/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

TÔ NGỌC THẠCH

TÊN NGƯỜI VÀ ĐỊA CHỈ QUÁ DÀI HAY GHI THEO TIẾNG NƯỚC NGOÀI CHỈ DÙNG CHO NGƯỜI ÂM?

Mong rằng những người làm công tác đặt tên cần tham vấn của các cơ quan văn hóa, làm sao khu đô thị văn minh thì mọi thứ cũng văn minh, tránh gây phiền phức, phá vỡ truyền thống văn hóa của dân tộc...

TÊN NGƯỜI, ĐỊA CHỈ QUÁ DÀI HAY TÊN THEO
TIẾNG NƯỚC NGOÀI CHỈ DÙNG CHO NGƯỜI ÂM?

 .

     Mấy năm trước, tôi đã có bài viết cập nhật tới vấn đề quy chế đặt tên đường phố, rồi cách quảng cáo ở các bảng hiệu như: “Phòng khám phụ khoa Hai Bà Trưng”, “Phòng nhổ răng Lý Thường Kiệt”,... Hay cùng một quốc gia, nhưng miền Bắc gọi là phố, còn trong Nam gọi là đường, hoặc trong cùng một nội đô, cùng một quận lỵ cũng có cách đặt tên khác nhau, chỗ đặt là phố, chỗ đặt là đường?

     Hay trong một đô thị đã có phố Trạng Trình, lại có phố Nguyễn Bỉnh Khiêm, có đường Nguyễn Huệ lại có đường Quang Trung, hay có hai phố Trần Hưng Đạo.v.v. Thú vị hơn là những cái tên đầy đủ của các danh nhân bị cắt còn hai từ để đặt tên cho các địa danh như đường phố, làng xã, cầu cống: Quốc Tổ Lạc Long Quân thì bị cắt chữ Quân thành Lạc Long. Thần Quý Minh hay Quý Minh đại vương thì bị cắt đi chỉ còn Quý Minh. Vị tướng thời Tiền Lý là Triệu Quang Phục bị cắt chữ Triệu thành Quang Phục. Đức thánh Trần tên thật là Trần Quốc Tuấn bị cắt chữ Trần thành Quốc Tuấn, còn cái tên thường gọi của Đức thánh là Trần Hưng Đạo hay tước Vương của Người là Hưng Đạo đại vương, thì cũng bị cắt chữ Trần hay chữ đại vương thành Hưng Đạo. Tướng quân Phạm Ngũ Lão bị cắt họ thành Ngũ Lão, tướng quân Trần Quang Khải bị cắt họ đi còn Quang Khải... Đến thời cách mạng thì Nguyễn Thị Minh Khai bị cắt họ cùng tên đệm thành Minh Khai, Võ Nguyên Giáp bị cắt họ đi còn Nguyên Giáp, Hồ Chí Minh bị cắt họ đi còn Chí Minh .v.v.

      Đến thời cơ chế thị trường thì người ta đặt tên khu nhà ở nghe có vẻ Tây, bởi ghép mấy chữ tiếng Anh vào cho nó oai. Rồi bắt chước phương Tây bỏ số 13, đổi thành số 12A, số dãy cũng đặt theo số thứ tự từ 1 đến 20, 30… nhưng không theo bất cứ một quy luật nào. Đặt số là do mấy anh chị “văn hóa kém” tự đặt. Tại sao tôi nói vậy vì không phải muốn đặt quận số mấy, khu số mấy, lô (dãy) nhà số mấy là đặt, tất cả đều phải theo một Luật định kể cả ở phương Tây và ở Việt Nam.

      Ví dụ về số nhà, số lô, số quận… cũng phải theo quy luật âm dương hay Bắc – Nam, Đông – Tây, tức ta lấy phía Bắc nhìn xuống phía Nam thì bên phải là số chẵn, trái là số lẻ và số thứ tự từ nhỏ tới lớn. Chẳng hạn phố Bạch Đằng quận Hồng Bàng thì từ cầu Lạc Long Quân (Hạ Lý) nhìn xuống ta có bên trái là số lẻ, bên phải là số chẵn và các số bé chắc chắn ở khu vực cầu Hạ Lý, các số lớn sẽ ở phường Thượng Lý. Ngay cái tên Hạ Lý và Thượng Lý đặt cũng ngược quy luật. Hay có một “con phố dài nhất Việt Nam” với gần 100 km là phố Hà Hải (Hà Nội – Hải Phòng) thì số 1, 3, 5… 2, 4, 6… sẽ chắc chắn ở phía đầu Hà Nội, còn phía Hải Phòng là các số lớn. Nói như vậy để mọi người hình dung ra đánh số nhà, số lô, số quận phải theo thứ tự từ Bắc xuống Nam.

      Nếu thành phố Hải Phòng đặt quận theo số thứ tự (1, 2, 3, 4…), ta lấy trục đường Hoàng Văn Thụ, Cầu Đất, Lạch tray làm gốc, Bên khu vực UBND thành phố sẽ là quận 1 (bên trái), còn quận 2 sẽ là khu vực cầu Hạ Lý (bên phải), còn các quận khác nối tiếp theo quy tắc 3, 5, 7 và 4, 6, 8. Tại sao lại phải theo quy tắc như vậy vì khi ai đó hỏi địa chỉ quận 6, 8… hay 5, 7,… thì chắc chắn phải xuống khu vực cầu Rào, chứ không thể lên phía trên đầu bên Hữu sông Cấm.
      Hay ở thành phố Hồ Chí Minh cũng vậy, đặt tên quận (theo số thứ tự) không theo một bất kỳ quy định nào, thích đặt quận số mấy là do mấy ông bà "văn hóa lùn" đặt, mặc dù họ muốn phát triển thành phố Hồ Chí Minh thành đô thị đặc biệt, đô thị mang tầm cỡ quốc tế, thành phố toàn cầu v.v, nhưng có cái tên quận đặt chưa xong, nói gì việc khác. Mặc dù thành phố này có rất nhiều người ở nước ngoài và dưới sự cai quản của Mỹ mấy chục năm... Còn nếu ta đặt tên theo số thứ tự có rất nhiều tiện lợi, chỉ cần nói quận mấy, phố số mấy là ta hình dung được nó ở khu vực nào của thành phố rồi, đặc biệt những thành phố lớn như New York, Tokyo,…

      Nếu ở trong một khu đô thị cũng vậy, chỉ cần biết lô số mấy, nhà số mấy là người ta hình dung ra nó nằm ở vị trí nào. Rồi chuyện người Việt lại sử dụng cách gọi tên theo kiểu cổ điển của Việt Nam. Từ trước năm 1945 đều gọi  Việt Nam quốc, Hải Phòng thành, Hồng Bàng quận, Hạ Lý phố, số nhà… tức gọi từ trên xuống dưới, qua cuộc Cách mạng tháng 8 năm 1945 mới đổi lại cách gọi từ số nhà tới phố, tới quận, rồi đến tỉnh thành… tức từ dưới lên trên.

      Một số đô thị mới cũng cậy ta đây có biết chút chút tiếng Anh, nên đặt cho "oai" đặc biệt là các Tổng Công ty Thương mại hay TCT Bất động sản… như NOVALAND, TOHOKURA, VINHOME,.. Nếu gọi theo tiếng Việt thì nghe khá hay:  “Không va lôn”, “Tô hô chim ra”, Vịn Hòm (từ hòm nghĩa là quan tài),…

      Hay theo duy tâm mà người Việt vẫn đang duy trì thì số 6 là “Lộc” số 8 là “Phát”, các số 4 (Tử), 7 (Thất) là xúi quẩy, còn người Hoa thì kiêng cả số 2 nữa. Nếu theo tiếng Anh thì số 6 (Six) có nghĩa là “ốm yếu” chứ không “phát” đâu, còn số 8 gọi là eight, đọc là Ết (tức HIV). Tôi không muốn nói ý nghĩa của các số, mà người Việt nên theo văn hóa Việt. Còn việc chữa các số  xúi quẩy như 2, 4, 7… thì người ta thêm số không (0) vào trước các số kia là ngon, như 04 tức không bị chết, 07 không bị thất bại…

      Đằng này các doanh nghiệp bất động sản tự đặt ra cái tên không biết bao chữ (dài dằng dặc) cho nó oai, nhưng thực tế chỉ hành dân là chính vì thẻ căn cước công dân hay thẻ sinh viên, bằng lái xe, thẻ ATM, thẻ thương bệnh binh… Nhà nước chỉ quy định có một dòng cho họ tên, một dòng cho địa chỉ,… biết ghi làm sao cho đầy đủ.

      Ví dụ Khu Vịn Hòm ghi địa chỉ ở bìa đỏ nhà đất ghi như thế này: Số 15 khu Paris 23 - ô số 05 lô số 04 - 15, khu đô thị Vinhome Imperia, phường Thượng Lý, quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng. Cũng gần giống như thủ đô của Thái Lan với cái tên dài nhất thế giới “Krungthepmahanakhon Amonrattanakosin Mahintharayutthaya Mahadilokphop Noppharatratchathaniburirom Udomratchaniwetmahasathan Amonphimanawatansathit Sakkathattiyawitsanukamprasit” (Nghĩa của nó là thành phố của các thánh thần, thành phố vĩ đại của những vị thần bất tử, thành phố châu báu tráng lệ của thần Indra, chiếc ngai vàng của đức vua Ayutthaya, thành phố của đền đài tráng lệ, thành phố của cung điện và lãnh địa hoành tráng nhất của Hoàng gia, ngôi nhà của thần Vishnu và tất cả vị thần). Về sau thành phố này bị chết nhiều người qua các đợt dịch và đã  vắn tắt gọi thành Bangkok. Từ khi tên Bangkok được sử dụng, mọi việc đề suôn sẻ và kinh tế rất phát triển.

      Hay tại Việt Nam có Nữ tướng Phương Dung thời Hai Bà Trưng, sau khi mất được phong âm thần thờ ở đình làng Lệ Mật, Gia Lâm (gần khu văn phòng Vịn Hòm) với tên An Lạc Phương Dung Trinh Thục Từ Thuận Đoan Trang Nghiêm Ôn Hậu Uyên Mục Ý Đức Khoan Hòa Mỹ Hạnh Chính Ngôn Cần Đức Từ Ái Tĩnh Nhất Công chúa, ghi vắn tắt là An Lạc Phương Dung Tĩnh Nhất Trinh Khiết Tuấn Trường Công chúa. Còn Tướng công Đào Kỳ khi mất cũng được vinh danh là thành hoàng với tên thần là Trình Đô Hộ Quốc Phù Vận Tế Thế Trạch Dân Tuy Lộc Phổ Hóa Cương Nghị Chí Nhan Dũng Lược Vỹ Tích Phong Công Tá Trị Hoành Hưu Tuy Lộc Tán Trị Định Lan Tế Thế Hậu Đức Phổ Ân Phù Tác Thùy Lộc Ninh Dân Phụ Tài Tổng Phúc Diên Khánh Phù Cách đại vương, viết tắt là Trình Đô Hộ Quốc Phu Cách Nhân Đức Tế Hòa đại vương,…. Tất cả các tên thần đều dài dằng dặc, có gọi vắn tắt đi chăng nữa cũng từ năm, sáu chữ trở lên (theo các sắc phong đời nhà Lê)

      Rồi ở thời cơ chế thị trường ngày nay có nhiều cái tên dài dằng dắc như Nguyễn Thị Tĩnh Dung Như Trang Thục Nương Anh, hay Hoàng Hữu Hiếu Nam Đình Ngọc Thư Nhân Tâm… và còn khá nhiều những cái tên dài khác. Nói tóm lại những cái tên người và địa chỉ quá dài hay tên theo nước ngoài chỉ dùng trong thế giới người âm (tức ở dưới âm phủ, cửu tuyền hay chín suối…), nên những cái tên, địa chỉ dài kia hay tên nước ngoài có phù hợp với người trần gian hay không, do độc giả tự phán quyết? Không biết các bộ phận làm thẻ căn cước công dân, bằng lái xe, thẻ tín dụng, thẻ sinh viên,… ghi làm sao cho đủ dữ liệu.

      Trong khi khu đô thị Vịn Hòm phải là số chẵn của phố Bạch Đằng, quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng thì họ vẫn duy trì cái địa chỉ cũ rích có từ cách đây dăm chục năm: Số 1 đường Hà Nội, mặc dù bên kia đường là số 163, 165, 167… phố Bạch Đằng, quận Hồng Bàng từ khá lâu rồi.

      Còn các số thứ tự theo lô (dãy) người ta tự đặt lô nào là do cảm tính toàn đặt ngược, trái quy định. Đáng lẽ lô 1 hiện nay là lô cuối thì họ lại cho lên đầu, tức lấy hướng Nam hay Đông đặt số lô, số nhà đầu tiên và lại gọi ngược như thời phong kiến (từ trên xuống). Ví dụ như Paris 03 – 16 (nôm na ý muốn diễn đạt là số 16 lô 03 khu Paris), chỉ làm khổ khách đến chơi tìm số lô, số nhà, hay gửi bưu phẩm toàn bị nhầm sang lô 16 số nhà 03 khu Paris vì khu Vịn Hòm này hiện nằm trong lãnh thổ Việt Nam và người dân hiểu theo cách gọi của Việt Nam. Ở đây tôi chưa nói đến xâm phạm bản quyền về phong cách kiến trúc, chứ nếu các nước như Pháp, Ý, Mỹ… mà họ kiện thì các công ty kinh doanh bất động sản có các mẫu nhái theo kiểu kiến trúc của họ thì phải bỏ ra hàng tỷ đô la chịu phạt? Trong khi đó ngành văn hóa chẳng có chính kiến gì, nên suốt bao nhiêu năm lãnh đạo ngành văn hóa không được vào tỉnh ủy hay thành ủy hoặc TW ủy viên làm ta cũng dễ hiểu thôi?

 .

Không có mô tả ảnh.

 

Có thể là hình ảnh về 1 người
.


Có thể là hình ảnh về ngoài trời và văn bản cho biết 'p VINHOMES OMES Riverside'
.

 
Có thể là hình ảnh về văn bản

     Ảnh minh họa theo internet
.
       Mong rằng ngành văn hóa từ trung ương tới địa phương, cũng như những người làm công tác đặt tên cần tham vấn của các cơ quan văn hóa, làm sao khu đô thị văn minh thì mọi thứ cũng văn minh, tránh gây phiền phức, phá vỡ truyền thống văn hóa của dân tộc và thuận tiện giao dịch trong cuộc sống thường nhật của người dân? Các tên, địa chỉ quá dài cũng như tên nước ngoài chỉ dùng cho thế giới âm phủ mà thôi?

                                                                     NGỌC TÔ