/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

TÔ NGỌC THẠCH

Sô diễn Pê đê độc đáo

Đây là một chương trình mang hơi hướng của một đại nhạc hội, với các tiết mục văn nghệ hoành tráng và hấp dẫn do các diễn viên chuyển giới biểu diễn.

Tô Ngọc Thạch

Sô diễn Pê đê độc đáo
(Bút ký)

       Khi màn đêm buông xuống, Pattaya (Thái Lan) khoác trên mình tấm áo lung linh rực rỡ sắc màu như đang mời gọi. Không gian nơi đây trở lên sống động bởi Tiếng nhạc xập xình xô vào đêm loạng choạng”. Ai đã từng tới đây mà không biết đến sô diễn của những người chuyển đổi giới tính là Alcazar show và Tiffany show thì coi như chưa đến Pattaya. Mặc dù giá vé không hề rẻ chút nào (khoảng năm mươi đô la Mỹ), nhưng hầu hết các thành viên trong đoàn đều nhất trí đi thưởng lãm. Hai sô trình diễn này đều nằm trên đường Pattaya mà khách du lịch nước ta thường gọi nôm na là sô Pê đê. Lúc đầu một số người còn e ngại về trình độ tiếng Anh của mình, nhưng khi được hướng dẫn viên giới thiệu thì hoàn toàn yên tâm vì chương trình được diễn ra liên tục, không có người dẫn chương trình (MC).



       Khi tới nơi tôi thấy phía trước nhà hát là khoảng sân rộng có vườn hoa và những bức tượng nam giới (kiểu tượng Hy Lạp) vây quanh một tấm bảng quảng cáo đề Tiffany Show. Tất cả các máy quay, máy chụp ảnh đều được gửi ở phòng ngoài. Mọi người được hướng dân viên đưa vé cho và lần lượt xếp hàng vào trong. Đây là một nhà hát với một không gian khá thoáng đãng, rộng rãi, ghế ngồi bọc đệm tạo cho người xem một cảm giác thoải mái. Thông thường ở đây, nhà hát có ba ca diễn liên tục, còn vào những thời điểm lễ tết có thể tăng lên bốn ca. Sân khấu được thiết kế hiện đại, chuyên nghiệp, liên tục thay đổi phông nền dựa theo nội dung của các bài hát. Do khán giả về thưởng thức từ nhiều nơi khác nhau, nên những nhà tổ chức khéo léo bố trí các bài hát nổi tiếng của từng châu lục. Mỗi một tiết mục tượng trưng cho một quốc gia, một nền văn hóa khác nhau. Các ca sĩ hát “nhép” và nhảy múa trên nền ca khúc bằng ngôn ngữ của quốc gia đó. Ta có thể tìm thấy sự sôi động của nhạc châu Âu, trầm lắng của Trung Hoa, nhẹ nhàng của Malaysia, những vũ điệu bốc lửa của Ấn Độ. Rồi càng tự hào hơn khi bài hát Việt được vang lên và sự cổ vũ của các bạn bè quốc tế. Sân khấu được trang trí nhiều ngôi sao lấp lánh màu vàng, đỏ và có cả xích lô với một nữ diễn viên trẻ, đẹp duyên dáng trong tà áo dài Việt Nam cùng đoàn vũ công xinh tươi với trang phục Việt, trình bày nhạc phẩm “Sài Gòn đẹp lắm!” của nhạc sĩ Y Vân hoàn hảo.

       Các diễn viên ở sô Pê đê thực ra chỉ biểu diễn bằng hình thể và trang phục chứ hoàn toàn không phải là một chương trình ca múa nhạc thực thụ. Tất cả các bài hát đều được phát từ đĩa nhạc của các ca sĩ chuyên nghiệp, nổi tiếng, còn các diễn viên ở đây chỉ “nhép lại” mà thôi. Nhưng cũng phải thừa nhận là chương trình được dàn dựng khá công phu, khai thác được sức mạnh công nghệ về âm thanh, ánh sáng và kỹ xảo sân khấu... làm khán giả ảo tưởng là các nghệ sĩ này hát thật.

       Sau mỗi một ca diễn, các diễn viên, ca sĩ với trang phục lộng lẫy nhưng khá “mát mẻ”, ùa ra trước sân, trước các tượng đài, bằng những động tác điệu đàng mời chào khán giả đến cùng chụp ảnh chung. Khán giả nào thích chụp với “em” nào thì sẽ trả tiền cho “em” đó (khoảng từ năm mươi baht một lần tương đương với hơn ba mươi ngàn đồng Việt Nam). Đại đa số nam giới thuộc nhiều quốc gia châu Á và một số phụ nữ Âu châu tới chụp chung với các “người đẹp chuyển giới”. Theo sự dặn dò của hướng dẫn viên thì mọi thành viên trong đoàn nên chuẩn bị tiền lẻ để boa, còn nếu không có tiền lẻ mà boa bằng tiền chẵn thì sẽ được các vũ công cảm ơn với một nụ cười thân thiện.

Khi tiếp xúc trực tiếp với các vũ nữ này thì tôi thực sự thất vọng. Mặc dù họ vẫn xinh như mộng, đầy nữ tính, nhưng khi cất lời mời chụp ảnh chung thì mọi ấn tượng đẹp về các vũ công này trong tôi tan biến bởi giọng nói ồm ồm the thé. Sau khi chụp ảnh xong với khán giả, họ lại vội vã vào trong để chuẩn bị cho buổi diễn tiếp theo. Một đêm ở đây có ba suất diễn vào lúc mười tám giờ, mười chín giờ rưỡi và hai mươi mốt giờ cho chương trình Tiffany Show. Còn Alcasar Show cũng có ba suất diễn nhưng muộn hơn ba mươi phút so với Tiffany Show.

       Đây là một chương trình mang hơi hướng của một đại nhạc hội, với các tiết mục văn nghệ hoành tráng và hấp dẫn do các diễn viên chuyển giới biểu diễn. Họ là những diễn viên rất xinh đẹp về ngoại hình, nhiều fan còn đẹp hơn cả người mẫu, hoa hậu và khả năng biểu diễn rất chuyên nghiệp. Những vũ nữ tại nhà hát này đều là ái nam ái nữ được phẫu thuật chuyển đổi giới tính mà thành. Đã từ lâu luật pháp Thái đã công nhận giới tính cho những người ái nam ái nữ với cái tên Kathoey. Những Kathoey đều đi làm, sinh hoạt như những người bình thường mà không phải chịu bất kỳ sự kỳ thị nào. Cũng nhờ vậy mà chúng ta được xem những tiết mục có một không hai trên thế giới này. Theo hướng dẫn viên nói lại thì để có được chỗ đứng trên sân khấu, những vũ công này đã phải trải qua rất nhiều gian lao vất vả kể cả sự đau đớn về thể xác và hao tốn tiền của. Để được hội đồng y khoa thành phố đồng ý, họ phải chứng minh được giới tính thật sự của mình. Qua hàng loạt những xét nghiệm và trắc nghiệm tâm lý, họ mới được phẫu thuật. Nhưng không chỉ một cuộc giải phẫu là xong, quá trình biến một người từ thân hình nam giới trở thành liễu yếu đào tơ có thể kéo dài tới vài năm và qua hàng chục cuộc phẫu thuật, với chi phí có thể lên đến hai mươi ngàn đô la Mỹ. Sau khi chính thức trở thành nữ giới, hàng ngày họ đều phải uống thuốc có chứa hormone nữ đến cuối đời để giữ cho sắc đẹp của mình được trọn vẹn và tuổi thọ trung bình của những Kathoey thường không vượt quá năm mươi.
Trích Troidatcoinguoi tapII