VIDEO
Tin nóng
QUẢNG CÁO
LỊCH
LIÊN KẾT
TÔ NGỌC THẠCH
SẮC PHONG CHO THỔ THẦN LẠI BIẾN THÀNH NHÂN THẦN TRẦN QUỐC BẢO
Vào một ngày đầu thu đẹp trời, cây cầu nối huyện Thủy Nguyên thành phố Hải Phòng với thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh đã được khánh thành chừng ba tuần nay.SẮC PHONG CHO THỔ THẦN LẠI BIẾN THÀNH NHÂN THẦN TRẦN QUỐC BẢO
.
Vào một ngày đầu thu đẹp trời, cây cầu nối huyện Thủy Nguyên thành phố Hải Phòng với thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh đã được khánh thành chừng ba tuần nay. Từ nội đô Hải Phòng tôi và mấy cựu đồng ngũ thời chống Mỹ rủ nhau đi tham quan cầu Bến Rừng. Nếu ai đã từng tới cổng chính Khu di tích sông Bạch Đằng (Bạch Đằng Giang) thuộc Tổng Công ty Xi Măng Hải Phòng và tiếp tục ngược lên phía Bắc chừng một hai trăm mét là tới chân cầu. Đây là cây cầu bê tông cốt thép dự ứng lực dài gần hai ki-lô-mét với mặt cầu và đường dẫn rộng hai mươi mốt mét rưỡi, bốn làn xe cơ giới cùng hai làn hỗn hợp. Vận tốc thiết kế cầu chính với tám mươi ki-lô-mét trên giờ, được đầu tư với số vốn gần hai tỷ Việt Nam đồng.
Sau khi tham quan xong, trên đường trở lại nội đô anh em tôi có vào Khu di tích đền thờ Trần Hoàng Tôn tại thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng để tặng tập sách “Hải Phòng – Những trầm tích thời gian” cho ban quản lý. Thời gian trước chúng tôi đã từng đến nơi đây nhiều lần và có cuộc khảo cứu khá kỹ lưỡng về khu di tích này. Thế mà không biết dựa vào nguồn tài liệu nào, những người viết sách “Đồng Khánh địa dư chí” thời Nguyễn lại ghi:
Nguyên văn Hán Việt (Vũ Hoàng):
陳皇孫祠
長溼涇社奉祀, 陳英尊子,字國寶討范伯齡賊于白藤江.大勝,還至伊社卒. 葬于伊社山麓, 土人于山上立祀, 之 名其山曰皇孫山.
Phiên âm Hán Việt (Vũ Hoàng):
Trần Hoàng Tôn từ
Tràng Kinh xã phụng tự. Trần Anh Tôn(1) tử, tự Quốc Bảo. Thảo Phạm Bá Linh tặc vu Bạch Đằng giang. Đại thắng, hoàn chí y xã tốt táng vu y xã sơn lộc. Thổ nhân vu sơn thượng lập tự, chi danh kỳ sơn viết: Hoàng Tôn sơn.
Dịch nghĩa (Vũ Hoàng):
Đền thờ Hoàng Tôn nhà Trần
Ở xã Tràng Kinh (Kênh) thờ phụng con trai của vua Trần Anh Tông, tên chữ là Quốc Bảo, chỉ huy đánh quân Nguyên là Phạm Bá Linh tại sông Bạch Đằng, giành thắng lớn. Sau đó về đến xã Tràng Kinh thì mất. Dân làng mai táng ngài ở chân núi, lập đền thờ bên núi và đặt tên là cụm núi Hoàng Tôn. __________
(1): Vì kiêng húy nên từ thời vua Nguyễn Phúc Miên Tông (Thiệu Trị), thì chữ Tông thay bằng Tôn như: Lý Thánh Tôn, Trần Nhân Tôn, Lê Trung Tôn… hay “Tông thất” đổi thành “Tôn thất”…
Hay sách “Đại Nam nhất thống chí” tập ba thời Nguyễn cũng ghi tương tự như sách “Đồng Khánh địa dư chí”, nhưng nội dung viết ngắn gọn hơn “tên thần là Quốc Bảo, cháu vua Trần”. Như vậy, các tác giả viết sách thời Nguyễn đều công nhận đây là cháu nội vua Trần (皇孫), nhưng không phải cháu nội vị Hoàng đế thứ nhất Trần Thái Tông, mà nhầm là cháu nội vị Hoàng đế thứ ba Trần Nhân Tông. Và thực tế vị Hoàng đế thứ tư nhà Trần (con trai vua Trần Nhân Tông) là Trần Anh Tông (1276 – 1320) và vị Hoàng đế thứ năm nhà Trần (cháu nội vua Trần Nhân Tông) là Trần Minh Tông (1300 – 1357) không thể tham gia đánh giặc Nguyên Phạm Bá Linh tại sông Bạch Đằng được. Vì lúc chiến trận xảy ra (1287) “vua cha” là Trần Anh Tông mới có mười một tuổi, còn “vua con” sau chiến thắng Bạch Đằng (1288) mười hai năm mới được sinh ra (1300). Còn việc con trai vua Trần Anh Tông là “Trần Quốc Bảo” có tham gia chỉ huy đánh trận Bạch Đằng năm 1288 được không, thì do độc giả tự phán xét?
Còn một lý do đơn giản nữa là vào thời Trần thì tuổi thọ trung bình của người dân, cũng như nhà vua là khá thấp. Và không thể xảy ra trường hợp bốn thế hệ ruột thịt trong một hoàng tộc đều tham gia cùng một chiến trận chống Nguyên Mông lần thứ ba được (Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông và “Trần Quốc Bảo”). Không hiểu sao, những tác gia có đai đẳng viết sử thời nay lại bê luôn nội dung sách “Đồng Khánh địa dư chí” thời Nguyễn làm tư liệu chính thống cho lịch sử thời nay?
Điều đặc biệt quan trọng đây là Trần Hoàng Tôn, tức các cháu nội vua Trần, chứ không phải một cá nhân. Nếu là cá nhân tướng lĩnh nào đó, thì những người viết sách hay đặt tên cho đền, miếu ghi thẳng họ tên, sao lại phải ghi Hoàng Tôn (các cháu nội vua) làm gì. Chúng tôi đã tìm trong tất cả các tài liệu lịch sử, cũng như gia phả nhà Trần của vị Hoàng đế thứ ba (Trần Nhân Tông) và vị Hoàng đế thứ tư (Trần Anh Tông), không thấy người con trai, cháu trai nào của hai vị vua trên mang tên Quốc Bảo cả. Và hầu hết những nhà nghiên cứu về lịch sử văn hóa Việt Nam đến thời điểm hiện tại cũng chưa biết lai lịch Tướng quân “Trần Quốc Bảo” ra sao?
Trong đó, những nhà làm sử thời nay và các sách “Lịch sử Hải Phòng” Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật năm 2021 và “Địa chí Thủy Nguyên” Nhà Xuất bản Hải Phòng năm 2015… đều khẳng định con trai vua Trần Anh Tông là “Trần Quốc Bảo” đánh giặc Nguyên Mông tại sông Bạch Đằng vào năm 1288.
Thời gian qua, chúng tôi đã tìm kiếm ở nhiều cơ quan lưu trữ, nhưng chưa phát hiện ra bản khai Thần tích - Thần sắc của làng Tràng Kinh (Kênh), tổng Dưỡng Động, huyện Thủy Nguyên thời nhà Nguyễn. Còn trang 432 “Từ điển Bách khoa Địa danh Hải Phòng” xuất bản năm 1998 ghi: “Xã Tràng Kênh thờ hai vị Thành hoàng là Trần Quốc Bảo và Trần Huệ. Cả hai vị đều chưa rõ sự tích, được thờ ở đền bằng tượng và ỷ, bài vị, ở đình làng có thờ một cỗ ỷ và bài vị. Trước năm 1938, xã này còn giữ được tám Sắc phong thần thuộc các đời: Cảnh Hưng thứ 28 (1767); Cảnh Hưng thứ 40 (1779); Quang Trung thứ 5 (1792); Cảnh Thịnh thứ 4 (1794); Gia Long thứ 9 (1810); Đồng Khánh thứ 2 (1887); Thành Thái thứ nhất (1889) và Duy Tân thứ 3 (1909)”.
Cuối cùng, tôi cũng liên hệ được với Ban quản lý “Khu Di tích đền thờ Trần Quốc Bảo ngày nay” ở thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng. Và lúc tới nơi, mới biết được đến nay địa phương còn giữ hai Thần sắc thời Nguyễn. Chúng tôi đã trực tiếp xem và dịch lại nguyên bản như sau:
Thần sắc năm Đồng Khánh thứ 2 (1887)
Phiên âm Hán Việt (Vũ Hoàng):
Sắc Bản Cảnh Thành Hoàng Linh Phù Chi thần, hướng lai hộ quốc tý dân, nhẫm trứ linh ứng tiết mông, ban cấp tặng sắc, lưu tự tứ kim phi ưng. Cảnh mệnh, miến niệm thần hưu, khả gia tặng: Dực Bảo Trung Hưng Chi thần. Nhưng chuẩn hứa: Hải Dương tỉnh, Thủy Nguyên huyện, Tràng Kinh xã y cựu phụng sự, thần kỳ tương hựu bảo ngã lê dân.
Khâm tai!
Đồng Khánh nhị niên, thất nguyệt, sơ nhất nhật.
Dịch nghĩa (Vũ Hoàng):
Sắc cho Bản Cảnh Thành Hoàng Linh Phù Chi thần bấy lâu giúp nước an dân linh ứng đã rõ. Thần được ban cấp sắc phong thờ tự. Nay Trẫm trên vâng mệnh trời, xa nhớ tới công lao che chở của thần, gia tặng cho thần Dực Bảo Trung Hưng Chi thần, chuẩn cho xã Tràng Kinh, huyện Thủy Nguyên, tỉnh Hải Dương được tiếp tục thờ phụng như trước. Mong thần hãy phù hộ che chở cho dân lành của Trẫm.
Hãy tuân theo!
Ngày 01 tháng 7 năm Đồng Khánh thứ 2 (1887).
b- Sắc phong thần năm Duy Tân thứ 3 (1909).
Phiên âm Hán Việt (Vũ Hoàng):
Sắc Quảng Yên tỉnh, Yên Hưng huyện, Tràng Kinh xã, tòng tiền phụng sự, Dực Bảo Trung Hưng Linh Phù Minh Hiển Bản Cảnh Thành Hoàng Chi thần tiết kinh ban cấp sắc phong chuẩn kỳ phụng sự. Duy Tân nguyên niên tấn quang đại lễ kinh ban bảo chiếu đàm ân, lễ long đăng trật. Đặc chuẩn y cựu phụng sự, dụng chí quốc khánh, nhi thân tự điển.
Khâm tai!
Duy Tân tam niên, bát nguyệt, thập nhất nhật.
Dịch nghĩa (Vũ Hoàng):
Sắc cho xã Tràng Kinh, huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Yên từ trước vẫn thờ Dực Bảo Trung Hưng Linh Phù Minh Hiển Bản Cảnh Thành Hoàng Chi thần đã được ban cấp tặng sắc. Nay đổi hiệu Duy Tân năm thứ nhất, Trẫm đăng quang mở đại khánh tiết, kinh ban bảo chiếu đàm ân, gia tặng phẩm trật. Đặc chuẩn cho dân làng được thờ phụng thần như trước, nhân dịp quốc khánh ghi tại điển lễ.
Hãy tuân theo!
Ngày 11 tháng 8 năm Duy Tân thứ 3 (1909).
Qua nội dung hai đạo (sắc) trên, có thể khảng định đây là Thần sắc cho Thành hoàng làng Tràng Kênh, tổng Dưỡng Động được thờ phụng ở đình Tràng Kênh cho Linh Phù Bản Cảnh Thành Hoàng Chi thần và được gia tăng thêm mỹ tự ở sắc Đồng Khánh thứ 2 (1877) là Dực Bảo Trung Hưng Linh Phù Bản Cảnh Thành Hoàng Chi thần. Và đến năm Duy Tân thứ 3 (1909) được gia tăng mỹ tự tiếp theo là Dực Bảo Trung Hưng Linh Phù Minh Hiển Bản Cảnh Thành Hoàng Chi thần. Ta có thể hiểu đây là Thành hoàng do làng xã thờ phụng, “nhiều khi không rõ thần tích, nhưng cũng thuộc về bậc chính thần”, chưa được phong tặng tới mỹ tự Trung Đẳng thần. Còn cụm từ “Linh Phù Minh Hiển Bản Cảnh Thành Hoàng” chỉ là những mỹ tự, không phải tên thần. Trong đó, một số nhà Hán Nôm thời nay tại Hải Phòng lại dịch rằng “Minh Hiển” là tên của Thành hoàng làng Tràng Kênh? Rất tiếc là Sắc phong thần năm Khải Định thứ 9 (1924) không còn, nên chúng tôi chưa biết chính xác được vị Thành hoàng làng Tràng Kênh này là Dương thần hay Thiên thần?
.
.
Bia 2 mặt mới dựng 02/2024
Vào đầu năm 2024 anh em tôi có viết cho một số di tích văn hóa ở tổng Kim Quan, huyện Cẩm Giàng, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương, nay thuộc huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Rất may ở tổng này cũng có làng Tràng (Trường) Kênh, nay là thôn Tràng Kênh, xã Kim Giang, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Ban Quản lý đình làng Tràng Kênh, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương này còn giữ được năm Thần sắc cho Bản Cảnh Thành Hoàng Linh Phù Chi thần vào các đời sau: 10/11 năm Tự Đức thứ 6 (1853); 24/11 năm Tự Đức thứ 33 (1880); 01/07 năm Đồng Khánh thứ 2 (1887); 11/08 năm Duy Tân thứ 3 (1909) và 25/07 năm Đồng Khánh thứ 9 (1924).
Chúng tôi xin dịch lại một số Thần sắc để độc giả so sánh:
a- Thần sắc năm Đồng Khánh thứ 2 (1887) của làng Tràng Kênh, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương.
Phiên âm Hán Việt (Vũ Hoàng):
Sắc Bản Cảnh Thành Hoàng Linh Phù Chi thần, hướng lai hộ quốc tý dân, nẫm trứ linh ứng tiết mông, ban cấp tặng sắc, lưu tự tứ kim phi ưng. Cảnh mệnh, miến niệm thần hưu, khả gia tặng: Dực Bảo Trung Hưng Chi thần. Nhưng chuẩn hứa: Hải Dương tỉnh, Cẩm Giàng huyện, Kim Quan tổng, Tràng Kinh xã y cựu phụng sự, thần kỳ tương hựu bảo ngã lê dân.
Khâm tai!
Đồng Khánh nhị niên, thất nguyệt, sơ nhất nhật.
Dịch nghĩa (Vũ Hoàng):
Sắc cho Bản Cảnh Thành Hoàng Linh Phù Chi thần bấy lâu giúp nước an dân linh ứng đã rõ. Thần được ban cấp sắc phong thờ tự. Nay Trẫm trên vâng mệnh trời, xa nhớ tới công lao che chở của thần, gia tặng cho thần Dực Bảo Trung Hưng Chi thần, chuẩn cho xã Tràng Kinh, tổng Kim Quan, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương được tiếp tục thờ phụng như trước. Mong thần hãy phù hộ che chở cho dân lành của Trẫm.
Hãy tuân theo!
Ngày 01 tháng 7 năm Đồng Khánh thứ 2 (1887).
b- Sắc phong thần năm Duy Tân thứ 3 (1909) của làng Tràng Kênh, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương.
Phiên âm Hán Việt (Vũ Hoàng):
Sắc chỉ Hải Dương tỉnh, Cẩm Giàng huyện, Tràng Kinh xã, tòng tiền phụng sự, Linh Phù Dực Bảo Trung Hưng Bản Cảnh Thành Hoàng Chi thần tiết kinh ban cấp sắc phong chuẩn kỳ phụng sự. Duy Tân nguyên niên tấn quang đại lễ kinh ban bảo chiếu đàm ân, lễ long đăng trật. Đặc chuẩn y cựu phụng sự, dụng chí quốc khánh, nhi thân tự điển.
Khâm tai!
Duy Tân tam niên, bát nguyệt, thập nhất nhật.
Dịch nghĩa (Vũ Hoàng):
Sắc cho xã Tràng Kênh, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương từ trước vẫn thờ Linh Phù Dực Bảo Trung Hưng Bản Cảnh Thành Hoàng Chi thần đã được ban cấp tặng sắc. Nay đổi hiệu Duy Tân năm thứ nhất, Trẫm đăng quang mở đại khánh tiết, kinh ban bảo chiếu đàm ân, gia tặng phẩm trật. Đặc chuẩn cho dân làng được thờ phụng thần như trước, nhân dịp quốc khánh ghi tại điển lễ.
Hãy tuân theo!
Ngày 11 tháng 8 năm Duy Tân thứ 3 (1909).
c- Sắc phong thần năm Khải Định thứ 9 (1924) của làng Tràng Kênh, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương
.
Thần sắc làng Tràng Kênh, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương
Phiên âm Hán Việt (Vũ Hoàng):.
Sắc Hải Dương tỉnh, Cẩm Giàng huyện, Tràng Kênh xã, tòng tiền phụng sự nguyên tặng Linh Phù Dực Bảo Trung Hưng Bản Cảnh Thành Hoàng Chi thần, hộ quốc tý dân nẫm chứ linh ứng tiết mông kinh ban cấp sắc phong chuẩn kỳ phụng sự, tứ kim chính trị. Trẫm tứ tuần đại khánh tiết kinh ban bảo chiếu đàm ân, lễ long đăng trật trứ gia tặng Đôn Ngưng Tôn thần. Đặc chuẩn phụng sự, dụng chí quốc khánh, nhi thân tự điển.
Khâm tai!
Khải Định cửu niên, thất nguyệt, nhị thập ngũ nhật.
Dịch nghĩa (Vũ Hoàng):
Sắc cho xã Tràng Kênh, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương từ trước vẫn thờ Linh Phù Dực Bảo Trung Hưng Bản Cảnh Thành Hoàng Chi thần. Ngài có công giúp nước an dân, đã được ban cấp sắc phong, từ lâu tỏ rõ linh ứng.
Nay nhân dịp mừng thọ tuổi bốn mươi, Trẫm mở đại lễ khánh tiết, ban chiếu đàm ân, phong tặng phẩm trật gia tặng cho thần là Đôn Ngưng Tôn thần. Đặc chuẩn cho bản xã được thờ phụng như trước. Ghi tại điển lễ nhân dịp quốc khánh.
Hãy tuân theo!
Ngày 25 tháng 07 năm Khải Định thứ 9 (1924).
Qua Thần sắc năm Khải Định thứ 9 (1924) của làng Tràng Kênh này, được gia tặng với mỹ tự Đôn Ngưng Tôn thần, ta càng có cơ sở để khẳng định vị Bản Cảnh Thành Hoàng Linh Phù Chi thần là Thổ thần. Cái tên Tràng Kênh xã, hay Trường Kinh xã (長涇社), có nghĩa là làng có con kênh dài. Con kênh dài ấy nay vẫn còn tồn tại được mang tên sông Cẩm Giàng. Thực tế tên huyện này mang tên Cẩm Giang (錦江), nghĩa là dòng sông đẹp (lộng lẫy). Tới thời Lê – Trịnh, vì phải kiêng húy chúa Trịnh Giang (1711 – 1762), nên trong văn viết ghi là Cẩm Giang, còn trong văn nói là Cẩm Giàng, giống trường hợp đảo Định Vũ của Hải Phòng trong văn viết là Định Vũ, còn trong văn nói là Đình Vũ, vì phải kiêng húy của vua Khải Định (1885 – 1925).
Theo lịch sử hành chính của làng Tràng Kênh, tổng Kim Quan (Cẩm Giàng), thì vào thời Trần (1225 – 1400) nhóm ngư dân của làng này đã di cư về mảnh đất giáp biển mang tên động Trúc, sau này là tổng Dưỡng Động, huyện Thủy Đường, phủ Kinh Môn làm nghề chài lưới. Do biển mỗi ngày một lùi xa, thời gian sau ngư dân nơi đây lên bờ sinh cơ lập ấp và họ lấy tên “nơi chôn nhau cắt rốn” của mình đặt cho mảnh đất mới của mình là Tràng Kênh. Từ thời xa xưa hai làng Tràng Kênh này ở hai huyện vẫn giao hiếu với nhau vì họ đều chung một Thành hoàng làng là Thổ thần Bản Cảnh Thành Hoàng Linh Phù Chi thần.
Trong đó, một số nhà Hán Nôm thành phố Hải Phòng thời nay… lại cho rằng mỹ tự “Minh Hiển” ở Thần sắc, hay “Minh Hiển thiên tử Hoàng tôn” ở bia đá cổ ở đền là tên chữ (hiệu) của vị Thành hoàng làng Tràng Kênh, còn cụm từ “Thượng Đẳng thần từ” lại cho là vị thần này được gia tăng là Thượng Đẳng thần. Cụm từ “Minh hiển thiên tử Hoàng tôn” là các mỹ tự, không phải tên thần và thực tế trên toàn bộ đất nước Việt Nam không thể có thần nào mang tên “Minh Hiển” hay “Minh Hiển Thiên Tử Hoàng Tôn” cả. Còn cụm từ “Thượng Đẳng thần từ” là đền thờ được phong tặng danh hiệu cao nhất, giống như “Bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt” ngày nay cho khu di tích. Theo luật, từ thời Minh Mạng (1820 - 1840) trở về trước, thì các Thần sắc của các triều đình phong kiến Việt Nam không thể được gia phong với mỹ tự Trung Đẳng thần, hay Thượng Đẳng thần. Vì thế, vị thần ở Thần sắc năm Đồng Khánh thứ 2 (1887) và năm Duy Tân thứ 3 (1909) cũng như các nhân vật được ghi ở “Bia ghi Lệnh coi sóc đền Thánh” trên không liên quan gì với nhau.
Thế rồi vào ngày 05 tháng 02 năm 2024, tại bên tả (trái) đền thờ Trần Hoàng Tôn này lại xuất hiện một bia đá khủng được khắc tiếng Việt ở hai mặt. Mặt trước ghi: “Hoàng Tôn Tướng quân Trần Quốc Bảo”, còn mặt sau ghi: “Thượng Đẳng thần từ” và hai nội dung của bài viết trên. Nếu ai không học Hán Nôm, chắc chắn không thể hiểu hai tựa đề trên viết gì. Đây là hai câu chữ Hán, nếu viết tiếng Việt (tên Nôm) phải là “Cháu nội vua - Tướng quân Trần Quốc Bảo” và “Đền thờ với danh hiệu cấp cao nhất”. Còn ở nội dung của bia ghi cũng có khá nhiều từ ngữ chưa thống nhất đôi lúc sử dụng tiếng Hán như: Lê triều, Bạch Đằng giang… mà ghi theo tiếng Việt phải là triều đình nhà Lê – Trịnh, hay sông Bạch Đằng.v.v.
Rồi cụm từ “Thượng Đẳng thần từ”, có nghĩa là đền thờ này được phong tặng danh hiệu cao nhất, thì ở phần nội dung bia mới dựng này lại ghi triều đình nhà Lê phong cho ngài Trần Quốc Bảo bậc Thượng Đẳng thần. Trên thực tế, tất cả các Thành hoàng được gia tặng Thượng Đẳng thần, Trung Đẳng thần,… mới được áp dụng từ sau thời Minh Mạng (1820 – 1840). Hay vị thần ở hai Thần sắc năm Đồng Khánh thứ hai (1887) và Duy Tân thứ ba (1909) mà Ban quản lý đền đang lưu giữ là Thổ thần được thờ phụng ở đình làng Tràng Kênh, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng, cũng như ở đình làng Tràng Kênh, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Trong nội dung hai bia đá cổ thời Lê – Trịnh ở mặt trước là “Bia ghi lệnh cử dân phu coi sóc đền Thánh” và mặt sau là “Sự tích đền thờ hiển Thánh” không có từ nào được nhắc đến tên Trần Quốc Bảo. Và tới nay giới sử học Việt Nam cũng chưa biết lai lịch về Tướng quân Trần Quốc Bảo?
NGỌC TÔ
Các tin khác
-
PHU NHÂN CỤ TỔ HỌ TÔ NỘI TẠ - VĨNH BẢO
-
QUÁ TRÌNH THI CÔNG SÔNG CHANH DƯƠNG - VĨNH BẢO
-
VĨNH BẢO ĐÒ ƠI!
-
CÁI TÊN A SÀO – THÁI BÌNH CÓ TỪ BAO GIỜ
-
DANH SÁCH CÁC NHÀ KHOA BẢNG QUÊ HUYỆN AN DƯƠNG
-
NHIỀU ĐỊA PHƯƠNG VỚI CÁCH ĐẶT TÊN THẬT KỲ LẠ
-
NHỮNG SỸ TỬ CAO TUỔI NHẤT TRONG LỊCH SỬ KHOA BẢNG THỜI PHONG KIẾN VIỆT NAM
-
THƯỢNG THƯ – HẢI QUẬN CÔNG – TS. PHẠM ĐÌNH TRỌNG
-
NGUỒN GỐC SÔNG ĐA ĐỘ Ở HẢI PHÒNG
-
CÁT BI - HẢI PHÒNG CÓ TỪ BAO GIỜ?