/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

Tin Quốc tế

Sách cấm không đồng nghĩa với sách hay

Trung Quốc có một câu nói vô cùng phổ biến: “Tuyết dạ độc cấm thư, nhân sinh nhất khoái sự.”

Sách cấm không đồng nghĩa với sách hay

Nguyễn Thị Minh Thương (dịch)


Sách cấm không đồng nghĩa sách hay, ngày nay khi một bộ phận tác giả lấy việc viết “sách cấm” làm vinh dự, đại chúng lấy việc đọc “sách cấm” làm niềm vui, “sách cấm” vô thức đã trở thành một nhãn hiệu mà người ta đổ xô vào trong thị trường sách. Là nhà văn Trung Quốc có “nhiều sách cấm nhất”, trong bài viết này, tiêu chuẩn và sự khác biệt nghiêm ngặt giữa “sách cấm và sách hay” mà Diêm Liên Khoa nhấn mạnh có lẽ càng đáng đọc, ít nhất bạn sẽ hiểu rõ vì sao ông chưa bao giờ cảm thấy danh hiệu nhà văn có “nhiều sách cấm nhất” là một sự khen thưởng đối với ông.

Diêm Liên Khoa (Yan Lianke): nhà văn nổi tiếng Trung Quốc, là tác giả có nhiều sách cấm nhất và gây tranh luận nhất ở Trung Quốc hiện nay. Trong đó, ba tiểu thuyết “Vì nhân dân phục vụ”, “Đinh trang mộng”, “Tứ thư” bị cấm ở Trung Quốc nhưng gây tiếng vang trên thế giới. Ở Việt Nam, đến nay Diêm Liên Khoa có hai tác phẩm được xuất bản là “Vì nhân dân phục vụ” và “Phong nhã tụng”, đều do dịch giả Vũ Công Hoan dịch. Bài viết sau được Diêm Liên Khoa cho phép mạng Tengxun Trung Quốc độc quyền đăng tải, là một phần trong cuốn sách “Hổn hển trong trầm mặc – Trung Quốc và văn học trong trải nghiệm của tôi” được tập hợp và chỉnh lý từ loạt bài giảng cho các trường Đại học Mỹ trong năm 2013 của ông.

 

 

Nhà văn Diêm Liên Khoa (Trung Quốc)

Trung Quốc có một câu nói vô cùng phổ biến: “Tuyết dạ độc cấm thư, nhân sinh nhất khoái sự.” Từ đó có thể thấy sách cấm đem đến cho độc giả một loại cảm giác thỏa mãn nào đó, giống như một viên kẹo bị khóa trong rương, trong lúc vắng vẻ không người tỏa ra hương vị ngọt ngào. Ngày nay bất kể đi đến đâu, mọi người đều sẽ giới thiệu tôi: “Đây là nhà văn được tranh luận nhiều nhất, và cũng bị cấm sách nhiều nhất đến từ Trung Quốc.” Đối với loại giới thiệu này tôi không tỏ ý kiến, đương nhiên cũng không chê, nhưng cũng không cảm nhận được quá nhiều sự tán dương nghệ thuật.

Bởi vì tôi trước sau đều cho rằng, cấm không thể đánh đồng với nghệ thuật. Có lúc nó dây dưa quá nhiều đến dũng khí. Cho dù chúng ta vẫn có thể lí giải câu nói của Goethe – không có dũng khí thì không có nghệ thuật! Kéo dài câu nói này ra, có thể nói, không có dũng khí thì không có sáng tạo có tính khai sáng trong nghệ thuật. Thế nhưng, tôi vẫn lo lắng độc giả sẽ đem sách cấm và tranh luận chỉ dừng lại trên bình diện dũng khí, đặc biệt là đối với những tác giả đến từ Trung Quốc và những tác giả tác phẩm của Liên Xô cũ, còn có những tác giả và tác phẩm mà chúng ta gọi là “thế giới thứ ba”.

Đối với điều này – về sách cấm và tranh luận, tôi nói một vài quan điểm dưới đây:

Cho dù trên thế giới có vô số tác gia từng bị cấm, ví dụ như một chuỗi tên dài thường được chúng ta nói đến như Solzhenitsyn, Boris Pasternak, Nabokov, Lawrence, Jorge Luis Borges, Llosa, Miller, Kundera, Salman Rushdie, Kadare, vv, nếu như chúng ta đứng trong thư viện, hoặc là mở ra một trang nào đó trong máy tính, chuỗi tên này có thể giống như đội kị mã khải hoàn trở về, từ cổ nhân đến hậu thế, hàng ngàn hàng vạn, không thể đếm hết.

Nhưng sở dĩ chúng ta chỉ có thể nhớ được những cái tên ít ỏi trong đội ngũ này, là bởi vì họ không chỉ bị cấm, mà còn viết ra được những tác phẩm bị cấm xuất sắc và vĩ đại. Mà ngoài ra – những tác gia và tác phẩm vì tự do ngôn luận đã phải trả giá cực lớn hoặc hi sinh tính mạng, chúng ta nhất thiết phải thể hiện niềm kính trọng một cách chân thành đối với sự hi sinh trả giá cho sự khai phóng, tiến bộ, tự do, dân chủ bình đẳng của họ đối với quốc gia và nhân loại. Nhưng khi chúng ta đem những tác gia và tác phẩm này nạp vào nghệ thuật để nói, cũng nhất thiết phải thừa nhận một cách tàn khốc rằng, chúng ta – là tôi, vẫn không hề nhớ rõ họ, điều này ngoài kí ức đáng chết của tôi, thứ nên chịu trách nhiệm về điều này, chắc còn có những tác phẩm mà họ đã viết ra. Có lúc, nghệ thuật là tàn khốc, cũng giống như thời gian sẽ không vì sự sang hèn quý tiện của con người mà kéo dài một ngày đến ba mươi sáu hoặc bốn mươi tám tiếng đồng hồ cho ai đó, nghệ thuật cũng không vì những áp bức của chính trị, quyền lực đối với bạn khi bạn ở một chế độ quốc gia, một hoàn cảnh và một thời đại nào đó mà trên chiếc cân thành tựu, đặt thêm một quả cân trọng lượng. Cho dù là đặt lên, sẽ có ngày khi nó cảm thấy không đủ công bằng và thỏa đáng, trong một dịp khác, sẽ lặng lẽ bỏ đi quả cân này. Hôm nay, đối với Trung Quốc, dường như mỗi năm đều có mấy cuốn, mấy chục cuốn sách bị cấm xuất bản và những cuốn sách sau khi thẩm tra thì bị cấm xuất bản. Đối với điều này, chúng ta một mặt chán ghét sâu sắc chế độ xuất bản và thẩm tra như thế này, tình nguyện đi làm các loại nỗ lực có tính hi sinh để loại bỏ kiểu thẩm tra này; mặt khác, chúng ta cũng không thể bởi vì những tác phẩm này bị cấm và thẩm tra, mà đem vòng nguyệt quế tác phẩm hay đặt lên trang bìa của những cuốn sách đó, đội lên đầu những nhà văn đó. Tôi biết, tác gia Trung Quốc hôm nay, sau khi rời bỏ mảnh đất đó, đến phương Tây, đến Mỹ, đều thích nói với thính giả và truyền thông, anh ta (chị ta) là người rất được tranh luận ở quốc gia đó, sách của anh ta (chị ta) bị phê phán, tranh luận, bị cắt bỏ sửa đổi, bị cấm xuất bản vân vân và vân vân, bởi vì như vậy, phương Tây và truyền thông mới quan tâm và chú ý đến tác phẩm của anh ta và chị ta. Nhưng xin những người bạn đáng kính thứ lỗi cho tôi, ở đây, điều tôi muốn nói là – cấm và tranh luận là một vết nhơ trong thẩm tra Trung Quốc, là cửa quan tâm trực tiếp then chốt nhất của phương Tây đối với Trung Quốc, nhưng nó không hề đồng nghĩa với thước đo và tiêu chuẩn cho một tác phẩm hay có thành tựu nghệ thuật cao.

Từ sớm, Trung Quốc có tác giả từng tình nguyện dùng 10 vạn nhân dân tệ hối lộ cơ quan xuất bản Trung Quốc để cấm, để phê phán tiểu thuyết của anh ta, ví dụ đáng cười này, đã nói rõ cấm là mắt cửa được quan tâm nhưng là một độ cao phi nghệ thuật. Cũng vì vậy, mỗi khi tôi đến một nơi nào đó, khi nói tôi là nhà văn Trung Quốc được tranh luận nhất, sách bị cấm nhiều nhất, tôi chỉ có thể trầm lặng, đã không cảm nhận được vinh dự, cũng không cảm nhận được nỗi buồn, chỉ có thể coi sự giới thiệu này là một lễ tiết không thích hợp, giống như khi các bạn gặp người quen, bạn đưa mặt ra hôn mà đối phương lại đưa tay ra bắt.

Nói một cách thực lòng, các bạn và những độc giả phương Tây khác hiểu rõ về tôi bắt đầu từ cuốn sách cấm “Vì nhân dân phục vụ”, cho dù các bạn bình giá bộ sách này như thế nào, tôi cũng không hề cho rằng nó có bao nhiêu giá trị trong sáng tác của tôi. Nó chỉ là một dấu ấn sáng rõ, một sự kiện và hồi ức trong cuộc đời và sáng tác của tôi, mà không phải là một tiểu thuyết hàng đầu thượng hảo. Cho rằng nó tốt rồi, vậy thì càng nên – có cơ hội hãy đi đọc bộ tiểu thuyết khác của tôi – “Kiên ngạnh như thủy”. Các bạn thích “Kiên ngạnh như thủy”, tôi sẽ rất vui, nhưng đánh giá quá cao “Vì nhân dân phục vụ”, tôi cũng chỉ có thể cười ngầm hiểu mà trong lòng cảm kích. Còn có “Hạ nhật lạc” năm 1994 tôi bị cấm ở Trung Quốc, nó chỉ có ý nghĩa trong văn nghệ quân sự và tác phẩm tả thực của Trung Quốc, nhưng mở rộng phạm vi thì ý nghĩa sẽ giảm đi. Mà phạm vi càng lớn, ý nghĩa của nó sợ rằng sẽ càng thêm mơ hồ và bị cắt giảm. Trong các sách cấm, tôi hi vọng mọi người đọc “Đinh trang mộng” và “Tứ thư” của tôi, mà không phải là hai bộ trước (Chỉ Hạ Nhật lạc  Vì nhân dân phục vụ - ND). Mà khi bình luận tác phẩm của tôi, tôi chỉ hi vọng các bạn sẽ coi tôi là một tác gia, mà không phải coi là một tác gia “được tranh luận nhất” và “sách cấm nhiều nhất” đi đối đãi.

Sự nỗ lực một đời của tôi, chỉ hi vọng viết ra được tác phẩm hay, là một tác giả tốt, mà không phải trở thành một tác giả “có sách cấm nhiều nhất tranh luận nhất” ở Trung Quốc.

Nguon theo hoinhavanvn




 

Nguồn: inews.qq.com