/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

Văn xuôi

Cô đơn ở Siberia

Muốn tìm kiếm cuộc sống đơn giản, một người đàn ông sinh năm 1972 đã trải qua sáu tháng sống trong một ngôi nhà nhỏ biệt lập trên bờ hồ Baikal

Cô đơn ở Siberia

 

        Muốn tìm kiếm cuộc sống đơn giản, một người đàn ông sinh năm 1972 đã trải qua sáu tháng sống trong một ngôi nhà nhỏ biệt lập trên bờ hồ Baikal ở Siberia - một cuộc ẩn dật để giải thoát. Sylvain Tesson là nhà văn du lịch có sách bán chạy nhất nước Pháp. Xin giới thiệu cũng bạn đọc đoạn lược trích cuốn tự truyện “Niềm an ủi từ rừng” (Consolations of the Forest) của ông.

Tôi đến hồ Baikal lần đầu tiên vào năm 2003. Đi bộ dọc theo bờ, tôi phát hiện ra các căn nhà nhỏ cách đều nhau, là nơi sinh sống của những ẩn sĩ lập dị vui vẻ. Năm năm sau, tôi tình cờ ở ba ngày với một nhân viên kiểm lâm trong một izba nhỏ - một kiểu nhà gỗ truyền thống của Nga, trên bờ đông của hồ. Ban đêm, chúng tôi nhấm nháp vodka và chơi cờ vua, còn ban ngày tôi giúp anh ấy kéo lưới đánh cá. Chúng tôi hầu như không nói gì, nhưng rất hiểu nhau. Khi đó tôi tự hứa rằng tôi sẽ sống một mình trong một túp lều vài tháng trước khi bước sang tuổi bốn mươi.

Thế nên, hai năm trước, tôi rời nhà ở Paris, đến ở sáu tháng trong một căn nhà gỗ nhỏ (cabin) trên bờ tây của hồ, rất xa nền văn minh: phải mất sáu ngày để đi bộ đến làng gần nhất, mất một ngày để đến những người hàng xóm gần nhất, và không có đường sá gì cả. Tôi muốn thử nghiệm cuộc sống đơn giản và sở hữu toàn bộ thời gian. Tôi muốn cảm nhận cuộc sống và hiểu cách chiêm ngưỡng cảnh quan chứ không phải đếm từng cây số trên đường như khi đi du lịch. Tôi đã thực hiện nhiều cuộc phiêu lưu lớn, như vượt bộ qua dãy Himalaya vào năm 1997, đi bộ trên tuyến đường vượt ngục huyền thoại của đám tù chính trị Ba Lan từ Yakutsk (Siberia) tới Calcutta (Ấn Độ) vào năm 2003… Nhưng chúng đã trở thành những vết thương cần được chữa lành.

Hồ Baikal dài 636 km, rộng 79km, sâu 1.642m, và 25 triệu năm tuổi. Tôi đến vào tháng hai, khi nhiệt độ giảm xuống -300C và băng dày hơn một mét. Ngôi nhà gỗ giản dị chìm khuất dưới rừng cây tuyết tùng trong khu vực phía bắc của khu bảo tồn Baikal - Lena. Nó quay lưng về núi, dưới chân dốc cao 1.981m, vây quanh bởi rừng taiga (lá kim, thuộc họ tùng bách), nhìn ra hồ. Tuyết đã phủ cả mái, những tia nắng phản chiếu màu sắc lấp lánh. Nhà rộng 9m2 và được sưởi ấm bằng cái bếp gang kêu ầm ĩ. Có một ô cửa sổ hướng về phía đông, tôi có thể nhìn thấy các đỉnh tuyết xa xa. Rừng mùa đông như một bộ lông bạc bập bềnh trên lưng địa hình.

Tôi có rất nhiều thiết bị để dùng: rìu và dao, cột câu cá (để cắm trên băng), đèn dầu, máy khoan băng, cưa, giày trượt tuyết, lều bạt, ly chén và rượu vodka, thuốc lá, đồ dự trữ (mì, gạo, nước xốt Tabasco, cà phê) và một thư viện gần 80 cuốn sách. Không thể dự đoán tâm trạng của mình sẽ ra sao trong sáu tháng sau đó, vì vậy tôi đã lên kế hoạch cẩn thận với thư viện này. Tôi đã chọn một loạt sách triết học, thơ ca, văn học, khoa học tự nhiên. Nhà văn Pháp Michel Déon viết về nỗi buồn; tiểu thuyết gia kiêm nhà thơ tài hoa người Anh DH Lawrence viết về những ham muốn nhục dục; một số triết gia (Nietzsche, Schopenhauer, các triết gia Stoic), nhà soạn nhạc Sade Adu và nhà thám hiểm Casanova hâm nóng máu tôi. Một số cuốn sách về cuộc sống rừng rú: học giả lừng danh với Robinson trên đảo hoang Daniel Defoe viết về các huyền thoại; nhà văn mệnh danh “nhà cải cách vùng hoang dã hiệu quả nhất” Grey Owl thể hiện những lập trường cấp tiến; nhà khoa học người Mỹ Aldo Leopold viết về các vấn đề đạo đức môi trường… Nếu không có những cuốn sách, tôi đã sớm bị điên mất.

Ngôi nhà gỗ của Sylvain Tesson dưới tán rừng taiga

Tôi chia một ngày thành hai phần. Buổi sáng, làm việc tâm tưởng: đọc, viết, hút thuốc, mơ mộng, nhìn ra ngoài cửa sổ… Vào buổi chiều, căng thẳng hơn: đào lỗ trên nền băng, câu cá, trượt tuyết xung quanh vương quốc nhỏ của mình, cắt củi… Bằng cách hạn chế vỏ bọc rườm rà của các hành động, người ta đi sâu hơn vào mỗi kinh nghiệm. Người sống trên hoang đảo có quyền tự do tuyệt đối - nhưng chỉ ở trong giới hạn hòn đảo ấy. Người sống cô độc ở một nơi tách biệt có thể nhanh chóng rơi vào trạng thái trầm cảm - hội chứng ở một mình. Cách tồn tại thông minh là hãy cư xử khi ở một mình y như bạn đang ở giữa đông người trong thành phố. Cuộc sống này dễ chịu bởi các hành vi lặp lại. Mỗi ngày trôi qua là một tấm gương của ngày trước đó, và là bản phác thảo của ngày kế tiếp. Đó là sự thanh thản, một cuộc sống rất chậm, nhưng bạn trở nên phong phú. Căng tràn sức sống và cần phải chơi thể thao, nên hàng ngày tôi ra khỏi nhà, đi bộ, leo lên những ngọn đồi xung quanh, đôi khi dựng lều, đi sâu vào hoang địa và ở suốt đêm trong rừng. Tôi sống một mình nhưng không hề cô đơn. Niềm hiu quạnh thực sự chỉ có khi bạn ở một mình hết năm này qua năm khác. Đôi khi tôi đi thăm những người hàng xóm gần nhất, và thường có khách - những người đi ngang qua hồ. Tôi không quá buồn bực vì họ sẽ chỉ ở lại một vài giờ hoặc đã làm gián đoạn nỗi cô đơn. Vì dù sao, tôi không muốn sống một cuộc đời quá tách biệt, cực đoan và cố chấp. Đây chỉ là một sự trải nghiệm.

Tôi đã gặp Sasha và Yura - hai ngư dân Siberia. Họ là những nguyên mẫu Nga, rất mạnh mẽ, cao lớn, nói sang sảng, uống rất khỏe - là những người rất hào phóng, đầy sức sống và đã không từ bỏ vùng hoang dã này. Họ mộc mạc, có cuộc sống khắc nghiệt và hệ trọng. Cuộc sống đầy khó khăn khi ở trong một khu rừng giữa cái lạnh tê tái. 50 tuổi mà trông như 70 tuổi. Nhưng chắc chắn họ sẽ không đổi nó để lấy một cuộc sống trong thành phố, vì biết rằng ở đô thị họ sẽ bị mất quyền tự do. Sống vui vẻ trong quy luật bù trừ chốn hoang dã còn hơn là tồn tại chán ngán trong một thành phố. Họ không ăn nói hời hợt, mà khôn ngoan. Họ không ba hoa như tôi. Không ngọt nhạt kiếm câu chuyện làm quà. Tôi nhớ lại những ngày đi bộ loanh quanh Paris, thường phải lo lắng tung ra những câu “Hân - hạnh - cảm - ơn” và “Sớm - gặp - nhau - nhé” với những người không quen biết - những người cũng lảm nhảm tương tự như tôi - tất cả như thể trong cơn hoảng loạn tập thể. Sự hiện diện của đám đông làm cho thế giới mờ dần. Cô đơn là cuộc tái chiếm mà con người được hưởng lợi. Cách duy nhất để được tự do là ở một mình. Sự nhàm chán không làm tôi lo sợ. Niềm đau tồi tệ nhất là không thể chia sẻ vẻ đẹp những khoảnh khắc cuộc sống với người thân yêu.

Ngày 22.5, một cơn bão đến bất ngờ và băng tan vỡ. Chưa bao giờ tôi thấy sức mạnh nào khủng khiếp như vậy. Giống như trong một cuộc chiến lớn. Chỉ trong mười phút mùa đông đã bị đánh bại. Nước tan chảy ra ở khắp nơi. Sau đó, bầy vịt đã tránh đông về phía nam đổ bộ xuống vùng yên tĩnh, sẵn sàng cho mùa yêu đương và nước ngọt. Đại bàng tăng vọt, ngỗng gọi bầy đàn, mòng biển chao liệng, còn lũ bướm ngạc nhiên trước sự sống mới, loạng choạng trong không khí… Tôi đã được hòa mình trong rừng taiga, cảm thấy mình là một phần của rừng, giống như gấu, cá, hoặc một con chim. Tôi thường nằm trên võng dưới ánh nắng mặt trời hun nóng. Tôi chèo xuồng trên hồ, nhẹ như lướt trên dầu, bóng soi dưới hồ rất rõ đến nỗi bạn có thể tưởng hình ảnh phản chiếu là thật. Ngày 28.7, tôi nói lời chia tay với hồ. Tôi rời đi và biết rằng mình sẽ trở lại. Sự ẩn dật là một cuộc nổi dậy. Ẩn sĩ không đòi hỏi gì từ nhà nước và không đóng góp gì cho nhà nước. Sự thu mình của ông gây thất thoát thu nhập cho chính phủ. Mục tiêu của một cuộc cách mạng thực sự là trở thành một sự gây mất thu nhập.

Tôi không thể sống vĩnh viễn trong ngôi nhà gỗ đó. Nhưng tôi đã trở lại rừng taiga một vài lần, và tôi biết mình sẽ lặp lại cuộc ẩn dật như thế có thể kéo dài hơn nữa. Phát hiện ra sa mạc Algeria ít năm trước đây, tôi nghĩ rằng nơi đó sẽ tốt để ở ẩn: sa mạc là rừng taiga không bóng cây. Vẫn lang thang, nhưng tôi không bị ám ảnh với ý nghĩ mình đang du lịch. Kinh nghiệm cho tôi hiểu rằng, cách tốt nhất để ngăn chặn cảm giác thời gian của mình đang mất đi - là hãy ngồi yên đâu đó một thời gian. Tôi phát hiện ra, người sống trong im lặng được trẻ hóa. Khi đó cuộc diễu hành của giờ giấc sẽ chậm chạp hơn trên từng bước đường chúng ta đi. Mà ánh mắt không ngừng điểm tô vẻ lộng lẫy.

Chắc rằng ngày nay nhiều người cũng muốn làm như tôi: từ bỏ bản thân và thoát khỏi cuộc sống hiện đại, sau đó quay trở lại để có một cuộc sống đơn giản hơn. Nhưng thay vì vào rừng, bạn có thể ẩn dật trong chính nhà riêng của mình. Thời gian là kho tàng quý giá nhất mà chúng ta có, đều là 24 giờ mỗi ngày, nhưng chúng ta lại phá hủy, đặc biệt là bằng các thiết bị điện tử. Luôn luôn phải kết nối, liên lạc là khởi đầu sự mất tự do. Trước hết, hãy vứt bỏ điện thoại di động. Cố gắng dành ba tiếng đồng hồ cho riêng một hành động, cho riêng một chuỗi công việc phối hợp cùng thời gian - như viết, đọc, và một số hoạt động khác.

Thật may mắn để biết được rằng, đâu đó ngoài kia - trong một khu rừng nào đó trên thế giới, có một ngôi nhà nhỏ - nơi có thể mang đến cuộc sống gần như hạnh phúc tuyệt đối. Hãy vào rừng! Niềm an ủi đang chờ bạn ở đó.


Theo The Guardian

 

(Nguồn: daibieunhandan.vn)