngay bằng cái nhìn sâu thẳm mà suốt chặng đường dài cùng đồng đội chiến đấu ta luôn nhớ, ta sẽ vui vẻ kể cho đồng đội nghe về kỷ niệm của mình, về đôi mắt người yêu, về ánh trăng buông xuống ở làng quê tưởng chừng êm ả nhưng chứa đựng bao sôi dộng, thúc bách con người. Làng tôi, cái làng Sưa nép sát bên bờ sông Luộc quanh năm đỏ ngợp phù xa. Những rặng nhãn lồng, vải thiều chạy theo những con mương. Làng còn có tên nữa là làng Nhãn, làng Vải và sau này được gọi là làng Ong nữa. Nghề nuôi ong thực sự trở thành một  trong những nghề phụ có thu nhập cao nhất hợp tác xã từ khi sát nhập các hộ nuôi ong thành trại ong. Tôi mê nghề ong từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường. Hồi đó tôi nghĩ rằng nghề nuôi ong là nghề hoa lá. Rằng người nuôi ong  sẽ am hiểu đủ các loại hoa và được gần hoa hơn cả những người trồng hoa. Mà đã gần phấn, gần mật, thì cơ thể con người sẽ phát triển khoẻ mạnh, cân đối hài hoà (nhất là phái nữ chúng tôi). Nghề nuôi ong sống lâu hơn cả. Đã có ai nói: người nuôi ong sẽ có một tâm hồn trong sáng, một trái tim hết sức nhiệt tình…
Mơ ước của tuổi trẻ có sức hấp dẫn  lôi cuốn lòng say mê con người. Nó đưa ta đi từ những điều giản đơn, cụ thể, vượt qua mọi thử thách của thời gian. Nó nuôi dưỡng một nghị lực rất bền và đẩy lùi những suy tính quẩn quanh. Tôi trở thành thành viên của đội nuôi ong ngay sau khi học hết lớp mười. Tôi tiếp thu rất nhanh những bài giảng đầu: đặc điểm về sinh lý và đời sống con ong. Nào đâu có ra trường ra lớp. Chúng tôi vừa học, vừa làm. Tôi bỏ lướt qua một số bạn bè cùng lứa. Anh đội phó Tuấn, cán bộ  trung cấp kỹ thuật, phụ trách chuyên môn khen tôi tiếp thu nhanh. Tôi cho là dĩ nhiên. Việc gì phải biết quá tỉ mỉ như thế – có lần tôi nói ai lại học cả quá trình phát triển của con ong từ ngày còn nằm trong bụng chúa. Cần gì phải biết ong hay chướng bụng, ong không có mũi thì thở bằng gì, nào mật hoa đem về chứa nhiều nước, ong thợ phải quạt để “quạt” nước trong phấn hoa bay hơi bớt và tiết thêm vào đó chất men en-đen, chất kháng sinh… rặt những chuyện vặt.
Tôi lơ đễnh học tập. Nghề ong là nghề nhàn nhã, việc gì phải quan trọng hóa kiểu ông Tuấn, cứ y như là có con mọn không bằng. Tôi khăng khăng cho rằng chả cần biết vitrùng bắc‑xi‑luýt‑pluy‑tông, luy‑tiếc gì hết ! Kết quả tai hại đến với tôi. Đàn ong của tôi mắc bệnh “thối ấu trùng châu Âu” mà tôi không hề hay biết.
‑ ấy thế mới chết chứ. Không phải thối ấu trùng châu á mà thối ấu trùng châu Âu  cơ đấy ‑ Anh Tuấn trêu tôi.
Bệnh này của ong biểu hiện lâm sàng khá rõ. Nhưng tôi không nắm được bài làm sao phát hiện được? Hôm anh Tuấn tới kiểm tra, thấy đàn ong của tôi lười biếng đi làm, có vài con già yếu bị chết. Tôi lo sốt vó. Anh giải thích cho tôi và lặng lẽ cùng tôi theo dõi điều trị. Chúng tôi cho ong uống pê‑ni‑xi‑lin năm ngày liền thì đàn ong trở lại hoạt động như thường.
Việc này chỉ có hai chúng tôi biết. Tôi thầm cảm ơn anh. Nhưng rồi chứng nào tật ấy, tôi đâu đã sáng mắt ra ! Liền sau đó ít hôm, ong của tôi bay dớn dác, trông mà chán ! Tôi cứ tưởng bệnh cũ tái phát liền lằng lặng cho ong uống pê‑ni‑xi‑lin nữa. Sau năm ngày chờ đợi kết quả là đàn ong tê liệt hoàn toàn. Tôi tới hỏi mượn anh tài liệu, không dám nói thật là ong của tôi đang bị ốm. Anh đoán biết và kiểm tra. Anh phát hiện những vệt phân chi chít trên thùng mà tôi cứ ngỡ là phấn hoa. Thế là đã rõ, ong của tôi mắc bệnh “đi lỏng hàng loạt”. Nhớ hôm trước bài này, tôi đã tỏ ra rất coi thường. Thậm chí có khi nghe anh giảng: “Hàng ngày vào buổi trưa, ong có thêm một giờ “đi ngoài” tập thể nên trong thùng ong không bao giờ có phân”. Tôi là đứa cười to nhất bọn. Khi về tôi nói với mấy đứa bạn là “ông ấy” bịa. Làm thế nào biết được cơ chứ ? Mà biết thế thì ích lợi gì !
Anh lại cùng tôi điều trị, nhưng tôi thấy anh lầm lì, khó chịu. Anh nói đàn ong của tôi đã mất chúa, phải gây ngay chúa mới. Rồi đàn ong của tôi đang có tình trạng xấu: “ăn cắp mật !”. Tôi chưa hề nghe ai nói điều nay. Anh muốn nói gì? Tôi không chịu để “người ta” nói cạnh, nói khoé mình. Tôi đã bị xúc phạm ! Tôi nói thẳng với anh là thà bỏ nghề chứ nhất định không ai được đụng đến danh dự của tôi. Thế là thành to chuyện. Anh đưa tôi ra chi đoàn đề nghị tập thể phê bình vì thiếu tinh thần làm chủ tập thể, không khiêm tốn học hỏi, lại còn tự ái, không dám dũng cảm nhận lỗi… ức quá, tôi nói chua ngoa là anh chụp mũ, anh trù tôi, rồi hu hu khóc bỏ họp ra về, làm đơn xin thôi việc.
Tối hôm sau tôi đem lá đơn tới chỗ anh. Anh lặng lẽ cầm và rủ tôi đi dạo mát. Tôi nói tôi không nóng. Anh lấy trong cặp ra một chiếc phong bì xinh xinh đưa cho tôi. Tôi nói tôi không có thư từ gì hết, rồi nguẩy tóc ra về. Nhưng không hiểu một ý nghĩ nào kéo chân tôi dừng ở cửa. Tôi thẫn thờ cắn móng tay. Tôi có cảm giác trong người nóng ran lên. Tôi lặng lẽ quay vào. Lá thư vẫn còn đó. Tôi không dám nhìn anh, nhưng tôi biết anh đang đứng đấy nhìn tôi chằm chặp. Tôi giật lá thư tưởng như có bàn tay ai giằng lại. Tôi vụt chạy tưởng như có ai đó đuổi theo. Về tới nhà tôi vội bóc ra xem. Thư anh viết ngắn, hết sức dịu dàng. Anh giải thích cho tôi về tật xấu “ăn cắp mật” của ong là có thật, rất dễ biết, chỉ cần theo dõi tỉ mỉ một chút. Anh xin lỗi tôi về sự nóng nảy của mình và khuyên tôi cố gắng học tập. Chúng tôi sống dè dặt, lạ lùng mấy tháng. Nhưng rồi tình yêu không cho phép người ta cứ làm lạ mãi. Khi anh ở nhà, tôi đã cố tình tránh anh, tới lúc nghe anh có giấy gọi lên họp ở tỉnh một tháng, anh đi rồi tôi mới nhận ra mình đã thương. Một tháng xa nhau ấy đối với tôi vừa dài, vừa hồi hộp lạ. Tôi mong anh về. Tôi thầm trách sao anh không viết thư cho tôi.
Hôm về, anh nói, anh đang cùng một người bạn là kỹ sư chuyên về ong nghiên cứu chung một phương pháp nuôi ong mới, phù hợp với khí hậu quê mình, có thể đưa năng suất mật tăng gấp đôi, nhưng còn phải thể nghiệm nhiều lần.
Rồi chiến trường kêu gọi, chúng tôi chia tay cũng vào một đêm trăng thế này trên bờ mương quê hương. Anh đi bộ đội, sau đó tôi được hợp tác xã cử đi học kỹ thuật nuôi ong ở nước ngoài.
Chúng tôi tạm xa nhau.
Tôi được về nước. Tôi được về quê. Tin anh hy sinh ở chiến trường đến với tôi khi tôi vừa đặt va ly xuống bậc thềm trại ong của hợp tác xã.
‑ Chị, chị Liên ơi ! – Hơ Lơ gọi giật tôi lại. Tôi đã đi trước Hơ Lơ lúc nào không biết – Lại đây rửa chân tay, nước đập Đắk Kơ Tung có mật đấy.
Tôi ngoan ngoãn theo chân Hơ Lơ xuống mặt đập. Nước mơn man reo khẽ dưới chân chúng tôi. Cánh đồng xã Đắk Hoa lúc này sao giống quê tôi quá…
 
*
 
Hai chị em tôi về tới nhà thì không thấy ông ngoại Hơ Lơ đâu cả: “Ông mình đi rồi”. Hơ Lơ đặt ba lô xuống bậc thềm, dáng buồn bã. Tôi đứng ngoài sân nhẩm tính thế nào mai cũng lên núi gặp boók Phới ! Có một người nuôi ong kỳ cựu như thế thật may mắn cho nhiệm vụ của tôi. Hơ Lơ mở cửa mời tôi vào rồi lấy diêm thắp cây đèn  dầu làm bằng quả bom bi, ngọn khá to và sáng. Cây đèn có hình thù ngộ nghĩnh, lại trổ một đàn ong đang vây tên Mỹ. Nét trổ rất tinh vi, khéo kéo và sinh động. Tôi nhấc lên coi kỹ, trầm trồ khen. Hơ Lơ liến thoắng:
‑ Cái đèn kỷ niệm đó. Ông ngoại miết. Mình về, ông nói cho mình làm ánh sáng.
‑ Ai làm cho ông đấy ? – Tôi hỏi.
‑ Anh mình làm một tay.
‑ Thương binh à ? Giỏi thật ! Bây giờ anh Hơ Lơ ở đâu ?
‑ Anh mình hy sinh rồi !
Tôi ngồi im nhìn Hơ Lơ bận rộn rót nước ra chén. Tôi nhấp từng ngụm nhỏ, hình dung ra anh Hơ Lơ chỉ có một tay, phải khó khăn thế nào mới tạo nên cây đèn độc đáo này.
‑ Chị ở nhà nhé, em đi đây chút.
Hơ Lơ cầm quyển vở loại vở trăm trang nói vội với tôi rồi vụt ra sân biến mất. Tôi đứng tựa cửa thẫn thờ ngóng đợi. Một lúc sau, tiếng loa công cộng bật lên bản nhạc tơ ‑ rưng. Âm thanh bung ra rộn rã, bay lơ lửng trên không rồi đọng lại, rơi lả tả xuống đồng. Một giọng hát con gái cất lên trong trẻo, tưởng như tiếng hát ấy cũng phát ra từ cây đàn thánh thót. Đúng là giọng Hơ Lơ. Thì ra em đi đây chút là thế đấy.
Ngoài sân sương đã ướt lá. Phía cuối cánh đồng, một vệt thẫm kéo dài hừng lên những quầng sáng điện. Nông trường cà phê của huyện mà khi chiều ngồi trên xe qua đó tôi đã thốt lên: mê quá ! Đắk Hoa, ai khéo đặt tên, cái tên ấy có từ bao giờ nhỉ ? Tôi chợt nhớ miền quê nhãn lồng của tôi, nhớ ngày nhập ngũ. Hôm nhận được giấy gọi của Phòng tổ chức, tôi vào diện “suôn sẻ” nên được chuyển sang bộ đội đi xây dựng kinh tế mới ở Tây Nguyên. Tôi rất băn khoăn. Liệu nghề nghiệp có được sử dụng đúng không ? ở bộ đội làm gì có chuyện nuôi ong ? Tôi nghĩ tới anh, tới công trình bỏ dở của anh. Anh ra đi thanh thản mặc dù công việc của anh đang ở vào giai đoạn cuối. Tôi sẽ làm được gì xứng đáng với tình cảm của anh. Trước khi đi, tôi tới thăm và chào mẹ. Thấy tôi, mẹ khóc. Nước mắt của những người mẹ bao giờ cũng gợi cho ta nhiều suy nghĩ. Mẹ khuyên tôi lập gia đình và trao cho tôi quyền sách viết dở của anh. Tôi lật vội, nhìn lướt những trang đầu: “Thử bàn thêm về phương pháp lên tầng ong”. Đây là biện pháp tăng năng suất mật có hiệu quả cao nhất, cùng với sự phát triển của đàn ong. ở một số nước tiên tiến, đã áp dụng thành công nhưng người ta cũng chưa thật thoả mãn. Nước ta mới chỉ áp dụng được một vài nơi. Việc đúc rút thành kết luận chung còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố ở mỗi địa phương… Tôi áp quyển sách vào ngực. Mẹ lau nước mắt cho tôi. Đêm đó tôi đã thức trọn, đọc đi đọc lại cuốn sách của anh. Những vấn đề anh đặt ra gợi cho tôi rất nhiều cái mới. Tôi cứ ở nhà mà “lên tầng” ư ? Phải đâu những công trình sáng tạo có được chỉ nhờ ở phòng thí nghiệm ? Tôi là một kỹ sư mới ra trường…
‑ Chị, chị Liên ơi ! ‑ Hơ Lơ vụt về như một luồng gió. Hai bàn tay mát lạnh bíu qua vai, ghì chặt lấy tôi như một đứa trẻ. Tôi cù vào sườn Hơ Lơ. Hơ Lơ buông tôi, tay ngoắt ra sau, mặt vênh lên lém lỉnh:
‑ Đố chị biết có gì ở tay em ?
‑ Gì thế ? – Tôi hỏi.
Hơ Lơ xoè hai bàn tay ra trước cười khanh khách. Tôi thấy có vật gì trăng trắng liền hỏi:
‑ Thư người yêu à ?
‑ Ô, không phải đâu. Thư người chị em đấy. Chị ưng xem không ?
‑ Có.
Chúng tôi cùng vào nhà, chụm đầu bên cây đèn của Hơ Lơ xem mẩu giấy nhỏ, nét chữ nắn nót, tròn trịa:
ơ, con chim chèo bẻo ơi ! Anh cùng về với ngoại nhưng giữa đường gặp vùng dược liệu quý nên phải ở lại đánh dấu. Anh nói ngoại về trước. Khi tới nhà, ngoại bảo con chim chèo bẻo đi họp cán bộ xã rồi. Cán bộ ạ, mấy bữa nay anh được ban quân y cử theo đoàn khảo sát rừng để khoanh vùng dược liệu. Hiện đang ở chỗ ngoại. Con chim chèo bẻo cố gắng đập cánh lên đây với anh một bữa nghe.
Lơ ‑ Dược tá”
 ‑ Nó không phải là anh đâu. Nó là con gái đấy – Hơ Lơ nghiêng cổ nói.
- ơ… ‑ Tôi ngạc nhiên , mấy cô này ranh thật. Tôi nghĩ thế.
‑ Mình cùng tên với nó, ông ngoại cho chúng mình làm chị em theo phong tục.
‑ à …
Hai đứa tôi nằm chung một giường, đắp chung một chăn. Tôi gợi chuyện Hơ Lơ, muốn biết thêm cuộc đời của hai ông cháu. Trước hết phải hiểu đất, hiểu người – chính uỷ đã dặn đi dặn lại khi tôi được cử về xã ‑ có như thế công việc của mình mới tự nó nhận ra phương pháp… Làm ăn lớn, lơ tơ mơ là hỏng. Tôi vụng về hỏi Hơ Lơ:
‑ Hơ Lơ nhập ngũ năm nào đấy, ở bộ đội vui lắm nhỉ ?
‑ Vui quá đi chớ ! Hơ Lơ sôi nổi nói.
‑ Hơ Lơ kể chuyện ông ngoại làm ong cho mình nghe đi.
‑ Em thổi đinh jơng[1] đã.
Dường như Hơ Lơ không để ý tới câu hỏi của tôi. Hơ Lơ ngồi dậy, vén màn lấy ống đinh jơng treo trên vách, đoạn vươn người tới bàn chúm miệng tắt đèn. Căn nhà nhỏ tối sập lại, lúc sau tôi mới nhận ra luồng sáng rọi qua phía cửa sổ hắt vào. Có lẽ trăng đã lên cao. Hơ Lơ nghiêng người thổi đinh jơng. Đôi môi mỏng lướt qua, những ngón tay bật bật, âm thanh thoảng nhẹ như gió. Rồi sau đó, hình như tôi nghe được tiếng rì rào của lá, tiếng một con sóc nhảy động cành, tiếng suối chảy trong lèn đá, tiếng một loài chim ri chiu chít, có cả tiếng ai đó đang thì thầm tâm sự…
‑ Ông ngoại mình bị cơn gió độc của máy bay thằng Mỹ thổi, không thở được ‑ Hơ Lơ nghiêng người về phía tôi, đặt ống đinh Jơng lên ngực, kể ‑ Bội đội công tác ở làng khiêng ông về bệnh xá cho uống thuốc, tiêm thuốc. Một con trăng thì ông ngoại khỏi. Ông khỏi rồi càng thương lũ thương binh nhiều hơn. Ông về nhà lấy ba ghè mật to cho lũ thương binh. Hôm gùi mật tới, ông thấy các chị làm thuốc gọi Lơ ‑ dược tá: “Lơ ơi, Lơ ơi”. Ông vui quá, nắm tay Lơ ‑ dược tá kéo lại với mình:
- Mày có tên Lơ, cháu tao cũng có tên Lơ. Bằng đầu nhau rồi, làm chị em được. Cho mày làm người chị em với nó theo phong tục Ba Na.
Lơ ‑ dược tá đỏ mặt nói với ông:
‑ Người già ơi, cháu hỏi cán bộ đã.
Ông nói:
‑ Cán bộ không ưng à ? Ưng chớ, sao không? Bộ đội, đồng bào bằng nhau cái bụng.
Được cán bộ đồng ý, hai Lơ trở thành chị em. Ông ngoại thương hai đứa như nhau. Ông nói đã làm chị em phải ở chung một nóc. Lơ ‑ dược tá thì không về ở nhà được rồi. Hơ Lơ phải đến ở “nóc” bệnh xá phục vụ lũ thương binh thôi. Dân làng Đê‑Bơ‑Ngăn làm lễ tiễn Hơ Lơ. Hôm đó cũng là ngày bệnh xá kết nghĩa với dân làng.
Nhiệm vụ của Hơ Lơ là hát cho các chú, các anh thương binh nghe, vì lúc ấy Hơ Lơ còn bé. Nhiệm vụ của Lơ ‑ dược tá là dạy cho Hơ Lơ biết chữ, biết cùng làm viên thuốc. Có Hơ Lơ ríu rít, các chú, các anh thương binh vui lắm. Ông và dân làng lui tới bệnh xá luôn. Bệnh xá cũng cho cán bộ về giúp làng giữ vệ sinh. Làng bỏ bớt được một số phong tục cũ. Người đau biết uống thuốc. Nhà ai cũng biết ăn ở sạch. Cả làng cùng sạch. Hai nơi thi đua nhau công tác, vui lắm.
Anh em thương binh thấy Hơ Lơ hát hay nên dạy cho Hơ Lơ biết nhiều bài mới. Các anh còn dạy cho Hơ Lơ biết đọc nốt nhạc trên giấy. Có chữ, có nhạc, đầu Hơ Lơ sáng hơn trước nhiều. Hơ Lơ thích đọc sách báo. Mỗi lần gặp ông ngoại, Hơ Lơ có nhiều cái mới để kể. Thấy cháu biết nhiều chuyện, ông hỏi:
‑ Cái chữ cho mày nhiều chuyện, mày cho ông mượn mấy chữ được không ?
‑ Được chớ ! ‑ Hơ Lơ nói.
‑ Không được đâu ‑ ông nói ‑ đầu người già như quả bí già. Càng già nó càng cứng, cái chữ không vào ở được.
‑ Quả bí nấu được mềm ‑ Hơ Lơ trả lời ông ‑ Ông học miết nó vào ở được chớ.
‑ Quả bí nấu được mềm, đầu người nấu cho chết à ?
‑ …
Nghe Hơ Lơ và ông ngoại nói chuyện, Lơ ‑ dược tá cười chảy nước mắt. Nó nói:
‑ Học chữ Kinh không khó bằng làm mật ong đâu, Ông ưng học là con chỉ cho liền.
‑ Học nói miệng được rồi ‑ Ông ngoại nói – chữ nhiều như con ong, ông không nhớ hết đâu.
Ông ngoại không học chữ nhưng nói tiếng Kinh thì không thua Hơ Lơ. Mỗi lần tới bệnh xá, ông nói tiếng Kinh với mọi người. Khi quên, ông nói tiếng Ba Na, vui lắm.
Năm ấy bọn địch chịu ký hiệp định Pa-ri. Chiến trường có thời gian bớt căng. Các đơn vị củng cố lực lượng, xây dựng và bảo vệ vùng giải phóng. Bệnh xá củng cố lán trại chuẩn bị phát triển thành bệnh viện đa khoa. Mọi người ở bệnh xá đều gọi ông là bá Phới. Các anh thương binh gọi vui bệnh xá là “nóc bá Phới”. Chưa được bao lâu, lán trại mới dựng được một nửa thì thằng Mỹ – Thiệu lật lọng. Chúng cho máy bay trinh sát bay dọc nước Kơ‑rông‑pa rồi quần lượn vùng làng Đê‑Bơ‑Ngăn. Lúa đang mùa đông sữa. Bắp đang mùa khô vỏ thì chúng càn lấn chiếm. Bệnh xá phải dời chỗ. Làng bị bom lửa ăn. Dân làng chạy mỗi nóc một ngả, nửa tháng sau mới tụ nhau về ở gần bệnh xá. Cán bộ khuyên ông ngoại tới ở chung với hai cháu. Ông nói: “Lúc chưa có gió không về, bây giờ có gió bão thằng Thiệu làm khổ làng, ông bỏ đi được à?”. Ông lần về làng cũ tìm những ghè mật còn lại trong các hốc cây, hang đá cho bệnh xá.
Nhiều bọng ong của ông bị bom lửa ăn chung với rừng núi. Những bọng không bị lửa thì bị thuốc độc, ong sợ bay đi hết. Mất ong, ông già trở nên lầm lì, ít nói. Mắt ông sâu hơn, tóc ông bạc hết. Ông lặng lẽ xách rựa lên rừng gây dựng những bọng ong mới.
ở bệnh xá có một anh thương binh mất cánh tay trái. Anh rất thích nuôi ong. Anh nói quê anh có nhiều ong lắm. Ngày còn ở nhà anh cũng làm ong. Anh hí húi đóng một cái “nhà” ong bằng thùng thuốc Lơ ‑ dược tá cho. Anh hỏi sao ông không cho ong về nhà. Ông nói không được. Con ma núi ghét cho mặt đắng, có con giòi hôi.. Anh xin cán bộ cho theo ông lên núi làm ong. Anh thương ông nhiều. Anh cho ông quần áo, ông nói ông mặc không quen, dây rừng  kéo ngã. Một con trăng sau, hai người ở trên núi cao làm chung ong. Có nhiều ong rồi, ông khen anh giỏi và nhận anh làm con. Hai người như lưỡi rựa với cán rựa, không xa nhau một bước. Đơn vị gọi anh về cho ra bắc học cán bộ. Anh xin ở lại làm ong với ông để lấy mật cho bệnh xá. Ong ở trên núi có nhiều rồi mà ông vẫn không chịu cho đưa về nhà. Làm thay đổi ý người già khó lắm. Anh bí mật cho một tổ ong về kho thuốc của Lơ ‑ dược tá. Tới ngày lấy mật, anh dẫn ông vào coi. Ông sợ lắm, thét:
‑ Mày làm con gấu ăn trộm mật của Giàng, Giàng  phạt, Giàng lấy hết con ong ‑ Ông nhìn anh. Chưa lúc nào anh thấy mắt ông dữ đến thế.
‑ Chết rồi ! ‑ Ông nói – phải cúng Giàng thôi, phải trả con ong về núi, về bọng cây !
Ông về làng mua một con heo to, ba ghè rượu cúng Giàng. Ông bắt anh phải trả con ong về chỗ cũ, nếu không ông không cho làm chung nữa. Biết làm thế nào ? Anh phải nghe ông…
Hơ Lơ ngừng một lát nhìn ra cửa. Tôi hỏi:
‑ Hồi ấy ác liệt lắm Hơ Lơ nhỉ ?
Hơ Lơ nói:
‑ ác liệt hung ! Càng gần chiến dịch, thương binh về càng nhiều. Cái khó có nhiều. Thế mà cũng có nhiều vui đấy.
ở chiến trường, những lúc căng thẳng nhất thì đời sống của bộ đội lại càng vui. Các đoàn văn công bung ra phục vụ chiến sĩ. Hôm ấy, bệnh xá được đoàn văn công tỉnh đội về diễn hai đêm. Hơ Lơ được các anh thương binh giới thiệu lên tham gia tiết mục. Lần đầu tiên Hơ Lơ lên sân khấu có ánh đèn măng sông sáng chói trước đông người. Hơ Lơ hát bài “Lời con chèo bẻo”. Hơ Lơ vừa hát, vừa múa. Cây đinh jơng deo trước ngực, thỉnh hoảng Hơ Lơ ngừng hát để thổi.
…. Con chim đậu trên nóc nhà rông. Con chim hót lời ông bà, đất nước. Con chim đậu trên vai anh thương binh. Con chim hót lời thương nhiều nhớ lắm. Con chim bay ra ngoài rẫy, đậu trên cành cây khô, hót lời chửi thằng Mỹ – Thiệu ăn trộm lúa đồng bào…
Lúc đầu Hơ Lơ còn rụt rè, hai má chín đỏ như trái cây lơ‑pang. Nhưng bài hát nhanh chóng cuốn hút Hơ Lơ. Hơ Lơ quên mất người xem, cứ nghĩ mình là con chim đang hót. Tiếng vỗ tay rào rào. Hơ Lơ chạy xuống chỗ ông thì bị tay Lơ‑dược tá kéo lên. Nó nói: “Phải hát lần nữa” !.
Hôm ấy có thủ trưởng tỉnh đội về thăm bệnh xá. Đoàn văn công xin rút Hơ Lơ, Hơ Lơ cũng ưng, nhưng còn nhớ ông ngoại, nhớ bệnh xá. Hơ Lơ ưng được ở cả hai nơi, làm cả hai việc. Thấy Hơ Lơ được người cán bộ già khen, ông ngoại vui lắm. Ông nói với cháu:
‑ Mày đã là con ong có cánh rồi, không phải như con bọ ở miết trong tổ đâu. Con ong có cánh, con ong bay xa, lấy mật. Mày có miệng hát hay, phải đi hát cho nhiều người nghe chung lỗ tai chớ.
Thế là Hơ Lơ trở thành diễn viên.
Sáng mai đoàn văn công lên đường.
Sáng mai Hơ Lơ lên đường.
Tối chia tay bệnh xá, Hơ Lơ vui có, buồn có, không biết sửa soạn những gì. Lơ ‑ dược tá đã chuẩn bị chu đáo cho Hơ Lơ.
Khuya rồi, các anh thương binh đã ngủ, rừng núi cũng đã ngủ. Trời mưa. Mưa ở rừng già chậm rãi, nặng nề. Bốn ông con ngồi quanh đống lửa. Ông ngậm ống điếu, phà khói liên tục. Người con trai mất một cánh tay ngồi bên ông. Ông nhìn ngọn lửa và hai đứa cháu. Lơ ‑ dược tá đưa cho ông một ca rượu thuốc. Ông đưa lên đôi môi dày, run run uống. Những lúc chia tay, người ta thường lặng lẽ chờ miệng người già. ông ngồi im nhìn vào ngọn lửa reo phần phật. Bỗng đôi chân mày to, trắng như râu bắp non của ông nhướn lên, những nếp nhăn trên mặt ông tụ về hai đuôi mắt. Ông hơi ngả người ra sau, nhìn Hơ Lơ, khẽ hắng giọng. Lời hát kể bật ra rè rè rung lên, lúc sau thì ấm lại:
Không phải ông như cây khô ngoài bãi tranh đâu.
Ông cũng có người vợ, người con.
Con ông làm du kích đánh Tây.
Tây giết !
Người vợ ông bị cái đói bắt chết.
Thằng giặc muốn ông như cây khô ngoài bãi tranh khô.
Nhưng con suối mát đã cho ông làm cây tốt lá.
Làm cây tốt rễ..
Ông ngừng lời, nuốt cái nghẹn ở cổ. Đôi môi ông rung lên. Hai giọt nước mắt to lăn trên má, rồi hai giọt nữa kéo thành vệt… Nước mắt rơi xuống khuôn ngực chi chít những vết sẹo. Ông muốn cho con cháu biết giọt nước mắt người già.
… Không phải con cháu ông không có mẹ có cha.
Mẹ cha nó làm cách mạng.
Chết cho dòng nước Kơ‑rông‑pa...
Bài hát nhắc lại ngày cách mạng mình còn như cây thuốc non bị trận mưa lớn. Bọn Mỹ – Diệm bắt những gia đình có người cộng sản phải làm con bò, con heo trong ấp. Người Kinh, người Thượng, người trẻ, người già, chúng không thương. Chúng cướp mất vợ con ông. Ông chỉ còn đứa cháu ngoại mới biết bò. Ông sống như cây Kơ‑rắc đơn độc. Nhiều người khuyên ông, ông theo lời nói tốt ôm đứa cháu đi ngược con nước. Đường đá gập ghềnh nhưng chân ông rất khoẻ. Tới một đoạn sông rộng, nước cạn, ông lội qua. Đứa cháu chết lịm trên tay ông. Ông lấy nứa làm lửa sưởi cho nó. Nó mở mắt, khóc như con chuột. Ông ôm cháu theo con đường nhỏ lên núi. Mất một đêm mới gặp dân làng Đê‑Bơ‑Ngăn. Dân làng cho ông cháu cơm và muối. ông ở lại đó nuôi cháu, nuôi cái thù. Bây giờ nó lớn rồi… Đêm nay, ngày mai nó đã là con ong có cánh bay xa được rồi, ông không để trong bụng làm gì. Mai mốt nó đi xa, nó không có lời trách ông…
Rừng đã ngớt mưa, gió lao xao đánh thức lũ chim ku‑rúc gọi sáng. ánh lửa tạc bóng ông lên vách nhà hầm lặng lẽ. Thấy người con trai và hai đứa cháu sụt sịt khóc, ông nói:
‑ Khóc à ? Khóc ít, được. Khóc nhiều, nước mắt không rửa được cái thù đâu.
Sáng hôm ấy Hơ Lơ xa ông ngoại.
Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng đến như trong một giấc mơ. Hơ Lơ được về phép thăm ông giữa lúc dân làng Đê‑Bơ‑Ngăn đang dời xuống thung lũng Đắk Hoa cùng hai mươi bốn làng định canh, định cư xây dựng cánh đồng thí điểm. Chỉ có mình ông ngoại không xuống.
Thấy cháu về, ông mừng lắm.
‑ Ha ! Ha ! Con ong đi lấy mật đã về tổ, con ong có bay đi nữa không ?
‑ Thủ trưởng nói cho con về phép một tháng, mai mốt ưng phục viên thì giải quyết sau.
‑ Người cán bộ già nói hả ?
Hơ Lơ cười, trả lời ông ngoại:
- Trẻ có, già có.
Ông ngoại cầm tay Hơ Lơ giơ ên coi:
‑ Cái tay này múa mềm, có còn nhớ cầm con rựa chặt củi, cầm cái cuốc làm cỏ không ?
‑ Nhớ nhiều ‑ Hơ Lơ trả lời ông.
‑ Mày làm coi thử !
Hơ Lơ lấy rựa chặt cho ông ngoại một gùi củi to, bằng đầu nhau. Ông khen:
‑ Giỏi thật rồi. Mày còn nhớ người anh, người chị không?
‑ Nhớ. Anh đâu, chị đâu ông?
Ông không trả lời cháu, hai tay chậm rãi mở một gói nhỏ bọc ni lông đã ngả vàng, lấy ra một tấm ảnh. Người trong ảnh đứng trên tảng đá lớn, anh mất một tay, tay còn lại chống vào mạng sườn, mắt nhìn ra xa. Hơ Lơ ôm ghì lấy đôi vai gầy của ông, nức nở. Ông vụng về đưa những ngón tay sần sùi lên má cháu, lau cho nó. Một lúc, ông lấy cho Hơ Lơ lọ thuốc “sữa chúa ong” của Lơ‑ dược tá làm. Ông nói:
‑ Mày được là cán bộ chưa? Chưa à? Thua nó rồi. Nó là cán bộ tthuốc của tỉnh.
Hơ Lơ ngồi dậy cầm đinh jơng thổi. Tôi cũng ngồi dậy, đưa tay ôm ngang người Hơ Lơ. Hơ Lơ nghiêng đầu áp vào ngực tôi:
‑ Chị thương mình à ?
‑ ừ … chị … thương.


 

Chúng tôi ngồi như thế rất lâu. Âm thanh đinh jơng bây giờ dịu nhẹ, vui dần. Tôi mân mê đuôi tóc loăn xoăn của Hơ Lơ. Hơ Lơ ngả đầu vào người tôi như đứa em gái. Tôi nói:
‑ Hơ Lơ à, mai mình cũng xin ông ngoại làm chị em với Hơ Lơ nhé.
‑ Ô, thế à ? Vui lắm. Mình kêu chị Lơ‑kỹ sư nhé ‑ Hơ Lơ giụi đầu vào ngực tôi, giọng buồn buồn ‑ Ông không về đâu. Ông cứ nói miết: ong của rừng núi, hoa của rừng núi, của Giàng, đưa con ong xa núi, xa rừng, Giàng phạt.
Hơ Lơ đã ngủ, ống đinh jơng để trên ngực, tôi rón rén gỡ khỏi tay bạn, vén lại màn, rồi lững thững ra sân.
Đêm ở thung lũng Đắk Hoa bàng bạc sáng. Có tiếng một bầy chim rất lớn ào qua, tưởng như tiếng những đàn ong đang di chuyển.
                                                   T.T.Đ
 


[1] Đinh jơng là một loại nhạc cụ bằng nhiều ống nứa nhỏ ghép lại dùng cho con gái thổi.