/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

TÔ NGỌC THẠCH

NHIỀU NHÀ KHOA BẢNG TỈNH NGOÀI, MÀ NHỮNG NGƯỜI VIẾT SÁCH CHO HẢI PHÒNG NHẬN VƠ

Không hiểu vì sao và lấy từ nguồn nào mà sách “Những ông Nghè đất Cảng” Nhà Xuất bản Hải Phòng năm 1994 và “Từ điển Bách khoa Địa danh Hải Phòng” Nhà Xuất bản Hải Phòng năm 1998 lại có tới 13 Tiến sỹ Nho học quê tỉnh khác...

NHIỀU NHÀ KHOA BẢNG TỈNH NGOÀI, MÀ NHỮNG NGƯỜI VIẾT SÁCH CHO HẢI PHÒNG NHẬN VƠ
.
       Nếu không soi trước xét sau
       Hồn nhà khoa bảng đớn đau tận cùng
       Tỉnh “Hoành” lại bảo tỉnh “Tung”
       Mà quên đi mất người hùng quê ta?
       Không hiểu vì sao và lấy từ nguồn nào mà sách “Những ông Nghè đất Cảng” Nhà Xuất bản Hải Phòng năm 1994 và “Từ điển Bách khoa Địa danh Hải Phòng” Nhà Xuất bản Hải Phòng năm 1998 lại có tới 13 Tiến sỹ Nho học quê tỉnh khác lại nhận vơ cho thành phố Hải Phòng:
     Các nhà khoa bảng của các tỉnh Hải Dương, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Thanh Hóa... là: Lê Tử Khanh, Phí Vạn Toàn, Nguyễn Văn Khuê, Nguyễn Đình Chính, Nguyễn Văn Bích, Nguyễn Đoan Kính, Nguyễn Văn Thái, Nguyễn Tự Cường, Nguyễn Duy Minh, Trương Đỗ, Phùng Bá Kỳ, Phạm Minh Du và Phạm Đốc Phỉ...:
     1- Trang 489 ghi: Làng cũ, nay thuộc địa bàn hai thôn Xuân Hùng và Phương Trì đều thuộc xã Hùng Tiến, huyện Vĩnh Bảo. Trước năm 1813 xã Phương Đường, tổng Bắc Tạ, huyện Tứ Kỳ, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương. Đời Đồng Khánh đổi thành Phương Trì, sau ghép với xã Xuân Hùng thành Xuân Trì, sau 1945 lại tách thành 2 thôn độc lập. Tên gọi có muộn nhất trước thế kỷ XVI, thuộc huyện Đồng Lợi, sau là Vĩnh Lại, rồi Vĩnh Bảo.
Quê của các nhà khoa bảng Lê Tử Khanh đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân năm 1523, làm quan tới chức Đoán sự và Phí Vạn Toàn đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân năm 1535, làm quan tới chức Tham chính...
     Tôi thấy các nhà biên soạn phần nội dung trên cho từ điển hoàn toàn chưa hợp lý: Xã Phương Trì và Xuân Hùng thuộc tổng Bắc Tạ, huyện Tứ Kỳ thời phong kiến (trước 1838), thì câu kết trên lại ghép xã này vào huyện Đồng Lợi (vì kiêng húy, đầu Lê sơ đổi thành Đồng Lại. Đời Lê Thánh Tông đổi thành Vĩnh Lại).
     Còn thực tế làng Xuân Hùng trước năm 1989 là Xuân Cốc, sau đó sát nhập với xóm Tiền Phong của làng Đại Nỗ (Lỗ) kế bên thành Xuân Hùng thuộc xã Hùng Tiến. Làng Xuân Cốc trước 1956 thuộc xã An Hòa kề bên, cùng huyện Vĩnh Bảo. Còn làng Xuân Cốc và Phương Đường (Trì) từ trước tới nay chưa bao giờ sát nhập hoặc tách ra. Và tại huyện Tứ Kỳ trước và sau 1838 là Vĩnh Bảo chưa có làng Xuân Trì và địa phương này chưa bao giờ thuộc huyện Vĩnh Lại. Những người viết sách đã nhầm huyện Vĩnh Bảo là từ huyện Vĩnh lại mà ra vì hai huyện đều có từ Vĩnh. Vì vậy địa danh Xuân Trì của Hải Dương lại ghép cho Hải Phòng. Còn xã Xuân Trì, tổng Vân Hội, huyện Vĩnh Lại, nay là làng Xuân Trì, xã Hoàng Hanh, huyện Ninh Giang, từ trước tới nay đều thuộc huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương.


     2- Trang 458 ghi: Làng cũ Ứng Mộ, nay chưa rõ thuộc xã nào trong địa bàn huyện Vĩnh Bảo. Sách “Tên làng xã Việt Nam... ” ghi xã Ứng Mộ, tổng Xuyên Hử, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương, nhưng đến cuối thế kỷ XIX tổng này thuộc huyện Tứ Kỳ cùng phủ. Được xem là quê của các nhà khoa bảng cùng có nguyên quán ở xã Bất Quần, huyện Quảng Xương... (Thanh Hóa), từng trú quán ở Hải Phòng:
     a- Nguyễn Văn Khuê (1579 - ?) đỗ Hoàng giáp năm 1610, làm quan tới chức Đô cấp sự trung khoa Lại.
     b- Nguyễn Đình Chính (1608 - ?) đỗ Tiến sỹ năm 1652, làm quan đến chức Tả thị lang bộ Binh, Kinh diên giảng quan, tước hầu.
     c- Nguyễn Văn Bích (1620 – 1706) đỗ Bảng nhãn năm 1659, làm quan tới chức Thượng thư bộ Công, tước Thọ Xương hầu...
     Những người viết sách đã nhầm xã Ứng Mộ, tổng Xuyên Hử, huyện Vĩnh Lại, sau thuộc huyện Vĩnh Bảo. Còn từ trước tới nay địa danh trên đều thuộc huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Và xã này chưa bao giờ thuộc huyện Tứ Kỳ, vì nó ở phía Tây Bắc huyện Ninh Giang. Hay qua Bia đá Tiến sỹ số 27 niên hiệu Hoằng Định thứ 12 (1610) được đặt tại Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội, dựng ngày 16 tháng 11 năm Thịnh Đức nguyên niên (1653) ghi: Đệ nhị giáp Tiến sỹ xuất thân Nguyễn Văn Khuê, xã Bất Quần, huyện Quảng Xương. Hay qua Bia đá Tiến sỹ số 39 niên hiệu Khánh Đức thứ 4 (1652) được đặt tại Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội dựng ngày 16 tháng 11 năm Thịnh Đức nguyên niên (1653) ghi: Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân Nguyễn Đình Chính, xã Bất Quần, huyện Quảng Xương. Hay qua Bia đá Tiến sỹ số 41 niên hiệu Vĩnh Thọ thứ 2 (1659) được đặt tại Vă Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội, dựng ngày 2 tháng 3 năm Vĩnh Thịnh thứ 13 (1717) ghi: Đệ nhất giáp Tiến sỹ cập đệ Nguyễn Văn Bích, xã Bất Quần, huyện Quảng Xương, Thanh Hoa (nay thuộc Thanh Hóa).
     3- Trang 420 ghi: Làng Tiền Liệt cũ thuộc huyện Vĩnh Bảo, nay chưa rõ thuộc xã nào. Sách “Các trấn tổng danh bị lãm... ” ghi xã Tiền Liệt, thuộc tổng Xuyên Hử, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương, nhưng đến cuối thế kỷ XIX tổng này thuộc huyện Tứ Kỳ cùng phủ. Quê của các nhà khoa bảng:
     a- Nguyễn Đoan Kính đỗ Hoàng giáp năm 1499, làm quan tới chức Phủ doãn phủ Phụng Thiên, tước Văn Ninh hầu thời Mạc.
     b- Nguyễn Văn Thái (1479 - ?) đỗ Thám hoa năm 1502, làm quan tới chức Thượng thư. Đi sứ nhà Minh lần 2 và bị giữ lại, lấy vợ người Hoa họ Trương, sinh ra Tiến sỹ Trương Ngạn Xán (theo họ mẹ).
     c- Nguyễn Tự Cường (1570 - ?) đỗ Tiến sỹ năm 1504, làm quan tới chức Hữu thị lang bộ Lễ, tước Xuân Quận công, lúc mất được truy phong Thượng thư, hàm Thiếu bảo.
Hay qua Bia đá Tiến sỹ số 10 niên hiệu Cảnh Thống thứ 5 (1502) được đặt tại Vă Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội dựng ngày 10 tháng 11 năm Cảnh Thống thứ 5 (1502) ghi: Đệ nhất giáp Tiến sỹ cập đệ Nguyễn Văn Thái, xã Tiền Liệt, huyện Vĩnh Lại.
     Những người viết sách đã nhầm xã Tiền Liệt, tổng Xuyên Hử, huyện Vĩnh Lại, sau này là Vĩnh Bảo. Còn địa danh trên từ trước tới nay thuộc huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Và xã này chưa bao giờ thuộc huyện Tứ Kỳ.
     4- Trang 166 ghi: Làng Hà Dương cũ, tổng Hạ Am, phủ Vĩnh Bảo, tỉnh Hải Dương. Trước 1813, xã Hà Hà Dương, tổng Hạ Am, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương. Quê của nhà khoa bảng:
     Nguyễn Duy Minh (1462 - ?), đỗ Đệ tam giáp Đồng Tiến sỹ xuất thân năm 1487, làm quan nhà Lê đến chức Tả thị lang. Không biết “Từ điển Bách khoa địa danh Hải Phòng” lấy nguồn từ đâu mà Nguyễn Duy Minh lại sinh năm 1462. Còn theo tài liệu Các nhà khoa bảng Việt Nam 1075 - 1919 của Ngô Đức Thọ cũng như sách “Tiến sỹ Nho học tỉnh Hải Dương” và nhiều sách khác nữa đều ghi ông sinh năm 1468 và còn viết năm 20 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân niên hiệu Hồng Đức thứ 18 (1487) đời vua Lê Thánh Tông.
     Chúng tôi đã tới làng Hà Dương, xã Cộng Hiền, huyện Vĩnh Bảo nhiều lần để tìm hiểu về nhà khoa bảng này, nhưng chưa phát hiện ra minh chứng gì có cơ sở để khảng định nhà khoa bảng Nguyễn Duy Minh là người quê Vĩnh Bảo. Cuối cùng chúng tôi đành tới Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội) để xem Bia đá Tiến sỹ số 8 do Phụng trực Đại phu Hàn lâm viện thừa chỉ Đông các Đại học sỹ Thư chính thượng khanh Thân Nhân Trung soạn lời. Mậu lâm tá lang Trung thư giám điển thư Nguyễn Cận viết chữ và Cẩn sự lang kim quang môn đãi chiếu Nguyễn Nhân Huệ khắc chữ. Bia được dựng ngày 15 tháng 8 năm Hồng Đức thứ 18 (1487) ghi: “Nguyễn Duy Minh, xã Hà Trường, huyện Giáp Sơn”. Như vậy ta có thể khảng định được nhà khoa bảng Nguyễn Duy Minh không phải người quê làng Hà Dương, huyện Vĩnh Bảo.
     5- Trang 341 ghi: Làng Phù Đới cổ, nay thuộc huyện Vĩnh Bảo... Nhiều sách nghiên cứu gần đây đều coi đất Phù Đái (Đới) thuộc địa bàn huyện Vĩnh Bảo. Quê nhà khoa bảng Trương Đỗ (? - ?), đỗ Tiến sỹ đời Trần Nghệ Tông, làm quan tới chức Ngự sử đài tư giám, Đình úy tự khanh, Trung Đô phủ tổng quản...
     Thực tế chúng tôi không tìm được làng Phù Đới, mà chỉ có làng Phù Tải, huyện Đồng Lợi, sau là xã Phù Tải, tổng Văn Hội, huyện Vĩnh Lại, nay là làng Phù Tải, xã Thanh Giang, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương. Từ trước tới nay địa danh này đều thuộc tỉnh Hải Dương. Và nhà khoa bảng Trương Đỗ không phải người huyện Vĩnh Bảo, mà “Từ điển Bách khoa địa danh Hải Phòng” ghi.
     6- Trang 477 sách “Từ điển Bách khoa địa danh Hải Phòng” ghi: “Làng cũ Vĩnh Mỗ, nay chưa rõ ở xã nào ở huyện An Hải, có thể nằm trong xã Lê Thiện. Được xem là quê của nhà khoa bảng Phùng Bá Kỳ (1694 - ?), đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân năm 1715, làm quan tới chức Đãi chế Viện Hàn lâm”. Chúng tôi tra “Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX” và bản đồ hành chính huyện An Dương, phủ Kinh Môn và huyện Yên Lạc, phủ Tam Đới cũng như sách “Đồng Khánh địa dư chí” thấy có duy nhất xã Vĩnh Mỗ thuộc tổng Đông Lỗ, huyện Yên Lạc, phủ Tam Đới, trấn Sơn Tây, nay thuộc huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Hay tại Bia đá Tiến sỹ số 60 tại Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội), dựng ngày 2 tháng 3 năm Vĩnh Thịnh thứ 13 (1717) ghi: Phùng Bá Kỳ, xã Vĩnh Mỗ, huyện Yên Lạc. Những người làm từ điển cho Hải Phòng đã dịch nhầm chữ Lạc thành chữ Hải, nên Yên (An) Lạc dịch thành An Hải và nhà khoa bảng Phùng Bá Kỳ không phải là người An Hải.
     7- Trang 74 và 75 ghi: Làng cũ Cẩm La (trước tên Cẩm Bồ?) tổng Kinh Khê, huyện Tiên Minh, phủ Nam Sách, trấn Hải Dương. Quê các nhà khoa bảng:
     a- “Phạm Minh Du (1491 - ?), đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân năm1514, làm quan nhà Mạc tới chức Thừa chính sứ. Sách Các nhà khoa bảng Việt Nam ghi Phạm Minh Du, người xã Cẩm Phố, tức Cẩm Phả Quảng Ninh. Theo Địa chí cũ, đến thế kỷ XIX, trấn Yên Quảng chưa có xã Cẩm Phố. Đại Nam nhất thống chí soạn lời Tự Đức chép: Tỉnh Yên Quảng chỉ có Vũ Phi Hổ, người Hoành Bồ đỗ Đồng Tiến sỹ khoa Tân Mùi đời Hồng Thuận, sau làm quan tới chức Phó Đô ngự sử.
     b- Phạm Đốc Phỉ (1502 - ?), đỗ Tiến sỹ xuất thân. Làm quan nhà Mạc tới chức Tham chính. Có tài liệu ghi Phạm Đốc Phỉ, người làng Cẩm Hà, huyện An Lão hoặc xã Cẩm Bồ, huyện Tiên Minh. (Các chữ “Bồ”, “Phố”, “Hà” rất khác nhau về tự dạng nên khó có khả năng viết lầm).
     Chúng tôi đã tới xã Tự Cường, huyện Tiên Lãng và tìm các tài liệu về Dư địa chí cổ, cũng như bia đá, nhưng tại huyện Tân Minh (Tiên Lãng) và huyện An Lão đều không thấy xã Cẩm Phố (Bồ, Hà). Còn xã Cẩm La ở Tân Minh (Tiên Lãng) chưa bao giờ mang tên Cẩm Bồ, ở huyện An Lão chưa bao giờ có xã Cẩm Hà. Chúng tôi tiếp tục tìm kiếm nhiều tư liệu khác về các nhà khoa bảng Việt Nam thì mỗi sách viết một kiểu và không có lô gic…
     Hay tiếp tục ở trang 342 của sách trên ghi: Phạm Đốc Phỉ (1502 - ?), người xã Cẩm Phố, huyện Tiên Yên, nay thuộc thị xã Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Con của Phạm Minh Du. Đỗ Đệ nhị giáp Tiến sỹ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Mậu Tuất, niên hiệu Đại Chính thứ 9 (1538) đời Mạc Đăng Doanh. Làm quan đến chức Tham chính. Đỗ năm 37 tuổi (LHĐK).
Qua những dữ liệu trên, chúng tôi thấy: Hai bố con mà ở hai quê khác nhau, hay bố sinh năm 1491, còn con trai sinh năm 1502 là hoàn toàn chưa hợp lý. Buộc chúng tôi phải tìm tới Văn Miếu Quốc Tử Giám để tiếp cận với Bia đá Tiến sỹ số 12, năm Hồng Thuận thứ 6 (1514) do Trinh ý công thần Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu thiếu bảo Thượng thư bộ Lại, Đông các Đại học sỹ, Nhập thị Kinh diên chính trị thượng khanh Vũ Duệ soạn lời. Trung trinh đại phu Trung thư giám điển thư khuông mỹ thiếu doãn Chu Đình Bảo viết chữ và Thông chương đại phu kim quang môn đãi chiếu Tư chính khanh Phạm Đức Nhi khắc chữ, được dựng ngày 17 tháng 4 năm Quang Thiệu thứ 6 (1521) đề: “Phạm Minh Du, người châu Tân An, phủ Hải Đông”.
     Thời Lê sơ thì châu Tân An thuộc phủ Hải Đông. Vì phải kiêng húy, đến thời vua Lê Duy Tân giữ ngôi (1600 – 1619) thì Tân An đổi thành Tiên An, sau đó đến thời chúa Trịnh Giang nên nắm quyền (1729 – 1740) thì Tiên An đổi thành Tiên Yên, nên chắc chắn quê 2 nhà khoa bảng trên là xã Cẩm Phố, châu Tân An, phủ Hải Đông. Tới thời đầu Nguyễn (1802 – 1945) đổi thành xã Cẩm Phả thuộc tổng Hà Môn, châu Tiên Yên, trấn Yên Quảng. Đời Đồng Khánh (1886 – 1888) là xã Cẩm Phả, tổng Hà Thanh, châu Tiên Yên, phủ Hải Ninh, tỉnh Quảng Yên. Đầu thế kỷ XX thuộc huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Yên – Tức thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh ngày nay. Có lẽ đây là lời giải đáp về quê quán của 2 nhà khoa bảng trên.
      Nếu soi kỹ lại các sách đã xuất bản tại Hải Phòng, chắc chắn còn tìm ra nhiều Tiến sỹ Nho học của tỉnh khác mà những người viết sách cho Hải Phòng nhận vơ hay quên đi một số Tiến sỹ Nho học người Hải Phòng như:
     a- Hoàng giáp Nguyễn Minh Đạt đỗ năm Hồng Đức thứ 24 (1493), quê Vĩnh Bảo
     b- Hoàng giáp Nguyễn Bá Tùng đỗ năm Cảnh Thống thứ 5 (1502), quê Vĩnh Bảo
     c- Tiến sỹ Nguyễn Duy Tinh đỗ năm Đại Chính thứ 6 (1535), quê Vĩnh Bảo
     d- Tiến sỹ Đặng Duy Minh đỗ năm Hoằng Định thứ 6 (1604), quê Vĩnh Bảo và còn nhiều nhà khoa bảng khác nữa.
                                        NGỌC TÔ