/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

TÔ NGỌC THẠCH

LỊCH SỬ HÀNH CHÍNH VÙNG ĐẤT KINH ĐÔ HẢI PHÒNG

Với 3 mặt thành phía Tả, phía Hữu, phía sau đều có núi, mỗi phía thành đều có đặt pháo đài.

LỊCH SỬ HÀNH CHÍNH VÙNG ĐẤT KINH ĐÔ HẢI PHÒNG

.

      Vùng đất kinh đô, tên cũ là huyện Nghi Dương (宜陽), theo nghĩa Hán là “Ánh dương hòa hợp” hay “Ánh mặt trời thân thiện”. Do biến động của tự nhiên cũng như chịu ảnh hưởng tác động của biển Đông và quá trình bồi đắp phù sa của hệ thống sông ngòi từ miền ngược đổ ra biển Đông, diện tích nơi đây được tăng lên đáng kể theo thời gian. Đến năm Quang Thuận thứ 10 (1469), đời vua Lê Thánh Tông thì vùng đất phía Đông này mới được tách ra từ huyện An Lão cổ và mang tên Nghi Dương, tương ứng với phần lớn địa bàn huyện Kiến Thụy, quận Dương Kinh, quận Đồ Sơn và một phần quận Kiến An ngày nay. Lúc mới thành lập huyện Nghi Dương bao gồm 61 xã và 12 sở đồn điền.

      Lịch sử hành chính của huyện Kiến Thụy từ năm Quang Thuận thứ 10 (1469) trở về trước phụ thuộc vào huyện An Lão, nhưng nó ra đời muộn hơn. Cuối thời Đông Hán (23 – 220) mảnh đất nơi đây thuộc một trong mười huyện của quận Giao Chỉ (Liên Thụ, An Định, Câu Lậu, My Linh, Khúc Dương, Bắc Đái, Kê Từ, Tây Vu, Long Biên, Chu Diên), chưa rõ thuộc huyện nào. Thời Lý – Trần (1010 – 1400) mảnh đất nơi đây thuộc lộ Hồng, sau thuộc châu Đông Triều, phủ lộ Tân Hưng. Thời thuộc Minh (1407 – 1427) thuộc châu Đông Triều, phủ Tân An (Yên). Thời Lê sơ vùng đất này thuộc huyện An Lão, phủ Kinh Môn, lộ Nam Sách, sau là thừa tuyên Nam Sách.

      Còn từ khi thành lập (1469) là một trong bảy huyện (Giáp Sơn, Đông Triều, Kim Thành, An Dương, Nghi Dương, Thuỷ Đường và An Lão) thuộc phủ Kinh Môn, thừa tuyên Hải Dương. Thời nhà Mạc (1527 – 1592) là trung tâm của Dương Kinh (gồm phủ Thuận An ở Kinh Bắc và các phủ Khoái Châu, Tân Hưng, Kiến Xương, Thái Bình ở Sơn Nam) vì huyện có xã Cổ Trai là quê của Mạc Thái Tổ. Thời Tây Sơn (1778 – 1802) huyện Nghi Dương thuộc phủ Kinh Môn, trấn Yên Quảng. Tháng 5 năm Canh Thân (1802) niên hiệu Gia Long nguyên niên thì vua Gia Long trả phủ Kinh Môn từ trấn Yên Quảng về trấn cũ Hải Dương và huyện Nghi Dương thuộc phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương.

 

Có thể là hình ảnh về bản đồ

Bản đồ huyện Kiến Thụy ngày nay

      Tới đầu thời Nguyễn huyện Nghi Dương có 12 tổng gồm (Nghi Dương, Cổ Trai, Sâm Linh, Đại Trà, Đống Khê, Tiểu Trà, Lão Phong, Phúc Hải, Nãi Sơn, Đồ Sơn, Thiên Lộc sau đổi thành Đại Lộc, Trà Hương thời Thành Thái đổi thành Trà Phương) với 56 xã thôn. Theo “Đại Nam nhất thống chí” và “Đồng Khánh dư địa chí thì vào năm Minh Mạng thứ 18 (1837) triều đình nhà Nguyễn thành lập phủ Kiến Thụy thuộc tỉnh Hải Dương. Cái tên Kiến Thụy (建瑞), nghĩa Hán là “tên đất tốt lành” và các huyện An Lão, Nghi Dương, An Dương và Kim Thành thuộc phủ này. Phủ lỵ Kiến Thụy đặt tại huyện Nghi Dương và kiêm quản huyện này.

      Đến thời Đồng Khánh (1886) thì huyện Nghi Dương gồm 12 tổng với 58 xã thôn sau:

1- Tổng Nghi Dương gồm 5 xã: Xuân Dương, Nghi Dương, Mai Dương, Du Lễ, Tú Đôi.

2- Tổng Trà Hương gồm 6 xã: Trà Hương, Quế Lâm, Hương La, Xuân La, Phương Đường, Hương Đường.

3- Tổng Cổ Trai gồm 8 xã: Cổ Trai, Nhân Trai, Kim Sơn, Kỳ Sơn, Cao Bộ, Ngọc Liễn, Đa Ngư, Tam Kiệt.

4- Tổng Đại Lộc (trước là Thiên Lộc) gồm 6 xã, thôn: Đại Lộc, Đoan Xá, Quần Mục, Tiểu Bàng, Hòe Thị, thôn Đông Tác.

5- Tổng Nãi Sơn gồm 6 xã: Nãi Sơn, Hồi Xuân, Lê Xá, Bàng Động, Phụ Lỗi, Đồng Mô.

6- Tổng Đồ Sơn gồm 3 xã: Đồ Sơn, Đồ Hải, Ngọc Xuyên (tên cũ Ngọc tuyền).

7- Tổng Sâm Linh gồm 4 xã: Sâm Linh, Thọ Linh, Thù Du, Minh Liễn.

8- Tổng Đại Trà gồm 4 xã: Đại Trà, Phong Cầu, Đức Phong, Lãng Côn.

9- Tổng Tiểu Trà gồm 3 xã: Tiểu Trà, Vọng Hải, Hương Lung.

10- Tổng Phúc Hải gồm 6 xã, thôn: Phúc Hải, Vân Quan, Lệ Tảo, Quảng Luận, Lãm Hải, thôn Đông Phương.

11- Tổng Đống Khê gồm 4 xã, thôn: Đống Khê, Mao Khê, Lãm Khê, thôn Phương Khê, thôn Mỹ Khê.

12- Tổng Lão Phong gồm 3 xã: Lão Phong, Lão Phú, Quý Kim.

      Vào ngày 11 tháng 09 năm 1887 tỉnh Hải Phòng được thành lập gồm bốn huyện sau: Nghi Dương, An Lão, An Dương và Thủy Đường (tức Thủy Nguyên). Ngày 31 tháng 01 năm 1898 thành phố Hải Phòng tách khỏi tỉnh Hải Phòng và tỉnh này đổi tên thành tỉnh Phù Liễn, năm 1906 tỉnh Phù Liễn đổi tên thành tỉnh Kiến An. Sau cách mạng tháng 8 năm 1945 thì phủ Kiến Thụy đổi thành huyện Kiến Thụy.

      Huyện lỵ Nghi Dương lúc đầu được đặt tại làng Nghi Dương, tổng Nghi Dương. Trong làng này có giáp (xóm) Mõ, nên làng này còn có tên gọi khác là Mõ, chứ không phải tên Nôm của Nghi Dương là Mõ như một số sách xuất bản tại Hải Phòng ghi. Sau đó huyện lỵ di dời về xã Xuân La (nay thuộc xã Thanh Sơn), lúc ở xã Minh Liễn (đời Hàm Nghi là Cốc Liễn, nay thuộc xã Minh Tân), sau này là phủ lỵ Kiến Thụy chuyển về xã Trà (Hương) Phương và Phương Đôi và kiêm quản huyện này.

      Thành phủ Nghi Dương đắp bằng đất có chu vi 133 trượng, cao 5 thước, 4 mặt hào, có 2 cửa. Còn thành phủ Kiến Thụy dựa vào núi Đối, phía trước và hai bên Tả Hữu đắp tường đất, chu vi 156 trượng. Bên Tả bên Hữu mỗi bên dài 48 trượng. Phía trước phía sau mỗi phía dài 30 trượng. Trên núi ở phía sau có đắp tường phụ. Thành cao 7 thước 2 tấc., dày 1 trượng 6 thước. Có 3 cửa: Cửa tiền cao 1 trượng, rộng 8 thước. Cửa Tả, cửa Hữu đều cao 9 thước, rộng 8 thước, dày 1 trượng. Với 3 mặt thành phía Tả, phía Hữu, phía sau đều có núi, mỗi phía thành đều có đặt pháo đài.

NGỌC TÔ