/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

TÔ NGỌC THẠCH

SÔNG ĐÀO CHANH DƯƠNG VÀ TƯỚNG CÔNG ĐÀO TRỌNG KỲ

Đặc biệt không thể quên thành quả lao động của Tướng công Đào Trọng Kỳ, người đứng ra thiết kế, tổ chức và là tổng chỉ huy toàn bộ sự án.

SÔNG ĐÀO CHANH DƯƠNG VÀ TƯỚNG CÔNG ĐÀO TRỌNG KỲ

.

      Vào năm Minh Mạng thứ 19 (1838) triều đình nhà Nguyễn cắt năm tổng của huyện Tứ Kỳ là Bắc Tạ, An Bồ, Viên Lang, Đông Tạ, Can Trì và ba tổng của huyện Vĩnh Lại là Thượng Am, Ngãi Am, Đông Am để thành lập ra huyện thứ mười chín của tỉnh Hải Dương mang tên Vĩnh Bảo. Mảnh đất đồng bằng gần biển này được bao bọc bởi ba con “Sông Luộc, sông Thái Bình chảy cùng sông Hóa, ngoài ra còn hệ thống sông nhỏ khác trong huyện để cung cấp nước cho việc tưới tiêu, nước sinh hoạt cho dân và vận tải hàng hóa, hành khách bằng đường thủy...

     Sau ngày huyện Vĩnh Bảo được thành lập tròn một năm (1839) tại mảnh đất khoa bảng xã Cổ Am, tổng Đông Am, huyện Vĩnh Bảo, cậu bé Đào Trọng Kỳ cất tiếng khóc chào đời. Càng lớn Đào Trọng Kỳ học hành càng thông minh theo gien di truyền của người bố là Đào Trọng Kình, một trong tứ hổ trấn Hải Dương về học tập. Dân gian vẫn còn truyền câu ca (Nhất Đĩnh, nhì Minh, tam Kình, tứ Thấm), trong tứ hổ này thì người thứ ba là Đào Trọng Kình và người thứ tư là Lê Huy Thấm, sau này ông Lê Huy Thấm là bố vợ của cử nhân Đào Trọng Kỳ.

      Năm 1864, chàng nho sinh Đào Trọng Kỳ đỗ Cử nhân khoa Giáp Tý tại trường Hương Nam Định, xếp thứ Mười Ba. Năm Tự Đức thứ 22 (1869), ông vào thi Hội, nhưng chỉ đỗ nhị trường. Tuy vậy, triều đình vẫn cho ông sơ thụ hàm Hàn lâm Kiểm thảo. Sau một năm, ông được bổ nhiệm làm Hành tẩu ở Ty luân sở tại Kinh thành (Huế). Năm 1870, ông được thăng chức Hàn lâm Biên tu, đến năm Tự Đức thứ 24 (1871) thì được thăng chức Hàn lâm Tu soạn.

     Vào năm Tự Đức thứ 26 (1873) ông được bổ nhiệm làm Tri huyện Ý Yên, rồi đồng Tri phủ Nghĩa Hưng, rồi Tri phủ Kiến Xương, tỉnh Nam Định… Đến năm Đồng Khánh thứ 2 (1887), triều đình nhà Nguyễn phục chức cho ông làm Hàn lâm Điển tịch, rồi làm Án sát Hải Dương, Hàn lâm Thị độc. Năm Thành Thái thứ nhất (1889), ông được bổ làm Tán lý quận thú Hải Dương, Bắc Ninh. Năm Thành Thái thứ 2 (1890), ông được thăng làm Tổng đốc Nam Định. Năm Thành Thái thứ 8 (1896), ông được điều chuyển làm Tổng đốc Sơn Tây, rồi về trí sỹ lúc đã sáu mươi tuổi, được phong Vinh lộc đại phu, Hiệp tá đại học sỹ. Sau này, khi ông mất (1914) người dân Vĩnh Bảo gọi ông với cái tên trìu mến là Tướng công, đây là từ tôn xưng một viên quan to hay tể tướng.

      Trong thời gian làm quan tại triều đình, cũng như ở nhiều tỉnh thành khác nhau khi về quê, ông thấy hệ thống tưới tiêu, thoát nước và việc cung cấp nước ngọt cho thôn dân, cũng như giao thông thủy bộ của huyện Vĩnh Bảo còn yếu kém. Đặc biệt vùng đất lục tổng khu dưới thiếu nước ngọt trầm trọng cho tưới tiêu và sinh hoạt, vì từ tháng Mười năm trước đến hết tháng Ba năm sau ít mưa, nước mặn từ biển dâng cao qua sông Thái Bình và sông Hóa. Người dân từ xã Dương Am đến xã Nội Tạ phía sông Hóa và từ xã Dương Am đến xã Quý Xuyên theo sông Thái Bình không thể có nước ngọt cho trồng trọt và sinh hoạt.

     Về giao thông đường bộ, cả huyện thời ấy có một con đường vắt ngang từ huyện Tiên Minh, phủ Nam Sách (nay là Tiên Lãng) qua sông Hàn (chỗ bến Hàn) tới bờ Hữu sông Hóa và một con đường ngoằn ngoèo từ xã Ngải Am (tổng Ngải Am) lên phía Bắc qua xã Đông Tạ (tổng Đông Tạ), sông Kênh Giếc tới xã Đông Lôi (tổng Viên Lang) rồi qua đò sang bên bờ Tả sông Luộc gần ngã ba Hải (xã Hà Hải, Tứ Kỳ), từ đó tiếp tục tới lỵ sở phủ Ninh Giang hay lên tỉnh lỵ Hải Dương.

       Ông đã bỏ công sức, thời gian khảo cứu địa hình, lên sơ đồ, rồi thiết kế hệ thống sông đào này. Nhiều lần ông đề xuất với tri huyện Vĩnh Bảo, nhưng chưa thể thực hiện được, vì còn vướng một số vấn đề, đặc biệt là phần đất đai của tổng Bất Bế (nay là thôn Chanh Chử) và tổng Kê Sơn (nay là xã Nhân Hòa) thuộc huyện Vĩnh Lại.

       Đến thời Thành Thái (1890) thì triều đình nhà Nguyễn mới cắt nốt ba tổng Hạ Am, An Lạc và Kê Sơn cùng xã Tranh Chử thuộc tổng Bất Bế cho huyện Vĩnh Bảo, lúc này huyện Vĩnh Bảo lên tới mười một tổng, đây là thời cơ thuận lợi nhất để Tổng đốc Đào Trọng Kỳ thực hiện ước mơ của mình. Thời ấy tuổi thọ trung bình của người Việt vào khoảng bốn mươi lăm tuổi, mà ông về trí sỹ lúc đã sáu mươi, chứng tỏ uy tín và sức làm việc của Tổng đốc Đào Trọng Kỳ được triều đình nhà Nguyễn nể trọng. 

      Vào những ngày tháng cuối cùng của thế kỷ Mười Chín Tổng đốc Đào Trọng Kỳ về trí sỹ tại thôn Tràng Thọ, xã Cổ Am, tổng Đông Am (nay là thôn Quốc Tuấn, xã Cổ Am). Trong thời gian này ông đã dồn hết tâm trí, sức lực, tiền bạc, ruộng vườn cùng mối quan hệ của mình từ trước để thực công trình thủy lợi này. Lúc dự án được triển khai, đại đa số người dân cũng như quan lại địa phương trong huyện đều đồng lòng hưởng ứng: Người góp công, kẻ góp của, người bỏ sức, đặc biệt có không ít gia đình tình nguyện hiến cả đất đai cho dự án.

     Con sông đào này với chiều dài hơn hai mươi tư cây số phải qua các xã Tranh Chử, xã Hà Hương, xã Nhân Lễ (tổng Uy Nỗ), xã Tường Vân, xã Cung Chúc, xã Ích Dương (tổng Bắc Tạ), sau đó được nối với hệ thống sông Kênh Giếc tại khu vực bên Tả, bên Hữu cầu Liễn Thâm, còn đoạn bên phía Đông Nam xã Đông Tạ được nối với sông Kênh Giếc bên Tả cầu Mục xuôi xuống phía dưới qua xã Nhân Mục, xã Cựu Điện, xã Thượng Điện (tổng Kê Sơn), xã Lễ Hợp, xã Hu Trì, xã Cúc Bồ, xã Ngọc Đòng (tổng Hu Trì), xã Thượng Am, xã Hậu Am, xã Lãng Am, xã Tiền Am (tổng Thượng Am), xã Đông Am, xã Tây (Đoài) Am, xã Liễu Điện, xã Cổ Am (tổng Đông Am), xã Ngải Am, xã Tiên Am, xã Bào Am, xã Lôi Trạch, xã Dương Am (tổng Ngải Am).

     Lúc đầu dự án công trình này có kế hoạch qua trung tâm huyện lỵ Vĩnh Bảo, nhưng cũng gặp phải một số trục trặc nhỏ là tại phố Đông Thái đại đa số là người Hoa sinh sống, họ làm thương mại là chính, nên không thích di chuyển ra chỗ khác. Bên cạnh đó đất đai từ cầu Liễn Thâm đến huyện lỵ do sự quản lý của Chánh tổng Trần Văn Điều, người rất có thế lực và yêu cầu đổi đất quá cao. Cộng với việc qua trung tâm huyện lỵ thì tách huyện ra hai phần, mà nhiều người không muốn, nên cuối cùng ông quyết định nối vào hệ thống sông Kênh Giếc và chỉ mở rộng, nạo vét toàn bộ con sông này mà thôi. Kế hoạch này vừa giảm chi phí, vừa phục vụ tưới tiêu, cung cấp nước ngọt và mở rộng giao thông thủy cho thêm một số xã khác nữa.

      Còn hai đoạn nối phía Nam và phía Bắc của thôn Đông Tạ giữa sông Kênh Giếc phía cầu Liễn Thâm và sông Kênh Giếc phía cầu Mục, tức đoạn sông làm biên giới phía Nam giữa Đông Tạ với Điềm Niêm và Kênh Trang cũng như đoạn sông làm biên giới phía Bắc giữa Đông Tạ với thôn Nhuệ Ân, thôn Cao Hải (xã Tân Liên) và thôn Lễ Hợp (xã Tam Đa) là do chính quyền cách mạng chỉ đạo đào mới vào những năm 1960 – 1961. Sau khi hai đoạn nối mới hoàn thành, thì toàn bộ thôn Đông Tạ (nay là thị trấn Vĩnh Bảo) có bốn mặt sông bao bọc, rất đẹp về cảnh quan và phong thủy.

       Trong quá trình triển khai dự án Tướng công Đào Trọng Kỳ cũng gặp không ít khó khăn vì con sông đào này chia cắt nhiều làng xã ra làm hai, rồi phải di chuyển nhiều công trình tín ngưỡng như chùa, đền, miếu, mộ… của người dân. Đặc biệt đối với một số gia đình có quyền thế, thương lượng mãi không thành, ông phải dùng tới hạ sách làm một “Công lệnh của cụ Thượng” (giả công lệnh của đại quan), rồi cho người đánh tiếng tới các gia đình kia. Thấy vậy, những gia đình này sợ bị triều đình phạt nên chấp thuận đổi ruộng và trong đó có một vài gia đình đã hiến tặng ruộng vườn cho dự án.

    Sau bốn năm thi công (1901 – 1904), công trình sông đào dài trên hai chục cây số với bề ngang vào khoảng bốn mươi mét, chiều sâu bốn mét đã hoàn thành. Lập nên một kỳ tích về một dự án thủy nông tiêu biểu của khu vực. Bên cạnh đó con đường bộ nối liền từ đầu huyện bờ Hữu sông Luộc đến cuối huyện được hoàn thành, thỏa mãn ước mơ của người con quê hương Vĩnh Bảo từ lúc trẻ thơ đến khi về trí sỹ.

    Con sông đào này lúc đầu được mang tên Tranh Dương vì nó được nối từ điểm đầu là xã Tranh Chử, tổng Oai Nỗ tới điểm cuối là xã Dương Am, tổng Ngải Am, nhưng do tật nói ngọng xã Tranh Chử thành Chanh Chử, vì vậy sau cách mạng tháng Tám được gọi là sông đào Chanh Dương. Cũng giống như cầu Chanh mới được khánh thành năm 2013, người dân huyện Ninh Giang, Hải Dương gọi là cầu Tranh, vì bên bờ Tả sông Luộc có làng Tranh Xuyên (xưa là giáp Chính của Tranh Chử). Còn nhân dân huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng gọi là cầu Chanh vì phía bờ Hữu sông Luộc có làng Chanh Chử.

    Sau ba mơi tư năm khánh thành sông Tranh Dương và đi vào hoạt động, chính quyền phủ Vĩnh Bảo thấy tài thiết kế cũng như lợi ích của con sông này vô cùng to lớn, tri phủ Vũ Văn Nhạc đã phát động đợt xây dựng bia tưởng niệm tri ân Tướng công Đào Trọng Kỳ vào năm Bảo Đại 13 (1938). Văn bia được tuyển chọn nghiêm túc qua cuộc thi sáng tác. Rồi năm Bảo Đại thứ 15 (1940), nhà bia được xây dựng trang trọng, có mái che, trên nền tam cấp, được dựng cuối phố Đông Thái, chỗ giao tiếp đường Mười và đường Mười Bảy ngày nay. Một mặt khắc bằng chữ Nho, ở giữa là bốn chữ “Ẩm thủy tư nguyên”, còn hai bên là hai câu đối:

飮水思源

壹簇崇臺鐘地脈
萬年遺愛係人心

Phiên âm:

Ẩm thủy tư nguyên

Nhất thốc sùng đài chung địa mạch

Vạn niên di ái hệ nhân tâm

Dịch nghĩa:

Uống nước nhớ nguồn

Dân kính công trình thông mạch đất

Danh thơm lưu mãi tại lòng dân

    Còn mặt sau tấm bia là bài thơ bằng chữ quốc ngữ ca ngợi công trạng Tướng công Đào Trọng Kỳ. Tấm bia này cũng gian nan vất vả như cuộc đời của ông. Qua tìm hiểu được biết nhà bia “Uống nước nhớ nguồn” này bị phá dỡ vào thời chính quyền cách mạng khoảng từ năm 1964 - 1969, có người nói vào năm xây dựng trụ sở Công ty Xuất nhập khẩu huyện Vĩnh Bảo, người khác nói vào năm cách mạng văn hóa phá đình chùa, có người nói lúc mở rộng đường Mười… sau đó những cột đá được làm ghế ngồi hóng mát của xóm, rồi chuyển làm vật kè rãnh thoát nước. Còn tấm bia được một người làm nghề sửa chữa xe ở gần đó mang về làm đe nắn, tán, duỗi các vật bằng kim loại. Không biết vô tình hay cố ý, ông thợ mang tên Bát kia dùng mặt có bài thơ chữ quốc ngữ làm mặt đe. Thời gian sau, một thành viên gia đình ông có người ốm nặng, chữa mãi bệnh không đỡ, người nhà liền đi xem bói. Thày mới phán: “Nhà ngươi đang sử dụng vật linh thiêng của thần, cần trả lại vị trí cũ thì bệnh mới thuyên giảm”, ông thợ nọ không dám sử dụng đe đá kia nữa, lúc này mặt bia có bài thơ bị băm nát không còn sót chữ nào và ông đem ra để cạnh cầu ao.

    Số phận run rủi thế nào, sau này các cụ thôn Đông Tạ xin tấm bia này định sử dụng mặt không còn chữ kia để khắc chữ vào làm bia công đức cho miếu Đông Tạ để đỡ tốn được ít kinh phí. Nhưng công trình miếu này làm mãi chẳng thành vì thiếu tiền, nên tấm bia dựng ở sân chùa Đông Ân vẫn nằm im cùng mưa nắng. Đến năm 2000 gia tộc Đào Trọng ở Cổ Am khánh thành nhà tưởng niệm Tướng công Đào Trọng Kỳ, người chắt nội của Tướng công là bác Đào Trọng Giao, đồng thời là con trai duy nhất liệt sỹ Đào Trọng Khớ đã vào chùa Đông Ân xin và rước về Cổ Am cùng với những cột đá đang nằm ở rãnh nước xóm. Vậy là sau sáu mươi năm (1940 – 2000) tấm bia “Uống nước nhớ nguồn” của huyện Vĩnh Bảo trải qua bao thăng trầm đã về với đúng chủ nhân của nó.

          Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, qua đợt phát động đợt xây dựng bia tưởng niệm tri ân Tướng công Đào Trọng Kỳ đã có khá nhiều bài thơ hay viết về ông. Bài thơ giải nhất được khắc vào mặt sau bia đá. Bây giờ không còn gì chắc chắn để khảng định bản gốc của bài thơ, nhưng theo trí nhớ của không ít các bậc cao niên huyện Vĩnh Bảo thì mặt sau của tấm bia đá đó là mười câu thơ sau:

Non sông Vĩnh Bảo

Đất nước Lạc Hồng

Ngàn năm công đức

Cụ Đào tướng công

Khi về trí sỹ

Thương nghị đào sông

Lợi dân ích nước

Giúp việc nhà nông

Nguồn vàng suối bạc

Ơn đức vô cùng.

          Ngày nay sông đào Chanh Dương không còn được rộng rãi như trước, nhưng nó vẫn là một công trình mang tầm vóc lớn của huyện Vĩnh Bảo về lợi ích, về việc cung cấp nước ngọt cho ruộng đồng, cho sinh hoạt của nhân dân, cho giao thông thủy bộ trong việc phát triển kinh tế xã hội của huyện. Nó còn là tiền đề cho nhiều công trình khác mà một số tỉnh thành đến học tập như công trình Bắc Hưng Hải, công trình xây dựng mới cống An Thổ (1976 -1979), Trà Linh II - Thái Bình (1977 - 1980), cống Múc II (Hà Nam Ninh), cống Rỗ (1981-1983), cống An Sơn, Hải Phòng (1983 - 1984)…

     Cách đây hai năm (2019) tuyến đường bộ từ cầu Mục đến khu di tích Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm được khánh thành với độ dài hơn bảy cây số đã tiêu tốn hơn một ngàn ba trăm tỷ đồng, nếu xây dựng toàn bộ công trình sông đào Chanh Dương thì phải tốn tới hàng ngàn tỷ. Nghĩ lại công lao to lớn của các thế hệ trước, con em “mảnh đất bảo vệ vĩnh viễn” ngày nay phải làm gì để tri ân những người đã không quản gian lao vất vả, mang cả tiền bạc, tâm trí... vì cuộc sống của nhân dân và sự phát triển của huyện Vĩnh Bảo. Đặc biệt không thể quên thành quả lao động của Tướng công Đào Trọng Kỳ, người đứng ra thiết kế, tổ chức và là tổng chỉ huy toàn bộ sự án. Trong tôi bật ra dòng cảm xúc:

 

TRĂM QUAN CÓ MỘT MÀ THÔI

          Kính viếng hương hồn Hiệp tá Đại học sỹ Đào Trọng Kỳ

 

Dẫu rằng ở chốn bệ rồng

Về hưu người vẫn hết lòng lo toan

 

Đền đài biệt phủ chẳng màng

Đào sông tắm mát hồn làng quê ta

 

Bồng bềnh trong cõi ngân nga

Gieo trồng mơ ước vào hoa hương đời 

Trăm quan có một mà thôi?

Danh thơm muôn thuở mãi ngời ngợi xanh.

 TNT