/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

văn xuôi

Thuốc lào Vĩnh Bảo

Nhớ ai như nhớ thuốc lào/Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên/Thuốc lào chồng hút vợ say/Thằng bé châm lửa lăn quay ra nhà.
Nguyễn Thị Thúy Ngoan
 
 Thuốc lào Vĩnh Bảo
 
 
Nói về thú vui hút thuốc lào, dân gian đã có những câu ca truyền miệng:
Nhớ ai như nhớ thuốc lào/Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên/Thuốc lào chồng hút vợ say/Thằng bé châm lửa lăn quay ra nhà.
Không hiểu người dân quê tôi, và bao người dân ở những miền quê khác đã biết hút thuốc lào từ bao giờ? Nhưng từ ngày xửa, ngày xưa, người làng tôi đã thuộc lòng những câu ca truyền miệng này.
 
Từ làng trên xóm dưới, có thể nói cả huyện, nhà nào cũng có điếu hút thuốc lào. Mời nhau miếng trầu, điếu thuốc là một mỹ tục làm cho con người gần gũi nhau hơn. Ngày ấy các cụ hút bằng cái bát điếu hình bầu dục, được làm bằng sành sứ có vẽ hoa văn rồng phượng rất đẹp. Khi hút, vê vê sợi thuốc thành viên rồi cho vào nõ điếu, quờ tay rút que đóm trong khi miệng vẫn nói chuyện khác, bàn tay khum khum cầm đóm châm lửa rồi hít một hơi…ngửa mặt lên trời, phả một làn khói hình chữ o… bồng bềnh trôi như mây trắng, rồi ngà ngà say! Hồn bay lên lâng lâng khoan khoái, những phút giây thần tiên ấy như nghiêng… cả một khoảng không gian mơ hồ làm quên hết mọi sự đời. ..
     
Nhớ mãi, bọn trẻ chúng tôi thả trâu ở triền đê đi mò cua thấy các bác xã viên HTX làm đồng, đến nửa buổi được nghỉ giải lao, tất cả lên bờ ngồi hút thuốc, khói thuốc thơm quyện vào gió, vào nắng, vào cỏ thơm, vào đất bốc lên ngai ngái quyến rũ đến lạ kỳ. Tôi có cảm giác như họ muốn nằm lăn ra bờ vì cái bụng đã đói meo, vì say thuốc dưới cái nắng tháng 5 như đổ lửa tràn xuống cánh đồng lúa bao la đã chín vàng.
 
Từ vùng đồng bằng lên miền núi, từ ngoài Bắc, vào Nam, đâu đâu cũng có người hút thuốc lào Vinh Bảo, mà phải đúng cái tên thuốc lào Vĩnh Bảo, hoặc Tiên Lãng mới chính hiệu thuốc ngon, mới được thưởng thức cái khói thuốc say mơ màng ấy. Bởi chỉ nơi đây mới có một vùng đất chân chua đặc trưng thích nghi với loại cây này.
 
Vào khoảng tháng 12 âm lịch, trời rét và mưa dầm, những ngày mưa bụi bay như màn sương phủ trắng cánh đồng, cỏ cây lên xanh mơn mởn, cây trái trong vườn nảy lộc đơm hoa. Cũng là thời kỳ gieo hạt giống, khi cây thuốc đã lên khỏi mặt đất 2 lá, người ta lấy lá chuối tươi cuộn tròn, dùng cái que tăm cài lại thành một cái khuôn nhỏ, nhồi đất màu đã được đánh tơi vào, mỗi cây giống một khuôn, ươm đến khi cây lên khoảng 3,4 lá, là mang cả khuôn ra đồng trồng. Thuốc phải được trồng ở cánh đồng ruộng màu chân chua trên cao.
 
Trồng xong là ăn Tết. Mưa dầm xuân thuận lợi cho cây thuốc lên nhanh. Bón hai, ba đợt phân, cứ thế thuốc lên khoảng 5,6 lá, đặc biệt là bị những con rầy bám kín dưới mặt lá. Khổ nhất là phải đi đánh rầy. Nhà nào cũng nấu một bát bột nếp dẻo quánh, rồi cuộn một mồi vào cái que tre, mang theo cái ghế ngồi dưới rõng thuốc lật từng lá, lăn mồi bột nếp cho con rầy dính đầy vào, nếu không những con rầy làm cây thuốc bị cằn không lên được.
Nắng mới tháng ba mệt nhoài, vì chỉ có củ khoai lang lót dạ, ngồi trong rõng thuốc, mùi phân bón của đất xông lên, quyện với mùi ngai ngái của cây thuốc, nắng trên đầu dội xuống, hơi nước dưới đất bốc lên cái mùi hỗn hợp khó tả. Trời ơi, từ người lớn đến trẻ con chỉ muốn lăn ra vì đói và say thuốc. Có lần tôi bị xỉu nằm lăn ra rõng thuốc, may mà có bác hàng xóm cõng về, chứ không chẳng biết sẽ ra sao?
 
Khi thuốc lên nhiều tầng lá, chăm tốt, cây cao gần bằng đầu người, la dần những lá dưới gốc, rồi để đến khi thuốc già ngả từ màu xanh sang màu vàng là thu hoạch. Lá thuốc thu hoạch về đổ đầy sân.
Tối, cả xóm ăn cơm xong kéo nhau sang rọc thuốc giúp. Nhà nào may mắn bẻ vào đúng tuần trăng thì không phải đốt đèn dầu. Cái rọc lá thuốc được làm bằng tre bánh tẻ, uốn một hình cong vòng cung, buộc vào hai đầu cái dây cước là được một cái móc, đặt cuống lá thuốc vào cái móc tuốt một đường, lá thuốc tẽ ra làm hai. Sau đó xếp lá thuốc vào hai cái vòi tre gọi là đôi lòng thuốc, phải chọn loại tre thật già và thẳng tắp dài khoảng 2 đến 3m, hai que đặt cách nhau 40cm, sau đó xếp lá thuốc vào cho đến hết chiều dài của que, hai người mỗi người một đầu, ập lại cuộn tròn, rút que ra là xong một cuộn thuốc, xếp vào trong nhà ủ khoảng 5 ngày, thuốc ngả từ màu vàng nhạt sang màu vàng đậm là mời thợ thái.
 
Tối hôm rọc thuốc chủ nhà luộc một nồi khoai lang bở, nấu ấm nước chè xanh đặc sánh. Dưới ánh trăng tỏa sáng một vùng quê êm đềm với những câu chuyện vui, buồn, khát vọng thật đơn sơ, mộc mạc mà giàu nghĩa, giàu tình. Những gương mặt già trước tuổi vì cuộc sống lam lũ, mà nụ cười vẫn tươi rói vô tư. Bởi họ yêu vùng đất tuy nghèo, và yêu cái tình làng nghĩa xóm đã kết nối họ bao đời. Những nỗi vui, buồn, sướng khổ… tất cả đều giản đơn và chân thành đến vậy! Càng về khuya tiếng ve sầu trên những cây ổi càng âm vang da diết, hương ổi thơm ngào ngạt loang xa làm ấm lòng người đến lạ.
Trăng đã lên cao, ông Thần Nông và dòng sông Ngân Hà lên xế đỉnh đầu, những ngôi sao đổi ngôi vụt sáng lấp loáng qua sân nhà, là cuộc rọc thuốc và cuộn thuốc cũng xong, mọi người ra về trên gương mặt tuy mệt mỏi mà như vẫn đọc được niềm vui trong nụ cười hồn hậu ấy.
 
Lại nói đến chuyện thái thuốc: Khoảng 4, 5 giờ sáng là mấy bác thợ thái đã vác cái cầu thái trên vai gọi nhau í ới. Cái cầu được làm bằng gỗ xoan lượn hơi cong, đặt vừa cuộn thuốc lên, một con dao mác dài, to bản thật mỏng và sắc như nước, bác thợ ngồi trên cái ghế mây, đưa dao thái phăng phăng những sợi thuốc được văng ra nhỏ như sợi chỉ vun thành đống, rồi được rắc một lượt mỏng vào cái xảo phên đan bằng tre, mỗi nhà sắm khoảng vài chục xảo, phơi khắp các đường ngõ.
 
 Hôm thái thuốc, nhà chủ sắp bữa cơm tươm tất: bát canh cua nấu đặc, đĩa cá rán, tôm kho, bát cà pháo muối xổi chấm với nước cáy chanh ớt, loại mắm đặc trưng của vùng quê, với cút rượu nếp cái hoa vàng rót ra chạm chén, ngồi rung đùi nhấm nháp…nụ cười trên gương mặt rạng rỡ thật vô tư. Có lẽ họ chưa hề khái niệm hạnh phúc là gì? Nhưng rõ ràng trong tâm hồn với nụ cười cởi mở ấy, họ như đang sống hết mình với những phút giây hạnh phúc thật đơn sơ mà trong sáng tình người.
Nhà thái thuốc đã chuẩn bị trước cái nồi to mang ra nấu cháo gạo nếp. Cháo nấu thật loãng thành nước hồ, rồi múc nước hồ vào cái bầu, phun như mưa phùn lên những xảo thuốc đã được phơi khô. Phun ba lần trong ngày là được, khi sợi thuốc đã khô và được nhuộm nước hồ có màu nâu sậm, thơm phức, phơi hai, ba nắng khô giòn, rồi phơi sương một đêm là đóng thành bánh cho vào vại, ủ lên lớp lá chuối khô buộc chặt, càng để lâu càng đượm khói.
 
Khỏi phải nói, trẻ con cả xóm hôm ấy náo nức mang cái bát chiết yêu xếp hàng xin bã cháo, cho thêm chút muối, vừa đi vừa húp xì xụp, nụ cười rạng rỡ tươi rói trên môi.
 
Tháng 5 là mùa thu hoạch: Thuốc lào, lúa, khoai, vừng, đỗ, lạc. Làng quê tưng bừng hẳn lên, tràn đầy một niềm vui trên những gương mặt già trước tuổi. Nhưng, những thứ đó không đủ sống cho đến ngày giáp hạt. Họ trông chờ vào cái chum thuốc lào như một thứ của để dành. Có lần được theo mẹ đi chợ, tôi cứ ngẩn ngơ ngắm mãi cái áo hoa treo ở quán bà bán hàng sén, ngập ngừng, lúng túng, mẹ ơi! mua cho con cái áo hoa kia, mẹ bảo: để về bán mấy cân thuốc lào mới có tiền mua con ạ.
 
Xong vụ. Người thiên hạ kéo về mua thuốc. Tiếng rao! Ai… bán thuốc lào đây …Vọng vào làng quê yên tĩnh, vọng mãi vào ký ức tuổi thơ tôi!
 
Bây giờ chỉ còn thấp thoáng những ruộng thuốc lào phun thuốc trừ sâu, không còn cánh đồng rợp người đi đánh con rầy bằng bột nếp nữa. Cánh đồng thuốc ngày xưa giờ hai bên đường mọc lên những dãy nhà nhấp nhô quán bán hàng, quán Karaoke… Trong làng chỉ còn những người già và trẻ nhỏ. Con cháu bỏ làng đi tha phương kiếm sống, mong được đổi đời. Không còn mùa thuốc lào với những đêm trăng sáng đượm tình làng nghĩa xóm như xưa!
            Những người dân với khát vọng giản đơn trong sáng ấy giờ đây muốn có cuộc sống thay đổi cùng với sự phát triển của cơ chế thị trường hội nhập. Vật chất đã làm đạo đức con người xuống cấp chăng? Họ không hề biết trong sâu thẳm tâm hồn giá trị đời sống tinh thần đang ngày càng bị thiếu hụt. Có phải sự vận động trong đời sống này đang cuốn theo và thay đổi từng ngày. Tình làng nghĩa xóm đang mất dần đi một cách không thương tiếc? Đó là những câu hỏi, nhưng không có câu trả lời.
 
Mỗi lần về quê tôi cứ như kẻ mất hồn. Trẻ con ở quê bây giờ cũng không còn chỗ chơi. Đình làng và cây gạo đã vắng bóng từ lâu… Đêm tháng 5 ở lại quê nhà, thao thức mãi không sao ngủ được, lang thang ra sân nhìn lên bầu trời đầy sao, tìm lại một miền ký ức xưa. Một vùng quê với tình làng nghĩa xóm được vun đắp bao đời, còn đậm đà tới những thập niên không xa, mà như đã chìm vào một thời dĩ vãng…Liệu có quay về?.
 
                                                                                 Hải Phòng 06/2013