/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

THƠ VĂN BẠN BÈ

Bút ký: “Hoa muống biển” của Đình Kính

Tôi lại nghĩ đến loài muống biển. Cát nóng khô, cát cằn cỗi, loài muống biển vẫn nhẫn nại chắt góp từng giọt phù sa để thích nghi, để tồn tại,

Bút ký: “Hoa muống biển” của Đình Kính

 

        Tôi lại nghĩ đến loài muống biển. Cát nóng khô, cát cằn cỗi, loài muống biển vẫn nhẫn nại chắt góp từng giọt phù sa để thích nghi, để tồn tại, và mùa mùa vẫn nở những bông hoa tím  làm đẹp cho đời. Doanh nhân Nguyễn Đức Lạc mang phẩm chất ấy, anh cũng là một loài hoa Muống Biển.

Vũng Tàu đang mùa nắng. Đường Thùy Vân dọc Bãi Sau tất tả khách du lịch. Họ từ Đồng Nai về, Từ Sài Gòn ra, từ miền Tây lên và có lẽ cả từ các tỉnh phía Bắc vào…

Tôi và doanh nhân Nguyễn Đức Lạc ngồi trong quán cà phê kề bãi cát, nơi có gió mặn sặc vị biển đưa lên. Trước mặt là thảm nước xanh phô mình dưới ánh mặt trời, nhấp nhánh sóng. Vũng Tàu hấp dẫn du khách trong sự mênh mang huyền bí, song lại có cái gì đấy rất gần gũi và thân thiện.

- Là dân Hà Tĩnh, sao ông trôi dạt vào tận đây? - Đưa ly cà phê lên nhấm nháp, tôi hỏi Lạc.

Đang hướng ra biển, anh quay nhìn tôi:

- Có ai thoát khỏi sự sắp đặt của số phận đâu anh. Cuộc đời ta nhiều khi không hẳn do ta định đoạt.

- Vậy chứ....?

- Tôi nghĩ thế bởi suy ra từ cuộc đời mình - Lạc ngắt lời tôi. 

Có thể Lạc nói đúng!

Quê anh không có biển, nhưng như thể duyên phận, anh gắn với biển, và cũng bắt đầu đi lên từ biển, trở thành một doanh nhân giầu có của đất Vũng Tàu. Chuyện về anh đơn giản là thế mà như không phải thế. Kỳ lạ. Ngạc nhiên. Thú vị .Và nhiều bất ngờ…

Nơi anh sinh, xã Đức Vịnh (Đức Thọ), nằm kề hai con sông, sông La và sông Lam. Một con sông chênh chao câu hát dặm, và một con sông nổi chìm bao kiếp phù du. Đức Thọ gạo trắng nước trong, ai về Đức Thọ thong dong con người. Từ ấu thơ anh đã nghe mẹ hát câu ấy, nhưng có lẽ vì chất Nghệ Tĩnh, chất “cá gỗ” hằn sâu trong tâm thức, lại quá yêu dòng sông quê mình nên dẫu lam lũ vẫn ngang tàng nét tự hào mà ca lên như vậy. Thực ra Đức Thọ rất nghèo. Thiên nhiên lại khắc bạc. Mùa hè nắng rát, gió Lào triền miên. Để chống trả cái nóng của trời, người dân quê anh thường khoác trên mình chiếc áo tơi mỗi lần ra đồng. Mùa đông mưa phùn, hun hút gió bấc. Rét như kim châm. Vùng ấy có chăng là giầu tình, lắm nghĩa…

Đầu năm 1972, đang học năm thứ hai Đại học sư phạm ngoại ngữ, như nhiều sinh viên thuở đó, anh được điều động vào quân ngũ. Chiến sự đang ở bước ngoặt khốc liệt. Mặt trận cần tăng cường sức người sức của. Vậy là lên đường. Lạc không vào chiến trường. Số phận đưa đẩy, anh tham gia lực lượng biên phòng. Giai đoạn cuối công cuộc chống Mỹ, chiến tranh ác liệt hơn. Máy bay Hoa Kỳ giẫy giụa lượn trên trời. Vùng Thanh Hóa, nơi anh đóng quân như chảo lửa. Ngày nào cũng bom, cũng đạn. Cầu Hàm Rồng oằn xuống chịu đựng để rồi đi vào lịch sử tựa một huyền thoại. Thời ấy đơn vị Lạc căng mình chống trả. Súng đỏ nòng, thay súng khác. Công sự này sập, đào công sự khác. Không ai sợ chết, không ai nghĩ đến cá nhân mình. Cái tôi bị gạt sang bên, chỉ một tâm niệm: đánh thắng…

Rồi những ngày ác liệt ấy cũng qua. Chiến tranh kết thúc như một giấc mơ. Cái khó bây giờ không còn là bom đạn, mà là cuộc chiến chống cái đói cái nghèo. Hòa bình rồi, thống nhất rồi, chẳng lẽ cứ mãi cảnh xếp hàng mua từng lạng thịt ôi, từng cân gạo mốc. Cả nước loay hoay tìm lối ra… Nguyễn Đức Lạc được điều vào Vũng Tàu đúng vào giai đoạn ấy. Để có cuộc sống ổn định, anh đưa vợ và con gái cùng theo.

- Thời đó khổ lắm, gian nan lắm - Nguyễn Đức Lạc tâm sự – Vợ chồng tôi và cháu sống trong căn nhà nhỏ, chật chội, không tiện nghi. Lương lính chẳng được bao nhiêu, Lý lại đang mang thai cháu thứ hai nên càng vất vả. Đến một quả mướp cũng phải cắt đôi, dành nấu canh hai bữa. Bốn giờ sáng, vợ chồng dậy cuốc đất trồng rau; đi làm về lại tất tả xuống biển nhặt tìm con tôm con cá. Chịu khó, tần tảo vậy, đời sống vẫn chật vật. Thời ấy không riêng ai, Vũng Tàu và cả nước đều thế. Đó là giai đoạn có thật mà nghĩ lại, ngỡ như không phải vậy… Lớp trẻ và ba cậu con trai nhà này bây giờ chắc không hiểu rằng đất nước đã có một thời khó khăn ngoài sự tưởng tượng đó… Đôi lần tôi kể lại, các cháu ngạc nhiên hỏi: thời ấy ăn không no, gạo lại hẩm, và phải độn bo bo hả ba?

Lạc ngồi im, tôi cũng ngồi im. Từ mép bãi, sóng đuổi nhau mài lên cát, âm thanh đều đều mơ hồ như thể có cơn mưa rào đang ào tới. Gió biển mơn man trên ngọn phi lao, rù rì tựa lời hát ru…

- Rồi làm sao ông thoát khỏi cuộc sống cơm hẩm thịt ôi đó để trở thành một “đại gia” của vùng biển này? - Tôi hỏi.

- Anh có tin nơi mỗi con người đều ẩn chứa một sự kỳ diệu không? Nhiều khi ta chưa hiểu hết mình, nhưng trong anh, trong tôi, trong nhiều người đều tiềm ẩn một năng lực, mà khi có thời cơ, biết khai thác nó sẽ thăng hoa để có thể làm một cái gì đấy… Tôi kể anh nghe chuyện làm ăn của tôi để tự anh luận ra điều ấy.

Chuyện người lính rời quân ngũ, rồi nhờ năng động, chớp thời cơ để làm giầu, trở thành các doanh nhân khá giả, tôi nghe đã nhiều, nhưng chuyện của Nguyễn Đức Lạc vẫn có cái gì đấy rất riêng, hấp dẫn và thú vị.

Bỏ bộ áo lính, anh được nhận vào làm ở Công ty xuất nhập khẩu Hải sản Vũng Tàu. Đây có thể là may mắn đầu tiên trong lập nghiệp của anh chăng? Nhờ có vốn tiếng Anh thời còn sinh viên Đại học Sư phạm ngoại ngữ, Lạc được phân công làm phiên dịch. Hồi đó người Nhật đang cộng tác làm ăn với Việt Nam. Họ mua hải sản của ta chở về nước. Dân Phù Tang nhiều kinh nghiệm, khôn ngoan và lắm mánh lới để đạt mục đích cao nhất về lợi nhuận. Được làm việc kề cạnh họ, lại chịu khó quan sát, và vốn tinh ý, thông minh, dần dà Lạc thu nhận được rất nhiều điều. Anh đã phát hiện ra công nghệ bảo quản, đóng gói nhằm giữ cho hải sản luôn tươi, mà không bị hao cân của “ông thương gia” nước ngoài. Thực ra đây là một luận văn khoa học, là bí mật làm ăn của người Nhật.

Khi rõ ra người phiên dịch đã nắm rất chắc bí quyết kinh doanh của mình, thậm chí còn có ý định viết thành sách, vị doanh nhân người Nhật hơi hoang mang. Ông bỏ ra một ngàn đô la với đề nghị độc quyền của mình không biến thành con chữ trên những trang giấy. Một thỏa thuận hiếm hoi mà thú vị. Lạc đồng ý. Đó là lần đầu anh được cầm ngoại tệ. Số tiền không lớn, nhưng là vốn đầu tiên anh có để tiến hành hoài bão kinh doanh …

- Và ông đi lên từ một ngàn đô la đó? - Tôi hỏi.

- Không hẳn thế! Khi lập công ty, nhờ quen biết, tôi vay ngân hàng được hai mươi triệu đồng Việt Nam. Và đó mới thật sự là vốn để khởi nghiệp.

- Từ hai mươi triệu, chỉ trên dưới mười năm, bây giờ công ty cổ phần Hải Phương của ông đã có vài ba trăm tỷ?

Lạc cười. Anh có tiếng cười rất lạ, trầm vang và có cái gì đấy rất duyên. Phải tự tin và thanh thản lắm mới có tiếng cười cởi mở, khoáng đạt như vậy.

- Ai nghĩ rằng làm giầu không khó là nhầm. Gian nan lắm, vất vả lắm, hao tổn trí lực lắm. Phải bươn trải, phải va đập, phải học hỏi và phải biết chớp thời cơ... Nhưng trên hết, muốn làm giầu vẫn là cái tâm, là chữ tín và sự trung thực.

- Ông kể tiếp đi.

Lạc bắt chuyện:

- Những năm làm nghề xuất khẩu Hải sản, va chạm với thương gia Hồng Kông, Đài Loan đã cho tôi một số kinh nghiệm. Tuy vậy không thể thấy người ta hót tiền mà sốt ruột. Phải từng bước, đi lên từ từ và phải bằng nội lực chính mình. Tôi ra Cà Ná, mua tôm hùm chuyển về Thành phố Hồ Chí Minh và vùng lân cận. Tôi hơn người ở chỗ biết cách giữ cho tôm, dù vận chuyển đường dài, vẫn sống. Vì vậy bán được giá. Người ta chẳng vẫn nói đắt như tôm tươi đó sao! Với nữa tôi được lòng dân vùng này. Tôi không bon chen, không coi họ đơn thuần là những người cung cấp hàng cho mình, mà tôi với họ là bạn, cùng làm ăn, cùng chia sẻ lợi nhuận. Có tôm, bà con Cà Ná chỉ tin tưởng giao cho giáo Lạc. Họ kêu tôi bằng thầy, bởi khi rỗi rãi, thời gian chờ hàng, tôi thường dạy chữ, dạy tiếng Anh cho con em vùng ấy. Nhờ thế, công việc làm ăn suôn sẻ, thậm chí họ còn tìm cách bảo vệ tôi khi có thuế vụ hoặc quản lý thị trường hạch sách. Nhiều chuyện vui lắm, có dịp tôi kể anh nghe… Thế là cứ tằng tằng một vốn bốn lời! Nhiều người bảo lão Lạc khôn... Khôn ư, cái khó ló cái khôn thôi. Nhưng điều này thì đúng, tôi thành công là nhờ vào bản tính nhanh nhạy tháo vát, chịu khó, hoạt bát và thật thà. Tôi có lừa ai đâu. Tất cả đều được bày ra sòng phẳng, thuận mua vừa bán mà…

Lại cười, tiếng cười ấm áp, khỏe khoắn loang trên mặt nước. Chuyện của anh thú vị, tôi cũng cười theo. Nắng trải vàng trên bãi, có cảm giác những hạt cát li ti đang khô nỏ nổ tí tách. Và cạnh đấy, trong đám rau muống biển với màu xanh hiếm hoi như một điểm nhấn trên bãi, những bông hoa phớt tím phởn phơ rung rinh đón ánh mặt trời.

- Qua đoạn tôm hùm, tôi chuyển sang buôn tôm sú giống - Nguyễn Đức Lạc kể tiếp - Một con tôm cái có trứng, mua chỉ vài trăm ngàn đồng, nhưng mang ra Nha Trang có thể bán được chín, mười triệu… Một chuyến đi tôi chỉ mang dăm ba con, thả trong hai chiếc can nhựa. Thời bấy giờ làm gì có máy sục, để tôm có không khí, không chết, tôi dùng cái bơm cao su của ngành y, thả vòi vào can, bóp liên tục.

Nghe chuyện, ngỡ như Nguyễn Đức Lạc kiếm tiền không mấy khó. Đâu phải vậy! Chẳng cắc nào có được lại dễ dàng. Nó được tạo ra bằng sức lực và trí tuệ. Phải lao tâm khổ tứ. Để có tiền, anh đã chịu bao vất vả đua chen, cũng phải bươn bả, cực nhọc trằn ra trong nắng, chiềng mình trong mưa, và cũng lo lắng thấp thỏm đến héo người đón nhận rủi ro… Có chăng, anh may mắn hơn người nhờ tài trí, sự khôn khéo, tinh ý mà tần suất rủi ro giảm thiểu tối đa…

Có vốn rồi, Nguyễn Đức Lạc tiến thêm bước nữa. Xuất khẩu hải sản tươi sống sang Hồng Kông, Đài Loan. Những năm làm nghề xuất khẩu trong cơ quan nhà nước, anh tích góp, thu lượm được ít nhiều vốn liếng và kiến thức, nay phát huy tác dụng nên công việc khá thuận lợi. Rồi mua đất mở cửa hàng. Mở cửa hàng không khó, điều trăn trở là làm thế nào để thu hút khách.

- Mùa đông quê tôi, chim én về nhiều. Để nhử chúng, phải có chim mồi.

Kể tới đó, Lạc vô tư cười. Cười thoải mái như thể giữa trời biển này chỉ có anh và tôi, rồi kể tiếp:

- Ban đầu tôi ranh mãnh áp dụng thủ pháp đó, nhưng suy cho cùng, để nhiều người đến với mình, không có gì tối ưu hơn là chất lượng sản phẩm. Chất lượng sản phẩm là yếu tố hàng đầu tạo nên uy tín và thương hiệu. Tôi may mắn có thành công nào đó, là nhờ nhận thức được như thế...

Điều đấy thì tôi biết. Mấy hôm trước Nguyên Đức Lạc mời lên nhà hàng Hải Phương, và không mấy khó khăn tôi nhận ra điều anh vừa nói. Tọa trên khoang đất rộng đến 13 ngàn mét vuông, cùng lúc có thể tổ chức 5 đám cưới, phục vụ ba ngàn khách, công ty cổ phần Hải Phương bề thế tựa một khu phố nhỏ. Trong lúc các nhà hàng khác thưa vắng, thì nhà hàng Hải Phương, dù không nằm ở trung tâm Thành phố, ngày mỗi đông khách. Một tuần có từ  8 đến 10 đám cưới. Khi tôi tỏ ra ngạc nhiên, Lạc giải thích rằng, được vậy vì nhà hàng của anh giá rẻ, thức ăn ngon, phục vụ chu đáo và văn hóa. Văn hóa, vâng, đúng vậy! Văn hóa là giá đỡ để phát triển và tạo dựng thương hiệu trong sản xuất kinh doanh của doanh nhân. Nhà hàng Hải Phương đi đúng hướng nên phát triển, âu cũng là quy luật chung. Không hẳn ngẫu nhiên doanh thu và làm nghĩa vụ thuế của công ty năm sau cao hơn năm trước trên 20 phần trăm, hàng trăm người lao đông, cả sinh viên có việc làm ổn định, thu nhập khá cao…

Trong một bữa ăn với rất nhiều hải sản quý hiếm được chế biến công phu, Lạc đã kể cho tôi cổ tích về con tôm tít, cổ tích về con ốc vú nàng… Tất cả đều do anh sáng tác. Mỗi món ăn bày trên bàn đều được mang một câu chuyện vừa kỳ thú vừa huyền ảo và hấp dẫn, do vậy trở nên có hồn. Khách đến với anh đông còn là vì thế nữa chăng?

- Tôi kể anh nghe chuyện về con ốc lông - Uống thêm một ly rượu nữa, Lạc hào hứng - Con ốc này vốn chẳng có giá trị gì. Dân miền biển thường phơi khô cho heo ăn. Giá rất thấp. Một ký chỉ bán được một ngàn sáu trăm đồng. Nhưng tôi phát hiện ra đây là loài ốc nhiều dinh dưỡng và nếu biết chế biến, ăn rất ngon. Vậy là tôi liều, thu mua với giá hai ngàn đồng một ký. Bà con ngư dân và thương lái đổ xô mang đến cân… Tôi thuê chế biến, đông lạnh, đổi tên là ốc Tuyết nhung và chào hàng thương gia Đài Loan với giá năm đô la. Đầu tiên họ nghi ngờ, tôi liền biếu mang về ăn thử. Mấy hôm sau họ qua, mặc cả bốn đô một ký. Tôi mừng hum, bốn đô la một ký đã lãi lắm rồi. Nhưng còn làm cao, tôi đòi bốn đô rưỡi. Họ ưng thuận. Vậy là mấy chục tấn ốc lông, vốn là thực phẩm của gia súc, thành đặc sản Tuyết nhung được đổi bằng ngoại tệ…

- Quái, rất quái! - Tôi buột miệng.

- Không phải quái, mà buôn bán nhiều lúc cũng phải liều, liều trong sự hiểu biết của mình và cơ bản là phải biết chớp thời cơ. Thời cơ không có nhiều, chỉ đến một lần trong đời, không biết nắm lấy là nó tuột mất. Kinh doanh, hơn nhau ở chỗ biết đón thời cơ và chộp thời cơ…

Tôi nhìn Lạc. Anh dung dị, khuôn mặt chất phác, đôn hậu, không khác  những người tôi gặp trên đường phố Vũng Tàu, vậy mà con người này lại có những chiêu hết sức độc đáo trong kinh doanh. Âu cũng là một năng lực. Nguyễn Đức Lạc tuổi Canh Dần, Tòng Bá Mộc (tùng bách mộc) - Gỗ cây Tùng, cây Bách. Cầm tinh con Hổ. Có phải bởi vậy mà tài lộc dồi dào, gia đạo vui vẻ bình an? Vợ anh, chị Tống Thị Lý, một người phụ nữ nhu mỳ, đức hạnh, có căn hướng về Phật, ăn chay và đi chùa.

Tôi nói với Lạc:

- Ông được như ngày nay, ngoài tài kinh doanh, còn là nhờ vào phước của vợ đấy...

- Tôi biết điều ấy chứ - Lạc nói -  Các cụ ta dạy tu tâm tích đức, chứ có khuyên chúng ta tích tiền đâu!

Lại cười… Tôi hướng về phía anh, một đại gia của đất Vũng Tàu, trong tay có đến hàng trăm tỉ, nhưng tính cách người Hà Tĩnh, bản chất người lính trong anh, lạ thế, thì vẫn vậy. Trước sơn hào hải vị được bày ra, vẫn thích được ăn  rau khoai lang luộc chấm mắm cáy. Lọ mắm cáy Lạc mang ra mời tôi được người mẹ quá cố làm cho anh cách đấy đã tám năm. Lạc giữ gìn lọ mắm Hà Tĩnh ấy như một báu vật. Chỉ khách quý mới tiếp…

Hôm chuẩn bị rời Vũng Tàu, Lạc và tôi lại ngồi trước biển. Cạnh đấy, những bông hoa muống biển tím nhạt vẫn nở trên cát nóng vươn ra đón nắng.

- Khi nói về ông, nhiều người khen rằng Nguyễn Đức Lạc là người có tấm lòng nhân ái - Tôi nói.

- Ở đời, cần nhất là chữ tâm anh ạ - Lạc nói - Vợ chồng tôi sống như vậy và cũng răn con cái như vậy. Mình sung túc rồi, phải biết nghĩ đến cuộc sống những người nghèo khổ chứ, nhất là những gia đình có người thân  không may  ngã xuống.

Tôi hỏi vậy thôi, chứ thực ra sự hảo tâm, chuyện làm từ thiện và tấm lòng của anh đối với đồng đội, tôi đã nghe kể nhiều, đã đọc trên báo, xem trên truyền hình. Nguyễn Đức Lạc không là người chỉ phát triển hoạt động kinh doanh. Vốn là người lính đã qua chiến tranh, đã từng vào sinh ra tử và cũng đã chịu không ít khó khăn nơi cuộc sống thường nhật, nên anh thấu hiểu nỗi khổ của sự nghèo khó. Vì vậy, công tác từ thiện như một “tiền định” mà anh thấy mình có trách nhiệm gánh vác. Với trái tim nhân hậu, anh luôn mang tâm nguyện được chia sẻ khó khăn với những người có hoàn cảnh éo le.  Anh là một trong số không nhiều lắm những người luôn đi đầu trong các phong trào nhân đạo do Trung ương và địa phương phát động.  Những năm qua, Nguyễn Đức Lạc đã bỏ ra hàng tỷ đồng để xây nhà tình nghĩa, làm đường cho trường học, làm đường cho quê hương Đức Vịnh, giúp đỡ những gia đình khó khăn, chăm lo đến các mẹ Việt Nam anh hùng và giúp đỡ những đồng đội đã một thời qua chiến tranh chưa có cuộc sống ổn định… Tôi cũng đã nghe kể rằng, khi gặp vợ chồng anh Vũ Đình Quang, người có bố và mẹ đều là liệt sỹ, từ Quảng Ngãi vào Vũng Tàu đang chịu cảnh bơ vơ, Lạc rất áy náy và nhận đỡ đầu. Anh lên chính quyền thuyết phục để xin đất, rồi bỏ tiền ra, cùng đồng đội dựng nhà cho vợ chồng Quang. Những việc đại loại như vậy ở Lạc, nhiều lắm.

- Đồng đội còn khó khăn, giúp được gì sẽ làm hết sức trong khả năng của mình anh ạ - Lạc nói -  Nhưng tôi nghĩ, giúp đồng đội tiền bạc đã quý, song cái đáng giá hơn là tạo cho họ có công ăn việc làm, và hướng dẫn họ biết làm ra đồng tiền.

Có phải bởi tư duy như thế mà những năm gần đây, Lạc đã dần dà trao việc kinh doanh cho mấy người con (họ cũng giống anh, căn cơ và biết điều hành) nhằm lo việc xã hội. Anh chạy đôn chạy đáo để thành lập Câu lạc bộ Cựu chiến binh làm kinh tế giỏi, Câu lạc bộ doanh nghiệp cựu chiến binh Bà Rịa Vũng Tàu?  Mục đích của Câu lạc bộ là truyền đạt kinh nghiệm, đỡ đần nhau làm ra của cải vật chất cho mình và xã hội...

Đến với Vũng Tàu có thể là một tình cờ, và có thể còn do một chút cơ duyên. Nhưng tình cờ hay cơ duyên chỉ bén vào ai biết vượt qua cái khó, luôn khát khao làm giầu, biết đón thời cơ, biết nắm bắt thời cơ, tự tin và sáng tạo...  Người ta hơn nhau ở chỗ đoán định được tương lai việc mình làm, đó là phẩm chất, là năng lực. Nguyễn Đức Lạc thuộc người như vậy.

Tạm biệt Vũng tàu, trên đường về, chuyện làm ăn và tấm lòng nhân hậu của Nguyễn Đức Lạc ám ảnh tôi. Ở anh có cái gì đấy như thể đặc trưng cho một giai đoạn lịch sử. Từ người lính những năm chiến tranh, trở thành một đại gia, một người làm kinh tế hết sức thành công và có hiệu quả, một người không chỉ biết làm giầu còn có cái tâm sẻ chia sự giầu ấy cho xã hội, cho cộng đồng, nhằm giảm thiểu khó khăn cho đất nước.

Tôi lại nghĩ đến loài muống biển. Cát nóng khô, cát cằn cỗi, loài muống biển vẫn nhẫn nại chắt góp từng giọt phù sa để thích nghi, để  tồn tại, và mùa mùa vẫn nở những bông hoa tím  làm đẹp cho đời. Doanh nhân Nguyễn Đức Lạc mang phẩm chất ấy, anh cũng là một loài hoa Muống Biển.

Vũng Tàu, tháng 7, năm 2013