/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

TÔ NGỌC THẠCH

XÃ HẠ LÝ (下里) - HUYỆN AN DƯƠNG XƯA, NƠI TÔI MỚI VỀ LÀM QUEN

Lúc đầu bến mang tên Toàn quyền Đông Dương Van Vônlenhooven, từ năm 1954 trở đi mang tên bến Chương Dương.

 XÃ HẠ LÝ, NƠI TÔI MỚI VỀ LÀM QUEN
.

          Trang Lý Xá (里舍), huyện An Dương (安 陽), phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương có từ thời nhà Lý – Trần bên bờ Hữu sông Cấm. Quê hương của nhà Khoa bảng Vũ Phất (1464 -?) đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân năm Hồng Đức thứ 18 (1487), làm quan nhà Lê đến chức Hiệu thảo Viện hàn lâm. Sau này biển mỗi ngày một lùi xa đến đâu thì cư dân tiến tới đó khai hoang lập ấp. Khi đất đai được mở mang và dân cư ngày một đông đúc, thì xã này có giáp Bắc là An Trì (安 池, nghĩa Hán là ao lành, nay thuộc phường Hùng Vương), giáp Tây là An Chân (安眞, nghĩa Hán là yên bình, chân thật), giáp Chính là Thượng Lý (上 里, nghĩa Hán là thôn trên, nay thuộc phường Sở Dầu) và giáp Đông là Hạ Lý (下里, nghĩa Hán là thôn dưới, nay là Nhà máy Xi Măng cũ, phường Thượng Lý, Hạ Lý). Do vậy Thượng Lý trở thành xã từ thời Lê Trung Hưng, còn mảnh đất phía Bắc ra đời sớm hơn là An Trì, còn mảnh đất phía Đông giáp biển, được mang tên Hạ Lý ra đời muộn nhất.

          Đến đầu thời nhà Nguyễn thì hai giáp An Chân, An Trì mới đủ cơ số dân và trở thành xã. Cái tên An Chân có nhiều truyền thuyết giải thích như sau: Phó Đô Đài họ Trình thời Hậu Lý quê ở huyện Tây Chân, phủ Thiên Trường (nay là huyện Nam Trực, Trực Ninh, Nam Định) đến huyện An Dương định cư lập ấp, nên ông đã lấy hai chữ đầu của hai huyện là An và Chân lập ra ấp An Chân.

     Còn một giả thuyết nữa là Trình Công, tức Trình Vinh, Nguyễn Công tức Nguyễn Túc, là anh em con cô con cậu người làng Thượng Lý đã giúp Trần Nhân Tông chống giặc Nguyên. Cha Trình Vinh, người huyện Chân Lợi, phủ Kiến Xương đến huyện An Dương lập ấp lấy tên là An Chân. Nhưng theo tôi là chưa chính xác vì Từ điển Bách khoa địa danh Hải Phòng và Thần tích Thần sắc của xã An Chân ghi là huyện Chân Định (tên Chân Định mới có từ thời Lê sơ) và thực tế huyện An Dương cổ được thành lập vào năm Quang Thuận thứ 10 (1469) thời vua Lê Thánh Tông, nên hai giả thuyết trên chỉ đúng khi An Chân được lấy tên ấp vào thời Hậu Lê (sau năm 1469).

          Còn xã Hạ Lý đến đầu thời Nguyễn mới đủ cơ số dân và thành xã và có đình riêng, được cư dân nơi đây vinh danh Tướng công Thọ Như hầu, quê xã Phúc Thọ, huyện Đông Sơn, phủ Thiệu Hóa, Thanh Hóa là trấn thủ các xứ Hải Dương, tên húy là Nguyễn Trí Hòa về thờ cúng và được nhà vua chấp thuận.

     Theo “Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX” của Viện Nghiên cứu Hán Nôm thì tổng Da Viên (揶 園, nghĩa Hán là Vườn dừa) gồm sáu xã (làng): An Trì (nay thuộc ph. Hùng Vương), An Chân (nay thuộc ph. Sở Dầu), Thượng Lý (nay thuộc ph. Sở Dầu), Hạ Lý (gồm khu Nhà máy xi măng cũ và phường Thượng Lý cùng phường Hạ Lý), Da Viên (nghĩa Hán là vườn dừa, nay là các phường Hoàng Văn Thụ, Minh Khai, Gia Viên) và Lạc Viên (樂 園, nay thuộc phường Lạc Viên). Đến đầu thế kỷ XX, vì toàn bộ xã Da Viên gia nhập ngôi nhà chung nội thành Hải Phòng, nên tổng Da Viên đổi thành tổng Lạc Viên và lúc này tổng còn năm xã: An Trì, An Chân, Thượng Lý, Hạ Lý và Lạc Viên. Vào thời Đồng Khánh (1886 – 1888) thì Xã An Chân (安眞) đổi thành An Trực (安 直), do phải kiêng tên húy. Từ 1927 thì xã An Trực (安 直) đổi thành xã An Lạc (安 樂), còn Lạc Viên gia nhập vào ngôi nhà chung nội thành và tổng An Lạc (安 樂) được thành lập gồm năm xã sau: An Trì (nay là ph. Hùng Vương), An Lạc, Thượng Lý (nay là ph. Sở Dầu), Trang Quán (莊觀) và xã An Dương (安 陽, nay là khu vực đường Tôn Đức Thắng và thôn An Dương, xã An Đồng).

          Chúng tôi khẳng định một số xã như An Trì, An Chân, Gia Viên, Lạc Viên, An Biên, Thượng Đoạn, Đoạn Xá,… mới được công nhận là xã vào khoảng thời nhà Nguyễn (Bản đồ thời nhà Hậu Lê chưa có các xã trên), hay xã Hạ Lý chỉ có thờ một thành hoàng duy nhất là Tướng công Thọ Như hầu tức Nguyễn Trí Hòa, một đại quan thời Gia Long, vì những ấp chưa có thành hoàng làng hoặc thành hoàng muộn, mà trước đây họ thờ chung với đình các giáp Chính trong xã của mình.

     Chúng tôi đưa ra một số dẫn chứng để bạn đọc có thể hiểu thêm lãng xã quê mình có thể lúc nào mới thành lập. Theo Đại Nam nhất thống chí, Nhà xuất bản Thuận Hóa năm 2006 tập III hay sổ Đinh bạ của tỉnh Hải Dương thời nhà Nguyễn thì vào năm Gia Long 18 (1819) toàn trấn Hải Dương gồm mười tám huyện (Đường Hào, Đường An, Cẩm Giàng, Gia Lộc, Tứ Kỳ, Vĩnh Lại, Thanh Miện, Thanh Lâm, Thanh Hà, Tiên Minh, Chí Linh, Kim Thành, Giáp Sơn, Đông Triều, An Dương, An Lão, Nghi Dương, Thủy Đường) với số nam giới có độ tuổi từ mười tám đến sáu mươi, gọi tắt là đinh có hai mươi ba ngàn chín trăm người, đến cuối thời Tự Đức (1848 – 1883)  tăng lên bốn mươi ba ngàn chín trăm người (tức). Nếu tính trung bình thì số dân thời Tự Đức của mỗi một huyện chỉ chưa bằng số dân của một phường ở nội thành Hải Phòng hiện nay (khoảng mười ngàn nhân khẩu). Tức toàn bộ 64 xã huyện An Dương, trong đó có cả 4 quận nội thành là Hồng Bàng, Lê Chân, Ngô Quyền, Hải An mới có khoảng hơn chục ngàn nhân khẩu. Vì vậy một xã (làng) bao gồm nhiều giáp (xóm) mới đủ cơ số dân để thành lập xã (làng).

     Còn dân số cả nước vào thời đầu công nguyên vào khoảng vài trăm ngàn, thời Lý vào khoảng ba triệu nhân khẩu với hai mươi tư phủ lộ, thời thuộc nhà Minh (1407) vào khoảng trên năm triệu, thời Minh Mạng (1820 – 1840) bảy triệu rưỡi với ba mươi mốt đơn vị hành chính, thời Tự Đức (1848 – 1883) gần mười triệu, đầu thế kỷ XX mười ba triệu, năm 1945 hai mươi lăm triệu chết đói hai triệu với sáu mươi lăm đơn vị hành chính, sau giải phóng miền Nam thì miền Bắc ba mươi triệu, miền Nam mười chín triệu nhân khẩu.

     Chúng tôi đưa ra những con số tương đối trên nhằm giúp bạn đọc tham khảo, hiểu thêm về dân số toàn vùng nói chung và mảnh đất ven biển An Dương nói riêng. Qua số liệu này, độc giả có thể dự đoán được thời kỳ thành lập xã (làng) mình, vì phải đủ ít nhất một trăm mười hộ dân mới có thể thành lập được.

          Theo bản khai Thần tích Thần sắc của xã Thượng Lý, tổng An Lạc năm 1938 thì chùa Am (tên chữ là Sùng Minh tự), thờ các vị thành hoàng ở ngôi đình và ngôi miếu (không rõ tên) gồm:

a-     Hai vị vua bà là Đào Hoa và Dy Hoa, đều là Thiên thần, không rõ sự tích, được thờ từ lâu. Ngày tế lễ hai vị vua bà là 12/01

b-    Tướng công Thọ Như hầu, quê xã Phúc Thọ, huyện Đông Sơn, phủ Thiệu Hóa, Thanh Hóa là trấn thủ các xứ Tuyên Quang, Nam Định, Hải Dương. Theo “Đại Nam nhất thống chí”, Thọ Như hầu là Nguyễn Trí Hòa, nhân thần, có sắc phong niên hiệu Thành Thái thứ 3 (1891), làm quan triều Nguyễn, được dân Thượng Lý thờ vì chiêu dân lập xã (trước đó xã này bị phiêu tán), sau được truy ơn, thờ bằng tượng.

c-     Trình Công, tức Trình Vinh, Nguyễn Công tức Nguyễn Túc, là anh em con cô con cậu người làng Thượng Lý đã giúp Trần Nhân Tông chống giặc Nguyên. Cha Trần Vinh, người huyện Chân Định, đến huyện An Dương lập ấp lấy tên là An Chân. Ông lấy vợ người Thượng Lý, sinh ra Trần Vinh. Thần Trình Công được thờ bằng bát hương, có sắc phong cùng năm với vị Nguyễn Tướng Công. Ngày tế lễ hai vị quan lớn là: 19/04 (cũng có sách ghi 12/02).

          Còn đền làng Hạ Lý, từ năm 1981 tới nay gọi là đền Hạ (di tích lịch sử văn hóa đã xếp hạng) thờ công chúa Liễu Hạnh, nay thờ chung Liễu Hạnh và Nguyễn Trí Hòa. Đình Hạ Lý thờ thành hoàng Tướng công Thọ Như hầu tức Nguyễn Trí Hòa. Theo tấm bản đồ năm 1934 của nội đô thành phố Hải Phòng chúng tôi thấy giữa đảo Hạ Lý còn một chiếc hồ rất lớn, nối từ sông Tam Bạc tới sát sông Cấm chỗ Nhà máy Đóng tàu Bạch Đằng ngày nay. Còn phường Thượng Lý ngày nay nằm trên đất của làng Hạ Lý, được mang tên này từ năm 1981 và thuộc quận Hồng Bàng.

Bản đồ Hải Phòng năm 1920

          Có một số người có hỏi: Dựa vào đâu mà tác giả lại cho biên giới giữa xã (làng) Thượng Lý và xã Hạ Lý từ mương thoát nước phường Sở Dầu chỗ chợ Hoa quả. Vì vào năm 1899, chính quyền thuộc địa pháp quyết định xây dựng Nhà máy Xi măng Hải Phòng trên phần đất của làng Hạ Lý, tổng Lạc Viên, huyện An Dương và ngày 25/12/1899 bắt đầu khởi công, có mặt hôm đó còn có Toàn quyền Đông Dương Pôn Đume đã đặt khối đá vôi lớn tại lò nung đánh đấu sự ra đời của nhà máy.

     Nếu xét về mặt địa lý thì làng An Biên (Vẻn) bên cạnh sẽ ra đời muộn hơn làng Hạ Lý, nhưng những người làm sử lại viết xã An Biên có lịch sử 2000 năm? Hay làng Đồng Thâm (Sâm) sát biển lại ghi Ngô Quyền luyện quân ở đây và đền thờ ông được xây từ thời đó, có sắc phong từ thời Lê sơ, thời Mạc là chưa chính xác. Mảnh đất Lương Thâm mới có từ thời Lê trung hưng trở lại đây mà thôi? Hầu như các xã của huyện An Dương xưa, nay là phần đất nội thành của các quận Hồng Bàng, Lê Chân, Ngô Quyền, Hải An đều thờ Tướng công nhà Mạc Phạm Tử Nghi, người quê xã Đôn Niệm, tổng An Dương, phủ Kinh Môn. Đây cũng là một lý do chứng minh cho lịch sử hình thành của mảnh đất nội thành ngày nay.

     Hay đình An Lạc (phường Sở Dầu) được một số tư liệu ghi xây từ thời nhà Trần là hoàn toàn vô lý. Toàn bộ các đình của Đại Việt mới có từ thời nhà Mạc trở lại đây mà thôi. Có khá nhiều các địa danh ở phía Đông Nam huyện An Dương cổ nay là Hồng Bàng, Lê Chân, Ngô Quyền, Hải An… phần lớn có lịch sử hành chính từ thời nhà Lê sơ đến thời Nguyễn. Có những khu vực giáp biển còn được thành lập vào cuối thế kỷ XX.

     Quay lại bánh xe thời gian, huyện An Dương cổ được thành lập vào năm Quang Thuận thứ 10 (1469) đời vua Lê Thánh Tông, còn huyện lỵ An Dương lúc đầu có thể ở làng An Dương (nay thuộc khu vực xã An Đồng), sau chuyển về làng Rào (giữa Lực hành và Thư Trung), tổng Trung Hành (nay thuộc xã Đằng Lâm) và sau đó chuyển về làng Tri Yếu, tổng Kiều Yêu (nay thuộc xã Đặng Cương). Còn đình làng Da Viên trước khi thành lập tỉnh Hải Phòng (1887) nằm ở vị trí UBND thành phố Hải Phòng (ngay bên đa cổ thụ), đến năm 1880 di chuyển về giáp Đông (Trường đào tạo Công đoàn, số 31 Điện Biên Phủ ngày nay).

     Còn sông đào Hạ Lý nối sông Tam Bạc với sông Cấm được khởi công vào năm 1894 – 1900. Sau khi có sông Đào Hạ Lý thì Nhà máy Xi măng Hải Phòng được khởi công xây dựng (25/12/1899). Làng Hạ Lý bị cắt làm đôi, muốn sang “đảo Hạ Lý”, lúc đầu phải đi phà, sau đến ngày 03/12/1926, toàn quyền Đông Dương ký Nghị định xây tạm chiếc cầu treo Hạ Lý, năm 1934 mới xây cầu kiên cố. Sau này bị máy bay Mỹ ném bom năm 1969, rồi đến năm 1988 xây lại và sang thế kỷ XX làm mới như ngày nay.

     Lúc đầu cầu mang tên Hạ Lý, sau cách mạng tháng Tám (1945) mang tên Tô Hiệu. Sau này nhiều người gọi là cầu Thượng Lý vì bản đồ thành phố Hải Phòng do Ủy ban Xây dựng cơ bản xuất bản năm 1987 ghi nhầm. Để tránh nhầm lẫn dân dã gọi là cầu Xi Măng, vì cạnh Nhà máy Xi măng. Còn cầu bắc qua sông Tam Bạc là cầu mang tên Quốc Tổ Lạc Long Quân, nhưng không hiểu sao Hải Phòng bỏ chữ Quân, cũng giống như thần Quý Minh hay Quý Minh đại vương thì bị cắt đi chỉ còn Quý Minh. Vị tướng thời Tiền Lý là Triệu Quang Phục bị cắt chữ Triệu thành Quang Phục. Đức thánh Trần tên thật là Trần Quốc Tuấn bị cắt chữ Trần thành Quốc Tuấn, còn cái tên thường gọi của Đức thánh là Trần Hưng Đạo hay tước Vương của ông là Hưng Đạo đại vương, thì cũng bị cắt chữ Trần hay chữ đại vương thành Hưng Đạo. Tướng quân Phạm Ngũ Lão bị cắt họ thành Ngũ Lão, tướng quân Trần Quang Khải bị cắt họ đi còn Quang Khải... Đến thời cách mạng thì Nguyễn Thị Minh Khai bị cắt họ cùng tên đệm thành Minh Khai, tướng Võ Nguyên Giáp bị cắt họ đi còn Nguyên Giáp, Hồ Chí Minh bị cắt họ đi còn Chí Minh.v.v. Và mấy câu lục bát được ra đời:

Cạn đông gió bấc dội về

Niềm thương phiêu bạt tái tê lạ thường

Ngẩn ngơ con phố cung đường

Rạ rơm làng xã còn vương vương nồng

Nỗi đau nhoi nhói phập phồng

Dửng dưng ai thả não nùng vào xanh

Buồn sao hào kiệt, tài danh

Cắt đầu chặt đít hồn dềnh về đâu…

Bơ vơ trong cõi âu sầu

Thánh nhân tay vái, cúi đầu lạy: Nay?

     Còn trên sông đào Hạ Lý có hai bến là Vạn Kiếp nằm dọc triền Tả sông từ Nhà máy đóng tàu sông Cấm đến cầu Xi Măng (Vạn Kiếp là một vị trí hiểm yếu bên sông Lục Đầu, vào năm Trùng Hưng nguyên niên - 1285, quân dân nhà Trần đã mai phục chặn đường rút lui của Thoát Hoan) và bến Chương Dương nằm dọc tại triền Hữu từ cầu Xi Măng ra sông Cấm (Bến Chương Dương là tên của địa danh lịch sử - Chương Dương độ, cùng với Hàm Tử là những địa danh gắn liền với cuộc chiến tranh chống Nguyên – Mông lần thứ II của quân dân Đại Việt, bên bờ Hữu sông Hồng, thuộc huyện Thường Tín, Hà Nội). Lúc đầu bến mang tên Toàn quyền Đông Dương Van Vônlenhooven, từ năm 1954 trở đi mang tên bến Chương Dương.

(còn nữa)

NGỌC TÔ