VIDEO
Tin nóng
QUẢNG CÁO
LỊCH
LIÊN KẾT
TÔ NGỌC THẠCH
PHU NHÂN CỤ TỔ HỌ TÔ NỘI TẠ - VĨNH BẢO
Vào trung tuần tháng ngâu, cái nắng chói chang của mùa hạ đã nhường chỗ cho những cơn heo may đầu mùa dịu dàng với bao cảm xúc nồng nàn man mát.PHU NHÂN CỤ TỔ HỌ TÔ NỘI TẠ - VĨNH BẢO
(Bút ký của Ngọc Tô)
1-
Vào trung tuần tháng ngâu, cái nắng chói chang của mùa hạ đã nhường chỗ cho những cơn heo may đầu mùa dịu dàng với bao cảm xúc nồng nàn man mát. Theo truyền thuyết, vào thời gian này là Ngưu Lang và Chúc Nữ được gặp nhau sau một năm cách xa dài đằng đẵng. Họ đứng trên cầu Ô Thước được bắc qua sông Ngân hàn huyên và nhớ thương khôn xiết bởi mối tình trớ trêu của mình. Chính những giọt nước mắt lã chã rơi của cặp uyên ương này, đã tạo ra cơn mưa dai dẳng với những nỗi buồn diệu vợi bởi sự hợp tan trong ranh giới mong manh đời người. Dẫu biết thời tiết vào mùa này sẽ không thuận lợi như vòng xoáy quy luật, nhưng sao lòng ta vẫn thổn thức bâng khuâng. Giấc mơ đêm qua còn vương màu hoài niệm về một mùa ngâu mong ngóng đợi chờ.
Như thường lệ, sáng chủ nhật trung tuần tháng Bảy âm lịch, anh em tôi lại hẹn nhau về làng Nghĩa Lý (tên Nôm là Si), xã Hiệp Hòa, huyện Vĩnh Bảo để viếng thăm lăng mộ Quận Chúa thời Lê Trịnh, đồng thời là trắc thất cụ Tổ họ Tô Nội Tạ, hay còn gọi là lăng thờ Nữ Trung Anh. Theo Ngọc phả họ Tô Nội Tạ ghi trên thẻ tre và ghi chép của Chánh hương hội, Trưởng tộc đời thứ VI Tô Văn Tiệp, thì vào ngày rằm tháng Bảy năm Giáp Tuất, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 35 (1774) đời vua Lê Hiến Tông và Chúa Trịnh Sâm, từ Quân doanh theo lộ trình đường thủy về quê, cụ Tổ họ Tô Nội Tạ là Tướng công Tô Quý Công Phúc Trực, hiệu là Tô Công Tự Phúc Hiền (húy là Tô Văn Trực), quê gốc ở xã Đường Thâm, tổng Đường Thâm, huyện Chân Định, phủ Kiến Xương, trấn Sơn Nam Hạ, nay thuộc xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình cùng Phu nhân là Quận Chúa (húy là Trịnh Thị Biêng) đang bụng mang dạ chửa về quê ra mắt họ hàng. Lúc qua làng Lô Đông (tên Nôm là Sưa) tới đầu làng Nghĩa Lý (tên Nôm là Si) thì trời đã muộn. Cụ ông để cụ bà ở lại quán trọ, còn mình về quê cách đó chừng hai cây số để chuẩn bị sớm mai cùng các thành viên trong gia tộc lên rước dâu.
Không may đêm đó trời nổi cơn phong ba bão táp, quán bị đổ và cụ bà đã ra đi bên gốc Sộp ngay quán trọ, sau này là thực địa nhà cố ông Trương Công Cùi và cố bà Phạm Thị Giới, nay là thực địa nhà bác Trương Công Đức và bác Trương Công Hậu. Sớm hôm sau cụ ông và người thân lên đón, thì mối đã vùi lấp hết tử thi. Theo phong tục địa phương, đây là huyệt đất tốt mà trời đã dành cho và chôn giùm, nên dân gian gọi là “Thiên táng”. Trải qua nhiều năm tháng anh linh của Quận Chúa đã thấm đẫm vào đời sống tâm linh của hậu duệ họ Tô Nội Tạ và thôn dân làng Si, tổng Bắc Tạ. Theo dân gian sau khi mất, Quận Chúa đã trở thành Thành hoàng làng Si với tên thần là Anh Linh Thổ Kỳ. Hồi ấy, xã Nghĩa Lý (thường gọi là Si) thuộc tổng Bắc Tạ, huyện Tứ Kỳ, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương và từ năm Minh Mạng thứ 19 (1838) thuộc tổng Bắc Tạ, huyện Vĩnh Bảo, phủ Ninh Giang, tỉnh Hải Dương, từ cuối thế kỷ XIX thuộc tổng Oai Nỗ, huyện Vĩnh Bảo, phủ Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Vào ngày 02 tháng 05 năm 1952 huyện Vĩnh Bảo được cắt từ tỉnh Hải Dương về tỉnh Kiến An và theo Quyết định của Quốc hội do Phó Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Xuân Thủy ký ngày 27 tháng 10 năm 1962, thì tỉnh Kiến An và thành phố Hải Phòng hợp nhất. Tới thời điểm hiện tại, làng Nghĩa Lý (Si) còn giữ được 9 Thần sắc, trong đó có đạo thời Khải Định thứ 9 (1924) cho Anh Linh Thổ Kỳ Tôn thần với mỹ tự là Đôn Ngưng Dực Bảo Trung Hưng (Thổ Thần).
Cách nay hơn hai chục năm, lúc viết về thân thế và sự nghiệp của Quận Chúa thời Lê – Trịnh, đồng thời là Phu nhân cụ Tổ họ Tô Nội Tạ, bao cảm xúc trong tôi thăng hoa và mấy vần thơ mang tên “Tháng năm mãi tươi xanh” ra đời:
Một phu nhân Tô tộc tới làng Si
Thành Thổ thần hơn hai trăm năm trước
Vóc dáng ra sao cháu con đâu biết?
Số mệnh đời người ngắn ngủi dạt xô
Vào giữa đêm ngâu bất chợt dông mưa
Người hóa thân mình vào trong lòng đất
Che chở cho dân, giải bao oan khuất
Giúp mùa tốt tươi mưa thuận gió hòa
Sắc hiệu vua ban ngày một loang xa
Tôn thần làng Si cũng như làng Nội
Đường thời gian điệp trùng muôn diệu vợi
Cùng đức Tô giữ vùng đất yên bình
Cho tháng năm dằng dặc mãi tươi xanh
Giấc chiêm bao nảy chồi non lộc biếc
Bồi lắng vỉa đời dày thêm trầm tích
Và nụ cười thêm tuổi mỗi thần dân?...
(còn nữa)
Các tin khác
-
SẮC PHONG CHO THỔ THẦN LẠI BIẾN THÀNH NHÂN THẦN TRẦN QUỐC BẢO
-
QUÁ TRÌNH THI CÔNG SÔNG CHANH DƯƠNG - VĨNH BẢO
-
VĨNH BẢO ĐÒ ƠI!
-
CÁI TÊN A SÀO – THÁI BÌNH CÓ TỪ BAO GIỜ
-
DANH SÁCH CÁC NHÀ KHOA BẢNG QUÊ HUYỆN AN DƯƠNG
-
NHIỀU ĐỊA PHƯƠNG VỚI CÁCH ĐẶT TÊN THẬT KỲ LẠ
-
NHỮNG SỸ TỬ CAO TUỔI NHẤT TRONG LỊCH SỬ KHOA BẢNG THỜI PHONG KIẾN VIỆT NAM
-
THƯỢNG THƯ – HẢI QUẬN CÔNG – TS. PHẠM ĐÌNH TRỌNG
-
NGUỒN GỐC SÔNG ĐA ĐỘ Ở HẢI PHÒNG
-
CÁT BI - HẢI PHÒNG CÓ TỪ BAO GIỜ?