VIDEO
Tin nóng
QUẢNG CÁO
LỊCH
LIÊN KẾT
TÔ NGỌC THẠCH
NHỮNG LÀNG QUÊ NÀO CÓ VĂN CHỈ?
Trong quá trình nghiên cứu chúng tôi thấy: Những huyện có các nhà khoa bảng (Tiến sỹ Nho học) thông thường có Văn miếu.NHỮNG LÀNG QUÊ NÀO CÓ VĂN CHỈ?
.
Trong quá trình nghiên cứu chúng tôi thấy: Những tỉnh thành có các nhà khoa bảng (Tiến sỹ Nho học) thông thường có Văn miếu (文廟), tên đầy đủ là Văn Tuyên Vương miếu (文宣王廟), còn được gọi là Khổng miếu (孔廟) hoặc Phu tử miếu (夫子廟), là miếu thờ Khổng Tử và các nhà khoa bảng địa phương mình tại một số nước Đông Á như: Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Triều Tiên và Nhật Bản. Nhiều người lầm tưởng chỉ có quốc gia hay tỉnh thành lớn mới có Văn miếu, mà Văn miếu ở các cấp cơ sở đều có.
Ví dụ như tại tỉnh Hải Dương cổ: Văn miếu huyện Tiên Minh (tức Tiên Lãng) ở xã Ninh Duy, tổng Ninh Duy (nay là xã Khởi Nghĩa, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng). Văn miếu ở phủ Ninh Giang thì tại xã Kênh Triều, huyện Gia Lộc (nay thuộc xã Thống Kênh, huyện Gia Lộc, Hải Dương). Văn miếu của huyện Vĩnh Lại ở xã Tranh Xuyên, tổng Bất Bế (nay là xã Đồng Tâm, huyện Ninh Giang, Hải Dương), còn Văn miếu huyện Gia Lộc ở xã Hội Xuyên, tổng Hội Xuyên (nay thuộc thị trấn Gia Lộc). Văn miếu huyện An Lão ở xã Nguyệt Áng, tổng Phù Lưu (nay là thôn Nguyệt Áng, xã Thái Sơn, huyện An Lão, Hải Phòng). Văn miếu huyện Kim Thành ở xã Hoàng Xá, tổng Phí Gia (nay thuộc khu vực xã Liên Hòa, huyện Kim Thành, Hải Dương). Văn miếu huyện An Dương ở xã Hàng Kênh, tổng Đông Khê (nay thuộc phường Hàng Kênh, quận Lê Chân, Hải Phòng). Văn miếu huyện Nghi Dương và phủ Kiến Thụy tại xã Xuân La, tổng Trà Hương (nay thuộc thị trấn Kiến Thụy, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng). Văn miếu phủ Kinh Môn ở xã Hà Trường, tổng Hà Trường, huyện Giáp Sơn. Văn miếu huyện Thủy Đường (Thủy Nguyên) ở xã An Lư, tổng Thủy Đường (nay thuộc xã An Lư, huyện Thủy Nguyên). Văn miếu của huyện Đông Triều ở xã Yên Lâm, tổng Mễ Sơn (nay thuộc phường Đức Chính, thị xã Đông Triều, Quảng Ninh.v.v.
Riêng ở khu vực tỉnh Hải Dương cổ (trước năm 1887) thì những làng, tổng đều có Văn chỉ (Đàn lộ thiên) để thờ Khổng Tử và các vị đỗ Đại khoa quê mình. Còn như những người làm quan, dẫu đến nhất nhị phẩm mà không có chân khoa mục, cũng không được dự, chỉ đến lúc tế mới đem vào phối hưởng mà thôi. Hàng năm, vào tháng hai, tháng tám, tế hai kỳ gọi là xuân thu nhị đình. Có nơi cả làng tế, có nơi chỉ người có chân trong hội tư văn mới được dự tế. Năm nào có khoa thi thì cả sỹ tử trong làng họp lại làm lễ kỳ khoa, hoặc cả làng làm lễ, để cầu cho địa phương mình được nhiều người hiển đạt. Sau khi đỗ đạt, lúc về vinh quy bái tổ các “nghè” phải có lễ ra Văn chỉ để tạ ơn tiền hiền (bậc hiền triết đời trước).
Một số làng tổng tại huyện Vĩnh Bảo có Văn chỉ như: Làng Đông Tạ, tổng Đông Tạ thì Văn chỉ ở khu vực giữa làng, ngay ngã tư về chùa Đông Tạ. Văn chỉ của Tạ Xá (thôn Tạ Ngoại và Nội Tạ), tổng Bắc Tạ ở khu vực Trạm xá xã An Hòa ngày nay. Văn chỉ của làng Hà Dương, tổng Hạ Am ở khu vực bìa làng, gần khu di tích Tiến sỹ Dương Đức Nhan. Văn miếu của tổng An Bồ ở làng Xuân Bồ (nay thuộc xã Dũng Tiến). Văn chỉ của làng An Bồ, tổng An Bồ ở gần chùa Mét xã Dũng Tiến ngày nay. Văn chỉ của làng Hội Am, tổng Đông Am thuộc khu vực chùa Gạo làng Hội Am, xã Cao Minh ngày nay. Văn chỉ của làng Trung Am, tổng Thượng Am ở phía Nam của làng. Văn chỉ của làng Tranh Khê, tổng An Bồ, nay nằm ở xóm Du Kích, Kim Ngân thuộc xã Vĩnh An. Văn chỉ của làng Đông Quất, tổng Can Trì, nay ở ngã ba thôn Đông, thôn Độ và thôn Tràng (Tây Bắc thôn Tràng) thuộc xã Tam Đa...
Văn chỉ làng Hòa Ung xưa tại khu vực này
Trong quá trình xem xét danh sách các Tiến sỹ Nho học của huyện Vĩnh Lại, chúng tôi thấy còn hai vị nữa chưa biết chính thức quê quán thuộc lục tổng khu dưới huyện Vĩnh Bảo hay ngũ tổng thuộc huyện Ninh Giang. Qua quá trình điều tra điền dã, chúng tôi tìm được làng Hòa Ung, tổng Bất Bế, nay là thôn Ngọc Hòa, xã Vĩnh Hòa, huyện Ninh Giang, Hải Dương) có Văn chỉ. Trước đây là một đống cao, sau này bị san phẳng làm Trường Tiểu học, rồi Trường Mẫu giáo của xã, rồi thành khu dân cư gần chùa Hưng Khánh của làng. Kết hợp với nhiều tài liệu khác nữa, chúng tôi nhận thấy nhà khoa bảng Nguyễn Nhân Sĩ, người xã Hòa Ung, tổng Bất Bế, huyện Vĩnh Lại, đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân khoa Ất Sửu, niên hiệu Đoan Khánh nguyên niên (1505) đời vua Lê Uy Mục. Khoa thi này triều đình Lê sơ lấy 54 vị đỗ Đại khoa, trong đó có 15 Hoàng giáp, 36 Tiến sỹ và Trạng nguyên là Lê Nại, người làng Mộ Trạch, huyện Bình Giang, Hải Dương.
Văn chỉ làng An Biên, nay thuộc xã Hưng nhân, huyện Vĩnh Bảo
Còn một Văn chỉ khác nữa ở xã An Biên (tên Nôm là làng Vẻn), tổng Kê Sơn, huyện Vĩnh Lại (nay thuộc khu đất nhà ông Nguyễn Văn Biều, thôn An Biên, xã Hưng Nhân, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng) gần khu đất chùa Thẻ, phía Nam của làng An Biên. Kết hợp với nhiều tài liệu khác nữa, chúng tôi nhận thấy nhà khoa bảng Nguyễn Mỹ, đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo thứ 3 (1442) đời vua Lê Thái Tông. Làm quan đến chức Tả thị lang bộ Lễ. Khoa thi này triều đình Lê sơ lấy 31 người đỗ Đại khoa, trong đó có 7 Hoàng giáp, 21 Tiến sỹ và Trạng nguyên là Nguyễn Trực, người xã Bối Khê, huyện Thanh Oai, sau di dời tới huyện Yên Sơn, nay thuộc huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội.
NGỌC TÔ
@
Các tin khác
-
SÔNG “KINH THẦY” CÓ TỪ BAO GIỜ?
-
ĐỒN SƠN CHU DU KÝ
-
CÁC BẾN ĐÒ NGANG - DỌC HUYỆN AN DƯƠNG CỔ
-
BẾN GÓT – CÁI VIỀNG HUYỆN CÁT HẢI (HẢI PHÒNG)
-
ĐÒ DỌC HUYỆN NGHI DƯƠNG (KIẾN THỤY – HẢI PHÒNG)
-
SẮC PHONG CHO THỔ THẦN LẠI BIẾN THÀNH NHÂN THẦN TRẦN QUỐC BẢO
-
PHU NHÂN CỤ TỔ HỌ TÔ NỘI TẠ - VĨNH BẢO
-
QUÁ TRÌNH THI CÔNG SÔNG CHANH DƯƠNG - VĨNH BẢO
-
VĨNH BẢO ĐÒ ƠI!
-
CÁI TÊN A SÀO – THÁI BÌNH CÓ TỪ BAO GIỜ