/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

TÔ NGỌC THẠCH

Tháng tư ở Dương Thành

Nhưng những gì cảm nhận được từ chuyến đi, tôi muốn gửi gắm vào những trang viết, làm dày thêm lớp kí ức của mình về thủ phủ thành phố đông dân nhất thế giới này.

Tháng tư ở Dương Thành

 

       Không biết bao nhiêu lần tôi đã đến Quảng Châu, lần thì bằng tàu hỏa, lần bằng ô tô ca, lần bằng máy bay. Song lần này tôi theo đoàn tháp tùng Thủ tướng Chính phủ tới thủ phủ của tỉnh đông dân nhất thế giới từ sân bay quốc tế Phượng Hoàng, Đặc khu Kinh tế Hải Nam. Mỗi lần di chuyển là một lần chúng tôi phải làm các thủ tục bay mất rất nhiều thời gian. Tất cả các hành lí, đồ dùng mang theo đều được kiểm tra kĩ càng, sau đó vào phòng chờ để khớp với lịch trình của Thủ tướng. Sau hai giờ bay, chuyên cơ đã hạ cánh xuống sân bay quốc tế Bạch Vân, Quảng Châu. Trời về chiều, lúc này Quảng Châu vẫn còn lạnh và lắc rắc những hạt mưa. Vừa bước xuống dưới cầu thang máy bay đã có mấy chiếc xe ca sang trọng chờ sẵn và xe cảnh sát hộ tống dẫn chúng tôi về khách sạn năm sao Shangri – La bên bờ Châu Giang.

Thời gian gần đây hầu như năm nào tôi cũng qua Quảng Châu, nhưng lần này đến thành phố lớn thứ ba Trung Quốc với một tâm trạng hoàn toàn khác. Quảng Châu hôm nay vẫn tươi trẻ, năng động và sôi động náo nhiệt như ngày nào. Nhiều cao ốc mọc lên thêm, nhiều công trình thế kỉ bước vào giai đoạn hoàn tất để chào mừng 60 năm ngày quốc khánh nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Khi vào nội đô, thấy khu di tích Nam Việt Vương, nhớ tới Cổ thư Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi do nhà văn Ngô Tất Tố dịch có câu: “Từ Triệu, Đinh, Lí, Trần bao đời xây nền độc lập. Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương”. Trong tôi lại tưởng tượng ra một Vương triều Việt cổ, đứng đầu là Triệu Vũ đế, người con rể Tổng Đồng Xâm, Thái Bình gốc gác quê tôi.

Theo dòng lịch sử những quá khứ từ xa xưa hiện về. Thời cổ, Quảng Châu mang những cái tên khác như Sử Sở Đình (tức trung tâm quyền lực của nước Sở), Dương Thành (thành phố con dê). Nguyên do từ chuyện thần thoại có 5 thần vận y phục ngũ sắc mỗi vị một màu, cưỡi năm con dê màu lông khác nhau, mang theo ống sáo có chứa sáu loại ngũ cốc, hoa quả, đem lại cho dân chúng trong vùng bao mùa lương thực bội thu và hoa quả tốt tươi. Để cầu mong sự sung túc, năm 1926 tại công viên Việt Tú thành phố đã xây dựng Ngũ dương thạch tượng, tức tượng năm con dê bằng đá hoa cương, biểu tượng duy nhất cho thành phố này.

.
 
Tô Ngọc An, con út nhà văn TNT bên bờ Châu Giang

          Quảng Châu là thành phố cảng, nơi hội tụ của ba con sông: Bắc Giang, Đông Giang và Tây Giang cùng đổ ra cửa biển Hổ Môn. Trong đó Tây Giang có hai phụ lưu là Bắc Giang và sông Kì Cùng chảy từ Cao Bằng, Lạng Sơn nước ta. Còn Châu Giang là con sông lớn thứ tư của Trung Quốc chảy qua thành phố Quảng Châu, có hơn chục cây cầu và đường hầm  nối liền đôi bờ thành phố. Ai đã đến Quảng Châu mà chưa được du ngoạn bằng tàu thủy trên Châu Giang về đêm thì thật đáng tiếc. Khi ngồi trên những con tàu khách nhâm nhi li cà phê, chiêm ngưỡng thành phố về đêm ta như lạc vào một thế giới khác. Hai bên bờ sông là những cao ốc muôn hình vạn dạng, tòa nhà nào cũng lung linh sắc màu, còn trên Châu Giang thì tàu thuyền tấp nập, mỗi con tàu có hình dáng kết cấu độc lập và được trang trí sắc màu khác nhau. Chúng tôi chọn nhiều vị trí trên tàu để ngắm được các góc độ khác nhau của con sông thơ mộng này. Đoạn sông qua đây bề ngang vào khoảng 300 đến 400 mét, hẹp hơn đoạn sông Hàn qua Seoul, Hàn Quốc. Hai bên bờ là những hàng cây xanh lá, được tỉa tót bài bản, lùi vào trong là những cao ốc trung tâm tài chính, văn phòng, khách sạn năm sao, siêu thị nhà hàng, quán ăn... được thiết kế muôn hình vạn dạng nhưng mang phong cách rất Trung Quốc. Dọc theo sông là mười một cây cầu lớn nhỏ được trang trí muôn vạn sắc màu sặc sỡ nối liền hai bên thành phố. Mỗi cây cầu mang một kiểu dáng riêng, đèn điện được bố trí theo vòm cầu, gầm cầu, đổi màu liên tục khiến không gian Châu Giang càng thêm tuyệt diệu. Từ lúc lên tàu ở bến đầu này đến khi kết thúc hành trình mất chừng hơn một giờ đồng hồ. Trên sông dù ngày lặng gió nhất cũng thấy mơn man sóng vỗ mạn tàu, tạo nên những âm thanh kì lạ làm du khách quên đi hết những căng thẳng, ưu phiền của một ngày lao động vất vả. Muôn sắc màu lung linh hai bên bờ sông, trên tàu thủy hòa quyện với ánh trăng sao của những ngày đẹp trời, in xuống đáy nước, thả hồn trong một không gian đang trôi vào cõi mộng. Có thể nói đêm Châu Giang thật tuyệt, dòng sông thơ mộng này đã bồi đắp nên vùng châu thổ trù phú, nhưng nó còn khoe hết mình những thành quả xây dựng và phát triển của một thành phố năng động nhất Trung Quốc trong thời kì đổi mới. Ai đã có dịp chiêm ngưỡng hai bờ Đông Tây trên vịnh sông Hoàng Phố Thượng Hải thì Châu Giang không khác là bao. Nhiều cảnh còn đẹp bất ngờ hơn, tuyệt mĩ hơn. Hôm nay Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Đông đã chiêu đãi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và phu nhân trên con tàu khách vào đêm huyền diệu hạ tuần tháng tư. Vào thời điểm đó Châu Giang vẫn như một nàng tiên kiêu sa, chỉ có khác các ngã ba ngã tư đường phố, dọc hai bên bờ sông có các điểm chốt của cảnh sát cơ động, tàu thuyền đi lại ít hơn một chút, nhưng sau đó mọi việc trở lại bình thường.

          Quảng Châu cách đây ba mươi năm không khác Hà Nội mấy, nhưng ngày nay có thể sánh vai với các thành phố lớn ở các châu lục về tầm vóc của một đô thị hiện đại, đặc biệt là về hệ thống giao thông. “Chắp cánh thời gian, thấp thểnh những lo toan về Quảng Châu thời mở cửa. Nhà cao tầng chất ngất chiều thu. Bao đổi thay trong cõi mơ hồ. Đường cao tốc xếp chồng san sát”. Có lẽ trên hành tinh này hệ thống đường bộ của Quảng Châu, Thượng Hải là nhiều tầng nhất, còn tàu điện ngầm Quảng Châu là hệ thống tàu điện ngầm bận rộn nhất châu lục. Hiện đã có tám tuyến đang hoạt động, tuyến đầu tiên được khai trương vào năm 1997 với bốn nhà ga, nay đã có 144 nhà ga với chiều dài 236 ki-lô-mét. Hàng ngày mạng lưới metro hoạt động từ sáu giờ sáng và kết thúc vào lúc nửa đêm với trung bình trên bốn triệu lượt khách.

Vào đầu những năm chín mươi của thế kỉ trước tôi đã tới Quảng Châu. Thành phố lúc ấy như một công trường xây dựng, các loại xe đạp kéo bắt đầu không cho lưu hành. Đây là một trong những trung tâm sản xuất xe máy lớn nhất Trung Quốc. Sản lượng hàng năm hàng triệu chiếc, nhưng những năm ấy thành phố đã có nhiều biện pháp nhằm hạn chế lưu hành, nay ra đường không nhìn thấy xe máy lưu thông. Còn phương tiện thủy thì miễn bàn vì Quảng Châu, một hải cảng lớn chỉ đứng sau Thượng Hải, từ xa xưa đã phát triển được mệnh danh là “con đường tơ lụa” trên biển. Ngày nay càng phát triển mạnh hơn.

          Tối đầu tiên tôi và nhà báo Vũ Cao xuống tầng một khách sạn và đi tìm hiểu thành phố về đêm. Ngay quầy đổi tiền có gặp một cháu nói tiếng Trung khá nhuyễn, hỏi ra mới biết là con gái nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn, cháu làm ở Bộ Ngoại giao cùng đi với đoàn. Mấy chú cháu vẫy taxi ra phố chợ đêm Bắc Kinh. Phần nhiều thì taxi của Trung Quốc chỉ dùng xe nội địa. Trên xe được bố trí tấm vách ngăn giữa hành khách và tài công đề phòng những chuyện xấu xảy ra. Xe chạy lòng vòng một lúc lâu, nhìn đồng hồ hết bốn mươi hai tệ đã tới chợ. “Con phố cũ càng nằm duỗi giữa nội đô. Hồn giấu sâu vào thịt da từng thớ đất. Bóng thời gian ngủ vùi trong góc khuất. Lớp lớp địa tầng hằn trên cột mốc thời gian”. Trời hôm nay Quảng Châu không chiều lòng khách, những hạt mưa phảng phất rơi và mỗi lúc một nặng hạt hơn. Tôi đã đến đây vài lần, nên chẳng có gì lạ. Đây là khu chợ bán tạp hóa hàng giá rẻ, phục vụ cho các tầng lớp trung hạ lưu, rất phù hợp với khách du lịch mà túi tiền không được rủng rỉnh. Bước đến chợ thấy cảnh những cụ già, cô gái bồng con nhỏ ăn xin, rồi những thiếu nữ rất trẻ trung cứ chèo kéo khách... nhộn nhạo không khác gì chợ trời Việt Nam. “Có tiếng thở dài sùi sụt lan man. Có tiếng đồng tiền bị thương rơi đau ngõ cụt. Có tiếng nỉ non xé lòng nhau chao chát. Có tiếng cười cắt rời ra dán vào giấc ngủ mỏng tang”. Hai bên đường là những quầy hàng quần áo vải vóc, giầy dép, đồ dùng, tạp hóa... so với giá siêu thị thì chỉ bằng một phần ba, nhưng chắc chắn chất lượng thấp hoặc hàng hạ giá, hàng giả, hàng nhái. Nhưng nếu về Việt Nam thì chẳng ai biết được, nhiều thương gia nước ngoài đến khu chợ giá rẻ này cất hàng về nước kinh doanh. Riêng tôi không có nhu cầu mua sắm nên cũng chỉ xem là chính. “Người đi bán dại mua khôn. Tôi mua gió nhạt mây buồn tặng tôi”. Sau đó chúng tôi vào một số đường ngang ngõ tắt để tìm hiểu thêm cuộc sống về chợ đêm ra sao. Tại đây hàng hóa cũng bày la liệt, giá cả có phần rẻ hơn. An ninh trật tự tại Quảng Châu cũng giống mấy tỉnh giáp biên giới phía Bắc Việt Nam. Xe đạp được khóa trái để bên ngoài nhà không sợ bị mất cắp. Còn khi vào cửa hiệu giá cả ở đây chủ hàng nói thách như ghê gớm: Một chiếc váy nữ chủ hàng quát 900 tệ, trả 250 tệ đã đồng ý liền. Tôi nói đùa, tệ nói thách này đã tràn vào Việt Nam từ thủ phủ của nước “Việt cổ”. Nếu mua một chiếc thì giá vậy, còn lấy số lượng nhiều thì khách hàng được giảm giá bất ngờ, đặc biệt là những người mua buôn... Chợ đã vãn người, chúng tôi vẫy taxi về khách sạn. Gần tới nơi thì lái xe dừng lại và bắt thanh toán tiền. Trò ảo thuật đã lộ rõ, nào là tiền rách, tiền giả... nhằm tráo tiền. Qua đây mới biết tiền giả tại Trung Quốc không phải là ít, người lái taxi nào trước khi nhận tiền cũng rất cẩn thận xem đi xem lại, soi lên đèn rồi mới cho vào túi. Chúng tôi nhanh chóng về phòng nghỉ để sáng hôm sau dự diễn đàn. Tất cả thành viên trong đoàn đều ở chung khách sạn cùng với Thủ tướng. Đoàn tùy tùng, hai người một phòng, còn đoàn tháp tùng mỗi người một phòng. Nhưng nghĩ cho cùng chỉ có mấy tiếng nghỉ đêm chứ còn ban ngày thì hội họp lu bù, tối lại đi tham quan hoặc siêu thị chẳng còn thời gian nữa.

          Bảy giờ sáng mười chín tháng tư chuông đồng hồ khách sạn báo thức, chúng tôi chuẩn bị một số thứ rồi xuống tầng một ăn sáng. Bữa sáng ở đây có khác ở Hải Nam một chút nhưng nhu cầu về ăn của tôi không lớn, còn khách sạn năm sao nào cũng rất nhiều món hấp dẫn. Ăn sáng xong mọi người lên hội trường lớn tầng ba để tham gia diễn đàn kinh tế Việt Trung. Tới dự có ông Đông Uông Dương Ủy viên Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông, ông Hoàng Hoa Hoa, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, lãnh đạo các sở ban ngành của tỉnh Quảng Đông và gần 1000 chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp Trung Quốc. Phía Việt Nam có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, hơn chục Thứ trưởng, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Nguyễn Văn Thơ và trên bảy mươi nhà kinh tế cùng đoàn tùy tùng, các phóng viên báo chí Việt Nam, Trung Quốc, quốc tế tới dự.

Quảng Đông là một tỉnh hạng trung, đứng thứ 15 của Trung Quốc với diện tích 177.900 ki-lô-mét vuông và hơn 110 triệu dân, nhưng tổng thu nhập quốc dân gấp hơn năm lần Việt Nam. Nơi đây được mệnh danh là thiên đường mua sắm của châu Á, đặc biệt là hàng giá rẻ. Tại Quảng Châu, mỗi mặt hàng đều có một khu bán riêng, như chợ Bạch Mã bán quần áo, rồi các chợ đồ len, chợ đồ da, chợ giầy dép, chợ đồ lưu niệm, chợ đồ chơi... Đặc biệt, phải kể đến các loại hàng hóa công nghệ, máy móc có chợ điện tử Thiên Hô chuyên bán máy tính, linh kiện máy tính từ cũ tới mới. Đây là chợ đầu mối mà các công ti điện tử Việt Nam thường nhập hàng về từ khu chợ này. Rồi chợ điện thoại với đủ các loại hàng hiệu, hàng cũ, hàng nhái nhìn đến hoa cả mắt. Tôi còn nhớ cách đây hơn chục năm, khi đi xe khách về Nam Ninh qua một dãy phố bán ô tô cũ, xe chạy đến vài chục phút, nhìn ra hai bên đường vẫn chưa hết gara ô tô bày bán… Hàng hóa ở Quảng Châu phù hợp với mọi túi tiền của người tiêu dùng. Thế mới biết câu nói về mảnh đất nơi đây chẳng sai: “Muốn biết túi có bao nhiêu tiền thì qua Quảng Châu mới rõ?”

          Đúng chín giờ lễ khai mạc bắt đầu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Đông Vạn Khánh Lương giới thiệu đại biểu, sau đó bài phát biểu chào mừng của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và bài phát biểu của Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Đông. Sau đó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có bài đáp quan trọng chỉ đạo diễn đàn và kêu gọi phía Trung Quốc hãy đầu tư nhiều hơn vào Việt Nam, nâng cao hơn nữa kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước và chứng kiến lễ kí kết “Bản ghi nhớ giữa Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và chính quyền tỉnh Quảng Đông”. Tiếp theo là bài phát biểu của tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI bế mạc diễn đàn. Sau phần thủ tục, một số anh em được mời tới hội trường nhỏ dự cuộc tọa đàm song phương về hợp tác đầu tư kinh tế giữa hai nước. Cuộc tọa đàm rất trôi trảy, hiệu quả và đầm ấm. Vì thời gian có hạn buổi tọa đàm được kết thúc trong bầu không khí thắm tình hữu nghị. Chương trình buổi chiều đoàn đi tham quan thành phố, còn một số thành viên khác tham dự buổi hội kiến và chiêu đãi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Đông Hoàng Hoa Hoa.

          Sau bữa cơm chiều, màn đêm buông dần, tôi và mấy anh bạn người Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh rủ nhau đi dạo phố thưởng thức không khí về đêm thành phố thứ ba của quốc gia đông dân nhất thế giới này. Có thể nói đêm Quảng Châu rất mộng mơ, nhìn chỗ nào cũng rộn ngợp sắc màu. Đặc biệt, sông Châu như một thiếu nữ kiều diễm, chúng tôi bị hớp hồn bởi phong cảnh, cách xếp đặt ánh sáng và sự lộng lẫy, kiêu sa của mảnh đất đầy tiềm năng này. Gần khu vực chúng tôi ở, các ngã ba, ngã tư đều thấy cảnh sát cơ động gác, những chiếc xe thùng của lực lượng an ninh nằm rải rác trên đường phố đề phòng những chuyện bất trắc xảy ra…         

Song song với sự phát triển như vũ bão về kinh tế của tỉnh phía nam, thì bãi rác công nghệ khổng lồ lớn nhất thế giới đã dồn về Trung Quốc, đặc biệt là Quảng Châu và Hồng Kông. Mặc dù chính quyền thành phố Quảng Châu đã có những biện pháp cấm nhập khẩu rác điện tử, nhưng các công ti tại các nước phát triển trên thế giới như Nhật Bản, Mĩ và châu Âu vẫn lén lút tuồn rác vào bằng nhiều hình thức, trong đó chủ yếu dưới dạng hàng đã qua sử dụng…Trong số đó không ít rác thải này bằng nhiều con đường khác nhau đưa về Việt Nam.

Lần trước đến đây, tôi quen với mấy Việt kiều sinh sống tại thủ phủ này. Các bạn đưa tôi về nhà tại khu cao ốc trung tâm. Qua tìm hiểu tôi thấy cuộc sống của người dân chỉ quanh quẩn trong phòng vài chục mét vuông. Mọi thứ từ chỗ để xe, gửi hàng cũng phải trả một giá khá đắt. Đặc biệt là cho con cái vào các trường học nội đô, mất một khoản tiền cũng khá lớn, thừa tiền mua được một vài ô tô nội địa. Nhìn chung cuộc sống của người Việt tại đây tương đối vất vả, chủ yếu làm thương mại, dịch vụ. Những người có năng khiếu kinh doanh còn kiếm được, chứ những người vốn liếng không, tiếng không biết, chỉ đi làm thuê thì cũng “Vặt mũi đút lỗ miệng”.

Khi đến Quảng Châu chắc không người nước ngoài nào lại không đến công viên Hoàng Hoa Cương, một trong “Quảng Châu bát cảnh” của thành phố. Công viên này có diện tích mười ba héc ta với một cửa tam quan hoành tráng được khắc bốn chữ “Hạo khí trường tồn” do bác sĩ Tôn Dật Tiên đề tặng. Đi qua cửa tam quan thẳng vào phía trong là bức tượng Nữ thần Tự Do được mô phỏng theo tượng Nữ thần Tự Do ở New York nhưng kích thước nhỏ hơn, được đặt trên bảy mươi hai tảng đá khối hộp chữ nhật, nơi yên nghỉ bảy mươi hai liệt sĩ thời Dân Quốc. Đi bộ vào phía phải bên trong là nơi yên nghỉ của công dân Việt Nam Phạm Hồng Thái (1895 – 1924), một liệt sĩ nước ngoài duy nhất. Mộ của Phạm Hồng Thái được xây trên một khoảnh đất khá rộng, mát mẻ, nhiều cây xanh. Trước khi bước vào khuôn viên ngôi mộ có tấm bia lớn viết bằng tiếng Trung - Anh lược thuật lại hành động anh hùng của ông. Tấm bia trên mộ được viết bằng hai thứ tiếng Việt Trung “Mộ liệt sĩ Phạm Hồng Thái”. Bên cạnh còn là nơi yên nghỉ của nhiều người có công với đất nước.

Theo hành trình của các tua tham quan, du khách cũng không thể bỏ qua công viên Việt Tú, một công viên lớn nhất Trung Quốc trong nội đô. Với diện tích 86 héc ta, là sự kết hợp hoàn hảo giữa di tích văn hóa và du lịch sinh thái. Một trong “Bát cảnh Dương Thành”, hàng năm đón hơn mười triệu lượt khách du lịch trong và ngoài nước. Đến với công viên Việt Tú, du khách sẽ được tận hưởng những phút thư thái, yên bình, sảng khoái bởi không khí trong lành, bên hàng cổ thụ quanh năm xanh lá. Mỗi ngày có hàng ngàn lượt người dân sinh sống xung quanh vào tập dưỡng sinh, thái cực quyền, chơi cờ, múa hát. Du khách đồng thời được đắm mình vào thế giới cổ tích đầy bất ngờ của những nhân vật trong bộ phim Tây Du Kí, khám phá từ động Hoa Quả Sơn, đến thủy cung hay địa ngục… Công viên Việt Tú đã được bầu chọn là một trong mười danh thắng đẹp nhất Quảng Châu, trong đó lầu Trấn Hải và Ngũ dương thạch tượng được bầu là một trong mười điểm du lịch đẹp nhất của thành phố này.

Trước kia các công viên là chỗ sinh hoạt của thanh niên nam nữ, nhưng ngày nay thì ngược lại. Đây là chỗ vui chơi giải trí cho trẻ em và những người lớn tuổi. Từ khi nền kinh tế Trung Quốc phát triển mạnh, Nhà nước rất quan tâm tới đời sống của người về hưu. Từ đầu những năm 2000 Trung Quốc đã xóa bỏ vé vào công viên, người cao tuổi đi ô tô khách miễn phí…Khi chúng tôi vào thăm công viên Hoàng Hoa Cương và công viên Việt Tú thì rất nhiều người lớn tuổi đang tập nhảy tăng gô với những động tác rất điêu luyện. Vào phía trong các cụ người đọc báo, người chơi cờ, người đang nô đùa với con nít…Nhiều du khách nói đây là lâm viên vì chỗ nào cũng rợp bóng cây xanh. 

Đến Quảng Châu du khách không thể bỏ qua nhà lưu niệm Tôn Trung Sơn. Công trình xây dựng từ năm 1929 đến 1931, kiến trúc hình bát giác kiểu cung điện, do kiến trúc sư Lữ Ngạn Trực thiết kế, nằm trên khu đất rộng tới hơn sáu héc ta. Đây chính là nơi đặt Phủ Tổng thống của Tôn Trung Sơn trước kia. Toà nhà cao 49 mét, diện tích mặt bằng gần 3700 mét vuông, tổng diện tích xây dựng toàn bộ lên tới 12.000 mét vuông, có thể chứa được 5.000 chỗ ngồi. Có một điều đặc biệt khi vào trong gian chính, nhờ các cửa kính xung quanh bên trên ta có thể đọc được sách mà không cần tới đèn điện. Bên trên mái được lợp bằng loại ngói lưu li màu lam, chia thành bốn tầng, các mái ở mỗi tầng đều vuốt cong. Trên đỉnh mái nóc là chóp hình bầu dục cao gần bốn mét, đường kính chỗ lớn nhất trên bốn mét, toàn bộ bề mặt dát vàng trông rất lộng lẫy. Trước cửa vào, ngay bên dưới mái, treo tấm biến đề bốn chữ “Thiên hạ vi công” theo bút tích của Tôn Trung Sơn cũng được dát vàng. Nhà lưu niệm Tôn Trung Sơn ở Quảng Châu được đánh giá là công trình thế kỉ kết hợp được phong cách kiến trúc truyền thống Trung Quốc với kiến trúc phương Tây hiện đại. Một địa điểm văn hóa kết hợp đủ các yếu tố về du lịch, hội họp, biểu diễn, tham quan, được xếp hạng cao bốn chữ A của Trung Quốc.

Quảng Châu còn rất nhiều điểm tham quan du lịch, nhiều công trình đồ sộ hoành tráng. Những người cả đời gắn bó với mảnh đất này còn chưa đi hết, huống hồ những người nước ngoài như tôi một năm chỉ có mấy ngày đến đây. Nhưng những gì cảm nhận được từ chuyến đi, tôi muốn gửi gắm vào những trang viết, làm dày thêm lớp kí ức của mình về thủ phủ thành phố đông dân nhất thế giới này.

Thi An