/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

TÔ NGỌC THẠCH

NỮ THÁNH LÊ CHÂN

Qua rất nhiều năm nghiên cứu về Nữ Thánh Lê Chân, chúng tôi xin đăng tải toàn bộ công trình nghiên cứu khoa học về nhân vật lịch sử này. Mời độc giả đón đọc vào các số tiếp

 NỮ THÁNH LÊ CHÂN

(Công trình Nghiên cứu khoa học của Ngọc Tô)

.   

      Thời gian lùi xa quá lâu và nước ta vào những năm đầu công nguyên vẫn trong thời kỳ Bắc thuộc, nên quá trình lịch sử kỷ Trưng Nữ Vương, được “Đại Việt sử ký toàn thư” ghi vẻn vẹn có bốn câu với hai mươi sáu dòng. Hay cuốn “Hậu Hán Thư” viết vào thế kỷ thứ V bởi học giả Phạm Điệp có mô tả về cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng thời nhà Tây Hán. Ở quyển 86, phần “Tây Nam di liệt truyện” có viết: “Năm Kiến Vũ thứ 16 (40) đời Hán Quang Vũ Đế, hai người phụ nữ Giao Chỉ là chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị tạo phản, tấn công quận phủ. Trưng Trắc là con gái của Lạc tướng huyện Mê Linh. Bà ta được gả làm vợ cho người xứ Chu Diên tên Thi Sách, là kẻ hùng dũng. Thái thú quận Giao Chỉ là Tô Định dùng luật pháp để kiềm chế bà ta. Trưng Trắc phẫn nộ, bèn tạo phản. Những tộc trưởng xứ Man ở các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố hưởng ứng, bà ta đã chiếm được sáu mươi lăm thành trì và tự xưng là Nữ vương”.

       “Đường đời theo bóng thời gian. Vút trôi thôi đã hai ngàn năm qua”, sau kỷ Trưng Nữ Vương, đất nước ta còn phải trải qua thêm ba thời kỳ Bắc thuộc nữa, đến thời Lê sơ (1428) mới chính thức chấm dứt. Ngay Trưng Nữ Vương, chính sử còn ghi chép rất sơ sài như vậy, nói gì đến các tướng lĩnh cấp dưới. Cho tới mãi tới thời gian gần đây, người ta mới tìm được gần một chục chỉ huy là nam giới như: Trương Tề, Trương Lại, Trương Độ (quê nay ở xã Liên Khê, Thủy Nguyên, Hải Phòng), Đô Thiên (người Hán ở Lưỡng Quảng, Trung Quốc), Đào Chiêu Hiển, Đào Đô Thống, Đào Tam và Nguyễn Tam Trinh (quê Thanh Hóa).v.v.

       Và, khoảng 30 nữ tướng chỉ huy tài nghệ gồm: Thánh Thiên (quê Bắc Giang), Vũ Thị Thục (quê Thái Bình), Vương Thị Tiên (quê Ninh Bình), Nàng Nội (quê Phú Thọ), Lê Chân (tỉnh Quảng Ninh), Lê Thị Hoa (quê Thanh Hóa), Hồ Đề (quê Thái Nguyên), Xuân Nương (quê Phú Thọ), Nàng Quỳnh và Nàng Quế (quê Tuyên Quang), Đô đốc thủy quân Trương Tử Nương (quê Thanh Trì, Hà Nội), Đàm Ngọc Nga (quê Phú Thọ), Trần Thị Phương Châu (không rõ quê) tuẫn tiết ở Khúc Giang, Quảng Đông, Đinh Bạch Nương và Đinh Tĩnh Nương (Ninh Bình), Thiều Hoa, Quách A, Vĩnh Huy (quê Phú Thọ), Lê Ngọc Trinh (quê Vĩnh Phúc), Lê Thị Lan (quê Đường Lâm, Sơn Tây), Phật Nguyệt (Tả tướng thủy quân, quê Phú Thọ), Trần Thiếu Lan (không rõ quê, mất tại cửa Thẩm Giang, Hồ Nam, Trung Quốc), Phương Dung (quê Bắc Ninh), Trần Năng (quê Thượng Hồng,  Hải Dương), Trần Quốc (quê Gia Lâm, Hà Nội), Đạm Nương, Hồng Nương, Thanh Nương (quê Vĩnh Phúc), Quý Lan (quê Chí Linh, Hải Dương), Bà Chúa Bầu (quê Vĩnh Phúc), Sa Giang (người Hán, quê Trường Sa, Trung Quốc), Phùng Thị Chính (quê Ba Vì, Hà Nội), Lê Chân (quê ở Đông Triều)…

      Tất cả danh sách những tướng quân trên đều do sưu tầm mới đây mà có, chứ chưa có bất kỳ sách sử nào trước đây của Việt Nam hay Trung Quốc ghi chép lại. Chúng tôi đã xem các sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, “Đại Việt thông sử”, Lịch sử cổ Trung Quốc, cũng như nhiều tài liệu khác, kể cả sách văn học… thời phong kiến Việt Nam. Hay các sách ghi nơi thờ phụng, đền miếu, danh thắng của tỉnh Hải Dương và Hà Nội thời phong kiến như: “Đại Nam nhất thống trí; Đồng Khánh dư địa chí; Bản đồ thời Nguyễn các huyện An Dương, Đông Triều, An Lão, Vĩnh Bảo và Kim Bảng” cũng không thấy một tư liệu nào viết, ghi về Lê Chân hay ghi nơi thờ bà…  

      Tục truyền, Lê Chân quê ở ấp An Biên (tên Nôm là Vẻn), huyện Khúc Dương, quận Giao Chỉ. Từ thời Trịnh Cương nắm quyền vào năm Vĩnh Thịnh thứ 5 (1709) và được ban tước An Đô vương, nên An Biên  đổi thành Yên Biên, đến hết hết thời phong kiến (8/1945) vẫn mang tên Yên Biên (dấu tròn của làng khắc bằng chữ Pháp năm 1938 là Yên Biên), mặc dù từ Yên và An đều có nghĩa như nhau. Từ thời cách mạng (sau 1945) đổi thành An Biên, nay là thôn An Biên, xã Thủy An, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Chúng tôi xin dịch nguyên bản bia đá Thần tích tại đền Lê Chân (mặc dù bà không phải là Tiến sỹ Nho học, nhưng người dân Hải Phòng gọi là đền Nghè) tại số 53 phố Lê Chân, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng:

Bia đá Thần tích tại đền thờ Lê Chân số 53 Lê Chân - Hải Phòng

Hải Phòng An Biên thần bi ký

Phiên âm (Vũ Hoàng):

       Tự cổ Hoàng thiên sinh Thánh, bảo ngã Nam bang đa hỹ. Nhiên kỳ trung chi tối kỳ giả, vị hữu. Quân Tô Định Bắc lai thời chi sinh, ngã Lê Thánh nữ dã.

      Ngã Lê thánh tiên tổ, nguyên Hải Dương xứ, Kinh Môn phủ, Đông Triều huyện, An Biên xã. Thánh phụ mẫu quảng hành âm dương nhất mục cáo Yên Tử sơn phần hương cầu tự. Thánh phụ dạ mộng hữu thanh vân: Quân gia phúc chi thượng đạt Thiên đình, Ngọc Hoàng phúc tứ tiên thánh giáng trần, tha nhật quang hiển môn hộ, phi nam nhi khả tỷ, mộng giác hậu. Thánh mẫu phúc cự nhân tích nhi sinh Thánh.

      Nhân dĩ “Thượng tòng trực, hạ tòng nhập” mệnh danh, trường nhi dĩnh dị. Thời Đinh Bắc thuộc Tô Định bạo lôi sinh linh đồ thán, gia thân diệc hại, khi bản hương mộ điền tốt, mịch hải tân, khẩn điền thực trang danh An Biên. Ngọa tân thường đảm, bất cộng chi thu vị thường nhất nhật vong dã. Thích Trưng vương khởi nghĩa binh, phấn nhiên viết:

       Cừu khả phục hỹ. Tập trang đinh tựu yết. Trưng vương gia chi, phong vi công chúa, mệnh dữ vương muội Trưng Nhị tịnh chưởng binh quyền tiến thảo. Tô quân bại, Nam thổ bình. Trưng vương tự lập vi vương, bao phong Thánh công chúa, chiêu hồi An Biên nghiêm bảo phòng khấu. Thánh phụng chỉ, tịch ô lai thông hải thị dân dụng dĩ khang, hàm đới như phụ mẫu. Tam niên, Mã Viện lai xâm, vương tái chiêu tòng chinh lũy tiệp lẫm hà. Hán binh bại, Bắc vương thường thắng trường khu, quắc đới phong suy, tặc tri nữ vương, nữ tướng tức ảnh chiến. Vương mãn diện tu tàn vô tâm luyến chiến, toại đồng tự đầu hà nhi thệ, tùy hiển linh ứng từ dân gian, dạ mộng, Thánh hồi báo vị trần hoàn dĩ mãn quy triều.
       Thượng đế ân phong Thành hoàng, nhĩ đẳng lai tảo tựu giang biên, kiến hà vật kiện, tức nghênh hồi tự chi. Dân tỉnh giác tựu giang ngạn, vũ hối minh, ba đào hung dũng, hốt kiến thạch bàn giang diện nghịch lưu. Thích thi kỳ lập biện hải giải, long đằng bính thiết án đồng la bái. Lưu nhân nhất thạch bàn thượng thạch miếu nhất tọa, nội đề sắc phong tứ tự, tức nghênh hồi Đồng Mạ xứ, thạch miếu an lưu cải di bất đắc, Đông hướng tự chi.
       Thời Trần Anh Tông bình Chiêm, kinh quá địa phận, mộng báo âm phù. Đế tỉnh giác ký kim chương, khải hoàn gia tặng Nam Hải Uy Linh mệnh đình thần, trí tế ban tứ công tiền tu lý miếu điện. Nhân đán tri hữu nhị Trưng ái quần ái quốc nghĩa liệt sự nhi bất tri hữu nhị Trưng, đồng thời oanh oanh liệt liệt chi, An Biên thánh vi Trưng vương tá ấp nhân truy tụ vi hậu lai phục quốc, chư đại anh hùng xướng kỳ huân liệt, hữu bất khả yếm giả. Ý hà ngã quốc kỳ nữ chi đa dã. Nữ nhi thánh, Thánh như thần hân vị thần Thánh bất khả tri giả, vô tha thiện xung kỳ ái quốc chi tâm nhi dĩ. Ngật, kim thiên hữu di tải lăng, cốc yến thiên sùng từ bất cải. Bàn thạch tôn, án anh linh trường tại từ ư hải ấp vi đệ nhất cổ tích. Quốc chi nhân âu ca, sùng tự dữ Hà Nội Trưng vương tự nhất thể quân thần hưởng tự đồng, kỷ niệm đồng giã. Kim trùng tu từ vũ trưng văn dĩ lặc thạch bi, thiên vạn thế hậu, giai tri ngã quốc cổ thời, dĩ hữu An Biên Thánh dĩ ái quốc vi luân lý trung, đệ nhất nghĩa tắc tư bi bất vi vô bồ vân.
       Thành Thái nguyên niên sắc phong Dực Bảo.
       Thành Thái thập tứ niên sắc phong Trai Thục.
       Duy Tân tam niên sắc phong Dực Bảo Trung Hưng.
       Duy Tân ngũ niên sắc phong Trai Thục Trung Hưng.

       Khải Định cửu niên Giáp Tý mạnh xuân chi tam nhật. 

       Khải Định cửu niên sắc phong Trang Huy Thượng đẳng thần.
       Hải Phòng thành phố đệ nhị nguyên An Biên xã thân hào chức dịch đồng xã thượng hạ đẳng kính sùng bái cẩn!

.

Tượng đài Lê Chân tại dải trung tâm Hải Phòng 

Dịch nghĩa (Vũ Hoàng):

Bia Thần tích làng An Biên nội đô Hải Phòng.

      Ngày xưa, trời sinh ra Đức Thánh để che chở cho dân nước Nam, nhưng việc kỳ lạ nhất trong điều huyền bí nhất là sự xuất hiện Nữ Thánh họ Lê vào thời Tô Định cai trị nước ta.

       Dòng dõi của Thánh mẫu nguyên ở xã An Biên, huyện Đông Triều, phủ Kinh Môn, xứ Hải Dương. Phụ mẫu sinh ra Nữ Thánh thường làm việc thiện để tu nhân, tích đức. Một bận hai ông bà đến núi Yên Tử thắp hương cầu tự. Đêm hôm đó, trong lúc chiêm bao có tiếng người văng vẳng bên tai ông và truyền rằng: Vợ chồng nhà ngươi làm nhiều việc thiện đã thấu tới Thiên đình, Ngọc Hoàng ban phúc cho nhà ngươi một Tiên nữ xuống trần đầu thai làm con, sau này làm nên nghiệp lớn, rạng danh gia tộc, không nam nhi nào sánh kịp. Nghe xong câu nói đó thì ông liền tỉnh giấc.

       Sau đó, vợ ông giẫm vào vết chân người khổng lồ, rồi mang thai, sinh ra Nữ Thánh. Nhân sự việc diễn ra như vậy, ông bà liền đặt tên cho con gái mình là Chân. Lúc lớn lên, Thánh Chân rất thông minh, tài sắc vẹn toàn. Thời ấy nước ta bị nhà Hán đô hộ. Thái thú Tô Định thi hành chính sách tàn bạo, đời sống nhân dân vô cùng khổ cực, ngay thân phụ Thánh Chân cũng bị sát hại.

       Thánh Chân đành rời quê, chiêu mộ tráng đinh, tìm tới vùng ven biển khai hoang, lập ấp và đặt tên nơi mới là An Biên. Tuy gặp nhiều gian khó, nhưng lúc nào Bà cũng không quên mối thù không đội trời chung với quân giặc phương Bắc bạo tàn. Vào thời gian này, được tin Trưng Vương khởi nghĩa. Thánh Chân phấn khởi nói: “Đã đến lúc có thể trả thù được rồi đây”. Thánh Chân liền tập hợp quân lính để yết kiến với Trưng Vương. Trưng Vương vui mừng khôn xiết, rồi ban cho Lê Chân làm Công chúa và cùng với Trưng Nhị nắm binh quyền tiến đánh quân Tô Định. Giặc Hán thua to ở vùng Nam Bình, Trưng Vương tự lập vua và phong chức cho Lê Chân là Công chúa Thánh Chân, rồi cử Bà trở về đóng đồn ở khu vực trang An Biên phòng chống giặc ngoại xâm.

       Theo lệnh vua, Thánh Chân về mở mang đất hoang, lập chợ kinh doanh. Đời sống nhân dân ngày một ấm no hạnh phúc, ai ai cũng thành kính Thánh Chân như bậc phụ mẫu. Ba năm sau, Mã Viện đem quân sang đánh nước ta. Vua lại triệu Thánh Chân cầm quân ra trận. Thủy quân ta thắng lớn, quân Hán thua to. Trưng Vương nhân lúc thắng thế hô quân đuổi theo, khí thế oai phong lẫm liệt, khăn áo tung bay. Quân giặc biết vua, tướng sỹ ta đều là phụ nữ, lập tức khỏa thân xung trận. Vua và tướng sỹ ta xấu hổ, nhụt ý chí chiến đấu, dẫn đến thất bại, gieo mình xuống sông tự vẫn.

       Sau khi mất, hồn thiêng của Nữ Thánh Lê Chân rất linh ứng. Vào một đêm, dân chúng địa phương mơ thấy Đức Thánh về mách bảo: “Ta đã hết duyên trần, nay phải về Thiên đình. Thượng Đế ân phong cho ta làm Thành hoàng. Các ngươi sớm mai ra bến sông, thấy vật gì lạ thì mang về thờ phụng”. Tinh mơ hôm sau, dân làng cùng ra bến sông ngóng đợi. Bỗng trời đất mịt mù, mưa to, gió lớn, sông nổi sóng đùng đùng và thấy một sập đá trôi ngược dòng nước hiện ra.

       Nhân ngày có phiên chợ, dân làng làm mâm cua biển, mâm bún đặt lên hương án cùng nhau lễ bái. Liền lúc đó, sập đá dạt vào bờ, trên mặt có miếu đá nhỏ, trong đó có sắc phong. Dân chúng cùng nhau vớt lên và khiêng rước về xứ Đồng Mạ của làng. Sau đó không thể chuyển nổi tới chỗ khác, vì sập đá kia trở lên quá nặng, nên làng lập miếu thờ ngay tại địa điểm ấy và lấy hướng quay về phía Đông…

       Vua Trần Anh Tông đi đánh giặc Chiêm Thành, lúc qua địa phận An Biên, được Thánh Chân báo mộng xin âm phù. Khi tỉnh giấc, vua liền lấy giấy bút ra ghi vào sổ vàng. Lúc thắng giặc trở về, đã gia tặng cho Công chúa Thánh Chân là Nam Hải Uy Linh, rồi sai đại quan triều đình đến lễ bái và cấp ngân khố để trùng tu miếu.

       Người đời chỉ biết có Hai Bà Trưng thương dân yêu nước, làm nên nghiệp lớn, mà chưa biết Nữ Thánh ở An Biên cùng thời với Hai Bà. Nhằm nêu cao truyền thống anh hùng không bao giờ bị mờ phai trong việc giữ gìn và bảo vệ Tổ quốc, đó là một vị tướng tài của Trưng Vương được thần dân tôn kính.

       Sao nước ta có nhiều phụ nữ kỳ tài đến vậy. Nữ nhi đã hiển Thánh đến nay gần 2 thiên niên kỷ, thời thế thay đổi, đền miếu vẫn như xưa, sập đá còn lưu, sự linh thiêng còn mãi cùng năm tháng. Miếu thờ Nữ Thánh tại Hải Ấp vào bậc cổ nhất vùng đất này. Người đời ca tụng vinh danh, cũng như đền Hai Bà Trưng ở Hà Nội. Vua tôi cùng nhau tôn thờ, cùng ghi lòng tạc dạ.

       Nay nhân dịp trùng tu miếu, làng soạn văn khắc vào bia đá để muôn đời sau rõ: “Nước ta từ cổ xưa đã có vị Thành hoàng làng An Biên một lòng yêu nước, thương dân. Đó là luân thường đạo lý. Thế thì văn bia này khắc ra cũng không phải là không có ích”.

  • Năm Thành Thái nguyên niên (1889) sắc phong cho nữ thần với

mỹ tự là Dực Bảo.

  • Năm Thành Thái thứ 14 (1902) sắc phong cho nữ thần với mỹ tự

Trai Thục (Trung đẳng thần).

  • Năm Duy Tân thứ 3 (1909) sắc phong cho nữ thần với mỹ tự là

Dực Bảo Trung Hưng.

  • Năm Duy Tân thứ 5 (1911) sắc phong cho nữ thần với mỹ tự là

Trai Thục (Trung đẳng thần).

  • Ngày 03 tháng giêng năm Giáp Tý, niên hiệu Khải Định thứ 9

(1924)

  • Năm Khải Định thứ 9 (1924) sắc phong cho nữ thần với mỹ tự là

Trang Huy (Thượng đẳng thần).

       Thân hào, chức dịch cùng toàn dân Đệ Nhị hộ phố, nguyên là xã An Biên xưa, thành phố Hải Phòng kính cẩn lập bia.

__________

* Đây là văn bia của làng, nên văn phạm còn nhiều chỗ chưa được thoát ý: Người đang sống thì không bao giờ được làm Thánh. Hay Trưng Vương ban cho Lê Chân làm Công chúa, mặc dù hai người tuổi cũng gần ngang nhau. Hay cách nay 2.000 năm, nhưng người viết chỉ biết lịch sử hành chính quê Bà từ cuối thế kỷ XV. Hay trong bia ghi đời vua Trần Anh Tông (1293 – 1314) gia phong cho Lê Chân là Nam Hải Uy Linh Công chúa Thánh Chân, nhưng sắc phong tới năm Thành Thái thứ 14 (1902) mới được gia phong chức thần trên. Hay ngày lập bia (03/01 Giáp Tý - 1924), nhưng sắc phong năm Khải Định thứ 9 (25/07 Giáp Tý - 1924), nên rất có thể dòng cuối này khắc thêm vào sau khi đã lập bia?v.v.

          Qua Bia đá Thần tích trên ta thấy ghi 5 sắc phong sau đều được gia tặng cho nữ thần với mỹ tự Trai ThụcTrang Huy, như vậy có thể khảng định được đây là vị Âm thần (không phải Dương thần).

NGỌC TÔ

(Còn nữa, ai cần nghiên cứu thì xem ở sách Hải Phòng những trầm tích thời gian)