/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

TIN TỨC

Rộn ràng văn học thời bao cấp

Bây giờ mọi người đang ngậm ngùi quá, nhớ thương nó quá thì cũng sẽ có sự đơn điệu”.

Rộn ràng văn học thời bao cấp



       Về văn học viết về thời bao cấp, nhà văn Nguyễn Việt Hà nói: “Tôi cho là ai cũng muốn nhớ lại một quãng mình đã sống mà trong đó có nhiều kỷ niệm. Chuyện sách bán chạy cũng có thể lý giải là như thế”.

Chuyện ngõ nghèo của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh được vinh danh tại hạng mục Văn học của giải thưởng Sách hay 2018
Chuyện ngõ nghèo của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh được vinh danh tại hạng mục Văn học của giải thưởng Sách hay 2018
 
Những nỗi nhớ nối dài
Khi nhà văn Trần Thị Trường in cuốn Phố Hoài, những nhà văn bạn bè của bà hầu như đều có trong tay cuốn sách. Phố Hoài ngay từ lời giới thiệu đã được cố tác giả Phạm Toàn coi như “một bảo tàng về thời bao cấp”. Vì thế, việc bạn bè đón sách, đọc sách của bà được coi như chờ đợi một góc nhìn khác về thời kỳ này. Cuốn sách cũng đã hết hàng trên Tiki. “Tôi đọc về thời bao cấp chứ. Trước đây, những cuốn về thời này tôi đều đọc cả, mấy năm nay thì nhiều: Chuyện ngõ nghèo của Nguyễn Xuân Khánh; Quân khu Nam Đồng của Bình Ca; Hà Nội mũ rơm và tem phiếu của Trung Sĩ, Đi dọc Hà Nội, Đi ngang Hà Nội của Nguyễn Ngọc Tiến”, nhà văn Nguyễn Việt Hà nói. Theo ông Hà, khoảng 5 năm trở lại đây, văn học viết về thời bao cấp xuất hiện đều và nhiều cuốn bán chạy.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Trương Quý, cũng có nhiều tác phẩm văn học chọn thời bao cấp “làm bối cảnh”. Những cuốn sách này cho thấy rõ nhu cầu phản ánh quá khứ chưa xa của các nhà văn. Vì thế, tuy không chủ ý tả về thời bao cấp thì bóng dáng những câu chuyện bao cấp vẫn rất rõ trong đó. “Tuy chủ yếu các tác phẩm là chép lại, kể lại thì vẫn có người tìm cách chất vấn. Nói chung, những cuốn tiểu thuyết đáng kể trong 20 năm trở lại đây đều dành thời gian để phản ánh đời của họ, và do đó, bao cấp cũng có trong đó. Chẳng hạn, các tác phẩm Giai phố cổ của anh Nguyễn Việt Hà, Những câu chuyện Hà Nội của Đỗ Phấn...là như vậy”, ông Quý nói.
Trong khi đó, PGS-TS Phạm Xuân Thạch, Chủ nhiệm Khoa Văn học (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội), lại đặc biệt đánh giá cao cuốn Chuyện ngõ nghèo của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh và cuốn Kim Liên một thuở của nhà văn Vũ Công Chiến. Chuyện ngõ nghèo được vinh danh tại hạng mục Văn học của giải thưởng Sách hay 2018. Kim Liên một thuở được đề cử ở hạng mục Tác phẩm vì tình yêu Hà Nội, giải thưởng Bùi Xuân Phái 2019. Cũng phải nói thêm, Giai phố cổ của nhà văn Nguyễn Việt Hà đã được giải thưởng Văn học 2019 của Hội Nhà văn Hà Nội.
Nhà văn Nguyễn Việt Hà cho rằng các tác phẩm về thời bao cấp bán chạy cũng như người ta thường nhớ tình đầu. “Giờ như là nhớ mối tình đầu, người ta chỉ nhớ những cái đẹp thôi. Khi đọc nó rưng rưng như kiểu trong Nam mọi người thích nghe lại bolero ấy. Tôi cho là ai cũng muốn nhớ lại một quãng mình đã sống mà trong đó có nhiều kỷ niệm. Chuyện sách bán chạy cũng có thể lý giải là như thế”, ông Hà nói.
 
Rộn ràng văn học thời bao cấp1

Quân khu Nam Đồng là cuốn sách bán chạy ngay từ khi mới ra mắt

Ảnh: NXB Trẻ

Chờ đợi người trẻ

Về những trông chờ vào văn học viết về thời bao cấp, ông Hà cho rằng khi cơn sóng kể lại chuyện xưa lắng đi, sẽ có những người viết về bao cấp sâu hơn, khác hơn. “Thế hệ tôi hoàn toàn bị bao cấp quấy rầy. Nó ám ảnh. Sau này kể hết đi thì phải có một cái gì xử lý đề tài khác. Bây giờ còn chuyện lạ thì người ta kể thôi. Nếu viết về thời bao cấp thì tôi trông cậy vào đội 8X thôi. Chứ còn không thì sẽ rơi vào cảnh viết những chuyện mình nghe mãi rồi”, ông nói.
Bản thân ông Hà, trong các tác phẩm của mình, bao giờ cũng cài nhân vật nối bao cấp vào hiện đại. “Kể cả phim ảnh cũng thế thôi. Phải có cái khác đi. Bố mẹ tôi đi xem Mắt biếc thì thích thấy thế hệ ngày xưa. Nhưng nhìn sang âm nhạc, nếu có kiểu ông bà tôi yêu nhau (bài hát Ông bà anh của nhạc sĩ, ca sĩ Lê Thiện Hiếu - PV) thì thích hơn”, ông Hà nói.
TS Trần Ngọc Hiếu, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng đúng là đang có một trào lưu hoài niệm thanh xuân trong các cuốn sách. Ông Hiếu đánh giá trong những năm gần đây, Chuyện ngõ nghèo là tác phẩm văn học tốt nhất về thời bao cấp. Tuy nhiên, những tác phẩm khác cũng đáng ghi nhận ở các góc nhìn. “Ngày trước, về tuổi thanh xuân thì chỉ có chuyện Hà Nội lúc 0 giờ của Bảo Ninh nói về bọn trẻ lúc lớn lên. Chuyện có những tâm tư. Nhưng bây giờ, tâm tư về cách lớp trẻ lớn lên nhiều hơn. Nhưng để có sự thách thức trong đó thì chưa có cuốn nào. Bây giờ mọi người đang ngậm ngùi quá, nhớ thương nó quá thì cũng sẽ có sự đơn điệu”.

Theo bao thanhnien