VIDEO
Tin nóng
QUẢNG CÁO
LỊCH
LIÊN KẾT
THƠ VĂN BẠN BÈ
CỔNG LÀNG TÔI
Ngay từ hồi còn bé, tôi đã thuộc và nghêu ngao bài hát mà mãi sau này tôi mới biết là của nhạc sĩ Chung Quân sáng tác từ lúc ông mới 16 tuổi,...CỔNG LÀNG TÔI
.
Ngay từ hồi còn bé, tôi đã thuộc và nghêu ngao bài hát mà mãi sau này tôi mới biết là của nhạc sĩ Chung Quân sáng tác từ lúc ông mới 16 tuổi, đó là bài “Làng tôi” với những câu: “Làng tôi có cây đa cao ngất từng xanh. Có sông sâu lờ lững vờn quanh. Êm xuôi về Nam…” mà sao lại thấy cái làng trong bài hát giống làng mình thế. Chỉ hơi khác là làng tôi không có cây đa, thế nhưng lại có tận hai cây quéo. Trong Nam và nơi khác thì gọi là cây xoài nhưng làng tôi thì gọi là cây quéo vì nó còn gắn với một câu phương ngôn có lẽ chỉ làng tôi hay vùng quê tôi mới có là: “Được mùa quéo thì ngoéo mùa chiêm”. Bởi vì giống cây này ra hoa vào chặp giêng hai, nếu trời không mưa, hoa thụ phấn tốt, cây sai quả thì “được mùa quéo”, nhưng lúa chiêm lại thiếu nước thì sẽ “ngoéo mùa chiêm” là như thế. Hai cây quéo mọc trên gò đất cao giữa làng tạo nên hai cái lùm cây xanh mà về cách làng hàng cây số đã thấy nó hiện lên trên hàng tre và nền trời xanh như một biểu tượng của làng. Làng tôi cũng có “sông sâu lờ lững vờn quanh” vì nằm lọt vào ngã ba giữa hai con sông là sông Hóa và sông Luộc nhưng không “êm xuôi về Nam” mà là xuôi về phía Đông để ra biển, bao đời nay ôm ấp làng tôi như trong câu hát.
Làng tôi tuy nhỏ, mỗi bề chưa đến một cây số nhưng vẫn hội đủ mọi đặc trưng của một làng quê Việt Nam nghĩa là có lũy tre xanh và hào nước đầy bao bọc, nhìn cảnh ấy lại liên tưởng đến câu thành ngữ “đào hào đắp lũy” vì đất đào lên thì đắp thành lũy trồng tre gai. Làng có hai trục đường chính theo hướng Bắc – Nam thì ở đầu và cuối mỗi con đường là một mặt làng, mỗi mặt làng là một cổng làng xây gạch có cánh cổng bằng gỗ lim, tối đến là đóng chặt lại để phòng trộm cướp. Mỗi cổng làng lại có tên gọi riêng: Cổng Đình ở góc Tây làng và gần đình làng nên mang tên thế. Đối diện cổng Đình là lối đi chính ra đồng ở góc phía Đông, nếu thế nên gọi là cổng Đông hay cổng Đồng thì chẳng hiểu sao làng lại cứ gọi là Đồng Cổng, cùng tên với một xứ đồng làng. Góc phía Nam làng gần chùa nên cổng làng gọi là cổng Bụt. Đối diện cổng này ở góc phía Bắc làng là cổng Rặc. Đến đây thì tôi muốn dừng lại một chút nói về cái tên gọi này. Tôi không hiểu chữ “Rặc” là có nghĩa gì nên đã tra mấy thứ tự điển tiếng Việt đều cho kết quả là một nội động từ chỉ nước triều cạn khô. Trong ca dao cũng có câu: “nước lên con cá đối theo lên, nước rặc con cá đối nằm trên miệng lờ” Hay là các cụ làng tôi ngày xưa muốn chỉ cổng ấy đi ra một cánh đồng bãi ngoài đê sông Luộc khi thủy triều xuống. Cũng có lý, bởi bên bờ sông Hóa phía Nam làng cũng có bãi bồi nhưng thế đất cao hơn mặt nước sông khá nhiều, lại là sông nhỏ, hơn nữa từ làng tôi ra cửa sông Thái Bình nơi sông Hóa hợp lưu đổ ra biển đường xa hơn, thủy triều chưa kịp dâng lên đến sông làng tôi thì triều đã xuống. Còn bãi bồi phía Bắc sông Luộc vừa rộng hơn lại sát mép nước và khoảng cách từ đó ra Quý Cao rồi ra cửa Thái Bình ngắn hơn nên ảnh hưởng thủy triều lên xuống rõ rệt hơn và bãi bồi nơi ấy nước lúc dâng lúc cạn “rặc”.
Làng tôi thì có từ lâu rồi, cứ theo bản Thần phả hiện lưu giữ ở đình làng do Đệ tam giáp tiến sĩ, thượng thư bộ Lễ Nguyễn Thái vâng mệnh soạn vào “Ngày tốt tháng giêng năm Hồng Đức thứ ba (1473 – thời vua Lê Thánh Tông” thì làng tôi đã có từ thời Hùng Duệ vương (vua Hùng thứ 18 năm 334 ~ 258 TCN). Thần phả ghi: “Khi Duệ vương phong cho anh em Cao Sơn, Quý Minh làm tả hữu kiên thần đem quân đi dánh Thục Phán, ông Cao Sơn đem quân đến đất Hồng Châu (Hải Dương) thủy binh cập bến Hồng Giang, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng…. do quan sát thấy địa thế trại Tranh Chử sông ngòi uốn lượn như rồng ôm, núi không cao mà nước cũng không sâu, hai bên có thể qua lại dễ dàng thuận lợi, ông Cao Sơn liền lệnh cho quân sĩ và dân làng lập ngay một đồn canh để sau này phòng chống quân Thục”.
Như vậy chứng tỏ rằng làng tôi có từ thời ấy. Nhưng cổng làng thì được xây từ bao giờ? Những vật thể kiến trúc của làng như đình làng, chùa làng thì đã có những căn cứ để biết được thời gian xây dựng. Chẳng hạn như đình làng thì trong tộc phả họ Nguyễn Bá lập từ năm thứ ba niên hiệu Đoan Khánh (1507 triều Lê Uy Mục 1505 ~ 1509) hiện còn lưu giữ tại nhà thờ tổ họ Nguyễn Bá có ghi là do cụ khởi tổ Nguyễn Bá Nghi đứng ra xây dựng: “… Được ba năm thì nơi ấy trở nên xóm ấp quây quần, còn dựng được cả ngôi đình lớn ba gian hai chái... Đình làm năm Thân (Nhâm Thân 1512), đến năm Dậu (Quý Dậu 1513) thì xong…” Còn chùa làng lại phải mấy chục năm sau như trong tộc phả họ Nguyễn Bá làng Tương (xã Hồng Thái huyện Ninh Giang ‒ là một ngành của họ Nguyễn Bá làng anh hử) ghi lại thì: “Năm Canh Dần (1530) cụ Phúc Long đứng ra vận động xây chùa, tạc tượng, đúc chuông…”, cho nên lấy tên là chùa Phúc Long hiện còn lưu dấu ba chữ tên chùa đến ngày nay. Trong cuốn tộc phả này còn có chỗ ghi : “Cụ Nguyễn Năng Rong là con trai một của cụ Phúc Long thì siêng năng sửa sang thôn ấp, ươm giống cây đa trồng ở nhiều nơi cho xóm làng luôn mát rợp bóng cây, rồi còn cho đáp lũy đào hào quanh làng và xây bốn cổng làng đặt tên là cổng Rạc (cổng Rặc), cổng Đình, Đồng Cổng (cổng Đồng), cổng Bụt... giữ cho thôn làng đước kín cổng cao tường”. Như nội dung thế phả, cụ Phúc Long làm chùa năm 1530 khi cụ 99 tuối, suy ra cụ sinh năm 1530 ‒ 99 = 1431. Cụ Nguyễn Năng Rong là con trai cụ nhưng trong thế phả không ghi ngày sinh nên chỉ có thể ước đoán là 4 cổng làng lần lượt được xây vào khoảng những năm 1500 mà thôi
So với cổng làng ở những nơi khác xây dựng từ cách nay bảy tám trăm năm thì cổng làng tôi còn “trẻ” hơn nhiều chứ! Thế mà không hiểu vì ai, tại sao mà cả bốn cổng làng tôi bây giờ mất tích không còn một dấu vết gì. Đi đến những nơi khác, thấy cổng làng người ta cổ kính uy nghi như một niềm kiêu hãnh về làng thôn họ, nghĩ đến số phận của cổng làng mình mà không khỏi tấm tức ngậm ngùi nuối tiếc.
Ai mà chả biết, cổng làng chẳng những cùng với mái đình, bến nước cây đa tạo nên hình ảnh và hồn cốt của mỗi làng quê mà nó còn là nơi ta hướng về, coi đó như một người mẹ chiều chiều ngóng đợi những đứa con xa. Mỗi lần trở lại, khi về đến đầu làng, nhìn thấy cổng làng ta thấy lòng tự nhiên ấm lại, bước chân như hết mỏi, muốn rảo nhanh lên, ào tới như sà vào lòng mẹ. Những cổng làng cổ kính khiêm nhường nấp dưới bóng tre mà sao khiến ta thấy gần gũi yêu thương đầm ấm là vậy bởi nó luôn gắn bó với cuộc sống của ta với bao kỷ niệm vui buồn từ thuở ấu thơ. Ngày nay, trong phong trào xây dựng nông thôn mới, không ít nơi cố bỏ ra nhiều tiền của thậm chí còn đi vay của Nhà nước để xây những chiếc cổng làng hoành tráng, nghênh ngang, nhưng nói thật lòng, tôi vẫn thấy nó trơ trẽn vô duyên thế nào ấy chứ không đầm ấm thiết tha bằng hình bóng những chiếc cổng làng xưa. Nét rêu phong cổ kính do lịch sử và thời gian tạo nên thì làm sao mà có thể đánh đổi bằng tiền của được. Cũng có thể một phần vì chức năng của cổng làng mỗi thời có khác nhau, cổng làng ngày xưa ngoài việc làm cửa ngõ canh giữ bình yên cho làng xóm bên trong mà về hình thức thường được xây như một gian nhà nên nó còn là nơi cho người ta trú chân khi gặp cơn mưa rào bất chợt, là nơi những người đi làm đồng hẹn chờ nhau, ngồi bệt xuống nền cổng, tựa lưng vào tường hút điếu thuốc lào hoặc trao đổi dăm ba câu chuyện... Chứ còn như những chiếc cổng “làng văn hóa” hiện nay ở nhiều nơi tuy có quy mô đến mấy cũng chỉ như một chiếc cổng chào không hơn không kém, chưa nói đến chuyện cổng thì “văn hóa” nhưng làng bên trong đó có “văn hóa” hay không như phó thủ tướng Vũ Đức Đam và nguyên phó thủ tướng Trần Thiện Nhân đã có lần phàn nàn về bệnh hình thức trong phong trào “gia đình văn hóa mới” cũng là điều khiến người ta đặt dấu hỏi. Bởi thế hình như nó ít gắn bó hơn với tâm hồn người dân hàng ngày đi qua đó như những cổng làng rêu phong cũ kỹ ngày xưa .
Cổng làng bây giờ chỉ còn là những ký ức trong tôi, nhưng nếu không ghi lại thì tin rằng mai sau ngay cả ký ức cũng không còn, lớp người sau của làng sẽ không biết được làng mình từng đã có những công trình cổ kính đáng yêu đáng nhớ như thế.
Hãy lần lượt từ cổng Đình theo trí nhớ của tôi. Vào đầu những năm 50 thế kỷ trước, tuy đã bị thời gian hủy hoại nhưng vẫn còn hình dáng cái cổng xây vuông vắn như một gian nhà, có mái cong như một chiếc long đình, vòm cao đủ để khi có đám rước kiệu bát cống vẫn khiêng qua lọt. Lúc đầu con đường từ chân đê Chùa Ngoài dài hơn trăm mét vỉa nghiêng bằng gạch nghe nói là của con gái trong làng ai lấy chồng làng khác thì phải nộp cheo bằng bao nhiêu viên gạch để vỉa nên con đường gạch duy nhất này đi qua cổng Đình vào làng. Nhưng vì đường ngang qua cửa đình nên ngay khi vừa qua cổng làng đã thấy có một tấm bia đá trên khắc hai chữ Hán “下馬 - Hạ mã” có nghĩa là “xuống ngựa” để tỏ vẻ tôn kính khi đi ngang qua đình làng. Hết phần đất cửa đình lại có một tấm bia như thế để người đi từ trong làng ra cũng phải “xuống ngựa” thực ra chỉ có bọn trẻ chăn trâu là không dược cưỡi trâu qua cửa đình thôi chứ mấy khi có người cưỡi ngựa qua đây? Thế nhưng không biết tự bao giờ, người làng từ ngoài đồng hay đi chợ về khi chợt đến gần cổng làng thì rẽ sang bên phải đi theo bờ ao trước cửa đình rồi vào làng chứ không lên dốc đi qua cổng làng và ngang qua cửa đình nữa. Thế là cả cái cổng làng gọi là Cổng Đình và một quãng đường làng đi ngang qua cửa đình bỗng nhiên rất ít người qua lại. Vì đi vòng qua bờ ao đình nên bọn trẻ chăn trâu chúng tôi cũng chẳng cần “hạ mã”, cứ việc nghễu nghện trên lưng trâu mà về làng, bỏ mặc hai tấm bia đá kia “trơ gan cùng tuế nguyệt”, về sau đến cái thời bón ruộng bằng vôi với thả bèo hoa dâu để tăng năng suất lúa thì nghe đâu đội “xung kích” Hợp tác xã đã đào những tấm bia đó cùng bao nhiêu đá kê cột đình chùa bị tiêu thổ kháng chiến còn trơ lại đem đập nát ra tôi vôi. Thế rồi không ai đi qua cổng ấy nữa, thế rồi cây cỏ mọc lên, thế rồi cổng Đình tàn tạ đi tự hồi nào không nhớ nữa. Vật liệu bị người ta lấy đi làm gì cũng chẳng ai biết chỉ thấy trơ lại một ụ đất cao hoang phế và bây giờ ụ đất ấy cũng đã bị san bằng thành đường đi hay thành đất ở của nhà ai tôi không còn nhận ra nữa.
Cổng thứ hai là Cổng Bụt ở phía Nam làng giáp với con đường rải đá đi từ bến đò làng tôi xuống huyện lỵ mà lúc đó dân làng quen gọi là đưởng Tây (do Tây làm, có quan lục lộ trông coi). Ấn tượng tôi còn nhớ được cũng vào những năm trước và sau Cách mạng Tháng Tám. Thời gian ấy thì cổng vẫn còn hình hài là một chiếc cổng xây có nền lát đá tảng, tường mốc rêu xanh vì cổng nằm khuât dưới lùm tre của lũy tre làng nối với lũy chùa làng, dưới chân lũy là hào nước quanh năm mọc kín bèo Tây, có người thì gọi là bèo Nhật Bản. Chả biết có phải là nhập giống Tây giống Nhật hay không nhưng đân làng thì quen gọi là bèo trang, chỉ biết cứ đến mùa hè là nở đầy hoa màu tím nhạt, thỉnh thoảng còn thấy cả chim cuốc lủi trong đó nữa... Cả hào và lũy tre làng đến đây tự nhiên bị ngắt ra, đến chỗ cách cổng Bụt hàng trăm mét mới lại thấy dấu vết hào và lũy phía Đông làng bắt đầu từ miếu Đống Cao mà dân làng kiêng tên húy Thành hoàng làng là Cao Sơn đại vương nên gọi chệch đi là Đống Kiêu, thì hào nước còn để dấu vết đến bây giờ là con ngòi nhỏ thông với sông đào Tranh Dương.
Cổng Bụt gần đường cái quan, nên là lối đi chính của dân nửa làng phía ấy đi chợ Tỉnh (Ninh Giang) hay Chợ Hà (Hà Phương). Cạnh đường cái có một quán nước thời tôi giết là do ông Tuyển Còn người làng gần đólại có họ với tôi mở dưới gốc một cây bàng cổ thụ gốc sần sùi đến mấy người ôm không xuể, là nơi nghỉ chân cho khách qua đường, cũng là nơi người làng hay tụ tập ăn quà uống nước và kháo nhau đủ mọi thứ chuyện trên đời. Trước cổng bên kia đường đá là một cánh đồng nhỏ có lối ra đền Mẫu Thượng ở chân đê. Bên cạnh đó là một bãi đất hoang đầy mồ mả cho nên cổng làng còn là nơi tụ bạ của những người ăn mày không biết từ đâu tới, thỉnh thoảng lại phải có người trong làng ra dồn đuổi họ đi. Hai bên trước cổng là hai con chó đá mốc rêu lầm lì như dọa người. Phía trong cổng là lối đi vào giữa làng. Hai cánh cổng bằng gỗ lim dày bịch có chân quay to như cổ chân thả xuống cái ổ đá trũng to như cái bát. Mép ngoài cánh cổng có một cái bánh xe to như cái đĩa, mỗi khi đóng hoặc mở cổng, người ta đẩy để bánh xe quay trượt trên nền cổng.
Đoạn đường này ít ao chuôm nhưng một bên đường không biết mọc lên tự bao giờ một hàng cây ruối (duối) gốc to hàng ôm, sù sì tỏa bóng lòa xòa làm cho con đường trở nên âm u ẩm thấp.Thêm nữa không biết từ bao giờ dưới chân những cây ruối xù xì ấy là những tảng đá xanh phẳng lì nhẵn thín to bằng nửa cái chiếu một, nằm rải rác mỗi nơi một tảng thành một hàng dài. Nghe nói đây là những phiến đá làm cầu bắc qua sông đào Tranh Dương còn sót lại. Cổng làng thì như thế, xóm này lại ít nhà cửa rồi lại nghe người ta bảo nơi có đá tảng là hay có ma cho nên hôm nào chiều muộn mới về đến đấy bọn trẻ con chúng tôi đều len lét nín thở chạy gằn qua cổng cho mau hoặc tìm lối tắt để không phải đi qua cổng.
Sau này mất một thời gian dài gần hai chục năm tôi không có dịp về làng. Đến khi trở lại, cảnh trí ở góc làng này đã thay đổi khiến tôi không nhận ra đâu với đâu nữa, mọi dấu vết cũ đều không còn, thay vào đấy là một dòng sông và một cây cầu xi măng dẫn vào làng. Sông Tranh Dương trước đây chỉ bắt đầu từ chỗ miếu Đống Kiêu tôi kể trên chảy xuống các xã bên dưới, có một nhánh lấy nước là một con ngòi cắt qua đường Tây bằng một cây cầu xi măng cũng gọi là Cầu Tây đi ra bờ đê sông Hóa, có cống ngầm qua đê và một đoạn ngòi đi qua bãi bồi ra bờ sông Hóa. Để chặn hoặc mở nước sông vào sông đào, người ta xây một cái van cửa kè rất to có tấm cửa kè treo trên một trục vít. Khi quay “bánh xe” (vô lăng), trục vít me sẽ nâng hoặc hạ tấm van kè để nước vào hoặc chặn nước lại. Con ngòi và cái cống lấy nước ấy bấy giờ gọi là ngòi Đồng Lọc và cống Đồng Lọc.Về sau (khoảng những năm đầu 60 thế kỷ trước), trong phong trào quy hoạch lại đồng ruộng, trong đó có việc cải tạo sông Tranh Dương, người ta muốn “ngang bằng sổ thẳng”, “sắp xếp lại giang sơn” theo kiểu “làng ta di động thêm có đất mình cày(1)”, cho đào một đoạn sông qua làng nối với sông Tranh Dương và lấp ngòi Đồng Lọc đi, xây một cái cống thủy lợi rất to ở gần bến đò để lấy nước vào sông Tranh Dương, báo hại cho mỗi mùa lũ đóng cống lại thì cát ở vòng xoáy ngã ba sông Luộc và sông Hóa tụ lấp hết cửa cống, vụ chiêm mùa nước cạn, mỗi lần muốn mở cống dẫn nước vào sông đào lại phải thuê tàu hút bùn, mất bao nhiêu công nạo vét rất tốn kém mới mở được cửa cống ra. Giờ mới biết tại sao khi đào sông người ta không lấy nước vào kiểu ấy. Thời trước, ngoài con ngòi Đồng Lọc, xuôi sông đào chừng nửa cây số nữa có một con ngòi và một cái cống cửa kè như thế nhưng lớn hơn gọi là cống và sông Kênh Diếc ở phía bờ trái sông để lấy nước sông Luộc. Cả hai nơi đều là nơi nước lặng, cửa cống có đóng cũng không bao giờ bị cát lấp. Chuyện này tôi sẽ nói vào lúc khác. Chỉ biết rằng do đào sông nên cổng Bụt làng tôi bị đào đi mất không còn dấu vết gì.
Đối diện với Cổng Bụt ở góc phía Bắc làng là Cổng Rặc. Về tên gọi của nó thì như trên tôi đã nói, nhưng cổng này có nét đặc biệt hơn ba cổng kia là dân làng ngoài những người hàng ngày đi qua cổng ấy để ra mấy bửng đồng hẻo lánh ở phía Bắc ra không còn ai khác đi qua đây vì từ đây không tiện lối sang chợ tỉnh hay đi những nơi khác.Thêm nữa, xóm này nhà ở thưa thớt và cách xa cổng làng nên cổng làng hình như biệt lập ra hẳn một nơi.Vì những lẽ đó nên có khi cả tháng tôi không qua đó lần nào. Bởi vậy ấn tượng của tôi về sự tồn tại của nó cũng rất mờ nhạt.
Cổng làng thứ tư đối diện với cổng Đình là Cổng Đồng – cổng chính ở phía Đông để ra cánh đồng chính của làng – nhưng chả hiểu sao dân làng cứ gọi là Đồng Cổng. Xóm Đông của làng dân xưa gọi là Giáp Đông sau quen gọi là xóm 1 nhiều nhà cửa hơn, lại ở gần cổng làng hơn. Nhà tôi trước cũng ở xóm ấy và chí cách cổng làng hơn trăm mét nên tôi thân thuộc với cổng này hơn. Ngay từ khi tôi biết nhớ, nhiều hình ảnh đã in sâu trong lòng và đến bây giờ cũng còn chưa phai mờ.
Cũng như những cổng khác của làng, cổng Đồng cũng xây gạch trên gò đất hơi cao dốc thoải ra đồng qua một chiếc cầu bắc bằng mấy phiến đá rộng như cái chiếu qua con ngòi nối với hào nước bên trên là lũy tre dày đặc. Không biết cổng xây tự bao giờ mà khi tôi thấy thì rêu xám đã mọc đầy, đôi chỗ có những hòn gạch non đã bở ra bị trẻ con khoét rỗng. Lòng cổng rộng như một gian nhà. Cửa ra đồng bằng gỗ lim chắc nịch, đêm đến đóng kín rạng ngày mới mở. Hai bên tai cổng nối với lũy tre làng kín mít. Nhưng cũng như cổng Đình, chả hiểu tại sao đến khi tôi biết thì một mé lũy tre đã không còn mà trở thành lối đi bên cạnh cổng, đến đêm ngăn lại bằng phên rào tre. Lòng cổng tự nhiên trở thành nơi những người đi làm đồng ngồi tránh nắng tránh mưa hay gửi tạm chiếc cày chiếc bừa hoặc dăm bó mạ đang cấy dở. Ngay gần cổng vào, ở chân gò là một khoảng đất rộng có cắm một cái cọc to nghe nói là trước đây chuyên để cột những con trâu bò ăn lúa do tuần phiên bắt được để bắt vạ nhà chủ của những con trâu bò đó bằng bao nhiêu lượm lúa, đến mùa gặt thì tuần phiên đi thu thóc “nghĩa sương” tính theo đầu mẫu - mà tôi hiểu là thứ thóc để nuôi những người làm tuần phiên - thì kết hợp thu cả khoản thóc phạt ấy nữa. Trên nóc cổng là một gian chòi canh có bao lan nhỏ ở bốn phía để khi có động thì người canh gác trên đó ra xỉa giáo mác hoặc ném gạch “củ đậu” xuống xua đuổi giặc cướp. Tôi chưa được lên cái chòi ấy bao giờ nhưng gạch “củ đậu” thì tôi đã tận mắt thấy một đống ở ngay xó ngoài chân tường cổng không biết đổ ở đấy từ bao giờ mà viên nào cũng mốc rêu xanh lè, đó là những viên gạch vỡ được đập nhỏ ra bằng nắm tay, giống như cái củ đậu nên mới mang tên như thế. Việc canh gác thì tôi được nghe kể lại rằng mỗi đêm tuần phiên trong làng (như nhân viên bảo vệ bây giờ) cắt lân nhau ra canh cổng. Sau khi đã đóng cổng làng và rấp rào lối đi bên cạnh, những người canh cổng dùng thang leo lên chòi. Người lên sau cùng sẽ rút thang lên chòi rồi vào trong chòi ngủ và luân phiên có người thức để “cầm canh”. Thời trước chưa có đồng hồ nên người ta theo dõi thời gian bằng cách lấy rơm bện một cái “bùi nhùi” (quê tôi gọi là cái “nùn”) với những đốt đều nhau rồi châm lửa cho cháy âm ỉ ở góc chòi, cứ cháy hết bao nhiêu “đốt” là ứng với một canh giờ, người cầm canh sẽ gõ lên mấy tiếng trống, hay hồi mõ ứng với canh giờ từ canh một đến canh năm gọi là cầm canh. Tuy cách làm thô sơ thế nhưng vì có kinh nghiệm trong cách bện bùi nhùi nên thời gian nó cháy cũng tương đối chính xác. Trên chòi canh, ngoài binh khí như giáo mác, câu liêm… ra, còn có các dụng cụ để báo động như trống, mõ (bằng củ tre khác với mõ chùa) tù và (bằng sừng trâu hoặc vỏ ốc biển) để khi có động thì thúc trống, gõ mõ, rúc tù và báo cho dân làng biết.
Cổng làng đã để lại cho tôi nhiều kỷ niệm rất sâu sắc và cả những ấn tượng hãi hùng. Không biết vào năm nào giữa một hôm mưa rào sầm sập, sấm chớp ùng oàng tôi chợt thấy có người bước thấp bước cao chạy qua con đường làng trước cổng nhà tôi, trong cơn mưa chưa dứt hẳn, nhìn ra đường tôi thấy một dáng người nhỏ thó trong chiếc áo tơi bằng lá gồi và một cái nón che sụp kín mặt khiến tôi chẳng nhìn ra ai, chỉ thấy từ đấy vẳng lại tiếng kêu khóc thảm thiết, một lát sau nghe người lớn thì thào hớt hải bảo nhau rằng anh Sức con ông bà Vệ Ộp bị sét đánh chết ngoài đồng, cái không khí hãi hùng ấy cộng với cảnh trời u ám lạnh lẽo, làng xóm điêu linh trong cơn mưa khiến cho đám trẻ con chúng tôi sợ xanh mắt và hình ảnh tang thương ấy ám ảnh tôi đến tận bây giờ. Một lần nữa là vào khoảng tháng ba năm 1945, khi nạn đói lan tràn khắp nơi, cứ chiều chiều tôi lại thấy có những người khiêng xác người chết đói không biết từ đâu đến, họ nhặt được đâu đó trong làng bó trong những manh chiếu rách đi qua con đường làng trước cổng nhà tôi để đem chôn ở gò đất ngoài đồng cách làng không xa gọi là Vườn Cũ. Hình ảnh những con người gầy gò ủ rũ liêu xiêu dưới chiếc đòn tre với những xác chết còm nhom quấn trong manh chiếu có khi còn thò cả đôi chân khẳng khiu ra ngoài lầm lũi đi qua cổng làng lúc ấy mãi còn ám ảnh và in sâu trong trí nhớ của tôi.
Tất nhiên, ngoài những cảnh hãi hùng đó, cổng làng cũng để lại cho tôi bao nhiêu kỷ niệm êm đềm tưởng không bao giờ kể hết. Cổng Đình thì ngoài chuyện diễn ra thường xuyên là những hôm ngày hai buổi đi học phải đi qua đó ra đò khi tôi còn học tiểu học ở Ninh Giang ra, có lẽ thú nhất còn là những buổi chiều nghỉ học cưỡi trâu qua Cổng Đình, lên đê ra Bãi Cốn ngoài bờ sông thả cho trâu mặc sức đi rông ăn cỏ, còn bọn trẻ con chúng tôi thì mải mê với các trò cướp cờ, đánh khăng, đá bóng bằng quả bòng (bưởi) nướng chín rồi quấn lá chuối khô. Chơi chán rồi thì rủ nhau nhảy xuống sông lặn hụp cho đến lúc mặt trời lặn lúc nào không hay. Rồi những ngày vào dịp nhà trường cho nghỉ Tết cũng đúng vào lúc đồng màu trồng bông ké đỗ, khi hạt đỗ nảy mầm khum khum nhô khỏi mặt đất là lúc đủ các thứ chim trời ở đâu kéo về vặt ăn những mầm đỗ đó. Lúc ấy nhiệm vụ của chúng tôi là sáng tinh mơ từ lúc chim còn chưa ngủ dậy đã phải qua Cổng Đình ra các thửa ruộng trồng màu ở bửng Đồng Chùa, Đường Mét gần đó để coi chim. Mỗi nhà thường dựng tạm một cái lều lợp lá gồi trên cắm cành tre có buộc mẩu lá chuối khô bay phấp phới để chúng tôi tránh gió lạnh mưa phùn và để lũ chim thấy cảnh lạ mà hoảng sợ không dám đến. Chúng tôi thường đến thăm “nhà” nhau, rúc vào lều ăn khoai nướng ngô rang mang theo và luân phiên nhau chốc chốc lại chạy vòng ra mấy thửa ruộng quanh đó hú đuổi chim, thật vui thú không sao kể xiết...
Đồng Cổng thì xưa nay vẫn đông người qua lại hơn vì ruộng của làng quá nửa là ở mạn ấy, thêm nữa ngày xưa đi đâu toàn đi bộ chứ làm gì có xe đạp xe máy như bây giờ, thế nên có đi chợ Hà hoặc có việc xuống huyện hoặc các làng dưới đó, mọi người đều đi lối này cho gần chứ không ai diệu vợi vòng qua đường Cổng Bụt. Riêng với tôi thì đấy lại là nơi ngoài những ký ức hãi hùng như tôi đã nói ở trên, còn gắn tôi với bao kỷ niệm êm đềm tưởng không bao giờ quên được. Trước cổng làng là hào nước có cây cầu đá bắc qua, dưới dòng nước chảy lững lờ là cơ man nào là cá rô cá rói. Đi học về quăng cặp sách ra bàn là tôi vội lấy cần câu ra chỗ cầu đá ấy. Chỉ cần bắt một con chấu cơm tóm vào lưỡi câu thả xuống là không cá rô thì cá rói đã tranh nhau đớp mồi. Trong bao nhiêu cách bắt cá cũng như bao nhiêu thú chơi có lẽ không có cách nào thú vị bằng khi giật cần câu con cá quẫy tạo một thứ cảm giác truyền qua tay mình rồi lan khắp toàn thân một khoái cảm không cách gì tả nổi. Chả thế mà có người bảo cách thư giãn hiệu quả nhất là xem đá bóng và đi câu, tôi thấy có khi đúng, những lúc như thế quả thật là lâng lâng “quên hết sự đời”, cho nên tôi thường nghĩ đi câu ngoài việc kiếm cá ăn còn có cái thú vị đáng ham mê hơn là được hưởng thụ cái cảm giác không phải ai cũng có được và cũng khó mà chia sẻ với ai được. Từ cổng làng đi ra cây cầu bắc bằng hai phiến đá đã đem đến cho tôi niềm vui ấy. Cũng có thể khom lưng rón rén men theo bờ lúa dọc theo con ngòi mà thả mồi nhử những chú rô sồng đang lập lờ núp bóng dưới bờ cỏ cũng mang lại sự hồi hộp bất ngờ và say mê tưởng không khi nào chán. Cũng từ cổng làng khi bước sang mùa hè lá lúa đã giao nhau kín mặt ruộng và dập dờn theo những cơn gió nồm nam thì bọn trẻ chúng tôi lại có thú vui mới là thả diều. Cổng làng lúc đó là nơi những đứa thích chơi diều như tôi túm tụm lại với nhau, đứa thì vót nan buộc khung diều, đứa thì kiếm giấy bản và chặt nhựa sung để phất diều, đứa thì xé nhỏ dây bẹ chuối hột đã luộc qua và phơi khô cho dẻo, nối lại với nhau để làm dây diều. Chỉ một lát sau, trong khi người lớn mong mỏi “May được nồm nam cơn gió thổi, đàn ta ta gảy khúc Nam nghe”(2) thì bọn chúng tôi túa ra đồng đợi cơn gió đến và đâm diều đúng lúc cho những cánh diều từ từ vút lên không. Trên bầu trời cao xanh không gợn bóng mây, những con diều cánh én chao nghiêng một chút rồi lơ lửng trên không cùng diều cánh cốc với hai cánh thắt eo với cái bụng lặc lè và hai dải đuôi dài phất phới đủng đỉnh bay thấp hơn bên dưới. Màu xám của cánh diều in lên nền trời xanh lơ, bên dưới là màu xanh biếc của đồng lúa tạo nên một bức tranh thanh bình hợp với tâm hồn vô tư của lứa tuổi thơ khiến tôi còn nhớ đến bây giờ cái cảm giác rung rung khi nắm sợi dây diều trong tay… Cũng có lúc không may diều đứt dây trập xuống đồng là cả bọn chẳng ai bảo ai hộc tốc chạy ra ruộng lúa mà gỡ diều lên. Cũng may là lúa lúc này đã giao lá kín đồng nên diều chỉ nằm trên lúa mà không bị rơi xuống nước, thế là kết thúc một cuộc chạy ma ra tông bổ ích, rồi lại nối dây, lại đâm diều, một lúc sau mỏi tay thì buộc dây diều vào cái que cắm xuống bờ ruộng mặc cho nó đung đưa rồi rủ nhau vào cổng làng ngồi ngửa cổ lên mà ngắm không biết chán…
Cổng làng thì lần lượt mất tích, lối đi qua cổng làng cũng dần dần thay đổi. Lối cổng Đình thì bây giờ bên ngoài không còn ruộng nữa mà nhà ở đã chen chúc ra đến tận chân đê, cánh bãi thì hình như ở vào bên lở của dòng sông nên cũng chẳng còn mấy đất đai bởi vậy cũng chẳng còn có người qua đây đi làm ruộng làm bãi nữa mà chỉ còn là lối đi của xóm nhà gần đấy. Cổng mới xây trước cửa đình là “cổng của đình” chứ không phải là cổng làng. Lối Đồng cổng thì từ ngày có bờ vùng bờ thửa, ở chỗ Ngõ Dưới ngày xưa lại hình thành một lối đi nữa ra đồng và xuống Trại Tranh. Tuy nhiên bây giờ đường sá phẳng phiu lại sẵn xe đạp xe máy nên người có việc ra khỏi làng cũng ít đi lối ấy mà thường vòng qua lối cổng Bụt cũ cho tiện, vì thế mà lưu lượng người qua Đồng Cổng cũng thưa dần trong khi cổng Bụt bỗng nhiên là đường đi chủ yếu. Thế rồi từ ngày có cầu (chẳng biết sao lại đề biển là Cầu Chanh – đúng ra phải là cầu Tranh – như một nhà nghiên cứu viết về những cây cầu qua sông Luộc từng nói rằng viết thế không đúng) và bỏ bến đò thì người làng sang Ninh Giang bắt buộc phải qua lối cổng Rặc nên xóm nhà này trở nên đông đúc và giao thông chính trong làng bây giờ chủ yếu là qua cổng Bụt và cổng Rặc cũ.
Ở đầu cầu phía trong chỗ Cổng Bụt cũ hiện có một cái khung như kiểu cổng chào trên đề “Làng Chanh Chử... ” hai bên cột là một đôi câu đối bằng quốc ngữ. Làm được như thế cũng là thể hiện được tấm lòng của những người con với quê hương, là điều rất đáng quý. Nhưng với quy mô đường sá, nhà cửa của dân làng lúc ấy, theo tôi nghĩ kích thước ấy là vừa phải. Nhưng bây giờ mọi thứ đã khác, khang trang hơn, to rộng hơn thì kích thước ấy chưa tương xứng với tầm vóc của làng tôi lúc này, cái khung đó lại bám vào đầu cầu, không ra dáng một công trình độc lập của làng...
Có lần tôi chợt nghĩ, với đường đi lối lại của làng đã định hình như bây giờ, nên chăng làng nên xây hai cổng mới thay thế cho Cổng Bụt và Cổng Rặc cũ với quy mô hình thức một cái cổng làng hoàn chỉnh: Cổng Bụt mới nên xây ngay đầu cầu bên ngoài, tách riêng ra không liên quan với cầu, mặt bằng chỗ ấy tôi thấy vẫn đủ; còn Cổng Rặc mới thì xây ngay ngả rẽ từ dốc cầu Tranh vào làng, như vậy ta sẽ có bộ mặt mới của làng rất khang trang và gọn ghẽ đúng với dáng một làng quê. Về kinh phí tôi nghĩ chỉ cần nêu chủ trương ra và kêu gọi dân làng và các nhà hảo tâm, con em của làng làm ăn xa đóng góp vào là làm được. Kinh nghiệm như khi xây lại đền Mẫu Thượng, lúc đầu chỉ có vài triệu bạc thế mà khi bắt tay vào làm, dân làng và các nhà hảo tâm đóng góp thành công trình giá trị cả tỉ bạc. Nhưng nghĩ thế chứ chuyện này thì biết nêu ra với ai trong khi tôi chỉ là một người con xa quê...
Đang nghĩ như vậy thì gần đây lại được tin là huyện, xã đã có chủ trương triển khai xây dựng nông thôn mới gồm các công trình hạ tầng trong đó có cổng làng theo hình thức chìa khóa trao tay. Được thế thì còn gì bằng! Tuy nhiên tôi lại nghĩ đến một vấn đề mới là chuyện này “dân biết” nhưng dân có được “bàn” không. Chẳng hạn như hình thức cái cổng làng ra sao dân có được đóng góp ý kiến không, kẻo như nhiều nơi khác, đơn vị trúng thầu cứ theo thiết kế mẫu, sản phẩm làm ra làng nào cũng như làng nào cổng làng vẫn chỉ là cái cổng chào như trên đường phố không hơn không kém. Rồi cái tên làng trên đó nữa, thôi thì giấy tờ hành chính chưa sửa được, nhưng cái tên trên cổng làng thì chẳng ảnh hưởng gì đến thủ tục hành chính nên chỉ mong sao được ghi đúng là làng “Tranh Chử” như cái tên bao đời nay. Không biết là sai thì không nói làm gì, nhưng biết là sai rồi thì nên gọi lại cho đúng, nhà nước ngày nay cũng coi trọng việc đó kia mà!
Nghĩ quanh nghĩ quẩn về những cái cổng làng rồi ghi lại. Nhưng “viết đưa ai ai biết mà đưa?” (3) đành giữ lại đây như một điều chia sẻ về quê hương.
__________
(1)Lời bài hát “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ của Nguyễn Văn Tý”
(2)Vào hè – thơ Dương Bá Trạc
(3)Khóc Dương Khuê của Nguyễn Khuyến
Tháng 3 năm 2022.
Nguyễn Bá Thính