/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

LÝ LUẬN PHÊ BÌNH

BIỆN HỘ CHO PHÚ ÔNG TRONG BÀI CA DAO “THẰNG BỜM”

Đọc bài ca dao Thằng Bờm chẳng mấy ai không thấy lòng vui vui và trong trí hiện lên khung cảnh làng quê với một nếp sông êm ả và bình dị chớ không mấy ai lại liên nghĩ đến hai người nầy kỳ kèo đấu trí lẫn nhau bao giờ./.

BIỆN HỘ CHO PHÚ ÔNG TRONG BÀI CA DAO “THẰNG BỜM”    

 CHÂU THẠCH


Vừa qua trên vài trang web trong và ngoài nước tác giả Trần kế Hoàn đã viết một bài với đề tài “Cần hiểu bài ca dao “Thằng Bờm” như thế nào?”. Trong bài viết nầy tác giả đã có ý kiến không thống nhất với việc đài VTV3 Truyền Hình Việt Nam trong chương trình “Ai là triệu phú” cũng như “Chúng tôi là chiến sĩ” đã cho đáp án là Bờm nhận nắm xôi của Phú Ông để ăn, nghĩa là đã đồng ý đổi quạt cho Phú Ông. Tác giả Trần kế Hoàn lập luận rằng: “ Trời ơi! quả là một sai lầm nghiêm trọng! hai từ cuối của bài ca dao là “Bờm cười” chớ có từ nào thể hiện là bờm đồng ý đâu”. Sau đó tác giả tiếp tục lý luận với những nhận định như sau: “Phú Ông là đại diện cho lớp người giàu có xưa. Chúng rất nham hiểm, mưu mô, thủ đoạn”. Đồng thời tác giả cũng cho rằng thằng Bờm đã khôn ngoan tặng cho Phú Ông những nụ cười khinh bỉ khi từ chối những tài sản có giá trị kinh tế cao.

 Châu Thạch tôi cũng đồng ý với tác giả Trần kế Hoàn về việc VTV3 đã cho đáp án thằng Bờm nhận nắm xôi là không đúng, nhưng rất không đồng ý với tác giả về việc đánh giá tư cách của Phú Ông và Thằng Bờm. Tôi cho rằng việc đánh giá Phú Ông là người nham hiểm và Thằng Bờm khôn ngoan đến độ có cái cười khinh miệt vào mặt Phú Ông là những suy nghĩ lệch lạc do chịu ảnh hưởng của một thời người ta cố bóp méo bài ca dao “Thằng Bờm” để phục vụ cho “Đấu tranh gai cấp”.

Để biện minh cho Phú Ông và Thằng Bờm tôi xin gởi lên đây một bài viết mà tôi đã đăng trên nhiều trang web trong và ngoài nước nhiều năm trước đây. Kính mong tác giả Trần Kế Hoàn và quý bạn đọc lượng thứ cho nếu những gì không đúng với suy tư của mình.

VÀI SUY NGHĨ VỀ BÀI CA DAO "THẰNG BỜM" -        

                                                                                            Châu Thạch

 

        

             

Thằng Bờm có cái quạt mo

Phú ông xin đổi ba bò chín trâu

Bờm rằng Bờm chẳng lấy trâu

Phú ông xin đổi một xâu cá mè

Bờm rằng Bờm chẳng lấy mè

Phú ông xin đổi một bè gổ lim

Bờm rằng Bờm chẳng lấy lim

Phú ông xin đổi con chim đồi mồi

Bờm rằng Bờm chẳng lấy mồi

Phú ông xin đổi nắm xôi Bờm cười./.

 

 

Có nhiều bài bình văn trên báo chí cũng như  nhiều bài giảng văn trong sách giáo khoa viết về bài ca dao Thằng Bờm như sau:

 

1) -Bờm có một cử chỉ thật tuyệt, đã lắc đầu từ chối nhiều lần, lừa cho Phú ông bộc lộ hết lòng tham lam của mình, năn nỉ đổi cho bằng được cái quạt mo của Bờm. Cuối cùng bờm ném vào mặt Phú ông một nụ cười khinh bỉ, từ chối nắm xôi thơm tho hấp dẫn.

 

-Bờm đại diện cho giai cấp nông dân nghèo trong thời phong kiến, thật thà chất phát nhưng khôn ngoan và trong sạch, không ham của cải phi nghĩa chẳng do bàn tay lao động mình làm ra.

 

2) -Phú ông là một tên trọc phú ngu ngốc, chết mê chết mệt cái quạt mo của Bờm, nên không ngần ngại đem tài sản của mình đánh đổi.

 

-Phú ông đại diện cho lớp địa chủ thời phong kiến, ngu muội và tham lam.  

 

  Kẻ hèn nầy không phải là nhà phê bình văn học,cũng không phải là người học cao hiểu rộng, nhưng có những ý kiến thô thiển ngược với những lập luận trên. kính trình bày để bạn đọc xa gần cùng bàn luận cho thêm cao kiến: 

 

1) Bờm: Theo tự điển Khoa học thì Bờm chỉ là một đứa trẻ còn bụ sữa,có một chỏm tóc để dài che trên thóp đầu ,có nơi gọi là chổ “mỏ ác”.

 

Vậy Bờm không thể  có sự khôn ngoan lắc léo để lừa Phú  ông như trên đã nói. Sở dỉ Bờm từ  chối những món hàng tuyệt vời mà Phú ông đã mặc cả chỉ bởi vì Bờm còn nhỏ, chưa có ý niệm gì về của cải vật chất trong đầu nó cả. Cuối cùng khi Phú ông mặc cả đến nắm xôi,Bờm cười. Cười, có thể là từ chối nắm xôi, cũng có thể là đồng ý nhận nắm xôi để trao chiếc quạt cho Phú ông, vì trong đầu non nớt của Bờm nắm xôi có giá trị nhất. Cái cười của Bờm trong bài ca dao chỉ là  sự kết luận cố ý để nửa vời cho người nghe ca dao hiểu sao cũng được, chứ không dứt khoát đây phải là cái cười khinh bỉ vào mặt Phú ông.

 

 2) Phú ông: Theo tự điển Khoa học Phú ông chỉ là người đàn ông giàu có, còn người đàn ông giàu có mà tham lam ngu dốt thì gọi là trọc phú.Vậy bài ca dao nầy dùng từ Phú ông có nghĩa là ông ta không hẳn là người xấu, có thể là người tốt .

 

-Cái quạt mo ở nông thôn ngày xưa thì nhà nghèo cũng có, huống chi phú ông lại là người giàu, muốn có thì khối gì. Vậy vì cớ gì Phú ông trả giá đến ba bò chín trâu, ao sâu cá mè để đánh đổi một vật tầm thường như thế? Vả lại khi mặc cả đánh đổi một vật có ai lại cắc cớ trả từ giá cao đến giá thấp như Phú ông bao giờ.

 

Để giải thích cho hợp lý hành động lạ kỳ nầy của Phú ông,  chỉ có thể kết luận là ông ta muốn đùa vui với Bờm mà thôi. Phú ông chắc chắn là người yêu trẻ, thấy Bờm bụ bẩm dể thương, ông ta lại có tâm hồn hài hước nên âu yếm đùa vui với Bờm bằng sự mặc cả nầy.

 

Theo thiển ý của tôi, bài ca dao Thằng Bờm vẽ nên một bức tranh dân gian hài hòa, nói lên tâm hồn cởi mở, hài hước, bình dị và trong sạch của người dân nông thôn thuở trước, tuyệt nhiên không chỉ trích bêu xấu một thành phần nào trong cộng đồng đó. Tặng cho Thằng Bờm một bộ óc cao siêu, đeo cho Phú Ông một bộ mặt gian xảo là bóp méo bài ca dao, làm hư đi bức tranh miêu tả nét bình dị, dí dỏm của nền văn hoá Việt Nam ở vùng nông thôn một thời xa xưa ấy. Đành rằng giai cấp địa chủ và người nghèo trong thời phong kiến luôn luôn có mâu thuẩn nhau nhưng nó không phải được diễn tả trong bài ca dao nầy. Biến bài ca dao Thằng Bờm thành một phương tiện đấu tranh giai cấp là bức râu ông nọ cắm cằm bà kia. Điều ấy rất sai lầm.

 

 Đọc bài ca dao Thằng Bờm chẳng mấy ai không thấy lòng vui vui và trong trí hiện lên khung cảnh làng quê với một nếp sông êm ả và bình dị chớ không mấy ai lại liên nghĩ đến hai người nầy kỳ kèo đấu trí lẫn nhau bao giờ./.

    

                                                       Châu-Thạch