/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

TIN TỨC

Tô Hoài, Nguyễn Nhật Ánh đỉnh đến bao giờ?

Tôi cũng biết thành công của mình có mức độ, nhưng tôi không nản”.

 

Tô Hoài, Nguyễn Nhật Ánh đỉnh đến bao giờ?

Nguyễn Nhật Ánh ký sách ở Hà Nội. Ảnh: T.QuýNguyễn Nhật Ánh ký sách ở Hà Nội. Ảnh: T.Quý


Dế mèn phiêu lưu ký sau gần 80 năm vẫn được nhắc như tác phẩm đinh của văn học cho thiếu nhi. Nguyễn Nhật Ánh nhiều năm giữ vững phong độ tác giả ăn khách. Hai tên tuổi được chọn để tôn vinh nhân Ngày sách Việt Nam lần đầu.

95 tuổi vẫn viết

Khuôn viên Thư viện quốc gia là nơi diễn ra các hoạt động mang tính hội hè, nhộn nhịp. Riêng sảnh chính tận dụng thành khán phòng tọa đàm, tôn vinh tác phẩm. Sáng 20/4, diễn giả giới thiệu các tác giả trung đến hiện đại. Thời gian buổi chiều chủ yếu dành cho tác phẩm thiếu nhi.

Lão nông U80 Hồ Ngọc Khiết, từng nhiều lần đạp xe xuyên Việt, nói nhờ Dế mèn phiêu lưu ký mà ông có niềm say mê đọc sách. Nhà sử học Dương Trung Quốc trong vai trò dẫn chương trình, nhận định tác phẩm này hơn cả tuổi ông, gắn với bao thế hệ. Tác phẩm đến nay được dịch giới thiệu ở 42 nước.

Tại sao nhà văn có được sự quan sát sâu đến thế, một độc giả đặt câu hỏi. Nhà báo Nguyễn Phương Vũ, con trai nhà văn Tô Hoài đại diện đến giao lưu, nói: “Cụ chơi dế hàng ngày. Bên bờ sông Tô lịch trẻ con trong làng bắt dế chơi với nhau suốt. Cụ cũng nghịch ngợm, đến bây giờ vẫn nghịch. Từ cái nghịch đó nảy sinh nhiều chi tiết kỹ càng, chứ chơi không thì không thể có tác phẩm như thế được”.

“Có thể nói bác Tô Hoài đi hai chân, một chân gắn rất chặt với thôn quê truyền thống của mình. Một chân gắn rất chặt với đô thị đang hình thành đầu thế kỷ 30, ảnh hưởng một phần văn hóa phương Tây trong đó có hình ảnh Chú mèo đi hia. Tôi đưa giả thiết, đây là sự kết hợp giữa con dế mèn dân quê, dân dã với nhiều nhân vật từ một chân trời xa lạ”, ông Dương Trung Quốc nhận xét.

Lại hiện tượng Nguyễn Nhật Ánh

Tọa đàm về chiều vắng hơn, chỉ bắt đầu vòng trong vòng ngoài khi có Nguyễn Nhật Ánh. Sau giao lưu, Nguyễn Nhật Ánh lại ngồi vào bàn ký tặng bạn đọc trật tự xếp hàng dài, tay ôm ấn phẩm mới nhất Chúc một ngày tốt lành.

Ông Vũ Khắc Tiếp nay 87 tuổi vẫn miệt mài dịch bộ Kính vạn hoa ra tiếng Pháp. Độc giả trẻ tên Linh nói mới ở TPHCM ra, gặp nhà văn chỉ đơn giản hỏi về cảm xúc của ông khi viết Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, vì cuốn sách khiến cậu “về lại tuổi thơ của mình”.

“Tôi có cuốn hay, cuốn không hay, có cuốn dở, cái đó do tài năng, đặc biệt do phong độ của người viết. Nhưng tôi luôn nỗ lực, chăm chút từng câu chữ. Lúc nào cũng có cảm giác bạn đọc đang nhìn vào từng trang viết, khiến không thể qua loa. Tôi cho đó là trách nhiệm của nhà văn”.

Nguyễn Nhật Ánh

“Từ cuốn Tôi là BêTô, rồi Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, tôi không nghĩ viết cho thiếu nhi nữa. Trong này lồng ghép nhiều trải nghiệm, suy tư của người lớn, có thể gọi là tổng kết kinh nghiệm sống. Thành ra tôi có thể viết rất thoải mái, viết cho chính tôi và cho cả những người cùng tuổi. Chỗ này dành cho trẻ con, chỗ khác dành cho những người từng là trẻ con. Cuốn sách mở rộng biên độ đối tượng, nên nói được nhiều hơn vẻ bề ngoài của một cuốn sách thiếu nhi”, Nguyễn Nhật Ánh chia sẻ.

Còn ai viết cho trẻ?

Không phải không có người viết văn cho trẻ, nhưng đọng lại được như Dế mèn phiêu lưu ký, hay ăn khách như Nguyễn Nhật Ánh lại là chuyện khác. Nhà văn Lê Phương Liên- nguyên Trưởng ban Nhà văn Thiếu nhi (đã giải tán năm 2010) của Hội Nhà văn VN- thừa nhận, “Phần lớn nhà văn chưa đạt đến niềm đam mê viết cho trẻ”.

“Muốn viết cho thiếu nhi, như đỉnh cao hiện tại Nguyễn Nhật Ánh, phải thực sự am hiểu, là người bạn tốt yêu thương và hiểu trẻ em. Tôi không dám nói các nhà văn không yêu thương trẻ nhưng sự gần gũi và thực sự cảm thông, để tâm đến từng chuyện nho nhỏ của các cháu thì chưa nhiều”, bà Liên nói bên lề tọa đàm.

TS. Nguyễn Thụy Anh người giới thiệu cuốn Chúc một ngày tốt lành, nói Nguyễn Nhật Ánh có ưu thế hơn các nhà văn khác, có vẻ ông nhớ rất kỹ tuổi thơ của mình.

Nhà văn Lê Phương Liên lý giải thêm, ngoài lý do ít người viết văn cho trẻ, còn có ảnh hưởng từ văn học nước ngoài. Bà cho rằng, sự khúc xạ này khiến một số cây bút trẻ muốn thay đổi nhưng chưa chạm tới độc giả. Theo bà, sự thay đổi ấy cần nhưng phải chân thành, tự nhiên như cây cỏ thì văn phong mới hay được.

Con trai Tô Hoài cho biết cha ông vẫn minh mẫn lắm. Thời gian gần đây sức khỏe ổn định hơn, ông lại cầm bút. “Tôi tin cụ sẽ tiếp tục viết”, ông Vũ nói. Nguyễn Nhật Ánh thì “đẻ sòn sòn” mỗi năm. Còn Lê Phương Liên khiêm tốn: “Tôi vẫn viết cho thiếu nhi, noi gương bậc đàn anh Tô Hoài, bạn văn Nguyễn Nhật Ánh. Tôi cũng biết thành công của mình có mức độ, nhưng tôi không nản”.
Theo tienphong