/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

TÔ NGỌC THẠCH

MỘT GIA ĐÌNH GIÀU TRUYỀN THỐNG KHOA BẢNG NHẤT HẢI PHÒNG

Hải Phòng có hơn chín chục nhà khoa bảng, nhưng đặc biệt có một gia đình ở huyện An Lão có ba bố con đều đỗ Đại khoa

     MỘT GIA ĐÌNH GIÀU TRUYỀN THỐNG KHOA BẢNG NHẤT HẢI PHÒNG

.

       Hải Phòng có hơn chín chục nhà khoa bảng, nhưng đặc biệt có một gia đình ở huyện An Lão có ba bố con đều đỗ Đại khoa vào hai kỳ thi lệch nhau 12 năm (1502 và 1514) là một điều chưa từng thấy. Người bố làm quan tới chức Tả thị lang, còn hai người con làm quan tới chức Thượng thư và cả hai đều được ban tước Văn Đẩu hầu và Mỹ Thọ hầu. Ba cha con họ là:

1-   Nguyễn Kim (1470 - ?), là cha của Nguyễn Chuyên Mỹ và Nguyễn Đốc Tín, người làng Thạch Lựu, tổng Đại Phương Lang, huyện An Lão, nay thuộc xã An Thái, huyện An Lão, Hải Phòng, đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân, khoa thi Nhâm Tuất (1502), niên hiệu Cảnh Thống thứ 5, đời vua Lê Hiến Tông. Làm quan nhà Lê tới chức Hiến sát sứ, Tham chính, khi mất được truy tặng hàm Hữu thị lang.

2-   Nguyễn Chuyên Mỹ (? - ?), là con trai của Nguyễn Kim, anh của Nguyễn Đốc Tín, người làng Thạch Lựu, tổng Đại Phương Lang, huyện An Lão nay thuộc xã An Thái, huyện An Lão, đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân, khoa thi Giáp Tuất (1514), niên hiệu Hồng Thuận thứ 6, đời vua Lê Tương Dực (Khóa này triều đình nhà Lê chọn 43 vị đỗ Đại khoa). Làm quan nhà Mạc tới chức Thượng thư. Sau đó vì bất đồng quan điểm với nhà Mạc, ông về trí sỹ tại quê, mở trường dạy hơn 300 sỹ tử, có khá nhiều người thành đạt. Thơ ông có 5 bài chép trong “Toàn Việt thi lục”. Lúc mất, ông được phong Phúc thần và được thờ ở miếu và đình làng Thạch Lựu, hóa ngày 05/12, yên nghỉ tại xứ Mả Ráng của làng.

         Từ cuối thời Lê sơ, bộ máy thống trị thối nát của triều đại phong kiến Việt Nam. Trần Cảo, vì kiêng tên húy nên gọi là Trần Cao, quê trang Dưỡng Chân, huyện Thủy Đường, trấn Hải Dương (nay thuộc Chính Mỹ, Thủy Nguyên, Hải Phòng), người từng giữ chức quan coi điện Thuần Mỹ (Thuần Mỹ điện giám) đã tập hợp những người tha hương, rồi tự xưng là cháu năm đời của vua Trần Thái Tông và hậu duệ về đằng ngoại của Hoàng hậu Quang Thục, mẹ vua Lê Thánh Tông để dấy binh khởi nghĩa.

     Trần Cảo khi ra trận mình mặc áo đen, quân lính đều cạo đầu, để ba chỏm tóc nên còn gọi là lính tam đóa (三鬌, nghĩa là ba chỏm tóc). Ông tự xưng là Đế Thích giáng sinh, xưng làm vua, đặt niên hiệu là Thiên Ứng (天應), quân có tới vài vạn người. Cả một vùng xứ Đông, quân triều đình không kháng cự nổi. Theo “Đại Việt thông sử” ghi:  “Vùng Hải Dương đều rạp xuống như cỏ gặp gió, không ai chống cự nổi”. Đến đầu hạ năm Hồng Thuận thứ 8 (1516) Trần Cảo đem quân đánh vào các huyện ngoại ô Thăng Long, rồi tiến thẳng vào bến Bồ Đề, uy hiếp kinh thành.

         Triều đình nhà Lê sơ bấy giờ lục đục, Lê Tương Dực bị giết, Vua mới là Chiêu Tông còn nhỏ tuổi phải về ở ẩn tại Thanh Hoa (nay là Thanh Hóa), Trần Cảo đã chiếm được Thăng Long. Lê Chiêu Tông ở Tây Đô tập hợp lực lượng quân tam phủ (Thiệu Thiên, Hà Trung và Tĩnh Gia) mưu khôi phục Thăng Long do Trịnh Duy Sản làm Thống lĩnh quân thuỷ bộ, hợp sức các tướng cần vương tiến đánh kinh thành từ bốn phía. Cuối cùng các đạo quân nhà Lê hợp lại phá tan quân Trần Cảo. Ông bèn phá vây bỏ chạy về Lạng Nguyên. Vua Chiêu Tông trở lại kinh đô.

     Sau nhiều lần giao chiến bất phân thắng bại, quân triều đình và quân khởi nghĩa lấy sông Minh Nguyệt làm ranh giới. Sau đó, Trần Cảo truyền ngôi cho con là Trần Cung (có tài liệu ghi là Thăng vì hai chữ giống nhau) rồi cạo đầu làm sư, giấu tên ẩn tích. Trần Cung nhân lúc các tướng nhà Lê sơ tranh giành quyền bính giết hại lẫn nhau, tiếp tục chiếm cứ phía đông chống lại triều đình, cũng xưng vua, đặt niên hiệu là Tuyên Hoà tới tận năm Quang Thiệu thứ 6 (1521) mới bị thất bại dưới tay Thống lĩnh quân giỏi nhất của nhà Lê sơ thời đó là Võ Trạng nguyên Mạc Đăng Dung. Cùng xông pha chiến trận vào thời kỳ này có Tướng quân Nguyễn Chuyên Mỹ. Mạc Đăng Dung được triều đình ban tước công, còn Nguyễn Chuyên Mỹ được ban tước Văn Đẩu hầu. Song song với việc ban tước hầu là kèm theo đất đai tại làng Văn Đẩu. Thời ấy làng này rất rộng, còn nhiều đất hoang hóa với 11 thôn: Đông Linh, Tân Đức, Xuân Biều, Tu Văn, Đẩu Sơn, Thuần Mỹ, Phương Trì, Đẩu Bính, Đẩu Quang, Văn Đẩu và Yển Vũ.

3- Nguyễn Đốc Tín (? - ?), là con trai của Nguyễn Kim, em của Nguyễn Chuyên Mỹ, người làng Thạch Lựu, tổng Đại Phương Lang, huyện An Lão, nay thuộc xã An Thái, huyện An Lão, đỗ Đệ nhị giáp Tiến sỹ xuất thân (Hoàng giáp), khoa thi Giáp Tuất (1514), niên hiệu Hồng Thuận thứ 6, đời vua Lê Tương Dực (Khóa này triều đình nhà Lê chọn 43 vị đỗ Đại khoa). Làm quan nhà Mạc tới chức Thượng thư, tước Mỹ Thọ hầu.

         Tại đình làng Thạch lựu vẫn lưu truyền câu đối:

南同世同朝三進士
一家一日两榮歸

Phiên âm:

Đồng thế đồng triều tam tiến sỹ

Nhất gia nhất nhật lưỡng vinh quy.

Dịch nghĩa:

Cùng một đời, một triều đại có ba người đỗ tiến sỹ

Cùng một nhà, cùng một ngày có hai người được vinh quy.

         Theo ngọc phả, tổ của Nguyễn Kim quê ở Ái Châu (khu vực Thanh Hóa) ra An Lão làm thuốc Đông y, chữa khỏi bệnh cho con gái một gia đình họ Vũ, sau này được dòng họ này gả con gái cho. Dòng trưởng do bà họ Vũ sinh ra trở lại quê cũ, còn dòng thứ hai (thuộc chi Nguyễn Kim) ở lại làng Thạch Lựu và sau trở thành một vọng tộc trong vùng.

     Trong bài “Văn Đẩu hầu gia” ở “Bạch Vân Am thi tập” Nguyễn Bỉnh Khiêm ca ngợi truyền thống học hành của cha con, anh em gia đình Nguyễn Kim nói chung và ca ngợi thơ của Nguyễn Chuyên Mỹ nói riêng.

阮秉謙
題文斗候家
一門父子第二兄
道學相傳版六經
曾把科名連桂藉
竟休清蔭滿槐庭
心無私累室生白
詩友高吟山對聲
天壽斗南觀態在
年年長照紫微星

Phiên âm (Vũ Hoàng)
Nguyễn Bỉnh Khiêm

ĐỀ VĂN ĐẨU HẦU GIA:

Nhất Môn phụ tử đệ nhị huynh
Đạo học tương truyền bản lục kinh
Tằng bả khoa danh liên quế tịch
Cánh lưu thanh ấm mãn hoè đình
Tâm vô tư luỵ thất sinh bạch
Thi hữu cao ngâm sơn đối thanh
Thiên thọ Đẩu, Nam quan thái tại
Niên niên trường chiếu tử vi tinh

Dịch nghĩa
Nguyễn Bỉnh Khiêm


TẶNG HẦU GIA VĂN ĐẨU

Một nhà có người cha và hai người con
Đạo học đươc thừa hưởng sáu bộ kinh thư
Từng chiếm bảng vàng các đợt thi cử
Nghỉ hưu vẫn vui vẻ rộn rã cả sân hòe
Lòng vô tư cửa nhà thanh bạch
Bạn thơ ngâm vang, núi cũng vọng lời
Trường thọ như núi, lòng thư thái
Tấm lòng son, trên đầu như có Sao tử vi mãi mãi chiếu soi
Chú thích:
- Lục kinh: 6 bộ thi thư thời xưa : gồm Thi, Thư, Lễ, Nhạc, Dịch, Xuân Thu, mà các nhà khoa bảng muốn đỗ đạt phải thông thuộc.
- Chú ý câu cuối, sao Tử vi (Đế tinh, sao vua) luôn luôn chiếu trên đầu ngụ ý chỉ người có tấm lòng trung quân ái quốc.

Dịch thơ (Vũ Hoàng):

Nguyễn Bỉnh Khiêm


TẶNG HẦU GIA VĂN ĐẨU

Một nhà ba vị kém ai đâu
Sáu bộ kinh thư thuộc làu làu
Kim bảng ba lần danh vọng tộc
Sân hòe một thủa rực hào châu
Cửa nhà thanh bạch, lòng chẳng bận 
Bạn hữu tao nhân, núi cũng cầu
Tuổi thọ trời cho như núi Đẩu
Lòng son luôn hướng Tử tinh chầu.

NGỌC TÔ