/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

TÔ NGỌC THẠCH

NỮ CHIẾN SỸ CÁCH MẠNG KIÊN TRUNG TRIỆU THỊ ĐỈNH

Cuộc đời của một nữ chiến sỹ cách mạng kiên trung Triệu Thị Đỉnh là tấm gương sáng ngời về người cộng sản chân chính, đức độ, trung thành với Đảng,...

NỮ CHIẾN SỸ CÁCH MẠNG KIÊN TRUNG TRIỆU THỊ ĐỈNH


       Người con gái xinh đẹp, nết na Triệu Thị Đỉnh sinh ngày 24 tháng 12 năm 1912 (Nhâm Tý) tại thôn Đồng Mô, xã Túc Duyên, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Để giữ bí mật hoạt động bà đã khai trong lý lịch của mình là sinh tại làng Đỉnh, huyện Quế Dương (nay là Quế Võ), Hà Bắc (nay là Bắc Ninh). Triệu Thị Đỉnh là người đồng chí, người bạn đời của nhân vật lịch sử Việt Nam Nguyễn Văn Ngọ, là người con dâu hiếu thảo của quê hương cách mạng Vĩnh Bảo, Hải Dương nay là thành phố Hải Phòng. Vợ chồng ông bà đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc.

      Sinh ra và lớn lên trong một gia đình yêu nước, Triệu Thị Đỉnh được cha mẹ cho học tại trường “Con gái Bắc Ninh”. Tuy còn nhỏ tuổi, sẵn lòng yêu nước, cô thiếu nữ Triệu Thị Đỉnh đã tham gia phong trào để tang nhà yêu nước Phan Châu Trinh và đón Phan Bội Châu về nước. Sau đó quay về học ở trường Thái Nguyên. Được các thầy cô giáo giảng giải về nỗi khổ của người dân mất nước, rồi được tham gia tuyên truyền cuốn “Chiêu hồn nước” của tác giả Phan Tất Đắc. Thời gian sau Triệu Thị Đỉnh lại chuyển sang học ở trường “Con gái Đáp Cầu” Bắc Ninh và tham gia rải truyền đơn cách mạng.

      Năm 17 tuổi thoát ly gia đình, xin vào làm thuê cho xưởng Đèn, Triệu Thị Đỉnh được chứng kiến nỗi khổ của người dân nô lệ, rồi cảnh ngoại bang bóc lột và đàn áp anh em công nhân… Được một thời gian, Triệu Thị Đỉnh ra Quảng Ninh dạy học tại một trường tư thục ở Mạo Khê. Tại vùng đất mỏ này, Triệu Thị Đỉnh đã tìm được người dì họ, rồi hai dì cháu làm thương mại kiếm sống từ Quảng Ninh đi Hải Phòng và ngược lại.       

Năm 1928, trên đường đi kinh doanh bà gặp lại người bạn cũ, đang hoạt động trong phong trào sinh viên ở Trường kỹ nghệ Hải Phòng. Qua đó Triệu Thị Đỉnh gặp được Trần Đình Quý, một cán bộ cách mạng của Đảng và được ân cần giảng giải cho bà về đường lối cách mạng và phong trào đấu tranh giải phóng đất nước. Cũng tại Hải Phòng, Triệu Thị Đỉnh thân quen với nữ chiến sỹ cách mạng Trần Thị Bích Hợp (sau là vợ đồng chí Lương Khánh Thiện) và được hai đồng chí này giới thiệu, Triệu Thị Đỉnh đã vinh dự chính thức đứng trong hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam vào tháng 6 năm 1930, sinh hoạt ở Đảng bộ Hải Phòng khi vừa tròn 18 tuổi. Đây là dấu ấn quan trọng trong sự nghiệp hoạt động cách mạng của nữ chiến sỹ cộng sản kiên trung Triệu Thị Đỉnh.

      Lúc đầu được Tổ chức phân công hoạt động ở Xứ ủy Bắc Kỳ. Từ tháng 6 năm 1930 đến tháng 3 năm 1931 Triệu Thị Đỉnh được đồng chí Lê Duẩn đại diện cho Xứ ủy giao nhiệm vụ phụ trách bảo hiểm, bảo mật của Xứ ủy Bắc Kỳ đóng tại khu Lạch Tray, Hải Phòng. Sau đó Triệu Thị Đỉnh lại được Tổ chức giới thiệu ra Hòn Gai - Quảng Ninh làm việc ở Xưởng In ấn tài liệu và làm giao liên cho Xứ ủy cùng đồng chí Trần Đình Quý. Được một thời gian, theo yêu cầu của Tổ chức Triệu Thị Đỉnh ra Móng Cái vẫn đảm nhiệm công tác trên. Sau đó Triệu Thị Đỉnh lại được điều về ngõ Đá - Hải Phòng làm công tác ở Ban Hậu cần của Xứ ủy Bắc Kỳ.

Mặc dù phải thuyên chuyển công tác liên tục, phải trá hình bằng nhiều ngành nghề khác nhau để qua mắt bọn mật thám. Nhưng với lòng yêu nước, phát huy sáng tạo của người chiến sỹ cách mạng, Triệu Thị Đỉnh đều hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Ngày 20 tháng 4 năm 1931 do tên Nghiêm Thượng Biền phản bội và Triệu Thị Đỉnh bị bắt tại ngõ Đá, Hải Phòng. Cùng bị bắt với bà còn 34 đồng chí khác như Lê Duẩn, Trịnh Đình Cửu, Trần Văn Lan, Vũ Tự, Trần Văn Mạc, Nguyễn Thị Đĩnh, Lê Thị Chắt… và bị thực dân Pháp kết án tù chung thân. Qua 5 năm rưỡi giam cầm tại nhà tù Sở Mật thám Hải Phòng và Hỏa Lò, Hà Nội. Bị tra tấn vô cùng dã man, nhưng Triệu Thị Đỉnh vẫn kiên cường đấu tranh trên phương diện chính trị, buộc bọn cai ngục phải khuất phục. Nhân sự kiện Mặt trận bình dân Pháp lên cầm quyền, ngày 26 tháng 10 năm 1936 Triệu Thị Đỉnh được trả tự do.

      Sau khi ra tù 4 tháng (2/1937), Triệu Thị Đỉnh liên lạc được với đồng chí Hoàng Quốc Việt và được giao nhiệm vụ hoạt động công khai. Tham gia Ban Quản trị các báo: “Bạn Dân – Thế Thời – Tin Tức – Thời Nay”. Năm 1937 bà đã chính thức kết hôn với ông Nguyễn Văn Ngọ vì hai người đều vừa mới từ nhà tù ra, thấu hiểu nỗi khổ của nhau và họ đang ở độ tuổi khát khao nhất. Quay lại bánh xe thời gian một vài năm trước, nhờ “bà mối mát tay” là nhà cách mạng Trần Thị Bích Hợp, mà đôi uyên ương Ngọ - Đỉnh đã nên vợ nên chồng. Theo người cháu họ của bà được nghe kể lại thì khi lần đầu gặp nhau hình ảnh ấn tượng đầu tiên của ông Ngọ: Bà là người con gái xinh đẹp, đôi mắt hút hồn, toát lên một con người đầy nghị lực, luôn chất chứa trong mình một tinh thần yêu nước nồng nàn. Còn trong mắt bà thì Nguyễn Văn Ngọ là người đàn ông cao ráo, trí thức, lịch thiệp hào hoa. Họ chỉ biết đặt cược niềm tin vào tình yêu chân thành trong cảnh nước mất, nhà tan. Thời gian phải xa nhau, cũng chính là là thước đo của lòng chung thủy...

Những ngày tháng này Triệu Thị Đỉnh thường xuyên được cử về quê chồng là huyện Vĩnh bảo, Hải Dương (nay là Hải Phòng) và quê mình là Thái Nguyên để tuyên truyền về báo chí cách mạng. Tháng 9 năm 1939, do sự phản bội của tên Lê Thụ, bà bị bắt lại lần 2 và đến tháng 12 năm 1939 thực dân Pháp phải thả Triệu Thị Đỉnh vì không có chứng lý. Ra tù, sức khỏe bị giảm sút trầm trọng và bà được Tổ chức Đảng cho về quê chồng dưỡng thương. Sau một thời gian sức khỏe hồi phục, Triệu Thị Đỉnh được Đảng giao làm công tác dân vận: Xây dựng cơ sở cách mạng ở Vĩnh Bảo. Tháng 8 năm 1941 bà lại bị mật thám bắt lần thứ 3 tại Vĩnh Bảo, sau đó chúng đưa về Sở Mật thám Hải Dương tra tấn… Thời gian này người chồng nữ chiến sỹ cách mạng Triệu Thị Đỉnh là đồng chí Nguyễn Văn Ngọ cũng đang bị thực dân Pháp giam cầm. Nhưng vợ chồng ông bà kiên quyết không chịu khuất phục trước những đòn tra tấn man rợ của kẻ thù. Do bị đánh vào tâm lý bọn cai ngục, với lại thời gian này Triệu Thị Đỉnh đang mang thai, nên buộc thực dân Pháp phải thả. Nhưng chúng vẫn “quản thúc tại gia” bà tại nhà chồng ở thôn Hạ Đồng, xã Cộng Hiền, Vĩnh Bảo, Hải Dương nay là Hải Phòng.
.

Nhà cách mạng Triệu Thị Đỉnh (1912 - 2007) 

     Cách mạng tháng 8 thành công (1945) Tổ chức lại điều bà về công tác ở Ty Công an Thái Nguyên. Sau đó bà được điều về Hà Nội làm công tác dân vận… Cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, tháng 12 năm 1946 bà được Tổ chức phân công về làm công tác tình báo của Thái Nguyên, rồi Ban Kinh tế của huyện Định Hóa - Thái Nguyên. Nhiệm vụ chủ yếu là xây dựng vững chắc An Toàn Khu, một loại hình hậu phương chiến tranh nhân dân, là địa bàn cư trú và bảo vệ vững chắc trung tâm lãnh đạo điều hành sự nghiệp kháng chiến kiến quốc của cả nước.

      Đến tháng 6 năm 1948, bà được cấp trên điều về huyện Thái Ninh và Đông Quan tỉnh Thái Bình làm công tác dân vận. Sau đó lại quay về huyện Đinh Hóa, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục công việc đến tận tháng 4 năm 1952 bà được điều về công tác Văn phòng Bào chế Cứu tế xã hội Liên khu III.

       Sau chiến thắng Điện Biên Phủ (07/05/1954) tròn 28 ngày, một “tin sét đánh” đối với bà là người chồng, người đồng chí thân thiết, nhà cách mạng Nguyễn Văn Ngọ được Trung ương cử đi công tác nước ngoài đã hy sinh ngày 04 tháng 06 năm 1954 tại Trung Quốc, hưởng thọ 49 tuổi. Đây là nỗi đau không thể gì bù đắp được đối với nữ chiến sỹ cách mạng Triệu Thị Đỉnh, nhưng bà đã vượt lên trước dông bão cuộc đời để tiếp tục sống và nuôi dạy con cái trưởng thành. Từ tháng 7 năm 1958 đến tháng 4 năm 1959 bà đã được Tổ chức điều về công tác tại Công ty Nông lâm thổ sản tỉnh Thái Nguyên, làm Bí thư Đảng đoàn Hội Phụ nữ tỉnh. Tháng 4 năm 1959 đến tháng 3 năm 1962 bà được bầu vào Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên, rồi từ 1962 đến 1969 làm Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Thái Nguyên và Bắc Thái…

Nữ chiến sỹ cách mạng kiên trung Triệu Thị Đỉnh đã về hưu theo chế độ từ năm 1970. Cũng như bao nhiêu gia đình cán bộ hồi đó, ba mẹ con bà được trên bố trí cho căn hộ nhỏ ở B2 khu tập thể Kim Liên, Hà Nội. Mặc dù vợ chồng bà là những người có nhiều công lao cống hiến cho đất nước, nhiều người cùng hoạt động với ông bà lúc ấy, nay là những người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ, nhưng bà vẫn ẩn mình sống một cuộc đời thanh bạch tại một căn hộ với gần hai chục mét vuông cho tới lúc về với tổ tiên.

 

     Ông bà sinh được hai người con trai là Nguyễn Văn Căng và Nguyễn Văn Hải. Với tâm niệm “Căng Hải”, khi nói ngược lại là “Hai Cẳng”. Vợ chồng ông bà và hai con phải dựa trên đôi chân của chính mình mà đi, mà tiến. Và, khi còn ở Nga, nhân lúc vui vẻ tôi có hỏi anh Căng là ai đặt tên cho anh. Căng trả lời: “Từ Căng theo tiếng Pháp có nghĩa là “tập chung tù chính trị”, nên khi tôi ra đời (1942) thì cha tôi vẫn còn đang ở trong tù, có lẽ vì thế mà mẹ đã đặt tên theo ý nguyện của cha.

      Người con út của ông bà là Nguyễn Văn Hải sinh năm 1946. Thời niên thiếu được Trung ương Cục cho đi học tập văn hóa tại Trường thiếu nhi Việt Nam tại Quế Lâm – Quảng Tây - Trung Quốc. Sau khi tốt nghiệp PTTH, anh được chọn đi học tại Đại học Điện ảnh tại Liên Xô cũ và về công tác tại Hãng Phim truyện Việt Nam. Không hiểu vì sao “Nỗi đau xé nát cả ngàn nỗi đau” cứ dồn dập tới nữ chiến sỹ cách mạng kiên trung Triệu Thị Đỉnh. Cử nhân Nguyễn Văn Hải lâm trọng bệnh, rồi vĩnh viễn ra đi vào ngày 19 tháng giêng Tân Dậu (23/02/1981) với 36 tuổi đời, khi chưa kịp lập gia đình. 
.

Cử nhân Nguyễn Văn Hải (1946 - 1981) 
 

      Người con cả Nguyễn Văn Căng sinh năm Nhâm Ngọ (1942), thuở ấu thơ được Trung ương Cục cho đi học tập văn hóa tại Trường thiếu nhi Việt Nam tại Quế Lâm - Quảng Tây - Trung Quốc. Với lực học phổ thông trung học nổi trội, anh được chọn đi học đại học ngành chế tạo máy tại Liên Xô cũ. Sau khi tốt nghiệp, anh về giảng dạy tại Đại học Bách Khoa Hà Nội, rồi công tác tại Tổng cục Đo lường chất lượng Việt Nam. Sau đó, anh bảo vệ luận án Tiến sỹ kỹ thuật tại Liên Xô cũ và về làm tại Ủy ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước với chức danh cao nhất hàm Phó Vụ trưởng. Vào cuối thập niên 80 thế kỷ XX, Tiến sỹ Nguyễn Văn Căng được điều động sang làm Tham tán Khoa học Kỹ thuật Đại sứ quán Việt Nam tại Matxcơva. Thời gian này tôi cũng đang công tác tại Nga nên lúc nào vào sứ quán thì lại gặp anh. Tiến sỹ Nguyễn Văn Căng dáng người cao ráo, đôi mắt lanh lợi, ưa nhìn, tư chất thông minh, dễ gần, thích đi du lịch và được mọi người mến phục. Rồi số phận nghiệt ngã lại đến với nữ chiến sỹ cách mạng Triệu Thị Đỉnh:

“Cơn đau nối tiếp cơn đau

Nỗi buồn nối tiếp theo nhau nỗi buồn...”

(Thi An)

Người con duy nhất, niềm hy vọng lớn nhất của bà vụt tắt vì Căng lại lâm bệnh hiểm nghèo. Bà được Bộ Ngoại giao cho sang Matcơva để chăm sóc con trong những năm tháng cuối đời. Nguyễn Văn Căng được các thày thuốc Liên Xô thời ấy hết lòng cứu chữa, nhưng số phận thật nghiệt ngã với anh. Thuốc chữa được bệnh, nhưng không chữa được mệnh. Một con người tài năng, một nhà khoa học đam mê đang ở độ chín, sau 12 ngày về tới Hà Nội thì anh cũng ra đi đúng vào ngày mùng 01 tết Nhâm Thân (04/02/1992) và những vòng hoa trắng toát phủ kín cả khu phố đã đưa anh về nơi yên nghỉ cuối cùng…
.

TS. Nguyễn Văn Căng (1942 - 1992) 

       Một mình lặng lẽ chống chọi với tuổi già. Lúc đầu là ông hy sinh từ ngày miền Bắc được giải phóng (1954), rồi hai người con cũng lần lượt nối tiếp nhau ra đi, khi chưa đứa nào kịp xây dựng gia đình. Bà chỉ biết dựa vào ý chí của người cộng sản để chống chọi với trống vắng bất tận, với đơn côi tột cùng, với bệnh tật triền miên và với già nua khắc khoải:

“...Giấu giông tố vào thẳm sâu giấc ngủ đêm tháng mười dài thườn thượt

Lặng im chìm vào đêm lướt thướt

Nhớ thương trôi tận cuối dòng đời

Trống vắng ùa theo từng mạch máu trong người

Mùa xuân giã từ lời chia ly trong âm thanh bị giết…” (Thi An)

Thế rồi năm 2007 người nữ chiến sỹ cách mạng Triệu Thị Đỉnh đã ra đi vào ngày 13 tháng 8 Đinh Hợi (23/09/2007) hưởng thọ 96 tuổi. Thi hài bà được an táng bên cạnh hai con trai ở nghĩa trang quê thôn Hạ Đồng xã Cộng Hiền, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng.

      Nữ chiến sỹ cách mạng Triệu Thị Đỉnh đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng nhất, Huân chương Độc lập hạng nhì, huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều phần thưởng cao quý khác… Cuộc đời của một nữ chiến sỹ cách mạng kiên trung Triệu Thị Đỉnh là tấm gương sáng ngời về người cộng sản chân chính, đức độ, trung thành với Đảng, tận tụy với sự nghiệp cách mạng, xứng đáng để cho thế hệ chúng ta ngày nay noi theo.
Ngọc Tô biên soạn