/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

TÔ NGỌC THẠCH

TRẠNG TRÌNH NGUYỄN BỈNH KHIÊM VỚI SÔNG HÀN

Đại đa số người dân miền Duyên hải đồng bằng Bắc Bộ đều thắc mắc tại sao con sông qua các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng

TRẠNG TRÌNH NGUYỄN BỈNH KHIÊM VỚI SÔNG HÀN

 

     Đại đa số người dân vùng Duyên hải Bắc Bộ đều tự đặt ra câu hỏi: Tại sao con sông qua các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng đến cửa biển Thái Bình được gọi là sông Thái Bình? Mặc dù con sông này đi qua địa phận tỉnh Thái Bình có hai xã là Thụy Tân và Thụy Trường, huyện Thái Thụy chừng dăm cây số.

     Qua quá trình nghiên cứu về lịch sử địa giới hành chính thuộc lĩnh vực sông ngòi, chúng tôi thấy: Thời phong kiến, người ta đặt tên sông thường lấy tên địa giới làng xã ở thượng lưu. Ví dụ như sông Tranh (vì sợ nhầm tên với sông Chanh ở Quảng Yên, nên gọi theo tên khác là sông Hóa) vì thượng lưu sông Tranh bắt nguồn từ làng Tranh Xuyên, tổng Bất Bế, huyện Vĩnh Lại (nay là Vĩnh Bảo). Theo nghĩa Hán thì Tranh Xuyên là sông Tranh, còn Tranh Chử là một thôn (xóm) của xã Tranh Xuyên thôi. Hay sông Cấm lấy tên từ làng Cấm, tổng Da Viên, huyện An Dương tức sông này từ khu vực bến phà Bính hắt xuống phía cửa Bạch Đằng.v.v.

     Rồi từ sau cách mạng tháng 8 (1945), tên của các sông tại Việt Nam được đặt không theo cách truyền thống, tức đặt ngược lại. Người ta lấy tên của làng xã khu vực hạ lưu hay cửa sông, cửa biển làm tên của sông. Ví như sông Cấm (nhiều sách ghi nhầm là sông Cửa Cấm) có vài cây số, thì thời cách mạng đặt tên cho sông Cấm là sông Kiền Bái và sông Cấm cộng lại, thượng nguồn từ nơi tiếp giáp giữa sông Kinh Thày và sông Vận (ranh giới giữa Hải Dương và Hải Phòng) kéo dài đến cửa Nam Triệu. Tương tự như vậy sông Thái Bình đi qua tỉnh Thái Bình có khoảng vài cây số từ ngã ba sông Hóa tới cửa biển Thái Bình.

     Trong tay chúng tôi có tấm bản đồ thời Nguyễn của phủ Nam Sách, tỉnh Hải Dương ta thấy: Từ phía thượng nguồn có ba sông là Thiên Đức, Chiêm Đức và Nhật Đức cùng với sông Phượng Nhãn đổ về Lục Đầu Giang, rồi sau đó thành hai ngã rẽ, một nhánh đi về hướng Đông qua phía Bắc huyện Chí Linh và sang huyện Đông Triều. Còn một nhánh nữa từ Lục Đầu Giang xuôi về phía Nam qua huyện Cẩm Giang, huyện Thanh Lâm (nay là Nam Sách), thủ phủ tỉnh Hải Dương, huyện Thanh Hà, huyện Tứ Kỳ, huyện Tiên Minh (Lãng), nối tiếp xuống hạ lưu là sông Kim, ranh giới giữa hai huyện (Tiên Lãng và Vĩnh Bảo ngày nay) và đổ ra biển.

     Cái tên Cẩm Giang theo nghĩa Hán là sông Cẩm. Đến thời chúa Trịnh Giang nắm chính quyền (1729 – 1740), vì phải kiêng tên húy thì chữ Giang được đọc chệch thành chữ Giàng, nhưng từ Cẩm Giàng chỉ là văn nói, còn văn viết vẫn là Cẩm Giang ().

     Đoạn từ Lục Đầu Giang (六頭江) tới xã Hàm Giang (邯江), huyện Cẩm Giang được gọi là sông Lâu Khê vì thượng lưu sông từ địa phận xã Lâu Khê, tổng La Đôi, huyện Thanh Lâm (nay là Nam Sách). Còn sông từ xã Hàm Giang, tổng Hàm Giang, huyện Cẩm Giang đến hết khu vực ngã ba sông Mới của huyện Tiên Lãng ngày nay là sông Hàm. Còn đoạn tiếp theo chảy qua xã Kim Đới (金帯), tổng Hà Đới (河帯), huyện Tân Minh (新明) sau đổi là Tiên Minh (先明) nay là Tiên Lãng (先浪), đổ ra cửa biển gọi là sông Kim (金江) hay gọi theo tên khác là  Kim Giang. Cửa biển này gọi là Kim hải khẩu (金海口), còn vùng  biển nơi đây gọi là biển Kim (金海), từ thời cách mạng gọi là cửa Thái Bình (太平口).

     Vào thời nhà Mạc (1527 – 1592), Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đặt tên cho đoạn hạ lưu sông Kim chảy qua huyện Vĩnh Lại (khu vực cầu Đăng ngày nay xuôi xuống hạ lưu) vào văn chương của Người là Hàn Giang (), theo nghĩa đen là “con sông lạnh giá”. Ngoài việc triền Hữu sông Hàn phía bên nhà cụ Trạng luôn luôn bị lở, hàng năm bị mất từ một mét tới hai mét đất ra, thì xã hội Đại Việt trong thế kỷ XVI còn nhiều diễn biến phức tạp, tranh giành quyền lực. Thời kỳ nước ta bị chia làm đôi (1533 – 1592): Từ núi Tam Điệp - Ninh Bình trở ra gọi là Bắc Triều, do nhà Mạc quản lý, còn từ Thanh Hóa trở vào trong gọi là Nam triều do nhà Lê trung hưng quản lý.

     Sau khi từ quan về quê ở ẩn (1542), Nguyễn Bỉnh Khiêm dựng quán Trung Tân, rồi am Bạch Vân mở trường dạy học… và những vần thơ do ông ngẫu hứng sáng tác này ra đời, người đời sau đặt tên là “Tân quán ngụ hứng”:
津館寓興 
別占溪泉景致幽,
歸來結屋覓閑遊。
護花半掩臨風樹,
待月先開近水樓。
消長隨時知物理,
窮通有命豈吾憂。
這般真假誰能會,
一曲寒江一釣舟。
Phiên âm (Vũ Hoàng):

TÂN QUÁN NGỤ HỨNG

Biệt chiếm khê tuyền cảnh trí u,
Quy lai kết ốc mịch nhàn du.
Hộ hoa bán yểm lâm phong thụ,
Đãi nguyệt tiên khai cận thuỷ lâu.
Tiêu trường tuỳ thời tri vật lý,
Cùng thông hữu mệnh khởi ngô ưu.
Giá ban chân giả thuỳ năng hội,
Nhất khúc Hàn Giang nhất điếu chu.

Dịch nghĩa (Vũ Hoàng):

 

THƠ NGẪU HỨNG Ở QUÁN TRUNG TÂN

 

Tìm được nơi có suối  khe vắng vẻ
Trở vè làm nhà ẩn cư chốn tĩnh lặng
Có cây cối chở che chắn gió cho hoa cỏ
Có Ánh trăng soi vằng vặc cạnh lầu nước
Hiểu ra suy thịnh tùy thời thế
Biết rằng số mệnh vốn do trời định, có gì phải lo
Không phải suy tư về thật, giả ở đời
Trên sông Hàn vui với chiếc thuyền câu

 

Dịch thơ (Ngọc Tô):

 

Lui về vui thú điền viên

Dựng nhà làm quán bên triền sông xanh

Cỏ cây mây gió trong lành

Vầng trăng chênh chếch lênh đênh cuối trời

Hiểu ra suy thịnh tùy thời

Xưa nay vốn ở lòng giời há lo

Mặc ai thật giả ưu tư

Sông Hàn* nước chảy lững lờ thuyền câu.

__________
* Có tài liệu ghi là Hàn Sơn (núi Hàn), rồi rất nhiều người dịch là núi Hàn hay Ngũ Hồ, mà thực tế ở làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại (nay là Vĩnh Bảo) không có núi, cũng không có ngũ hồ?     

       Hay trong một bài “Ngẫu hứng” khác của Nguyễn Bỉnh Khiêm:
慾認一真天定處
寒江秋水月明游
Phiên âm (Vũ Hoàng):
Dục nhận nhất chân thiên định xứ
Hàn giang thu thủy nguyệt minh du
(Ngụ hứng)
Dịch nghĩa (Vũ Hoàng):
Muốn biết được chân lý, cơ trời ở đâu
Hãy chọn đêm rằm trung thu ngắm trăng trên sông Hàn
Dịch thơ (Vũ Hoàng):
Muốn xem thiên lý cơ trời
Sông Hàn chờ ngắm trăng soi đêm rằm


Hay trong một bài “Ngẫu hứng” của Nguyễn Bỉnh Khiêm khác nữa:

中新館禺興
数間江館廡江津
水國為茫两岸分
風穩帆歸寒普月
天情龍現遠山雲
Phiên âm (Vũ Hoàng):

Trung tân quán ngụ hứng
Sổ gian giang quán phủ giang tân
Thủy quốc vi mang lưỡng ngạn phân
Phong ổn phàm quy hàn phổ nguyệt
Thiên tình long hiện viễn sơn vân

Dịch nghĩa (Vũ Hoàng):

Vài gian quán lá ở bên sông
Dòng nước chảy giữa đôi bờ
Gió nhẹ, buồm trôi, khí lạnh thấm vào ánh trăng
Trời quang, rồng hiện ra ở núi mây xa xa.

Dịch thơ (Vũ Hoàng):

Vài gian nhà lá tựa bên sông
Thấp thoáng hai bên giữa một dòng
Gió nhẹ buồm xuôi trăng bến lạnh
Trời quang rồng hiện núi mây hồng.

          Những cảm xúc trong trong tác giả được dồn nén và thơ được thăng hoa đã phản ảnh quang cảnh đạm bạc của người dân vùng sông nước…

       Hay trong “Bạch Vân quốc ngữ thi tập”, Nguyễn Bỉnh Khiêm viết:

Mai bạc lạnh quen nhiều tháng tuyết

Cúc vàng thêm đổi mấy phen hoa

                         (Tự thuật)

       Hay:

Xem thấy những sương rơi tuyết lạnh

Loài bất bình tranh cạnh hung hăng

                        (Bạch vân ca)

       Hay trong “Bài văn ghi ở bia quán Trung Tân”, Nguyễn Bỉnh Khiêm ghi: “…Phía Bắc cúi xuống thấy dòng Tuyết Giang, xuôi xuống là chợ hàn, bến Nguyệt, phải trái bao quanh…”. Và, còn khá nhiều các áng văn chương khác được phản ảnh một xã hội đầy rẫy mâu thuẫn, bất công. Người luôn mang trong mình một nỗi buồn tê tái… Cuộc đời của Nguyễn Bỉnh Khiêm ở quê đã gắn liền với dòng “sông Lạnh” quê mình. Rồi để người đời không bị nhầm lẫn, Nguyễn Bỉnh Khiêm còn khảng định lại khúc sông này với cái tên khác nữa là Tuyết Giang (雪江). Con sông nơi đây bắt đầu từ ranh giới huyện Tứ Kỳ với huyện Vĩnh Lại (tức ranh giới xã Tam Đa và xã Liên Am, huyện Vĩnh Bảo ngày nay) xuôi xuống đến ngã ba sông Hóa với độ dài dăm cây số.

       Các thế hệ học trò và người dân thời ấy đã tôn vinh Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là “Tuyết Giang phu tử”, trong đó hai từ “Phu tử” là danh xưng cho một bậc thầy lớn. Hay con trai ông cũng lấy hiệu là Hàn Giang cư sỹ, được vua Mạc ban tặng tước Hàn Giang hầu, làm quan đến chức Hiến phó và ấm phong là Trung Trinh đại phu với phẩm hàm Tứ phẩm.

       Hay theo tương truyền thì hậu duệ đời thứ bảy của Nguyễn Bỉnh Khiêm là Hữu thị lang, Tiến sỹ Giang Sỹ Đoan khi về trí sỹ (1758) tại quê ở xã Vũ Nghị, tổng Lễ Thần, huyện Thanh Lan, trấn Sơn Nam, nay thuộc xã Thái Hưng, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Ông đã đặt tên cho bến sông Vị Dương ở quê ông là Hàn Giang để tưởng nhớ về tổ tiên của mình.v.v.

       Hay câu sấm truyền trong dân gian đều nhắc tới Hàn Giang là:

“Bao giờ Tiên Lãng chia đôi

Sông Hàn nối lại thì tôi mới về”

       Và còn rất nhiều những cái tên khác gắn liền với sông Hàn tại huyện Vĩnh Bảo – Tiên Lãng như bến đò Hàn, cầu Hàn,… Rồi có rất nhiều những áng văn chương từ trước tới nay khi viết về Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đều nhắc tới Hàn Giang hay Tuyết Giang,…

     Ta có thể khảng định rằng: “Sông Lạnh” của thi ca đã đi vào đời sống tinh thần của người dân địa  phương nơi đây. Không chỉ người dân trấn Hải Dương biết tới con sông này, mà nó còn lan rộng tới toàn bộ các tỉnh thành khác trong cả nước cũng như lan tỏa tới nhiều vùng đất ngoài biên giới nước ta.

     Chính sự nổi tiếng ấy, mà Hàn Giang () sau ngày Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm mất (1586) được thay thế tên Hàm Giang. Vì vậy  sông Hàm (邯江) hay làng Hàm Giang, tổng Hàm Giang được người dân và chính quyền địa phương gọi là sông Hàn hay làng tổng Hàn Giang ().

      Đến đây ta càng hiểu thêm cuộc đời, sự nghiệp và văn chương của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm có tầm ảnh hưởng lớn như thế nào với đời sống xã hội của người dân nước ta tới tận ngày nay.

Hàn Giang cụ Trạng đặt tên

Con sông lạnh giá giữa miền đất hoang

Sông Hàm từ tổng Hàm Giang

Dọc dài bế thế ngổn ngang tình đời?

NGỌC TÔ