/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

TÔ NGỌC THẠCH

NGUYỄN BỈNH KHIÊM ĐƯỢC PHONG TƯỚC QUỐC CÔNG TRƯỚC NĂM 1553?

...càng khảng định tầm nhìn chiến lược và phòng lo xa của “Nhà Tiên tri số Một” Việt Nam?

NGUYỄN BỈNH KHIÊM ĐƯỢC PHONG TƯỚC QUỐC CÔNG TRƯỚC NĂM 1553?
.

       Con người ai cũng có quê, còn lấy mấy đời làm nguyên quán (quê gốc) đó là chuyện khác. Ngay Nữ tướng Lê Chân, người khai sinh ra trang An Biên (Vẻn) của Hải Phòng, quê gốc ở huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, hay Thái úy Tô Hiến Thành sinh ra ở Ninh Bình, lớn lên ở Thanh Hóa, nhưng vẫn lấy quê gốc ở xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng, Hà Nội… Và còn khá nhiều những nhân vật nổi tiếng khác cũng chưa xác định được quê gốc. Để tìm được gốc gác của làng xã hay nguyên quán (quê gốc) của một nhân vật lịch sử nào đó cũng không phải là chuyện dễ dàng?

       Trong quá trình tìm về nguồn cội các làng xã cũng như các dòng tộc của mảnh đất “Bảo vệ vĩnh viễn”, chúng tôi thấy vào thời nhà Trần, nhóm ngư dân trang Trình Tuyền, huyện Thần Khê, phủ Long Hưng (sau là huyện Tiên Hưng, tỉnh Thái Bình) với nhiều tên làng xã có chữ đầu là “Cổ” - “Kẻ ” về bên bờ Hữu hạ lưu sông Thái Bình sinh sống bằng nghề chài lưới. Vì biển ngày một lùi xa, buộc họ lên bờ canh tác và không quên nơi chôn nhau cắt rốn của mình, lập ra ấp mang tên Trình Tuyền thuộc trang Úm Mạt (tên Nôm là Mét, từ giữa thời Mạc mang tên Cổ Am)…

       Theo tương truyền, từ thời Lê sơ chàng thanh niên có sức vóc hơn người họ Nguyễn, tên Tĩnh, quê ở trang Quang Liệt, tổng Yên Khánh, huyện Yên Mô, phủ Trường Yên (nay là tổ Mười Hai, phường Tân Bình, thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình) gia nhập quân đội thời vua Lê Thái Tông. Không biết số phận rủi ro thế nào, ông đã “trôi dạt” về ấp Trình Tuyền, huyện Vĩnh Lại, thừa tuyên Nam Sách (nay là thôn Trung Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng). Lúc cựu chiến binh Nguyễn Văn Tĩnh đến ấp Trình Tuyền đã có những cư dân về đây sinh sống, vì là người đến muộn hơn, nên ông chọn vạt đất phía Đông của ấp, nằm bên triền Hữu hạ lưu sông Thái Bình làm nơi sinh cơ lập nghiệp.

       Tại mảnh đất hoang hóa này, Nguyễn Văn Tĩnh đã xây dựng gia đình với người thiếu nữ họ Phạm, tên là Trinh Huệ và sinh ra hậu duệ Nguyễn Văn Định. Khi lớn lên không biết thực hư thế nào, nhưng những giai thoại về chàng nho sinh Nguyễn Văn Định bị các dòng tộc lớn trong làng tổng chèn ép và lận đận trên con đường khoa cử…

Không có mô tả ảnh.
Bài tựa “Bạch Vân Am cư sỹ Nguyễn Văn Đạt phả ký” của Ôn Quận công Vũ Khâm Lân

       Vào những năm cuối của thế kỷ XX, lúc tìm hiểu về gia tộc của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, chúng tôi được tiếp xúc với nhiều tài liệu tiếng Việt, đặc biệt là có tác giả còn “thêm mắm thêm muối” hay một số bản dịch chưa chuẩn xác về họ, tên, chức, tước, tuổi tác… của một số thành viên gia đình Nguyễn Bỉnh Khiêm, nên một số tài liệu, sách xuất bản hay phim tư liệu có những chi tiết chưa thật chính xác. Sau đó chúng tôi có được bản chép tay nguyên gốc bằng chữ Nho ở Thư viện Quốc gia cuốn “Công dư tiệp ký”của Tiến sỹ Vũ Phương Đề, từng làm quan Đốc đồng trấn Hải Dương, hay bài tựa “Bạch Vân Am cư sỹ Nguyễn Văn Đạt phả ký” của Ôn Quận công Vũ Khâm Lân cùng thời vào thập niên bốn mươi thế kỷ XVIII, trong đó có đoạn ghi:

Phiên âm:

“Công húy Bỉnh Khiêm, hiệu Bạch Vân Cư sỹ, Vĩnh Lại, Trung Am nhân,  thời Mạc Đăng Doanh, Ất mùi khoa trúng Trạng Nguyên, Đại Chính lục niên. Tiên thế giai hữu ấm đức bất khả, khảo tổ ấm phong Thiếu Bảo Từ Quận công, Văn Tĩnh. Tỷ ấm phong Chính phu nhân Phạm Thị Trinh Huệ.

      Thủy bốc dương trạch, sơn thủy diện hoàn, chiêu hợp tam vương kiềm ký. Khảo tặng Thái Bảo Nghiêm quận công Văn Định, Đạo Hiệu Cù Xuyên tiên sinh, hữu học hành sung Thái học sinh. Mẫu Từ Thục Thái phu nhân Nhữ thị, tiên triều, An Tử nhân, hộ bộ Thượng thư Nhữ Văn Lan tướng công tiểu nữ…”

Dịch nghĩa:

      “Tiên sinh Nguyễn Bỉnh Khiêm hiệu là Bạch Vân cư sỹ, người làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, đỗ Trạng nguyên khoa Ất Mùi, niên hiệu Đại Chính thứ 6, đời Mạc Đăng Doanh, các thân phụ như tổ khảo đời trước đều được ấm phong đầy đủ.

      Ông nội là Thiếu Bảo Từ Quận công Nguyễn Văn Tĩnh, bà nội là Chính Phu nhân Phạm Thị Trinh Huệ. Quê gốc của Tiên sinh là nơi có sông, có núi, sơn thủy bao quanh rất hợp với thế trạch phong thủy đắc địa theo thuyết của Cao Vương xưa (tức Cao Biền, nhà phong thủy nổi tiếng đời Đường).

       Cha đẻ là Thái Bảo Nghiêm Quận công Nguyễn Văn Định. Mẹ đẻ là Thái Phu nhân Nhữ Thị Thục, người làng An Tử Hạ, con gái của Tướng công Nhữ Văn Lan, Thượng thư bộ Hộ triều Lê…” 

      Khi có “Công dư tiệp ký”“Bạch Vân Am cư sỹ Nguyễn Văn Đạt phả ký”, chúng tôi xác định được chính xác tên hiệu, tước phong đầy đủ sáu người con trai của ông và được biết tất cả họ đều tham gia binh nghiệp. Còn việc tìm người con trai út Nguyễn Ngọc Liễn bên huyện Tiên Lãng kế bên không gặp mấy khó khăn.

       Trong thời gian đọc kỹ bài tựa của Ôn Quận công Vũ Khâm Lân, bao nhiêu câu hỏi được đặt ra: Tại saongười trong họ của Tiên sinh là Nguyễn Văn Lý sợ sau này gia phả thất lạc, có soạn lại một quyển và nhờ tôi viết cho bài tựa” vì vào thời gian ấy (1742 – 1743) nhà Lê mạt còn đang tồn tại, những gì bị bại lộ thì các hậu duệ của Bạc Vân cư sỹ cũng không thể “yên bề gia thất”.

       Lúc đương thời Nguyễn Bỉnh Khiêm đã làm bài thơ được ghi ở bát hương thờ bên từ đường họ ngoại (họ Nhữ) tại Tiên Lãng để con cháu sau này tìm lại nhau, trong đó có đoạn:

“Có những việc Thánh hiền

Thiên cơ không tiết l 

Hôm nay tại nhà Tổ

Ngước nhìn rồng thăng thiên?” 

      Bài thơ năm chữ của Nguyễn Bỉnh Khiêm có thể gọi là một bài sấm Trạng tuyệt hay, mà nay chúng tôi là người từng bước “cởi nút”. Chưa cần đọc bài tựa của “Bạch Vân Am cư sỹ Nguyễn Văn Đạt phả ký”, ta có thể khảng định được quê gốc của Nguyễn Bỉnh Khiêm không thể ở lục tổng khu dưới huyện Vĩnh Bảo, vì đây là vùng đất ven biển còn non trẻ.

       Hay khi ta đọc đến câu: “Quê gốc của Tiên sinh là nơi có sông, có núi, sơn thủy bao quanh rất hợp với thế trạch phong thủy đắc địa theo thuyết của Cao Vương xưa (tức Cao Biền, nhà phong thủy nổi tiếng đời Đường)”. Ta có thể thấy ý của tác giả ghi phần Tổ khảo (ông nội), đến phần quê quán, rồi mới đến phần cha đẻ của Bạch Vân tiên sinh. Đây cũng là một gợi mở để những nhà nghiên cứu quan tâm tới vùng đất Ninh Bình và Bắc Ninh nhiều hơn bởi các truyền thuyết về núi Cánh Diều ở Ninh Bình, chùa Dạm ở Bắc Ninh là những nơi có liên quan tới Cao Biền… Đặc biệt mảnh đất Ninh Bình có nhiều hậu duệ của Nguyễn Bỉnh Khiêm từng sinh sống, trong đó có con gái lớn của ông, chồng là Phạm Dao, từng làm Trấn thủ Sơn Nam, mà hồi đó lỵ sở ở Vân Sàng (bên sông Vân, thành phố Ninh Bình) vào thời gian Nguyễn Bỉnh Khiêm đang làm quan trong triều. Hay người con trai của ông là Hàn Giang cư sỹ sau khi nhà Mạc tan rã đã “trôi dạt” về mảnh đất nơi đây, rồi hậu duệ đổi thành họ Giang và nay thành một dòng họ lớn tại Trường Yên, Hoa Lư. Phần mộ của Hàn Giang cư sỹ ở ngay bên Hữu trước đền vua Đinh vua Lê.

       Rồi khi xem xét về các thành hoàng tại tỉnh Ninh Bình, chúng tôi thấy đình làng Quang Hiển, tổng Yên Khánh, huyện Yên Mô, phủ Trường Yên, nay thuộc phường Tân Bình, thành phố Tam Điệp thờ ba thành hoàng là Hoàng Tín Công, Hoàng Đại Công, Hoàng Thống Công là những vị tướng dưới thời Hùng Vương. Tại đây vẫn còn nhiều di tích mang đậm dấu ấn lịch sử như tấm bia đá ghi việc Thiếu Bảo Từ Quận công, tước Đông Sơn hầu mở núi làm đường, bắc cầu, lập chợ vào giai đoạn Nam – Bắc triều, giữa thế kỷ thứ XVI...

Có thể là hình ảnh về ngoài trời và tượng đài
Nhà văn Ngọc Tô (trái) trong nghĩa trang của họ Giang trước đền vua Đinh vua Lê

       Thời gian dần trôi, vào một ngày trung tuần tháng tư vừa qua, tôi phải trổ hết khả năng ngoại giao của mình mới tìm được số điện thoại của lãnh đạo phường Tân Bình, thành phố Tam Điệp. Rất may, gặp được Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Đoàn Văn Thuận, rồi từ đây tôi liên hệ được với Bí thư Chi bộ thôn Quang Hiển (nay là tổ Mười Hai) và quyết định sáng sớm hôm sau đi Ninh Bình. Nhưng tới cuối buổi chiều, nhận được cú điện thoại của một già làng Quang Hiển: “Ông phải xin phép lãnh đạo tỉnh, thành phố Tam Điệp thì chúng tôi mới giúp ông tới được tấm bia kia vì quy định ở đây là vậy”. Trong tôi chợt hiện ra nỗi buồn man mác và xuất hiện ý định bỏ cuộc tìm kiếm quê gốc của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Sau ít phút suy tư, tôi điện lại cho Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Tân Bình xem sao? Bên kia đầu dây nói: “Mai chú cứ tới, cháu bố trí cán bộ dẫn vào nhé”.

       Sáng hôm sau, tôi bắt xe lên đường cùng với nhà Hán Nôm Hoàng Vũ, một người có tâm huyết với các di tích văn hóa cổ. Gần tới Ninh Bình thì có khá nhiều cuộc gọi của các bạn bè văn nghệ sỹ từ nhiều tỉnh thành hỏi thăm và mời uống cà phê tại Ninh Bình, nhưng công việc quá bận rộn, đành phải khất lần sau với anh em. Trên đường vào nghĩa trang họ Giang - Nguyễn nằm ngay trước đền vua Đinh vua Lê và vào từ đường họ Nguyễn – Giang cách đó không xa để thắp hương trước khi đi Tam Điệp, thì bị công an tỉnh chặn lại vì địa phương có đại lễ. Dù trình bày đủ các lý do, đưa các loại thẻ nhà báo, thẻ nhà văn… và có cả người nhà họ Giang ra đón, nhưng lực lượng giữ gìn an ninh ở đây cũng không cho qua.

       Chúng tôi phải đi xe ôm vào nghĩa trang và đi lối khác tới từ đường họ Giang ở xã Trường Yên thắp hương. Thấy tấm phả đồ của chi Hai họ Giang - Nguyễn còn sai một số tên, họ, đời,… nên chúng tôi đưa lại bản dịch từ Hán tự cho trưởng họ. Khi tiếp xúc với các hậu duệ đời thứ mười tám, mười chín của Trạng Trình ở đây, tôi thấy người nào cũng cao to, lực lưỡng, đúng như những gì tôi phỏng đoán. Thắp hương xong, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình về Tam Điệp. Không biết thế nào, mấy anh em tôi cứ loay hoay ở phường Tân Bình mất khá nhiều thời gian, tới gần mười hai giờ trưa mới quay tới lối rẽ vào trụ sở Ủy ban Nhân dân phường, gặp người đàn ông mặc áo trắng sơ vin, đang cưỡi xe máy đi ra, chúng tôi dừng lại hỏi:

- Làm ơn anh cho biết Ủy ban Nhân dân phường Tân Bình? 

- Giờ không còn ai, em là Lê Gia Thướng, người làng Quang Hiển, cán bộ  Ủy ban Nhân dân là người về sau cùng.

- Thế thì tốt quá, chúng tôi đi khảo sát tấm bia đá ở Quèn Ma quê anh đây?

- Thế các bác đi theo em?

        Như “chết đuối vớ phải cọc”, được người làng Quang Hiển dẫn ra khu vực có bia đá. Trên con đường đá gập ghềnh, nhìn ra xung quanh thấy quang cảnh núi non, sông nước giống như bài tựa của Tiến sỹ Nho học Vũ Phương Đề và Vũ Khâm Lân viết về nguyên quán của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Tới khu vực gần núi Ông, ba anh em tôi buộc phải cuốc bộ vào khu lán trại rìa con sông nhỏ. Lúc đối diện với núi thì Thướng chỉ ở chân núi phía xa là tấm bia đá, muốn tới đó phải đi đò và qua hai con sông nhỏ. Tới lán trại, Thướng gọi người cháu cho mượn đò, nhưng chủ đò chưa về. Đợi một lúc lâu, Thướng mới lấy được chìa khóa và tự tay chở anh em tôi dọc theo sông, lên bãi đất trống, vòng qua đoạn sông cụt để sang bên chân núi, rồi rẽ những bụi gai rậm đi ngược về phía nơi có tấm bia. Mặc dù bị gai cào đầy tay, hay lúc ngồi đò tôi nói đùa: “Nếu có chìm thì tôi sẽ vớt các ông lên, vì cách dây ba năm tôi là tay lặn cừ khôi nhất quận Ngô Quyền”.

Có thể là hình ảnh về Thuong Gia và To Ngoc Thach, mọi người đang đứng, ngoài trời và cây
Nhà văn Ngọc Tô (phải) cùng với Lê Gia Thướng tại bia đá Quèn Ma, thành phố Tam Điệp

       Cuối cùng thì tấm bia đá cũng xuất hiện ở một nơi rất bí hiểm, nếu không có “thổ dân” dẫn đường, chắc phải mất khá nhiều thời gian mới tìm ra được. Các con chữ được khắc trên một mặt của khối đá lớn, có lẽ người thợ khắc chữ phải đến gia công trực tiếp tại đây. Thật may mắn, dù trải qua bốn trăm sáu mươi bảy năm, nhưng rất nhiều chữ vẫn còn đọc được. Xung quanh tấm bia là vân hoa mặt trời và tản vân với hàng chữ lớn: “Khai quan sơn tạo kiều lương biệt thị triền bi ký” (開關山造橋粱別市廛碑記), nghĩa là “Bia ghi công mở núi làm đường, bắc cầu, lập chợ”. Nội dung tấm bia có thể tóm tắt như sau:

       “Vào niên hiệu Thuận Bình thứ 7 (1554) đương tiết thanh minh, mây lành nhẹ bay, mưa xuân mát mẻ, hoa súng nở bừng, cỏ non xanh mơn mởn chào đón duyên lành. Mừng sự việc quan Đề lĩnh trưởng Thái Bảo Từ Quận công Đông Sơn hầu đại sỹ, mở lòng Bồ Tát khi thấy xã Quang Liệt, huyện Yên Mô gặp cảnh đường lên núi gập ghềnh lại bị sông sâu ngăn trở. Ngài đã bỏ tiền ra thuê thợ phá đá, mở đường đi rộng rãi bằng phẳng, bắc cầu gỗ qua sông, dựng lều quán cho hành nhân nghỉ ngơi, lại mở chợ để dân quanh vùng giao lưu buôn bán. Việc làm ấy không chỉ có lợi cho dân làng hôm nay, mà còn có ích cho muôn đời sau.

       Ngày hoàn thành dân chúng mừng khôn xiết, mở hội suốt ngày đêm, các quan viên trên dưới, thái ông, lão bà, thiện nam, tín nữ, cùng vui vẻ kéo nhau lên núi báu cảm tạ công đức của đại quan Thiếu Bảo Từ Quận công Đông Sơn hầu. Sự việc quan trọng này được khắc vào bia đá để truyền cho đời sau”

       Bên phải tấm bia ghi: “Thiếu Bảo Từ Quận công cập Đông Sơn hầu khai quan sơn tạo kiều lương biệt thị triền lập bia ký sự”, nghĩa là Bia ghi chép về người làm công việc đại thiện này là Thiếu Bảo Từ Quận công tước Đông Sơn hầu, tức ông Nguyễn Văn Tĩnh là ông nội của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.

       Bên trái còn dòng chữ: “Thuận Bình thất niên tam nguyệt nhị thập lục nhất”, nghĩa là vào “ngày 26 tháng 3 niên hiệu Thuận Bình thứ 7” (1554). Thời kỳ này là thời Nam Bắc triều, phía Nam (từ Thanh Hóa vào) ghi theo triều Lê, phía Bắc (từ Ninh Bình trở ra, lấy dãy núi Tam Điệp làm ranh giới) ghi theo triều Mạc, tương ứng với ngày 26 tháng 3 niên hiệu Quang Bảo nguyên niên (1554) đời vua Mạc Tuyên Tông. Tấm bia này do Hậu học sinh Vũ Xuân Khanh thôn Ô Xuân, làng Lỗ soạn, Tả quang huyện thừa Vũ Công ở Mậu Lâm duyệt và chứng nhận.

       Qua tấm bia này ta có thể thấy hậu học sinh của Nguyễn Bỉnh Khiêm là Vũ Xuân Khanh, người làng Lỗ (Lỗ Xá), huyện Vọng Doanh, phủ Nghĩa Hưng (nay thuộc Nam Đinh), còn Tả quang huyện thừa Vũ Công, quê Mậu Lâm, tổng Ỷ Đốn, huyện Thần Khê, phủ Tiên Hưng (nay thuộc Thái Bình) duyệt. Ta thấy thôn dân ấp Trình Tuyền có nhiều người xuất thân từ huyện Thần Khê đến sinh cơ lập nghiệp và người làm cũng như người duyệt đều ở Bắc triều do nhà Mạc quản lý, càng chứng tỏ Nguyễn Bỉnh Khiêm là nhân vật chính của tấm bia đá ở Quèn Ma.

       Khi tạo dựng tấm bia này thì Nguyễn Bỉnh Khiêm sang tuổi sáu mươi tư, bố đẻ và ông nội của ông đã mất từ lâu và theo chúng tôi thì Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm được ban tước Trình Quốc công vào trước năm Cảnh Lịch thứ 6 (1553) đời vua Mạc Tuyên Tông, đây là một tước phong cao nhất của triều đình nhà Mạc ban cho một quan văn lúc sinh thời, mà trước đây nhiều người viết sử cho rằng vào thời gian sau khi ông mất. Rồi khi tìm được ba tấm bia ở chùa Khang Ninh (quê ngoại Ngọc Tô), chùa Thanh Quang (huyện Quỳnh Phụ) và chùa Cao Dương (huyện Thái Thụy, Thái Bình) thì những những nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa mới khảng định Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm được ban tước Trình Quốc công trước năm Sùng Khang thứ 3 (1568).

Có thể là hình ảnh về đang đứng và ngoài trời
Từ phải qua (Ngọc Tô, Hoàng Vũ và Lê Gia Thướng) tại từ đường họ Nguyễn thôn Quang Hiển, Tam Điệp

       Tại sao khi ông nội Nguyễn Văn Tĩnh mất lâu rồi, lại có tấm bia công đức tại Quèn Ma thôn Quang Hiển này? Theo “Lịch triều hiến chương loại chí”, khi quan lại nào đó được phong tặng tước Quận công hay Quốc công thì việc phong ấm cho ông nội, bố đẻ (nhị đại) và các con trai được ban tặng hay truy phong tước hầu kèm theo các chức vụ. Do vậy ông nội Nguyễn Bỉnh Khiêm là Nguyễn Văn Tĩnh được truy phong chức Thiếu Bảo Từ Quận công, tước Đông Sơn hầu. Vậy thế mà Nguyễn Bỉnh Khiêm đã dùng số tiền thưởng đó làm công đức tại quê gốc?

       Vì khu vực Tam Điệp là vùng giáp danh giữa Nam triều và Bắc triều, nên Nguyễn Bỉnh Khiêm đã gửi kinh phí vào đó để làm việc đại thiện. Hay từ việc chọn tảng đá lớn bạt đi một mặt làm bia, đến cách ghi niên hiệu Thuận Bình thứ 7 của nhà Lê sơ chứ không ghi theo niên hiệu của nhà Mạc, hay chỉ ghi Thiếu Bảo Từ Quận công, tước Đông Sơn hầu, chứ không ghi tên Văn Tĩnh vào văn bia, hay khắc chữ vào một tảng đá lớn ở sườn núi, nằm ở một vị trí bí hiểm,… càng khảng định tầm nhìn chiến lược và phòng lo xa của “Nhà Tiên tri số Một” Việt Nam?

                                                         NGỌC TÔ