/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

văn xuôi

Đoản văn Nguyễn Linh Khiếu

Một kẻ cơ hội, xuyên tạc, phi nhân mà được trao giải Nobel văn học thì thật sự đau buồn

Đoản văn Nguyễn Linh Khiếu



 “Lá phong vàng” là tập tùy bút của nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu viết năm 2010 tại Beijing, Trung Quốc. Cuốn sách gồm 180 đoản văn, chưa xuất bản. VanVN.Net xin giới thiệu một số đoản văn do tác giả rút từ tập bản thảo này gửi tới chia sẻ cùng bạn đọc.

Nhắc nhở

Một lần chiêu đãi đông người. Có cả lãnh đạo cao cấp ngoại giao, lãnh đạo trường. Vừa ăn, mọi người vừa hát rất vui vẻ, thân tình.

Mấy học viên của đoàn cũng xung phong hát. Toàn những bài ca ngợi tình hữu nghị Việt - Trung khăng khít keo sơn rất chi là hay. Ai cũng được vỗ tay hoan hô nhiệt liệt.

Buổi tối, rút kinh nghiệm Ban chủ nhiệm, thầy chủ nhiệm nhắc nhở: Các bạn Việt Nam hát rất hay nhưng bài Núi liền núi sông liền sông không nên hát vì có vị lãnh đạo không hài lòng.

Trao đổi lại với anh em mình. Mọi người phản ứng. Chửi, tiên sư bố nó. Không hài lòng vì không muốn nghe Chung một biển Đông mối tình hữu nghị chứ gì. Hiểu được dã tâm. Mọi người ức lắm, không chịu.

Ở đâu cũng hảo hảo, hảo hảo, 16 chữ vàng, 4 tốt, sao lại giở chứng như thế.

Sau đó, trong một lần chiêu đãi tại một tỉnh miền Đông, khi đến tiết mục văn nghệ, mặc dù đã được nhắc nhở rồi, học viên mình lại hát bài Núi liền núi sông liền sông.

Khi rút kinh nghiệm, thầy chủ nhiệm lại nhắc nhở. Lại nói có vị lãnh đạo không hài lòng. Trao đổi lại với anh em mình. Mọi người ức lắm, vẫn không chịu. Lại chửi tiên sư bố nó.

 

Ảnh Mao

Đọc sách báo thấy Mao Zedong (Mao Trạch Đông) là người được sùng bái nhất thế kỷ hai mươi. Hơn một tỷ người nhất tề tung hô lãnh tụ kính yêu thì là thánh nhân rồi. Đó là hoàng đế của thời hiện đại. Đó là bạo chúa đỏ ở Trung Hoa.

Đọc Mao Trạch Đông ngàn năm công tội thấy Mao là một đại hung thần. Thời đại Mao đã giết chết 57 triệu con dân Trung Quốc. Thời đại nào có nhiều người chết dứt khoát là thời đại của hung thần. Quốc gia nào có nhiều người trẻ chết đồng loạt dứt khoát là đại hung thần đã xuất hiện.

Khi hung thần xuất hiện rất ít người nhận ra. Bởi hung thần bao giờ cũng xuất hiện là vị cứu tinh của dân tộc, là lãnh tụ kính yêu. Hung thần không xuất hiện một mình, bao giờ cũng xuất hiện theo bè lũ, băng đảng. Trong đó có một đại hung thần và vô vàn các trung hung thần, tiểu hung thần. Chúng tạo nên thời đại hung thần.

Chỉ khi nào máu chảy thành sông xương chất thành núi thì bóng dáng hung thần mới dần dần hiện ra. Nhưng phải đến khi nào hung thần cùng các đồng đảng, bè lũ chết hết thì hung thần mới hiện nguyên hình.

Trong thời đại hung thần ai nhận ra hung thần sẽ bị giết ngay. Chỉ cần bè đảng của chúng còn sống ai dám nói đến đại hung thần cũng bị giết ngay. Sau khi các hung thần đã chết rất nhiều kẻ núp bóng hung thần để tiếp tục uống máu, nhai xương nhân dân.

Mao chết lâu rồi. Không còn là thần tượng, không còn là vị cứu tinh dân tộc, không còn là lãnh tụ kính yêu. Tượng Mao không thấy ở đâu. Sách đỏ đã thành giấy lộn. Nhưng giữa cửa tòa nhà ở Tian anmen ảnh của Mao vẫn treo ở đó. Đó là thông điệp mạnh mẽ rằng thời đại ngày nay ở đây vẫn đang là thời đại hung thần.

Những ngày nghỉ, mình hay ra Tian anmen chơi. Đứng từ quảng trưởng nhìn sang tòa nhà ngắm ảnh Mao. Mình thấy có rất nhiều người ngắm nhìn ảnh Mao như mình và họ đều rì rầm. Nhìn mặt người tạt gió lạnh mùa đông không biết là hâm mộ hay căm thù. Rì rầm thế không biết tụng ca hay nguyền rủa.

Những anh hùng, những vĩ nhân nên dựng tượng chỗ đông người để muôn đời ca ngợi.

Những bạo chúa, những hung thần nên dựng tượng chỗ đông người để muôn đời nguyền rủa.

 

Tháp canh

Trên Wanli changcheng (Vạn lý trường thành) uốn lượn cao thấp theo thế núi. Có chỗ bò lên đỉnh núi cheo leo cao vút ngỡ như chạm tới trời. Vô cùng hùng vĩ.

Mình trèo lên tận đỉnh cao nhất đứng ở tháp canh nhìn ra bốn phía. Núi non mùa đông xám bạc trập trùng ngút ngát tầm mắt. Thật là kỳ vĩ, thật là bi tráng.

Chợt nghĩ xây Wanli changcheng chứng tỏ chủ nhân khí phách yếu, sợ hãi, bị động, đề cao tâm lý phòng thủ. Wanli changcheng tôn vinh chủ thuyết phòng thủ.

Khi xây Wanli changcheng biên giới Tàu mới chỉ đến đây thôi. Bây giờ lãnh thổ của họ đã mở rộng đến tận chân trời rồi.

Thế giới như một chiếc lá xanh, người Tàu là một con sâu róm độc gớm ghiếc nham hiểm hảo hảo đận đà ăn sạch chiếc lá. Đó là lý thuyết salami (tằm ăn rỗi).

Làm sao một dân tộc yếu khí phách, luôn sợ hãi, thụ động, chủ về phòng thủ lại mở rộng lãnh thổ của mình ra vô tận như thế được.

Từ khi có Wanli changcheng đến nay người Tàu đã cướp đất cướp nước của biết bao dân tộc hùng mạnh xung quanh mình rồi.

Kẻ yếu luôn thua từng trận, nhưng kẻ mạnh sẽ thua toàn cục.

Cướp đất người phải có truyền thống.

Cướp nước người phải có chủ thuyết.

Hình như chủ thuyết của người Tàu là tằm ăn rỗi.

 

Thật sự cầu thị

Ở khuôn viên trường học, nơi trang trọng có phù điêu đá khắc bốn chữ vàng: Thật sự cầu thị. Nghe nói, đây là phương châm cải cách mở cửa của Deng Xiaoping (Đặng Tiểu Bình). Đọc sách, mình biết, thực ra đó là thành ngữ dân gian, vốn được Mao rất ưa dùng.

Deng là nhân vật vĩ đại của Trung Quốc hiện đại. Ông ta là cha đẻ của cải cách mở cửa của Trung Quốc. Deng đã góp phần biến Trung Quốc trở thành cường quốc.

Deng là vĩ nhân đối với Trung Quốc, nhưng với Việt Nam, Deng là tội phạm chiến tranh. Chính cuộc xâm lược biên giới 17/2/1979, làm chết hàng nghìn nhân mạng cả Việt và Hoa là do Deng quyết định.

Phát động cuộc chiến tranh này, Deng muốn dạy cho Việt Nam một bài học.

Bài học Deng muốn dạy cho Việt Nam là gì. Mù mờ, nhiều ý lắm. Nhưng có một ý: Tao là bố mày, mày trái ý tao, tao đánh cho mày một trận. Phách lối và hống hách quá. Bất chấp luật lệ quốc tế. Họ quên rằng lịch sử Tàu mấy nghìn năm, cứ đánh nhau bao giờ cũng thua trận.

Làm chết hàng nghìn người nghĩa là hung thần. Để Deng dạy học, hàng chục nghìn nhân mạng mất toi. Deng dạy bài học máu.

Hung thần Deng dạy bài học thật sự cầu thị cho Đảng của Deng. Không biết sẽ mất toi bao nhiêu nhân mạng các đồng chí đây.

 

Tian anmen

Hôm nào rảnh mình lại đi tàu điện ngầm ra Tian anmen. Đã nhiều lần một mình đi lại trên quảng trường lạnh giá. Mình có ý tìm cảm hứng sáng tác nơi hàng nghìn sinh viên bị nghiền nát.

Mình luôn nghĩ những người bị chết oan linh hồn họ không siêu thoát mà luôn luẩn khuất ở nơi lìa khỏi xác. Vì vậy, ở Tian anmen có hàng nghìn nghìn oan hồn. Nhất là mùa đông lạnh giá âm u trong không gian âm thịnh, những oan hồn sinh viên chắc chắn sẽ hiện về.

Có một chiều mình dẫn mấy người bạn đi mua sắm ở Qianmen. Đến đó, họ đi mua sắm, còn mình quay lại quảng trường Tian anmen. Ai cũng can, trời lạnh thế này không nên ra đó một mình. Nhưng không hiểu sao, mình cứ dứt khoát ra đó cứ như thể hàng nghìn linh hồn sinh viên, trí thức chết oan đã hẹn và đang đợi mình ở đó.

Chiều đó, trời lạnh khủng khiếp. Bầu trời xám xịt lúc nào cũng như sắp tối. Quảng trường Tian anmen rất vắng vẻ. Mình đi lại giữa không gian mênh mông giữa tiếng gào rú của gió lạnh. Nghe tiếng gió, mình linh cảm hàng ngàn oan hồn sinh viên hiện về gào thét.

Như những ảo ảnh. Những oan hồn không kêu cứu mà họ gào thét phẫn uất. Mình đi miên man trong âm thanh rùng rợn đó. Tai ù đặc không hiểu họ gào thét điều gì.

Bỗng tiếng chuông điện thoại. Mình lấy máy ra nhưng không sao nghe được vì tiếng những oan hồn kêu khóc thảm thiết quá. Như thể ong vỡ tổ. Mình sờ tay lên mặt, băng giá đã làm mặt lạnh cóng mất cảm giác. Mình đành chia tay các linh hồn và vội vã trở về ga tàu điện ngầm.

Những người bạn đang chờ mình ở đó. Họ nói rằng, họ rất lo lắng sợ mình gặp nguy hiểm vì thấy mình không nghe được điện thoại khi nhiệt độ ngoài trời đã xuống quá thấp.

Mình không nói với họ rằng các oan hồn sinh viên đang gào thét thảm thiết ở Tian anmen.

Những ngày vắng vẻ, chắc là các oan hồn sinh viên đều tập trung gào thét ở đó. 

 

Đất đai

Nếu bạn đi xe ô tô theo đường bộ lên phía Wanli changcheng, bạn sẽ thấy đất đai trống không, dân cư Trung Quốc rất thưa thớt.

Nếu bạn đi tàu cao tốc từ Beijing về Shantung, Jiangsu, Guizhou…  bạn sẽ thấy những cánh đồng mênh mông không một bóng người. Thỉnh thoảng mới gặp một xóm làng dân cư quần tụ.

Nếu bạn đi nhiều nơi trên lãnh thổ Trung Quốc bạn sẽ thấy đất rộng người thưa, đất đai hoang phế rất nhiều. Đó là do, dù dân số trên 1 tỷ nhưng lãnh thổ rộng mênh mông.

Ở các đô thị lớn, bạn cũng không thấy dân cư chen chúc đông đúc như ở nước ta.

Nghe nói mật độ dân số Trung Quốc rất thấp chỉ bằng 1/3 so với mật độ dân số nước ta.

Không hiểu sao, tại những vùng biên giới giáp nước ta người Tàu lấn chiếm, tranh chấp từng milimet đất. Nhìn mà phát xấu hổ. Dân tộc rõ ra chả còn liêm xỉ gì. Tầm thường quá, không ra dáng một nước lớn.

Nhìn những con sông biên giới giữa hai nước họ xây dựng những mỏm bê tông để chỉnh dòng chảy làm xói mòn đất đai bên bờ phía nước ta mà buồn cho lòng tham nhỏ mọn của ông anh lớn láng giềng.

Tại sao đất của mình thì bỏ hoang mà lại đi tranh cướp, giành giật từng milimet đất của người như thế. Chả còn liêm xỉ gì cả.

 

 

Nobel Hòa bình

Mình không hiểu gì về Liu Xiaobo (Lưu Hiểu Ba). Chỉ đến khi Liu được trao giải Nobel Hòa bình mình mới tìm hiểu về ông ta.

Khi Liu được trao giải, ở Trung Quốc người ta phản đối vô cùng quyết liệt. Trong mấy ngày diễn ra lễ trao giải toàn bộ mạng internet nơi mình ở đều bị sập, không truy cập được. Trung Quốc kiểm soát mạng internet rất chặt. Nhiều trang mạng tiếng Anh ngày thường cũng hầu như không sao truy cập được. Điều này cho thấy sự vi phạm nhân quyền, mất dân chủ rất tột độ.

Giải Nobel Hòa bình trao cho Liu khi ông ta đang ở trong tù. Những nhà dân chủ ở đâu cũng bị giam cầm. Người nào chống lại chế độ đương thời đều bị bỏ tù. Bỏ tù vẫn là còn may. Rất nhiều người bị thủ tiêu một cách man rợ.

Xưa nay, mọi chế độ đều trở thành chế độ độc tài. Đó là sự tha hóa tất yếu của quyền lực. Bản chất của con người là thấu tóm mọi quyền lực. Đó là bản năng đầu đàn của con thú. Bản chất của quyền lực là không chia xẻ.

Quyền lực không chỉ thỏa mãn nhu cầu vật chất, hơn thế, là thỏa mãn nhu cầu thần kinh của con người. Khi có quyền lực anh trở nên vĩ đại và bất tử.

Khi có mọi quyền lực anh trở thành bạo chúa. Bạo chúa bao giờ cũng là chuẩn mực của xã hội. Anh cho xã hội yên ổn thì yên ổn, anh cho xã hội rối loạn thì xã hội rối loạn. Anh cho xã hội hòa bình thì xã hội hòa bình, anh cho xã hội chiến tranh thì xã hội chiến tranh

Không hiểu bạo chúa và độc tài cái gì sinh ra cái gì. Chỉ biết, chủ nhân của chế độ độc tài là bạo chúa và chế độ độc tài là môi trường dung dưỡng bạo chúa hoành hành.

Giải Nobel Hòa bình ở Trung Quốc xem thế chả có nghĩa gì.

 

Nobel văn học

Khi Gao xingjian (Cao Hành Kiện) được trao Nobel văn học cho Linh sơn. Văn giới Tàu phản đối quyết liệt. Họ cho rằng, Gao chỉ là nhà văn hạng hai của Tàu. Cỡ Gao, Tàu có hàng trăm nhà văn như thế.

Trong các nhà văn đương thời họ nêu tên có nhiều người, trong đó có Mo yan (Mạc Ngôn). Mình đọc họ rồi, trong đó, Mo có khá hơn cả. Nhưng không thể sánh với Gao được.

Sở dĩ họ nói thế vì Gao định cư ở nước ngoài, bất đồng chính kiến và Linh sơn thì quá cao siêu, nhiều ẩn ý và phỉ báng xã hội thối nát đương đại Trung Quốc. Họ không hiểu được, không muốn hiểu và không thừa nhận. Tâm lý  Tàu - AQ vốn thế.

Mo cũng có đôi chút văn chương ở Cao lương đỏ, Phong nhũ phì đồn Tửu quốc. Nhưng cũng chỉ là thứ văn chương minh họa, bợ đỡ nghị quyết, cơ hội kiếm ăn, luồn lọt để sống sót. Những phẩm chất này ở các nhà văn Tàu, công bằng mà nói cũng khốn nạn lắm, đang thương lắm.

Chỉ với Ma chiến hữu một cuốn sách tầm thường, cơ hội xuyên tạc, đánh tráo  cuộc xâm lược của bánh trướng Beijing đối với Việt Nam tháng 2/1979 thì Mo không còn tư cách người cầm bút.

Một kẻ cơ hội, xuyên tạc, phi nhân mà được trao giải Nobel văn học thì thật sự đau buồn.
Theo hoinhavanvn