VIDEO
Tin nóng
QUẢNG CÁO
LỊCH
LIÊN KẾT
LÝ LUẬN PHÊ BÌNH
MỘT ĐỜI NGƯỜI CHỈ CÓ MỘT QUÊ...
Những cái tên cổ mà ông cha ta đặt, đến nay đã mất khá nhiều. Không khéo qua đợt này bị mất nốt. Mong rằng những nhà cải cách thời nay cần có văn hóa hơn?MỘT ĐỜI NGƯỜI CHỈ CÓ MỘT QUÊ...
Định Nguyễn - Khánh Yến
.
Sáp nhập làng xã: "Một đời người chỉ có một quê, nay tên này mai tên khác... rất xáo trộn"
"Không ít tên mới làm mất cái hay, mất nét đặc trưng của địa phương. Nghiêm trọng hơn, chúng không mang lại cảm xúc về tình yêu quê hương đất nước, niềm tự hào với lịch sử", nhà văn, nhà nghiên cứu về văn hóa Hà Nội Nguyễn Ngọc Tiến chia sẻ với Dân Việt.
Sự biến mất của những địa danh lịch sử
Đến ngày 1/4, Hà Nội có 11 quận, huyện, thị xã công bố đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp phường giai đoạn 2023-2025 để lấy ý kiến nhân dân. Theo hướng dẫn của Sở Nội vụ, tên đơn vị hành chính mới được xem xét dựa trên yếu tố truyền thống, văn hóa, phong tục tập quán của địa phương, ưu tiên sử dụng tên gọi đã có của các đơn vị hành chính trước khi sắp xếp hoặc được sử dụng trong quá trình hình thành và phát triển.
Quận Hai Bà Trưng sắp xếp 7 phường thành bốn: Nhập một phần phường Cầu Dền vào Thanh Nhàn lấy tên Thanh Nhàn; nhập một phần phường Cầu Dền vào Bách Khoa thành phường Bách Khoa; Quỳnh Lôi và Bạch Mai thành phường Bạch Mai; Đống Mác và Đồng Nhân thành phường Đồng Nhân. Tại quận Thanh Xuân, Thanh Xuân Nam và Thanh Xuân Bắc sáp nhập thành phường Thanh Xuân Bắc; Kim Giang và Hạ Đình thành phường Hạ Đình.....
Huyện Ứng Hòa có số xã giảm lớn nhất trong đợt sắp xếp đơn vị hành chính khi nhập 14 thành 5 xã. Cụ thể, nhập xã Viên Nội, Viên An, Hoa Sơn thành Hoa Viên; nhập xã Cao Thành, Sơn Công, Đồng Tiến thành xã Cao Sơn Tiến; nhập xã Hòa Xá, Vạn Thái, Hòa Nam thành xã Thái Hòa; nhập xã Lưu Hoàng, Hồng Quang, Đội Bình thành xã Bình Lưu Quang; nhập xã Trầm Lộng, Hòa Lâm thành xã Trầm Lộng…
Chia sẻ với PV Dân Việt về việc sáp nhập làng xã, nhà văn nhà nghiên cứu về văn hóa Hà Nội Nguyễn Ngọc Tiến đưa ra quan điểm mạnh mẽ. Ông chia sẻ mình đau đớn khi những địa danh lịch sử bị xóa bỏ, những cái tên mới vô nghĩa và thiếu hồn cốt văn hóa ra đời: "Việc sáp nhập theo tiêu chí về diện tích và dân số, theo quan điểm của tôi là không cần thiết. Trong khi đó, không ít cái tên mới làm mất cái hay, nét đặc trưng của địa phương. Nghiêm trọng hơn, chúng không mang lại cảm xúc về tình yêu quê hương đất nước, niềm tự hào với lịch sử".
Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Tiến, cái tên không đơn thuần chỉ là những chữ cái được ghi trên giấy, nó tạo nên những xáo trộn rất khủng khiếp trong căn cước, sinh hoạt, tiềm thức con người: "Làng quê của tôi khi nằm tại Thường Tín, lúc ở Thanh Trì, khi thuộc Hà Tây, lúc lại về Hà Nội. "Một đời người chỉ có một quê, nay tên này mai tên khác... rất đáng buồn".
Nói tới những địa danh đang được xem xét sáp nhập, ông Tiến cho rằng, cả Bạch Mai và Quỳnh Lôi đều là hai tên làng rất cổ xưa của Hà Nội, xóa bỏ một trong hai đều là tiếc nuối lớn đối với người dân Thủ đô.
"Trong khi đó, nhắc tới tới Hòa Xá (Ứng Hòa) là nhắc tới hình ảnh chiếc gậy Trường Sơn - một trong những biểu tượng của tinh thần yêu nước, khát khao giành độc lập và thống nhất đất nước. Ngày nay, Hòa Xá nói chung và Bảo tàng Quê hương phong trào Chiếc gậy Trường Sơn trở thành điểm du lịch của huyện Ứng Hòa. Trong khi đó, Hà Hồi (Thường Tín) nhắc lại chiến thắng lịch sử trong chiến dịch đại phá quân Thanh vào đúng đêm Mồng Ba Tết của đoàn quân của vua Quang Trung Nguyễn Huệ. Những địa danh ấy đều đang đứng trước nguy cơ biến mất. Là một người yêu Hà Nội và từng đi qua chiến tranh, tôi không khỏi xót xa" – ông Nguyễn Ngọc Tiến chia sẻ.
"Việc đổi tên làng xã rất ít khi xảy ra"
Bàn về vấn đề đặt tên mới cho làng xã, PGS.TS Bùi Xuân Đính (Viện Dân tộc học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng: "Hàng nghìn năm lịch sử, hầu như mỗi làng được nhà nước phong kiến sắp đặt thành một xã, nên tên làng tồn tại cùng tên xã. Việc đổi tên làng rất ít khi xảy ra, tên làng và tên xã trên con dấu (triện gỗ) của từng đơn vị dân cư - hành chính đó như nhau. Tên làng gắn với các đặc điểm và giá trị của làng luôn được các thế hệ dân làng biết và nhớ, ăn sâu trong tâm trí các thế hệ dân làng".
Ông Đính chia sẻ tư liệu về sự quay lại của những địa danh đã cũ: "Từ giữa năm 1956 trở đi, các đại xã lập trong kháng chiến được chia thành các xã nhỏ, tùy điều kiện cụ thể. Thế nhưng, chỉ có rất ít xã được lập trên quy mô làng cũ (kết cấu nhất xã nhất thôn). Đa số các xã thường có 2- 3 làng, thậm chí 4- 5 làng (kết cấu nhất xã nhị thôn, tam thôn, tứ thôn...). Tên các xã lúc này đa phần được đặt theo ý chí cách mạng (như Quyết Tâm, Quyết Chiến, Quyết Thắng), hoặc theo hào quang cách mạng (Vinh Quang, Thắng Lợi, Hòa Bình...), tên các lãnh tụ cách mạng (Trần Phú, Hoàng Văn Thụ, Phùng Chí Kiên, Minh Khai)... Đến giữa thập niên 1960, phần lớn các tên xã này được bỏ, để trở lại với các tên làng - xã cũ".
"Một trong những vấn đề của việc sáp nhập xã hiện nay chính là đặt tên cho xã, bởi cán bộ và nhân dân xã (cũ) nào cũng muốn giữ lại một yếu tố tên của cộng đồng mình, song nhiều trường hợp, nếu ghép một trong các yếu tố tên các xã lại với nhau thì không có ý nghĩa, thậm chí còn gây hiểu nhầm và phiền hà cho công việc hành chính. Thực tế cho thấy, nhiều địa phương phải mời các nhà khoa học về tư vấn cho việc đặt tên xã sắp sáp nhập" - ông Đính khẳng định.
Đồng tình với ý kiến này, ông Trần Hữu Sơn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian nhận định, "không nên máy móc" đặt tên bằng cách ghép từ lại với nhau, cần cân nhắc rất kỹ lưỡng trong từng trường hợp cụ thể". Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Văn Huy – Nguyên Giám đốc Bảo tàng dân tộc học đưa ra quan niệm: "Những địa danh xưa là sự nối kết giữa hiện tại, quá khứ và tương lai. Đừng để tên của những địa danh cũ bị biến mất đi, đó là điều tai hại".
Theo trannhuong
Các tin khác
-
Hà Nội, con thuyền, phù sa – Tiểu luận của Hồ Anh Thái
-
Công tác lý luận phê bình văn học nghệ thuật: Đi tìm những "con mắt xanh"
-
Nguyễn Quang Sáng: Cuộc đời sự nghiệp và phong cách sáng tác văn học
-
Điện Biên Phủ - nguồn cảm hứng bất tận - Hữu Thỉnh với trường ca 'Giao hưởng Điện Biên': 'Nhìn lên hoa ban nở…'
-
Người Thái Bình - đất Thái Bình qua ca dao, tục ngữ .
-
“Bà cô bên chồng” của nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến
-
NHÃ CA, NGƯỜI ĐÀN BÀ NÀO CŨNG ĐẸP
-
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư kể chuyện “Tro tàn rực rỡ” từ tác phẩm văn học lên phim
-
CA SĨ KHÁNH LY BẤT BÌNH VÌ NHIỀU ĐOẠN TRONG PHIM “EM VÀ TRỊNH”
-
TẢN MẠN CHUYỆN NGHỆ DANH CỦA CÁC “SAO” VIỆT