/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

THƠ VĂN BẠN BÈ

BÀI BIA QUÁN TRUNG TÂN

Trung ở chỗ nào thì thiện ở chỗ ấy. Cứ lấy lẽ đó làm chuẩn, giữ cho đúng mức, thì mọi sự vật ở đời không thể không thiện được. Vậy tại sao các công đức do việc thiện mà thành, lại không dự đoán được”.
BÀI BIA QUÁN TRUNG TÂN
.
      Trước khi về quê, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã gọi các môn sinh thân cận như Trương Thì Cử, Nguyễn Mẫn, Đinh Thanh Miếu, Vũ Văn Dịch, Lê Tông Phúc… đi quyên tiền dựng quán đúng vào ngày mùng ba tháng tám năm Quảng Hòa thứ 2 (1542) tại bến Trung Tân. Trùng vào ngày vua Phúc Hải cử quan Phụ chính Khiêm vương Mạc Kính Điển cầm đầu một đoàn quân sang nhà Minh tạ tội. Như vậy ông đã chuyển hướng việc giúp vua ở triều đình, sang việc giúp dân ở địa phương. Quán này do Nguyễn Bỉnh Khiêm đứng ra hưng công, bỏ tiền dựng và sau gần một tháng là hoàn thành. Khi xong ông đặt tên là “Quán Trung Tân” và đến tháng giêng (mạnh xuân) năm Quảng Hòa thứ 3 (1543) dựng bia đá “Trung Tân quán bi ký” với nội dung:
       "Phàm tính người vốn thiện, nhưng khí chất bẩm sinh, bị vật dục che lấp, nên tính thiện hồn nhiên không còn như trước nữa, rồi đâm ra kiêu căng, biển lận, quanh co, không cái xấu nào là không làm. Ở triều đình thì giành nhau về danh, ở chợ thì giành về lợi. Sang thì khoe có lầu mùa đông, có lầu mùa hè, giàu thì khoe có nhà để múa, có nhà để hát. Ấy thế thấy bên đường có người chết đói, không chịu thí một đồng tiền cứu giúp. Ngoài đồng thấy người nằm giữa nương, không chịu thí một nắm rạ che đắp. Cái thiện đã tắt lịm trong lòng người ta vậy.
Cũng may, lẽ phải vẫn giữ được, chưa đến nỗi tiêu tan, nên các cụ già làng ta vẫn khuyên nhau làm việc thiện, nên nào cầu, nào chùa, nào quán đều được sửa sang. Ta cũng thấy vui, nên vẫn ngợi ca.
       Mùa thu năm Nhâm Dần (1542) ta cáo quan về nghỉ ở làng, vời các cụ già ra chơi quán Trung Tân, phía Đông nhìn ra biển Đông, phía Tây liếc vào Kênh Tây**, phía Nam trông sang Liêm Khê, thấy Trung Am, Bích Động, bên này, bên kia sát nhau. Phía Bắc nhìn xuôi Tuyết Giang, thấy chợ Hàn, bến Nguyệt quây quần hai bên. Con đường cái quan chạy ở giữa, từng in dấu, nào chân ngựa, nào vết xe, cộng lại không biết bao nhiêu nghìn dặm.
Nhân thể ta bàn với các bô lão rằng: Các cụ trước kia đã từng xây, sửa các cầu Nghinh Xuân, Trường Xuân, kể ra cũng đẹp rồi, nhưng ngay nơi thắng cảnh này, sao không dựng một cái quán cho khách bộ hành nghỉ chân? Các cụ vui vẻ nghe ta. Ta liền bỏ của nhà ra để đắp nền, rồi sai bọn Trương Thì Cử, Nguyễn Mẫn, Đinh Thanh Miếu, Vũ Văn Dịch, Lê Tông Phúc trông coi việc dựng quán.
       Ngày mồng ba tháng tám khởi công, thì ngày hai mươi chín hoàn thành. Ta đề ở cái biển treo trước quán ba chữ “Quán Trung Tân”.
Có người chào đón hỏi ta: Tên quán “Trung Tân” vốn nghĩa là gì? Ta trả lời rằng: “Trung” là ngay giữa, không thiên lệch bên nào, do đó giữ được điều thiện là “Trung”, không giữ được là “lệch”, tức không Trung nữa. Còn “Tân” là cái bến, biết dùng đúng chỗ là đúng “bến ngay”, không biết dùng đúng chỗ là lầm phải “bến mê” rồi! Đấy cái nghĩa gốc của tên quán là như vậy. Cho nên, trung với vua, hiếu với cha mẹ, anh em đoàn kết, vợ chồng thuận hòa, bạn bè tin cậy lẫn nhau, đó chính là trung. Trung ở chỗ nào thì thiện ở chỗ ấy. Cứ lấy lẽ đó làm chuẩn, giữ cho đúng mức, thì mọi sự vật ở đời không thể không thiện được. Vậy tại sao các công đức do việc thiện mà thành, lại không dự đoán được”.

GHI CHÚ:
     *Bản dịch này có từ rất xa xưa, chưa xác định được tên người dịch. Sau này khi có chữ quốc ngữ một số tác giả dựa vào bản dịch cổ có thêm thắt một đôi từ và điền tên mình dịch vào đó. Ngay trong Nguyễn Bỉnh Khiêm - Truyện danh nhân của cố Giáo sư  Bùi Văn Nguyên cũng chưa khảng định là ai dịch.
** Kênh (涇)Tây là con kênh nối từ sông Hóa qua cảng Cống Hiền vòng qua nhiều làng tổng rồi nối với sông Thái Bình, sau này được mở mang thành sông nhỏ và mang tên Bạch Đà, nằm ở phía Tây quán Trung Tân. Nhiều người dịch là kinh (京) đô Thăng Long, Tây Kinh (Trung Quốc) hay Dương Kinh là chưa đúng, vì cụ Trạng chỉ nói trong địa giới làng tổng thôi.
 
 NGỌC TÔ