VIDEO
Tin nóng
QUẢNG CÁO
LỊCH
LIÊN KẾT
THƠ VĂN BẠN BÈ
CHA CON
Hạ bỏ nhà lặn một hơi biệt tích. Mấy ngày liền, mẹ Hạ lồng lên, thắc thỏm nhắc: “Thằng Hạ bỏ đi đâu, chơi với ai ?CHA CON
Truyện ngắn của Kim Chuông
Hạ bỏ nhà lặn một hơi biệt tích. Mấy ngày liền, mẹ Hạ lồng lên, thắc thỏm nhắc: “Thằng Hạ bỏ đi đâu, chơi với ai ? Có việc gì mà biến lâu vậy? Tai nạn giao thông bây giờ dễ sợ. Liệu nó có đàn đúm, gây gổ đánh nhau hay mắc phải chuyện rủi nào không?”
Đang đoán già đoán non lo lắng, bỗng tiếng chuông gọi cửa. Đã mười giờ khuya. Ai gọi vậy? Mẹ Hạ vội vàng ra mở khoá. Lịch kịch đẩy được cánh cửa hé nhìn ra ngoài, mẹ Hạ bỗng chột dạ.
_ Kìa, chú Nhếnh.
Nhếnh là Viện trưởng Viện kiểm sát huyện. Có chuyện gì liên quan đến thằng Hạ chăng?
Mẹ Hạ dè dặt mời:
_ Nhếnh. Vào nhà đi chú.
_ Vâng. Xin phép chị. Em muốn gặp chủ tịch huyện một chút.
Nhếnh khẩn khoản. Mẹ Hạ lặng im không dám hỏi thêm. Bà lên lầu gọi chồng rồi lắng nghe giọng Nhếnh rất nhỏ.
_ Thưa anh. Có chuyện rất hệ trọng. Mời Chủ tịch về phòng riêng cơ quan em thưa chuyện.
_ Vậy à ? Nói ở đây được không ?
_ Phiền. Em phải bàn riêng với anh. Chuyện mệt đấy.
Từ nhà riêng vị Chủ tịch vào trụ sở Ủy ban huyện chỉ hơn một cây số. Hỵ ngồi sau xe máy Viện trưởng Viện Kiểm sát huyện về phòng riêng của mình.
Khi cửa phòng mở, Hỵ đặt mình ngồi xuống chiếc ghế, dáng lầm lì điềm tĩnh như bao năm ngự ở huyện đường và chìm giữa hàng trăm hàng ngàn vụ việc phức tạp, nét mặt Hỵ vẫn lạnh như đá, mắt mở to, hỏi Nhếnh:
_ Sao, chuyện thằng Hạ nhà tôi thế nào hở chú ?
Không giữ nỗi bình tĩnh, Nhếnh buột miệng.
_ Thằng Hạ phạm trọng tội.
_ Tội gì ?
_ Nó hiếp dâm !
_ Trời. Nó hiếp dâm ai ?
_ Vâng. Nó hiếp dâm một đứa học sinh lớp sáu.
_ Đồ khốn kiếp.
Ông Hỵ đặt tay xuống bàn, mặt tái đi, tảng thịt hai bên má to đầy, xệ xuống, nét da đen nom thật dữ.
- Nó giết tôi rồi. Đồ chó má.
Thoáng phút xao động, Nhếnh trở lại tâm thế của một Viện trưởng Viện Kiểm sát huyện. Nhếnh nhìn Hỵ chợt nghĩ. “Thật ô nhục cho gia đình một vị chủ tịch. Bây giờ ông còn nói được gì ? Còn dám vênh mặt lên nữa không? Nhếnh là cán bộ dưới trướng, lại có họ hàng đây mơ rễ má với Hỵ cả hai bên nội ngoại. Vậy mà, từ xưa, Hỵ chỉ nhìn lên chứ đã bao giờ cúi xuống để ý đến những nút buộc khuất nhỏ này đâu? Nhiều khi không được việc, Hỵ đe noi, nói mất mặn mất nhạt với Nhếnh. Được, hôm nay Nhếnh phải cho Hỵ mở mắt nhìn rõ tội trạng trầm trọng cuả con ông và của ông ta nữa. Trước thế cờ này, Hỵ phải luỵ Nhếnh. Hỵ còn dám mở mệng nói cứng nữa không? Ở sự kiện này, Nhếnh cũng phải đổi được cái giá nào đó với một vị đang cầm quyền hành xưa nay từng hoạnh hoẹ, chi phối mình chứ.”
_ Chuyện thế này, thưa anh …
Giọng Nhếnh gọn đanh như đọc bản luận tội.
_ Chiều thứ sáu, mồng bốn tháng tư, thằng Hạ cùng thằng Hý…
_ Hý nào ?
_ Phùng Phương Hý. Bố dượng nó là Vũ Hửng, công ty xây dựng đấy.
_ Trời. Nó dám đánh đu với loại đểu giả thế à ?
Hỵ chen ngang, Nhếnh tiếp.
_ Hai thằng đưa hai con bé mắt xanh, mỏ đỏ ở quán gội đầu Cây Đôi xuống nhà nghỉ “Cửa Sóng” làm mưa làm gió, “vật nhau” một ngày một đêm chưa đã. Hôm sau, đang cơn điên, thằng Hạ nhà ta…
_ Cả hai thằng kia mà ?
Hỵ cãi. Hỵ vẫn tỉnh trong khi nghe và xét đoán tình tiết. Nhưng Nhếnh khẳng định:
_ Thủ phạm ở thằng Hạ. Hạ dụ dỗ, cho con bé một triệu và trực tiếp lai nó đi.
_ Nó lấy tiền ở đâu? Mà dụ dỗ đứa nào? Con cái nhà ai?
_ Không biết. Thằng Hý khai. Hạ đút túi mười triệu. Chúng đã đập phá gần hết. Còn con bé mới mười ba tuổi. Tên Bình. Mẹ bán hàng rau ở chợ Mét. Đẹp gái. Bố nó mắc bệnh, mới mất mấy tháng nay. Hiện giờ con bé đang mệt sốt, âm hộ ra máu nhiều.
_ Nhưng, phải xét hành vi phạm tội chứ, sao vội buộc nó là hiếp dâm được ?
_ Vâng. Nó đi theo. Nhưng anh dụ dỗ, lừa nó đấy chứ.
Thấy Hỵ cố tìm những kẽ hở để chống chế, khi luận tội, hướng Nhếnh nghĩ theo lối mở của mình.
“Cứng. Ma mãnh đấy.” Nhưng, Nhếnh lên giọng.
_ Thưa anh, quả này sẽ chết đứng. Trời cao đất dày thoát đường nào? Chí ít cũng phải xơi hàng chục năm tống ngục.
Hỵ biết, Nhếnh cũng mang giọng đe mình, nhưng trong lúc lâm sự không thể cương, cậy quyền, cậy thế được, Hỵ vội quay về hướng tìm khác, giọng bỗng mềm đi.
_ Chú Nhếnh. Nguồn tin này đã bung ra đến đâu? Những ai đã biết ?
_ Em biết. Một cán bộ của Viện em biết. Mẹ nó chửi rủa, khóc lóc. Đe tố cáo rất căng thẳng anh ạ.
_ Hiện nay thằng Hạ trốn đâu?
_ Chúng đang ở nhà Vũ Hửng.
_ Tôi sẽ xé xác nó.
Hỵ đập bàn đứng lên. Ông đi đi lại lại trong phòng, đôi lông mày nhíu lại, vành môi cắn chặt. Nhếnh im lặng chờ xem Hỵ sẽ nói câu gì.
Rất lâu, Hỵ mới đặt mình ngồi xuống, hai tay ôm lấy vai Nhếnh, cả cơ thể và lời Hỵ như đổ, vữa ra. Giọng ấp úng:
_ Chú Nhếnh ơi, hỏng hết rồi. Thằng Hạ đã giết tôi. Thật kinh khủng. Tôi không ngờ. Dẫu biết, gần đây thằng Hạ sống khác lắm. Thế là hỏng hết.
Hỵ nuốt tiếng ực bị dồn tắc ở cổ họng. Nhếnh chờ xem “người cao cờ” như Hỵ sẽ đi những nước thế nào trong thế bí cần gỡ.
_ Chú Nhếnh ơi - Giọng Hỵ nhỏ mềm, đứt đoạn - Không còn con đường nào cứu được thằng Hạ, cứu cả tôi nữa, ngoài chú - Tôi thực sự cậy nhờ chú. Còn phúc bảy mươi đời cho thằng Hạ chăng? Người có thể can thiệp, giải quyết việc này là chú. Chú có quên không? Chú là chú nó. Là giọt máu đào. Là sợi tình ràng rịt, buộc chặt gia đình chúng ta, buộc chú và tôi trong mối liên hệ cả đôi bên nội ngoại.
Chú đã cứu giúp nhiều người, quả đắng này, miếng võ hiểm này lại rơi vào nhà mình và trao cho tay chú phán xử. Nào, chú xoay sở, giải toả giúp tôi. Tôi tin chú. Thời buổi này, tôi tin chú sẽ làm được.
Nhếnh ngồi nghe Hỵ nịnh, rồi cất lời cầu mình. Vậy là Hỵ đã bị dồn vào ngõ cụt. Vậy là, ông anh họ, ông Chủ tịch huyện có con phạm tội đang ngồi trước mặt Nhếnh đâu còn oai vệ như những ngày qua. Một cái bóng. Một cái xác không dấu được khổ đau đang hiện nguyên hình trong căn phòng chỉ có hai người. Hừ. Từ xưa, có bao giờ Hỵ tình cảm, nhắc đến mối quan hệ anh em như thế. Nhưng thôi. Dù sao cái uy của Hỵ, “Sếp” nhất ở huyện này, Nhếnh cũng được đôi lần nương bóng, cũng được xung quanh vị nể. Lạy giời. Nhếnh vẫn nghe họ nói. “Nhếnh hở, người em họ. Người của chủ tịch đấy.” Với lại, điều muốn dồn đẩy Hỵ tới ngõ cụt này, Hỵ đã rơi vào đấy và mở mắt nhận ra.
Chờ Hỵ đôi ba lượt nói lời cầu cứu, Nhếnh mới nói với Hỵ.
_ Anh biết. Quan hệ tình dục với trẻ em chưa đến tuổi thành niên, một tội trạng khá nặng. Vậy tháo cởi thế nào? Anh có cao kiến gì, xin mách lối để em tìm kế gỡ.
Nhếnh vừa dứt lời, Hỵ độp luôn:
_ Đổ tội này cho bố con thằng Hửng.
_ Không ổn. Hai thằng đều liên quan. Với lại, lão Hửng bố thằng Hý cáo lắm. Nó chẳng chịu.
_ Vậy “đấm mạnh” - Hỵ quyết rất nhanh - Tiền. Tiền. Đấm thật mạnh bằng tiền. Bịt chặt miệng nó. Dìm thật kín chuyện này. Khuôn chặt nó vào một góc nhỏ và dập tắt ngay tự bây giờ.
Tôi giao cho chú ra tay, hiểu chứ? - Hỵ trở lại thế chủ động, giọng dồn dập - Sẽ giải quyết được hết. Chú nhớ không ? Thằng cha nào nói nhỉ? Cái gì không thể mua được, nó sẽ mua được bằng rất nhiều tiền. Đúng. Đồng tiền dám thách với Trời, với cả Tiên Phật đấy. Xá gì con mẹ bán rau? Còng lưng cả ngày liệu có nổi năm, mười đồng bạc? Việc dân sự này nếu đôi bên tự dàn xếp được, nó không tố cáo là ổn chứ gì ?
_ Vâng. Thưa anh. Nhưng đâu phải đơn giản vậy?
_ Làm gì có chuyện đơn giản - Hỵ nhìn thẳng vào mắt Nhếnh - Nhưng, cái ta cần bây giờ là bóp được méo thành tròn, thẳng thành cong. Đe doạ, nắn, buông thế nào ấy để xoá tan dấu vết.
Hỵ vẽ đường, tiếp sức thêm cho Nhếnh bằng những miếng võ cần phải ra tay. Hỵ bảo:
_ Chú phải dàn trận đánh. Hiện tại, thế lực hai phía là gì? Một bên, ông Chủ tịch với một bên là con mẹ bán rau. Rồi, một bên bạc tỷ với một bên chỉ còm cõi với vài ba xu dính túi. Rồi, một bên coi như sứt tí da (Hỵ muốn chỉ mình) còn một bên có thể chịu thân phận một đời của một con chó đấy. Dăm bảy chục triệu, mình phải trả giá quá đắt. Với nó, đồng tiền ấy mơ đến vàng mắt sao có? Chú hãy vì tôi, vì tình anh em. Này, chú còn vì trách nhiệm phải bảo vệ một cán bộ lãnh đạo nữa đấy.
Nhếnh khẽ rùng mình nhìn Hỵ vừa mỉa mai, vừa pha chút kinh tởm. Bây giờ giọng Hỵ tỉnh, biến hoá, hai mắt loé sáng như có lửa. Hỵ dỗ dành:
_ Thế. Nhờ chú Nhếnh nhé. Chú thương anh chị. Vì họ hàng nhà mình, chú sang gặp lão Hửng, bố thằng Hý, con nó là phần tử bụi, lưu manh có tiếng ở đất này rồi. Trói nó vào việc này cho chặt. Tôi sẽ điện đe Hửng. Chú cứ hành nó cho vãi đái ra đã. Tôi sẽ đẩy nó phơi mặt ra gánh việc này. Hai bên mạt cưa mướp đắng… Thằng Hửng có chú với bài tiền “đấm” cho thật mạnh. Tôi tin là thắng. Tôi tin chú. Chú Nhếnh ạ.
Sớm hôm sau, nhờ người tìm cách điệu cổ được thằng Hạ về nhà, ông Hỵ đóng chặt cửa, nắm tóc tát bôm bốp vào mặt cậu con trai, giọng gầm lên hung dữ.
_ Hạ. Mày đã bao nhiêu lần phá tủ ăn trộm tiền của tao? Đang tuổi học trò đã nếm đủ bả xấu xa, đê tiện thế à? Bố mày làm chủ tịch chứ cái loại dài lưng, tốn vải như mày một xu chưa làm ra, sao dám huênh hoang? Nào xe máy. Nào nay đớp, mai hít? Nay quán này, mai quán nọ. Quân bê tha, bát nháo. Quân ăn cướp.
Ông Hỵ rít lên. Hai hàm răng nghiến vào nhau kèn kẹt. Thằng Hạ vẫn ngồi lì, giọng tỉnh khô.
_ Vâng. Ăn cướp. Tôi ăn cướp của dân đấy ông ạ.
_ À. Thằng mất dạy. Thằng chó đẻ.
Cơn sấm sét lần nữa lại bùng lên.
Tiếng bôm bốp lại dồn vào mặt Hạ.
_ Ông có quyền cứ đánh tôi chán đi.
Hạ thách. Ông Hỵ chắp hai tay ngang hông thở dốc.
_ Thách hở. Này thách. Tao đánh mày còn hơn để thằng khác nó băm mày nhừ tử, nghe chưa ?
_ Cứ việc. Thằng có gan. Đếch sợ.
_ Ái chà. Xem gan mày to đến chừng nào? Đồ mặt mo. Mày bôi trát xấu xa lên mặt nhà này, ô nhục dường nào? Hở chó.
_ Vâng. Tôi là chó. Nhưng ông lầm rồi. Ông tưởng nhà này cao sang, tốt đẹp lắm hả? Ông có nghe dân họ nói gì không? Tối ngày chui trong phòng lạnh, ông đâu biết.
_ Trời. Mày không còn cương thường đạo lý gì nữa. Công lao kẻ sinh thành dưỡng dục đổ xuống sông, xuống bể. Mày bú dái cho con chú Hoạt ở quê. Nó nghèo, bằng tuổi mày mà học hành ngoan ngoãn. Nó nổi tiếng khắp cả tỉnh này. Mày thấy không? Mày có mở mắt ra không, hở Hạ?
Ông Hỵ kể lể khúc nhôi. Giọng lạc đi. Mẹ Hạ vừa buồn, vừa đau xót nhìn con, rưng rức khóc. Riêng Hạ vẫn tỉnh lạnh, mặt đen dầy trông càng lì lợm.
_ Con nhà quan nó thế.
Hạ bảo. Ông Hỵ lại gầm lên.
_ À, thằng láo.
_ Thế là láo hả ông? Vậy cái láo ấy ở căn nguyên, nguồn cội nào?
_ Câm họng. Tao cắt lưỡi mày. Tao sẽ cho mày ngồi tù mọt xác.
_ Tôi sẵn sàng. Nhưng lúc ấy chắc ông sẽ đẹp mặt, sung sướng lắm hả?
_ Thôi im ngay !
Ông Hỵ giống như bị chết đứng. Không ngờ thằng Hạ, con ông lại vô đạo, tồi tệ đến mức này. Từ việc gọi ông, xưng tôi với bố, rồi đốp chát câu một với người đẻ ra nó đến việc trộm cắp, rượu chè, trai gái… Từ lúc nào, thằng Hạ đã đổ đốn, hư hỏng như vậy? Ừ. Thực tình, từ lâu, ông Hỵ đã láng máng biết. Thằng Hạ từng vỗ ngực “Là học trò, là con chủ tịch, thì thời này nó cũng là chủ tịch. Bởi, không ít kẻ vùng này không biết ngượng mồm đã nịnh thối nó. Muốn lên lương, muốn có việc làm, muốn chuyển đổi, muốn có kinh phí được dội xuống, muốn hợp đồng được ký kết vân vân và vân vân… Nghĩa là, “kính thưa các kiểu muốn” đều phải qua ông Hỵ. Người ta bảo thằng Hạ đã lây nhiễm cái mặt lạnh, khinh khỉnh của bố. Nhiều lần Hạ chất vấn: “Bố có nghe dân họ chửi không? Các ông làm giàu bằng cách nào? Ở đâu cũng đổ đi không hết hàng đống, hàng lũ kẻ tham ô, tham nhũng. Đụng vào việc gì cũng tìm cách chém, cách hót. Thảo nào, cứ cán bộ, lớn bé là phất lên, giàu có. Dân lương thiện làm vỡ mặt một đời không bằng cái rơi vãi các ông chia chác, bỏ túi. Hèn gì, bao phe cánh, bao kiểu đánh nhau bể đầu, bươu trán, thậm chí đắng cay chua xót chỉ vì chiếc ghế tranh giành.
Chuyện mới đây, liền lúc bố mẹ Hỵ qua đời, dân đồn rằng, ông Hỵ chịu đại tang hay nhà ông năm nay gặp đại lộc, đại hỷ? Xe thăm viếng cắn đuôi nhau chạy kín cả đường làng. Tiền phúng thu mấy trăm triệu. Họ nhiếc, thật đẹp mặt. Khi bố mẹ còn sống thì bỏ rơi, tệ ác như thù địch. Bố mẹ mất, vờ thương xót làm ma thật to. Trò buôn xác bố mẹ. Nhân nghĩa giả vờ, đểu.
Ông Hỵ nghĩ, tất cả những chuyện xã hội diễn ra trên một vùng đất đều đi qua căn nhà ông. Dấu làm sao được thằng Hạ, đứa con trai ma quái.
Đấy là chuyện nhỡn tiền. Còn bao nhiêu trò xa cũ mấy ai hiểu được cái bộ mặt xấu xa vùi trong khuất lấp được che đậy của ông Hỵ. Từ việc lẩn trốn tòng quân, né tránh cuộc chiến tranh khốc liệt đến các trò đê tiện để đánh gục người cậu, lập công ngoi lên chiếc ghế trưởng phòng. Từ việc Hỵ lừa gạt, ngủ với vợ nhiều anh em trong cơ quan, ngủ với cả em vợ mình rồi cướp đoạt hàng trăm triệu của người thân, vô cớ đẩy họ vào tù… Đến những bài sẵn sàng dùng đồng tiền với võ nghệ “bắn” siêu hạng … Hỵ bước qua mọi dư luận, tội lỗi, đi trong vô can với cái mặt được “nguỵ” trong cái đẹp của kẻ đương thời…Chuyện này thằng Hạ, con trai Hỵ đâu biết? Đâu liên quan, ảnh hưởng đến nó. Mà mỗi thằng một đất, một trời chứ? Ngu dại gì mà ông phải ép xác, tự giết mình, trong khi đó, đến đời mục thất, chưa chắc ai đã đễ gì thấy được. Với lại, tháng năm này, ai là người cầm được thanh gươm Bao Thanh Thiên? Thằng giám đốc ngoại thương nuốt hơn bốn mươi chín tỷ đồng vẫn nhởn nhơ đứng ngoài vòng pháp luật. Thằng Liễm, cán bộ kiểm sát cướp cả ngôi nhà, bắt cô gái Hin ngồi tù bốn năm liền vô cớ vẫn không ai xử được. Thằng Ngọi có tên gọi là “Chánh dê” hiếp bao nhiêu cô gái đến nộp đơn xin ly dị chồng. Hiếp xong lại vòi tiền. Báo Công an in mấy số liền, dư luận xã hội lên án, chửi rủa thậm tệ, vậy mà hắn vẫn vác mặt đóng vai Chánh án ra phiên toà ngồi xử tội người khác. Rồi tên Vy, giám đốc Sở nọ, tội đáng phế truất hoặc bỏ ngục, thế mà bỗng dưng lại suy tôn là chiến sĩ thi đua toàn quốc, dẫn đoàn về thủ đô hoan hỷ mừng công…
Đấy. Xã hội này còn đầy rẫy kẻ xấu. Con sông này lật chìm sao được những con thuyền đang chở trên mình nó các kiểu mũi neo, các kiểu chèo chống. Chúng đang móc vào nhau, tựa vào dòng chảy và đi về phía chân trời góc bể nào chả biết.
Tội thằng Hạ, con trai ông là cái quái gì ? Nhưng đang nắm trong tay một vùng huyện lớn, không thể bó tay chịu sự quật ngã của trò quỷ quái nào. Không thể cam chịu bi kịch đổ lên đầu gia đình một viên Chủ tịch. Nó là thằng Hạ, con trai ông, là cái gai mới nhú lên chứ không phải thế lực của bè phái đối kháng nào. Nhưng, điên quá. Đau quá…
Ông Hỵ nhìn thẳng vào mặt Hạ, nguyền rủa:
_ Hạ. Mày đã tự giết mày. Không ai cứu được mày. Tội hiếp dâm… Mày là một con quỷ, nghe chưa ?
_ Vâng. Tôi là một con quỷ !
Kiểu ăn miếng, trả miếng, Hạ cũng một giọng đốp chát, mỉa mai với ông Hỵ. Mặt Hạ vênh lên, môi vều ra thách thức.
_ Vâng, tôi biết. Tôi xấu xa, đê tiện. Vì tôi đã bị lộ. Còn “Kính thưa các đồng chí chưa bị lộ thì sao?”
Hạ tưng tửng, giọng như khiêu khích, soi mói điều gì. “A, nó dám giở trò láo toét nào nữa ?” Điên tiết, Hỵ tặng cái tát toé lửa lên mặt cậu con trai mất dậy rồi ngồi phịch xuống ghế nghẹt thở. Hạ lùi ra gần bậu cửa, căm tức nhìn người bố.
_ Ông thì không xấu xa, đê tiện? Không phải quỷ? Mà là người chứ gì ?
Hạ chế giễu. Ông Hỵ mệt mỏi không cất nổi một lời.
_ Ông tưởng tôi không biết đấy chắc? Ô ng còn nhớ, con “Hoà cành cạch” ở quán Hoa Giấy không? Cuối tháng trước, thằng Đại lái xe đón nó cho ông mang sang Hải Thịnh hai ngày. Còn cái Tuyết hát chèo ở Cung văn hoá kia? May quá. Hôm ấy tôi cũng ở tầng dưới của khách sạn Lạc Viên mới buồn chứ. Ông với nó diễn trò “í a” ở phòng 218 ba tiếng rưỡi đồng hồ phải không? Rồi mới chủ nhật, cách đây hai tuần thì phải. Ông “Hùng râu” ở công trình hạ tầng chiêu đãi năm ông, các công đoạn ở “Phong lan quán” thế nào… Đấy. Che làm sao được mắt thường dân? Nhưng chỉ riêng tôi xấu. Còn ông hay, ông tốt, xứng đáng là cán bộ với đủ thứ vẻ đẹp. Vì ông giỏi. Ông vẫn đứng ngoài hàng ngũ “Kính thưa các đồng chí bị lộ…”
_ Hạ. Mày im mồm. Mày không được nói bố mày như thế.
Mẹ Hạ đau khổ đứng nhìn người chồng phải chửi mắng, đánh đập đứa con. Bà đau đớn khi thấy thằng Hạ đã quá lì lợm, hư hỏng. Mãi đến lúc nhìn thấy ông Hỵ không nói được gì trước lời tố cáo của Hạ, bà gào lên, cắt đứt lời con.
Tưởng Hạ sợ, ai dè cậu thét lên dữ dội.
_ Còn bà nữa - Hạ quặc sang mẹ, mắt gườm đỏ - Tôi biết tỏng tòng tong cái tổ con chuồn chuồn già tởm lợm rồi.
Ai tốt đẹp trong cái nhà này? Tất cả đã hỏng hết. Mỗi người một kiểu ê chề. Cứ tự hào, lên mặt nữa đi. Thật nhơ nhuốc. Đồ hổ giấy. Bịp. Đồ loè bịp.
Mẹ Hạ bỗng oà khóc. Không chịu nổi, bà chạy vào giường vật mình xuống như trời đổ. Ông Hỵ hai tay bưng mặt, mặc cho những giọt nước mắt , cả những giọt mồ hôi mặn chát rơi ướt kẽ tay.
Căn nhà Hạ như chìm lặng. Chỉ còn tiếng sôi ù ù của chiếc máy điều hoà đang vận hành với vài ba cánh lá xạc xào bị cơn gió quẩn đánh vào khung cửa trước mặt.
Ngay tối hôm đó, hình như đã khuya lắm, ở khoa cấp cứu bệnh viện thành phố, bên giường bệnh, người ta quây quần nhìn ông Hỵ đang nằm im, thoi thóp thở. Có vài tiếng thì thào.
_ Ông Hỵ bị tai biến mạch máu não hả. Ừ, ông ngã dưới chân cầu thang của cơ quan. Cấp cứu gần bốn tiếng đồng hồ rồi.
_ Vậy à? Mà Nhếnh, Viện trưởng Kiểm sát này ! Còn thằng Hạ, con trai lão thế nào?
_ Hạ với Hý, con Vũ Hửng hả ? Chuyện vỡ lở. Tồi tệ, nguy kịch đấy.
Phòng cấp cứu bỗng im bặt. Có tiếng ú ớ hắt lên từ miệng ông Hỵ.
Đêm chừng đã về sâu.
Chớm Đông, 2005
K.C