/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

TÔ NGỌC THẠCH

THÀNH PHỐ TRÊN BIỂN

Lần gần đây nhất tôi đến “thành phố trên biển” vào mùa đông lạnh giá trên tuyến bay Nội Bài - Quảng Châu, rồi Thẩm Quyến – Phố Đông (Thượng Hải).
 
THÀNH PHỐ TRÊN BIỂN
Bút kí của Tô Ngọc Thạch
 
        Lần gần đây nhất tôi đến “thành phố trên biển” vào mùa đông lạnh giá trên tuyến bay Nội Bài - Quảng Châu, rồi Thẩm Quyến – Phố Đông (Thượng Hải). Còn lần này tới thăm mảnh đất tiềm năng này vào những ngày hè nóng nực bằng chặng đường bay Nội Bài - Hồng Kông - Hồng Kiều (Thượng Hải). Miền Bắc vừa trải qua cơn bão số 2, thời tiết đỏng đảnh như mụ phù thủy khó tính. Từ lúc máy bay khởi hành đến khi hạ cánh. Tôi cảm giác, mình đang dập dềnh trên chiếc xe ca. Thi thoảng gặp những vùng không khí loãng giống như xe vấp phải ổ trâu ổ bò trên quốc lộ từ cầu Chui tới Nội Bài. Sau gần hai giờ bay anh em đã có mặt tại sân bay quốc tế Hồng Kông. Nhớ những lần xưa kia, đáp xuống sân bay Hồng Kông cũ, nằm gần khu vực nội đô. Diện tích khá hẹp, máy bay lên xuống phải căn chỉnh trong khoảng trống giữa hai dãy cao ốc, trông rất phưu lưu, mạo hiểm.
        Từ phòng chờ sân bay Nội Bài, chúng tôi di chuyển bằng ô tô ra máy bay. Khi đến Hồng Kông cũng vậy, rời máy bay về nhà ga phải lòng vòng bằng ô tô dăm phút. Sau đó di chuyển 2 lần tàu điện mới đến được nhà ga đi Thượng Hải. Đây là một sân bay lớn, nhưng cách bố trí khoa học, không phải bách bộ nhiều. Nếu hành khách không biết tiếng hoặc chưa đi nước ngoài lần nào mà lại không nhờ nhân viên hàng không thì khó tìm được chỗ mình cần đến.
        Còn 3 giờ nữa chuyến bay đi Thượng Hải mới khởi hành. Anh em trong đoàn có nhiều thời gian trò chuyện, tìm hiểu ẩm thực, hàng hóa nơi đây. Tôi đã vài lần qua Hồng Kông, nhưng lần đầu tiên đến khu vực nhà ga đi Thượng Hải... Hồng Kông có diện tích nhỏ, mật độ dân cư đông. Muốn có diện tích rộng phải san núi, lấn biển. Xây dựng được công trình hoành tráng như sân bay quốc tế này rất tốn kém. Đây là một trong những sân bay lớn nhất châu Á và thế giới. Nhiều năm liền được hành khách bầu chọn là sân bay tốt nhất hành tinh.
          Lượng khách từ Hồng Kông đi Thượng Hải đông. Hành khách được bố trí đi loại máy bay “khủng”, có cả màn hình ti vi xem ca nhạc, phim, chơi game. Cũng tương đương với thời gian bay từ Nội Bài đến Hồng Kông, máy bay hạ cánh xuống sân bay Hồng Kiều -Thượng Hải. Từ năm 1999 trở về trước, Hồng Kiều là sân bay quốc tế chính của thành phố. Cô Mai hướng dẫn viên du lịch người Trung Quốc đến nhầm sân bay Phố Đông đón. Khi nhận được điện của trưởng đoàn, mới quay lại Hồng Kiều, làm chúng tôi đợi mất hơn 40 phút. Thời gian ở Thượng Hải không nhiều, mọi công việc của đoàn được sắp đặt sít sao theo lịch trình.

Máy bay từ Hồng Kong tới Hồng Kiều, Thượng Hải
 
        .

Bờ Đông, Thượng Hải nhìn từ sông Hoàng Phố về đêm
. 
        ...Sông Hoàng Phố như dải lụa mềm bắt nguồn từ sông Tô Châu. Chiều dài suýt soát 100 cây số. Chiều ngang trung bình khoảng 400m. Con sông là nguồn cung cấp nước uống cho hơn 20 triệu dân nơi đây. Sông Hoàng Phố nổi tiếng bởi có nhiều công trình thế kỉ dọc hai bên bờ Đông Tây: Cầu bắc qua sông, đường hầm chui dưới lòng sông… Mà có lịch sử lâu đời gắn liền với sự hình thành và phát triển của Thượng Hải. Trung Quốc có câu truyền miệng: Muốn biết Trung Hoa 5000 năm hãy lên Tây Tạng, 2.000 năm hãy qua Bắc Kinh, 30 năm thì qua Thẩm Quyến, còn 100 năm thì đến Thượng Hải. Rồi nhiều hội nghị hội thảo, nhiều cuộc triển lãm quốc tế diễn ra nơi đây làm Hoàng Phố Giang càng nổi tiếng hơn. Đặc biệt, Triển lãm Quốc tế Thượng Hải (Shanghai World Expo 2010) diễn ra ngay trên bờ sông Hoàng Phố với hàng loạt tiêu chí nhất thế giới: Thời gian triển lãm dài nhất (184 ngày), diện tích rộng nhất (5,3 Km2) số lượng người đến đông nhất (73 triệu lượt người), chi nhiều tiền nhất (65,3 tỷ đô la Mỹ), quy tụ 189 quốc gia và 57 tổ chức trên thế giới…Đóng dấu son vào tâm thức hầu hết người dân khắp hành tinh.

Nhà văn Tô Ngọc Thạch tại chùa Phật Ngọc, Thượng Hải 

        
        ...Về giao thông, người dân thành phố đi lại chủ yếu bằng xe con, xe buýt, tàu điện ngầm, tàu cao tốc, mô tô, xe đạp máy và xe đạp. Các công trình đường cao tốc ba bốn năm tầng chi chít ngang dọc. Hệ thống tàu điện ngầm không đồ sộ như Matxcơva nhưng cũng rất nhiều tuyến. Còn xe con, số lượng rất “khủng” hơn bảy triệu chiếc, bình quân toàn thành phố cứ 3 người có một xe. Ở Trung Quốc, xe biển màu xanh là của tư nhân, biển trắng là của Nhà nước, biển vàng là xe du lịch… Xe tỉnh nào thì tên tỉnh đó ghi bên trái biển. Muốn đăng kí được một xe biển Thượng Hải thì mất một số tiền kha khá, ngang tiền bỏ ra mua chiếc xe nội địa. Xe của Thượng Hải hưởng nhiều đặc quyền đặc lợi hơn. Vào giờ cao điểm được đi trên những tuyến giao thông quan trọng, cầu vượt… Còn xe máy không nhiều, nhưng ít khi gặp trên các trục đường chính. Thông thường ta hay gặp ở các con phố nhỏ. Xe đạp máy, xe đạp, đi ở làn đường riêng trên các tuyến phố nhỏ, các ngõ hẻm. Tại các ngã ba ngã tư nút giao thông giao nhau, đường ngầm và cầu vượt dành cho người đi bộ cũng có, nhưng chưa nhiều. Hệ thống giao thông được kiểm soát bằng camera nên mọi người rất chấp hành.
 

Nhà văn Tô Ngọc Thạch tại Bến Thượng Hải
        Điều đáng quan tâm là thành phố tương đối sạch sẽ. Không thấy xe chở vật liệu xây dựng, đất đá lưu thông trên đường. Mọi phương tiện khi tham gia giao thông trên phố phải vệ sinh sạch sẽ. Mấy anh em tôi nói đùa với nhau: Sang đây mấy ngày rồi, giầy dép không bị bẩn chứ đừng nói gì đến quần áo. Trên phố nhiều lúc có cơn gió lớn nhưng cũng không thấy bụi bặm gì, thế mới biết thành phố này sạch.
        Người dân bản địa có một câu: “Ai chưa đến phố Nam Kinh thì coi như chưa đến Thượng Hải”. Chiều hôm tiếp theo chúng tôi được đi shoping (mua sắm) ở phố Nam Kinh. Đây là con phố đi bộ như phố Bắc Kinh ở Quảng Châu. Nhưng bề thế, hàng hóa đa dạng hơn, giá cả mắc hơn, có xe điện chở khách chạy liên tục. Toàn bộ con phố dài trên 5 cây số. Hai bên mặt đường, cửa hàng cửa hiệu, nhà hàng được xây dựng hiện đại bán đủ thứ trên đời. Vào các hẻm nhỏ hai bên phố là những ngôi nhà cổ xinh xắn. Nơi đây làm nghề tầm quất, bấm huyệt, tập Yoga, trang điểm sắc đẹp. Thi thoảng trên con phố này còn gặp mô hình phu xe kéo tay thời đầu thế kỉ 20, trông rất ngộ nghĩnh. Các nhân viên bán hàng ở các cửa hiệu tiếp thị rất khéo, vì thế du khách đến đây cũng mua được món quà cho người thân hoặc mua cho mình vật gì đó làm kỉ niệm. Theo thống kê Nam Kinh hàng ngày có 1.7 triệu lượt người qua lại. Trung Quốc rất tự hào về “Trung Hoa đệ nhất lộ”, còn báo chí phương Tây xếp Nam Kinh là con đường mua sắm lớn nhất thế giới.  
        Sau bữa ăn tối bằng món “bún qua cầu” ngay tại khu ẩm thực Nam Kinh. Lúc lên xe, Mai hỏi: Các anh có nhìn thấy các em chân dài không? Nhiều người trả lời: Có! Mai nói đùa hay thật cũng không rõ. Nếu có cơ may thì các anh gặp được gái hạng E thôi. Mai giải thích: Hạng A là hoa hậu, người mẫu kiếm tiền ở các nước giàu có. Hạng B giành cho các ông chủ trong nước nhiều tiền. Hạng C giành cho quan chức. Hạng D hoạt động trong nhà hàng, khách sạn 5 sao. Còn hạng E, các anh mới có cơ hội tiếp xúc. Nên các em chân dài ở đây chưa chắc đã được hạng E đâu? Mọi người trong xe phá lên cười sau ngày du ngoạn mệt nhọc.
        
        ...Chúng tôi không chỉ choáng ngợp bởi những công trình xây dựng hiện đại mà thực sự rung động trước những kiến trúc cổ kính đặc trưng cho phong cách kiến trúc của vùng Giang Nam là Miếu Thành Hoàng, Dự viên. Đến miếu Hoàng Thành chẳng thấy miếu đâu. Thấy khu phố bán buôn bán lẻ. San sát nối nhau những lâu đài vòm cong ngói cổ. Dưỡng nguồn thiêng đâu phải mộng bá quyền. Đây là khu phố cổ kinh doanh buôn bán. Từ phố chính đi bộ vào trong ngõ một hai trăm mét. Tôi gặp những ngôi nhà gỗ sơn màu nâu sẫm, mái cong vút, được trạm trổ, khắc họa rất tinh xảo. San sát nối nhau những lâu đài vòm cong ngói cổ. Mỗi nhà một kiểu, không nhà nào giống nhà nào, tạo ra một phong cách rất riêng. Gần đó có một quán bán bánh bao nổi tiếng, người mua xếp hàng dài dằng dặc. Đến đây rồi, mọi máy ảnh, máy camera hoạt động hết công suất. Mọi người muốn ghi lại hình ảnh kiểu kiến trúc cổ thời nhà Minh Thanh với lịch sử hơn 450 năm. Miếu Thành Hoàng thực ra là một trung tâm thương mại hàng giá rẻ. Phục vụ chủ yếu cho khách du lịch, dân thường. Đứng trước những giá trị văn hóa cổ trong tôi lại nảy ra mấy câu luc bát:
Người đi tìm ngọc mua châu
Tôi tìm quá khứ đục ngầu xa xanh
Ai đi tìm trúc mua mành
Tôi đi tìm miếu Hoàng Thành tặng tôi?
 
        Bên cạnh Miếu Thành Hoàng là Dự Viên. Một công trình kiến trúc viên lâm cổ điển. Theo tương truyền Dự Viên được vị quan nhà Minh xây năm 1559 để phụng dưỡng mẹ già, tọa lạc trên diện tích 20.000m2 với hơn 30 công trình đền đài, lầu các, hồ sen, ao cá, vườn hoa, những cây cầu… rất tinh tế và tuyệt đẹp.
          
        ...Du khách đến Thượng Hải nói riêng và Trung Quốc nói chung không thể không bị dẫn vào nơi quảng cáo thuốc gia truyền như Đông An Đường, các trung tâm gia công vàng bạc đá quý, tơ lụa... Mặc dù mọi người bảo nhau không nên mua. Cách tiếp thị của bạn quá giỏi, nên hầu như ai đến cũng mua vài món đồ kỉ niệm. Có người bỏ ra hàng ngàn đô la Mỹ để mua đá quý, ngọc trai hoặc thuốc chữa bệnh. Rất nhiều nhân viên trong các dịch vụ này sõi tiếng Việt. Cơ chế thanh toán thoáng: Tiền Việt Nam, đô la, thẻ tín dụng đều dùng được hết.
          Thời gian chuyến công du trôi nhanh. Tạm biệt Thượng Hải. Tạm biệt thành phố lớn nhất của quốc gia đông dân nhất hành tinh. Tuy thời gian qua đây không nhiều nhưng để lại trong tôi ấn tượng về một “thành phố trên biển” năng động, mạnh mẽ và thi vị.
Hải Phòng – Thượng Hải, tháng 7 năm 2011
Ảnh: TNT + VG